Hôm nay,  

Phong Trào Sống Chậm: Sống Ý Nghĩa Từng Khoảnh Khắc

31/01/202500:00:00(Xem: 655)

hình chính_iStock-1160215796
Sống chậm có thể có nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất, như giảm nguy cơ mắc các bệnh kinh niên, cải thiện giấc ngủ, và thúc đẩy thể lực nói chung. Hình: istockphoto.
 
Trong cuộc sống tất bật hàng ngày để mưu sinh, có người luôn thấy mình không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và giải trí. Thậm chí có người làm ‘đầu tắt mặt tối’ cả đời mà vẫn không thấy đủ. Họ muốn có thêm thì giờ để làm những việc mình thích. Nhưng khổ nỗi, mỗi ngày chỉ có 24 giờ, mỗi năm chỉ có 12 tháng, và những người sống hơn 100 tuổi thì chẳng có mấy ai?

Tuy nhiên, làm việc nhiều quá sẽ dễ đưa tới căng thẳng về thể chất và tinh thần để rồi kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực, mà trong đó có việc sút giảm năng suất lao động và bệnh hoạn. Những nghiên cứu của y học ngày nay đã cho chúng ta thấy điều đó và khuyên con người nên có thì giờ cho sự nghỉ ngơi và giải trí.

Quan trọng hơn nữa là nếu con người cứ lao mình theo tiếng gõ của kim đồng hồ thì họ sẽ đánh mất chính mình trong dòng thác lũ của thời gian và công việc ngập tràn. Vì vậy, biết làm sao để dừng cương con ngựa của tâm thức giong ruổi và cuộc sống lao tới phía trước một cách bất kham là biết chăm sóc và hưởng thụ những khoảnh khắc hiện tiền quý giá vô ngần của đời sống con người.

Ký giả Holly Williams của hãng thông tấn Anh BBC, trong bài báo “Why 'doing nothing, intentionally' is good for us: The rise of the slow living movement”[Tại sao ‘chủ tâm không làm gì hết lại tốt cho chúng ta: Sự vùng lên của phong trào sống chậm], được đăng trên trang mạng của hãng tin này vào tháng 8 năm 2024, viết rằng hiện nay đang có phong trào sống chậm (#SlowLiving) với chủ trương “không làm gì” là tốt cho thể xác và tinh thần. Nhưng, phong trào sống chậm là gì?
 
Phong Trào Sống Chậm
 
Sống chậm là một phần của phong trào sống chậm lại rộng lớn hơn đã bắt đầu vào thập niên 1980s tại Ý. Đối diện với sự khai trương của tiệm McDonald tại trung tâm thành phố La Mã, Carlo Petrini và nhóm các nhà hoạt động đã thành lập Slow Food, phong trào bảo vệ các truyền thống thực phẩm địa phương. Hiện nay phong trào ăn chậm có nhiều người ủng hộ tại hơn 150 nước và tiếp tục bảo vệ các truyền thống ẩm thực, cổ võ việc trả lương công bằng cho những người sản xuất, khuyến khích thưởng thức các món ăn phẩm chất tốt và tham gia vào các hoạt động tạo sự bình ổn, theo tài liệu của trang mạng https://slowlivingldn.com của phong trào sống chậm cho biết.

Carl Honoré, một trong những tác giả nổi tiếng và là nhà diễn thuyết phong trào sống chậm lại, đã giúp mang khái niệm sống chậm vào dòng chính vào năm 2004 với việc xuất bản cuốn sách của ông “In Praise of Slowness.” Honoré đã khám phá cách Ăn Chậm làm phong trào sống chậm rộng lớn hơn với “sự sống chậm lại” hiện đang được áp dụng cho các lãnh vực khác của cuộc sống mà đã kinh qua sự tăng trưởng lớn, gồm làm việc, làm cha mẹ và giải trí.

