Bữa nay có bà Thu vô nhuộm tóc làm nails.
Từ hồi được mở cửa trở lại, tuần này bắt đầu đông khách dữ lắm. Bà Thu bước vô tiệm, chị Ngà thấy mặt liền cười đon đả:
-Dạ, chị ngồi chơi, “phai mí nịt”.
Bà Thu cười:
-Xời ơi giờ này mà còn xài five minutes, nghe quen quen nha.
Chị Ngà nhớ hồi tiệm mới mở, lâu lắm rồi, đa số thợ làm nails chưa rành tiếng Anh, khách vô tiệm, hổng cần biết là mình mới có dũa bàn tay bà khách để chuẩn bị đắp bột, mau lắm cũng ít nhứt phải 20 phút mới xong, vậy mà biểu bà khách mới, đợi “năm phút nữa” kể cũng có hơi sái sự thật, vậy mà khách vẫn sẵn sàng ngồi xuống, lật lật mấy cuốn tạp chí ra đọc, đợi.
Vì sao?
Vì câu nói ‘phai mí nịt” kèm theo nụ cười rạng rỡ đón khách của chị em nghề làm “neo”
Khi tới phiên bà Thu ngồi vô ghế, chị Ngà choàng khăn pha thuốc thoa lên mái tóc thì nghe bà Thu nói liền:
-Xời ơi, để tui kể chị nghe chuyện này. Con dâu cho tui cái điện thoại IPhone. Tui đã dặn từ trước, hổng phải không có tiền mua một cái điện thoại “xịn” để xài mà vì tui chưa rành nên chưa muốn tốn nhiều, chỉ cần cái nào dễ dễ để tập cho quen. Nó cho tui cái cũ để nó mua cái khác đời mới hơn, tui chịu liền. Vậy mà, quẹt quẹt cỡ nửa tháng ngon lành, tự dưng, lần này khi cắm dây sạc pin thì lỏng le lỏng lét, cắm hổng sát, khi sạc khi không. Hỏi mấy chị em, người thì nói -chắc dây cắm hay cục pin hư, mua pin mới cũng mắc, bằng như mua điện thoại mới, người thì bàn -mua đại cái mới xài đi, bà hà tiện quá… Chị Hai tui kêu -Thôi, đem ra tiệm của … sửa đi. Chỗ này chuyên môn về IPhone đó. Tui nghĩ, ờ, ra tiệm này họ nói chuyện nghe dễ hiểu hơn. Vậy là, sáng qua tui ra tiệm…Khu này có khá nhiều tiệm quán nhà hàng, ngó quanh quất một hơi mới thấy bảng hiệu… Bước vô, ngay quầy tiếp khách có một cô, rất trẻ, cỡ tuổi cháu nội tui, lại quá đẹp, quần áo thiệt là đúng theo thời trang, son phấn đậm như ca sĩ. Nhưng, thấy tui vô tiệm mà cô chẳng mở lời chào hỏi gì. Kế bên quầy là cái bàn, một người đàn ông đang ngồi cấm cúi sửa điện thoại. Tui nói:
-Cô ơi làm ơn coi dùm cái điện thoại này sao hổng cắm dây sạc pin được.
Cô nàng liếc cái điện thoại, trả lời trống không:
-Mở cái bao ra, cắm thẳng vô cục pin.
Trời đất, tui nào biết cái điện thoại có cái bao. Cầm lên lật qua lật lại, lấy tay khều khều, chẳng có chỗ nào hở để mình tháo ra. Tui nhìn cô nàng cầu cứu:
-Tháo chỗ nào? Cô tháo dùm tui đi.
Cô nàng dùng dằng cầm cái điện thoại lên, dựt phăng một đầu, ra cái phần đầu rồi kéo phần dưới, tách rời cái điện thoại ra. Ủa, cái bao là vậy, có hai phần, trời đất, hổng thấy làm thì ông Nội tui cũng hổng biết! Chưa từng thấy gắn vô thì làm sao biết cách tháo ra? Cái bao bảo vệ điện thoại này là loại cứng, dày, hèn chi, cầm cái điện thoại thấy chắc chắn, khó bị tuột. Cô ta nói xẵn lè:
-Cắm vô đi.
