Đọc sách Lê Giang Trần:
Con đường tay trái đi về mặt trời
Phan Tấn Hải
Tác phẩm mới phát hành của Lê Giang Trần là một tuyển tập nhiều bài viết, trong đó gồm 4 thể loại: Tản mạn, Bút ký, Truyện ngắn, Thơ. Trong thể loại nào, anh cũng thành công theo một cách cảm xúc rất riêng, với kiểu rất mực giang hồ chữ nghĩa, nơi nhà thơ Du Tử Lê đã gọi Lê Giang Trần là một “công tử Bạc Liêu bập bùng những hơi thở buồn” – một hình ảnh cho chúng ta hình dung rất mực bập bùng về Lê Giang Trần, thoang thoảng những nỗi buồn của cõi người.
Bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy: Lê Giang Trần là môt nhà thơ hy hữu nơi cõi này, những cảm xúc trân trọng của Lê Giang Trần với bằng hữu, và với những chúng sanh cõi đời chung quanh anh rất mực là nồng ấm, thương yêu. Khi Lê Giang Trần viết về các bạn văn nghệ, chúng ta nhận ra những kỷ niệm buồn man mác nơi cõi người, khi phải gặp nhau rồi xa nhau. Khi Lê Giang Trần ghi lại một ký ức về một cụ bà ở Bạc Liêu, chúng ta đọc qua một lần là hình dung được có một cụ bà như dường có một không hai, những phận người tài năng đa dạng đang sống kham nhẫn trong cõi này.
Lê Giang Trần nổi bật về thơ, ngay cả khi viết truyện hay viết tản mạn, bút ký, cũng tràn ngập hình ảnh thơ. Nhà thơ Du Tử Lê nhìn suốt một chặng đường trong đời Lê Giang Trần, và gọi nhũng ngày đến với thi ca của anh là bầp bùng những hơi thở buồn. Nơi bài dùng như Lời Tựa cho tuyển tập “Con đường tay trái đi về mặt trời” (CĐTTĐVMT) của Lê Giang Trần, nhà thơ Du Tử Lê giới thiệu qua bài nhan đề “Từ Vương Kim Vân tới Lê Giang Trần: Bập bùng những hơi thở buồn!”, trích:
“Với tôi, Lê Giang Trần như một “Công Tử Bạc Liêu” lỡ thời, thất thổ. Giữa khi Trần chưa kịp biểu diễn những đường gươm hoa mỹ của một tay chơi tỉnh lẻ về thủ đô, dưới những ngọn đèn màu Saigon thì, lịch sử sang trang. Đổi đời. Sóng biển Đông quăng, ném Trần ra trại đảo. Từ những chao chát nắng, mưa rát mặt ở hoang đảo, bản năng sinh tồn thiết lập cho Trần bảng chỉ dẫn mới. Bảng chỉ dẫn như một cuộc lột xác cay nghiệt, để sống còn. Những kinh nghiệm quá khứ thủ đắc được từ những năm tháng “tay chơi” bất kể ngày đêm, đã bị thực tế lóc sạch, thả đáy biển sâu. Những mưu sinh thoát hiểm mới, làm thành một thân thế khác cho Trần. Trước khi trại đảo tiễn Trần vào đất liền. Vùng đất mới.
Từ những năm tháng Houston, thủ vai người bảo trì, sửa chữa, quản lý mấy chục căn hộ của một chung cư, cũ kỹ…tới những năm tháng di chuyển về Los Angeles theo tiếng gọi khẩn thiết của người cha, trong vai trò của quản lý một tiệm buôn bán thực phẩm Á đông nhỏ của gia đình… “Công tử Bạc Liêu” nửa đời, nửa đoạn kia, như một chiếc lá nổi, chìm theo dòng sống, trăm dòng, nghìn bến.” (CĐTTĐVMT, trang 11-12)
Tuyển tập này của Lê Giang Trần có thể tìm trên Amazon.com, khi bạn gõ chữ không cần dấu: “con duong tay trai di ve mat troi” – nơi đây, sách được giới thiệu, trích:
“Trong cái thế giới nhỏ bé, có những trái avocado rụng khô trong đêm. Lê Giang Trần ca cải lương, ca tân nhạc và viết văn nữa. Đời sống như thơ của anh, đơn giản, hiền lành.
“Tự nào giờ, tôi vẫn cho thi ca là tiếng nói đầu tiên và cuối cùng, tinh khôi nhất của một trái tim, tinh ròng không có chỗ những làm dáng màu mè, trí thức. Tinh ròng hay, sần sùi, thô, nháp, là đặc tính đáng ghi nhận nhất của cõi thơ Lê Giang Trần.
