Hôm nay,  

Tin Nước Úc

06/12/200900:00:00(Xem: 3004)

Tin nước Úc

Lãnh tụ mới của đảng Tư Do liên bang: Tony Abbott, một tay quyền Anh tài tử, tu xuất & The Mad Monk!

CANBERRA: Sau hàng loạt khủng hoảng lãnh đạo trong đảng Tự Do liên bang, cùng những màn khôi hài chưa từng thấy trên chính trường Úc trong suốt hơn 3 thập niên với ba diễn viên Joe Hockey, Malcolm Turnbull và Tony Abbott, cuối cùng, ông Tony Abbott đã giành được ghế lãnh tụ đảng Tự Do vào trưa Thứ Ba, 1/12/2009, sau khi thắng Malcom Turnbull với tỷ lệ khít khao 42-41, trong cuộc bỏ phiếu vòng 2. Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu vòng 1, Joe Hockey, người được dư luận tin tưởng sẽ thành lãnh tụ đảng thay thế Turnbull, đã bị loại với số phiếu 23, trong khi Turnbull được 26 và Abbott được 35.
Ngay khi kết quả được công bố, Malcom Turnbull cho biết, ông sẽ lui về hàng ghế sau, nhưng không loại bỏ một cuộc thách thức vai trò lãnh tụ đảng trong tương lai. Điều này báo hiệu những cơn giông tố sẽ tiếp tục bao trùm đảng Tự Do.
Ngay sau đó, tại Quốc Hội, khi ông Abbott công bố chiến thắng trước đồng viện, trong đó có bà Julia Gillard, người hiện xử lý quyền thủ tướng, ông Turnbull đã không có mặt, cho dù những người ủng hộ ông đều hiện diện, kể cả Joe Hockey.
Trong cương vị tân lãnh tu, ông Abbott khẳng định, đảng Tự Do sẽ chặn đứng việc thông qua đạo luật mua bán khí thải ETS. Điều này báo hiệu viễn ảnh lưỡng viện quốc hội Úc sẽ bị giải tán và một cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới. Như vậy, Tony Abbott, một tay quyền Anh tài tử của ngày xưa, Công Giáo, tu xuất, từng có biệt hiệu "The Mad Monk", đã một sớm một chiều hạ gục Joe Hockey, Malcolm Turnbull và làm vỡ mộng thông qua đạo luật ETS của thủ tướng Kevin Rudd.
Tưởng cũng nên nhắc lại, suốt tuần qua, đề tài nóng bỏng nhất nước Úc là sự xào xáo chưa từng thấy trong nội bộ đảng Tự Do về quyền lãnh đạo đảng sau khi ông Malcolm Turnbull cương quyết sẽ yểm trợ chính phủ Lao động thông qua dự luật về chuyện mua bán khí thải (Carbon Pollution Reduction Scheme- CPRS), còn được biết với tên tắt là ETS (Emission Trading Scheme), tại Thượng Viện, sau khi chính phủ Rudd đã nhượng bộ và chấp thuận hơn 100 yêu sách tu chính của đảng Tự Do trước đó.
Thế nhưng, một số không ít dân biểu và TNS của đảng Tự Do lại cực lực chống lại dự luật này, một số khác tuy yểm trợ dự luật nhưng lại không muốn thông qua dự luật này nhanh chóng như thế. Tuy nhiên ông Turnbull vẫn khăng khăng tuyên bố rằng không thể để cho đảng Tự Do bị nguy cơ hủy diệt trong kỳ bầu cử tới nếu họ chống lại dự luật này vì đại đa số dân chúng Úc muốn dự luật được thông qua để đối phó với khí hậu thay đổi.
Trước ngày hạn chót (Thứ Sáu 27/11) để thông qua đạo luật, toàn thể dân biểu và Thượng Nghị Sĩ Tự do đã nhóm họp để tranh cãi về việc có nên thông qua dự luật hay không. Kết quả là đa số thuận, với tỷ lệ khá khít khao. Sau đó, ông Wilson Tuckey đã xách động, ký giấy chính thức kêu gọi tổ chức một cuộc đầu phiếu để tuyên bố trống ghế lãnh đạo (leadership spill) với ông Kevin Andrew (cựu tổng trưởng Di Trú thời John Howard). Các dân biểu đã bầu phiếu kín và đề nghị này đã bị đánh bại với tỷ lệ khít khao như cuộc đầu phiếu về cách đối phó với ETS trước đó. Những tưởng mọi việc đã xong, ngờ đâu sau đó, những người ngồi ở hàng ghế trước của đảng Tự Do lần lượt công bố từ nhiệm và đến Thứ Sáu 27/11 vừa qua thì 10 nhân vật, trong đó có ông Tony Abbott, lại đề nghị tổ chức một cuộc đầu phiếu khác để tuyên bố trống chức lãnh đạo một lần nữa, và tuyên bố ông sẽ ra tranh quyền lãnh đạo với ông Malcolm Turnbull. Cuộc đầu phiếu này đã được tổ chức vào ngày Thứ Ba 1/12 với kết quả đúng như ý muốn của ông Abbott, dọn đường cho cuộc bầu tân lãnh đạo của đảng Tự Do qua hai vòng như đã trình bầy.
Đúng ra, trong suốt cuối tuần qua, dư luận xôn xao bàn tán về người nào sẽ tranh quyền với ông Turnbull, và ông Joe Hockey được xem là người có triển vọng khá nhất để làm chuyện này. Nhiều cuộc thăm dò các dân biểu cho thấy ông Turnbull vẫn có thể đánh bại ông Abbott và ông Hockey chắc chắn sẽ đánh bại ông Turnbull, thế nhưng thực tế đã diễn ra trái ngược, khi ông Hockey bị loại ngay ở vòng bỏ phiếu đầu tiên. Trước đó, ông Abbott đã tuyên bố thẳng thừng vào cuối tuần qua rằng ông sẽ không ra tranh chức lãnh đạo nếu ông Hockey quyết định đứng ra tranh chức này. Trong khi đó, người ta lại nói rằng ông Hockey sẽ chỉ chấp nhận nhảy vào vòng nếu ông Turnbull quyết định từ chức mà thôi và ông Turnbull lại cương quyết không chịu từ chức. Dĩ nhiên, ở thời điểm hiện nay, nhìn vào những diễn biến trước đó, ta sẽ thấy, ngôn ngữ của các chính trị gia luôn luôn là "ngôn ngữ của những thằng say", hay nói theo ngôn ngữ Việt Nam, "trăm voi không được bát nước sáo".
Một nguồn tin khác cũng cho biết, ngày thứ Hai 30/11, khi có tin cho biết nếu ông Hockey nắm chức lãnh tụ thì ông sẽ để cho các TNS Tự Do được quyền tự do bỏ phiếu về dự luật CPRS theo sự suy nghĩ của họ- có nghĩa là phe đối lập dưới quyền lãnh đạo của Hockey sẽ không cực lực chống lại ETS/CPRS. Điều này đã khiến ông Abbott tuyên bố sẽ nhảy ra tranh quyền lãnh đạo cho dù ông Hockey có tranh hay không. Ông cho biết nhiều cuộc thảo luận trong ngày Thứ Hai vừa qua cho thấy ông Hockey sẽ không yểm trợ đề nghị đình hoãn cuộc đầu phiếu thông qua dự luật CPRS cho đến năm 2010. Ông Abbott nói: "Bây giờ có vẻ rõ ràng là chúng ta có thể có lãnh tụ mới là Joe Hockey và những dự luật khả ố này vẫn có thể được thông qua Quốc hội. Tôi tôn trọng quyết định của Joe. Tôi nghĩ rằng nếu Joe muốn tranh chức lãnh tụ trên căn bản cho người ta quyền tự do đầu phiếu thì đấy là quyền của anh ta. Nhưng, một đảng khả tín không thể nào có được quyền bỏ phiếu theo ý thích cá nhân được". Kết quả, để chống lại thái độ lãnh đạo "mạnh ai nấy bỏ phiếu" của Joe Hockey, Abbott đã nhảy ra tranh chức lãnh đạo và chiến thắng.
TNS Nick Minchin, khuôn mặt quyền thế của đảng Tự Do tại Thượng Viện, kẻ đã lãnh đạo cuộc nổi loạn chống ETS và lãnh tụ Malcolm Turnbull cho biết ông sẽ không chấp nhận thông qua dự luật nhanh chóng. Ông tuyên bố trong một thông cáo báo chí: "Tôi vẫn yểm trợ đề nghị rằng dự luật này phải để cho một ủy ban quốc hội điều tra kỹ càng, rồi báo cáo lại sau nghị hội quốc tế ở Copenhagen".
Quan điểm của hai ông Minchin và Abbott đã phá vỡ nỗ lực thỏa hiệp vào giờ chót rằng ông Hockey sẽ lên làm lãnh tụ nếu các dân biểu và TNS Tự do được quyền bỏ phiếu theo lương tâm của họ về ETS. Sự dàn xếp này có nghĩa rằng ông Hockey có thể ra tranh quyền lãnh tụ mà không làm tổn thương sự yểm trợ của ông đối với ETS. Và nó cũng có nghĩa là dự luật CPRS sẽ được thông qua Thượng Viện trước hội nghị thượng đỉnh ở Copenhagen trong tháng 12/09 này, bởi vì chính phủ chỉ cần 7 trong số 32 TNS Tự do yểm trợ là đủ túc số.
Trong khi đó, chính phủ Rudd thì đinh ninh mọi chuyện sẽ thuận lợi vì tin tưởng rằng ông Hockey sẽ trở thành lãnh tụ và đang chuẩn bị một cuộc dàn chào thật nóng bỏng cho ông. Nhưng thật bất ngờ, trưa Thứ Ba, ông Abbott đã tranh cử và chiến thắng, đã làm đảo lộn mọi dự định của chính phủ Rudd, vì ngay khi tuyên bố thắng cử, ông Abbott đã tuyên bố sẽ huỷ bỏ dự luật CPRS.
Nhưng nếu nhìn xa hơn một chút, với tân lãnh tụ đảng Abbott, liệu đảng Tự Do có đủ khả năng thay đổi bối cảnh chính trị liên bang trong cuộc bầu cử sắp tới" Ở thời điểm hiện nay, với sự hậu thuẫn của dư luận dành cho Turnbull chỉ có 29%, Joe Hockey 29.5% và Tony Abbott 22%, xem ra viễn ảnh cầm quyền của đảng Tự Do vẫn còn rất xa vời, ngoại trừ có một chữ "Nếu".
Là người Công Giáo, từng là tu xuất, ông Abbott rất am tường về sự thối nát, thủ đoạn tàn bạo của chủ nghĩa CS vô thần. Vì vậy, nếu Tony Abbott lãnh đạo đảng Tự Do thắng cử trong nhiệm kỳ tới, ông trở thành Thủ tướng, tin chắc cuộc đấu tranh chống CSVN của người Việt tự do tại Úc sẽ gặp nhiều thuận lợi.

