Hai mươi ba triệu năm
Hai mươi ba triệu năm trước, nhiều ngọn núi lửa nổ ra. Tan chảy. Lan đi. Giờ còn lại những vách nham thạch ngất trời, chỗ rêu xanh, nơi rực đỏ. Giữa những hang gấu và hồ trong. Từ động dơi qua rừng thông, suối đổ. Ở nơi gọi là Pinnacles National Park, gần thành phố Soledad, tiểu bang California.
Đường đi vào Pinnacles xuyên qua những ngọn đồi thoai thoải, mịn như nhung, ngút tầm mắt. Xanh mơ mòng. Chỉ có mây trời choàng cổ núi. Chỉ có những cây sồi con thấp thoáng chơi cút bắt, chơi trốn tìm, lốm đốm vàng loe. Đồi không. Rừng trống. Thi thoảng mới có những nông trại xa khuất chân đồi, như những tháp canh trung thành, trông coi không gian trải rộng này. Với những đàn bò nâu, bò đen cần mẫn nhai cỏ, gánh cả bầu trời đông giá trên vai. Chỉ có những vườn cây thẳng tắp, vụt ngang tầm mắt, trơ trụi. Và những vườn nho, khẳng khiu, dài đuỗn, âm thầm sống qua mùa đông để sang năm kết quả, tươm rượu. Và những con diều hâu đậu trên cột điện dọc đường, đánh dấu lãnh thổ. Có khi cách khoảng vài chục cột điện, có khi liên tiếp trên hai cột điện kế nhau. Và con magpie, loài chim quý hiếm, thấp thoáng vẽ hai màu đen trắng khắp trời. Giữa những hoang phế của hôm qua. Những cánh quạt gió thì thầm khúc hát ngàn năm. Những cỗ máy làm nông đã lỡ thì, nằm trơ với tuế nguyệt. Những ông khổng lồ bằng sắt vụng về lỡ để vuột mất thời gian.
Người ta nói, núi đá ở Pinnacles khác biệt, không giống với vùng đồi núi lân cận. Bởi vì, chúng đã được đẩy đi 200 dặm trong cơn địa chấn. Như những cơn địa chấn ở cõi người, cũng đẩy người ta đi khỏi chốn xưa mấy trăm ngàn dặm. Cơn địa chấn 30-4-1975. Đẩy miền Nam đi xa tới hơn 13 ngàn km tới California, hay tới những nơi khác, xa hơn nữa. Những ngọn núi đá từ cơn địa chấn Tháng-Tư-Đen đó, ở những nơi gọi là “Little Saigon” dù có tên gọi chính thức hay ẩn danh, đều có màu sắc không giống với đồi núi địa phương. Và từ những vùng đất Da Vàng này, lại nảy ra những cơn địa chấn riêng, đẩy lên những tháp núi rực rỡ mới, bật lên những sắc màu và đưa ra những đỉnh cao mới cho miền đất Việt ngoại biên. Như đại hội “Triển Lãm và Hội Thảo 80 Năm Tự Lực Văn Đoàn” năm 2013 tại Nhật báo Người Việt. Như chương trình “Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam” tại Little Saigon năm 2014. Như chương trình “20 Năm Gió O Nắn Net” năm 2021 tại Đại học UC Berkeley. Và nhiều nữa!
Ngày Gió O kỷ niệm “20 Năm Nắn Net," mà tôi xin gọi tắt là ngày “Dó Net” để vẽ một cái gạch nối với ngày “15 năm Dó Oi” tại Hội quán Lạc Cầm 5 năm trước. Trong ngày Dó Net, vô số tấm lòng hảo tâm đã góp công góp sức bằng mọi cách. Có rất nhiều những bàn tay và trái tim đã vun vén cho bàn tiệc 20 Năm Gió O thật mỹ mãn. Những món ăn chơi ngon hơn ăn thiệt, từ gỏi cuốn, nem chua (của Cô Mộng Huyền từ Quận Cam gởi lên!), xôi mặn, chè chuối, chè đậu ván, v.v. Những mâm cỗ tinh thần thịnh soạn, từ diễn ngôn, diễn thơ, diễn nhạc, diễn kịch, diễn tranh. Và bàn tiệc ấy được dọn cho tất cả những ai có thể đến tham dự. Hoàn toàn miễn phí, ngay giữa mùa đại dịch, con Omicron tấn công kịch liệt. Tấm lòng của Gió lồng lộng. Thổi ngót 20 năm. Càng thổi càng say. Càng thổi càng trụ.
