FOXBOROUGH, Massachusetts - Cựu Tổng Thống của miền Nam Việt Nam đã không hề nói với công chúng một điều gì, không hề cho biết ông đã nghĩ gì trong dịp kỷ niệm 25 năm Sài Gòn sụp đổ, và đây cũng là dịp kỷ niệm 25 năm quyền lực của chính ông sụp đổ.
Ông Nguyễn Văn Thiệu đã không trả lời cả chuông bấm cửa nhà ông.
Từng là một lãnh tụ trên thế giới, nhưng ngày nay hiển nhiên ông Thiệu chỉ muốn được xem là một người di cư Á Châu vô danh, người ấy vẫy tay chào lối xóm khi dắt chó đi tản bộ trên con đường nơi ông sinh sống.
Nơi ông ở là một khu khá giả ở ngoại thành, gần hồ nước Neponset, nơi đây người từng nổi tiếng một thời hiện đang sống ẩn dật với vợ.
Ông Thiệu là người lãnh đạo chế độ Sài Gòn từ năm 1967 cho đến khi chế độ tan vỡ vào tháng Tư 1975, mặc dù ông vẫn được người ta nhớ đến như một nhân vật chống Cộng cương quyết, nhưng ông lại không được cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ kính trọng.
Nhiều người buộc tội ông Thiệu, cho rằng ông đã cầm đầu một chính phủ bất tài, tham nhũng, chính phủ ấy bỏ mặc cho Sài Gòn rơi vào tình trạng không có khả năng bảo vệ trước quân đội Bắc Việt.
Bà Mary Trương, một lãnh tụ của Liên Minh Phụ Nữ Gốc Việt ở Masachusetts, cho hay là ngay những người Việt ở Boston cũng ít ai hay biết ông Thiệu đang sống giữa khu vực này với họ. Bà Trương bảo rằng chắc không có mấy ai hoan nghênh ông Thiệu, người lãnh tụ mà họ tin là đã hỏng, người ấy đã làm cho họ thất vọng.
“Trước đây, nhiều người từng cảm thấy phẫn nộ với ông Thiệu, đến nỗi nếu họ gặp là họ cán xe lên ông ấy,” bà Trương cho biết, bà có người em gái từng có lần nhận ra cựu Tổng Thống trong một gian hàng bách hóa. Bà nói “Ngày nay người ta biết chuyện ấy vô ích, vì thế họ lờ đi, không để ý đến ông ấy nữa. Còn giới trẻ, họ không biết cả đến tên ông ấy.”
Ông Nguyễn Văn Thiệu mặc dù cuối cùng đã phải chịu nhục nhã rời khỏi Việt Nam, nhưng ông từng là một nhân vật nhiều quyền lực, thông minh lanh lợi, giữ được một lập trường không khoan nhượng - đủ để ảnh hưởng đến chính phủ Hoa Kỳ rất nhiều lần không đếm xuể - dưới cả hai trào Tổng Thống Johnson và Nixon.
Nhưng đối với người hàng xóm cạnh nhà, ông Thiệu chỉ là một người đàn ông lịch sự, trầm lặng, dễ thương, người đã mang đến biếu một chai rượu vang nhân dịp hàng xóm ăn mừng nhà mới. Hàng xóm ông Thiệu, ông Randy Scheffler thường thấy ông Thiệu và bà vợ dắt chó đi tản bộ, hoặc đi bơi thuyền vào mùa hè, nhưng họ không hay biết gì về dĩ vãng của ông Thiệu cho đến khi có một phóng viên tới tiếp xúc. Nhưng ông hàng xóm Randy Scheffler cho chuyện ấy là “Chẳng có gì ghê gớm. Và cuộc đời vẫn tiếp diễn.”
Ông Thiệu nổi tiếng là người thận trọng, ông thường đề cao cảnh giác và tránh né tiếp xúc, mặc dù hai chữ “nổi tiếng” này có vẻ hơi trái khoáy đối với một nhân vật đã gần như bị lãng quên. Từng có thời được mô tả là một người không có nhiều mầu sắc, không có nhiều cá tính lôi cuốn quần chúng, tại nước Mỹ, ông Thiệu rất ít được biết đến so với Ngô Đình Diệm, người tiền nhiệm của ông, người đã bị ám sát, mặc dù thời gian nắm giữ quyền lực của ông Thiệu cũng dài bằng ông Diệm.