Từ khi cuốn sách nói trên đã được xuất bản, nhịp sống của con người chỉ tiếp tục gia tăng, nhưng ý thức về phong trào sống chậm cũng gia tăng theo. Ngày nay, du lịch chậm, làm vườn chậm, làm nội trợ chậm, thiết kế chậm, thời trang chậm, cắm hoa chậm, làm cha mẹ chậm, suy nghĩ chậm, đưa tin tức chậm và làm việc chậm là những thí dụ nảy nở hơn nữa của phong trào sống chậm. Ngày càng có nhiều người nhận ra rằng nhanh hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn.

Sống chậm là thái độ mà nhờ đó người ta thực hiện lối sống ý nghĩa và tỉnh giác hơn để phù hợp với những gì mà họ đánh giá cao nhất trong cuộc sống. Điều này có nghĩa là làm mọi việc ở tốc độ đúng. Thay vì tranh thủ làm những việc nhanh hơn, phong trào sống chậm lại tập trung vào việc làm những gì tốt hơn. Thông thường, điều đó có nghĩa là sống chậm lại, làm ít hơn, và ưu tiên việc dành thời gian đúng cho những việc quan trọng nhất đối với con người.

Qua việc sống chậm lại và chủ ý đặt để những giá trị thực sự của con người vào chính lối sống của họ, việc sống chậm khuyến khích con người sống trong sự tự giác và làm những quyết định có ý thức và mục đích vì lợi ích cho cuộc sống hạnh phúc của mình và cho hành tinh này.

Sống chậm không chấp nhận rằng cuộc sống bận rộn có nghĩa là thành công hay quan trọng. Nó muốn nói rằng có mặt ở hiện tại và trong khoảnh khắc. Nó ca ngợi phẩm chất hơn là số lượng, sống có chủ ý và tỉnh giác. Thực hiện suy tư chậm hơn là tắt máy tự động và tạo không gian cho sự phản tỉnh và tự giác. Sống chậm có nghĩa là sống tốt hơn chứ không phải sống nhanh hơn là tốt.
 
Sống chậm khác với sống nhanh như thế nào
 
Sống chậm trên cơ bản khác với lối sống nhanh qua nhiều cách như sau, theo tài liệu từ trang mạng https://prettyslow.life:

Tốc độ của đời sống: Sống chậm ưu tiên tốc độ chậm hơn của đời sống mà qua đó mỗi cá nhân có thời gian để thưởng thức khoảnh khắc hiện tại mà không phải chạy hối hả theo công việc khác. Ngược lại, lối sống tốc độ nhanh được đặc trưng bởi cảm giác liên tục của sự thúc bách và tập trung vào năng suất.

Chánh niệm: Sống chậm xem chánh niệm là quan trọng, bao gồm sự có mặt ngay trong khoảnh khắc hiện tại và chú y tới suy nghĩ, cảm giác, và hoàn cảnh chung quanh con người. Ngược lại, sống nhanh có thể đưa tới cảm giác của sự tách biệt và mất kết nối với khoảnh khắc hiện tiền.

Tiêu thụ: Sống chậm khuyến khích phương cách tỉnh giác hơn đối với sự tiêu thụ, mà qua đó các cá nhân tập trung vào phẩm chất hơn là số lượng và có thời gian để thưởng thức những gì mà họ có thay vì liên tục tìm kiếm nhiều hơn nữa. Ngược lại, sống nhanh thường bị lôi kéo bởi chủ nghĩa tiêu thụ, mà qua đó con người được khuyến khích tiêu thụ nhiều hơn và truy cầu hạnh phúc và thành công nhiều hơn.

Nối kết: Sống chậm nhấn mạnh đến sự quan trọng của nối kết với chính mình và người khác. Điều này có thể bao gồm dành thời gian với những người yêu thương, nối kết với thiên nhiên, và theo đuổi sở thích và đam mê. Ngược lại, sống nhanh có thể đưa tới cảm giác cô đơn và mất nối kết.
 