Gió trụ trong Rùa. Rùa cõng Chữ. Chữ mang Gió. Rùa là một trong tứ linh: long, lân, quy, phụng, tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh, trí tuệ phi thường trong văn hoá Á đông. Trong bộ tứ này, tôi vẫn 'thiên vị' Rùa nhất. Hay tôi thích Rùa vì Rùa thường xuất hiện trong văn hóa dân gian Việt Nam, nên tôi thấy Rùa vẫn gần gũi hơn so với tam linh kia chăng? Trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, đã có Thần Kim Quy trao nỏ thần cho An Dương Vương để bảo vệ bờ cõi, có Rùa Vàng trong sự tích Hồ Hoàn Kiếm giúp Lê Lợi chống giặc Minh. Và hôm nay, ở hải ngoại, chúng ta có Cô Rùa Nguyễn Vũ Khuyên, mang gươm chữ nghĩa để cùng Gió O giữ gìn bờ cõi tiếng Việt ở quê người. Rùa là biểu tượng của thanh cao, thoát tục, phong thái, tài năng. Rùa đội bia là hình ảnh nói lên truyền thống hiếu học, như Vua Lê Thánh Tông đã cho dựng lên ở văn miếu Quốc Tử Giám. Trong văn hoá phương Tây, truyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa cũng cho thấy, Rùa có những đức tính đưa đến thành công, như sự kiên nhẫn và bền bỉ. Rùa lại sống thọ nữa. Và Rùa cũng rất ư là đẹp! Nên 20 năm trước, tôi có vẽ Rùa chơi, lúc tập tành vô lớp họa tại Cal State Fullerton. Vẽ theo hình rùa từ Cayman Island mà hai cô bạn từ đảo này tặng cho tôi lúc gặp nhau trong đại hội American Archivists tại Los Angeles. Năm ngoái, tôi lại ‘tạc’ một chú rùa con bằng nhựa với viết 3D, trong lần đầu tập dùng viết này.
Rùa-Nâu. Acrylic. 2003.
Rùa-Con. 3D Pen. 2021.
Trong các nỗ lực bảo vệ môi trường hiện nay, người ta cũng quan tâm đặc biệt đến sự tồn vong của Rùa. Nên bây giờ tôi lại càng mê Rùa. Chắc từ giờ trở đi, hễ thích ai là tôi sẽ kêu người đó hai chữ “Rùa ơi!” Không biết bao nhiêu người nghe xong sẽ chạy… thụt lùi đây? Vậy cũng dễ cho tôi. Ai thụt lùi thì tôi sẽ không gọi là Rùa nữa. Ai chạy tới thì sẽ được gọi Rùa mãn kiếp! Mà sao lại thích Rùa nhỉ? Sắp năm bó. Đã sáu lần qua cửa tử. Sức khoẻ cũng vào thu. Chắc tại vậy nên tôi thích chầm chậm, từ từ chăng? Đã không còn cái sức bẻ gãy sừng trâu nữa, nhưng vẫn hừng hực cái nhiệt huyết ngất trời hồi hăm mấy, ba mươi, chỉ có khác là giờ đã tập nhìn biết đen trắng, đục trong. Biết, để vẫn bình tâm. Vẫn kiên trì. Vẫn theo đuổi con đường ba mươi năm nay. Những tưởng khi sức khoẻ tiêu hao, thì thời gian chảy xệ, công việc đình trệ, những giấc mơ mất sức phòng vệ, phải buông xuôi theo những hạch sách của trách nhiệm đời thường. Nhưng những giấc mơ vẫn ấm áp mỗi phút lắng lòng, mỗi khi trở mình giữa đêm lặng. Nên tôi vẫn cứ phun trào.
Từ những cách nhỏ nhất có thể. Mẹ bốn con (một trong số ấy đã định cư vĩnh viễn trong tim tôi), nên eo hẹp thời gian, ít ỏi sức lực. Có nhiều việc nghĩ thông đã ba bốn tháng, tới giờ chót mới tranh thủ làm được. Như ba chữ “trụ, thở, đi" cho phần nói chuyện của tôi trong ngày “Dó Net.” Chỉ còn một ngày nữa mà vẫn chưa vẽ được. Khuya 2 giờ sáng, tôi dậy soạn khung, cọ, màu, cất vô xe. Sáng đó, tôi sẽ làm tài xế xe đò nhà, chở chồng con lên miền Bắc. Đã phác họa ba chữ này nhiều lần trong sổ tay, và cũng thử đi thử lại nhiều cách khác nhau. Con số dẫn dắt ý tưởng. Dùng con số 20 làm nền cho ba chữ “trụ, thở, đi,” tôi mới nghiệm ra, 20 lần 3 là 60. 20 năm Gió O là 60 năm cuộc đời. Tôi thích ‘two-tone,’ vẽ hai màu. Chở chồng con đi từ Quận Cam cả ngày thì tới Berkeley. Lo cho bốn chàng ăn ngủ xong thì tôi cũng chóng mặt vì đi đường xa. Trời lạnh phong sương. Không còn sức để vẽ. Sáng mai vậy!