“Tự nào giờ, tôi vẫn nghĩ, sân chơi tinh ròng thi ca, chỉ dành riêng cho những tấm lòng chung thủy mở ra với trời đất, với thiên nhiên, với bằng hữu. Kẻ làm thơ không có một tấm lòng thủy chung, thì, căn bản, y chỉ là một tay xài bạc giả. Cái bóng bẩy, hào nhoáng của nghệ thuật chỉ là một lớp sơn che giấu cốt lõi mục, rã.
"Tự nào giờ, tôi vẫn cho những kẻ thiết tha, gắn bó với nơi chốn, với cảnh đời y đã đi qua, chính là kẻ thủy chung ở với ta vậy.
"Lê Giang Trần chính là người ở với kỷ niệm, ở với nơi chốn. Cõi thơ của anh, đầy những cánh chim về núi. Cõi thơ của anh, bay trên những dậm trường khuất lấp, chân mây...
"Và, bạn còn muốn đòi hỏi gì khác hơn, những dậm trường tan nát trong thơ người mang tên Lê Giang Trần này?
"Du Tử Lê
“Tháng 2-1991.”
Tuyển tập dày 516 trang. NXB Sống. Tranh bìa: Đinh Trường Chinh. Vẽ minh họa: Phạm Công Thiện. Trong tuyển tập cũng có trích tác phẩm, thơ, họa, ảnh, lời nhạc từ rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có: Đnh Trường Chinh, Phan Diên, Mộ Dung, Việt Dzũng, Etcetera, Nguyễn Đại Giang, Gúc, Phan Tấn Hải, Nguyễn Thanh Hiền, Phùng Quang Hòa, Cao Đông Khánh, Ngọc Lan, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Thanh Phương, Trương Thanh Phương, Lê Uyên Phương, Lữ Mộc Sinh, Việt Báo KT, Đinh Quang Anh Thái, Nguyễn Diệu Thắng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Thanh Thu, Nguyễn Văn Toại, Uyên Nguyên Trần Triết, Khánh Trường, Hồng Vân, Nhật Báo Người Việt, Phạm Vũ, và những hình sưu tầm mà không biết tác giả.
Đúng là, có một điểm nổi bật. Thơ của Lê Giang Trần đầy những dặm trường tan nát. Mời bạn cảm nhận những dặm trường tan nát đó qua vài câu sau của anh:
Một đời tôi mưa trôi
một đời hoa lạc lối
bước về con phố tối
trăng lạnh ngập hồn tôi. (Trang 19)
Thơ Lê Giang Trần cũng gắn bó với kỷ niệm, với nơi chốn. Có những địa danh nhắc trong thơ anh, chỉ nghe âm vang đã thấy buồn như muốn khóc. Như các dòng thơ sau:
…Nhớ mưa nhớ gái nhớ sông
Nhớ Gò Vấp nhớ vũ trường quán ăn
Nhớ tình xưa những cô nương
Những thằng bạn lính, một nàng vợ ngoan
Nhớ Bạc Liêu chợ nhà lồng
Nhớ tô bún mắm, bánh tằm, mì khô
Cầu quây áo dài gió to
Hàng me đại lộ vât vờ lá bay. (Trang 28)
Trong bài viết “Nhớ Gánh Hàng Rong” ghi lại những kỷ niệm về Bạc Liêu, nơi nhà thơ Lê Giang Trần chào đời và sống một thời thơ ấu, anh kể về một nhân vật khó quên, trích như sau:
“…Dài dòng để nói tới một nhân vật đặc biệt bán ổi muối cam thảo đặt gánh trước cửa tiệm Vương Lợi Hưng ngang chân cầu quay. Tôi gọi bà là bà ý (bà dì). Bà lúc ấy gần sáu mươi, hai vợ chồng người Tàu và đều biết võ nghệ. Gánh xong gánh ổi đặt xuống chỗ bán thường lệ bên dốc Cầu Quay là ông giao vợ bán, chừng bán gần xong thì ông trở lại chờ gánh về. Ngày nào cũng vậy, khoảng mười giờ sáng là gánh ổi có mặt trước cửa tiệm nhà tôi.
