Hôm nay,  

Bài Trừ Người Nhập Cư: Cái Giá Nước Mỹ Phải Trả

13/12/202400:00:00(Xem: 2256)
 
Thure_de_Thulstrup_-_The_Massacre_of_the_Chinese_at_Rock_Springs
Hình ảnh minh họa về vụ thảm sát từ ấn bản năm 1885 của tờ Harper's Weekly. Nguồn: Wikipedia.org
Ngay từ thời điểm này, cho dù chưa chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc, tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa hẹn một chiến dịch bài trừ di dân lớn nhất lịch sử Mỹ. Những cuộc kiểm soát, bắt bớ, trục xuất di dân dự kiến sẽ diễn ra với qui mô lớn trong vài năm tới. Nhiều sắc dân nhập cư ở Mỹ sẽ phải lo lắng, nhưng cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là cộng đồng di dân gốc Mỹ Latin. Lời hứa này đang làm hài lòng những người Mỹ xem dân nhập cư là kẻ cướp đi việc làm và quyền lợi của mình. Rất đông trong số này thuộc các cộng đồng di dân, trong đó có cộng đồng gốc Việt. Tuy nhiên, có bao nhiêu người thấy được toàn cảnh ảnh hưởng của những chính sách bài trừ di dân đến nền kinh tế và xã hội Hoa Kỳ?
 
Cách dễ hình dung nhất là nhìn lại quá khứ của nước Mỹ. Một bài báo đăng trên trang mạng npr.org có tựa đề “The Price America Paid For Its First Big Immigration Crackdown” đã tóm tắt lại một chiến dịch bài trừ di dân mang tầm vóc quốc gia đầu tiên tại Hoa Kỳ xảy ra vào cuối thế kỷ 19, cùng hậu quả mà nó để lại. Vào thời điểm đó, nạn nhân là cộng đồng di dân người Hoa.
 
Đạo Luật Bài Trừ Người Hoa (The Chinese Exclusion Act) được thông qua vào năm 1882, đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ. Đó là đạo luật liên bang đầu tiên nhắm vào một nhóm sắc dân cụ thể để hạn chế quyền nhập cư. Nguồn gốc của dự luật này là do sự khủng hoảng kinh tế, định kiến ​​chủng tộc, và chủ nghĩa cơ hội chính trị. Dự luật này không chỉ định hình các chính sách hạn chế nhập cư trong nhiều thập niên, mà còn duy trì sự bất bình đẳng có hệ thống, tạo tiền lệ cho những dự luật bài ngoại trong tương lai.
 
Người Trung Quốc bắt đầu lịch sử di cư đến Hoa Kỳ với số lượng lớn vào giữa thế kỷ 19, bắt đầu với các cơ hội ở California trong thời kỳ Cơn Sốt Vàng. Người lao động gốc Hoa là chủ lực của nhiều dự án lớn, đặc biệt nhất là công trình xây dựng tuyến đường sắt xuyên nước Mỹ. Dự án đầy tham vọng này nhằm mục đích kết nối miền Đông và miền Tây Hoa Kỳ, vượt qua những khó khăn cách trở về mặt địa lý và hậu cần.
 
Hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc tham gia xây dựng dự án đường sắt quan trọng này, được giao những nhiệm vụ nguy hiểm nhất như phá núi, lắp đặt đường ray trong điều kiện khắc nghiệt. Công nhân Trung Quốc có mức lương thấp hơn, giờ làm việc dài hơn, điều kiện làm việc nguy hiểm so với những người da trắng. Ước tính có hơn 1,200 công nhân Trung Quốc đã thiệt mạng khi thực hiện dự án.
 
Khi tuyến đường sắt hoàn thành vào năm 1869, một buổi lễ ăn mừng tại Promontory Summit ở Utah được tổ chức, tượng trưng cho một thành tựu lớn của quốc gia. Tuy nhiên, những người lao động Trung Quốc đã bị cố tình loại khỏi các bức ảnh và lễ hội, xóa bỏ những đóng góp của họ trong công cuộc xây dựng. Hành động loại trừ này báo trước sự phân biệt đối xử nặng nề hơn đối với những người nhập cư Trung Quốc.
 