Sáng ngủ dậy. Trưa đó là vô chương trình, nên không vẽ ngay thì không kịp. Lo ăn sáng xong, tôi kêu chồng dắt con ra công viên chơi. Tôi dọn khung vẽ, màu, và cọ ra. Vẽ ba con số 20 trước. Cái con số không “0,” khi là dấu nặng, lúc là chữ o, lúc là một phần của chữ ‘i.’ Cái số không đó lăn với thời gian, như Gió lăn dài theo “20 Năm Nắn Net.” Vẽ xong ba chữ “Trụ/20, Thở/20, Đi/20,” tôi dựng khung gần mấy cái lò sưởi để hong khô. Có chỗ màu chảy xuống. Tôi lấy sơn hơi mạnh tay đây. Kệ. Tôi cũng để tự nhiên. Nếu là hồi trước, còn độc thân khó tính, thì chắc đã vẽ mấy chục lần mới ưng. Cái tật cầu toàn. Nhưng giờ, làm hết sức mình là đủ rồi – để dưỡng sức (già) mà sống (nuôi con) nữa. Trong sáu lần qua cửa tử, và nhiều đợt nằm liệt giường trong những năm gần đây, tôi chấp nhận, trong cuộc sống, cứ nhẹ nhàng và sống hết mình là đủ rồi. Thật ra, tôi cũng muốn vẽ lại chữ “đi/20,” vì nét nửa vòng cung trên chữ “đ” bị lệch tay. Còn dấu hỏi trên chữ “thở/20” thì màu loang đi. Nhưng đem 'xây-cua' thêm hai cái khung trắng nữa, mà đã hết giờ và cạn sức rồi! Dĩ nhiên là không vừa lòng. Nhưng chịu thôi! Khi tới Chavez Center, nơi tổ chức ngày “Dó Net,” tôi còn phải mượn cái wipe-out của Ban Tổ Chức để xóa chỗ màu loang trên dấu hỏi của chữ “Thở” nữa!
Trong cả chương trình phong phú đặc sắc ngày Dó Net, phần của tôi chỉ có 10 phút, mà tôi còn có công có chuyện như vậy. Cứ nghĩ đến những người đảm đang từ đầu đến cuối trong Ban Tổ Chức, những người gánh vác âm thanh, phụ trách ẩm thực, thiết kế triển lãm, chuẩn bị phòng ốc, chụp ảnh, quay phim, thì mới biết, chỉ một ngày vui, mà chắc chắn mọi người phải lo nhiều biết chừng nào, lo cho tới giây phút cuối, và sau ngày hôm đó, vẫn còn chuyện để lo tiếp.
Vách sương mù
Đêm đầu chúng tôi đến Pinnacles, trời đã mưa. Mưa cả tuần. Mưa lộp độp liên hồi trên nóc lều. Gió thốc. Lạnh băng băng. Tháng Chạp 2021. California bỗng dưng được thêm nhiều trận mưa và tuyết bất ngờ, từ 18% lên đến 98%. Nhiều nơi không dưng được phủ tuyết, đón “white Christmas" trong ngạc nhiên và chắc cũng không ít bất tiện vì thiếu chuẩn bị. Nhiều thành phố trong thung lũng phải di tản vì lũ. Nhưng chắc chắn đợt mưa lạnh và tuyết dày này sẽ giúp cứu giải phần nào cơn hạn hán triền miên của California.
Lâm sơn viên Pinnacles là một nơi hùng vĩ, thơ mộng, và vắng vẻ. Nó không có cái kiều diễm, hùng tráng, và đa dạng của Yosemite, nên ít được chiếu cố. Nhưng ở đây, các loài thú hoang sống một cách hồn nhiên và rất gần với con người. Từng bầy gà tây dạn dĩ, lang thang mổ thức ăn quanh những cái lều, những chiếc RV, không sợ người hay ngại xe. Rồi chúng rủ nhau lên đồi, xòe đuôi tìm bạn cho mùa sinh nở. Một bầy chim cút, loài chim đặc trưng của tiểu bang California, rủ nhau đi ăn. Chim cút ít bay, nhưng đi nhanh như chạy, hai chân thoăn thoắt đưa thoi, như thể chúng chỉ cần giương chân ra rồi cả thân mình cứ lướt đi trong không khí vậy. Nai đi từng bầy, lững thững nhai, nhởn nhơ nhìn.
