Việc Donald Trump được gần phân nửa người Mỹ chấp nhận và ủng hộ trong những năm gần đây đã khiến nhiều người trí thức trong xã hội Hoa Kỳ đặt câu hỏi về sự tồn tại của “human decency”, hay dịch nôm na là “sự đàng hoàng, sự tử tế, đạo đức nhân tính của con người”. Liệu xã hội ngày nay đã hạ thấp chuẩn mực “đàng hoàng”, hay có thể nào sự đàng hoàng, tử tế giờ đây không còn là một nhân tính cần thiết trong giá trị nhân bản?
Dĩ nhiên trong mỗi xã hội, mỗi người có mỗi “thước đo” riêng về mức độ của “đàng hoàng”, nhưng từ ngữ tự nó phải phần nào nói lên một chuẩn mực nhất định. Theo một số tự điển tiếng Việt, chúng ta có thể đồng ý rằng: 1. Đàng hoàng là một tính từ tiếng Việt mô tả cuộc sống đầy đủ, đáp ứng được các nhu cầu chung của xã hội. Ví dụ: cuộc sống đàng hoàng, công việc đàng hoàng, nhà cửa đàng hoàng. 2. Đàng hoàng còn được dùng để chỉ những biểu hiện về tính cách mẫu mực, hay tư cách con người tử tế đáng được coi trọng. Ví dụ: anh ta là người đàng hoàng, cô ấy ăn nói đàng hoàng, cư xử đàng hoàng, con nhà đàng hoàng. 3. Đàng hoàng cũng là từ diễn tả sự nghiêm túc, chuẩn mực, đúng đắn, hợp lệ. Ví dụ: giấy tờ đàng hoàng, cưới xin đàng hoàng.
Như vậy, có thể hiểu đàng hoàng là một tính từ mang ý nghĩa tốt đẹp, diễn tả mức độ phẩm chất có thể chấp nhận được về tinh thần, vật chất, cũng như tư cách nghiêm túc, đứng đắn, tính tình tử tế, chỉnh chu, gương mẫu, đáng được tôn trọng ở một mức độ được xã hội công nhận.
Từ định nghĩa trên, chúng ta cũng có thể rút ra những tính khí và hành động trái ngược với “đàng hoàng”, như khoe khoang khoác lác, tự cao tự đại, dối trá, ăn nói ba trợn, ăn hiếp kẻ yếu, cưỡng hiếp phụ nữ, kỳ thị, lừa đảo, bất chấp thủ đoạn cũng như các hành vi tội phạm khác.
Khi Donald Trump mới xuất hiện, nhiều người tuy trong bụng ưa thích tính khí quái đản của Trump, nhưng vì giữ chuẩn mực của sự “đàng hoàng” nên không ra mặt ủng hộ, e mọi người vì đó mà nhìn xuyên thấu tư cách của mình. Bởi ngạn ngữ Anh có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Người Việt thì có rất nhiều câu nói tương tự, chẳng hạn như: “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, hay “nồi nào vung nấy”. Vì vậy người ta ban đầu còn dè dặt không công khai nhận mình thích Trump, một người đàn ông từng khoe khoang: “Khi bạn là ngôi sao nổi tiếng, họ (phụ nữ) để bạn làm bất cứ điều gì. Bạn có quyền làm bất cứ thứ gì. Như bóp L (pussy) bọn họ. Làm bất cứ điều gì bạn muốn...” Trump cũng ngang nhiên tuyên bố những câu bất tuân luật pháp như "Tôi có thể đứng giữa đại lộ Fifth Avenue (ở New York) và bắn bất kỳ ai, sẽ không vì vậy mà tôi có thể mất đi một lá phiếu nào, OK?" Vào thời điểm một con người như vậy mới xuất hiện, nhận mình yêu thích hắn chẳng phải tự công nhận mình cũng thiếu kém đạo đức?