Cũng từng có thời điểm mà những người lao động Trung Quốc được ca ngợi vì hiệu quả và kỹ năng tại Hoa Kỳ. Vào cuối những năm 1860s và đầu 1870s, báo chí Mỹ từng đánh giá tầm quan trọng của người Hoa đối với sự tăng trưởng kinh tế của miền Tây nước Mỹ. Hiệp ước Burlingame năm 1868 khuyến khích người Trung Quốc nhập cư, thúc đẩy quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, những quan điểm thuận lợi này thay đổi khi tình hình kinh tế xấu đi. Các vụ bạo lực chống lại cộng đồng người Hoa ngày càng trở nên phổ biến. Một trong những sự kiện kinh hoàng nhất là vụ thảm sát năm 1871 ở Los Angeles, "The Chinese Massacre of 1871". Một đám đông đã hành quyết 17 đàn ông và trẻ em người Hoa trong một cuộc đột kích vào China Town. Những hành động bạo lực như vậy không phải là đơn lẻ mà là một phần của một chiến dịch thù địch rộng lớn hơn.
 
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1873 đã gây ra một cuộc suy thoái kéo dài, làm gia tăng sự cạnh tranh việc làm và căng thẳng xã hội. Những người lao động da trắng, đặc biệt là ở Bờ Tây, bắt đầu coi những người lao động Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế. Bạo lực có động cơ chủng tộc và đổ lỗi chính trị leo thang. Khẩu hiệu "Người Hoa phải ra đi!" (The Chinese must go) trở thành khẩu hiệu tập hợp của những người lao động da trắng đòi bảo vệ việc làm. Các nhà lãnh đạo dân túy và công đoàn lao động coi những người nhập cư Trung Quốc là nguyên nhân gây ra những khó khăn về kinh tế, mô tả họ là đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn người da trắng.
Các chính trị gia đã tận dụng lòng hận thù đố kỵ này, xây dựng luật để hạn chế quyền của người Hoa. Những nỗ lực cấp quyền công dân cho những người nhập cư Trung Quốc thất bại. Những người phản đối cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu những người nhập cư không phải da trắng giành được quyền lực chính trị. Những lý lẽ này củng cố hệ thống phân biệt chủng tộc, khiến người Hoa không được chấp nhận ở xã hội Hoa Kỳ.
 
Trong bối cảnh này, Đạo Luật Bài Trừ Người Hoa được ban hành vào năm 1882, ngăn chặn người Hoa nhập cư trong mười năm, cấm người Hoa nhập cư được trở thành công dân Hoa Kỳ. Đây là đỉnh điểm của nhiều năm leo thang chính sách chống người Hoa ở cấp tiểu bang và địa phương, bao gồm thuế phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và hạn chế quyền sở hữu tài sản. Thông điệp cơ bản của đạo luật này là một số nhóm người di dân nào đó sẽ không đủ điều kiện để trở thành công dân Hoa Kỳ.
 
Những năm sau đó, tại các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ chứng kiến sự bùng nổ của những đợt tấn công chủng tộc nhắm vào người Hoa một cách tàn nhẫn. Tại Eureka, California, vào tháng 2 năm 1885, hai người đàn ông Trung Quốc cãi nhau, nổ súng vào nhau, vô tình bắn trúng một người da trắng qua đường. Ngay sau đó, một đám đông cư dân da trắng đã xông vào China Town, hô vang "Treo cổ tất cả người Trung Quốc!" và "Đốt cháy Khu phố Tàu!". Trong vòng 48 giờ, những người dân địa phương đã bắt giữ hàng trăm người Hoa, ép họ lên tàu thủy đến San Francisco, và cấm họ quay trở lại.
Cuối năm đó, tại Rock Springs, Wyoming, một cuộc ẩu đả nổ ra giữa một số thợ mỏ người Hoa và người da trắng, nhanh chóng trở thành bạo lực kinh hoàng. Những người thợ mỏ da trắng, cũng là người nhập cư, căm ghét những người thợ mỏ Trung Quốc. Sau cuộc đụng độ, một đám đông da trắng đã tràn vào Phố Tàu, giết hại 28 thợ mỏ Trung Quốc và làm bị thương 15 người khác, đuổi toàn bộ cộng đồng người Trung Quốc ra ngoài, đốt nhà và cửa hàng của họ. Biến cố này được gọi là "The Rock Springs Massacre". Những vụ bạo lực nhắm vào người Hoa ở qui mô lớn tương tự còn xảy ra ở Tacoma (Washington), Truckee (California)…
 
