Hôm nay,  

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông: Đời Tỵ Nạn

29/03/200900:00:00(Xem: 4047)

Chuyện kể hành trình Biển Đông: Đời Tỵ Nạn – Tuệ Chương Hoàng Long Hải

LTS: Trong suốt 8 thập niên kể từ khi thành lập vào năm 1930, CSVN đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác trên quê hương Việt Nam. Có thể nói, trên từng tấc đất, ngọn cỏ, lá cây, hòn đá... của quê hương Việt Nam, dưới mỗi mái gia đình, trong mỗi thân phận người Việt, đều có những dấu ấn ghi lại những tội ác kinh tâm động phách do người cộng sản gây ra. Đặc biệt, sau khi ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Geneva, xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975, CSVN đã thực hiện hàng loạt chiến dịch đàn áp, khủng bố, thủ tiêu, bắt bớ... dã man trên khắp lãnh thổ Miền Nam, để một mặt ăn cướp trắng trợn tài sản của người dân, mặt khác nghiền nát mọi sức đề kháng, chống đối của những người yêu nước, khiến hàng triệu người dân Miền Nam phải vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hậu quả, trong thời gian hơn hai thập niên kể từ sau 1975, hàng trăm ngàn người Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già,... đã bị thảm tử trên biển cả, trong rừng sâu, ngoài hoang đảo.... sau khi phải trải qua những bi kịch kinh tâm động phách, muôn vạn phần đau đớn. Không những thế, ngay cả với những người sống sót, những bi kịch kinh tâm động phách đó vẫn còn mãi mãi tiếp tục ám ảnh, giầy vò, tra tấn họ, cho dù họ có sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, có đi đến bất cứ chân trời góc biển nào... Để có thể tái tạo một trong muôn vàn tội ác của cộng sản Việt Nam đối với người vượt biên tìm tự do, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những đoạn hồi ký trích trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông". Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được, tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển. Qua đó, chúng ta sẽ thức ngộ được, lần đầu tiên trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc VN, và có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác của một chế độ đối với chính người dân của chế độ, như chế độ CSVN, quả thực đã vượt khỏi biên cương quốc gia, tung hoành trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, để rồi tiếp tục tràn lan trên khắp bề mặt địa cầu...

*

Chiếc ghe vượt biên tôi đi cặp vào đầu cầu jetty của đảo Pulau Bidong vào xế chiều ngày 1 tháng 6 năm 1989, sau hơn 50 giờ rời cửa Sò Lưới, gần mũi ông Trang, Cà Mau.
Cũng khó quên được mối cảm xúc khi đặt chân lên chiếc phà ở đầu cầu. Mặt phà bằng sắt, "nóng như lửa", ấy là cách nói thông thường. Bị mất đôi giép trên đường ra cửa sông, tôi kéo hai bó củi - loại củi phát cho người tị nạn để nấu nướng - đăt chân lên đó cho đỡ nóng. Bỗng tôi cúi xuống, chống hai tay lên hai bó củi khác, và… nước mắt trào ra.
Tại sao tôi khóc"! Tôi khóc vì 14 năm sống dưới chế độ Cộng Sản với 7 năm 10 ngày trong trại cải tạo. Kinh Quá! Trong chế độ đó, tôi gánh đầy đủ mấy tiếng Đày Đọa và Đói Khát, về cả hai mặt: Vật chất lẫn Tinh thần. Vì vậy, bây giờ, khi đặt chân lên đầu cầu, tôi cảm nhận một cách đầy đủ và sung sướng hai tiếng "Giải thoát". Đã lên được đầu cầu là chính quyền Mã Lai không còn đuổi ra khơi được nữa, là được vào trại tị nạn, là được định cư ở một đất nước tự do, v.v… và v.v…
Nhưng nghĩ lại, tôi thầm nói với tôi: Không được khóc! Không được khóc! Tôi không là người chiến sĩ hiên ngang của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi chỉ là người cần cù và chăm chỉ với công việc của mình, khi còn là dân sự - dạy học - và khi ở trong quân đội, chính quyền. Điều an ủi với tôi là khi rời trường tôi dạy để nhập ngũ, bạn đồng nghiệp và học trò thương mến, "tiếc" một ông thầy bỏ phấn bảng, và khi tôi rời binh chủng Thiết Giáp để được biệt phái, thì xếp trực tiếp của tôi, đại tá Nguyễn Mạnh Lâm, tiển tôi bằng một câu khiến tôi… nở lỗ mũi và muốn ở lại: "Anh là người không ai bỏ anh."
Vậy mà suốt 14 năm sống dưới chế độ Việt Cộng, họ không dùng tôi. Họ đúng đấy. Họ không dùng vì không phải họ biết tôi có khả năng chống họ bằng "xiết cò súng", hay bằng "Mồm mép đỡ chân tay" - câu tôi nói đùa khi tôi phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị" mà chính là vì bản chất con người tôi. Họ không thể nào chấp nhận một con người có bản chất như tôi: "Tiểu tư sản thành thị", không dính líu bất cứ "một đời vô sản" nào trong "ba đời khai báo". Như thế, làm sao tôi có thể giác ngộ "hận thù giai cấp" để đi theo con đường Mác - Lê được"!