Ngày nào bà cũng bán gần như sạch cả hai việm sành to tướng chứa đầy vun những trái ổi xá lị mập mạp, thấm màu nước muối và màu cam thảo nên ửng màu vàng ong óng bên ngoài cái màu xanh muối dưa. Bà tuyển từng trái ổi một nên ít khi khách hàng phải lựa, hoặc chọn trái to hoặc chọn trái nhỏ, ngoài ra không thể chê trái này xấu trái kia đẹp, trái này bị sâu ăn hay có tì có tật, trái nào cũng lành lặn tươi ngon đều như nhau. Thỉnh thoảng bà bán xong còn sót vài trái ổi nhỏ là vì hôm đó người ta ăn ổi lớn nhiều hơn mua ổi nhỏ, vậy thôi.
Tôi còn nhớ, có một tay đạp xích lô lỗ mãng, có vẻ không tin lời đồn đãi về bà nên thường đậu xe nghỉ trước mặt gánh ổi bà rồi nói gần nói xa khiêu khích. Bữa đó có lẽ bà chịu hết nổi cái thằng xích lô chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, tôi đang ngồi cạnh bên bà nhai ổi chấm muối ớt, bà kêu tôi đứng lên ra tay xúc phạm đến thân thể bà, hết kiểu này tới kiểu nọ, kiểu ra tay chân nào cũng bị bà lanh lẹ gọn gàng dùng thế võ ngoạn mục để phản đòn chớp nhoáng và dừng tay lại đúng ngay yếu điểm chết người. Vừa diễn bà vừa nói lớn cho lọt vô lỗ tai thằng xích lô những đòn thế độc địa của bà thì hậu quả ra sao. Mọi người qua lại thấy vậy bu quanh coi bà biểu diễn, mấy đứa nhỏ vỗ tay còn người lớn ánh mắt phục lăn. Từ đó về sau, anh xích lô ăn ổi mỗi ngày và một tiếng thưa má hai tiếng dạ má. Tay anh chị nào gân gân chưa biết tài nghệ bà, xấc xược mà anh xích lô nghe đặng, anh chửi thề nói “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ,” tôi nhớ hoài câu này là vậy.” (Trang 154-155)
Đôi khi, thơ Lê Giang Trần làm chúng ta hoảng sợ. Hãy hình dung thế này: một nhà thơ hải ngoại, nghĩ về những người bạn một thời ở Việt Nam, và khởi tâm muốn về thăm:
Ừ. Thì đi về Việt Nam
Lên Đơn Dương thăm người bạn rẫy
Xuống Cà Mau thi rượu bác chèo đò… (trang 333)
Thế rồi, giữa bài thơ “Trạm người quá bước” đó, nhà thơ Lê Giang Trần nhìn lại đất Cali, nơi anh đang ngồi viết những dòng thơ:
Ừ. Tôi đang bùng cháy
Chỉ có bóng đêm nhìn pháo bông rực rỡ
Ừ. Tôi đang hét gầm
Chỉ có núi cao đồng vọng tiếng vang xa
Ử. Tôi đang bật khóc
Nhưng Cali trời chẳng có mưa ngâu (trang 335 – đoạn 3)
Thơ Lê Giang Trần buồn như thế. Đúng là trời Cali chẳng có mưa ngâu, nhưng những dòng thơ của chàng chở theo đầy những mưa buồn kỷ niệm. Thế rồi, xuống gần cuối trang, trong cùng bài, chàng viết:
Huống hồ chi Việt Nam không về trở lại
Ôm em điếm nhỏ vào lòng cho tôi chút ấm
Khoác vai em ăn mày cho tôi dạo chợ Xuân
Vào rừng Đơn Dương thăm bạn rẫy vườn
Theo sông nhỏ về Cà Mau thăm ông lái
Về làng xưa quỳ lạy mộ ông bà. (trang 335 – cuối đoạn 4)
Đó là thế giới của tâm tưởng, của trí nhớ, của mơ mộng, của ước muốn và của những phải chi… Và rất buồn. Đó là những dòng thơ rất buồn.
Cũng có điểm rất nổi bật: Lê Giang Trần rất trân trọng với các bạn hữu văn nghệ, gọi các bạn văn là kỳ hoa dị thảo. Trong bài viết nhan đề “Trần Duy Đức và thơ kỳ hoa dị thảo” nhà thơ Lê Giang Trần kể về chàng nhạc sĩ họ Trần:
“Trần Duy Đức với tôi, là một quãng đường thật dài không đo bằng mốc cây số mà trải suốt bằng độ thời gian 30 năm của tình bằng hữu.