Đó là chuyện chục năm trước, tôi còn nhớ bạn bè xung quanh mình lúc đầu cũng rất dè dặt, thay vì “yêu” Trump thì chỉ chửi bới Hillary Clinton hay nói bóng nói gió, cho đến một ngày, khi số người “yêu” Trump đã đủ nhiều, họ bỗng công khai dương lá cờ “chính nghĩa” Trump.
Để giải thích vì sao những điều hiển nhiên xấu xa không được chấp nhận trong xã hội bỗng nhiên trở thành chuyện không những bình thường mà còn được ưu ái, hãy nhớ đến phân tích của Toni Morrison, tác giả đoạt giải Pulitzer, về chủ nghĩa Phát xít. Khi viết về các thế lực cổ súy chủ nghĩa phát xít, Bà đã nhắc đến chiến lược nhồi sọ rất hữu hiệu của họ, thúc đẩy sự tương tác giữa hai vế niềm tin và hành động. Những người phát xít dùng niềm tin và hành động để củng cố lẫn nhau. Niềm tin có thể khiến các hành động vốn xấu xa không thể chấp nhận được trở nên bình thường và hợp lý; trong khi những hành động lập đi lập lại có thể củng cố thêm cho những niềm tin tưởng chừng như mù quáng. Thí dụ, việc Trump (học theo sách phát xít) gọi những người nhập cư là tội phạm nguy hiểm, là dòng máu độc hại làm vẩn đục dòng máu Hoa Kỳ sẽ biện minh cho việc giam giữ người nhập cư trong các trung tâm tệ hơn nhà tù, tách rời trẻ em khỏi cha mẹ chúng, đối xử với họ tệ hại như đối xử súc vật. Điều này lại có thể củng cố niềm tin trong công chúng rằng họ là nhóm người “lậu” nguy hiểm, không đáng được đối xử như người. Aldous Huxley, nhà văn nổi tiếng người Anh trong cuốn sách kinh điển Brave New World đã viết: “Mục đích của kẻ tuyên truyền là khiến một nhóm người quên rằng nhóm người khác cũng là con người.”
Trở lại những ngày Trump mới xuất hiện trên chính trường, bạn bè tôi ban đầu thấy Trump khoác lác họ cũng thấy “kỳ kỳ”, nhưng rồi vì ông ta cứ lập đi lập lại những lời nói dối, và ngày càng nhiều người tin hơn, “con chiên” của Trump ngày càng đông hơn, khiến họ cảm tưởng mình giờ đây thuộc về “đa số”, và họ lập luận đơn giản kiểu “Ông ta phải hay phải đúng mới có nhiều người theo như thế”, và họ yên tâm không để lương tâm đạo đức cắn rứt nữa.
Trong chính trị hay ở mức độ lãnh đạo, nhất là ở vị trí nguyên thủ quốc gia, “đàng hoàng” ở đây bao gồm một mẫu mực đạo đức cao hơn, một tấm gương cho nhiều thế hệ, một sự đại diện cho cả một đất nước, một tiếng nói đại diện một giai đoạn lịch sử quốc gia, một giá trị tử tế tự thắp sáng.
Năm 2008, chỉ một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, Thượng Nghị Sĩ John McCain đã sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm về chính trị để bảo vệ đối thủ của mình, khi đó là Thượng Nghị Sĩ Barrack Obama. Trong một chương trình nghị luận town hall ngày 10/10/2008, tại Lakeville, Minnesota, một cử tri phe McCain đã nói rằng bà không thể tin Obama. Bà gọi Obama là "một người Ả Rập" theo một thuyết âm mưu cho rằng Obama, người sinh ra ở Hawaii, không phải là công dân Mỹ và do đó không đủ điều kiện để trở thành tổng thống. McCain ngay tại chỗ đã lên tiếng bảo vệ đối thủ của mình là Obama trong tiếng vỗ tay của mọi người: "Không thưa bà, ông ấy là một người đàn ông gia đình đàng hoàng tử tế, một công dân, mà tôi chỉ tình cờ bất đồng quan điểm về các vấn đề cơ bản…" Sự đàng hoàng trong chính trường Hoa Kỳ mới đó còn nguyên vẹn như thế.