Không như nhiều chính trị gia khác, ông Thiệu không hề viết hồi ký.
Robert K. Birgham, một học giả chuyên khảo về Việt Nam thuộc Đại học Vassar, nói rằng “Ông Thiệu có vẻ không phản ảnh ký ức theo kiểu mà nhiều nhân vật quyết định chính sách của Sài Gòn đã từng làm.”
Ông Thiệu được tường thuật là đã có lần dọn sang Luân Đôn, nơi đây ông sống lưu vong nhiều năm, vì các phóng viên tìm ra được địa chỉ ông, họ bắt đầu cố tiếp xúc với ông. Ông Thiệu không trả lời lá thư của người ký giả muốn xin phỏng vấn để viết bài này, ông cũng không trả lời khi người ký giả viết bài này ba lần đến tận nhà ông.
Gần đây, khi người khách đến thăm, đứng tại bậc thềm nhà ông với hy vọng gặp ông, đã nhận ra là có một người đàn ông tóc bạc đứng trong nhà nhìn qua mành cửa sổ. Người đàn ông ấy nhòm người khách đến thăm một lúc, rồi biến mất.
Không một ai trả lời sau khi chuông reo tại căn nhà ấy, một căn nhà hiện đại, mầu nâu, đẹp nhưng khiêm tốn - nơi đây có đặt pho tượng sứ của một người Trung Hoa với râu quai nón đứng canh trước cửa.
Trên lối lái xe, đậu một chiếc Nissan Pathfinder, chiếc xe này dán cái huy hiệu của trường Đại học Bowdoin. Mấy con thỏ bằng đất nung đặt nằm nghỉ ngơi bên những bụi cây nở hoa.
“Dịp kỷ niệm này có lẽ chẳng phải là dịp mà ông Thiệu thích gì cho lắm, với vụ thất trận và nỗi nhục nhã của ông,” George Herring, sử gia chuyên khảo về Việt Nam thuộc Đại học Kentucky, phát biểu. “Tôi cho việc ấy chẳng dễ gì xử trí cho ổn thỏa, dù là 25 năm trời đã trôi qua.”
Ông Thiệu và vợ, bà Mai Anh, có ba người con đã thành niên. Do quyết định của con cái, hai ông bà về định cư tại Hoa Kỳ, thoạt đầu ở khu ngoại thành Newton, sau đó chuyển đến khu Foxborough.
Đầu thập niên 1990, có lúc có vẻ như ông Thiệu đã ngập ngừng bước ra trước ánh sáng công chúng, nhưng ông lại mau chóng rút về. Hiển nhiên là được khích lệ về việc sụp đổ của Cộng Sản Đông Âu, ông Thiệu đã đọc vài bài diễn văn ủng hộ dân chủ tại Việt Nam. Nhưng những người biểu tình đã cắt lời ông tại quận Cam.
“Dù đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam là việc tốt, nhưng ông Thiệu không hữu hiệu,” bà Trương cho biết. “Người ta đã nhìn ông ấy như một trò cười, họ nói ‘Muộn mất rồi, hỏng mất rồi. Ông ấy đã bán nước mất rồi’.”
Tuy nhiên, với những lời đả kích chế độ Cộng Sản một cách kiên trì, không mỏi mệt, ông Thiệu lại gây được một số lòng trung thành trong những người Mỹ gốc Việt.
Ông Trần Q. Tuấn, chủ nhân một hiệu thuốc tây ở Boston, cũng là một cựu quân nhân, cho biết “Ông Thiệu vẫn được một số hình thức kính trọng, vì ông ấy đã bảo chúng tôi rằng Cộng Sản rất xảo quyệt, chúng sẽ bẻ gẫy mọi hứa hẹn.” Ông Tuấn nói: “Cuối cùng, điều ấy đã trở thành sự thật.”
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi dành cho tờ Globe vào năm 1992, ông Thiệu đã gay gắt mắng nhiếc chính quyền Mỹ về việc bỏ mặc Sài Gòn cho các lực lượng Cộng Sản sau khi Mỹ rút đi năm 1973.
