Hôm nay,  

Chuyện Tình Đôi Sao

01/12/201500:00:00(Xem: 6731)

Hôm thứ ba 24/11/2015 tại tòa Bạch Ốc, TT Mỹ Obama đã trao tặng huy chương "Medal of Freedom 2015" - loại huy chương dân sự cao quí nhất của nước Mỹ - cho 17 công dân Mỹ xuất sắc trong các lãnh vực khoa học, nghệ thuật, phục vụ công cộng và hoạt động xã hội. Hai trong số 17 người này là cặp vợ chồng ca nhạc sĩ Emilio và Gloria Estefan của ban nhạc "Miami Sound Machine" ở Florida. Tên huy chương "Medal of Freedom" đã phản ảnh đúng đối với hai người này; nhất là Gloria Estefan, với lập trường chống cộng sản kiên định và quá trình hoạt động nghệ thuật, chính trị không ngừng của cô; nổi tiếng nhất qua các thành tích: Từ chối sang Cuba hát trong dịp thăm viếng mục vụ của Thánh Giáo Hoàng John Paul II từ 21/1 đến 25/1/1998 theo lời mời của GHCG Cuba; phúc đáp lời mời hát tại Vatican bằng bức thư vạch trần tội ác của chế độ Fidel Castro đối với dân tộc Cuba nói chung, gia đình cô nói riêng; và khi hát thì nội dung sáng tác khiến chế độ cộng sản Cuba phải nhức đầu qua bản "Go Away" bóng gió đuổi khéo Fidel ra khỏi xứ sở của mình! Nhạc họ sáng tác và trình diễn đẹp ra sao thì chuyện tình của họ cũng đẹp làm vậy.

Gloria tên thật Gloria Maria Milagrosa Fajardo sinh ngày 1/9/1957; lập gia đình ngày 2/9/1998 lúc cô vừa tròn 21 tuổi. Vì mẹ cũng tên "Gloria" nên gia đình thường gọi cô là "Glorita", tên "cúng cơm" để phân biệt. Chuyện tình của cô bắt đầu từ một đám cưới mà ban nhạc Miami Latin Boys của Emilio Estefan được mướn đến phục vụ; trong đó thực khách Gloria đã lên hát giúp vui vài bài. Cô lúc đó mới 17 tuổi; tánh e lệ nhưng khi lên sân khấu lại khá dạn dĩ vì đã quen hát từ nhỏ. Có thể nói nếu mỗi người Việt là một nhà thơ thì mỗi người Cuba là một ca nhạc sĩ; vì âm nhạc là linh hồn của họ. Hôm ấy cô đi ăn cưới với mẹ Gloria Garcia và cô chị em họ tên Merci Murciano. Ban đầu được ban nhạc mời lên thử giọng nhưng cô từ chối. Tuy nhiên bà mẹ lại khuyến khích: "cứ hát đi Gloria; con hát hay đấy!". Thế là cô lên sân khấu và rủ Merci song ca như hai người vẫn từng hát chung bấy lâu nay. Lúc đó cô đang là sinh viên y khoa học bán thời gian tại University of Miami, Florida môn chính thần kinh học; đồng thời làm thông ngôn viên Anh, Pháp ngữ toàn thời gian tại Miami International Aiport.

Bị mê hoặc bởi cặp mắt đẹp, làn da trắng mịn màng và vẻ e lệ trinh nguyên của Gloria, anh nhạc trưởng Emilio đã phải chính thức mời cô gia nhập ban nhạc. Và vì có thêm giọng ca nữ, ban nhạc phải đổi tên là Miami Sound Machine từ 1976. Ban nhạc tuy nổi tiếng nhất trong vùng nhưng còn nghèo nên cô đã thỏa thuận chia tiền cho Merci khi hát chung. Mẹ cô chỉ cho đi hát cuối tuần với Merci vì buộc cô phải tốt nghiệp đại học. Hôm đầu trình diễn dĩ nhiên có bà mẹ và em gái đi hộ tống. Cả hai cô được nhận như ca sĩ hậu bị của ban nhạc. Lúc đầu chưa quen với số cử tọa đông, Gloria thường dõi mắt xuống sàn rạp trước khi hát; có lẽ để lấy lại tự tin; sau này được Emilio sửa sai "cứ xem như có một mình tôi trong studio nghe thôi"! Trưởng ban nhạc có lần còn đánh giá "tệ" rằng cô "cần phải tiến bộ thêm 95% nữa!" khiến sau này đã là bồ tèo rồi, Gloria để bụng câu nói và mắng yêu Emilio "bộ anh mê phần khiếm khuyết 5% còn lại của tui chắc!". Việc chọn một giọng ca nữ và là giọng ca chính cũng là một cải tiến mới lạ và chủ trương khác biệt với tiêu chuẩn thông thường của một ban nhạc Latino!