Năm 2016, tuy số phiếu phổ thông tính trên toàn dân của của Hillary Clinton hơn Trump đến 2.9 triệu phiếu, Clinton đã gọi chúc mừng đối thủ của bà là Tổng Thống Trump vào sáng thứ Tư sau bầu cử và chấp nhận thua vì bà thua số phiếu đại cử tri. Trump sau đó vẫn không đủ “đàn ông” để cư xử đàng hoàng, thay vào đó ông viết trên twitter rằng: “Ngoài việc giành chiến thắng áp đảo với số phiếu đại cử tri, tôi còn giành chiến thắng cả về số phiếu phổ thông nữa nếu quý vị trừ đi hàng triệu người đã bỏ phiếu bất hợp pháp.” Và đó là lối hành xử khi Trump thắng.
Khi thua năm 2020, Trump đã làm gì tưởng không cần nhắc lại, vì lịch sử đến thời điểm này đã chứng minh con người và tư cách đạo đức của Trump. Điều cần nhắc đến ở đây là thái độ và sự chấp nhận sai trái của những người theo Trump từ sau cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Một mãi cho đến hôm nay. Là người cộng hòa, những người theo Trump xưa nay luôn đề cao phẩm chất “tuân thủ pháp luật”, bỗng dưng một sáng một chiều một số đông đã tháo bỏ nguyên tắc này dễ dàng, vì niềm tin mù quáng, họ chấp nhận sự tấn công vào tòa nhà quốc hội, vào nước Mỹ, vào quê hương và chính thể họ đang sắt máu tin rằng mình đang đấu tranh vì nó.
Là cử tri, chúng ta có quyền mang hy vọng vào sự tái lập phẩm cách đạo đức cho nước Mỹ hay không? Ngày 7 tháng 8, 2024 vừa qua, trong cuộc vận động tranh cử, đám đông ủng hộ Harris đã la lớn “Lock Him Up”, “Hãy Bỏ Tù Hắn Ta”, cụm từ này được chính Trump và nhóm theo Trump sử dụng trước đây khi hô hào đòi bỏ tù đối thủ của Trump là bà Hillary Clinton. Harris đã không hành xử như Trump, Bà đã nhanh chóng ngắt lời đám đông. Bà nói: “hãy đợi đã, đợi đã, đó là chuyện của tòa án,” và tiếp tục tuyên bố rằng chiến dịch của bà với Thống đốc Minnesota Tim Walz “không chỉ là cuộc chiến chống lại Donald Trump,” mà là “cuộc chiến vì tương lai.” Đó là một lối cư xử đàng hoàng, hay ít nhất, cũng biểu lộ sự đàng hoàng trên bề mặt.
Ngày 9 tháng 9 vừa qua, khi Harris được giới thiệu tại cuộc tranh luận tổng thống gần đây, bà không đi đến bục phát biểu của mình mà bước đến giữa sân khấu để chào Trump và bắt tay ông, bất kể Trump và người ủng hộ Ông đã luôn gọi Bà bằng những từ ngữ miệt thị thấp kém. Thật ra Trump xưa nay nổi tiếng với việc chế giễu đối thủ bằng những lời lăng mạ thể xác. Ông đã gọi Stormy Daniels là "mặt ngựa", E. Jean Carroll là "không phải gu của tôi" và Omarosa Manigault Newman là "đồ chó", và Harris “không phải người da đen”.