Khi những "thứ tiểu tư sản" như tôi, nếu không lột xác để "giác ngộ cách mạng" thì sẽ chống ngầm, và chống triền miên. Chống ngầm là một phương cách chống đối tiềm ẩn, rất nguy hiểm. Nó không biểu hiện trên bề mặt để có thể đàn áp, triệt tiêu, kết tội. Tuy nhiên, Cộng Sản vẫn có một cái án tù cho những người đó. Cái án tù gọi bằng nhiều cách khác nhau: "Nguy hiểm cho chế độ", "Không thích hợp cho chế độ", "Phần tử nguy hiểm", "Phần tử phản động ngấm ngầm". Và ở tù không có án, không có ngày về. Và nếu có tha về, lại cũng tiếp tục chống đối, chống Cộng Sản dai dẳng, chống triền miên.
Để độc giả có thể tin tôi, tôi xin đưa ra một ví dụ: Ông Tôn Thất Tần trong "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên chẳng hạn. Ông ta là nhân vật có thật ở ngoài đời đấy, không phải do ông Vũ Thư Hiên tưởng tượng ra. Ông ta là người "ở tù muôn năm", tù cho đến chết. Có thể độc giả không biết ông đó là ai" Con nhà Tôn Thất" Dòng dõi vua chúa" Dòng dõi con quan" Có thể đấy. Quan trọng không kém, chính ông ta là em (hay anh) vợ ông Hà Thúc Ký, lãnh tụ đảng Đại Việt, và là người chống Cộng bền bỉ, kiên trì… Làm sao ông ta có ngày về"! Bề ngoài, ông ta có cái tù 20 năm, nhưng cái án tù ấy được nhân lên nhiều lần, cứ hết 20 năm nầy lại tới 20 năm khác, cho đến khi ông ta không còn sống để nhận án 20 năm nữa! Chúng ta, những người "tù cải tạo" là Tôn Thất Tần thứ hai, thứ ba, thứ một triệu… nếu không có Mỹ can thiệp, yêu cầu thả, và nếu không có Tàu đem quân đánh dọc 6 tỉnh biên giới….
Thế rồi tôi sắp vào hàng theo lệnh của Cao ủy Long, một người Tàu-Mã. Tôi đứng cuối, trước mặt tôi là vợ và đứa con gái út. 26 người. Tàu tôi có tất cả 26 người, kể cả tài công và hai anh em con người chủ tàu.
Cao ủy Long vừa đi vừa đếm từng người. Tới tôi là chót. Tôi nhìn ông. Ông nhìn tôi. Tôi nhớ hình ảnh ông kỹ lắm, lớn con, đẹp người, còn trẻ. Điều tôi muốn nói ở đây là lời cám ơn vì ông là người đầu tiên của Cao Ủy Tịn Nạn, hay có thể gọi là người của Thế Giới Tự Do cũng được, đón tôi ở nơi nầy, nơi, nói một cách văn hoa là "Bến bờ Tự do." Vì vậy, hai năm sau, trước khi rời Bidong, tôi mời ông ra ngay chỗ bến tầu nầy chụp chung với gia đình tôi một tấm hình. Trước khi chụp, tôi nói với Cao Ủy Long tôi muốn chụp hình với ông vì ông là người đầu tiên đón tôi khi tôi vừa thoát khỏi chế độ Cộng Sản Việt Nam.
Sau khi đếm người xong, chưa lấy tên họ gì cả, 26 người chúng tôi được đưa vào một gian nhà tôn, bên cạnh đầu cầu jetty. Lúc ấy, "cô Cao ủy Delle" - người ta thường gọi như thế, một người lai: Cha Thái Lan, mẹ Việt Nam, sinh đẻ ở Chợ Lớn, lớn lên ở Bangkok, nói tiếng Việt không sõi lắm, thường tự xưng với bất cứ ai bằng "Mình", chẳng hạn như có lần nói với tôi sau nầy: "Mình gởi lời thăm vợ mình." khiến tôi phải cười. Cao ủy Delle lập danh sách từng người, hỏi rất kỹ mấy đứa con gái bị tụi ngư dân Mã Lai xàm xở như thế nào. Bọn chúng chỉ xàm xở, không làm gì quá hơn.
Xong, tất cả được cấp phát quần áo, mỗi người hai bộ, chăn màn, chiếu và sang phòng bên, có chia đôi nam nữ để tắm rửa. Mấy ngày "ém quân" nơi ấp Đậu Sấu, huyện Cái Nước, tỉnh Minh Hải, xứ nước mặn, chẳng được tắm táp gì. Hai ngày ở trên ghe, nước rửa mặt còn không có, nói chi tới tắm rửa. Vì vậy, bữa nay tắm thoải mái, không hạn chế nước ngọt, sướng thật!
