(Thân Gửi Chị Liên)
Hai chị em bạn rủ nhau đi chợ Á Đông. Mùa Thu trời lạnh và mưa nhỏ hạt.
Lái xe từ ngoại ô phía Bắc đi về phía Tây thành phố Seattle, nơi cửa hàng, chợ lớn, chợ nhỏ của người Á Đông tụ họp khoảng 15 dặm (miles) từ nhà của hai người.
Dưới phố mùa Thu bây giờ người rơi ngoài đường nhiều hơn lá vàng.
Bây giờ rất khác ngày trước, chợ và các cửa hàng không còn là chỗ chỉ thuần mua bán nữa. Hai bên vỉa hè đi bộ và trước các cửa tiệm bách hóa, quán ăn, sẽ thấy đầy người vô gia cư trước cửa. Như những chiếc lá mùa Thu, rơi xuống đâu cũng được. Họ thản nhiên nằm ngồi, thản nhiên dựng lều, thản nhiên tụ họp. Cảnh sát có đến giải tán thì chỉ khoảng một vài tiếng sau cảnh sát bỏ đi, họ lại trở về chỗ cũ. Họ biết đi đâu bây giờ, có cho họ tụ tập một nơi thì họ cũng sẽ lại bỏ đi. Họ như những chiếc lá thích cuốn theo hướng gió. Mà đã là “lá” thì làm sao cưỡng được gió.
Khách bộ hành len lỏi giữa những cái túi ngủ cô đơn, giữa những căn lều cá nhân tạm bợ, giữa mặt đất mùa thu ẩm ướt và lá vàng theo gió Thu từng cơn trút xuống. Đi giữa những cái túi ngủ lem luốc co ro quấn một con người như con sâu nằm trong kén, cái đầu và hai chân thò ra hai phía. Ai già, ai trẻ, ai nam, ai nữ cũng không phân biệt được.
Họ từ đâu đến và họ ở lại, giống như câu nói của Caesar: “Tôi đến, tôi thấy và tôi chiếm đoạt.” Nơi họ chiếm đoạt không phải là một cao ốc hay một biệt thự mà là bên hông một siêu thị hay cạnh bãi rác bỏ trống, có khi ngay trước một cửa hàng (Chủ nhân chưa kịp đuổi)
Trước thời kỳ Covid họ còn chịu khó ở nguyên một chỗ hơn, ít lang thang hơn, nhưng sau Covid hình như sự “thiên di” như chim đến mùa phải bay đi, thấy họ ở ngoài đường nhiều hơn. Mùa thu, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng xào xạc, nhìn lên bàu trời mây xám, một đàn chim mấy chục con bay sát cánh nhau thành một vòng cung rất đẹp và rất Thu. Những con chim này nó biết chỗ nó rời đi và biết nơi nó sẽ đến. Mùa Thu, Đông chúng thiên di và khi Xuân ấm áp chúng lại rủ nhau từng đàn kéo về chốn cũ.
Những người vô gia cư này, họ có thể là người địa phương, có thể từ Tiểu Bang khác tới. Họ là những người có vấn đề “tâm thần”. Họ ở Mỹ lâu rồi, và quen với đời sống “du mục” này rồi. Đi đâu cũng là nhà, đi đâu cũng có chỗ cho một cái túi ngủ. Bên hông hay cửa sau của siêu thị, nơi khuất lấp nào đó hay có khi nằm ngay một cái túi ngủ như con sâu trong kén sát một mảnh tường khuất gió, cạnh một bãi xe hay mảnh đất toàn đồ phế thải. Chỗ nào cũng được, miễn là không bị đuổi, có thể họ nghĩ: “Mình cũng đâu có khác gì đồ phế thải, hay:Ta cứ nằm đây, Ta đâu có phải đồ phế thải!”
Những người “Vô Gia Cư” này phần đông là những người “tâm thần” hay những người bình thường vướng vào nghiện hút đi tới chỗ mất ý thức và mất khả năng suy nghĩ đúng sai.Họ không còn khả năng làm việc được nữa vì ảnh hưởng của những cơn nghiền đến bất cứ lúc nào làm họ mất suy nghĩ và mất cả sức lực.
Thành phố Seattle và Bellevue của tiểu bang Washington có rất nhiều nơi cư trú cho người Homeless, nơi được những người tỉnh táo có tiền có lòng với sự hộ trợ của thành phố, họ thành lập những trung tâm cho Homeless, cung cấp thực phẩm, thuốc men và tài trợ cho những người muốn cai nghiện hút, muốn học nghề để trở lại đời sống bình thường. Nhưng quả thật là rất khó!
Họ đã quen với lối sống “du mục” này rồi.
Tôi ở đâu mà tôi đến đây
Ngày xưa ai đứng ở chỗ này
Hạt sương Trời khóc ngàn năm trước
Sao còn ướt trên lưng bàn tay (tmt)
Họ luôn luôn không ý thức được thân phận và hoàn cảnh của mình. Họ bằng lòng với những gì họ đang có.Họ đi riêng lẻ, hay tụ nhập nhau thành nhóm ba, năm người. Họ hòa đồng hay họ là một thế giới đơn lẻ, riêng tư.
Họ là gánh nặng cho thành phố và cho chính họ. Có người có gia đình nhưng họ không muốn sống với gia đình, họ có thế giới riêng của họ.
Nước Mỹ đang xôn xao về những người tỵ nạn chiến tranh trên thế giới muốn tràn vào nước Mỹ (như họ cũng đang tràn vào Anh, Pháp, Đức…) Những người tị nạn từ Africa, South America, Mexico, Middle East và ngay cả từ China… Họ bỏ nước ra đi vì đói kém, vì chiến tranh, vì chính trị… Khi ra đi thì sự sống chết đã được lựa chọn. May thì sống, không may thì chết. Nếu ở lại chiến tranh và đói sẽ chắc chắn là chết. Đi còn hy vọng ở may rủi. Họ đáng thương như tất cả những người tị nạn vì chiến tranh vì kinh tế trên thế giới giống như những người Việt phải đào thoát vì sự xâm lược của Cộng Sản năm 1975. Họ đáng thương hơn nữa vì nước Mỹ hiện tại không muốn cưu mang họ, vì con số nhập cư quá lớn này, một gánh nặng cho nước Mỹ.
Người Mỹ sợ mất việc, hao hụt ngân quỹ, hao hụt thực phẩm về những con người đáng thương này… Ai mà không sợ cái túi của mình vơi đi vì phải phân phát cho người khác.
Nhưng có phải, những người vô gia cư vì tâm thần, những người vô gia cư vì chiến tranh, đều đáng thương và cần được giúp đỡ, yêu thương!
Có ai đó đã ngửa mặt lên Trời, tìm Thượng Đế, hỏi Ngài:
Tôi ra đời đã được bao lâu
Sao Trái tim tôi nếp gấp nhàu
Mặt đất tôi đi bao ngàn dặm
Sao vẫn chông chênh những bước đầu. (tmt)
Nếu chính bạn là người tỵ nạn chiến tranh là người vô gia cư, bạn đang bước những bước rất chông chênh, bạn có muốn tìm một nơi để vào trú ngụ không? Bạn có cần một bàn tay đưa ra cho bạn nắm không?
Trần Mộng Tú - ngày 17-11-2024
Note: Caesar: I came, I saw, I conquered.
Gửi ý kiến của bạn