Hôm nay,  

Tùy Bút: Chiều Tưởng Nhớ

27/03/202111:12:00(Xem: 2312)

 

Để tưởng niệm nhà thơ Mây-Ngàn

Sông Hương Huế - Vẻ đẹp sơn thủy của xứ Huế

Tiếng chuông chùa đòng vọng, vang xa trong không gian buốt lạnh của một chiều cuối Đông khiến quang cảnh quanh chùa trông thật tịch liêu. Mặt trời nghiêng về phía quê xưa. Những tia nắng mong manh nhẹ nhàng ve vuốt từng phiến đá gầy trước sân chùa. Khung cảnh này gợi nơi hồn tôi những câu thơ rất gợi cảm của Mây-Ngàn: 

Nắng có màu không? Tím lẫn hồng?

Hay nắng không màu, nắng rất trong!

Nắng về tươi thắm ngàn hoa thắm

Sưởi ấm lòng ai chiều cuối Đông.


Lúc này, đối với tôi, bút hiệu Mây-Ngàn cũng như bút hiệu của nhiều nhà văn/nhà thơ tôi quý mến chứ không có gì khác biệt. Nhưng khi vào trong chánh điện, thấy ảnh và bài vị đặt giữa chánh điện tôi mới bàng hoàng xúc động để nhận thức được sự thật mà suốt mấy tuần qua tôi cứ cố tình chối bỏ: Mây-Ngàn Nguyễn-Phúc Bửu-Châu không còn nữa!


Bằng hữu thường gọi Anh một cách thân mật là Anh Châu hoặc là Anh Bữu-Châu chứ ít ai gọi Anh là Mây-Ngàn hay là bác-sĩ Bửu-Châu.


Từ ngày quen biết Anh, tôi hầu như quên bẳng Anh là một y-sĩ mà tôi chỉ nghĩ anh là một nghệ sĩ; một nghệ sĩ tài tử rất nặng lòng với bạn hữu và văn học nghệ thuật. Khi ngồi lặng lẻ trong chánh điện, nghe bạn hữu nói về Anh tôi mới tỉnh trí để “nhìn lại Anh” ở một góc độ mà tôi đã vô tình quên bẳng:


Bác-sĩ Bửu-Châu tốt nghiệp Y-Khoa bác-sĩ năm 1968. Anh không bị trưng dụng vào Quân-Y vì lý do sức khỏe. 


Năm 1974 bác-sĩ Bửu-Châu thi đậu văn bằng Master of Public Health tại Singapore và Anh về dạy tại trường Đại-Học Y-Khoa Huế. 


Năm 1975, di tản sang Mỹ, Anh định cư tại Mississippi. Tại đây, Anh nhận chức Medical Health Director. Sau một thời gian Anh trở thành Assistant District Health Officer for the Mississippi Department of Health. 


Năm 1979 anh dời về Houston, làm giáo sư phụ giảng tại Baylor College of Medicine. Một thời gian sau Anh về làm việc cho tòa thị chính Houston với chức vụ Chief of Health Department for the City of Houston. Anh đậu “Board” về Y-Khoa phòng ngừa. Chính bác-sĩ Bửu-Châu thành lập chương trình y-tế chuyên lo về bệnh viêm gan (Hepatitis) cho người Á-Đông. 


Mấy năm sau cùng Anh chuyển sang quận hạc Harris, giữ chức vụ Harris County Acting Deputy Director. Sau đó Anh trở thành Director of Heath Department cho đến khi Anh nghỉ hưu. Anh nhận được rất nhiều bằng khen thưởng của chính quyền và các trường đại học. (1)


Là một người rất năng động và nặng tinh thần xã hội và giáo dục, bác-sĩ Bửu-Châu dùng thời gian hưu trí của Anh vào việc tham gia vào tổ chức Khuyến-Khích Tự Lập để nâng cao giáo dục tại Huế. Tổ chức này đang xúc tiến việc xây cất nhiều trường học tại Thừa-Thiên. Trong thời gian này bác-sĩ Bửu-Châu được đại học Y-Khoa Saigon mời làm giáo sư thỉnh giảng và Anh đã nhận lời.


Sau vài tháng trở lại Mỹ để theo dõi tình trạng sức khỏe, Bác-Sĩ Bửu-Châu lâm bệnh, phải ra, vào bệnh viện nhiều lần. Đến tháng 11-06 bác-Sĩ Bữu-Châu cảm thấy khỏe hẳn nên quyết định về lại Việt-Nam để tiếp tục thúc đẩy công việc của tổ chức Khuyến-Học Tự Lập – mặc dù các bạn đồng môn với Anh đều khuyên ngăn Anh nên đình hoản chuyến đi này.