SAU CƠN HỎA HOẠN, LÒI RA Ổ CẦN SA

SYDNEY: Một ổ trồng cần sa trong nhà bằng nước (hydroponic) được khám phá hôm Thứ Hai 30/11 vừa qua tại một căn nhà nằm sát bên một trường tiểu học công lập sau khi một vụ hỏa hoạn đã khiến cho cảnh sát tìm thấy một số cây cần sa trị giá hơn $80,000 Úc Kim. Ít nhất có 50 cây cần sa, trong đó có nhiều cây cao gần 2 thước, được tìm thấy trong hai phòng ngủ sau khi lính cứu hỏa và cảnh sát được gọi đến căn nhà gạch nhỏ trên đường Victoria Rd Rydalmere sau khi lửa bốc cháy trên nóc nhà này vào khoảng 2g30 sáng Thứ Hai vừa qua. Khi lính cứu hỏa đến nơi thì trong nhà không có một ai cả.
Cảnh sát cho biết giây điện chạm nhau đã khiến cho lửa phát ra, và có lẽ nguyên nhân chính khiến cho chạm điện là dàn dụng cụ trồng cây bằng nước không cần đất (hydroponic equipment). Tuy nhiên cảnh sát cũng nhấn mạnh rằng hoàn toàn không có bằng chứng gì cho thấy cần sa được mua bán từ căn nhà ấy cả.
Phụ huynh của học sinh tại trường tiểu học công lập Rydalmere Public Schhol cho biết họ “cảm thấy bàng hoàng và phẫn nộ” khi biết được có một ổ trồng cần sa chỉ cách cổng trường có vài thước mà thôi.  Ông Craig Smith, phụ huynh của em Jasmine, học sinh của trường, nói: “Chuyện này quả thật là một chuyện không chấp nhận được gần một trường học như thế. Tôi sống ở Rydalmere này gần như trọn cuộc đời tôi và tôi quả thực bị chấn động khi biết được chuyện này lại có thể xảy ra ở đây, vì đây là một nơi rất an toàn và thân thiện với gia đình”.
Tất cả những cây cần sa đã được mang đi khỏi nơi ấy và sẽ bị tiêu hủy.