Có điều buồn cười! Khi vượt biên, vợ tôi có mang theo một tượng Phật tạc bằng đá cẩm thạch núi Non Nước. Tượng to bằng hai nắm tay. Trước khi vào buồng tắm, tôi nói vợ tôi để cái tượng trên lan can, hành lang đi thẳng lên bờ. Đem tượng Phật vào buồng tắm là không nên. Nhưng khi tắm xong trở ra, ai lấy mất tượng rồi! Vợ chồng tôi băn khoăn vì mất tượng Phật mà không biết hỏi ai. Vợ tôi khóc!
Nhà bếp đem cơm xuống cho chúng tôi, cũng có đủ chén bát, muỗng đũa cho tất cả mọi người. Ăn xong, để một chỗ, nhà bếp sẽ xuống lấy.
Gần tối, một linh mục người Úc, cha Quentin xuống thăm. Ông thăm hỏi từng người, rất ân cần. Cuối cùng, vợ tôi than phiền bị mất tượng Phật. Ông bảo yên tâm, để ông đi tìm. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, ông trở lại, tượng Phật ông bồng trong tay, đưa cho chúng tôi.
Hỏi ông tìm thấy ở đâu" Cha Quentin nói: "Ở chùa!" Té ra có một đám thanh niên làm việc cho "supply". Họ xuống lấy củi ở cầu tàu. Thấy tượng Phật, họ bèn lấy đem lên chùa. Họ theo đạo Phật, thấy tượng Phật để trên hành lang thì họ đem về chùa! Có gì lạ đâu! Nhưng tôi thì thấy buồn cười. Ở nước tôi, dưới cái gọi là "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam", Việt Cộng thấy tượng Phật thì nắm quẳng ra hàng rào, cho là thứ thuốc phiện, có hại. Nếu là người có đạo Thiên Chúa, VC cũng không tôn trọng, không tin tưởng. Ở đây, đất nước tự do khác lạ: Một ông linh mục, đi lên chùa tìm tượng Phật đem về cho người tị nạn. Người ta không có sự phân biệt tôn giáo như quê nhà.
Khi trời gần tối, tôi đứng ở cửa sổ nhìn lên đảo. Trên đảo lại có một ngọn đồi. Người ta gọi là "Đồi tôn giáo". Chùa, nhà thờ, chùa Cao Đài, chùa Hòa Hảo, quây quần với nhau trên ấy, hòa hợp vui vẩy, không kỳ thị nhau.
Khi ấy lễ nhà thờ vừa xong, con chiên của Chúa từ trong nhà thờ túa ra, phần đông là các bà, các cô, mặc áo trắng. Họ đi theo con đường xuống chân đồi, vòng qua phía tượng "Ông Già Bidong" rồi quẹo qua phía đầu cầu jetty, đi ngược lên đảo. Họ đông lắm, đi liền nhau, như một con rắn trắng, uốn mình theo con đường cong. Tại sao người ta đi nhà thờ đông thế" Tại vì ở quê họ không được đi nhà thờ, hoặc có đi mà còn sợ Công An. Có thể ở đây vì không khí tự do, người ta cần cầu xin cho mình một tương lai. Dù với lý do gì, thấy họ đi đông, lòng tôi vui lên, trước một cảnh tượng đẹp, không kém phần trang nghiêm của tôn giáo và sự tự do.
Đêm đó, ngày 1 tháng 6 năm 1989, tôi ngủ ngon trong chăn ấm, dù ngôi nhà đó nằm trên bờ biển, gió thổi suốt đêm!
Hôm sau, ăn uống xong, thay vì được đưa lên đảo, chúng tôi được đưa xuống tàu sắt Su-Ma, tàu của trại tỵ nạn, để vào dất liền, thuộc tiểu quốc Terrenganu.
Từ bến tàu chúng tôi được đưa lên xe bus để về trại Marang. Mã Lai nguyên là thuộc địa cũ của Anh nên xe chạy bên trái thay vì bên phải. Vì vậy, mỗi khi thấy có chiếc xe chạy ngược, tôi hơi ngờ ngợ. Sau nầy, quen thân với ông Di, người cùng đi chuyến tàu vượt biên, tôi hỏi đùa ông về cái cảm giác xe chạy ngược chiều, ông bảo: "Tôi cứ đạp thắng phụ cho tài xế hoài, nhưng xe vẫn chạy. Điều nầy, đối với người quen đi bên phải, ngỡ ngàng. Trong cuốn đi Tây của Nhất Linh, ông kể rằng khi tới Aden, thuộc địa của Anh, ông viết đùa là phải tính nhẩm bên trái, bên phải để tránh xe.
Trại Marang là một ngôi nhà lớn, đã cũ, có lẽ do Cao Ủy Tỵ Nạn thuê lại của chủ, làm nơi tạm trú cho người tỵ nạn được tấp vào bờ ở bán đảo Mã Lai, trước khi đưa ra đảo Bidong hoặc cho đồng bào tị nạn ở đảo vào đất liền có công việc gì đó, thường là khám bệnh do bệnh viện Sickbay của đảo chuyển vào.
Ngôi nhà có mấy cái sàn lớn để làm chỗ ngủ, có chỗ nấu bếp, và một phòng y tế. Sau nhà là một vườn dừa lớn, khoảng hơn 50 cây. Dừa đã có trái, cấm hái. Tuy nhiên, nhiều thanh niên vẫn chờ đêm khuya, hái trộm ăn chơi. Chính nhân viên Mã Lai cũng bao che cho họ, hái trộm dừa.
