Cuộc chiến thương mại vẫn xảy ra chung quanh hàng Việt Nam xuất cảng…
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp ghi nhận: Sau khi áp thuế chống trợ cấp 12% với ống thép không gỉ từ Việt Nam, Ấn Độ lại tiếp tục điều tra chống trợ cấp đối với ván sợi bằng gỗ. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại nhiều mặt hàng khác của Việt Nam có thể cũng sẽ bị Ấn Độ điều tra chống trợ cấp.
Báo Đất Việt kể: Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thì cho rằng chi phí để 1kg tôm từ miền Nam tới tay người tiêu dùng miền Bắc còn cao hơn chi phí 1kg tôm từ Ecuado (châu Mỹ) về Việt Nam.
Tring khi đó, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20,9% giá trị hàng hóa, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển, trong đó chi phí vận tải chiếm tới 60%. Chi phí logistics cho rau quả chiếm 30% và tương đương đối với gạo. Ví dụ tổng giá trị xuất cảng gạo năm 2018 là 3,1 tỷ USD thì chi phí logistics đã chiếm tới khoảng 1 tỷ USD, làm tăng giá nông sản, giảm khả năng cạnh tranh.
Báo Giao Thông kể: Tổng Cục Hải quan cho biết vừa phát hiện chị L.T.T.H (thường trú tại Hà Nội) cất giữ 129.000 USD (khoảng 2,7 tỷ đồng) trong hành lý xách tay, túi áo khoác, đáy valy, không khai báo hải quan. Theo tìm hiểu, vụ việc được phát hiện lúc 9h30 ngày 22/11 qua chuyến bay SU29 từ Moscow (Nga) về sân bay quốc tế Nội Bài. Theo ghi nhận từ lực lượng chức năng, số tiền đó được chia nhỏ thành 14 phần, bọc bằng giấy bạc, đã bị thu giữ và tiếp tục được xác minh, làm rõ.
Báo Đầu Tư kể: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2019, xuất cảng giày dép và túi xách, ô dù đã mang về 17,67 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ, trong đó giày dép đạt 14,06 tỷ USD; túi xách đạt 3,070 tỷ USD. Với mức thực hiện khoảng 1,35 tỷ USD/tháng của giày dép, 300-350 triệu USD/tháng của túi xách và lượng đơn hàng cả năm đã ký xong, xuất cảng ngành này cầm chắc đạt 21,7-21,8 tỷ USD trong năm 2019, vượt mục tiêu 21,5 tỷ USD đã đề ra. Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) về kết quả sản xuất - kinh doanh ngành da giày 10 tháng qua cũng ghi nhận, xuất cảng của ngành đang tăng trưởng ổn định.
Báo Dân Việt kể chuyện nhiều ghe giã cào tận diệt thủy sản: Lắp thêm giã cào rồi hoán cải các tấm lưới có mắt to thành mắt nhỏ để đánh bắt sò nhám trái phép theo kiểu “tận diệt”, hủy hoại môi trường sinh thái biển. Các tàu giã cào nhám đang làm ảnh hưởng tới sinh kế của những ngư dân làm nghề khai thác gần bờ tại vùng biển Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận), gây mất trật tự trên bờ, dưới biển...
...các tàu giã cào nhám hoạt động tại vùng biển Tuy Phong không chỉ đánh bắt “tận diệt” thủy sản, mà còn gây mất mát, hư hỏng ngư lưới cụ của ngư dân ven bờ. Đồng thời trên bờ cũng hình thành nhiều băng nhóm xã hội đen, bảo kê với nhau trong việc bốc dỡ sản phẩm sò nhám từ tàu cá lên bờ, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Báo Công Thương kể: Ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô con sản xuất trong nước… Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 9 chỗ sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Chính sách này nếu được áp dụng sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế cũng như ngành ô tô Việt Nam.
Lép vế cạnh tranh: Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm ô tô đến 9 chỗ ngồi tại Việt Nam còn cao so với khu vực. Trong khi đó, so với các sản phẩm ô tô nhập cảng nguyên chiếc, đặc biệt là các sản phẩm từ ASEAN, ô tô sản xuất, lắp rắp trong nước đang gặp bất lợi về giá thành bởi chi phí sản xuất cao.
Báo VietQ kể: Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT Hà Nội vừa tiến hành thu giữ hơn 400 sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc tóc nghi nhập lậu tại chung cư Hà Đô, Thanh Xuân, Hà Nội. Cụ thể, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 5 đột xuất kiểm tra điểm tập kết mỹ phẩm tại P602, tầng 6, nhà N1 CT1.2 chung cư Hà Đô - ngõ 183 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nộ và phát hiện 401 sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc tóc các loại nhập lậu, không có công bố mỹ phẩm, không rõ chất lượng.