Đạo Luật Bài Trừ Người Hoa sau đó dẫn đến những hậu quả về kinh tế xã hội nặng nề cho các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ. Người lao động Trung Quốc đảm nhiệm những vai trò mà người da trắng không muốn làm do mức lương thấp và điều kiện làm việc khắc nghiệt. Việc hạn chế nhập cư người Trung Quốc đã tạo ra tình trạng thiếu hụt lao động trong nhiều ngành công nghiệp. Các doanh nhân và công nhân Trung Quốc đã đóng góp đáng kể vào các ngành nông nghiệp, khai thác mỏ và các doanh nghiệp nhỏ. Việc họ buộc phải rời đi đã để lại những khoảng trống không dễ lấp, đặc biệt là ở California. Một số doanh nghiệp do người da trắng làm chủ do thiếu nhân công đã bị đình trệ. Nhiều thành phố đang thịnh vượng trở nên sa sút về kinh tế.
 
Về mặt xã hội, đạo luật này thể chế hóa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hợp pháp hóa định kiến ​​đối với người châu Á và các nhóm thiểu số khác. Nó củng cố lập luận của những kẻ thượng tôn da trắng, rằng Hoa Kỳ là một quốc gia "da trắng", định hình các chính sách nhập cư trong nhiều thập kỷ.
 
Về hậu quả để lại với ý nghĩa rộng hơn,  Đạo luật Bài Trừ Người Hoa đã tạo ra tiền lệ cho các luật định cư nhắm vào các nhóm sắc tộc hoặc chủng tộc cụ thể. Nó mở đường cho các hạn ngạch hạn chế và các chính sách loại trừ người nhập cư. Chẳng hạn như Đạo Luật Nhập Cư năm 1924, giới hạn nghiêm ngặt việc nhập cư từ Châu Á và Đông Âu. Những chính sách này phản ánh tư tưởng cực hữu về sự thuần khiết về văn hóa và chủng tộc, nhưng thường được che dấu trong các chiêu bài kinh tế.
 
Từ lịch sử, nghĩ đến ngày nay. Trong khi Hoa Kỳ đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề nhập cư và bản sắc, thì sự trở lại của ông Trump và phe cực hữu cho thấy sự chiến thắng tạm thời của chủ nghĩa chống di dân tại quốc gia mang tên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Việc ôn lại Đạo Luật Bài Trừ Người Hoa là một lời nhắc nhở về một giai đoạn lịch sử đen tối của nước Mỹ; hy vọng có thể giúp người Mỹ bừng tỉnh trước khi quá muộn để thay đổi.