Vào ngày 23 tháng 01 năm 2006, trong một cuộc họp, cô Quỳnh-Trang, một thành viên trong nhóm Khuyến-Khích Tự Lập, đã tường trình rất nhiều chi tiết về những hoạt động của nhóm với bác-sĩ Bửu-Châu. 


Sau đó Quỳnh-Trang đưa bác-sĩ Bửu-Châu viếng thăm hai trường mẫu giáo đã hoàn tất.


Bốn giờ 20 chiều, Quỳnh-Trang đưa bác-sĩ Bửu-Châu về nhà Anh, tự dưng Quỳnh-Trang cảm thấy không an tâm. Quỳnh-Trang hỏi thăm tình trạng sức khỏe của Anh. Anh bảo vẫn khỏe. Về đến nhà cô, 04 giờ 45, Quỳnh-Trang cũng vẫn không an tâm, cho nên cô điện thoại đến tư thất bác-sĩ Bửu-Châu để vấn an. Không ai trả lời điện thoại.


Hôm sau, ngày 24-01-06, lúc 02 giờ chiều, Quỳnh-Trang nhận được tin bác-sĩ Bửu-Châu qua đời.


Bác-sĩ Bửu-Châu qua đời ngay trong ngôi nhà mà Anh đã được sinh ra và lớn lên.


Trong khi bạn hữu tiếc thương và nhắc lại những hoạt động không ngừng nghỉ của bác-Sĩ Bửu-Châu trong địa hạt y tế, xã hội và giáo dục thì - như phần dẫn nhập tôi đã thưa - tôi lại nghĩ đến nếp sống nội tâm mà Anh vô tình hé lộ:

 

Đường đời đó, vinh quang hay tủi nhục

Còn lại gì? Danh vọng cũng tàn phai.

Khi xuôi tay, cát bụi mảnh hình hài

Không hay có cũng chỉ là ảo tưởng!

Tôi không hiểu làm thế nào một người rất tích cực trong cuộc sống - như Anh - lại mang một tư tưởng nặng triết lý Phật-Giáo đến như vậy! Tôi không nghĩ Anh yếm thế; bởi vì một người yếm thế không thể nuôi dưỡng được trái tim chan chứa tình yêu:


Nói yêu em, lời nào cho hết ý?

Tình mênh mông như sóng biển trào dâng.

Hồn tương tư nên ngây dại bâng khuâng

Cho nhung nhớ nghẹn ngào đêm cô tịch...


Trong Anh, tình yêu đôi lứa nhiều khi dạt dào, mênh mông, tha thiết; nhưng trên hết vẫn là tình yêu cao cả Anh dành trọn vẹn cho quê hương:


Người ơi, hãy nói giúp giùm ta

Biết tả làm sao nỗi nhớ nhà!

Không hương, không vị mà da diết

Nỗi nhớ rung từng thớ thịt da!


Tôi đến Huế chỉ vài lần, sống ở Huế chỉ vài ngày và mang trong người chỉ “một nửa Huế” thôi. “Rứa mà” bốn câu thơ sau đây Anh vẽ ra một hình ảnh tuyệt vời cho đến nỗi tôi chỉ mong tôi là người Huế chính gốc để được yêu thương, được thấm nhập trọn vẹn trong hương cau thơm ngát của vùng không gian huyền diệu này.


Quê tôi ửng nắng mấy hàng cau

Thoáng gió đong đưa mấy dặm bầu

Con đò ngược bến Văn-Lâu đó

Có còn in bóng nước sông sâu?


Trong tất cả những bài thơ tình cảm Anh dành cho Huế, tôi thích nhất bài Nhớ Huế:


Ta nhớ vô cùng em biết không?

Nhớ đồi Vọng-Cảnh, gió ru thông.

Nhớ hồ nước Tịnh, sen soi bóng

Nhớ bến Văn-Lâu, chạnh tất lòng!

 

Ta nhớ vô vùng em biết không?

Nhớ mái trường xưa phượng thắm hồng

Nhớ mái tóc thề chiều tan học,

Nhớ nẽo em về một cuối đông!

 

Ta nhớ vô cùng em biết không?

Nhớ trăng thôn Vỹ, nắng Kim-Long.

Nhớ sông Bến-Ngự, con đò nhỏ.

Nhớ má ai kia ửng nắng hồng.

 

Ta nhớ vô cùng em biết không?

Nhớ chiều buông nhẹ tiếng chuông ngân

Nhớ dòng Hương dịu ôm thành Huế,

Nhớ quá làm sao nhớ lạ lùng!