Trần Duy Đức với tôi, trên độ dài thời gian như thế, 30 năm trong chuỗi thời gian 45 năm ‒ mà người nhạc sĩ này gọi là "45 năm tình ca" − đã cho tôi nhìn ra anh nhiều điều, nhưng nổi bật nhất, cho thấy anh là một nhạc sĩ có nỗi đồng cảm với thi ca; trong sự đồng cảm rung động ấy, người nhạc sĩ từ khi còn là một thanh niên tràn đầy sức sống, anh đã có biệt tài nhận ra những bài thơ như là nhận ra một thứ kỳ hoa dị thảo bất ngờ đập vào mắt một kẻ lãng du trên bước đường phiêu lãng băng qua những cánh đồng làng vun trồng tràn ngập bông hoa, hay những cánh rừng trong độ xuân về trăm hoa đua nở khoe sắc khoe hương, hay trên một ngọn núi hoang vu chợt nhìn thấy một đóa hoa rực rỡ kiêu ngạo lặng lẽ vươn lên nơi khe đá khuất, hay bỗng dưng ven bờ suối róc rách nào đó lúc dừng chân thả hồn bâng quơ mơ mộng chợt trong tầm mắt xuất hiện một loài hoa dại lạ lùng quyến rũ... Và những bông hoa duyên tao ngộ như thế, làm cho tâm hồn của người nhạc sĩ nhìn vào cảm thấy hương sắc ấy biến thành những nốt nhạc bay lên... bay lên...
Ngôn ngữ của thi ca vốn là thứ chỉ để cảm nhận, giống như nếm mới biết được vị, giống như ngửi mới biết được mùi, giống như tình yêu có chảy tan vào huyết quản mới làm cho trái tim rung lên giai điệu chất ngất men tình.... Trần Duy Đức cảm nhận những bài thơ có ngôn ngữ như thế, và biến hóa thứ hương vị, thứ màu sắc, thứ quyến rũ, tất cả những thứ tỏa ra ấy, trở thành âm nhạc. Sự sáng tạo ấy mang một nét rất riêng, rất Trần Duy Đức; giống như một linh mục dùng phép phối ngẫu ghép "nàng giai nhân thi từ" với chàng "tài tử nốt nhạc" trở thành "đôi uyên ương" hạnh phúc miên viễn bên nhau, hòa nhập, hòa điệu, cất lên tiếng hát, cất lên giai điệu, âm nhạc bay lên không gian, quyến rũ gọi mời, thơ mộng thấm đẫm vào tâm hồn những sinh loại đang sống, bầu trời nở rộng, màu nắng lung linh, màu trăng huyền ảo, cây lá xạc xào, bông hoa run rẩy, chim hót sầu vui, cánh bướm chập chờn, con người nghe thả hồn trầm tưởng.
“Người nào yêu thi ca hẳn người đó có yêu "Thơ Tình Du Tử Lê", vì, người thi sĩ này thả từ trong tâm hồn và trái tim của mình bay ra những cánh bướm ngôn ngữ mê hoặc. Khi đọc lên những thi ngữ như thế, giống như mình đang cận kề bên cô gái xinh tươi, hít thở được hơi thở thơm tho của nàng thở ra, hít thở được hơi hướm từ da thịt nàng toát ra mùi hương làm ngây dại tâm hồn mình, khiến cho trái tim nghĩ tưởng đến một sự đê mê ngây ngất, thứ cảm giác chỉ có khi ái ân; hay huyền diệu hơn, diễn tả thứ cảm giác mà những bậc đạo sư cảm nhận trong giây phút tâm thức bừng sáng hoát ngộ lẽ nhiệm mầu nào đó mà không có bất kỳ loại hạnh phúc nào có thể giống như thế.
Có lẽ như thế, mà, rất nhiều "Thơ Tình Du Tử Lê" bỗng hóa thân thành âm nhạc, không chỉ duy nhất riêng nơi một mảnh vườn của một nhạc sĩ lãng mạn, thu hút cả một thế giới âm nhạc trở thành người tình, người yêu. Và, Trần Duy Đức là một trong những người yêu ấy, một người nhạc sĩ yêu "Thơ Tình Du Tử Lê". Và như thế, sự hôn phối đó, giới thiệu đến những ai yêu thi ca - âm nhạc một sắc thái mới của một "nàng trinh nữ thơ" trở thành một "nàng hôn thê của âm nhạc". Và người kết hôn này giới thiệu "tân giai nhân" của chàng giống như một vị hoàng đế đăng quang nàng "ái phi" lên ngôi hoàng hậu.” (Trang 227-230)
Vậy đó, Lê Giang Trần sử dụng nhiều hình ảnh để mô tả về nhạc Trần Duy Đức: chàng phù thủy âm nhạc đã phù phép để thơ tình Du Tử Lê hóa thân thành âm nhạc. Văn phong này của Lê Giang Trần rất độc đáo, rất riêng biệt.
