CHỐNG TÀU DIỆT VIỆT CỘNG
Bản tin số 59— Ngày 28 tháng 02 năm 2015
Trung Cộng khước từ yêu cầu của Hoa Kỳ ngưng xây dựng đảo ở Biển Đông
Tác giả: Bill Gertz
Người dịch: Trần Văn Minh
28-2-2015
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình xây dựng quân sự được mở rộng dưới thời Tập Cận Bình.
Trung Cộng bác bỏ lời kêu gọi của chính quyền Obama hồi đầu tháng này ngưng các công trình xây dựng "gây mất ổn định" trên các đảo nhỏ tranh chấp ở Biển Đông, theo các viên chức Mỹ.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel đã thúc giục các quan chức Trung Cộng ngưng các công trình đang được gấp rút mở rộng nhiều năm qua tại quần đảo Trường Sa tranh chấp trong chuyến thăm Bắc Kinh.
Theo các viên chức hiểu biết về cuộc đàm phán, lời kêu gọi của ông Russel đã bị từ chối trong cuộc họp ngày 10 tháng hai với Zheng Zeguang, trợ lý ngoại trưởng Trung Cộng, người nói rằng việc xây dựng đang diễn ra trong khu vực chủ quyền của Trung Cộng.
Sự từ chối yêu cầu của ông Russel, nhà hoạch định chính sách trọng yếu của chính quyền Hoa Kỳ về Châu Á Thái Bình Dương, đã phản ảnh nhận xét của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Cộng, Đại tá Yang Yujun, người đã nói với các phóng viên ngày 29 tháng 1: "Việc xây dựng và bảo quản cơ sở hạ tầng trên các rạn san hô và đảo ở Biển Đông là hợp pháp và thực hiện theo quy định của luật pháp. Các nước khác không có quyền chỉ trích các hoạt động xây dựng đó".
Trung Cộng đang tuyên bố chủ quyền trên hơn 90 phần trăm Biển Đông là lãnh thổ của họ và đã từng xung đột với các bên tranh chấp đảo khác, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Tuy không thể tìm được ông Russel để hỏi ý kiến, nhưng ông ta đã nói với tờ Wall Street Journal rằng Hoa Kỳ muốn Trung Cộng phải ngừng xây dựng đảo.
"Hành động này gây bất ổn và mâu thuẫn với các cam kết mà Trung Cộng đã ký" với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Russel nói.
Trung Cộng đã đồng ý với một thỏa thuận của ASEAN gần đây không có các hành động khiêu khích trên biển.
Ông Russel cho biết công việc lấn biển quy mô lớn trong thời gian từ 2 tới 3 năm qua "lớn hơn nhiều lần so với bất cứ và tất cả mọi thứ mà các bên tranh chấp khác đã làm".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng, Hoa Xuân Oánh, cũng nói với các phóng viên tại Bắc Kinh ngày 19 tháng 2 rằng "các nước thứ ba nên nói ít hơn và ngưng gây rối". Bà đáp lại phát biểu của ông Russel ở Manila bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Cộng trong khu vực.
Các hình ảnh vệ tinh về việc xây dựng tiết lộ một sự gia tăng đáng kể các hoạt động, bao gồm các hình ảnh mới cho thấy một hòn đảo nhân tạo rộng 15,5 mẫu Anh.
Hòn đảo này có hai cầu cảng, một nhà máy xi măng và một bãi đáp trực thăng trên đá Tư Nghĩa - nằm cách Philippines khoảng 210 dặm.
Các hình ảnh vệ tinh mới, được tuần báo Quốc phòng IHS Jane công bố, cho thấy công trình xây dựng hạ tầng tương tự như tại đá Gạc Ma và đá Ga Ven, cũng là địa điểm mà Trung Cộng đang thách thức các tuyên bố chủ quyền của các quốc gia ở Biển Đông.
Các nhà phân tích an ninh cho rằng việc xây dựng đảo san hô là một phần trong kế hoạch của Trung Cộng nhằm mở rộng quyền kiểm soát đối với toàn bộ Biển Đông thông qua những gì mà Bắc Kinh gọi là "Đường chín đoạn", một ranh giới không rõ ràng bao trùm thủy lộ chiến lược này.
Dân biểu J. Randy Forbes (Cộng Hòa, Virgina), Chủ tịch tiểu ban Quân vụ và chuyên gia hàng đầu của quốc hội về Trung Cộng, tuyên bố Ngũ Giác Đài nên xem xét lại chương trình giao lưu tích cực của mình với quân đội Trung Cộng vì kết quả của các hoạt động ở Biển Đông.
"Xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông để hỗ trợ yêu sách lãnh thổ của họ chỉ đơn giản là tiếp tục tính bất chấp như thường lệ của Trung Cộng đối với các chuẩn mực quốc tế và từ chối giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách có trách nhiệm", ông Forbes cho biết.
