Nhức nhối vẫn là chuyện mua hàng ngoại về rồi dán thương hiệu hàng Việt… Infonet ghi lời một quan chức về tình hình “Nhập hàng nước ngoài về cắt mác dán nhãn Made in VN: Chúng ta đang tự giết chúng ta!”
Đó là lời nhấn mạnh của tiến sĩ Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội trước tình trạng doanh nghiệp nhập hàng hóa nước ngoài về cắt mác, biến thành hàng “Made in Vietnam”.
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ ghi nhận: mỗi năm Việt Nam có 8.000 người chết, hơn 15.000 người bị thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. Tính riêng trên địa bàn TP.SG, trong 10 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 2.605 vụ tai nạn giao thông, làm chết 531 người, bị thương 1.975 người.
Bản tin 24 H ghi nhận vì tình hình: Cam ngoại "tấn công", cam Cao Phong giảm giá chính vụ… Hiện cam Cao Phong - vốn là đặc sản của đất Hòa Bình, giảm giá tới 33%, chỉ còn 19.900 đồng/kg tại vườn. Mức giá này bằng với thời điểm với năm ngoái nhưng nếu so với các loại cam khác trong nước, cam Cao Phong vẫn đang có mức giá cao hơn.
Bản tin VnEconomy kể: Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hàng năm, có hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, riêng năm 2018 có hơn 146.000 người. Tuy nhiên, bên cạnh những con số lạc quan thì tỷ lệ lao động bỏ trốn vẫn còn ở mức cao là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Hiện nay, có 226.000 người Việt đang lao động ở Đài Loan và có hơn 22.000 người bỏ trốn ra ngoài. Trong khi tại thị trường Nhật Bản, số lượng và chất lượng tăng nhanh trong thời gian vừa qua cũng xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh như bỏ trốn ra bên ngoài: Năm 2016 có hơn 2.000 lao động bỏ trốn thì đến 2018 con số này lên gần 5.500 lao động bỏ ra ngoài và vi phạm pháp luật.
Báo Pháp Luật kể chuyện làm đẹp: trên thị trường nhan nhản những cơ sở làm đẹp không phép, tự phát. Các cơ sở này có thể là tiệm làm tóc, tiệm xăm, spa, tiệm nail… Thậm chí, cả những người làm đẹp… dạo. Nắm bắt nhu cầu làm đẹp quá lớn của thị trường, các cơ sở này dù không có chức năng nhưng vẫn “kiêm” luôn các phương pháp làm đẹp xâm lấn như: tiêm chích, cấy, tiểu phẫu…
Người thực hiện những ca tiểu phẫu này có thể là thợ làm tóc, làm nail, thợ xăm, hoặc tự xưng là thợ, từng học một vài khóa học không rõ mở ở đâu, chứng chỉ thế nào… Tuy nhiên, với cách thuyết phục rất bùi tai với mức giá rẻ nên nhiều người vẫn lựa chọn làm đẹp ở những cơ sở này. Đó cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng như mù mắt, hoại tử, thậm chí tử vong.
Người Lao Động kể: từ năm 2011-2014, trên địa bàn TPSG có 691 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Từ năm 2015 đến tháng 6-2019, trên địa bàn TP có 782 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục (43 trẻ em trai, 739 trẻ em gái), trong đó có 695 trẻ bị xâm hại tình dục.
Tuy nhiên, con số này chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do nhiều gia đình đã chọn cách im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại. Trong tổng số vụ xâm hại trẻ em nêu trên, đau lòng là có 6 trẻ em tử vong; 6 trẻ em bị thương tật; 14 trẻ em bị rối loạn tâm thần; 86 trẻ em có thai, 9 trẻ em phải bỏ học và 661 trẻ em bị tác động khác về thể chất, tinh thần.
Bản tin VTC kể chuyện thầy dạy võ đánh nhiều học trò tập võ thê thảm: sự việc xảy ra tại lớp học võ trên địa bàn TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bước đầu xác định thầy dạy võ Karate trong clip là người được đoàn thể thao huyện Yên Lạc thuê để huấn luyện, dạy cho các vận động viên trong đoàn.
Trong clip khoảng 20 học viên đang cố gắng cúi đầu xuống sát đất trong bài tập ép cơ, thì một người đàn ông mặc bộ đồ tối màu, đi giày thể thao liên tục tung những cú đá, đấm vào lưng, gáy, ngực nhiều học sinh. Người này còn chỉ tay vào mặt học sinh lúc nói chuyện. Không chỉ các học viên nam, những học viên nữ cũng bị người này tung những cú đấm, đá rất mạnh. Thậm chí, có em còn bị người đàn ông này ngồi lên vai rồi đấm, đá liên tục vào người. Tuy nhiên tất cả học sinh đều không ai dám phản kháng.