Thời gian này cũng là lúc bố cô phải vào viện dưỡng lão quân đội cho đến khi qua đời tại đó. Ông José Munuel Fajardo từng là hiến binh lái Harley hộ tống cựu Tổng Thống Cuba Fulgencio Batista trước khi Fidel cướp chính quyền hôm 1/1/1959. Ông vượt biên qua Mỹ một tháng sau khi hai mẹ con Gloria đến Miami tháng 5/1960; rồi ông bí mật gia nhập quân phục quốc. Chỉ vài tuần sau khi được thả cùng 1,112 tù binh phục quốc quân hôm 25/12/1962 sau trận Vịnh Con Heo thất bại hồi tháng 4/1961, ông gia nhập ngay U.S. Army; đem gia đình theo đến các trại binh đóng ở San Antonio TX và South Carolina. Khi ông sang Việt Nam phục vụ, vợ con ông phải bỏ trại gia binh để trở lại Miami. Ông rời Việt Nam năm 1967 rồi đóng quân tại Panama Canal; được giải ngũ vì căn bệnh xơ cứng màng tế bào (sclerosis) có lẽ do chất độc da cam ở mặt trận VN.

Sau khi cưỡng chiếm Cuba bằng vũ lực ngày 1/1/1959, nhà độc tài cộng sản Fidel Castro đã mấy lần thách thức tuyên bố cho tự do di dân nhưng thực tế dân chúng không còn tiền để hối lộ quan chức CS địa phương sau khi bị tước đoạt hết tài sản qua hình thức đổi tiền và các hình thức trưng thu, quốc hữu hóa khác; do đó không mấy ai đi được. Lần đầu với chiến dịch "Pedropan" từ 1960-1962 di tản 14,000 trẻ em mà một nửa là đoàn tụ, nửa kia tìm cha mẹ Mỹ nhận nuôi. Sau vụ hỏa tiễn Nga ở Cuba tháng 10/1962, việc di dân bị gián đoạn đến 1965 mới có chiến dịch "Freedom Flights" kéo dài đến 1970. Đến 1980, Fidel buộc phải hứa nữa; tạo nên chương trình "Mariel Boatlift" đưa được khoảng 125,000 người đến Florida. Nhưng gia đình ông anh José "Papo" Estefan của Emilio không nằm trong số này mà phải bay qua Costa Rica rồi đến Mỹ vài tháng sau đó bằng đường bộ.

Emilio nói với mẹ là anh không có tình ýý gì với cô ca sĩ; chỉ muốn ban nhạc lớn mạnh, thành công và bền vững để tạo sự nghiệp; không muốn trục trặc hay tan rã vì sì-căng-đan tình ái. Thế nhưng qua thán phục nhau, tình cảm của hai người ngày càng lớn dần và sâu đậm. Nhân một dịp lễ July Fourth, ban nhạc Miami Sound Machine được mời trình diễn trên một chiếc cruise du lịch. Trong giờ giải lao, Emilio nói dối hôm đó là "sinh nhật" của mình để có cớ xin Gloria cho mình một nụ hôn làm quà. Dĩ nhiên cô từ chối theo phản xạ của con nhà gia giáo; rồi cười nói "Không, em sẽ tặng anh một món quà". Nhưng áp dụng chiến thuật "đỉa đeo" cố hữu và lợi hại của nam giới, Emilio nài nỉ "chỉ một nụ hôn thôi mà; nhiều nhặn gì đâu!". Thế rồi Gloria bèn lưỡng lự, dè dặt đưa môi hôn vào cái bẫy má người có birthday giả, kẻ "giả hình" kia đã chớp lấy cơ hội ôm hôn người đẹp thắm thiết!