VB biên dịch

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hãy bắt đầu niềm tin này với câu nói của John Kelly, tướng thủy quân lục chiến hồi hưu, cựu Bộ trưởng Nội an, cựu chánh văn phòng của Donald Trump (2018): “Người phát điên vì quyền lực là mối đe dọa chết người đối với nền dân chủ.” Ông phát biểu câu này tại một hội nghị chuyên đề về nền Dân chủ ở Mount Vernon vào tháng 11/2024, ngay tại ngôi nhà của George Washington, vị tổng thống đầu tiên, người mở ra con đường cho nền dân chủ và tự do của Hoa Kỳ. Không đùa đâu! Tướng Kelly muốn nói, những người phát điên vì quyền lực ấy có thể giữ các chức danh khác nhau, thậm chí là Tổng Thống, nhưng trong thâm tâm họ là bạo chúa, và tất cả các bạo chúa đều có cùng một đặc điểm: Họ không bao giờ tự nguyện nhượng quyền lực.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng chính sách áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ, trước đó Trump cũng đã áp đặt biện pháp trừng phạt chung đối với Liên Âu, Canada, Mexico và Trung Quốc, nhưng lại tạm hoãn trong 30 ngày để cho Canada và Mexico thương thuyết. Các biện pháp bất nhất này gây nhiều hoang mang cho chính giới và doanh nghiệp các nước đối tác.
Trong buổi phỏng vấn ngày 31 tháng 10 năm 2024 với bình luận gia cánh hữu Tucker Carlson, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng dưới thời Joe Biden, Hoa Kỳ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi vô tình đẩy Nga và TQ lại gần nhau. Theo Trump, một trong những ưu tiên hàng đầu khi ông quay trở lại Tòa Bạch Ốc sẽ là phá vỡ liên minh này. Khi đó, Trump tự tin tuyên bố: “Tôi sẽ phải tách họ ra, và tôi tin mình sẽ làm được.” Và ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ thứ hai, Trump đã tỏ rõ mong muốn đàm phán với Nga nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Ukraine. Một cách giải thích cho chính sách này là: Trump đang làm đúng những gì từng nói trong cuộc trò chuyện với Carlson. Việc rút Hoa Kỳ khỏi cuộc xung đột tại Âu Châu và khôi phục quan hệ với Moscow, kể cả khi phải bỏ rơi Ukraine, là một phần trong chiến lược tập trung đối phó với TQ.
Cuộc đua vào Tòa án Tối cao Wisconsin rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến các vấn đề pháp lý và chính sách trong tiểu bang. Wisconsin là một bang chiến địa quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tòa tối cao tiểu bang có thể đóng vai trò lớn trong các tranh chấp liên quan đến luật bầu cử, quyền tiếp cận lá phiếu và các thách thức đối với kết quả bầu cử. Cuối cùng, sự lo lắng có cơ sở của người dân cuối cùng đã được hóa giải. Số tiền “đầu tư” $20 triệu của Musk đã không thắng được sự lựa chọn của Wisconsin.
Lịch sử là sự lập lại, nhìn ngược về thời gian: Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 211 (trước Công Nguyên) Ông đã nghe lời vị Tể Tướng Lý Tư đốt tất cả các ghi chép của Sử Gia không thuộc nước Tần, kể cả Kinh Thi. Bất cứ ai thảo luận về Kinh Thi và Kinh Thư sẽ bị xử tử. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, vụ đốt sách chôn Nho được gọi là “Phần thư khanh nho”, bao gồm việc đốt sách và chôn sống hơn 460 học giả. (1) Năm 1958, Mao Trạch Đông đã liên hệ bản thân ông với Tần Thuỷ Hoàng. Khi ông ta chôn sống 460 học giả ông nói trong một bài phát biểu với các đồng chí của mình: “Các bạn (những nhà trí thức) căm ghét chúng tôi, coi chúng tôi là những Tần Thuỷ Hoàng. Các bạn nhầm rồi. Chúng tôi thậm chí còn vượt Tần Thuỷ Hoàng một trăm lần”.(2) Năm 1975 khi CS miền Bắc, chiếm Việt Nam Cộng Hòa, phong trào đốt sách cũng xảy ra ngay tại miền Nam, Việt Nam. Hàng trăm cuốn sách được người Cộng Hòa mang đi giấu hay mang ra nước ngoài và hàng ngàn cuốn sách bị đố