Trại có vòng rào kẽm B-40 rào quanh. Cổng trại luôn đóng kín, cấm người tỵ nạn ra khỏi trại. Phía bên hông ngôi nhà là bờ biển, phẳng, nhưng cát hơi vàng. Vòng rào quanh nhà cũng ngăn không cho người đi ra biển.
Trước khi tôi tới đảo khoảng một vài tháng là thời gian người vượt biển đến đông, ngôi nhà nầy không đủ chỗ để ở. Chính quyền Mã Lai dựng thêm nhà bạt hay phát các tấm nylong để người tỵ nạn che chỗ ở quanh vòng rào. Bây giờ thì người đã ít đi. Hôm tôi tới, chỉ có 26 người của ghe tôi đi.
Chiều hôm chúng tôi tới, có một toán thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Mã Lai đến lấy danh sách. Ghi tên từng người xong, họ hỏi: "Muốn định cư ở đâu"" Ai cũng mừng, cứ tưởng như vài hôm nữa sẽ được thỏa ý nguyện. Kẻ nói đi Úc, người đòi đi Mỹ. Tôi thì phân vân. Con gái thứ hai của tôi ở Mỹ nhưng tôi chẳng muốn đi Mỹ. Tôi có định kiến!
Hai cuôc chiến tranh Đông Dương kéo dài từ 1945 đến 1975 là 30 năm. Ai gây ra cuộc chiến tranh nầy, nếu không phải là 4 anh đầu sỏ: Mỹ, Pháp, Nga, Tàu hay sao" Vì vậy, chắc chắn không ai muốn định cư ở Nga và Tầu. Đi tìm tự do mà định cư ở các nước Cộng Sản nầy thì có khác chi cô Kiều "Hết nạn nọ đến nạn kia". Còn như Pháp, Mỹ thì họ có tội với dân tộc Việt Nam đấy. Pháp tái xâm lăng Việt Nam với súng đạn Mỹ, còn Mỹ thì chính là "đồng minh chạy làng" của chúng ta. Chơi vậy thì chơi với ai.
Hôm sau, khoảng 80 người của một chiếc tàu khác, tấp vào bán đảo, được chuyển đến đây ở chung. Chiếc tầu nầy cũng bị hải tặc Thái Lan tấn công, nhưng thoát được. Ai nấy hú hồn.
Ở trại Marang có ba hôm, chẳng làm gì ngoài các thủ tục vô bổ như thế, hôm sau, 26 người chúng tôi lại được xuống tầu đưa về lại đảo Bidong. Hôm ấy đúng là ngày 4 tháng 6 năm 1989, vụ thảm sát ở Thiên An Môn đang xảy ra.

Hải Tặc Thái Lan

Tại sao tôi gọi Hải Tặc Thái Lan" Dễ hiểu thôi bởi vì hầu như tất cả các vụ cướp biển, chận bắt tầu vượt biên, giết người, bắt đàn bà con gái, lục soát cướp đoạt tài sản người vượt biên, đánh đắm tầu, không cho ai sống còn để khai báo, v.v… đều do ngư phủ Thái Lan gây ra cả. Ngư phủ Mãi Lai chỉ xàm xở với đàn bà con gái, cướp dầu, mì gói, lương thực, chứ không giết người, bắt người như ngư phủ Thái Lan.
Bọn ngư phủ Thái tung hoành trong vịnh Thái Lan, không ai làm gì chúng được, vì chúng có dù che!" Để ngăn chận tệ nạn nầy, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hợp Quốc mỗi năm chi ra một triệu đô la cho chính phủ Thái Lan để chính phủ nầy có thêm phương tiện hoạt động, nhưng từ khi có thêm tiền thì tệ nạn hải tặc không bớt đi mà lại gia tăng! Ấy là tại sao" Xin đọc hồi sau sẽ rõ.
Cô cao ủy Delle, như tôi giới thiệu trong phần trên, là người đặc trách về hải tặc của cao ủy tỵ nạn, là người rất có lương tâm, rất tận tâm, cũng phải sợ những cái dù của đám ngư phủ hải tặc Thái Lan.
Việc truy tìm hải tặc Thái Lan không thuộc sở trường của cao ủy Delle, nên cô không tìm được nhiều những tên hải tặc do các nạn nhân, thoát chết, tới được đảo, khai báo với cô. Thường lời khai các nạn nhân thì có: nhân dạng (mặt mũi, mầu da, tóc tai, tuổi tác, v.v…). Nhận dạng người và nhận dạng tầu.


Người thì nhỏ nhưng dễ nhận dạng vì khi chúng nhẩy qua tầu vượt biên, chúng không cần phải che giấu mặt, nghênh ngang cầm dao lớn hay mã tấu, đi tới đi lui trên ghe, lục soát, nạt nộ người nầy, đâm chém người kia, bắt con gái đàn bà mà không sợ ai cả. Còn ghe của chúng thì to lắm, gấp ba gấp bốn ghe vượt biên, nhưng người ta không rõ tầu gì. Bọn hải tặc lấy các tấm bạt nylon che mất số tầu. Người ta chỉ nhìn cách chúng nó trang trí ghe như thế nào, sơn mầu xanh mầu đỏ, vẽ hình những con vật gì đó để khai với cao ủy Delle.