Thường khi, chúng ta dễ quên người vắng mặt. Một bạn văn nào đi xa, chúng ta dễ nhớ khi tới 49 ngày, hay 100 ngày, hay dài hơn, là dịp để nhớ tròn một năm tiễn biệt. Nhưng Lê Giang Trần luôn luôn nhớ các bạn văn nghệ với những kỷ niệm ngập tràn hình ảnh và âm thanh. Như khi Lê Giang Trần nhớ về nghệ sĩ Vô Thường, tay đàn guitar độc đáo.
Trong bài viết nhan đề “Tháng Tư nhớ Vô Thường, tiếng đàn guitar bất hủ” nơi trang 281-292, nhân vật Vô Thường đầy những giai thoại được Lê Giang Trần ghi lại, trích:
“…Từ sau ngày đó, tất cả các tiệm nào có bán băng nhạc đều thi đua mở nhạc Vô Thường đờn guitar, hành hạ ỏm tỏi con phố Bolsa một thời gian không ngắn; rồi thì không biết bao nhiêu bài viết về tiếng đàn Vô Thường. À, còn cái tên nữa, Võ Thường mà Đông Duy bỏ dấu mờ ảo nên Phạm Công Thiện đọc ra Vô Thường, rồi kêu để luôn Vô Thường cho vô thường một chút. Ông tò mò hạch người Phạm Công Thiện về ý nghĩa hai chữ vô thường. Cao Xuân Huy khi biết tên Võ Văn Thường, giở giọng Bắc phê bình “văn cũng xoàng mà võ cũng xoàng”, lý do chàng họ Cao ức vì bỗng phát giác thằng bạn võ văn xoàng là “thần tượng” của bà vợ “yêu vấu” của mình cộng thêm cái list dài sọc trong family.
Vô Thường bỗng trở thành hiện tượng, trở thành người bày trò ra mắt băng nhạc. Những buổi ra mắt bán băng nhạc ấy được tổ chức ở nhiều bang và tất cả số tiền thu được, ông gửi đến các em bé mồ côi trong trại tị nạn. Không biết bây giờ, có em bé mồ côi tị nạn nào khi có dịp ghé đến thủ đô tị nạn Little Saigon, tìm đến nấm mộ của người nhạc sĩ có lòng nhân ái này, thắp cho ông một nén hương lòng hay đặt trên ngôi mộ ấy một đóa hoa dại tươi thắm để tỏ tấm tình với người nhạc sĩ vắn số.
Báo Register đến phỏng vấn Vô Thường. Một trang báo với hình ảnh trang trọng dành cho ông. Theo thời gian, ông được đưa vào sách những người nổi danh, ông có tên trong danh mục những nghệ sĩ tài danh của Pháp. Ông là nghệ sĩ nhận được thư khen tặng, thư cảm ơn của những thính giả ngoại quốc, hằng ngàn bức thư gửi đến ông qua đường bưu điện từ khắp thế giới. Những thính giả này sau khi nghe tiếng đàn của ông, gửi đến một lá thư khen ngợi thật cảm động, là niềm vui thỉnh thoảng ông mang ra khoe cùng bạn. Ông cho biết người ngoại quốc đa số đều mua một loạt toàn bộ những CD nhạc ngoại quốc ông đàn. Vài tháng sau khi ông mất, một tối tôi nghe có tiếng người ngoại quốc bên nhà Vô Thường, cặp vợ chồng Bác Sĩ người Phi, mua CD của ông đều đặn, rất ái mộ ông, hay tin ông mất đã ghé đến viếng linh vị ông và mua thêm nhiều CD để dành tặng cho bạn bè họ.” (Trang 283-284)
Kể chuyện của người chưa hết, Lê Giang Trần lại kể chuyện của chàng. Mối tình này của Lê Giang Trần rất nhiêu người biết, kể như duyên tiền định, chớ không phải tự nhiên một kiếp này mà gặp. Cô nàng đẹp, nhưng tâm trí không bình thường. Do vậy, bài “Chuyện Tình Điên” được Lê Giang Trần ghi lại, câu chuyện rất dài, đầy những sóng gió, nơi đây chỉ dẫn ra chút ít, để ngậm ngùi phần nào, trích:
“…Vài tháng sau, khi cô bị đưa trở vào nhà thương điên, cô viết giấy nhờ người mang đến chỗ tôi làm, nhắn: “Em thèm đồ ăn Việt Nam lắm, anh mua bún tôm thịt nướng cho em nghe”. Vậy là cứ mỗi cuối tuần tôi mang một món ăn Việt vào nhà thương thăm cô. Cô ngồi đối diện tôi ở một bàn nhỏ, nơi có y tá qua lại canh chừng, ăn ngon lành thức ăn mang đến.