Ai cũng biết Donald Trump đã quá nhiều lần phát biểu coi thường phụ nữ. Ông ta coi thường mạng sống của người da đen. Ông ta tước đi quyền lợi của cộng đồng LGBTQ. Ông ta tấn công và hạ thấp “dòng máu” của người di dân. Suốt hơn 10 năm nay ông ta đã đưa ra rất nhiều tuyên bố đáng lo ngại trong các chiến dịch tranh cử và trong thời gian tại nhiệm. Ông ta đã phát tán tin tức sai sự thật và nói những điều thiếu tôn trọng trước công chúng. Ông ta đã không dấu diếm những lời lẽ gây hận thù và chia rẽ. Gần đây nhất trong cuộc tranh luận Ông ta nói trực tiếp trên truyền hình vu khống người Haiti ăn thịt thú nuôi trong nhà gây kỳ thị khiến nhiều trường học phải đóng cửa, nhiều sự kiện cộng đồng bị hủy vì nhiều đợt đe dọa nổ bom xảy ra cho cộng đồng này ngay sau đó. Hãy tưởng tượng một giám đốc điều hành của Fortune 500 nói đùa về hành vi tấn công tình dục. Hãy tưởng tượng một chuyên gia y tế nói với mọi người rằng chất tẩy rửa có thể chữa khỏi Covid-19 cho họ. Hãy tưởng tượng một người cha có con gái tuyên bố mình có quyền bóp L… phụ nữ. Hãy tưởng tượng một lãnh đạo quân đội tuyên bố coi thường sự hy sinh của quân binh Hoa Kỳ. Họ sẽ bị phản đối và bị sa thải. Tuy nhiên, với Donald Trump, tất cả những điều này được coi nhẹ như một mục khác trong danh sách dài những điều nhảm nhí phát ra từ miệng ông ta.
Những người ủng hộ những lời nói của Trump vẫn biện hộ rằng vì Trump đang trung thực và nói những điều mà hầu hết các chính trị gia khác thường không nói. Họ tự lừa dối lương tâm đạo đức của mình để chấp nhận những lời lẽ thiếu tư cách, thấp kém và hoàn toàn thiếu tôn trọng. Họ hạ thấp chuẩn mực của sự đàng hoàng tử tế hay phẩm chất đạo đức được giáo dục từ lâu đời.
Khi chuẩn mực đạo đức bị hạ thấp và được công chúng chấp nhận đối với cương vị lãnh đạo quốc gia, sự thấp kém này cũng sẽ được chấp nhận và thể hiện ở nhiều cấp bậc khác trong chính quyền, trong xã hội. Nhìn lại những hành động thấp kém đạo đức đang xảy ra khắp nơi từ chủ nghĩa bất chấp của Trump, chính chúng ta giờ đây không còn sốc như “thuở ban đầu”, mà đơn giản chấp nhận rằng đây là những minh chứng đáng buồn cho những tư duy đáng lo ngại ngày càng phát triển ở Mỹ.
Hàng loạt những điều “trước kia không thể chấp nhận được” mà những viên chức cộng hòa MAGA đang làm thật ra không có điều gì đặc biệt hay bất thường. Họ chỉ là chính họ, họ hiện nguyên hình, không cần phải kiềm chế, không quan tâm đến giữ gìn tư cách hay lời ăn tiếng nói, không giữ chuẩn mực đạo đức, sự đúng đắn và họ bất chấp hậu quả.
Tại Texas, thống đốc Abbot đã ân xá cho một người đàn ông bị kết tội giết người biểu tình và phân biệt chủng tộc.
Tại Thành phố New York, các dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ và các đồng minh khác của Trump đã diễu hành đến tòa án để thể hiện sự ủng hộ dành cho Trump, nơi Donald Trump đang bị xét xử vì tội làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu khoản thanh toán bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm.