Cha mẹ của Emilio thấy Gloria thì chịu liền; nhất là bà nội của anh. Tuy nhiên mẹ của cô thì dè dặt và ái ngại cho việc học của con mình nên ra điều kiện tiên quyết rằng Gloria phải tốt nghiệp đại học; mọi chuyện khác chỉ là thứ yếu. Bà e rằng Emilio chỉ là một anh nhạc sĩ quèn; không xuất thân từ đại học, tương lai "không đi tới đâu"; "xướng ca vô loại" làm sao bảo đảm cuộc sống cho con gái bà?! Emilio ban đầu định từng bước lấy lòng bà "mẹ vợ" tương lai khó tính; dĩ nhiên không phải dễ trong hoàn cảnh anh phải dậy mỗi ngày từ 5 giờ sáng; vừa phải làm thư kí quảng cáo ở Bacardi suốt ngày; chiều đi học và làm mướn đủ nghề rồi tối còn phải đi đàn đến khuya. Emilio sống qua ngày; đi làm bằng xe đạp; bữa ăn thường là lon sữa và mấy cái bánh doughnut - loại bánh tầm thường mà nay là triệu phú rồi vẫn còn ghiền! Nhưng rồi anh dùng chiến thuật tập trung đánh vào "mặt trận" chính đối diện; quan trọng và cần "tiếp quản" càng sớm càng tốt; còn "mặt trận miền Tây" - bà già vợ kia - chỉ cần "vẫn yên tĩnh" là ô-kê!

Thế rồi vài ngày trước lễ Valentine 1978 tại nhà cha mẹ anh, Emilio thủ sẵn chiếc nhẫn hỏi trong túi quần; định sẽ tặng Gloria và hỏi cưới đúng vào ngày ấy nhưng vì nôn nao sốt ruột quá; thừa dịp Gloria đang ngồi thân mật tiếp chuyện mẹ mình, anh rút nhẫn ra tặng nàng. Gloria mở hộp nhẫn ra xem, cười và choàng tay qua ôm mẹ anh rồi bước sang ôm anh; một hình thức "say Yes" tế nhị. Mùa xuân năm sau, Gloria tốt nghiệp ưu hạng ra trường University of Miami; đồng thời cũng được nhận vào Sorbonne, Université de Paris ở Pháp nhưng bỏ không theo học mà cùng Emilio giốc hết thì giờ vào việc kiện toàn và phát triển ban nhạc. Emilio định làm đám cưới linh đình với một ban đại hòa tấu nhưng mẹ vợ cản ngăn; nại cớ bệnh tình của bố cô đang ở thời kỳ nguy kịch nhất.

Rồi một đám cưới đơn giản diễn ra hôm 2/9/1978 khi Gloria vừa tròn 21 tuổi. Cô dâu Gloria hiên ngang tiến bước vào thánh đường một mình; nói rằng không người đàn ông nào trên cõi đời này xứng đáng thay thế ông bố anh hùng để dẫn mình vào cung thánh theo đúng nghi lễ. Vị linh mục chủ tế hiểu ý nên đã rời bàn thánh xuống dẫn cô dâu đến với chú rể khi cô còn cách đó vài bước. Vị chủ tế già này cũng chính là vị chủ lễ hôn phối cho cha mẹ cô 22 năm về trước ở Havana, Cuba; khi quốc gia này còn tự do, dân chủ và thịnh vượng. Sau thánh lễ, cô dâu chú rể lặng lẽ rời thánh đường đến thẳng viện dưỡng lão quân đội Mỹ. Ông José Manuel Fajardo sau suốt nhiều tháng năm không nói một câu; nay thấy con gái lộng lẫy trong lễ phục cô dâu ngày cưới mới thốt lên "Glorita!" một cách yếu đuối từ trên giường bệnh như một lời chúc phúc súc tích nhất mà một người sắp lìa đời có thể làm nổi! Ông mất năm 1980 sau 13 năm dài chiến đấu với căn bệnh bất trị. Sau đám cưới mấy tuần, Gloria theo chồng về Santiago thăm gia đình anh chồng "Papo" còn kẹt lại "thiên đường cộng sản" Cuba.