Mưa. Mưa kể chuyện trong đêm. Mưa cài ngọc lên cành lá. Mặt trời lên. Cầu vồng đội nón, đứng ngắm ngọc-nước-trong lấp lánh kim cương trên chồi non nhú giữa mùa đông. Cây sồi già quên tuổi, xoè tay, thả lá vàng xuống mặt đất ướt nhũng xung quanh. Núi tìm sương, dụi đầu vào vùng hư ảo. Nham thạch trào. Đông lạnh. Vách đá trơ gan. Tựa lưng vào trời xanh thênh thang. Giữa những vách sương mù. Hao hao bóng hình Đà Lạt.
Hồn thu thảo
Ở nơi vắng lặng, nằm nghe mưa rơi, tôi nghĩ về tiền đồ văn hóa Việt hải ngoại. Thử nghĩ, những thế hệ di dân đầu tiên đã gầy dựng lên những kho tàng văn học nghệ thuật đồ sộ. Vậy chúng ta cần phải làm gì để giữ “tài sản tinh thần" này cho những thế hệ tiếp nối? Có sách hay mà con cái mù chữ thì cũng bằng thừa. Có của quý mà con cháu không biết nó quý làm sao thì cũng vô ích. Vô tri bất mộ. Công việc của chúng ta không chỉ là sáng tác, mà còn giúp tạo nên môi trường sáng tác tiếng Việt cho những thế hệ tương lai. Cho nên, đào tạo những thế hệ sáng tác tại hải ngoại là công việc cần kíp hơn bao giờ hết. Gần ba chục năm trước, khi tôi bắt đầu dạy Việt ngữ lần đầu ở tuổi mười mí, tôi cảm nghiệm rõ ràng rằng, tôi sinh trưởng ở Việt Nam, rành tiếng Việt, các em sinh trưởng ở Mỹ, cần học tiếng Việt. Tâm tình quê hương của tôi khác hẳn với các em. Nên việc tạo nhịp cầu thông cảm với các em là điều cần thiết hơn cả, để từ đó, tôi mới chia sẻ được cái đẹp từ văn hóa Mẹ với những thế hệ ngoại biên. Năm 2015, khi tôi viết 50 quyển sách tập đọc cho chương trình giáo dục Việt-Anh song ngữ (Dual Immersion), tôi ý thức rõ ràng rằng bối cảnh trong sách của tôi phải là hoàn cảnh sống ở hải ngoại.
Cho nên tất cả những ai còn thao thức với tiếng Việt sẽ cần đặt cho mình một câu hỏi: Tôi sẽ làm gì cho tiếng Việt hải ngoại trong chặng đường kế tiếp? Thiết nghĩ, cần có một khái niệm và ý thức về “công quả văn hóa.” Tại sao? Làm công quả là việc không chỉ ở chùa. Người ta có thể làm công quả tại gia, và có thể làm công quả trong nhiều lãnh vực, chứ không chỉ trong việc từ thiện. Như công quả văn hoá, công quả âm nhạc. Để đưa hoa thơm trái ngọt nuôi dưỡng tinh thần, khối óc, con tim. Vẫn biết có những cây thông xanh luôn reo giữa trời. Như Bác Tám, người dọn đêm nhạc thính phòng trên đồi thi nhân ở San Jose một chiều cuối tháng Chạp, để giọng Thu Vàng đưa âm điệu Cung Tiến, Phạm Duy về gần. Xin cảm ơn Bác Tám đã “làm công quả âm nhạc,” cho gia đình tôi được hưởng ké vành nôi văn hóa Việt của Bắc California. Một sự nối dài từ những lần các con tôi được nghe cố danh ca Quỳnh Giao hát, được xem nghệ sĩ Ngọc Bầy diễn hát bộ, vv do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA tổ chức tại Quận Cam, lúc các con tôi còn được bế trên tay. Xin cảm ơn thế hệ thuyền nhân tiếp tục giữ gìn vành nôi văn hóa cho cháu con. Bác Tám có nói, “Hihi...mầng là vì mấy đứa còn thưởng thức được mấy món ăn cũ của mấy bác...nhưng sắp nhỏ chắc sẽ vui hơn nếu trời không lạnh để tụi nó chạy chơi ngoài sân...” Nhưng mà, Bác Tám ơi, món ngon thì không bao giờ cũ, nhất là những món cần thiết cho cả một dân tộc.
