Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Về Với Huế

30/08/202400:00:00(Xem: 2871)
 
IMG_2855
hình tác giả cung cấp
         
Buổi sáng mở mắt ngồi trước thềm nhà nhìn ánh nắng xuyên qua cây lá xanh tươi, đang định pha ly cà phê ngồi nhâm nhi ngắm tiếp. Cu Quang phóng xe vô sân, xách một bịch bắp nóng hổi để trước mặt tui.
         
- Dì ăn cho đã thèm đi nghe.
         
- Khỏi nhắc con ơi, dì ghiền lắm nợ.
         
Nói xong tui lột trái bắp có ba màu trắng, vàng, tím, không cần hỏi cháu mua nơi mô, có xa không, tui đoán là ngoài chợ Đông Ba rứa thôi. Chao ơi là hắn ngon ngọt, hạt dẻo bốc lên mùi thơm thanh khiết dễ mê, ui chao tui cạp một lúc ba trái no ứ hự.
         
Mấy ngày ni từ khi về Huế: ngày đầu con Suyền được chị tui báo tin đã vội chạy bay tới.
         
- Ông nội mi, mụ cô mi… bỏ Huế đi lâu dữ rứa, hắn ôm chầm tui chửi liên tục, có điều không nhắc phía ngoại mà chỉ toàn bên nội (chắc hắn thương quê ngoại hơn).
         
- Mi muốn ăn món chi tau chở đi.
         
- Ừ bánh khoái Lạc Thiện hỉ.
         
Rứa là tui được hưởng hai cái bánh nhỏ thanh tao dòn rụm, bột họ pha răng mà mê rứa không biết, kèm mấy lát vả, lát khế, rau sống chấm nước tương pha chế ngon ơi là ngon. Tỉnh táo bao tử rồi hắn chở tui đi vòng thành phố Huế, qua khu Thương Bạc, ủa bữa ni răng mà người đông rứa, bớt vẻ yên tĩnh như ngày xưa, tiệm quán cũng mọc lên khó còn đất trống. Vừa đi hắn vừa kể nỗi gian khổ lúc trẻ, nay thì hậu vận quá tốt, con có địa vị thành công, chồng cưng yêu nhiều hơn lúc tuổi xế chiều, mà nhìn kỹ hắn tươi đẹp mặn mà ghê, chắc hạnh phúc gia đình biến sắc thêm xinh hè. Đi nửa ngày hắn thả tui về nhà” tau bận chút chuyện, sẽ gặp mi sau nữa nghe. Tui cám ơn hắn, gần 50 năm tuy xa mà hắn vẫn nhớ, vẫn đầy tình bạn thân thiết như hồi mô.
         
Kế tiếp những ngày sau, ôi thôi tui được bạn bè tới thăm, đứa xách trái mít, đứa đem vú sữa, con Đào tha một bịch đào trắng, xanh ngọt lịm, con Dung mua chè bột lọc bọc thịt quay. Tui tha hồ nghe tụi nó kể chuyện Huế của ta. Tụi nó dành nhau chửi “mụ cô mi để tao nói hết; ông nội mi nói dài dòng quá...” Tui nghĩ cái tật xấu hơn 50 năm về trước tưởng tụi hắn bỏ rồi, làm gương cho con cháu chứ, ai dè vẫn còn y nguyên, giống khi đứa mô ôm tui cũng don dỏn cái miệng “mụ cô mi, mụ nội tam đợi mi, đi bơ đi luôn...” Tui phải “hét” lên làm mạ tụi hắn một trận kể lại vài chuyện xưa.
Chuyện một:
         
Cạnh nhà tau có chị hàng xóm tên Hà, tình cờ bữa nớ qua trả cặp que đan. Thấy ông nội dưới làng lên thăm cháu, đang giỡn với thằng Hiền con chị, nó nói lại chi tau không nghe rõ, chỉ biết chị Hà đang ngồi làm cá ngẩng lên la nó “ Hiền! ai cho mi hỗn với ôn nội rứa hí, ôn nội mi nờ ...” Đúng lúc tao  xuất hiện thọt vô hông chị nói nhỏ
         
- Ôn nội đứng đó răng chị lại chửi rứa?