Ba tháng sau, cô có vẻ tỉnh táo nhiều. Đến thăm, cô cho biết có người quen hồi trước cùng xóm, bảo lãnh cô về tiểu bang X nên hôm nay sẵn dịp cô từ giã luôn. Mắt cô long lanh nhìn tôi rất tình-cảm-một-hồi, rồi nói nhỏ nhẹ:
“Em thiệt thương anh hết sức, anh tốt bụng với em lắm, nhưng anh không có nhà ở nên em để người ta bảo lãnh em đi. Em không lấy được anh, anh đừng buồn nghe!”
Câu nói thật tỉnh táo. Tôi chúc,
“Em đi mạnh khỏe ha”.
Trên đường về, tôi tự hỏi có phải là chuyện tình điên của nàng không? Chắc cô tỉnh ra, cô thấy mình điên thật, nên từ chối khéo.
Cô bị đưa vào nhà thương điên trở lại, vì một sáng cô múa khỏa thân cho Đường Minh Hoàng coi ở trước cổng Phước Lộc Thọ. Cách đó không lâu, trời đã vào đông, khi gặp cô lang thang ngoài phố, tôi mang cô đến “Bà Chúa Xứ”, xin Kiều Nguyên Tá, là người chủ điện Bà, nếu cô có tới nữa thì cho cô ngủ nhờ, trời lạnh tội nghiệp cô. Cô bình yên được vài tuần, tối ôm sleep-in-bag lên điện Bà nằm ngủ co ro.
Một tối tôi ở lại chơi, bỗng cô “lên vùng” múa ca không nghỉ, Kiều Nguyên Tá chịu hết nổi nạt một tiếng, cô đái trong quần. Tôi phải hy sinh bộ đồ ngủ lạnh của mình, dắt cô vào phòng tắm, cô hồn nhiên như đứa trẻ cởi đồ ra cho tôi lau rửa thay đồ.
Thương thay cho vóc dáng ngọc ngà mang tâm thần điên dại, bị bao kẻ mất lương tri lạm dụng dày vò. Cô điên vì lúc vượt biên mười lăm tuổi bị hải tặc bắt đi, thả về thì cô có bầu. Cô sinh một bé gái xinh xắn (luôn có tấm hình con trong bóp), qua Mỹ cô bị gia đình cha mẹ ruồng bỏ. Khủng hoảng, người hóa dại điên nên con cô bị chính phủ giữ. Lúc tôi gặp, cô hai mươi sáu tuổi, gương mặt đẹp đẽ, vóc dáng thanh tao…” (trang 399-400)
Tuyển tập dày 516 trang, trong đó có rất nhiều trang làm độc giả ngậm ngùi với những chuyện cõi này sao buồn lắm thế. Tuyển tập “Con đường tay trái đi về mặt trời” của Lê Giang Trần không chỉ kể chuyện của anh, không chỉ ghi những cảm xúc của anh, nhưng cũng khắc họa những mảng đời văn nghệ sĩ Quận Cam --- một thời rời nước ra đi, và chỉ còn chữ nghĩa để lại cho ngươi đời sau hiểu được tấm lòng.
Nơi trang bìa cuối, ghi bài thơ lục bát dài 16 dòng của Lê Giang Trần, nơi đây trích đoạn giữa, với 6 câu phác họa một phần chân dung nhà thơ họ Lê:
Làm báo, vui chơi, làm thơ
Nhâp đàn bằng hữu những cô độc đời
Tóc dài đo tháng năm rơi
Đọc kinh. Tịnh khẩu. soi tôi. xét mình
Quán ơn nghĩa, quán ái tình
Bị thương sướt mướt say linh lang buồn…
Tịnh khẩu? Hình như Lê Giang Trần chưa sẵn sàng tịnh khẩu. Phải chờ cho dứt hết say linh lang buồn đã chớ.
Độc giả có thể email tới legiangtran@yahoo.com nếu muốn liên lạc với tác giả.