Báo SGGP kể chuyện may dệt bất an: Mục tiêu xuất cảng 40 tỷ USD trong năm 2019 của ngành dệt may đứng trước nguy cơ khó đạt được do gặp phải hàng loạt khó khăn, như thiếu đơn hàng, nguyên liệu phụ thuộc nhập cảng... cạnh tranh về đơn hàng giữa doanh nghiệp (DN) nội địa với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra ngày càng gay gắt. Nhiều DN đang rơi vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, thậm chí một số đã phải đóng cửa, đối diện với nguy cơ phá sản.
Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết các đơn hàng bị chia nhỏ, khách hàng thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn, đặc biệt tình trạng ép giá thấp khiến lợi nhuận của DN bị sụt giảm. Các đơn hàng có xu hướng chuyển sang những nước có ưu đãi về thuế suất như Banglades, Campuchia, thay vì vào Việt Nam như trước đây.
Báo Công Thương kể chuyện “Công nhân nữ sau tuổi 35: Nỗi lo bị sa thải”… Tiêu chí mà các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) đưa ra đối với lao động nữ là chỉ tuyển trong độ tuổi "vàng" (từ 18 - 35 tuổi). Vì vậy, không chỉ lao động nữ sau tuổi 35 rất khó tìm được việc làm phù hợp mà những công nhân nữ quá tuổi 35 cũng có tâm trạng lo lắng bị DN sa thải.
Chị Đào Thị Linh (từng làm việc tại một công ty thuộc KCN Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) - cho biết, dù không trực tiếp sa thải, song, khi người lao động đến một độ tuổi nhất định, các công ty thường áp dụng luân chuyển sang những vị trí việc làm không phù hợp, tạo áp lực khiến cho người lao động chủ động xin nghỉ việc.
Báo Tiền Phong kể chuyện doanh nghiệp bị kiểm tra thuế hành: theo lời Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI), qua kết quả khảo sát năm 2019 cho thấy, trung bình có 43% số DN cho biết, họ có tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra thuế. “Tuy nhiên, DN có số năm hoạt động càng nhiều hoặc quy mô càng lớn, tỷ lệ bị thanh tra, kiểm tra thuế càng cao”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, các DN được khảo sát phản ánh vẫn còn tình trạng phải trả chi phí ngoài quy định. Đáng chú ý, còn tới 20% các cuộc thanh tra, nội dung thanh, kiểm tra trùng lặp. Đặc biệt, có nhiều văn bản pháp luật diễn giải chưa thống nhất cách hiểu, một số suy diễn còn bất lợi cho phía DN.
Kinh Tế Đô Thị kể: Hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh việc đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản (NLTS) nhằm quản lý nguồn gốc nông sản bán ra thị trường. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất NLTS đa số ở quy mô nhỏ lẻ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra, xếp loại và xử lý vi phạm.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 17.160 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm NLTS. Trong 9 tháng năm 2019, Chi cục đã kiểm tra, xếp loại 401 lượt cơ sở, trong đó có 292 cơ sở xếp loại A, B (chiếm 75,8%); 93 cơ sở xếp loại C (chiếm 24,2%).
Báo Thanh Niên kể chuyện 2 sĩ quan công an bị sa thải… Công an TP.Hà Nội, cho biết cơ quan này đã quyết định giáng quân hàm từ đại úy xuống trung úy đối với bà Lê Thị Hiền (36 tuổi, cán bộ Công an Q.Đống Đa, Hà Nội), đồng thời yêu cầu người này xuất ngũ ngay trong ngày. Bà Hiền là người đã xích mích với nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất (TP.SG), có những lời lẽ thô tục với các nhân viên hàng không và gây náo loạn tại đây ngày 11.8. Trong khi đó Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết đã giáng quân hàm từ thượng úy xuống trung úy và loại khỏi ngành đối với ông Nguyễn Xô Việt (35 tuổi, cán bộ Đội tổng hợp Công an TX.Phổ Yên, Thái Nguyên). Ông Việt sẽ trả quân trang, xuất ngũ về địa phương từ ngày 19.11. Trước đó, chiều 10.11, ông Việt đã lao vào đánh người bán hàng, ném xúc xích vào mặt nhân viên thu ngân tại một trạm dừng nghỉ.