Khi tôi tới đảo, anh Võ Thế Long, cựu đại úy Cảnh Sát, sau khi du học ở Mỹ về, hoạt động trong ngành Interpol của bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa, tới đảo trước tôi ít lâu, đã giúp việc cho cao ủy Delle một thời gian. Ông Long dùng những phương pháp chuyên môn trong ngành như phân tích nhân dạng, phân tích tầu, đối chiếu, v.v… và tìm ra được một số tầu, một số người để các cô gái nạn nhân nhận dạng người và tầu. Nhờ vậy, cô cao ủy Delle dẫn các nạn nhân qua Bangkok để nhận mặt các tên hải tặc, một số bị tòa án Thái Lan xử tù.
Từ đó, bọn hải tặc Thái Lan không vào bờ. Khi tầu của chúng đánh cá xong, trở vào bờ, gần tới nơi, chúng nhảy qua những tầu ra khơi để đi tiếp, Cảnh sát Thái Lan có biết tên tuổi chúng, cũng không làm gì được.
Vả lại, chủ tầu đánh cá Thái Lan là “bọn” tướng tá quân đội và cảnh sát Thái Lan. Tôi dùng chữ “bọn” không phải là sai đâu! Vì quyền lợi đánh cá, “bọn” tướng tá nầy bao che cho “bọn” hải tạc, ngăn chận và hăm dọa những người hoạt động trong công việc chống hải tặc, nên những người nầy sợ chúng, chẳng dám làm gì hơn.
Chính cao ủy Dellle, người Thái Lan, biết chuyện đó, cũng sợ chúng. Mỗi lần đi Bangkok, khi cao ủy Delle tới biên giới Mã Lai - Thái Lan, cô phải cải dạng, ăn mặc như một người đàn bà Thái Lan bình thường, để khỏi bị chúng nhận ra và ám hại.
Kể từ khi Cảnh Sát Thái Lan bắt giữ và đưa một số ngư phủ hải tặc Thái Lan ra tòa, hành động của chúng càng tàn ác và hung tợn nhiều lắm. Thay vì cướp của, bắt đàn bà con gái, giết những ai chống lại chúng rồi thả cho ghe vượt biên đi. Bây giờ cướp ghe nào, sau khi lấy hết những gì chúng muốn, bắt những ai chúng muốn, giết những ai chúng muốn, còn lại, chúng đánh chìm ghe vượt biên, cho chết hết, ở ngoài biển khơi, để không còn ai sống sót mà khai báo với Cao Ủy Tị Nạn.
Tàu chúng thì to, mới và rất tốt, ghe vượt biên thì nhỏ, cũ, mong manh. Chúng chỉ cần cho tàu của chúng đâm thẳng vào ghe vượt biên, ghe vở toang ra, chìm xuống biển, chẳng ai sống sót.
Ghe của tôi mang số MC 483. Ghe trước tôi, không nhớ rõ, hình như MC 482 hay MC 481 khoảng 130 người vượt biên trên ghe, bị chết đuối trên biển hết trọi, sau khi bị ghe hải tặc Thái Lan đánh cướp, bắt đi mấy người con gái, đàn bà. Những người bị bắt nầy bị chúng đem về nhốt ở một hoang đảo nào đó, rồi trước sau cũng chết vì đói khát, vì bị chúng hảm hiếp liên miên, hoặc bị chúng giết, thả xuống biển, sau khi chúng đã chán chê.
Khi tôi đang ở đảo, báo Đường Sống, báo của di dân hải ngoại viết về thuyền nhân, có kể chuyện một cô gái, hình như con của một đại úy phi công, bị hải tặc bắt, đem về giam ở một hòn đảo hoang, sau có một tên đem cô về đất liền Thái Lan để làm vợ. Cô gái ấy trốn được, lên tận Bangkok, tố cáo với Cao Ủy Tỵ Nạn. Mấy tên hải tặc bị bắt, bị tòa xử tù. Cô gái thoát nạn được định cư ở Mỹ, và tuyên bố cô ta sẽ xây dựng lại đời cô, sẽ thành một bác sĩ. Tôi ước mong cô ta sẽ toại nguyện. Con người can đảm như thế, khí phách như thế, sẽ đạt được ý nguyện của mình thôi!
Khi tôi còn làm việc ở phòng SB, một hôm, thấy có năm hoặc sáu người vượt biên mới tới, từ Văn Phòng Lực Lượng Đặc Nhiệm Mã Lai đưa sang. Nhìn họ, tôi nói với kỹ sư Nguyễn Dương Hảo, ngồi làm việc bên cạnh tôi:
“Ông xem, mấy người nầy trông ghê quá!”
Da họ đen xạm, nhiều chỗ nứt nẻ, rướm máu. Họ đi không vững, có người phải có người đỡ.