BÔI SỔ CÔNG TY LẮP RÁP GIAN MANH

CANBERRA: Con số những công ty lắp ráp đồ cách nhiệt trên nóc nhà (roofing installers) bị xóa tên trong sổ đăng bộ sắp sửa tăng hơn gấp đôi, từ 100 lên 220 vì con số người than phiền về cách làm việc cẩu thả, bê bối và gian manh của các công ty này, kể cả một công ty chuyên nhét đầy giấy báo bị xé vụn giả làm đồ cách nhiệt.
Tổng trưởng môi sinh liên bang, ông Peter Garrett cho biết tiêu chuẩn huấn luyện những người lắp ráp cũng sẽ được nâng cao hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn sau khi có 3 cái chết ở Sydney và Queensland cùng với 57 vụ hỏa hoạn được Sở Cứu Hỏa NSW ghi nhận bắt nguồn từ đồ cách nhiệt trên nóc nhà.
Tưởng cũng nên nhắc lại bộ Môi Sinh đã bị chỉ trích gần đây về chương trình trợ cấp $1200 cho mỗi nóc gia sử dụng các công ty có đăng bộ với chính phủ để lắp ráp đồ cách nhiệt lên nóc nhà.
Các công đoàn cuối tuần qua đã lên tiếng kêu gọi đình hoãn chương trình này sau cái chết của cậu Marcus Wilson 19 tuổi, khi cậu bị nóng quá độ và ngất xỉu rồi chết ngay ngày đầu tiên đi làm ở St Clair trong tháng qua.
Cho đến bây giờ đã có 288 vụ than phiền chỉ riêng ở NSW và đồng thời có hai cuộc điều tra về sự gian lận đang được tiến hành tại tiểu bang này, thế nhưng chính phủ liên bang vẫn khước từ những lời kêu gọi để văn phòng Tổng Thanh Lý (Auditor General) mở cuộc điều tra về chương trình này.
Ông Garrett cho biết chương trình này thành công tột độ với 700.000 căn nhà bây giờ đã có thể tiết kiệm năng lượng hơn trước, nhưng ông cũng nói rằng những công ty lắp ráp tồi tệ cần bị ngăn chận. Ông cho biết thời gian cho các công ty này “chứng minh vì sao có thể tiếp tục”, trước khi bị xóa khỏi danh bộ quá dài sau khi nhật báo Daily Telegraph khám phá rằng một công ty bị cho là có trách nhiệm trong vụ hỏa hoạn ở Bossley Park cách đây hơn 3 tuần vẫn tiếp tục hoạt động và vẫn còn trong sổ danh bộ. Ông Garret cho biết có 120 công ty sắp bị xóa tên khỏi sổ danh bộ và 100 công ty khác đã bị xóa tên từ khi chương trình này bắt đầu hôm 1/07/09 vừa qua. Ông nói: “Chúng tôi xem vấn đề an toàn rất là quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề huấn luyện, chúng tôi đã đáp ứng với những vấn đề ấy rồi. Đáng tiếc là vẫn có một vài vụ việc có hành vi bê bối. Đây thực sự là một chương trình tiết kiệm năng lượng vĩ đại nhất và toàn bộ nhất từ trước đến nay ở đất nước này”.
Kể từ thứ Ba 1/12 danh sách các công ty lắp ráp bị xóa tên khỏi sổ danh bộ sẽ được phổ biến. Thêm vào đó, trước khi lắp ráp đồ cách nhiệt lên nóc nhà thì cần phải có một cuộc nghiên cứu về nguy cơ (risk assessment)- kể cả nguy cơ từ điện- và thêm vào đó phải có ít nhất hai cuộc khảo giá.
Ông Garrett phủ nhận rằng tất cả 57 vụ hỏa hoạn mà Sở Cứu Hỏa xác định bắt nguồn từ đồ cách nhiệt có liên quan đến chương trình này của chính phủ. Ông cho rằng chỉ có 28 vụ mà thôi.