Chị nghe giật mình
         
- Chết… chết… chết… thiệt là ôn nội cái thằng mất dạy.
         
Khi nớ làm răng tao quên được nét mặt ôn nội dương đôi mắt to lồ lộ nhìn chị sững sờ, hình như á khẩu. Tụi bây thấy tau giỏi chưa, chuyện hay không nhớ, chuyện thiên hạ ghi tâm cốt dạ thiệt là “tào lao bí đao” hết sức.

Chuyện hai:
         
Có bữa trưa nớ tau tình cờ đi ngang nhà con Phượng nên ghé thăm, hắn làm dâu nhà giàu nên tau cũng e dè, ngại ngùng. Hắn thấy tau mừng lắm, cả nhà đang ngủ trưa. Hắn lôi tau ra sân ngồi dưới bóng mát cây nhãn, mặt hắn buồn dàu dàu:
         
- Mi biết răng không? tau mới bị mạ chồng mắng
         
- U chao... răng rứa?

Cặp mắt hắn chớp chớp như chực khóc:
         
- Thằng cu Tý nghịch quá, người ta trồng cây non trước nhà, hắn đi nhổ hết làm bà con tới mắng vốn, tau xin lỗi, họ về rồi kêu hắn ra “tại răng con cứ phá nghịch hoài như rứa, có muốn mạ đánh cho một trận không hỉ, ông nội mi nghe chưa…” Tau chưa dứt câu mạ chồng bước xuống thang lầu vẻ mặt nghiêm nghị “Phượng con không được lôi ông nội ra chửi cu Tý, ông nội nó là ai, là ba chồng của con” xong bà bước trở lên lầu lại…
         
Tau tự dưng mắc cười quá, ôm bụng cười ngặt nghẽo, cười thắt cả ruột trong khi hắn kể chi thêm tau không còn nghe nữa. Hắn nhìn tau cười như đười ươi tự nhiên cũng cười theo, hai đứa thi đua nhau cười một trận xong, tau mới nói “bà la là đúng quá rồi còn buồn chi nữa, tau biết là thói quen của tụi mình nói chi cũng kèm theo tiếng nớ như đàn ông kèm tiếng ĐM vậy mà, thôi cố gắng sửa lại hí.” Đi lâu năm, từ mái tóc xanh đổi thành tóc bạc, từ được gọi tiếng “em” qua “chị, cô “và chừ thì “mệ” tau tưởng đứa mô cũng bỏ được rồi chứ. Cả bọn đồng cười nói “có thương mới nhắc bên nội đó mà...”
         
Sau đó Như Chương chạy đi tìm gánh cơm hến, ngồi vây quanh nhìn rổ rau có bắp chuối, khế, rau sống, giá, tô ruốc xắn tỏi tươi, mè, đậu phụng, hến xào pha vài sợi miến, nồi nước đục màu cháo lòng thơm mùi gừng… chao ơi là Huế của tui, miệng đứa mô cũng muốn sưng phồng vì nếm ớt cay xé.
         
Hết ngồi lê bà Tám, nói dóc trên trời dưới đất, cười ha hả rồi than đau lưng. Cả bọn nằm xếp cá, lăn mình sát mặt gạch ca rô của nền nhà lau sạch láng o, đóng cửa ngủ một giấc ngon say. Thức dậy nghe tiếng rao “bánh canh Nam Phổ mời thời cho nóng đây...” trời đã nóng rồi cần chi thời cho nóng nữa, dù là cuối Hạ chuyển qua đầu thu, nhưng nóng đổ mồ hôi, chẳng ai dám ra đường chút mô hết, rao chi lạ rứa hè...” Mới nghĩ cho vui thì bạn Lệ Hằng nhanh miệng gọi vô. Gánh hàng ăn nhìn thương hình ảnh quê hương lắm rứa tề: một đầu nồi bánh canh đặc sệt lớp tôm màu đỏ nổi trên mặt, đầu kia khuôn bánh cuốn bọc tôm chấy tại chỗ, chung quanh dựng lên ít bánh lọc, bánh nậm gói lá kèm nước mắm pha thả đầy ớt lát, răng mà muốn húp sạch sành sanh rứa hè.
         