Tại Washington, D.C., trong một cuộc họp của ủy ban Hạ Viện, dân biểu Hoa Kỳ Marjorie Taylor Greene của Georgia, một đảng viên Cộng hòa theo Trump, đã lớn tiếng với Dân biểu Hoa Kỳ Jasmine Crockett của Texas, một đảng viên Dân chủ, rằng "Tôi nghĩ lông mi giả của cô đang làm hỏng những gì cô đang đọc". Dân biểu Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez của New York đã bất bình phản đối: "Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Làm sao cô ta dám tấn công ngoại hình của người khác?" Nhưng nghĩ cho cùng, tấn công ngoại hình hay tấn công việc đeo “lông mi giả” thật ra có nhằm nhò gì so với việc Trump tấn công chế giễu bộ dạng của một phóng viên bị tật ngay tại buổi họp báo được trực tiếp thâu hình phát cho cả thế giới nghe trước khi bầu cử. Và Trump đã “đúng”, hành vi thô bạo này của Trump có lẽ đã không khiến ông mất đi một lá phiếu nào.
Đã có một thời các viên chức chính quyền kiềm chế hành vi và lời ăn tiếng nói của họ vì tôn trọng một chuẩn mực đạo đức căn bản, hay ít nhất cũng tỏ ra như thế. Những ngày đó đã qua. Với sự coi thường trắng trợn của Donald Trump đối với hệ thống pháp luật và sự thật, với mọi tiêu chuẩn đạo đức, những người ủng hộ ông đã trắng trợn đi theo bước chân của ông như thể họ đã bị tẩy não. Trump và người MAGA đã thành công trong việc bình thường hóa loại hành vi và lối ăn nói thấp kém bằng một nền văn hóa bất chấp.
Là một tay buôn, Trump đã thành công thuyết phục số đông người Mỹ rằng “đàng hoàng” hay “người đàng hoàng” giờ đây không phải là yếu tố nhân tính cần thiết. Ông ngang nhiên bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho những tên độc tài trên thế giới như Putin, như Tập, như Kim Jong Un. Và vào tháng Bảy vừa qua, trước những người cơ đốc giáo, Trump không ngần ngại tuyên bố: hãy bầu cho tôi, và bạn sẽ không bao giờ phải đi bầu lần nữa.
Bầu cử là cơ hội để bỏ phiếu cho niềm tin chính trị. Chúng ta có thể đồng ý bất đồng quan điểm chính trị với nhau. Đó là điều tuyệt vời của quốc gia dân chủ chúng ta đang sống, nơi chúng ta có quyền có niềm tin chính trị, có ưu tiên và ý kiến cá nhân của riêng mình, và được quyền thể hiện sự độc đáo cá thể. Tôi tin vào sự tự do này. Nhưng chúng ta không thể bất đồng quan điểm về ý nghĩa căn bản của sự “đàng hoàng, tử tế” hay phẩm giá đạo đức của con người. Và vì vậy mà bầu cử năm nay không còn là chuyện phe phái giữa hai đảng chính trị, giữa Trump và Harris, mà là chuyện của chính chúng ta và những giá trị đạo đức chúng ta đã được ăn học và thấm nhuần.
Chúng ta sẽ không bầu cho một tổng thống cộng hòa hay một tổng thống dân chủ, mà chúng ta sẽ bầu cho một tổng thống Hoa Kỳ có tài có đức, hay chỉ đơn giản, bầu cho một “người đàng hoàng”. Số phận của sự đàng hoàng, tử tế của một quốc gia một lần nữa nằm trong tay chúng ta, ít nhất là cho đến ngày 5 tháng 11.
Nina Hòa Bình Lê
Ý kiến bạn đọc
02/10/202412:38:55
Cung Trần / Germany
Khách
Tôi rất tâm đắc với bài viết có dẫn chứng và lập luận nghiêm túc, trung thực và sắc sảo của Nina Hoà Bình Lê, Tóm lại là mỗi con người đều cần có nhân cách, biết tự trọng và tôn trọng nhân phẩm của người khác, kể cả khi họ khác chính kiến với mình. Những điều này hoàn toàn thiếu vắng trong con người của Ông D. Trump.
28/09/202413:38:24
Ho Nguyen
Khách
Bài viết thể hiện cái nhìn sâu sắc, đầy đủ về nhân cách của Trump và một số người vì ông ta mà óc quan sát, thẩm định khác đi về những giá trị của xã hội Hoa Kỳ. Tiếc thay.