PHÁ VỠ Ổ THAM NHŨNG TRONG BỘ GIAO THÔNG NAM ÚC

ADELAIDE: Cảnh sát Nam Úc đã phá vỡ hai tổ chức tham nhũng hối lộ trong bộ Giao Thông, Năng Lượng và Hạ Tầng Cơ Sở (Transport, Energy and Infrastructure- DTEI) và truy tố 32 người.
Trong một thông cáo báo chí hôm Chúa Nhật 29/11 vừa qua, TTL Cảnh Sát Nam Úc, ông Mal Hyde cho biết vụ tham nhũng này xảy ra trong đơn vị phục vụ khách hàng của bộ và trong số 32 người bị truy tố có 5 người là nhân viên của bộ. Ông nói: “Những vụ câu lưu về các tội trầm trọng này chứng minh rằng những hoạt động phạm pháp có dính líu đến viên chức chính phủ, kể cả những kẻ cố hối lộ cho họ chắc chắn sẽ bị khám phá”.
Ông cho biết thêm: “Cảnh sát cáo buộc rằng có hai nhóm tham nhũng hối lộ có tổ chức hẳn hoi đã nhận tiền hối lộ để gian lận chỉnh sửa hệ thống điện toán của DTEI hầu xóa bỏ các hồ sơ lưu trữ về sự hư hại của xe cộ, xóa bỏ hồ sơ lưu trữ về tình trạng bị hủy bỏ của xe cộ và thay đổi hồ sơ về bằng lái để giúp cho người ta lấy những cái bằng lái mà lẽ ra họ không hội đủ điều kiện để lấy”.
Theo bản thông cáo báo chí của cảnh sát này thì chủ nhân của những chiếc xe bị hư hại được bọn chúng nhận diện hoặc tiếp cận để đòi hối lộ từ những trang web, từ các câu lạc bộ xe và những trận đua xe ở Mallala. Qua hành động tham nhũng của bọn gian này thì những chiếc xe nguy hiểm, không hội đủ điều kiện xuống đường lại được cho xuống đường một cách phi pháp, không thông qua những thủ tục được quy định để bảo vệ người đi đường.
Thoạt đầu, đơn vị chống tham nhũng của cảnh sát tổ chức cuộc điều tra về một nhân viên của bộ bị tố cáo đã nhận tiền hối lộ để sửa đổi hồ sơ điện toán của bộ. Theo sự cáo buộc ấy thì vụ việc này có dính líu đến một thành viên của một băng du đãng xe gắn máy. Người nhân viên DTEI (bây giờ đã bị cho nghỉ việc) đã bị truy tố với 25 tội danh tham nhũng.
Tổng cộng có 5 nhân viên DTEI bị truy tố với 71 tội danh tham nhũng trong khi một nhân viên khác bị tóm bắt vì đã lập lời khai hữu thệ gian trá. Thêm vào đó có 26 người khác bị truy tố với 73 tội danh hối lộ nhân viên chính phủ.
Tất cả những chiếc xe có hồ sơ hư hỏng được xóa bỏ nay đã bị cảnh sát đưa trở lại tình trạng hư hỏng thật sự.

DÂN BIỂU BỊ ĐIỀU TRA VỀ  LẠM DỤNG XE CHÍNH PHỦ

CANBERRA: Theo nhật báo The Courier Mail hôm thứ Hai 30/11 vừa qua thì dân biểu Tự Do liên bang ở Queensland, ông Michael Johnson, đang bị điều tra về việc lạm dụng chiếc xe chính phủ của ông. 
Trong lúc đảng Tự Do tiếp tục xâu xé lẫn nhau thì có sự tiết lộ cho biết ông Johnson đang bị điều tra về chuyện sử dụng chiếc xe toyota Aurion mà chính phủ cấp cho ông.
Bộ Tài chánh liên bang từ chối không xác nhận hay phủ nhận việc có một cuộc điều tra về chiếc xe cũng như về số tiền xăng mà ông Johnson đã tiêu xài. Tưởng cũng nên nhắc lại, ông Johnson tuần qua đã từ chức Parliamentary Whip của đảng Tự Do (đây là chức vụ của người có trách nhiệm triệu tập dân biểu mỗi khi sắp biểu quyết một vấn đề gì trong quốc hội để bảo đảm đảng có đủ túc số) trong cuộc tranh cãi về Chương Trình Giảm Thiểu Khí Thải Carbon (Carbon Pollution Reduction Scheme- CPRS).
Ông Alex Somlyay, Chief Whips của đảng Tự Do bày tỏ sự giận dữ tột độ và tuyên bố hôm cuối tuần qua rằng khi hay tin vợ ông Johnson là người sử dụng chiếc xe này trong thời gian qua thì ông đã ra lệnh rằng chiếc xe ấy phải được lập tức đưa trở về Canberra. Được biết chiếc xe này được lái từ Canberra về Brisbane sau khi quốc hội bãi họp vào đầu tháng 12/08 và sau hai vụ đụng xe nho nhỏ đã không được đưa trở về Canberra cho đến tháng 5/09.
Trong lúc chiếc xe được giữ ở Brisbane thì người thọ thuế đã phải đài thọ cho chi phí chuyên chở giao thông của ông Johnson ở Canberra trong suốt thời gian quốc hội nhóm họp.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng xe cấp cho những người mang chức vụ Whip là một bổng lộc được cấp thêm trong lúc những người này vẫn được hưởng trợ cấp mà các dân biểu được nhận để đài thọ cho một chiếc xe ở đơn vị của họ (an electorate car). Ông Johnson cuối tuần qua thừa nhận rằng ông có thể sẽ phải bồi hoàn vài trăm Úc Kim và cho biết ông đã có một tấm ngân phiếu sẵn sàng từ nhiều tháng qua. Ông nói: “Tôi đã đề nghị bồi hoàn món tiền ấy từ nhiều tháng trước đây”. Ông cho biết thoạt tiên bộ Tài Chánh đòi ông phải bồi hoàn vài ngàn Úc Kim, nhưng ông phản đối vì ông được quyền sử dụng xe có tài xế lái (COMCAR) khi ông đến và rời khỏi Canberra. Ông cho biết ông đang chờ đợi sự trả lời của bộ.
Ông Johnson cho biết ông có quyền sử dụng chiếc xe này ở đơn vị của ông khi quốc hội không nhóm họp. Ông cũng cho biết thêm rằng vợ ông và tất cả nhân viên của ông đều có tên trong “danh sách những tài xế có thẩm quyền lái chiếc xe và có bảo hiểm cho tất cả bọn họ”.
Ông Somlyay cho biết chính ông cũng dùng xe dành cho Whip của ông ở Brisbane nhưng ông không hề cho phép vợ ông sử dụng nó.  Ông nói: “Vợ ông ta (ông Johnson) sử dụng chiếc xe, chính ông ta nói với tôi như thế. Bỏ xe lại để vợ sử dụng hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của cái bổng lộc này và tôi ra lệnh cho ông ta mang nó trở lại. Tôi quá sức giận dữ. Tôi không muốn văn phòng Whip bị ô uế bởi sự lạm dụng bổng lộc như thế. Ông ta từ chức Whip cuối tuần qua, trước khi tôi có dịp”. Ông Somlyay cho biết lẽ ra ông sẽ yêu cầu ông Johnson phải từ chức vì đã không tuân thủ theo lệnh từ văn phòng lãnh tụ.
Tưởng cũng nên nhắc lại, những người Whip có quyền sử dụng xe để đi lại giữa Canberra và đơn vị của họ nếu việc đi lại này là để thi hành công vụ từ quốc hội hoặc từ văn phòng họ. Tuy nhiên, nếu một người Whip quyết định sử dụng chiếc xe cho những công việc cá nhân thì họ chỉ bị yêu cầu phải trả vỏn vẹn $711 một năm mà thôi.

