Chỉ còn vỏn vẹn một tháng nữa.
Trong vài tháng qua, người dân Mỹ, dù muốn hay không muốn, cũng đã có nhiều cơ hội để nhìn về một bức tranh mà trong đó có quá nhiều sự tương phản. Những mảnh ghép từ hai tầm nhìn, hai chiến lược, hai mục đích hoàn toàn khác biệt đã dần dần rơi xuống, để lộ ra hai con đường hoàn toàn khác biệt cho người Mỹ lựa chọn. Dù có một bức màn đã rơi xuống (như nữ hoàng Oprah Winfrey đã ví von) cho một thuyền trưởng bước ra, trao lại cho người dân sự hy vọng, lòng tin, trách nhiệm, thì sâu thẳm bên trong chúng ta vẫn muốn biết, những giá trị thực của một triều đại đã mang lại. Từ đó, niềm tin sẽ được củng cố.
Đây là lúc nói về vấn đề đó.
Cuối năm 2020, khi đại dịch COVID bùng nổ, nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới bắt đầu lao dốc. Trước khi chính thức nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/2024, Joe Biden và Kamala Haris đã đề ra những chính sách nhằm khôi phục lại nền kinh tế Hoa Kỳ đang bắt đầu suy thoái.
Những thành tựu kinh tế của chính quyền Biden-Harris bắt nguồn từ chương trình nghị sự “Đầu tư vào nước Mỹ” (Investing in America), tập trung vào việc trao quyền cho người lao động, phục hồi sản xuất trong nước, và đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên diện rộng. Cách tiếp cận của họ thường được gọi là "Bidenomics" và tập trung vào việc xây dựng lại nền kinh tế từ tầng lớp có thu nhập thấp lên, trái ngược hoàn toàn với nền kinh tế nhỏ giọt từ tầng lớp tỉ phú được các chính quyền trước ưa chuộng, bao gồm cả chính quyền của Donald Trump. Nhờ cách tiếp cận mạnh dạn này, chính quyền Biden-Harris đã mang lại những thành tích kinh tế rất đáng kể.
Phục hồi kinh tế sau đại dịch
Khi Tổng Thống Joe Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris nhậm chức, họ đã thừa hưởng một nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp cao, các doanh nghiệp đóng cửa và sự bất ổn hiện hữu. Dưới sự lãnh đạo của họ, nền kinh tế Hoa Kỳ đã có sự phục hồi đáng kể, với tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp kỷ lục đối với nhiều sắc dân khác nhau. Tính đến năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức dưới 4% trong một thời gian dài, là mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
“Bidenomics” cũng nhấn mạnh đến việc tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, đặc biệt là đối với những người lao động có thu nhập thấp. Chính quyền đã giám sát một số mức lương tăng cao nhất đối với những người lao động có thu nhập thấp, với thu nhập điều chỉnh theo lạm phát tăng 3,5%. Chính quyền Biden-Harris cũng đã giành sự hỗ trợ to lớn với các công đoàn, chứng kiến sự gia tăng trong các nỗ lực thành lập công đoàn trên nhiều ngành khác nhau.
Đầu tư cơ sở hạ tầng
Một trong những thành tựu mang tính bước ngoặt của chính quyền Biden-Harris là gói luật cơ sở hạ tầng được lưỡng đảng thông qua, đã thúc đẩy hơn 35.000 dự án được tài trợ trên toàn quốc, bao gồm cải thiện đường sá, cầu cống, internet tốc độ cao, và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Mục đích của tất cả các dự án là củng cố nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Những khoản đầu tư này dự kiến sẽ tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao và thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm do Hoa Kỳ sản xuất, qua đó thúc đẩy hơn nữa sản xuất trong nước.
Chính quyền Biden-Harris đã đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực quan trọng, như chất bán dẫn và năng lượng sạch. Đạo luật CHIPS và Khoa học, cùng với các thành công về mặt lập pháp khác, đã thúc đẩy sự hồi sinh trong ngành sản xuất của Hoa Kỳ, với hơn 150 nhà máy sản xuất pin và 50 nhà máy năng lượng mặt trời được công bố vào năm 2023.