Báo Tin Tức kể: Dù giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn, nhưng mọi hoạt động khai thác, vận chuyển, bán cát của một doanh nghiệp tại Đắk Nông vẫn diễn ra bình thường.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, người dân phản ánh về việc Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh cát xây dựng trong khi giấy phép khai thác khoáng sản của đơn vị này đã hết hạn từ đầu năm 2019. Các ghe tàu vẫn hoạt động bơm hút cát từ sông Krông Nô, sau đó tập kết về bến cát của doanh nghiệp tại thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú (nằm ven Quốc lộ 28). Hàng ngày, đều đặn nhiều lượt xe ben tải trọng lớn ra vào bến để mua hàng trăm khối cát và chở đi khắp các địa phương tỉnh Đắk Nông.
Báo SGGP kể: Giá heo tăng cao, sức tiêu thụ giảm… Ngày 23-11, nhiều tiểu thương kinh doanh thịt heo tại các chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây, sức mua thịt heo của người tiêu dùng giảm khoảng 20%-25% so với thời điểm đầu tháng 10 nên nhiều sạp thịt bán khá chậm, giảm lượng thịt nhập về hàng ngày khiến họ gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân sức mua của thị trường giảm là do bệnh dịch tả heo châu Phi khiến nguồn cung cấp thịt trở nên khan hiếm, giá thịt tăng cao, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác để thay thế.
Báo VietnamDaily kể: Sở 'ôm cục nợ' vì doanh nghiệp bia rượu hứa tài trợ lễ kỷ niệm nhưng không chuyển tiền… Doanh nghiệp hứa tài trợ 1,3 tỉ đồng cho buổi tổ chức lễ kỷ niệm, dù lễ đã diễn ra cách đây 5 tháng nhưng tiền vẫn chưa về.
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi Sở Tài chính tỉnh này yêu cầu rà soát, đề xuất về việc “tạm ứng” kinh phí tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày lập lại tỉnh Quảng Trị của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL).
Báo Pháp Luật Plus ghi nhận: Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, trong 10 tháng năm 2019, tổng doanh thu xã hội từ du lịch 10 tháng qua ước đạt hơn 19.936 tỷ đồng - tăng10,2% so với cùng kỳ 2018. Dự kiến cuối năm 2019, thành phố Đà Nẵng có tổng thu xã hội từ du lịch ước đạt 30.973 tỷ đồng, tăng 16,7% (kế hoạch tăng 8,1%).
Kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăngtrưởng mạnh. Theo đó, tính đến 31/10/2019, thành phố Đà Nẵng đã thu hút được8.638,56 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 658,176 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Ngành công nghệ thông tin tiếp tục đà bứt phá ấn tượng khi tổng doanhthu toàn ngành năm 2019 ước đạt 29.949 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 18,8%so với năm 2018; kim ngạch xuất cảng phần mềm đến cuối năm ước đạt 89 triệuUSD, đạt 111% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bản tin CafeF/Tài chính Plus kể: ...xuất cảng gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2019 đạt 1,03 tỷ USD, tăng 22,7% so với tháng 10/2018. Trong đó, xuất cảng sản phẩm gỗ đạt 747,4 triệu USD, tăng 16,9% so với tháng 10/2018.
Tính chung 10 tháng năm 2019, xuất cảng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,55 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, xuất cảng sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Mỹ là thị trường xuất cảng gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất trong 10 tháng năm 2019, đạt 4,19 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Hải Quan kể chuyện đầy kho mía đường: Tồn kho 600.000 tấn… Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cuối niên vụ 2017/2018, các nhà máy đường cả nước dự kiến kế hoạch tổng diện tích mía cung cấp cho nhà máy gần 240.000 ha với năng suất đạt 68,3 tấn/ha, tổng sản lượng mía đạt gần 15,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế kết quả niên vụ 2018/2019 đạt được không như kế hoạch đề ra vì diện tích giảm, có nơi giảm đến 20 - 30%. Năng suất mía cũng giảm so với kế hoạch, chỉ đạt 63,42 tấn/ha…
“Tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại khiến giá đường xuống thấp, làm cho giá mía thấp theo, bà con nông dân chuyển đổi cây trồng khác. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sụt giảm lượng mía nguyên liệu. Bên cạnh đó, một số vùng bị hạn hán làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía. Một số nơi bị sâu bệnh cũng làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng…”, đại diện VSSA phân tích.