ÚY TÍN ÔNG REES VẪN KHÔNG TĂNG

SYDNEY: Theo kết quả của một cuộc thăm dò dân ý gần đây do công ty Nielsen tổ chức cho báo Sydney Morning Herald thì thủ hiến NSW Nathan Rees vẫn không thâu nhận được thêm sự tín nhiệm nào từ cử tri sau vụ cách chức ông Tripodi và quyết định ngăn cấm quyên góp tiền bạc từ giới phát triển địa ốc. Đây có lẽ là dấu hiệu cho thấy chức thủ hiến của ông Rees mong manh như sợi chỉ mành treo chuông.
Cuộc thăm dò cho thấy số phiếu sơ kết (primary vote) dành cho chính phủ Lao động NSW vẫn nằm ở mức 31% so với 43% dành cho phe liên đảng đối lập. Nếu tính về số phiếu chung kết giữa hai đảng (two-party preferred) thì phe liên đảng dẫn dầu với tỷ số 55-45.
Uy tín của chính phủ đối với cử tri hoàn toàn không di chuyển một ly một tí nào kể từ khi ông Rees cố mang đảng Lao động ra khỏi vũng lầy cách đây hơn 2 tuần tại cuộc đại hội đại biểu thường niên của đảng Lao động lúc ông đưa ra một loạt thông cáo nhằm chứng minh khả năng trong sạch hóa chính phủ của ông.
Đầu tuần qua, ông tuyên bố trong một cuộc họp toàn thể các dân biểu chính phủ (caucus meeting) rằng ông đã thay đổi nội các để nâng cao uy tín của Lao động trong các cuộc thăm dò dân ý. Thế nhưng, mặc dầu hai ông Joe Tripodi và Ian Macdonald bị cách chức nhưng số phiếu sơ kết của đảng Lao động cũng như số phiếu chung kết vẫn không thay đổi so với cuộc thăm dò dân ý của Newspoll trước đó, chiếu theo cuộc thăm dò dân ý trong cuối tuần 20-23/11, một tuần lễ sau đại hội đại biểu đảng.
Cuộc thăm dò Nielsen Poll cho thấy có 49% cử tri không hài lòng với ông Rees. Tuy kết quả này có tốt hơn kết quả của Newspoll đến 4% nhưng nó vẫn là con số cao nhất đối với một thủ hiến kể từ khi ông Bob Carr nhận kết quả tương tự năm 1998.
Về câu hỏi ai sẽ là thủ hiến Lao động tốt nhất trong một số các khuôn mặt tên tuổi được nêu lên trong cuộc thăm dò dân ý thì có một sự chọn lựa khác hơn là ông Rees được 45%, kế đến là ông Rees ở 34%. 19% cử tri cho là bà Carmel Tebbutt, đương kim phó thủ hiến sẽ là một thủ hiến tốt hơn. 11% tín nhiệm đương kim bộ trưởng kế hoạch Kristina Keneally, 8% ưa chuộng ông Della Bosca và 7% thích ông Frank Sartor. Tuy nhiên, khi so sánh giữa ông  Rees với ông O’Farrell thì ông Rees trội hơn ở mức 43% so với 40% thích ông O’Farrell với 17% không xác định. Thế nhưng  ông O’Farrell lại được tín nhiệm hơn ông Rees với số người tín nhiệm lên đến 44% và bất tín nhiệm chỉ có 36%. Trong khi đó, chỉ có 39% tín nhiệm ông Rees mà thôi.
Các nhà sách lược của đảng Lao động đã từng hy vọng rằng việc cách chức ông Tripodi sẽ giúp cho đảng thâu thập được thêm ít nhất 3% tín nhiệm nữa. Chính vì thế mà kết quả cuộc thăm dò tuần qua sẽ khiến cho những tay quyền thế trong đảng hiện đang bị đẩy xuống hàng ghế sau như các ông Tripodi, Macdonald và Della Bosca lại càng bất mãn thêm nữa.
Kết quả cuộc thăm dò dân ý này có vẻ phù hợp với những kết quả được đúc kết từ các cuộc nghiên cứu qua thảo luận theo nhóm (focus group research) do đảng Tự do thực hiện. Cuộc nghiên cứu này cho thấy cử tri thích việc cách chức ông Tripodi nhưng ghi nhận như sau: “Kể cả hai tuần vừa qua, sự chỉ trích chính dành cho ông Rees vẫn như cũ. Đó là ông ta là một con rối của những tay chính trị gia nhũng lại không đáng tin tưởng thuộc guồng máy của đảng Lao động. Cái thủ đoạn chính trị (political manoeuvre) gần đây không làm thay đổi nhận xét ấy. Cử tri vẫn đòi hỏi “hành động cụ thể”, và “những sự chứng minh thực thụ về thay đổi”. Và đấy chỉ là những người vẫn sẵn sàng lắng nghe mà thôi”.
Số phiếu sơ kết của phe liên đảng trong cuộc thăm dò dân ý của Nielsen là 43%, tăng 6% kể từ sau cuộc bầu cử tháng 3/2007 trong khi số phiếu sơ kết của đảng Lao động chỉ có 31%, sụt giảm 8% từ kết quả cuộc bầu cử mà cựu thủ hiến Iemma đắc thắng năm 2007.