“Hoa Kỳ đã tiêu tốn rất nhiều ngân khoản, nhân mạng, quý vị đã chiến đấu 10 năm tại Việt Nam, nhưng rồi quý vị đã phản bội, bỏ rơi một dân tộc từng hoàn toàn tin tươủng vào siêu quyền lực của quý vị,” ông Thiệu phát biểu. “Đó là lý do vì sao mà quý vị phải nhận lấy tình trạng mất danh dự của việc thất trận này.”
Phản ứng những lời chỉ trích ông trong giới người Việt lưu vong, ông Thiệu đáp lại rằng “Tôi rất muốn thấy quý vị làm được gì hơn tôi.”
Sinh năm 1923, con trai một nông dân, ông Thiệu theo học một trường trung học Công Giáo của người Pháp tại hoàng thành Huế, sau cùng đã leo lên qua các cấp trong quân đội Sài Gòn. Dù là một thành phần trong nhóm tướng tá trẻ thực hiện vụ đảo chánh ông Diệm vào năm 1963, nhưng đến năm 1967 ông Thiệu mới củng cố được quyền lực của ông.
Ông Thiệu đã đem lại sự ổn định rất cần thiết cho chính quyền miền Nam Việt Nam, nhưng ông không hành động gì để quét sạch tình trạng tham nhũng và tình trạng quản lý sai trái, làm cho Sài Gòn không có hy vọng sống sót nếu không có viện trợ cuủa Hoa Kỳ.
Biết rằng vụ đàm phán hòa bình sẽ là bản án tử hình cho miền Nam Việt Nam, có lẽ hành động hữu hiệu nhất cuủa ông Thiệu là đã liên tục trì hoãn những buổi đàm phán hòa bình ở Ba Lê, làm người viết diễn văn cho Tổng Thống Mỹ, ông Harry McPherson từng phải than vãn rằng “Ông khổng lồ Mỹ đang bị các chú tí hon Nam Việt Nam trói chặt.”
Sử gia Herring và một số người Việt phê bình mạnh mẽ nhất đối với ông Thiệu là về những tính toán chiến thuật nhầm lẫn trong tháng Tư 1975, khi ông ra lệnh triệt thoái khỏi cao nguyên. Lệnh này đưa đến tình trạng binh sĩ của ông tháo chạy hỗn loạn và đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ.
Nhưng mặc dù ông Thiệu có nhiều bước nhầm lẫn, học giả Brigham mô tả cựu Tổng Thống Thiệu là một nạn nhân của hoàn cảnh. Học giaủ này phát biểu rằng “Bất cứ ai đóng vai đồng minh của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, theo luật chơi, đều sẽ gặp một số phận tương tự.”
Ông Thiệu từ chức ngày 21 tháng Tư, vài ngày sau đó đã thoát ra khỏi nước. Ông được chở đến một chiếc máy bay do Frank Snepp, nhân viên Trung Ương Tình Báo Mỹ, chờ sẵn. Frank Snepp kể lại là trong những chiếc va li cuủa ông Thiệu “có tiếng kim khí va chạm nhau kêu leng keng,” ý nói là những thỏi vàng ông Thiệu chở theo. Snepp kể lại rằng ông Thiệu đã “chớp đôi mắt rướm lệ” khi sửa soạn lên máy bay.
Các hồ sơ cho thấy trong năm 1995, ông Thiệu đã bán bất động sản của ông tại Newton với giá 775,000 mỹ kim, và mua căn nhà hiện tại với giá 372,000 mỹ kim. Ông phủ nhận các bản phúc trình nói rằng ông lấy cắp tiền. Trong năm 1992, ông nói ông được con cái nuôi dưỡng.
Có lẽ, trong lúc từ chối không tham gia đối thoại, ông Thiệu vẫn còn cảm thấy nhức nhối vì những gì mà ông xem là các hành động sai trái đối với ông, của một quốc gia hiện nay đang chiêu đãi ông.
Vài ngày sau khi thoát khỏi Sài Gòn hôm 29 tháng Tư, 1975, ông Thiệu tuyên bố: “Rất dễ trở thành một kẻ thù cuủa Hoa Kỳ, nhưng rất khó mà trở thành một người bạn.”