Giảm lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng ổn định
Mặc dù chính quyền phải đối mặt với áp lực lạm phát, đặc biệt là do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và chiến tranh ở Ukraine, Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) nhằm mục đích hạ giá ở các lĩnh vực thiết yếu. Tập đoàn năng lượng Xcel ước tính Đạo luật Giảm lạm phát có thể giúp khách hàng tại Minnesota tiết kiệm được 1,4 tỷ đô la cho đến năm 2034.
Hơn nữa, Đạo luật Giảm lạm phát đang giúp chi phí chăm sóc sức khỏe giảm đáng kể và gần 15 triệu người Mỹ đang tiết kiệm trung bình $800 mỗi năm cho phí bảo hiểm của họ. Ví dụ, đạo luật này quy định giá insulin hàng tháng cho những người cao tuổi nhận Medicare ở mức $35. Nếu đạo luật này có hiệu lực vào năm 2020, những người cao tuổi nhận Medicare sử dụng insulin sẽ tiết kiệm được trung bình $866 mỗi năm.
Nhìn chung, mặc dù lạm phát tăng đột biến vào năm 2022, nhưng tình hình lạm phát đã giảm nhiều, và chính quyền Biden-Harris vẫn tiếp tục nỗ lực ổn định giá cả trong khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tỷ lệ tội phạm
Trong nhiệm kỳ của Trump, tỷ lệ tội phạm bạo lực, đặc biệt là giết người, bắt đầu tăng, đặc biệt là vào năm 2020 trong thời kỳ đại dịch. Xu hướng này tiếp tục trong những năm đầu của Biden, chủ yếu là do các yếu tố liên quan đến đại dịch như khó khăn kinh tế và bất ổn xã hội. Năm 2020, Hoa Kỳ chứng kiến tỷ lệ giết người tăng 30%, mức tăng hàng năm cao nhất được ghi nhận. Tuy nhiên, đến năm 2023, tỷ lệ tội phạm bạo lực bắt đầu khựng lại dưới thời Biden, với một số thành phố chứng kiến tỷ lệ tội phạm giảm mạnh, nhờ các nỗ lực tập trung của chính phủ Biden.
Trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc vào cuối năm nay, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp tục chú trọng tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế vững chắc của Tổng thống Biden.
Chi phí xăng dầu và chính sách năng lượng
Trong nhiệm kỳ của Trump, giá xăng nhìn chung thấp, trung bình khoảng $2,41 một gallon vào năm 2019. Vào năm 2020, giá tiếp tục giảm do nhu cầu giảm trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Biden, giá xăng tăng vọt, đạt đỉnh vào giữa năm 2022, do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm phục hồi kinh tế sau đại dịch, các vấn đề về chuỗi cung ứng, và tác động địa chính trị của cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Tính đến năm 2024, giá xăng đã giảm đáng kể.
Chính sách năng lượng của Trump nhấn mạnh vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch, hướng đến mục tiêu độc lập về năng lượng của Hoa Kỳ thông qua việc bãi bỏ quy định đối với các ngành công nghiệp dầu khí. Chính quyền Biden, mặc dù không từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, đã chuyển sang năng lượng sạch, với các khoản đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Đây được coi không chỉ là cách để đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn là chiến lược dài hạn để tạo việc làm trong các ngành công nghiệp xanh mới nổi.
Vượt biên trái phép
Số lượng vượt biên trái phép tăng đột ngột dưới cả chính quyền Trump và Biden, nhưng hoàn cảnh khác nhau. Trump đã ban hành các chính sách nhập cư nghiêm ngặt, bao gồm cả Đạo luật 42, cho phép trục xuất nhanh chóng, với lý do sức khỏe cộng đồng trong đại dịch COVID-19.