Hồi trước, mỗi lần có các chương trình văn học nghệ thuật ở Quận Cam, tôi hay mua vé đưa các em học sinh sinh viên đi dự. Lần nghe cô Quỳnh Giao hát, một em nói, đã được mẹ cho nghe bài này từ nhỏ. Nghe vậy, cô Quỳnh Giao đã nói một câu rất thắm thía, "Bây giờ, Cô hát là hát cho thế hệ của các cháu." Hôm nay, cô Quỳnh Giao đã là người thiên cổ, nhưng giọng của cô vẫn hát cho nhiều thế hệ nghe. Một sự tiếp nối vô tận khi kỹ thuật số cho phép chúng ta giữ lại hình ảnh, âm thanh một cách trọn hảo, dù dĩ nhiên, được nghe chính ca sĩ bằng da bằng thịt hát thì vẫn hơn. Công việc trao truyền văn hóa ở hải ngoại nhiều khi như chuyện dựng nhà ở giữa sương mù. Không biết đến đâu. Như việc sáng tác bằng tiếng Việt. Trong gần ba chục năm qua, nhiều hội sinh viên cũng gõ cửa, nhờ tôi kèm viết tiếng Việt, kêu tôi góp bài cho các tờ báo, như tờ Gạch Nối (USA), Ngàn Thông (Canada), Nhân Bản (Paris), vân vân. Nhiều học sinh ở Quận Cam cũng nói, “Cô ơi, cô dạy con viết tiếng Việt. Con muốn trở thành nhà văn.” Tôi cũng dành thời gian, cũng kèm, cũng chỉ, cũng hy vọng, cũng kỳ vọng. Tôi mua sách vở tặng cho các em. Các em hẹn gặp, tôi ừ. Tôi giới thiệu các em vào các chương trình tu nghiệp liên quan đến văn hóa ngôn ngữ Việt, chỉ cho các em những công việc cần tiếng Việt để các em có thêm thu nhập. Tôi mua những nhạc phẩm của các nghệ sĩ độc lập và ấn phẩm mới, mua số nhiều, để hỗ trợ cho những công việc sáng tác và để làm quà cho bạn bè. Có lần, tặng xong mới biết, một người bạn của tôi là em họ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. Tặng sách mới biết họ hàng là vậy. Nhưng tôi kèm các em đến một lúc, thì các em cũng rẽ vào những ngành học khác, để chọn con đường kinh tế ổn định cần thiết cho gia đình. Có hụt hẫng, nhưng tôi vẫn tự an ủi mình là các em đã dành một thời gian thật đẹp của tuổi mới lớn cho tiếng Việt, đã từng có một giấc mơ dành cuộc đời mình cho tiếng Việt. Chuyện ưu tiên sinh kế là điều không thể tránh khỏi. Và việc cầm bút bằng tiếng Việt tại hải ngoại vẫn chưa là một công việc khả dĩ. Nhưng những hạt mầm này rồi một ngày nào đó sẽ nảy nở theo duyên, theo nghiệp của chúng. Tôi mong như vậy! Để lúc đó, khi sương tan, người ta sẽ thấy những vách núi chọc trời, rực rỡ mới của ngôn ngữ Việt.
Khi nghĩ đến sự tiếp nối trong quá trình sáng tạo xuyên thế hệ, tôi có một cảm hứng bất ngờ cuối năm 2021 khi gặp hậu duệ của Họa sĩ Đinh Cường, thứ nam của ông, là họa sĩ, thi sĩ Đinh Trường Chinh. Điều bất ngờ nhất, là khi tôi nhìn tranh của thi sĩ Đinh Trường Chinh, tôi cứ thấy bóng dáng trường phái Đinh Cường. Có những bức tranh, phải ký là của “Đinh-Cường Chinh” thì… mới “đủ" tên (hai) tác giả. Bởi vì, nhìn những bức tranh ký tên ‘đtc' tôi vẫn thấy dấn ấn rất mượt mà của Đinh Cường. Thật tuyệt vời! Vì điều đó cho thấy sự nối tiếp rất mỹ mãn của hai thế hệ hoạ sĩ trong một gia đình. Tôi chào đời lúc Ba tôi đã bị bắt đi cải tạo. Tôi không biết Ba là ai, nhưng ai tới nhà chơi cũng kêu lên, “Trời ơi! Nó giống Ba như đúc!” Ba tôi là nam. Tôi là nữ. Giống như đúc, nhưng vẫn có ngàn thứ khác nhau. Hình hài giống là chuyện di truyền, dễ thấy, dễ nhận. Còn di truyền nghệ thuật như hai cha con nhà họ Đinh thì… cũng rất dễ thấy, nhưng cha vẫn là cha, con vẫn là con. Cùng đi từ một cõi màu, cõi thức, nên bản sắc Đinh-Cường vẫn đậm nét trên thế hệ tiếp nối của ông, như một nền tảng vững vàng để Đinh-Cường Chinh xây dựng chính không gian Tranh-Thơ của mình.
