Bạn,
Theo báo Tuổi Trẻ, vào thời điểm thu hoạch lúa, trên những cánh đồng miền Tây đâu đâu cũng thấy những người gặt lúa thuê. Họ tổ chức thành đoàn, có nơi gọi là phường gặt, và cũng đi theo họ là những đứa trẻ đen đủi, nhem nhuốc bùn đất, đứa thì giữ ghe, giữ vịt, đứa mò cua, bắt ốc, đứa cõng em, có cả những đứa gồng lưng cắt lúa, vác lúa. Tại một xã ở Cần Thơ, phóng viên báo TT đã ghi lại bước đường mưu sinh của những đứa trẻ khốn khổ qua đoạn ký sự dưới đây.
Một buổi trưa, trên cánh đồng của xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ nóng như đổ lửa, từ xa đã thấy lô nhô bóng người lúi húi cắt lúa, vác lúa. Trong số ấy có một bé trai tên Tuấn, da đen, tóc cháy nắng, đang vác lúa, bó lúa to hơn người em. Thấy chiếc phù hiệu vàng kệch trên ngực áo em, phóng viên hỏi: Em còn đi học không" Tuấn cúi đầu nói khẽ: Con nghỉ học hơn một năm rồi. Vừa mới học hết lớp 5, em cùng ba anh trai (đều chưa tới tuổi trưởng thành) phải theo gia đình xuống ghe lang thang chuyên nghề gặt mướn. Anh lớn nhất mỗi ngày có thể cắt được hơn một công, đứa nhỏ cắt ba góc, nhỏ hơn thì hai góc tư công, riêng Tuấn chưa biết cầm liềm cắt lúa nên phải gồng lưng gom và vác lúa.
Cha của Tuấn đang cắt ở đầu vạt lúa, kể: Trước thì gia đình tui cũng khá, nhưng làm ăn thị trường mình không đua nổi, đành phải bán hết tài sản, nhà đất để trả nợ rồi dắt dìu vợ chồng, con cái xuống ghe. Ông dẫn tôi đến chiếc ghe mui đang neo đậu dưới dạ cầu sắt Thơm Rơm. Lúc ấy mặt trời đã ngả bóng, bà Sáu, vợ ông, đang chuyển chiếc bếp dầu lên bờ, quây vành thiếc che gió, chuẩn bị lo bữa ăn chiều. Bà Sáu tính: làm hết vụ này cả nhà ký cóp cũng được hơn 1 triệu, phòng khi hết vụ thiếu việc làm.
Phóng viên báo quốc nội nhìn quanh khúc sông này, nhiều chiếc ghe mui khác cũng đã chuyển bếp lên bờ. Những đứa trẻ bắt đầu phóng xuống sông tắm rửa.
Cũng như những người từ địa phương khác đến Thốt Nốt gặt mướn kiếm sống, gia đình chị Nhiều ở xã Thới Đông, huyện Ô Môn phải đến các xã trong huyện kiếm sống bằng nhiều công việc làm đất, làm cỏ, cắt lúa. Cứ đến đâu, anh chị dựng chòi lên ở đó. Vì vậy cả ba đứa con dù đứa nào cũng đã trên 8 tuổi nhưng không hề biết một chữ bẻ đôi. Chị Nhiều nói như muốn khóc: Tui với ổng có biết chữ nào đâu, bởi vậy suốt đời không ngóc đầu nổi, nhưng nhà cửa như vậy làm sao mà lo cho sấp nhỏ đi học được.
Có bao nhiêu đứa trẻ từng ngày lang thang cùng gia đình kiếm sống, không được đến trường" Câu hỏi đó chưa có lời giải đáp cụ thể. Các cơ quan chức năng cũng không có những thống kê chính xác bởi những gia đình này đi đâu, về đâu, không trình báo với địa phương. Chủ tịch hội Phụ nữ xã Thới Đông, huyện Ô Môn nói: Nguyên nhân chính vẫn là sự nghèo túng do không có ruộng đất, không nghề nghiệp hoặc làm ăn thua lỗ, chuyển nghề và tha phương cầu thực. Ngay tại ấp Thới Trương 2 này, 11 đứa con của một cư dân tên là Thạch Bum, đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi mà chưa có đứa nào được đi học, mấy đứa lớn theo gia đình ngày ngày bán sức lao động kiếm ăn.
Bạn,
Cũng theo phóng viên báo quốc nội, nông dân chỉ có thể hy vọng vào sự tiến bộ của con cái khi biết quyết tâm vượt qua khó khăn, giữ lại mảnh đất, mái nhà của mình. Đã có không ít gia đình tuy cảnh nhà rất khó khăn vẫn nuôi dạy lo cho ăn học thành tài. Không thấy phóng viên đặt trách nhiệm với chính sách nhà nước.
Gửi ý kiến của bạn