Món mô tui cũng thử hết, ăn không muốn nuốt, chỉ muốn ngậm mà nghe. Dại chi không ăn chứ, của chùa không ăn cũng uổng, í quên của...bạn bè đãi mà.
         
Rứa rồi đứa bạn già mô cũng lật đật về kẻo con lo cháu đợi vì đi cả ngày rồi. Tụi hắn không quên dặn nhau ngày mai mặc áo dài tím, thuê dịch vụ xe chở lên đồi Vọng Cảnh, Chùa Thiên Mụ, đồi Thiên An chụp hình ...Chi chớ cái màn nớ là tui mê nhất, và tui biết chắc đứa mô cũng có áo dài tím, sắc tím thủy chung phe phụ nữ đã tuyên thệ gắn bó màu linh hồn của Huế từ lâu rồi.
         
Đêm ngồi trước thềm nhà, giàn hoa ti-gôn rũ xuống mái hiên, ánh trăng chênh chếch xuyên qua cành lá khóm hoa. Hồn tui bay lên cao, tui gặp hồn thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử vang đâu đó:

                   Cả trời say nhuộm một màu trăng
                   Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
                   Không một tiếng gì nghe động chạm,
                   Dẫu là tiếng vỡ của sao băng ..
                             .............
                   Ta ném mình đi theo gió trăng
                   Lòng ta tản khắp bốn phương trời
                   Cửu trùng là chốn xa xôi lạ
                   Chim én làm sao bay đến nơi (Trăng)
 
         
Mênh mang theo nhịp điệu vần thơ, đêm càng khuya, ánh trăng càng sáng rỡ, soi vằng vặc khoảng sân yên ắng. Tui lại say sưa ngâm nga mấy câu của Quách Tấn:

                   Gió rủ cành đi ngàn liễu khóc,
                   Sông đưa lạnh tới bóng trăng run.
                   Thuyền ai tiếng hát bên kia vẳng?
                   Ghé lại cho nhau gởi chút buồn (Bên Sông)
 
 Răng mà người ta say rượu, say cờ bạc, còn tui lại say thơ tới lạ rứa không biết.
                   Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,
                   Đàn ghê như nước lạnh trời ơi
                   Long lanh tiếng hạc vang vang hận,
                   Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người 
                                        (Nguyệt cầm - Xuân Diệu)
          
Về với Huế của hồn thu tháng tám cho tui đêm tĩnh lặng ngồi ngắm ánh trăng thanh, ánh trăng biết bao mùa kỷ niệm dạt dào khi còn mẹ. Ánh trăng vẫn còn đó mà bao nhiêu người thân đã ra đi ....
         