Văn thơ thì nhiều khi khó “nhìn" ra được sự giống nhau giữa cha và con, nhưng hội hoạ thì dễ thấy hơn, nhất là khi con lại “trích dẫn" những tác phẩm của cha trong chính sáng tác mới của mình. Tác phẩm sơn dầu “Thiếu Nữ trong Tranh Đinh Cường và mùa thu," tháng 11, 2016, của hoạ sĩ Đinh-Cường Chinh là một thí dụ. Tôi đặc biệt thích tác phẩm này vì có một lần, tôi cũng trích dẫn hình ảnh thiếu nữ trong tranh Đinh Cường trong bài “nét cọ Xuân: những đoá màu từ vũng tối." Bài được đăng trong Giai Phẩm Xuân 2012 trên Tuần Báo Trẻ, Diễn Đàn Thế Kỷ, Nguyệt san Hiệp Nhất, Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân; và trên Người Việt Xuân 2014, Sáng Tạo, vv (https://sangtao.org/2012/02/06/net-co-xuan-nhung-doa-mau-tu-vung-toi/). Tôi đã trích dẫn tác phẩm “Thiếu Nữ Trong Thành Nội” trong đoạn kết:
Thiếu nữ trong tranh Đinh Cường và mùa thu
(Sơn dầu đinh trường chinh • tháng 11.2016)
“Ở Hoa Kỳ, các họa sĩ trẻ lại có thêm cái sự tự do để sáng tác, sự kích thích trong một vũ quan rộng, sự thúc bách để đi tìm cái riêng trong sáng tạo cho mình. Cái nghịch lý mà tôi nêu ra ở đầu bài không áp dụng cho tất cả mọi họa sĩ, nhưng vẫn đến từ một thực tế bán phần. Có nhiều họa sĩ thuộc thế hệ tôi sáng tác một cách độc lập với quá khứ, và cũng có nhiều họa sĩ trong thời chiến cũng sáng tác về chiến tranh. Nhưng có lẽ sự tự kỷ ám thị của tôi đã khiến tôi thấy rằng, chính thế hệ chúng tôi, cho dù không trực tiếp vá víu chiến tranh, cũng bằng nhiều cách mặc nó trên người. Nên chúng tôi cũng phải rùng mình, bưng mặt, phải đau đáu chia ly – bằng trực cảm, thay vì bằng chính thân xác mình. Để có ngày xuôi thuyền về bến êm đềm.
Và giữa những dập dềnh ký ức, giữa tân toan lịch sử, giữa bấu víu trước/sau, tôi chợt nhận ra mình mơ về cái vùng sáng thật mềm trong những bức tranh thiếu nữ của Đinh Cường.”
Tôi thích thiếu nữ trong tranh Đinh Cường. Hoạ sĩ đã khoác lên khuôn mặt họ, hình hài họ, chân dung họ một nguồn năng lượng sáng. Sáng mềm. Tôi thấy, cái vùng sáng ấy cũng hiện diện, trong một góc nhìn khác, trong sáng tác của Đinh-Cường Chinh. Con nhà nòi. Được học từ trong nôi, từ trong mỗi nhịp thở, trong mỗi suy tư, trong cách ăn cách ở. Hoạ sĩ bố Đinh Cường như cây cổ thụ. Tài họa, tài hoa không truyền thì con vẫn nối. Mà không thể không truyền vì sống và thở chung một huyết mạch. Tôi cảm động nhất là khi biết về hoàn cảnh sáng tác bài thơ cuối của Họa sĩ Đinh Cường, một câu chuyện cho tôi những cảm nhận thật ấm áp về tình cha con. Thời gian đó, tôi cũng thấy thơ của ông xuất hiện thường xuyên trên Sáng Tạo, nên rất ngưỡng mộ sức sáng tác của ông, dù tôi không biết về bệnh tình của ông cho đến khi đọc phỏng vấn với Họa sĩ Đinh Trường Chinh gần đây (https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/dinh-truong-chinh-phut-trai-long-voi-hoi-hoa-tho-ca/amp).