TRANH CHỦ QUYỀN TẢNG VẪN THẠCH

CUNNAMULLA: Một tảng vẩn thạch, được tin là tảng vẩn thạch lớn thứ nhì được tìm thấy ở tiểu bang Queensland, trị giá ít nhất là vài chục ngàn Úc Kim, hiện đang là trọng tâm của một vũ tranh cãi khá sôi nổi ở thị trấn nhỏ bé Cunnamulla, cách Brisbane khoảng 825 cây số về phía Tây.
Nội vụ như sau: ông Tom King, 53 tuổi, một người hưởng trợ cấp tàn tật, là người trông nhà cho trang trại Rywanda Plainview- cách thị trấn Cunnamulla khoảng 70 cây số về phía Nam- trong lúc trang chủ vắng mặt. Ông trông thấy tảng vẩn thạch nặng khoảng 25kg nằm sát bên hàng rào của trang trại. Vì bị đau lưng ông cho biết ông không thể nào khiêng nó đi được cho nên mãi đến 7 tháng sau đó ông mới nhờ hai người đàn ông giúp ông khiêng nó lên chiếc xe tải nhỏ (ute) của ông. Ông nói: “Tôi nghĩ nó là một tảng đá bự của người thổ dân. Tôi nhờ hai thằng đang đi với tôi lúc đó khiêng lên chiếc ute của tôi giùm tôi. Tôi muốn mang nó về để vào trong bộ sưu tập đá của tôi”. Thế nhưng, chính lúc ấy thì có sự nhiêu khê xảy ra.
Chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau đó thì cảnh sát ra lệnh cho ông phải giao nộp tảng đá ấy cho họ bởi vì họ cho rằng ông đánh cắp nó. Ông King cho biết sau đó là có sự tranh cãi giành chủ quyền tảng đá giữa nhiều người khác nhau gồm có ông, chủ nhân trang trại, người mướn trang trại, hai gã đàn ông khiêng nó lên chiếc ute, viện Bảo Tàng Queensland Museum và cảnh sát. Ông King cho biết ông bị “căng thẳng đến cực độ” và không ngủ được kể từ khi tảng đá bị lấy đi từ nhà ông và ông cho biết ông không có điều kiện tài chánh để thuê luật sư đưa vụ việc này lên tòa. Ông nói: “Tôi chẳng khác nào con chó chạy quanh rượt đuổi cái đuôi của nó vậy. Tôi không thể nào làm gì được cả”.
Ông cho biết ông muốn tảng đá được trao cho viện bảo tàng của thị trấn. Ông nói: “Khi tôi khám phá được rằng nó có thể là một tảng vẩn thạch thì tại sao không đưa nó vào viện bảo tàng của thị trấn để thị trấn có một cái gì đó để tiếp tục chứ"”. Thế nhưng viên quản lý viện bảo tàng Queensland, tiến sĩ Alex Cook hy vọng rằng tảng đá này sẽ được trao cho viện bảo tàng Queensland. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng người chủ tảng đá sẽ nhận thức được tầm quan trọng nó và từ đó sẽ đưa đến việc họ giao tặng nó cho viện bảo tàng Queensland để các chuyên gia có thể nghiên cứu, phân tích nó”.
Cảnh sát cho biết họ hiện vẫn đang giữ tảng đá này cho đến khi cảnh sát có thể xác định người chủ đích thực chiếu theo luật pháp” của tảng đá này.

TÙ NHÂN NỔI LOẠN Ở LONG BAY

SYDNEY:  Theo tuần báo The Sunday Telegraph hôm 29/11 vừa qua thì giới thẩm quyền cố ém nhẹm tin tức về một cuộc nổi loạn của tù nhân tại nhà tù Long Bay, một cuộc nổi loạn trầm trọng đến nỗi mà các nhân viên cai ngục phải buộc lòng nổ súng để trấn áp tù nhân trong “một vụ việc tệ lậu nhất trong 25 năm qua”.
Phải cần đến khoảng 80 cai ngục mới chặn đứng được vụ đánh nhau hỗn loạn giữa 40 tù nhân gốc Li-băng và thổ dân. Vụ bạo loạn xảy ra khoảng 1g30 chiều tại sân tập thể dục của bệnh viện Long Bay, khi khoảng 380 tù nhân được phép cho ra khỏi phòng giam của họ.
Các tù nhân này, trong đó có một số là tù nhân trọng cấm (maximum security), dùng những cái tạ để đập nhau tơi bời và đồng thời tấn công luôn cả cai tù trong một trận hỗn chiến kéo dài gần nửa giờ đồng hồ.
Ít nhất có ba cai ngục, kể cả một nữ cai ngục, bị đả thương trong vụ tấn công này và cần phải được điều trị.
Khoảng 20 tù nhân đã bị truy tố trong vụ này và bị dời sang nhà tù Silverwater trong khi một số khác đang hồi phục từ những thương tích trong vụ ẩu đả nổi loạn ấy.
Vụ việc này bị bộ Cải Huấn (Department of Corrective Services- DCS) giữ kín, không cho tiết lộ ra ngoài cho đến khi tuần báo The Sunday Telegraph bắt đầu dò la, hỏi han. Nhiều viên chức của DCS thừa nhận trong tư cách cá nhân rằng vụ nổi loạn này “tệ hại nhất trong suốt 25 năm qua”. Tuy nhiên, phụ tá tổng giám đốc (assistant commissioner) Brian Kelly lại giảm thiểu tầm quan trọng của vấn đề này và tuyên bố rằng không có nhân viên quản ngục nào hoặc tù nhân nào bị thương trầm trọng cả và 3 người cai ngục chỉ bị thương tích xoàng mà thôi. Ông nói: “Những tên tù dự phần trong vụ việc này chỉ đánh lẫn nhau và không hề, ở bất kỳ giai đoạn nào, nhắm vào các nhân viên quản ngục hoặc tài sản của nhà tù và sự an ninh của trung tâm lúc nào cũng được giữ vững”.
Ông cũng cho biết thêm rằng vụ việc có tiềm năng trở thành đại họa đã được ngăn ngừa bởi những người cai ngục đầy kinh nghiệm. Ông nói: “Vụ việc này đã được đối phó một cách thật chuyên nghiệp bởi những nhân viên quản ngục trực ngày hôm đó. Họ đã tóm gọn được tình trạng thật nhanh chóng và với thương tích tối thiều cho nhân viên cũng như cho tù nhân”. Tuy nhiên, các nhân viên quản ngục có dự phần ngày hôm ấy lại có quan điểm khác hẳn như vậy. Họ miêu tả nó “như trong phim vậy” và “vô cùng khủng khiếp”.
Những tù nhân dự phần vào vụ việc này bao gồm nhiều thành viên của băng du đãng Notorious và cái chi nhánh của nó có tên là “Phong Trào Huynh Đệ Hồi Giáo” (Muslim Brotherhood Movement- MBM).
Được biết băng Notorious gần đây có sự tăng vọt con số thành viên trong hệ thống nhà tù ở NSW qua việc cưỡng bách gia nhập và chiến thuật đe dọa. Chúng hiện có khoảng 200 thành viên tại các nhà tù.
Các đoạn phim an ninh quay toàn bộ cảnh bạo loạn này đang được cảnh sát cùng nhân viên bộ cải huấn nghiên cứu.
Được biết vụ bạo loạn bắt đầu khi hai tù nhân, một gốc Li-băng và một thổ dân giành nhau sử dụng điện thoại.
Trong cuộc bạo loạn, nhân viên canh gác từ chòi canh đã phải nổ ba phát đạn xuống giữa sân. Theo sự tiết lộ với tuần báo Sunday Telegraph thì phát đầu là phát cảnh cáo, còn hai phát sau nhắm thẳng vào người các tù nhân đang ẩu đả. Tuy nhiên, bô Cải Huấn phủ nhận điều này và ông Kelly cho biết “ba phát được bắn xuống đất để giải tán đám đông”.
Ông Matt Brindley, chủ tịch chi nhánh Cai Ngục (Prison Officers Vocational Branch chair)cho biết nhiều sự báo động trước đây của các cai ngục rằng đang có sự căng thẳng ở Long Bay và sớm muộn thì cũng sẽ có vấn đề xảy ra đã liên tục bị tảng lờ, ngó lơ. Ông cho biết công đoàn quy trách nhiệm vào việc chính phủ cắt giảm ngân quỹ.