Ông Hảo ra đứng xem, hỏi chuyện với họ. Sau đó tôi được biết:
Tầu họ khoảng 120 người, bị hải tặc Thái Lan tấn công. Sau khi bắt đi mấy cô gái, chúng cho tầu của chúng đâm vào ghe vượt biên. Ghe vỡ, phần đông chết đuối cả. Mấy người nầy ôm những tấm ván vỡ, trôi lềnh bềnh trên biển hai đêm hai ngày, may nhờ tầu đánh cá Mã Lai vớt được, đưa vào Terrenganu. Hai ngày hai đêm trên biển, vừa đói vừa khát, vừa đuối sức nhưng cũng cố bám vào tấm ván nên sống sót. Trên thì nắng nhiệt đới, dưới là nước biển, da họ bị sưng lên, rồi vở ra, nứt nẻ nên trông khiếp như vậy. Tôi nhớ ghe của họ được đặt tên là MC 513.
Hôm sau, lại thêm ba người nữa được đưa tới, cũng tình trạng y như những người đến ngày hôm qua, đuối sức, da nứt nẻ, đi không vững. Hỏi ra, họ đi cùng ghe với những người ngày hôm qua, nhưng được vớt trễ hơn một ngày, có người vướng vào lưới đánh cá của ghe ngư phủ Mã Lai, được lưới kéo lên. Những người nầy được đặt tên là MC 514, tuy cùng ghe với những người trước.
Ngư dân hải tặc Thái Lan không phải là những tên gan dạ. Chẳng qua vì người vượt biên sợ hãi quá, nhát gan quá, lại không ai chỉ huy, thống nhứt để chống lại nên chúng mới lộng hành như thế. Có một ghe vượt biên, phần đông là thanh niên Saigon, gan lắm. Khi ghe hải tặc Thái Lan đến gần họ, họ cùng đứng lên, gặp gì, thấy gì, họ cầm lên, cương quyết chống cự. Có người thì quăng nồi, quang thùng sang tầu hải tặc, có người lăm cầm cây sào chờ bọn hải tặc nhảy qua tầu họ là họ sẽ tấn công. Thấy “khí thế” như vậy, bọn hải tặc Thái Lan quay mũi tầu chạy mất.
Trường hợp đại úy Nguyễn Văn Trọng cũng buồn cười. Trước 1975, đại úy Trọng làm quản lý câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc của bộ Tư Lệnh Không quân VNCH trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Do đó, ông biết mặt nhiều nhân vật nổi tiếng, nhứt là trong giới không quân. Sau 1975, tù cải tạo về, Việt Cộng không cho ông ở lại Saigon, nhà ông ở khu vực cuối đường Nguyễn Tri Phương, gần chợ cá Trần Quốc Toản, buộc ông đi kinh tế mới. Khó khăn quá, ông bèn vượt biên. Biết ông là sĩ quan chế độ cũ, người chủ vượt biên giao cho ông nhiệm vụ xem bản đồ để định hướng cho ghe đến đúng Bidong, và giao thêm một cây súng Carbin M-1 (bắn từng phát một) để phòng khi bọn hải tặc tới thì phản ứng.
Ông Nguyễn Văn Trọng, người ốm nhom, đứng nhiều khi muốn té, cười cười kể cho tôi nghe:
“Tôi đứng ở phía sau cabin của tài công, chỉ đường cho ghe chạy. Một hôm, mới tảng sáng, tôi thấy ghe Thái Lan đuổi theo. Trời sáng, tụi nó thấy rõ ghe mình mới đuổi theo còn trong đêm, tôi biểu tài công tắt đèn mà chạy để bọn Thái Lan không thấy ghe mình. (Ghe tôi đi, tài công là “Phong dưa hấu” cũng làm y như thế, tắt đèn chạy trong đêm để tránh hải tặc nhận ra ghe vượt biên). Tui bình tĩnh đứng sau cabin chờ ghe hải tặc tới. Tay tôi thủ cây súng Carbin, đạn đã lên nòng, khóa an toàn. Mấy ngày nay, ngày nào, tôi cũng chùi súng, rất kỹ. Tui chùi nòng cho thật sáng, xem lại cơ bẩm, kim chích hỏa. Tui chờ ghe Thái Lan tới cách khoảng năm chục thước, bèn đưa súng lên, mở khóa an toàn, nhắm cho đầu ruồi đúng vào chỗ tài công tụi nó. Xong, tui nổ một phát. Súng cũ quá, nổ xong, cơ bẩm văng ra khỏi súng, rơi xuống sàn đánh bụp một cái, rồi dội lên, văng tuốt xuống biển đánh ùm. Tôi lo lắm, than thầm: “Chết cha rồi!” Nhưng khi ngó lại, tui thấy ghe hải tặc bỏ chạy mất. Mừng rúm!”