Những hiểu lầm về sống chậm
 
Có nhiều hiểu lầm thông thường về sống chậm mà có thể dẫn tới sự nhầm lẫn hay hiểu sai. Sau đây là vài thí dụ điển hình:

Sống chậm là lười biếng hay không làm việc: Sống chậm không phải là lười biếng mà đúng ra là chú tâm và chánh niệm vào cách chúng ta sử dụng thời gian của mình. Bằng việc ưu tiên sự tự chăm sóc, nối kết, và làm việc có ý nghĩa, người thực hành sống chậm có thể còn có năng suất và thành công hơn người sống nhanh.

Sống chậm chỉ dành cho những ai sống ở các vùng thôn quê hay thị trấn nhỏ: Trong khi sống chậm chắc chắn có thể dễ thực hành hơn ở nông thôn và thị trấn nhỏ, nhưng nó không chỉ giới hạn ở các môi trường này. Sống chậm có thể được thực hành tại bất cứ đâu, thành phố, ngoại ô, hay miền quê.
Sống chậm có nghĩa là tử bỏ kỹ thuật: Sự thật là sống chậm nhấn mạnh đến việc sử dụng kỹ thuật chú tâm và chánh niệm hơn chứ nó không từ bỏ kỹ thuật hoàn toàn. Sống chậm khuyến khích các cá nhân sử dụng kỹ thuật trong cách làm cho cuộc sống lành mạnh hơn thay vì để cho kỹ thuật kiểm soát cuộc sống của chúng ta.

Sống chậm chỉ dành cho người giàu: Sống chậm có thể được thực hành bởi bất cứ ai, không luận là mức thu nhập bao nhiêu. Trong khi một số khía cạnh của cuộc sống chậm, như thực phẩm nguyên chất hay ăn mặc đồ bền chắc, có thể là đắc tiền hơn, nói cho cùng sống chậm ưu tiên điều quan trọng nhất đối với chúng ta và sống đơn giản hơn là sống quá sung túc.
 
Các lợi ích của sống chậm
 
Thực hành sống chậm có thể có nhiều lợi ích cho cuộc sống lành mạnh về thể chất, tinh thần và cảm xúc của con người. Sau đây là vài thí dụ:

Giảm căng thẳng: Sống chậm có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng. Qua việc dành thời gian sống chậm lại và tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, con người có thể đào luyện cảm giác bình lặng và thư giãn.

Cải thiện sức khỏe tinh thần: Bằng việc nhấn mạnh chánh niệm và tự chăm sóc, sống chậm có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Qua việc chăm sóc bản thân, tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui, và đào luyện ý nghĩa của mục đích, các cá nhân có thể trải nghiệm hạnh phúc, sự hài lòng, và sức khỏe nói chung tốt hơn.

Sức khỏe thể chất tốt hơn: Sống chậm có thể có nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất, như giảm nguy cơ mắc các bệnh kinh niên, cải thiện giấc ngủ, và thúc đẩy thể lực nói chung. Qua việc ưu tiên chăm sóc tự thân, con người có thể tham gia nhiều hơn vào các hành vi khỏe mạnh, như tập thể dục thường xuyên và ăn uống chừng mực.

Có các mối quan hệ mạnh mẽ hơn: Với việc nhấn mạnh sự nối kết và tương tác xã hội, sống chậm sẽ giúp làm mạnh mẽ các mối quan hệ với những người yêu thương và thúc đẩy ý thức cộng đồng. Bằng việc dành thời gian để nối kết với người khác, con người có thể nuôi dưỡng cảm giác thuộc về và ủng hộ.

Gia tăng sự sáng tạo: Sống chậm cũng có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo và sáng kiến, khi con người có nhiều thời gian và không gian tinh thần hơn để khám phá các ý tưởng mới và theo đuổi những đam mê sáng tạo. Qua việc tham gia vào các hoạt động như viết lách, vẽ tranh, hay âm nhạc, con người có thể thể nghiệm cảm giác lớn hơn của sự thành tựu và mục tiêu.
 