BÁO ĐỘNG VỀ TRẺ EM GHIỀN BÀI BẠC

MELBOURNE: Nhiều chục trẻ em ở Victoria đang được chữa trị cho bệnh nghiền bài bạc của chúng. Đây là một xu hướng đáng lo ngại bắt nguồn từ việc sử dụng mạng internet mà không có sự kiểm soát của phụ huynh cũng như từ những câu lạc bộ kéo máy có môi trường thân thiện với trẻ con (child-friendly pokies venues). Theo một cuộc nghiên cứu gần đây thì có vài ngàn trẻ em thú nhận thường xuyên hoặc thỉnh thoảng có đánh bạc .
Các chuyên gia cho biết kỹ nghệ bài bạc hiện đang cố “bình thường hóa” bài bạc bằng cách quảng bá những nơi máy kéo như những trung   tâm giải   trí thích hợp cho cả gia đình (family-friendly leisure centres).
Theo tuần báo Sunday Herald Sun thì một cuộc điều tra của họ đã khám phá được những việc sau:
- Trường hợp một cậu bé 14 tuổi ở Melbourne thua $7,000 cho một trang mạng bài bạc khi cậu dùng bằng lái xe cùng the tín dụng của cha cậu để vào mạng;
-  Vài chục nơi kéo máy dùng thực đơn thích hợp cho trẻ em, nhiều quảng cáo khuyến mãi (promotions) và những khu cho trẻ em chơi (play areas) để thu hút những người thích bài bạc và gia đình của họ.;
- Những buổi trình diễn của các nhân vật được trẻ con ưa chuộng như Bob The Builder và Aladdin được tổ chức miễn phí tại những nơi có máy kéo trong suốt thời gian hè;
- Có cả một mạng lưới đánh phé (poker) và xì dách (pontoon) lậu  tại các trường học cũng như tại nhiều câu lạc bộ thể thao;
- Một trang mạng được liên đoàn bóng bầu dục AFL cho phép (AFL-authorised) khuyến mãi nhắm vào trẻ con với những đồng tiền chip (như tiền chip casino) có hình cầu thủ AFL;
- Sự giận dữ của nhiều giới khi đài truyền hình trực tiếp chiếu những trận đấu banh vào buổi trưa lại đăng luôn  giá tiền cá độ vào những giờ nghỉ giữa hiệp
Ông George Postner, chuyên viên cố vấn thanh thiếu niên cho biết càng ngày ông càng phải khuyên nhủ hướng dẫn nhiều phụ huynh hơn và phải cố vấn cho nhìêu trẻ em  về bản chất dễ làm người ta nghiện ngập của bài bạc.  Ông nói: “Chắc chắn là có một xu hướng thật đáng ngại đang ló dạng. Trẻ con ngày càng bị phơi trần trước tệ nạn bài bạc nhiều hơn xưa và rất nhiều em xem đó như là một chuyện bình thường của cuộc sống. Vấn nạn là chính bản chất của bài bạc là nghiện ngập, và giới trẻ thường ít bền bỉ về tinh thần so với người lớn và vì thế dễ dàng bị vướng vào nạn bài bạc”.
Một cuộc nghiên cứu mới đây nhất cho thấy có đến 8.000- hoặc 2.5% trẻ em từ 13-17 tuổi ở Vic. có thể có vấn nạn với bài bạc. Thêm vào đó , có 6% trẻ em trong lứa tuổi này bài bạc hàng tuần và phân nửa bài bạc ít nhất một lần mỗi năm. w
Tác giả của cuộc nghiên cứu, giáo sư Paul Delfabbro, cho biết sự gia tăng con số thiếu niên bài bạc này là vì “hiện tượng phé” (“poker phenomenon”). Ông nói: “đã có sự gia tăng đáng kể về sự thịnh hành của phé và những cách đánh bài khác và sự thịnh hành này thu hút giới trẻ. Đặc biệt là phé đã trở thành một trò giải trí rất được nhiều người biết đến và được xem là rất quyến rũ và nóng bỏng. Và người ta có thể kiếm được lợi nhuận cao. Thế nhưng, khi thua thì người ta cũng dễ thua đậm”.
Một cuộc nghiên cứu khác của Hội đồng các Dịch Vụ Xã hội (Australian Council of Social Services- ACOSS) cho thấy 62% trẻ em Úc biết về bài bạc trước khi lên 10 tuổi và 82% từng tham gia bài bạc trước khi lên 13 tuổi.
Thêm vào đó, cuộc nghiên cứu cũng cho thấy 20% những người có vấn đề nghiện ngập bài bạc nói rằng họ bắt đầu bài bạc khi còn vị thành niên. Một người chuyên hoạt động chống bài bạc, tác giả Paul Bendat, cho biết nhiều nơi bài bạc đã sử dụng những tiện nghi thích hợp cho trẻ em để thu hút người bài bạc đến với những nơi ấy.  Ông nói: “Những nơi này đang “bình thường hóa” bài bạc, và có nghĩa là trẻ con sẽ nhận được thông điệp rằng máy kéo (pokie) và bài bạc là chuyện bình thường của cuộc sống”.
Ông cũng tuyên bố rằng những câu lạc bộ địa phương và công ty siêu thị Woolworths- vốn có hùn hạp với ông trùm pokies từ lâu nay là Bruce Mathieson, là những giới điều hành có thể làm nhiều việc để giảm thiểu chuyện trẻ em bị đối diện với bài bạc. Ông nói: “Họ gần như dạy trẻ con rằng bài bạc là chuyện chấp nhận đuợc. Điều này có thể không biến chúng thành những người ghiền bài bạc, nhưng chắc chắn là  nó sẽ mang trẻ con vào tư thế bài bạc và bảo chúng rằng đấy là một lối sống khả dĩ chấp nhận được”.
Chuyên gia về y tế công cộng (public health) của đại học Monash, bác sĩ Charles Livingstone cho biết liên đoàn bóng bầu dục AFL cũng bị lôi kéo vào vấn đề trẻ em và bài bạc bởi vì một sản phẩm được AFL cho phép sử dụng bản quyền có những đồng chip (như chip casino) có hình cầu thủ AFL và vì tiền cá độ được quảng bá trên truyền hình trong giờ nghỉ giữa   hiệp củq những trận đấu AFL. Ông nói: “Tôi sững sờ hết hồn khi thấy những tấm card có hình cầu thủ- vốn là đồ khuyến mãi quảng cáo nhắm vào trẻ con-  được thay thế bởi một thứ vốn có liên hệ mật thiết với bài bạc”.