Rầm... rầm... rầm…
         
Tiếng như trời sập đè lên người, tui mắt nhắm mắt mở giật mình ngơ ngác, nhìn chiếc ti vi còn mở chiếu phim action, chẳng biết phim chi chiếu nhà cửa đổ nát bởi tiếng đạn pháo bắn dữ dội. Tui tỉnh táo dần, đèn sáng trưng, đồng hồ điểm gần 3 giờ sáng, nhớ lại hồi tối nằm xem phim rồi ngủ say khi mô không hay. Thì ra chỉ là GIẤC MƠ VỀ THĂM HUẾ, ui chao là tiếc chi lạ... chưa mặc áo tím chụp hình cảnh Huế, chưa đi tìm con cháu mụ Rớt ăn tô bún bò, chưa đi uống cà phê Dạ Khúc với con Hoàng nữa chớ... Tui tắt ti vi, tắt đèn nằm dỗ giấc ngủ, cũng hơi khó nên cố ôn lại giấc mơ. Nhớ thầy dạy Triết môn đạo đức” Tưởng tượng hay nằm mơ là trạng thái của sự đè nén được giải tỏa.” Chắc tại tui nhớ Huế quá, nhớ bạn bè nên giấc mơ cho gặp, chứ nhiều bạn chừ đã chết, đã ở Mỹ, ở Sài Gòn, ở Đà Nẵng rồi mà. Sực nhớ còn tuần nữa ăn mừng tiệc sinh nhật Huế Online 4 tuổi tại nhà hàng Ngọc Sương đối diện khu Century thuộc thành phố San Jose, hai ngày tới đi tập văn nghệ nữa. Thôi thì cố dỗ giấc ngủ, sáng dậy còn biết bao công việc phải làm thúc sau lưng.
                                                **************
         
Huế Online của miền Bắc Cali có những nhân vật rất đặc biệt đầy tình nghĩa và sự hy sinh. Tui kể sơ cho bà con nghe nì: ngôi nhà anh Bào và chị Cindy là nơi chứa các thành viên luôn nhiệt tình như chị Botin nằm trong ban tổ chức lo phần văn nghệ. Chị Hà Phúc lo phần thủ quỹ. Chị Hà Lan dù xa xôi nhưng luôn có mặt sát cánh cùng chị em.
         
Chị Cindy và chị Botin mua các món nữ trang, xiêm y miền sơn cước cũng như dụng cụ kể cả các thứ cho ban hò hụi, nhờ người đem qua từ VN. Chị Cindy ngày đêm còn may rất nhiều áo bà ba cho mọi người mặc trình diễn. Những lần tập dượt luôn tập trung tại nhà chị Cindy, chị lo phần ăn uống thả dàn, các anh Bào, anh Vỹ phụ đưa đón và giúp nhiều việc.                 
 
Nói thiệt ra chứ tuổi trẻ chừ hắn không thèm chơi với người già, rất trông mong các cháu góp bàn tay, nhưng chúng nó bận quá nhiều việc. Nhìn lui nhìn tới chẳng có ai nên “không có cháu bắt bà già ra… múa“, chao ơi là hắn dị chưa tề khi đội múa thuộc trên dưới U 80, đầu óc nhớ nhớ quên quên, tập đi tập lại rất lâu vì bị lộn hoài, chứ còn màn hát hợp ca, hò hụi thì dễ dàng không lo. Tất cả đều cố gắng vì nể tình chị Cindy quá tốt, hy sinh nhiều việc cho… đại nghĩa, chẳng lý mình không cố gắng được hay răng? Vì rứa ban văn nghệ U80 muốn bày tỏ lòng kính mến anh chị chủ nhà, nên vui vẻ kiên nhẫn tập luyện.
                                               
                                                          *******
         
Ngày họp mặt 18 tháng 8 của “Huế Online “đã tới. Là ngày nắng Hạ còn níu kéo tươi hồng rực rỡ. Lòng người cũng hăng hái đầy năng lực theo. Bước vô nghe rộn rã
         
- Rứa O ở mô.
         
-Tui ở ngã Bao Vinh đi về.
         
- Răng tui thấy anh quen quen.
         
- Tui ở trong Thành Nội.
         