Vài điển hình của lối sống chậm
          
Ký giả và nhà văn Holly Williams trong bài viết “A Year of Nothing,” đã nêu ra vấn đề rằng có phải tốc độ sống chậm, chánh niệm là câu giải đáp cho căng thẳng – hay nó chỉ là sự khoe khoan lối sống đặc quyền không thể làm được? Hoặc một cách khác, bà tự hỏi rằng ý tưởng một năm không làm gì hết nghe thế nào? Và bà tự trả lời:

“Không làm việc, không emails, không thăng tiến nghề nghiệp, không phấn đấu hay đạt được hiệu quả gì. Đối với nhiều người trong chúng ta, suy nghĩ như thế có thể đã từng mang đến nỗi lo lắng – chắc chắn rồi, làm việc là thế đứng, kiếm tiền là thành đạt, và bận rộn là tự hào? Nhưng ngày nay, một năm không làm gì hết nghe có vẻ như là nằm mơ, ngay cả ước muốn nữa – những điều này, như họ nói, là sự thay đổi thú vị.”

Rồi bà đã giải thích tiếp rằng những người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ đầu thập niên 1980s tới giữa thập niên 1990s) đang bám chặt quan niệm về #SlowLiving – nhãn hiệu đã được dùng hơn 6 triệu lần trên Instagram. Trong khi đó, Thế hệ Z (1997 tới 2010) đã tiên phong nghỉ việc một cách lặng lẽ và “công việc của những người con gái lười biếng,” nơi mà người ta làm việc tối thiểu để bảo vệ năng lượng cho những việc làm ý nghĩa hơn của đời sống, đó là các sở thích, xã giao, hay tự chăm sóc. Và những người khắp các thế hệ đều đồng lòng muốn làm việc ít hơn: tại Anh Quốc, quan niệm về một tuần làm 4 ngày đang ngày càng được ưa chuộng.

Holly Williams đã kể ra một số trường hợp điển hình nổi bật về sự thu hút của mọi người đối với lối sống chậm. Trước hết là trường hợp của nữ văn sĩ và nhà truyền thông xã hội người Úc Emma Gannon. Trong câu chuyện của Gannon được ghi trong tác phẩm “A Year of Nothing,” nói đến việc bà đã không làm gì hết trong 12 tháng để nghỉ ngơi. Tác phẩm đã nhanh chóng bán sạch khi mới xuất bản vào đầu mùa hè năm 2024 và đã tái bản. Câu chuyện Gannon kể rằng bà đã đau khổ cùng cực vì kiệt sức nên không còn cách nào khác là phải ngừng làm việc trong 12 tháng và bà đã hồi phục nhờ các hoạt động nhẹ nhàng như viết nhật ký, xem truyền hình trẻ em, ngắm chim, và bơi tắm trong nước lạnh. Gannon nói rằng việc nghỉ ngơi, đi bộ ở công viên, đi bơi, và ngắm mây trời thì thật là quan trọng. Bà đã xem đó như là bài học từ sau khi bị kiệt sức, hồi phục, đi vào cuộc sống chậm hơn và thong thả hơn. Bà nói rằng không làm gì là có giá trị đối với sức khỏe của bạn. Dĩ nhiên, không làm gì có nghĩa là không làm gì nặng nhọc và bận rộn trong một thời gian.

Trường hợp khác, trong tác phẩm “How to Do Nothing: Resisting the Attention Economy” của nữ văn sĩ người Mỹ Jenny Odell liên kết não bộ mệt mỏi của con người với cách mà kỹ thuật và truyền thông xã hội săn lùng lợi nhuận sử dụng sự chú ý của con người và làm con người mất tập trung. Bà cổ võ việc kết nối lại sự tỉnh giác đối với thế giới thiên nhiên chung quanh và đối với nội tâm của chính con người. Odell là một thành phần của làn sóng các nhà văn khuyến khích sự phản kháng chống lại mong muốn “hướng tới mục đích” không ngừng nghỉ mà qua đó trong thế giới mà giá trị của con người bị quyết định bởi năng suất của họ.

