Hôm nay,  

Trái Thốt Nốt Ngày Càng Được Ưa Chuộng

01/06/201500:00:00(Xem: 5233)

SAIGON -- Cây thốt nốt được xem là nguồn lợi chính của đồng bào Khmer ở các xã miền núi vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) với những loại sản phẩm quyến rũ du khách, như: đường tán, đường keo, quạt và tranh làm từ lá, nước giải khát… Đặc biệt giữa mùa nắng nóng như hiện nay, nước lấy từ cây thốt nốt có dầm thêm 1 - 2 múi của trái này đang là món giải khát ưa thích của nhiều người, theo báo An Giang (AGO).

Nhắc đến thốt nốt, ai cũng liên tưởng những keo đường, tán đường, còn trái của cây này thì ít người biết đến. Trái thốt nốt to tròn, màu nâu, ruột có 3 múi trắng trong với lớp võ lụa màu vàng ngà.

AGO dẫn lời ông Chau Kunh (thị trấn Tịnh Biên), cho biết “Trước đây, khách ngại dùng, mình bán hổng chạy. Thế nhưng, mọi người ăn uống quen rồi, nước và trái thốt nốt bắt đầu đắt hàng”. Vào mùa vía Bà Chúa Xứ núi Sam, khi du khách đổ về chợ Cửa khẩu Tịnh Biên, hầu hết đều thích thưởng thức loại đặc sản này. Ông Chau Kunh nói thêm là nước thốt nốt phải cắt bông lấy theo mùa mới ngon, còn trái gần như quanh năm, hết đợt này tới đợt khác.

blank
Đang mùa nắng nóng, múi trái thốt nốt dầm trong nước chiết từ loại cây này là một món giải khát được nhiều người ưa chuộng.

Mùa nắng, đồng bào Khmer vùng Bảy Núi khai thác nước và nấu đường từ 6 đến 8 tháng (từ cuối mùa mưa năm trước và đến đầu mùa mưa năm sau). Do tỉ lệ đường cho thấp hoặc cao còn lệ thuộc vào thời tiết, gây khó cho việc nấu đường, nên xu hướng lấy nước và bán trái ngày càng phổ biến. “Nhà trồng 15 – 20 cây, chỉ cần lấy nước và trái bán sướng hơn, có đồng ra đồng vô quanh năm. Mình lợi nhiều hơn, khỏe hơn nấu đường” – ông Chau Thanh (ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo) nhẩm tính. Du khách tham quan đi càng đông, nhu cầu thưởng thức trái thốt nốt hàng ngày ở các hàng quán càng lớn.

Người trồng thốt nốt ở Bảy Núi thường bán sỉ cho các quán giải khát ven quốc lộ, tỉnh lộ và quanh khu du lịch. “Nước và trái thốt nốt thu hoạch cần có thời gian nhất định. Ở đâu có mà bán hoài cho đủ, nhất là vào mùa hành hương hay ngày nghỉ cuối tuần. Do vậy, trái thốt nốt từ phía Takeo, Campuchia được dịp đưa sang, rồi tỏa đi các hàng quán theo nhu cầu đặt hàng. Hơn thế, trái thốt nốt đất Takeo rất nhiều, nếu không đưa sang bên Tịnh Biên để bán thì bỏ khô trên cây thôi”, ông Chau Sươne (sóc Hào Sển, xã Nhơn Hưng) cho hay.

Theo AGO, cây thốt nốt trồng từ nhỏ tới khi thu hoạch cần thời gian khá dài, tuổi thọ cũng rất cao, tập trung nhiều nhất ở Nhơn Hưng, An Phú, Văn Giáo, An Cư (Tịnh Biên) và Ô Lâm, An Tức, Núi Tô (Tri Tôn). Song, do nhiều yếu tố tác động, loài cây này giảm dần, trong khi du khách đến ngày càng đông và nhu cầu thưởng thức sản phẩm đặc sản mỗi lúc lại tăng. Hiện nay, việc khai thác lấy trái thốt nốt trở nên phổ biến trên vùng Bảy Núi, nhất là đang vào “mùa hành hương” và du lịch tham quan nên trái thốt nốt được dịp lên ngôi, nguồn lợi đối với người trồng cũng nhanh hơn và nhiều hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.