Khác với ông bố tận tụy và anh hùng của Gloria, bố của Emilio suốt đời chỉ mê cờ bạc; không phải để kiếm tiền nuôi gia đình mà chỉ kiếm tiền để...gỡ! Có lần Emilio dành dụm được $1,200 định để mua trang bị lập nhà may và lo cho mẹ vé máy bay qua Mexico; đã bị ông bố lấy đi "nướng" hết sạch! Do đó gánh nặng gia đình đè lên hai vai người con trai 17 tuổi ngay từ khi hai bố con sang Mỹ tỵ nạn cộng sản qua ngả Madrid, Spain hồi tháng 2/1967. Do đó có lần ở Mỹ ông bố thắng ván bài lớn, Emilio phải giấu bớt một nửa tiền vào bao da đựng đàn để làm vốn sang tiệm may cho bố mẹ anh có công việc làm. Bà mẹ anh không cho gia đình tổ chức mọi tiệc birthday; thậm chí tiệc Noel; nại cớ gia đình ông con trai cả "Papo", giáo sư đại học Santiago môn năng lượng, còn kẹt lại Cuba mà vợ lại mới chết.

Emilio Estefan sinh ngày 4/3/1953 tại Santiago, cái nôi cộng sản của Fidel Castro ở Cuba. Anh từng chứng kiến cảnh Fidel đứng trên ban-công tòa thị sảnh tuyên bố chiến thắng hôm 1/1/1959, ngày đổi đời định mệnh cho gia đình anh và toàn dân xứ này. Bố Emilio Capetillo Estefan gốc Lebanon và mẹ Carmen gốc Spaniard là thương gia ngành may mặc nên tài sản, hãng xưởng và trang bị máy móc đều bị "giải phóng" toàn bộ; trắng tay như dân Saigon bên kia bán cầu 16 năm sau đó! Bà mẹ Carmen phải đi tỵ nạn CS qua ngả Mexico bằng máy bay rồi trốn qua Houston TX bằng đường bộ gian khổ năm 1970. Ông bà nội Jalin và Julia gốc Lebanon. Ông bà ngoại Antinio Gomez và Carmen Vasquez từng làm cho hãng rượu Bacardi nổi tiếng ở Spain và đã được chủ hãng Don Emilio Bacardi đích thân đứng ra làm chủ hôn cho hai người thời kỳ mới di cư sang Mỹ.

Emilio đàn accordion từ hồi 7 tuổi ở quê nhà; đến năm 17 tuổi ở Miami, anh phải nhờ ông dượng, chồng bà dì Javivi tốt bụng - người đã gởi từng gói thực phẩm và tiền bạc chắt chiu cho cha con anh từ Mỹ - đứng ra cosign mua trả góp chiếc accordion giá $277; mỗi tháng trả $17.58. Khi mới qua Mỹ, anh xin vào trường học nhạc; bị từ chối vì quá tuổi vì tuổi để nhập học từ 11 trở xuống. Sau thời gian hình thành hồi thập niên 1970s với Agustincio, Pundi, Carlitos, Danielito; và bổ sung hồi thập niên 1980s với Rafael Vigil, Joe Galdo, Lawrence Dermer; và nhất là sau ngày cưới, khi Emilio ngừng đàn để tập trung vào công việc điều hành và quản lí, ban nhạc Miami Sound Machine nay có thêm những tay cự phách như Marcos Avila (bass), Kiki Garcia (trống) và Raul Murciano (saxo và keyboard), người đã cưới Merci và sau bất đồng - đòi trình diễn lời Anh ngữ nhiều hơn - đã cùng vợ rời bỏ ban nhạc. Gloria và Emilio cũng đã đào tạo và hỗ trợ nhiều đồng nghiệp nổi danh như Carlos Ponce, Jon Secada, Shakira Mubarak...