Mùa hè 2011, lúc Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng dọn nhà từ Milpitas, đã tặng cho tôi mấy thùng sách. Tôi đọc, và gặp cây bút Đinh Cường. Thiền tri ngộ. Tôi thắc mắc, sao trời cho ông họa sĩ này nhiều tài quá! Vẽ đẹp, mà viết cũng đẹp nữa! Nhưng tôi thật sự trân quý những bài thơ của ông khi biết, bài thơ cuối cùng được ông đọc đến mấy lượt hơi, và được thứ nam “đtc" ghi lại, thêm một chữ, gởi đi. Sáng tạo đến hơi thở cuối cùng. Có phải đây là nét đẹp nhất từ cõi Đinh Cường? Cho nên, giữa cõi đời tạm bợ, hãy cứ phun trào sáng tạo. Hãy để núi lửa chảy lan. Lửa đam mê, lửa sáng tạo. Cứ để nó bùng, nó cháy, nó thở. Rồi nham thạch đông lại thành vách đỏ ngất trời. Cho ngàn sau chiêm ngắm. Phun cho tới hơi thở cuối cùng. Không còn sức để vẽ thì viết. Không còn sức để viết thì đọc cho con chép. Như hoạ sĩ Đinh Cường. Trên giường bệnh, “Nhìn Kệ Sách.” Đọc cho con viết. Ngủ. Mơ. Đọc tiếp. Và đi vào mênh mông.
Xuân Thới Lai
Mồng sáu Tết. Sáng, tôi cộ chồng con từ Anaheim đi xuống phố biển, đón Xuân Nhâm Dần ở Casa Romantica, thuộc thành phố San Clemente. Tới nơi, thì thấy xe cộ đông nghẹt, xe ra xe vào tấp nập, nhưng đã hết chỗ đậu xe. Ngó vào bên trong, tôi thấy nhiều người đang xếp hàng dài rồng rắn. Trong suốt nhiều năm đến dự sinh hoạt tại vườn hoa và trung tâm văn hoá này, đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy có đông người như vầy.
Thời tiết hôm đó ấm áp hơn so với mấy tuần trước, khoảng 73 độ F. Gia đình tôi xếp hàng một lúc thì cũng được vào cửa. Các con tôi cứ ngóng tìm người mặc áo dài, vì đã quen những sinh hoạt ngày Tết ở Quận Cam, đi đâu cũng thấy người ta mặc áo dài. Đồng hương Việt Nam đến tham dự rất đông, ai cũng nói đọc báo nên biết mà đến dự. Nhưng trong số khách tham dự, có rất nhiều người thuộc các sắc tộc khác, không phải là người Việt. Cô Katie Kilbane, người phụ trách chương trình (Programs Manager), nói chỉ trong 13 phút đã tặng hết 100 bao lì xì! Cô ấy rất phấn chấn và bất ngờ vì có đông người đến tham dự ngoài mong đợi. Tôi kể cho cô Katie nghe về một số sinh hoạt thiếu nhi tôi từng tổ chức ở làng văn hoá trong các hội chợ Tết cộng đồng, như thi vẽ tranh cho trẻ em, thi thả thơ, vân vân, và cô ấy muốn năm tới sẽ có thêm những sinh hoạt này. Đây là lần đầu Casa Romantica tổ chức một sinh hoạt Tết.