Chao ơi! Ai cũng thấy quen quen hết á, chắc tại vì cái giọng “mô tê răng rứa” chớ chi nữa hè. Nhìn mấy mệ mặc kiểu sơn nữ ca, đeo tằm, đeo “hầm bà lằng “trên người xanh, đỏ, vàng, tím thấy trẻ rứa thê, trẻ chớ không ngon mô nợ, vì tuổi sứt càng, gãy gọng kè kè tủ thuốc hết rồi... Bởi rứa dù mặc kiểu lên đồng hà bá vẫn thấy trẻ hơn 20 tuổi đó nợ, cứ rứa mà làm thì niềm vui cũng tới, cho mình tăng tuổi thọ đó thê, rứa hỉ các người già. Tui thì hồi hộp cái màn mấy mệ múa bài “Nhạc Rừng Khuya” còn nhớ động tác không? Và có ai sẽ chê “bầy vịt, bầy heo” đang múa không? Nghĩ tếu mà cười cho vui thôi, chứ nhằm nhò chi mấy cái khen chê ở chặng cuối đời hè. Rứa rồi cũng có người… lộn chút xíu đó nghe, nhưng thành viên của Huế Online dự tiệc dễ tánh, quay phim, vui vẻ thân ái cổ động U 80 làm chị em mừng đã gặp được người có tâm thiện, tâm hoan hỷ của những vị thiện hữu tri thức, nên lòng nhẹ nhõm khỏe re. Màn ca hát với những bài về Huế nặng lòng nhớ thương, anh chị em hát cho nhau nghe trong tình thân mật hài hòa ấm cúng. Đặc biệt có màn muốn nổ tung sân khấu là cặp vợ chồng anh Bào, chị Cindy thuộc U 80, anh bày tỏ hát “60 năm cuộc đời” thì thiệt thòi quá, nên đổi lại “90 năm cuộc đời “. Anh chị mặc quần áo như tuổi teen, vừa đẹp vừa trẻ quá trời, đã rứa còn “Twist” như điên, có ôn mụ mô khỏe như rứa khôn hè.
         
Cũng nhờ Huế Online mà các chị sau gần 50 năm nhận diện ra nhau, ôm chặt mừng rỡ. Tui cũng được chữa bớt bệnh “nhớ Huế” khi bước vô ngôi nhà rộng của Huế, thấy nồi chè đậu ván đang sôi, gánh bún bò đang múc, trời mưa phủ lên bóng Hoàng Thành, những con đường choàng sương mù, cảnh sông Hương núi Ngự, cửa Đại Nội, cửa Ngọ Môn, hồ Tịnh Tâm hay bất cứ ngõ ngách mô của Huế. Chưa kể đọc những bài viết hay về Huế, về lịch sử, về địa lý nhân văn. Tui cám ơn Trung Trực người sáng lập trang Huế Online, và những nhân tài chung tay góp phần làm ngôi nhà Huế mỗi ngày mỗi phong phú từ nội dung tới hình thức thêm.
         
Huế trong tim. Huế nơi ngôi nhà Online để cùng nhau được sống, được thở trên mảnh đất Thần Kinh mà đứa con xứ Huế đã rời xa gần 40 năm qua…
                                                                  