Còn nữa, thầy dạy yoga Octavia Raheem, trong tác phẩm xuất bản năm 2022 “Pause, Rest, Be,” đã giúp các độc giả vượt qua những thay đổi lớn hay những giai đoạn bất an để sống chậm lại và hướng vào bên trong mình. Thay vì dùng yoga để làm đổ mồ hôi để đăng lên Instagram, bà nhấn mạnh sự thực hành nào có thể nói với người thực tập về sự tự giác, an lạc và định tĩnh.
         
Đối với tác giả Claudia Hammond trong tác phẩm “The Art of Rest” chỉ ra 10 động thái thư giãn nhất trong nghiên cứu toàn cầu, cũng như cho thấy sự quan trọng của việc thư giãn có chủ ý – có thể là tắm hay đọc sách hay ngắm cảnh thiên nhiên. Hammond nói rằng nghỉ ngơi không phải là xa xỉ mà là cần thiết.

Trong khi đó Katherine May thì viết tác phẩm “Wintering” có phụ đề là ‘Sức Mạnh Của Sự Nghỉ Ngơi và Tu Dưỡng Trong Thời Kỳ Khó Khăn’ để khuyên rằng sống chậm lại, sống thong thả, ngủ đủ, nghỉ ngơi được xem là hành động cấp tiến hiện nay, nhưng nó lại là điều cần thiết.
 
Sống chậm là lối sống ngày càng được ưa chuộng
 
Việc áp dụng sống chậm không đòi hỏi phải sửa đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn, thực tế, nó có hiệu quả tốt nhất khi được thực hiện dần dần. Bắt đầu bằng việc xác định các lãnh vực mà bạn cảm thấy quá nhiều và mất nối kết. Có thể nó là thói quen vào buổi sáng, buổi chiều tối ở nhà của bạn hay cách bạn bước vào cuối tuần. Hãy tìm những thay đổi nhỏ mà có thể tạo ra không gian cho sự sống chậm lại và chú tâm, theo ký giả Dan Morris của hãng thông tấn Mỹ AP trong bài viết “Why slow living is the next big lifestyle trend” được đăng hôm 16 tháng 12 năm 2024 trên trang mạng của báo www.seattletimes.com.

Một cách để theo đuổi cuộc sống chậm là bằng cách đơn giản lịch sinh hoạt của bạn. Bắt đầu qua việc nói không với những cam kết không phù hợp với các giá trị và ưu tiên của bạn. Sử dụng thời gian mà bạn có được để làm những điều làm cho bạn vui thích, mà đó có thể là đọc sách, thưởng ngoạn thiên nhiên hay đạp xe với con chó.

Bước khác là thực tập chánh niệm trong tất cả hoạt động mỗi ngày. Dù là lúc bạn đang nấu ăn, lau dọn nhà cửa hay lái xe đi làm, hãy tập trung trọn vẹn vào công việc đang làm. Điều này có thể có nghĩa là không mang theo điện thoại hay chỉ làm chậm lại tốc độ để chú ý đến các chi tiết chung quanh bạn. Mọi lúc, những khoảnh khắc hiện tại nhỏ này có thể tạo nên cuộc sống nhạy cảm và sung mãn hơn.

Sau cùng, hãy xem cách sống chậm có thể định hình môi trường của bạn. Dọn dẹp nhà cửa gọn ghẽ và tạo không gian khuyến khích sự thư giãn và phản tỉnh có thể là cách kỳ diệu để thiết lập lối sống chậm. Nó không phải là sự toàn bích mà là việc tạo ra cuộc sống cảm nhận được chủ đích và ý nghĩa.