Bài thơ này dường như ra đời vào khoảng giữa thập niên 80, được Song-Ngọc phổ nhạc và ca sĩ Khánh-Hà trình bày rất nhiều lần. Bản nhạc này, ngay sau khi Song-Ngọc vừa hoàn tất, chính anh Bửu-Châu đã đàn và hát tại nhà Anh vào một buổi họp mặt bằng hữu. Tôi nhận thấy Anh Châu hát rất “có hồn”. Nhưng phải đợi đến khi nghe Khánh-Hà hát tôi mới nhận biết mối tình cảm sâu kín của một người “Huế lai” trong tôi bừng dậy, để rồi trở nên dịu dàng, tha thiết theo mỗi giai điệu, mỗi tiếng láy ở cuối phân đoạn và cách phát âm những địa danh thương mến.


Giữa thập niên 80 không khí văn nghệ tại Houston rất sôi nổi. Và nhà Anh Bửu-Châu là tụ điểm của những buổi họp mặt vui và lành mạnh. Anh Châu và Luật Sư Nguyễn-Ngọc-Hải chơi Keyboard. Thường thường anh Châu, anh Hải và tôi hát chung; vì chúng tôi biết nhiều nhạc bản của thập niên 60. 


Một lần, tôi không hiểu do đâu Anh Châu biết tôi từng chơi Accordéon. Anh hỏi. Tôi xác nhận, nhưng thưa với Anh rằng tôi bỏ lâu quá nên chẳng còn nhớ được bài nào. Anh hỏi tôi thường chơi nhạc gì? Tôi đáp nhạc Pháp. Anh mở Cassette những bản bán cổ điển và những bản thịnh hành của thập niên 60-70. Tôi nhận ra được gần hết, nhưng vì bản nào cũng dài quá cho nên tôi không nhớ trọn. Đến bản Etoile De Neige tôi vui mừng reo lên, vì bài này tương đối ngắn. Anh Châu cũng vui mừng, bảo sẽ đến nhà tôi lấy Accordéon đem lại để Anh, anh Hải và tôi cùng hòa đàn. Tôi cho Anh Châu biết rằng tôi không có đàn. Bác Sĩ Hồ-Vương-Minh bảo người con của anh ấy có một Accordéon; thế là anh Minh sốt sắn đến nhà người con mượn, đem đến cho tôi.


Sau vài phút “rà” lại, tôi đàn bản Etoile De Neige và anh Châu, anh Hải đệm theo. Anh Châu cho biết, lúc còn đi học Anh rất thích Accordéon nhưng vì cây đàn nặng, tình trạng sức khỏe của Anh không cho phép. Nửa đùa nửa thật Anh Châu đề nghị Anh, anh Hải và tôi thành lập ban tam ca “Ba Con Mèo...Mun”.

Đề nghị của Anh Châu, dù đùa hay thật, cũng không thể thực hiện được; vì Anh Châu lâm trọng bệnh, phải qua ba cuộc giải phẫu tim trong một thời gian rất ngắn.


Thời gian Anh trải qua ba cuộc giải phẫu, bệnh viện cần máu. Hầu hết bằng hữu của Anh đều đến bệnh viện hiến máu. Đây là lúc mọi người thấy được sự quý mến của bạn hữu dành cho Anh Châu. Không ai bảo ai, nhưng trong lòng mọi người đều thầm lo, không biết Anh có “qua” được hay không!


Anh đã “qua” được, hồi phục nhanh và yêu đời hơn bao giờ hết. Anh quay cuồng trong điệu luân vũ. Anh lịch lãm trong từng bước Tango. Anh cười sảng khoái khi “ù” được ván mà chược. Ngoài tài năng và kiến thức chuyên môn, không ai có thể hiểu được Anh lấy năng lực từ đâu để sống trọn vẹn với đời, để thực hiện những điều mà nhiều người mơ ước.


Anh để lại thi tập Chỉ Là Mơ Thôi. Trong thi tập này có những bức họa do Anh vẽ, màu sắc rất dịu dàng, tươi đẹp, khơi dậy một sức sống. Trong thi tập này cũng có những bản nhạc do chính Anh sáng tác và cũng có những bản nhạc do vài nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của Anh.


Tôi vừa nghĩ đến đây thì tiếng niệm kinh cũng vừa dứt.


Nhìn vạc nắng cuối ngày trải đều trên thềm cỏ úa, tôi ngậm ngùi nhớ đến những câu thơ rất thích rất hợp với tâm trạng của tôi lúc này.


Có những chiều buồn mây tím bay,

Tím cả hồn tôi em có hay?

Nẽo về tôi thấy ngàn sao rụng

Chân bước thẫn thờ, đôi mắt cay!


Không nén được nỗi buồn, tôi thở dài, chậm bước. Bất ngờ trạng thái chối bỏ lại trở về trong tôi. Tôi khẽ lắc đầu, thầm nhủ: “Chỉ Là Mơ Thôi”. (2)

 

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/



1.- Những chi tiết này do bác sĩ Nguyễn Văn Thuận cung cấp.

2.-Tất cả những phân đoạn trên đây được trích từ tập thơ Chỉ Là Mơ Thôi của Mây-Ngàn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.