Minh Thúy Thành Nội                                                                  
Ngày 18 tháng 8 năm 2024
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lúc xưa thật xưa, người Việt Nam ta có tục lệ bầy cỗ Trung Thu vào dịp tết trăng tròn tháng 8 âm lịch. Cỗ này thường để dành cho trẻ con, vừa vui Trung Thu, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng tròn, sáng tỏ. Thường cỗ này gồm phần lớn là bánh Trung Thu, bánh dẻo bánh nướng và rất nhiều thứ trái cây, trái cây chánh là bưởi, bưởi hồng đào ngọt và tròn xoay như một vầng trăng. Ăn bưởi xong, có thể sâu hột trái bưởi, phơi khô đi sem sém, và có thể đốt hạt bưởi từng sâu như đốt nến, đèn cầy.
Tường Vi sinh ra lớn lên từ miền “quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu cơm”. Trước 1975, ba Vi có chức vụ lớn trong quân đội, làm việc tại Đà Nẵng cuối tuần mới ra Huế. Gia đình Vi ở bên kia bờ Sông Hương nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà vườn rộng mênh mông có bến sông sau, trước ngõ trồng hàng loạt hoa Tường Vi. Mẹ rất thích loại hoa này, nên đặt tên Vi giống loài hoa. Vi có bốn chị em gồm hai em trai (Vinh, Lộc) và gái út (Tường Như), Vi là chị đầu đàng. Năm 13 tuổi vì thi rớt nên phải học trường tư thục Bồ Đề đến năm lớp tám, ba Vi từ Đà Nẵng dẫn theo người thanh niên về Huế giới thiệu tên Sơn, ra Huế học đại học luật khoa, sẽ dạy kèm chị em, làm gia sư ăn ở trong nhà luôn. Vì tò mò hỏi mạ
Sau này, mỗi khi muốn kết bạn với ai, tôi thường nghĩ về Bi, về lúc Bi cầm tay tôi cho con Nâu ngửi với sự trấn an vô tư của trẻ con thời khó khăn nhất. Chúng tôi không có đồ chơi, không có không gian lớp học năng khiếu, thi tài, không có những cuộc chạy đua đồ đạc mới hay chôm đồ đạc của nhau trong lớp học. Chúng tôi chỉ có bàn tay, con Nâu, đường đất đỏ về nhà và một bờ sông nguy hiểm.
Kể cả sau khi ra trường đi dạy, góc nhìn chọn lựa đàn ông của tôi rất giới hạn. Không cần đẹp trai, nhưng không thể xấu. Không quá cao, cũng không thể lùn. Không ăn diện thời trang, cũng không quê mùa. Không nói nhiều, cũng không câm nín. Không cần thông minh, nhưng đừng ngu khờ. Không cần làm anh hùng, nhưng đừng hèn nhát. Nhưng các tiêu chuẩn này không có nghĩa tôi sẽ chọn người trung bình.
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm...
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình. Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ.
Có nhiều người tự hỏi là tại sao sang đến xứ tự do tạm dung này lại có những chuyện buồn như thế xảy ra cho người đàn ông, thay vì chỉ thường thấy xảy ra cho người đàn bà khi chúng ta còn ở quê nhà. Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình
…Khi anh tới cổng viện dưỡng lão, trời đã chạng vạng tối, chỉ còn bà mẹ anh và bà thư ký ngồi co ro trên ghế đá… họ đợi anh, bà thư ký vội báo cho anh hay là anh hãy canh giữ, nuôi bà cụ khoảng một tháng, chờ tình hình dịch bệnh tăng giảm ra sao, rồi thành phố sẽ quyết định và nhà già sẽ liên lạc với anh ngay sau đó. Bà thư ký đi khỏi, anh quay lại ngó mẹ và đau lòng thấy bà cụ co dúm như một mớ giẻ rách khô… anh đỡ mẹ ra xe, và nhỏ nhẹ khuyên trấn an: - Mẹ cứ về ở với con ít lâu, coi tình hình ra sao?
Có nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến cái chết, nhưng thật ra nếu nghĩ thường xuyên đến cái chết là một việc hết sức tích cực và giúp cho người già rất nhiều. Mỗi khi nghĩ đến cái chết giúp cho ta thức tỉnh và sống trở lại giây phút hiện tại và quán chiếu xem mình phải làm gì trước khi nhắm mắt lìa đời. Nghĩ đến cái chết giúp ta dừng lại, xem xét những việc mình đang làm, những gì mình ước mong thực hiện và những tham vọng về tiền tài, chức phận, vật chất để được hưởng thụ. Khi tuổi về già chúng ta không nên tránh né nghĩ đến cái chết, mà nên nghĩ đến nó thường xuyên và nhất là nên chuẩn bị cho cái chết. Khi chuẩn bị cho cái chết ta sẽ suy nghĩ chín chắn hơn những gì nên và không nên làm trước khi qua đời và mình sẽ tự giúp tránh những việc vô ích, không có ích cho ai và mất thì giờ, để dành cho những việc quan trọng hơn, có ích lợi