Sống chậm không phải là chối bỏ sự tiến bộ hay rút khỏi thế giới. Nó lấy lại kiểm soát đối với cách chúng ta sử dụng thời gian và năng lượng. Trong việc chọn lựa lối sống chậm lại, chúng ta tạo không gian cho những việc quan trọng nhất, như các mối quan hệ ý nghĩa, sự sáng tạo và vui thích cuộc sống trong từng khoảnh khắc.

Khi ngày càng có nhiều người khám phá ra các lợi ích của việc sống có chủ đích, phong trào sống chậm đang phát triển. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải chạy theo tốc độ của thế giới chung quanh mình. Thay vì vậy, chúng ta có thể chọn tốc độ mà mình cảm thấy đúng, tốc độ cho phép chúng ta thưởng thức sự phong phú và sâu thẳm của cuộc sống. Sống chậm mời gọi chúng ta dừng lại sự vội vã và bắt đầu sống, theo Dan Morris.
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sự sống trên Trái Đất tuy phức tạp nhưng lại được hình thành từ một số ít thành phần cơ bản. Chẳng hạn, DNA và RNA của chúng ta chỉ được cấu tạo thành từ năm nucleobase, trong khi khoảng 90.000 loại protein khác nhau trong cơ thể đều được tạo nên từ 20 loại axit amin. Mẫu vật mà tàu vũ trụ OSIRIS-REx đem về trái đất từ tiểu hành tinh Bennu cho thấy sự hiện diện của cả 5 loại nucleobase – adenine, guanine, cytosine, thymine và uracil, cùng với các chất khoáng chưa từng thấy trước đây trong đá ngoài vũ trụ. Kết quả nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, còn cho thấy Bennu chứa nhiều loại muối khác nhau, vốn được cho là có vai trò quan trọng trong giai đoạn sơ khai của sự sống.
Dopamine, thường được mệnh danh là “hormone hạnh phúc,” từ lâu đã được xem như nguồn cơn của những cảm xúc vui vẻ, phấn khởi sau những lần mua sắm thỏa thích hay thưởng thức một tô phở ngon lành. Sự quan tâm đối với dopamine được thể hiện rõ ràng qua hàng ngàn clip trên TikTok, mọi người chia sẻ cách điều chỉnh dopamine, từ việc tìm cách tăng cường hoặc hạn chế dopamine hàng ngày, cho đến các khái niệm như “cao trào dopamine” (dopamine rushes), “thiếu hụt dopamine” (dopamine withdrawals), “cai dopamine” (dopamine fasts), hay “tái thiết lập dopamine” (dopamine resets).
Với lượng thông tin khổng lồ trong tầm tay, ngày nay chúng ta thường có xu hướng đọc lướt để tiếp nhận nội dung nhanh chóng. Nhưng các chuyên gia nghĩ gì về thói quen đọc này—và liệu bạn có nên thay đổi cách đọc của mình?
Tại sao không thử làm theo những cách mà khoa học ủng hộ này để đem lại hạnh phúc nhiều hơn trong đời bạn? Một vài người sinh ra hạnh phúc hơn những người khác. Nhưng cho dù bạn thuộc loại người ca hát yêu đời trong lúc tắm và nhảy múa trong mưa, hay là loại người có khuynh hướng khắc khổ hơn, thì hạnh phúc không chỉ là điều gì đó xảy ra đối với chúng ta. Tất cả chúng ta có thể thay đổi tập quán để theo đuổi nó nhiều hơn trong cuộc sống của mình.
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ là một trong những vị trí quan trọng nhất trong nhánh hành pháp liên bang, với vai trò đứng đầu Bộ Tư pháp (DOJ) và chịu trách nhiệm thực thi pháp luật. Nhưng công việc cụ thể của bộ trưởng tư pháp là gì?