Hai tháng đã trôi qua. Trên những diễn đàn mạng xã hội và cả trong những cuộc đối thoại đời thường, rất nhiều người thổ lộ về một thói quen vừa xuất hiện: đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của chính quyền hiện tại. “Đếm thời gian trôi” vốn không phải là một thói quen tích cực trong đời sống. Nó phản chiếu tâm trạng chán nản, buông xuôi, thậm chí là sợ hãi. Hàng loạt câu hỏi “Chúng ta phải làm gì?”; “Rồi chuyện gì nữa?”; “Chúng ta đang sống ở thời đại nào?”… Trong đó, câu hỏi lớn nhất, và biểu lộ sự phẫn nộ của người dân nhất, đó là: “Đảng Dân Chủ đang làm gì?”
Người tị nạn đã không còn được chào đón tại Hoa Kỳ kể từ ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Ngay trong ngày nhậm chức 20 tháng 1 năm 2025, ông đã ký một sắc lệnh hành pháp đình chỉ Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn của Hoa Kỳ (U.S. Refugee Admissions Program, USRAP) trong vòng 90 ngày. Dù vào tháng 2 năm 2025, tòa án liên bang đã ra phán quyết yêu cầu khôi phục chương trình tái định cư người tị nạn, chính quyền Trump vẫn khẳng định rằng không thể thực hiện điều đó ngay lập tức, do hệ thống tiếp nhận người tị nạn đã bị giải thể gần như toàn bộ.
Trong bài diễn văn dài 90 phút trước Quốc hội Hoa Kỳ, Donald Trump nhắc lại tham vọng “giành lấy” Greenland “bằng cách này hay cách khác.” Trump tuyên bố rằng Greenland có ý nghĩa “sống còn đối với an ninh quốc gia” của Hoa Kỳ. Dù nhấn mạnh rằng chính phủ của mình “hoàn toàn ủng hộ quyền tự quyết của Greenland,” ông vẫn không quên mời gọi “nếu các bạn đổi ý, chúng tôi sẵn sàng chào đón các bạn gia nhập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Khi Ukraine từ bỏ kho vũ khí nguyên tử và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT Nuclear Nonproliferation Treaty) với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân vào năm 1994, họ đã thi hành một phần của Bản ghi nhớ Budapest (Budapest Memorandum), gồm một số các đảm bảo an ninh bởi Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Những đảm bảo này nhằm bảo vệ chủ quyền của Kyiv, và biên giới của họ sẽ được tôn trọng. Nhưng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, những cam kết đó đã chứng tỏ là vô nghĩa. Ukraine thấy mình đơn độc, sự sống còn phụ thuộc vào thiện chí của phương Tây và nằm trong tay một kẻ thù được trang bị bằng chính những vũ khí mà Kyiv đã giao nộp. Những tác động này không dừng tại Ukraine mà lan rộng. Trên toàn cầu, các chính phủ đang đánh giá lại ý nghĩa thực sự của các bảo đảm an ninh.
Trong thế giới đấu tranh sinh tồn của loài vật, chuyện cá lớn nuốt cá bé là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong xã hội loài người ngày nay dù đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba hơn hai thập niên và được mệnh danh là thời đại văn minh tiến bộ vượt bực vẫn không thiếu chuyện kẻ mạnh ăn hiếp người yếu trong mối quan hệ giữa người với người. Tình trạng mạnh hiếp yếu còn diễn ra khốc liệt hơn trong mối quan hệ ở cấp quốc gia: nước lớn bắt nạt hay xâm lăng nước nhỏ. Ở đây cũng xin giải thích một chút về cách dùng chữ nhược tiểu trong tiêu đề của bài viết này. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này hoàn toàn không có ý nghĩa đánh giá tiêu cực về quốc gia được đề cập đến. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này là để chỉ cho sự yếu kém về quân sự và kinh tế so với những nước mạnh về quân sự và kinh tế đi xâm lược. Sự yếu kém về quân sự và kinh tế không đồng nghĩa với sự yếu kém về quyết tâm và đồng lòng bảo vệ đất nước của quốc gia bị xâm lược. Ngược lại, cuộc chiến tại Ukraine hiện nay và Việt Nam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.