Khi hạnh phúc đến tràn đầy với hai con Nayib và Emily đồng thời định sẽ sanh đứa thứ ba - bất thành vì tai nạn; khi sự nghiệp lên đến tuyệt đỉnh tiền tài và danh vọng thì cũng như một định luật của tạo hóa, Gloria gặp vận xui - một dịp nữa để cô chứng tỏ nghị lực và can trường: Tháng 3/1990 sau khi rời White House theo lời mời của TT George Bush (bố), gia đình vợ chồng cô đi New York bằng tourbus để dự cơm tối với đồng nghiệp Toomy Mottola. Hôm sau trên đường đến Syracuse qua ngả Pennsylvania, xe bus của họ đã bị một xe vận tải đụng ngang hông rất mạnh. Không ai trong xe bị thương nặng nhưng Gloria bị ngất xỉu phải vào Scranton Hospital gần đó để cấp cứu. Khi được xác nhận là gãy cột sống, cô được không vận về New York để giải phẫu và uốn đốt xương sống bằng nẹp kim loại titanium với tiên đoán của bác sĩ rằng sẽ bị bại liệt suốt đời.

Nhưng lạ thay, với lời cầu nguyện, ýchí khí và nghị lực; với niềm yêu đời, yêu nghề và đức tính kiên trì nhẫn nại, cô đã nhanh chóng bình phục và xuất viện chỉ sau hai tuần điều trị. Danh ca người Spaniard, Julio Igosias đã cho mượn máy bay riêng để Gloria về nhà làm therapy tại chỗ dự trù kéo dài 6 tháng. Mỗi ngày cô phải tập ngồi, tập đứng rồi tập đi; từ lẫm chẫm từng bước ngắn đến bước dài. May thay, căn nhà hai tầng mới xây ở Star Island trong Biscayne Bay có gắn thang máy do sáng kiến của chính cô; dự trù để cho bố xử dụng sau khi bình phục nhưng bố đã nhường cho cô con gái dùng đúng lúc. Chả thế mà mới 4 tháng, cô đã cùng gia đình đi được đến studio của mình.

Có lẽ Gloria với nghị lực mạnh cá biệt sẵn có cộng với tấm gương kiên trì nhẫn nại học được của hai danh ca Julio Igosias và Edith Piaf - hai người đã từng bị tai nạn xe thảm khốc như cô - đã hồi phục nhanh ngoài dự liệu của bệnh viện. Trong lúc có mặt tại studio, Emilio lục trong túi quần thấy có tấm giấy nhỏ; có lẽ sống sót qua nhiều trận lốc xoáy nước của máy giặt nhưng vẫn còn dòng chữ đọc được "Coming out of the dark". Nhận thấy đây là dấu hiệu của vận may; vả lại, tình yêu nồng nàn và cảm hứng cao độ đã khiến họ sáng tác bản nhạc cùng tên để rồi chưa đầy một năm sau, hồi tháng 1/1991, Gloria đã bình phục hẳn và trở lại sân khấu; lộng lẫy trong trang phục nhung gấm và hát xuất thần bản nhạc ấy trong đêm phát giải American Music Awards!

Thế rồi họ mua cổ phần của NFL tháng 1/2009; rồi bản nhạc "Monday Night Football" ra đời. Họ mua Cardozo Hotel có Cardozo Bar & Grill; xây hồi thập niên 1930s cũng trên Ocean Dr. rồi tân trang và đổi tên thành "Costa d'Este (East Coast) Beach Resort" với ngụ ýý "Este" là chữ tắt của tên dòng họ "Estefan" của mình. Họ mở "Bongos Cuban Café" nổi tiếng và nhiều chi nhánh cho đến nay. Họ có cổ phần trong Sony, Pepsi, AT&T, Starbucks. Họ lập Estefan Enterprises, Crescent Moon Records, Sony Worldwide Artist Development để gây vốn. Họ lập "Gloria Estefan Foundation" năm 1993 để gây quĩ giúp người tỵ nạn CS đồng hương Cuba ở trại tỵ nạn Guatanamo, bệnh nhân bại liệt, học sinh nghèo, thương phế binh Mỹ, nạn nhân các trận bão lụt Andrew, George, Katrina,..vv.. Sau ngày 11 Sept. 2001, họ tổ chức sân khấu với 60 nghệ sĩ nổi danh đồng ca "El Ultimo Adios" gây quĩ cho American Red Cross giúp nạn nhân khủng bố Hồi giáo.