Dưới thời Biden, các cuộc vượt biên đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021 và 2022, chủ yếu là do Đạo luật 42 bị bãi bỏ và những thay đổi rộng rãi hơn về chính sách nhập cư. Tuy nhiên, vào năm 2023, chính quyền Biden đã thực hiện các quy tắc tị nạn nghiêm ngặt hơn và tăng cường trục xuất, dẫn đến sự suy giảm các cuộc vượt biên. Đến giữa năm 2023, tỉ lệ vượt biên trái phép giảm, một phần là do các con đường hợp pháp dành cho người di cư được mở rộng và tăng cường hợp tác với các nước láng giềng. Chính quyền Biden cho rằng biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao an ninh biên giới là bằng luật pháp. Một dự luật lưỡng đảng được đề xuất tại Thượng viện Hoa Kỳ và được chính quyền Biden ủng hộ sẽ thắt chặt an ninh biên giới và hạn chế vượt biên trái phép. Nhưng Đảng Cộng hòa đã phá hỏng nỗ lực này, sau khi Trump lên tiếng phản đối và kêu gọi đảng này không bỏ phiếu thông qua dự luật.
Giảm thuế
Thành tựu lập pháp đặc trưng của chính quyền Donald Trump là Đạo luật Cắt giảm thuế năm 2017, hạ mức thuế doanh nghiệp và giảm thuế cho cá nhân. Theo nghiên cứu của phi đảng phái Trung tâm Ngân sách và Ưu tiên Chính sách, đạo luật thuế này ưu ái cho 1% người giàu, gây tốn kém cho ngân sách chính phủ, và không thực hiện được các cam kết đã đặt ra. Năm 2018, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng luật thuế của chính quyền Trump sẽ tốn 1,9 nghìn tỷ Mỹ kim trong mười năm và các ước tính gần đây cho thấy chính sách đổi các khoản cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế bất động sản tạm thời của đạo luật thành vĩnh viễn sẽ tốn thêm khoảng 400 tỷ đô la Mỹ kim bắt đầu từ năm 2027.
Đáng lưu ý, nhiều nghiên cứu chỉ ra các doanh nghiệp lớn và giám đốc điều hành cấp cao được hưởng lợi nhiều nhất từ đạo luật thuế năm 2017 của chính quyền Trump. Giáo sư danh dự City University of New York, Paul Krugman, Nobel kinh tế năm 2008, từ lâu đã chỉ trích các chính sách kinh tế của Trump, cho rằng việc cắt giảm thuế của ông đã mang lại lợi ích không cân xứng cho người giàu và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập
Ngược lại, chính sách thuế của Harris sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn diện từ tầng lớp có thu nhập thấp và tránh tăng thuế đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới $400.000.
Thương mại
Trump đã có lập trường bảo hộ, áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc và các quốc gia khác, với mục đích phục hồi ngành sản xuất của Hoa Kỳ. Trong khi một số lĩnh vực chứng kiến sự tăng trưởng, các chính sách thương mại của ông cũng dẫn đến việc áp dụng thuế quan trả đũa, làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Hoa Kỳ. Mặt khác, Harris dự kiến sẽ tiếp tục cách tiếp cận ngoại giao, đa phương hơn của chính quyền Biden, thúc đẩy các mối quan hệ thương mại đồng thời thúc đẩy sản xuất của Mỹ thông qua các sáng kiến như Đạo luật CHIPS và Khoa học.
Kamala Harris: ‘New Way Forward’
Người dẫn chương trình kỳ cựu của MSNBC Stephanie Ruhle mở đầu buổi phỏng vấn độc quyền với Phó Tổng Thống Kamala Harris bằng một bày tỏ rất thực tế: “Vẫn còn rất nhiều người Mỹ mà họ không nhìn thấy họ trong kế hoạch của bà. Đối với những người nói rằng, những chính sách này không dành cho tôi, bà sẽ nói gì với họ?”