Tui cằm dây sạc pin cắm vô thì được liền. Cô ta nói:
- Sát rồi đó.
Mừng quá, tui hỏi:
-Có ổ điện nào cho tui cắm vô thử cho chắc ăn.
Cô nàng ngó tui như ngó người ngoài hành tinh, nói trổng:
-Mở cây quạt ra, cắm vô đó.
Tui kéo dây cây quạt để đứng bên góc tiệm ra, cắm dây sạc pin vô, thấy cái dấu hiệu đang sạc pin hiện lên. Vừa lúc đó có một ông khách bước vô, hỏi muốn mua dây nghe gì đó thì cô ta cũng trả lời chua lè:
-Hai chục.
Tui gom điện thoại cùng dây nhợ và cái bao bỏ vô bóp để về nhà gắn trở vô, chừng nào cần thì tháo ra, biết cách làm rồi. Tui hỏi:
-Vậy là hổng cần sửa hổng cần mua thêm cái gì hết hả cô?
Cô nàng lắc đầu. Tui nói:
-Cám ơn cô.
Tui cám ơn đàng hoàng, mà cô nàng không thèm trả lời. Ra khỏi tiệm, tui còn ngạc nhiên vô cùng. Trời đất ơi, thời bây giờ sao có người hà tiện một câu nói vậy sao ta? Có người vô lễ vậy sao trời? Khách vô tiệm không thèm chào hỏi, mặt mày chằm dằm như bị ai ăn hết của ông Nội, nói với khách bằng từng lời chua như như dấm, như dùi đụt, như bị gượng ép, bắt buộc phải trả lời. Tiếng Việt dễ thương “Dạ”, Vâng” “Chào ông, chào bà” “Không có chi”… đâu mất rồi? Nhưng đỡ cái là, nếu cô nàng không tháo cái bao ra mà bày cho tui mua thêm dây này món nọ, chắc tui cũng mua vì có biết gì đâu. Một chuyện nhỏ xíu bình thường như vậy, hổng nói thì ai mà biết, chỉ cần “tháo cái bao ra, cắm thẳng vô cục pin” là sát liền.
Phải chi cô ta đón khách một cách niềm nở, “Sẵn sàng giúp người đồng hương từ A tới Z” như những lời quảng cáo của chủ tiệm nói oang oang trên đài radio thì hay biết mấy. Hóa ra chỉ là những lời xạo ke. Tui tính về nhà kêu điện thoại tới than phiền lối tiếp khách vô lễ của cô này, nhưng nghĩ lại thì, tui đoán người đàn ông đang ngồi sửa điện thoại chính là ông chủ tiệm và cô ta là bà chủ tiệm, người đẹp mới rước qua. Sau trận đại dịch thiếu nhân viên, ngày thứ bảy bà chủ tiệm bất đắc dĩ phải đứng ở quầy cho nên xấc xược hỗn láo, thằng chồng ngồi đó thị thiềng, mình có gọi cũng vô ích, phí thì giờ. Hổng chừng bây giờ họ đang cười bà già ngu này.
Bữa nay vô đây nghe chị nói câu “phai mí nịt” làm tui thương quá đi. Cho dầu có phải ngồi đợi ba chục “mí nịt” cũng cam, bởi vì câu này của chị có kèm theo nụ cười, có hân hoan đón khách tới tiệm của mình.
Chị Ngà cũng cười rồi nói:
-Chị Thu ơi chị đâu có ngu, chỉ là, người lớn tuổi như mình, xài những món đồ chạy theo thời đại kỹ thuật tân tiến này hơi chậm mà thôi. Bởi vậy hay nghe câu này “Về kêu cháu nội nó chỉ cho” ha ha ha…
Rồi chị nghĩ trong bụng -Từ xưa tới nay, thợ giỏi thợ dở, tiệm đắt hay không phần nhiều cũng là do cách tiếp khách của chủ và thợ. Mong mấy em trong tiệm, đừng bao giờ quên kèm theo nụ cười, khi nói câu “phai mí nịt” đặc biệt của nghề làm “neo” mình.
Gửi ý kiến của bạn