Họ là thượng khách của TT Nelson Mandela (S. Africa), TT Bush bố và Bush con, TT Clinton, TT Obama, vua Juan Carlos và hoàng hậu Sophia (Spain), tỷ phú Donald Trump. Tên ban nhạc "Miami Sound Machine" của họ được đặt cho một đại lộ của thành phố. Emilio được tặng Star trên Hollywood Walking Fame. Cơ quan Ellis Island Foundation công bố giải "Ellis Island Family Herritage Awards" đã tặng gia đình Estefan chứng chỉ "B.C. Forbes Peopling of America Award" dành cho các gia đình di dân qua ngả hải cảng miền đông, nơi có tượng Nữ Thần Tự Do.

Họ được tặng nhiều giải American Grammy Awards, nhiều giải Latin Grammy Awards, nhiều bằng Tiến Sĩ Danh Dự, giải Pop Songwriter of the Year... Gloria đoạt giải Alma Awards về thành tích "thành tựu trọn đời" về âm nhạc. Mỗi lần nhận giải, họ luôn nói "cám ơn" nước Mỹ; hoặc bạn họ nói cám ơn "Columbia, Mexico..." nhưng không ai nói "cám ơn" Cuba với chế độ cộng sản độc tài đang thống trị, cướp của giết người và xua đuổi công dân để chiếm đất nước làm của riêng như CSVN. Họ cũng hiến tặng rộng lượng tài vật cho nạn nhân chiến tranh, nghèo đói, thiên tai và bệnh tật qua nhiều tổ chức từ thiện và quốc gia. Gloria định nghĩa "rộng lượng" không phải là "có bao nhiều và cho bao nhiêu"; mà là "có bao ít và cho bao nhiều"? Đặc biệt họ suốt đời tạ ơn nước Mỹ, quốc gia đã cưu mang họ và ban cho họ các vốn liếng quí giá của con người là nhân phẩm, cơ hội và nhất là Tự Do; những thứ đã bị chế độ hai anh em Fidel và Raul Castro tước đoạt mất từ tay Thượng Đế.

Cho nên đối với bọn độc tài cộng sản đang đứa "ngủ" ở Cuba và xin Mỹ bỏ cấm vận, đứa "thức" ở Việt Nam xin mua vũ khí sát thương; thay phiên nhau ngày đêm canh chừng để cướp của giết người và bán nước - như tên "chủ tịch" nước VC Nguyễn Minh Triết đã lố bịch mô tả một cách trào phúng - thì Gloria và Emilio Estefan không thèm bố thí; dù chỉ một xu! Cương nghị là thế! Lập trường bất di dịch là thế! Tầm vóc Gloria và Emilio Estefan là thế! Vĩ đại và đáng ngưỡng mộ là thế! Ngoài cặp vợ chồng Estefans, 15 người kia gồm: Barbara Streisand, Steven Spielberg, Stephen Sondheim, James Taylor, Itzhak Perlman, Willie Mays, Katherine G. Johnson, Bonnie Carroll, Sen. Barbara Mikulski, Rep. Lee Hamilton, William Ruckelshaus, Yogi Berra, Shirley Chisholm. Billy Frank Jr và Minoru Yasui do thân nhân thay mặt lãnh thế vì họ đã qua đời. Ruckelshaus đến từ Washington State.

HÀ BẮC
(tham khảo hồi kí của Emilio Estefan, The Washington Post và The Associated Press)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.