Mọi người dạo chơi và chụp hình trong vườn hoa. Trẻ con có chỗ để chạy nhảy. Có em thì làm lồng đèn. Có em chơi đàn piano trong tiệm bán quà lưu niệm. Nhiều người ra amphitheater ngồi hưởng gió biển. Các gia đình xúm nhau chụp hình ở ngoài ban công nhìn ra cầu San Clemente Pier. Tới 11 giờ thì bắt đầu múa lân. Tiếng trống, tiếng phèng la náo nức vang lên. Bốn bạn trẻ vào vị trí, thủ bộ, rồi đeo đồng phục lân vào. Có một bạn là người da trắng. Hai con lân bắt đầu cử động. Mọi người say sưa theo dõi. Nhiều em bé lắc lư cả người theo nhịp trống và tiếng phèng la. Tôi nghĩ đến những âm thanh này, cũng rộn rã bao nẻo đường Việt Nam ở quê nhà và ở hải ngoại, qua bao nhiêu đời. Người xem chăm chú nhìn theo từng cử động của lân. Lân bay lên cao. Lân buồn ngủ. Lân ăn xà lách. Lân làm đủ trò! Lân ngậm nhả câu đối Tết. “Chúc Mừng Năm Mới.” Đây là lần đầu tiên, bốn chữ tiếng Việt này được giăng ra trong “sân đình" của Casa Romantica. Nhìn hai chữ “Gió Nam" trên từng chiếc áo đồng phục của đoàn lân (gionam.com), tôi cũng thấy lòng mình đầy gió ấm.
Ba thế hệ gia đình họ Quách tại Casa Romantica.
Sau phần múa lân, tôi trò chuyện với một số khách tham dự. Có gia đình họ Quách đưa hai cô cháu gái tí hon đi đón Xuân. Bác trai đã cao tuổi, từng là bộ binh, mặc áo có nhiều huy hiệu, đã từng đi tù cải tạo. Tôi nói, “Con thấy bác còn khoẻ, con mừng. Nhiều người đi cải tạo về, bịnh đủ thứ!” Ông cụ móm mém nói với tôi, “Đi tù cải tạo khổ lắm con!” Lòng tôi chùng xuống, nghĩ đến những người tù cải tạo tôi đã phỏng vấn trên những nẻo đường Việt Nam Hải Ngoại. Bác làm tôi nhớ đến “Hoa Địa Ngục” (1980) của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, “Đại Học Máu” (1985) của Hà Thúc Sinh, “The Vietnamese Gulag” (1986) của Đoàn Văn Toại, “Đoá Hồng Gai" (2007) của Phượng Hoàng Nguyễn Thanh Nga, “Cuối Tầng Địa Ngục" (2008) của Đỗ Văn Phúc, “Nét Xuân Sơn" của Nhà văn Phạm Phú Minh - Phạm Xuân Đài, “Đời Sống Người Tù Cải Tạo" của Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, phim ngắn “Chạy Trong Cỏ Cao" (2004) của Đạo diễn Vũ Duy Hảo, phim dài “Vượt Sóng” (2007) của Đạo diễn Hàm Trần. Nhưng tôi nhớ nhất là một câu của nhà văn Phạm Xuân Đài, vì nó liên quan đến mùa Xuân:
“Nhiều thứ của cuộc sống có thể lừa dối ta nhưng núi thì không. Những vết nhăn nhúm trên vỏ địa cầu nhìn chung chỉ như cái gợn sóng nhưng ở gần mà đối diện thì nó to lớn, vững chãi, đầy tin cậy. Và mỗi khi nó cho ta một vẻ đẹp ngây ngất, mà ta gọi là “nét xuân sơn” thì cứ hãy biết rằng tín hiệu tốt đã tới rồi, vì chính con người ta đang trong một cơn chuyển dịch, tương ứng với một chuyển dịch đang diễn ra ở ngoại giới, mà xưa nay cả loài người gọi là Mùa Xuân.”
Mùa Xuân. Mùa Xuân. Cám ơn Mùa Xuân. Cám ơn những vẻ đẹp ngây ngất mà mắt không nhìn thấy. Ra tới bãi đậu xe, thấy các em trong đoàn múa lân còn ở đó, tôi tới gần, đưa ngón tay cái lên và cười với các em. Có một em mặc áo có chữ “Anteaters,” tôi hỏi, “Các em học UCI hả?” Em gật đầu. Trò chuyện một hồi, em nói, “Tụi em múa lân không phải lúc nào cũng bản cũ soạn lại. Tụi em muốn làm sao cho các em nhỏ không sợ, mà thấy thích múa lân, để sau này, các em cũng tham gia vào sinh hoạt này.” Em làm tôi nhớ đến lời của cô Quỳnh Giao, "Bây giờ, Cô hát là hát cho thế hệ của các cháu."
Lân ơi!
Dù là ở thế hệ nào, luôn luôn có những tấm lòng hướng về phía trước, để vun vén cho những thế hệ đi sau. Tôi như đi qua khỏi vách sương mù, thấy thấp thoáng một mùa Xuân thới lai ở phía trước cho văn hoá Việt hải ngoại.
-- Trangđài Glassey-Trầnguyễn
(Quận Cam, tháng Chạp 2021 - tháng Hai 2022)