Cháy rừng khiến khói lửa bao trùm bầu trời Los Angeles trong khi lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa. Những trận hỏa hoạn kinh hoàng đã càn quét qua khu vực, thiêu rụi hơn 10,000 công trình, phần lớn là nhà dân, biến nhiều khu vực như Pacific Palisades, Altadena, Pasadena và các cộng đồng khác ở California chỉ còn lại hoang tàn. Khi lệnh sơ tán được gỡ bỏ và người dân bắt đầu trở về nhà, một mối nguy hiểm khác đang rình rập và đe dọa mọi người: ô nhiễm nguồn nước uống. Điều đáng lo ngại là nhiều người không nhận ra rằng hệ thống cung cấp nước uống có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi cháy rừng cùng nguy cơ các hóa chất độc hại có thể xâm nhập vào nguồn nước.
Số người đọc sách để cho vui có vẻ đã và đang sút giảm dần. Năm mươi phần trăm (50%) người lớn tuổi tại Anh Quốc nói rằng họ không đọc sách thường xuyên (tăng 42% từ năm 2015) và hầu hết mọi người ở lớp tuổi từ 16 đến 24 nói rằng họ chưa bao giờ đọc sách, theo nghiên cứu của The Reading Agency cho biết. Nhưng điều đó ngụ ý gì? Sự ưa thích của con người đối với việc xem video thay vì đọc văn bản có ảnh hưởng tới não bộ hay sự tiến hóa của chúng ta không? Những người đọc sách giỏi thực sự có cấu trúc não bộ gì? Nghiên cứu mới của Mikael Roll, một giáo sư âm vị học của Đại Học Lund University, Thụy Điển, được in trong tạp chí Neuroimage, đã tìm ra câu trả lời cho những điều đó.
Sắp tới, có thể nhiều quý độc giả sẽ phải thực hiện nhiệm vụ thường niên: nộp hồ sơ khai thuế cho năm trước đó. Đối với một số người, đây là việc đơn giản và dễ dàng. Nhưng với một số khác, quá trình này lại là một việc khó, đầy áp lực và căng thẳng. Đặc biệt, luật thuế năm 2025 đã có một số thay đổi đáng chú ý, có thể ảnh hưởng đến khoản hoàn thuế, và sẽ khiến nhiều người đau đầu hơn trước. Sau đây là một số điều cần biết để chuẩn bị sẵn sàng cho mùa khai thuế năm 2025.
Bước sang năm mới, tiểu bang California có hơn 1,000 điều luật mới bắt đầu có hiệu lực vào ngày đầu năm. Đây là số dự luật được thông qua và phê chuẩn bởi thống đốc tiểu bang trong số khoảng 5,000 điều luật được đệ trình và 200 dự luật bị bác bỏ bởi văn phòng thống đốc. Con số luật mới này chỉ là ở tiểu bang California. Tất cả 50 tiểu bang trên toàn nước Mỹ cũng có luật mới, nhưng với số lượng ít hơn. Đó là chưa kể đến các điều luật mới của chính phủ liên bang và các cấp địa phương như quận hạt, thành phố thông qua và áp dụng tại mỗi địa phuong liên hệ. Đây chỉ là thay đổi một năm, khi hầu hết mọi nơi đều có luật mới hay thay đổi luật mỗi năm. Đó là căn bản và nền tảng xã hội pháp trị tại Hoa Kỳ.
Phúc lợi thuốc của Medicare, được biết như là Part D, sẽ chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong năm tới như một phần thúc đẩy rộng lớn hơn để giúp trên 50 triệu người Mỹ đã ghi danh vào chương trình quản trị chi phí thuốc men. Đó là kết quả của Đạo Luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act – IRA) năm 2022 của chính phủ Biden, trong đó trao thẩm quyền mới cho chính phủ để trực tiếp thương lượng giá cả của một số thuốc với các công ty dược phẩm. Luật này cũng bao gồm 2 thay đổi lớn khác sẽ có hiệu lực vào năm tới: Lựa chọn để làm dễ chịu các chi phí cùng trả (co-payments) đối với các loại thuốc trên cơ bản hàng tháng và giới hạn mức $2,000 cho việc trả tiền out-of-pocket (tiền túi tự trả) cho tất cả những người ghi danh vào Part D.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.