ỨNG CỬ VIÊN ĐẢNG TỰ DO TRONG MỘT VỤ TRANH CÃI KỲ QUẶC VỀ KỲ THỊ

SYDNEY: Lãnh tụ đảng Tự do NSW, ông Barry O’Farrell đã lên án bộ trưởng kinh tế Eric Roozendaal đã sử dụng lá bài kỳ thị chủng tộc qua việc ông này chống lại đảng One Nation.
Sự diễn dịch khá khác thường này của ông Barry O’Farrell về vụ tranh cãi chung quanh sự việc một cựu thành viên cao cấp của đảng One Nation là Chris Spence lại được chọn làm ứng cử viên Tự do cho đơn vị The entrance, đã khiến ông Roozendaal vô cùng phẫn nộ.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trong tuần qua chính phủ Lao động NSW đã tận lực tấn công ông Spence và đảng Tự do trong nghị viện tiểu bang. Phe chính phủ cho rằng việc chọn lựa ông Spence (một nhân viên văn phòng của dân biều Tự do hàng đầu Chris Hartcher) làm ứng cử viên đã chứng minh thật rõ rệt là đảng Tự do tán thành sự kỳ thị chủng tộc. Thế rồi, qua một cách phản bác thật lạ lùng, dân biểu Tự do của đơn vị Hawkesbury là ông Ray Williams cố quay ngược mũi dùi tấn công chính phủ Lao động bằng cách vạch lên những tội lỗi của cựu bộ trưởng Milton Orkopoulos, một kẻ đang bị giam với tội ấu dâm. Ông nói như sau về ông Orkopoulos: “Ông ta có lẽ không phải là một kẻ kỳ thị chủng tộc. Có lẽ ông ta không cần để ý đến mầu da của những đứa trẻ mà ông ta cưỡng dâm”.
Ông Roozendaal, kẻ đã dẫn đầu cuộc tấn công vào ông Spence, cuối tuần qua đã lên tiếng kêu gọi ông O’Farrell thu hồi lại lời tuyên bố về lá bài kỳ thị.  Ông nói: “Quả thật lạ lùng và kỳ quái vô cùng khi ông Farrell có thể lên tiếng hô hào rằng tôi đang thổi dầu vào lửa kỳ thị chủng tộc qua việc tôi chống lại đảng One Nation. Đấy là một sự cực kỳ huyễn hoặc- làm sao mà việc bảo vệ những người thổ dân Úc chống lại những lời phỉ báng đầy tính kỳ thị chủng tộc lại là một hành động kỳ thị chủng tộc chứ". Tôi không thể tưởng tượng được rằng lãnh tụ của phe đối lập của tiểu bang này lại có thể nghĩ rằng việc chống lại những sự quá khích lại là việc “đáng khiển trách” (reprehensible). Tôi đã bỏ ra cả cuộc đời tôi  để chống tệ nạn kỳ thị chủng tộc dưới bất kỳ hình thức nào và bây giờ, bị đội cho cái mũ kỳ thị chủng tộc  là một sự sỉ nhục mà tôi không nghĩ sẽ được thốt ra từ miệng của ông lãnh tụ đối lập NSW.  Tôi là một người suốt cả đời đã chống những sự quá khích của phái cựu hữu và sẽ tiếp tục lên tiếng chống lại chúng”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Australian Jewish News số ra ngày Thứ Sáu tuần qua, ông O’Farrell đã lên án ông Roozendaal chơi trò chính trị bẩn thỉu.  Ông nói: “Đấy là một việc đáng khiển trách khi ông Roozendaal cố tình chơi lá bài chủng tộc”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, ông Spence từng ra tranh cử hai lần với tư cách là ứng cử viên của đảng One Nation và ông từng là một viên chức cao cấp của đảng này. Ông từng đổ lỗi  cho sự trẻ dại   và   thiếu   kinh nghiệm của ông khi nói về thời gian làm đảng viên đảng One Nation. Ông nói rằng ông gia nhập vào đảng này bởi vì vào thời điểm ấy “không có một đảng chính trị nào có đường hướng mà tôi nghĩ rằng nước Úc nên hướng theo”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.