Người Thái Lan theo đạo Phật, nhưng theo tôi thấy, họ không giống người Việt theo đạo Phật chút nào. Đạo Phật Việt Nam ở trong truyền thống dân tộc, ai chăm thì đi chùa thường, học kinh học kệ, nói ra thì đầy những kinh sách, Phật dạy thế nầy, thế kia. Ngoài ra, giới bình dân, người ta ít đi chùa hơn, mỗi năm vài ba lần trong những ngày vía, rồi thôi. Đạo Phật của họ là trong cách sống thường nhựt, ăn hiền ở lành, thương người nghèo khó, hoạn nạn, ăn mặn nhưng tránh sát sanh, v.v… nên người ta ít cuồng tín. Người Thái Lan đi chùa rất thường, rất cung kính, cầu nguyện, xin xỏ, mong cầu, phù phép, và rất tin, phần đông cuồng tín. Họ tin Phật như vậy mà tại sao ác thế. Hay cứ làm ác rồi vào chùa cầu xin là xong. Họ cũng chẳng hiền hòa như người bình dân Việt Nam.
Với tôi thì “Tận tín thư bất như vô thư” cho nên chẳng bao giờ tôi có thể trở thành một tín đồ ngoan đạo, đạo nào cũng vậy. Nhưng tôi tin ở Bác ái Công giáo và Từ bi Hỷ xả Phật giáo. Những điều ấy thật là vĩ đại, là cần nhứt cho nhân loại mà thôi!
Trên đồi tôn giáo, tại sân trước nhà thờ, Cao Ủy Tỵ Nạn và chính quyền Mã lai đồng ý cho Văn Phòng trại và đại diện các tôn giáo xây một tượng đài kỷ niệm những người đã bỏ mình trên biển.
Kiến trúc khá hiện đại: Trên một bệ đá hình tròn là hình dạng một chiếc ghe vượt biên tơi tả với ba cánh buồm, cao thấp không bằng nhau, vươn cao lên. Tượng được xây theo lối vẽ cách điệu, nhìn dáng cách thì biết chứ không rõ đường nét như tranh thường.
Bên cạnh đài tưởng niệm là một bức tường đá. Những tầu đến từ mấy năm trước, người ta muốn để lại một kỷ niệm nên khắc tên tàu mình lên một tấm bảng gỗ hay ximăng, hay bằng đồng rồi đặt lên đó, cái cao cái thấp bên cạnh nhau. Kể hàng trăm tấm bảng như thế! Tôi cố tìm tấm bảng kỹ niệm của ghe con gái thứ ba (kể theo trong Nam) của tôi đến đây 5 năm trước. Tôi vui mừng khi thấy nó: MB 475.
Buổi chiều, leo lên ngồi trên bệ đá nhìn ra khơi: Phía bên nầy biển khơi mù mịt, phía bên kia là rặng núi cao, là xương sống của bán đảo Mã Lai, làm tôi nhớ tới rặng Trường Sơn ở quê nhà. Khi mặt trời chiều đỏ ối như một khối lửa nghiêng xuống, đụng vào đỉnh núi tóe ra muôn vàn tia mặt trời đỏ như hình nan quạt, rồi chìm khuất sau những đỉnh núi hình răng cưa, là tôi nhớ nhà da diết. Người xưa ra đi khi còn trẻ, già trở về cố hương, ấy là “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi”. Tôi nay đã “lão đại hồi” mới “ly gia”, rồi mai đây học nói tiếng Anh, tiếng Mỹ, làm sao mà còn “hương âm vô cải” và chắc chắn không hát được câu “Tung cánh chim tìm về tổ ấm.” Mà về làm gì, nơi đầy đọa ấy, nơi quê hương là “Chùm khế chua.” Tôi chợt nhớ ngày xưa, khi báo chí phỏng vấn tướng Nguyễn Văn Hinh, hỏi ông nghĩ gì về Việt Nam và Pháp, ông ta trả lời: “Việt Nam là nơi xua đuổi tôi, Pháp là nơi cho tôi hạnh phúc.” Vậy muốn sống, người ta phải tìm nơi hạnh phúc là lẽ đương nhiên, sao tôi vội trách ông là người mất gốc. Nay nghĩ lại câu nói của ông, tôi thấy hối hận với lòng mình. Ở đời đừng vội chê ai!
Ở Bidong, có thêm một đài kỷ niệm nữa là tượng “Ông Già Bidong”. Sự tích ông già Bidong là một huyền thoại, được thêm bớt tùy theo người kể. Tuy nhiên, Ông Già Bidong là người tỵ nạn tiên phong, tới Bidong trước nhất, so với đám hậu duệ là những người như chúng tôi. Ông là tài công chiếc tầu sắt đến đây từ lâu lắm, trước khi có các đợt vượt biên, người Việt bỏ nước ra đi. Ông ta đến đây với mấy chục thuyền nhân trên tàu của ông. Lúc đó Bidong hoàn toàn là đảo hoang, không có người ở. Thỉnh thoảng ngư dân Mã Lai dừng lại đây ít hôm, tránh gió hoặc chờ qua cơn bão lại tiếp tục ra khơi bỏ lưới. Chính quyền Mã Lai hoàn toàn vắng mặt nơi đây, và ngay cả Liên Hợp Quốc cũng chưa có chương trình cứu trợ những người Việt Nam chạy trốn Cộng Sản, để làm thuyền nhân, và ngay cả hai tiếng “boat people” mà người ta dịch là thuyền nhân cũng chưa có tên trong tự điển.