Và câu trả lời của ứng cử viên Kamala Harris không thể hay hơn được: “Nếu người đó làm việc chăm chỉ, nếu có ước mơ, hoài bão và có khát vọng, người đó là một nhân tố trong chiến lược của tôi.”
Kamala Harris đã khẳng định, nước Mỹ là đất nước của cơ hội, của công bằng. Nước Mỹ là nơi biến ước mơ của những người chăm chỉ thành hiện thực. Chính bà, hay người đứng cùng liên danh, Thống Đốc Tim Walz và rất nhiều người khác, là nhân chứng rõ ràng nhất. Và chính bà, chứ không phải đối thủ trong cuộc đua lần này, sẽ chung tay giúp cho những ước mơ đó thành hiện thực, bằng các chiến lược kinh tế của bà và đảng Dân Chủ.
So những chính sách và thành tích kinh tế giữa Biden và Trump cho thấy, Biden-Harris đã thành công thực hiện các chính sách nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội bằng các giải pháp dài hạn. Trong cuộc tranh cử tổng thống 2024, Harris sẽ tiếp tục các nỗ lực của chính phủ Biden nhằm xây đắp một tương lai hy vọng tốt đẹp cho cử tri Mỹ.
Các chính sách kinh tế của Harris sẽ ưu tiên giải pháp năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch không ổn định, trái ngược với việc Trump tập trung vào lợi ích ngắn hạn thông qua việc bãi bỏ các quy định. Về vấn đề nhập cư, các chính sách của Harris cho thấy khả năng thích ứng với các thách thức giúp giảm tình trạng vượt biên trái phép. Điều này trái ngược với các chính sách nhập cư gây chia rẽ hơn của Trump, vốn không giải quyết được các vấn đề hệ thống cơ bản.
Về thuế, vấn đề “khó nuốt” thứ hai sau di dân, chỉ vì không nhiều người nhận ra tảng băng chìm về thuế dưới thời của Donald Trump. Như đã phân tích ở trên, thật ra chỉ các doanh nghiệp lớn và giám đốc điều hành cấp cao được hưởng lợi nhiều nhất từ đạo luật thuế năm 2017 của chính quyền Trump.
Nhưng Kamala Harris đã đưa ra chính sách cụ thể, có lợi cho giới lao động bình dân của Mỹ. Bất kỳ ai có mức lương dưới $400 ngàn một năm, thuế của người đó sẽ không tăng. “Và thực tế là theo kế hoạch của tôi, tôi sẽ cắt giảm thuế của 100 triệu người Mỹ, bao gồm $6.000 cho năm đầu tiên cho những vợ chồng trẻ có con đầu lòng, bằng cách mở rộng khoản tín dụng thuế cho trẻ em,” bà Harris trả lời chi tiết câu hỏi về thuế của Stephanie Ruhle.
Và Kamala Harris đã có hẳn một bản kế hoạch chính sách gồm 82 trang, rõ ràng, chi tiết cho tầng lớp trung lưu ở Mỹ.
Chỉ còn 34 ngày nữa, cử tri nào chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai, nên nhận ra cách bà Kamala Harris sẽ giải quyết những vấn đề xã hội và kinh tế là dựa trên các giải pháp bền vững, đoàn kết cử tri và ưu tiên tầng lớp lao động. Rõ ràng, đối với những cử tri muốn có một tương lai ổn định và công bằng cho tất cả, thì giải pháp tạo cơ hội cho tất cả, và tăng trưởng kinh tế dài hạn của Kamala Harris trở thành sự lựa chọn không quá khó.
Một nước Mỹ cường thịnh, nhân đạo, đàng hoàng, công bằng, cảm thông, hay một nước Mỹ chìm ngập trong sợ hãi, dối trá, kỳ thị, tụt hậu, tất cả sẽ có câu trả lời vào ngày 5/11.
Người Mỹ cần một lãnh đạo ‘đàng hoàng’ và tài năng!
Kalynh Ngô
Gửi ý kiến của bạn