Thế mà Ông già Bidong đến đó. Thuyền ông nằm trên bãi cát. Thuyền thì hết xăng dầu, người cũng hết lương thực, đói lả. Có người đi hái những trái dừa trên đảo hoang để kiếm nước uống và ăn cơm dừa. Nhưng đâu có phải ai cũng làm được như vậy. Một buổi chiều, Ông Già Bidong ra ngồi dưới gốc dừa ngó mông ra biển. Đứa cháu gái đã chết trên tay ông. Và ông già - có người thêm thắt cho ly kỳ, ngộ nghĩnh - bị một quả dừa khô rơi trúng đầu, và ông cũng trút hơi thở cuối cùng nơi gốc dừa đó, với đứa cháu gái còn trên tay ông.
Câu chuyện Ông Già Bidong có thật đấy, bởi vì, khi thấy chiếc tầu sắt đã rữa mục nằm trên bãi cát khu A, là chiếc tầu do Ông già Bidong lái tới đây, như một lời chứng cho huyền thoại về ông già đáng thương đó. Tuy nhiên, vì hồi đó, những người cùng đi với ông, đâu biết ai còn ai mất, sau khi một số người được chính quyền Mã Lai cứu giúp, rồi Bidong trở thành đảo tỵ nạn, có khi đông nhất lên tới bốn chục ngàn người, thì câu chuyện Ông Già lái tầu tới biển được thêm vào trong kho tàng văn chương chuyện kể Việt Nam.
Có thực hay không - nhưng ít ra cũng có một ông già lái tầu như thế - đã đến đây và chết ở đây, trở thành một câu chuyện linh thiêng, có người khấn vái ông để được đi định cư, và thuyền nhân lần lượt được định cư thật, thì câu chuyện thêm phần huyền bí linh thiêng.
Độc giả nhớ cho rằng, những thuyền nhân tiên khởi ấy, khi họ bỏ nước ra đi, chưa có chương trình tỵ nạn của Liên Hợp Quốc, chưa có chương trình giúp dân tỵ nạn của chính quyền các nước Đông Nam Á thì nỗi lo sợ của các bậc tiên khởi của chúng ta lớn biết bao nhiêu! Chưa có lời hứa hẹn của chính phủ các nước cho định cư, chưa có các trại gúp người tỵ nạn, số phận các bậc tiên phong đó, bồng bềnh như cánh bèo trên sông, biết đi đâu và dừng lại nơi đâu"! Thành ra, nỗi bơ vơ lạc lõng của họ hồi ấy thật là vô bờ bến, không như những kẻ đi sau, biết chính phủ Mỹ, chính phủ Úc và các nước Châu Âu mở vòng tay đón đợi, yên tâm hơn nhiều.
Thế rồi vì nhớ ơn Ông Già linh thiêng ấy, người tỵ nạn họp với nhau lại bàn bạc, có văn phòng trại hưởng ứng, giúp đỡ, tượng Ông Già Bidong được dựng lên: Một ông già râu tóc dài, đứa cháu gái chết nằm trên tay, đặt gần bờ biển, phía chân đồi tôn giáo. Mỗi ngày, nơi tượng Ông Già Bidong khói hương nghi ngút vì người ta tiếp nối nhau cầu nguyện ông phù hộ cho mau định cư, hoặc định cư nơi muốn chọn, hoặc cầu nguyện cho gia đình ly tán mau sum họp, hay cầu nguyện anh nầy chị kia được kết duyên Tấn Tần, v.v…. Càng về sau nầy, khi có chương trình “Thanh lọc người tỵ nạn”, sợ bị “hỏng thanh lọc”, sợ bị “cưỡng bức hồi hương”, tượng Ông Già Bidong càng thêm nghi ngút khói, cho đến một ngày thuyền nhân đi hết, trại Bidong giải tán, trở lại thành đảo hoang. Và Ông Già Bidong vẫn còn ngồi lại đó, đứa cháu gái chết rồi vẫn còn nằm vắt trên tay ông. Mắt ông nhìn ra biển khơi.
Ông Già Bidong kính mến! Có lẽ ông nhớ về cố quận, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ông bỏ đi khi tuổi đã già, bơ vơ nơi đất khách, bỏ mình nơi đảo hoang, một thời được gọi là “Đảo Rắn.” Đảo Rắn là tiếng dịch từ hai chữ Bidong trong ngôn ngữ người Mã Lai.
Dù gì thì người tỵ nạn vẫn cám ơn người dân và chính quyền Mã Lai đã đón tiếp thuyền nhân, cho một nơi tạm trú, trong khi chờ định cư ở quốc gia thứ ba.
Dù gì thì cũng phải cám ơn dân chúng Mã Lai, mặc dù, về sau, khi có chương trình cưỡng bức hồi hương, chính quyền Mã Lai, muốn người tỵ nạn về nước cho mau, đã không nương tay khi lôi kéo, xô đẩy, đánh đập những người kém may mắn, buộc phải hồi hương theo chương trình của Liên Hợp quốc. Tấm lòng nhân ái, phát xuất từ lòng nhân đạo của người Mã hay từ đạo Hồi là tôn giáo của số đông người Mã.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.