"Tôi tin rằng bắt buộc Bộ Quốc phòng [Mỹ] phải đánh giá kế hoạch của mình về tương lai trao đổi quân sự với Bắc Kinh trong bối cảnh các hành vi khiêu khích của Trung Cộng trong khu vực", Ông Forbes nói thêm. "Nếu không muốn tưởng thưởng cho hành vi gây mất ổn định với sự giao lưu quân sự tiếp tục của Mỹ".
Mặc dù sự hung hăng của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ trong những tháng vừa qua, Ngũ Giác Đài vẫn không giảm bớt trao đổi quân sự với Quân đội Giải phóng Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Lực lượng hải quân Trung Cộng đã được mời tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế quy mô lớn do Mỹ lãnh đạo vào năm ngoái gọi là RIMPAC, và ngoài việc gửi lực lượng hải quân, Trung Cộng phái một tàu do thám để thu thập thông tin tình báo về các chiến thuật chiến tranh.
Các cuộc tập trận quân sự khác gần đây của Ngũ Giác Đài với Trung Cộng bao gồm cuộc "trao đổi quản lý thiên tai" do quân đội dẫn đầu trên đảo Hải Nam vào cuối tháng một; và sự tham gia của Trung Cộng trong cuộc tập trận quân sự ở Thái Lan gọi là Hổ Mang Vàng tháng ba vừa qua.
"Tại sao Bộ Quốc phòng [Mỹ] tăng cường tập trận với Trung Cộng, khi Bộ Ngoại giao yêu cầu Trung Cộng ngưng xây dựng tại Biển Đông?" một viên chức quốc phòng hỏi.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Trung tá Jeff Pool cho biết, "Chúng tôi chưa có thông báo về những thay đổi trong chiến lược giao lưu quân đội với Trung Cộng vào thời điểm này".
Sự kiến tạo của Trung Cộng ở Biển Đông đã báo động một số viên chức Ngũ Giác đài, lo ngại rằng đây là một phần của chiến lược có tính toán để giành quyền kiểm soát vùng nước đó, được dùng như một tuyến đường vận chuyển chính cho dầu mỏ và nhiều hàng hóa khác.
Sự kiến tạo đã diễn ra trong suốt nhiều năm qua dưới lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình của Trung Cộng, người đã hứa sẽ phát triển một mô hình mới trong quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.
"Các nhà lãnh đạo Trung Cộng có thể được thuyết phục để ngừng công cuộc xây dựng này nếu Quốc hội Mỹ và tổng thống gây áp lực lên Bắc Kinh", Michael Pillsbury, một nhà tư vấn cho Ngũ Giác Đài và chuyên gia về Trung Cộng, cho biết. "Cái gọi là ‘những người bạn của Trung Cộng’ có xu hướng cản trở hành động như vậy".
Pillsbury, giám đốc Trung tâm về Chiến lược Trung Cộng tại Viện Hudson, là tác giả của một cuốn sách mới, The Hundred-year Marathon [tạm dịch: Cuộc chạy đua đường trường một trăm năm], trong đó tiết lộ một chương trình chiến lược thành công của Trung Cộng kể từ thập niên 1970 để đạt được các nguồn tài nguyên, bao gồm Biển Đông, như là một phần trong kế hoạch dài hạn được Mao Trạch Đông khởi xướng để giúp Trung Cộng vượt qua Mỹ và kết thúc sự bá chủ toàn cầu của Hoa Kỳ.
John Tkacik, một cựu viên chức Bộ Ngoại giao cho biết, động lực để kiểm soát Biển Đông của Trung Cộng từng là mục tiêu lâu dài của lãnh đạo Trung Cộng kể từ khi chế độ Cộng sản được thành lập. Trung Cộng bắt đầu xâm lược và chiếm đoạt các hòn đảo ở Biển Đông vào năm 1974 và tiếp tục đến ngày nay.
"Trong 15 năm qua, Trung Cộng đã bắt tay vào chiến lược mới này trong việc xây dựng ở quy mô lớn trên những mảnh đất ngập nước, và bây giờ đang ở trong tư thế thực thi các đòi hỏi chủ quyền của họ, không chỉ đối với các đảo nhỏ nhưng với toàn bộ hàng triệu dặm vuông của Biển Đông", Tkacik nói.
"Rõ ràng, Bắc Kinh có ý định chiếm giữ và dân cư hóa các tiền đồn mới với mục đích thiết lập sự kiểm soát hàng hải, không những đối với các đảo và nguồn thủy sản và tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển, mà còn trên vấn đề vận chuyển hàng hải và hàng không quốc tế", ông nói.
Việc xây dựng có vẻ như một phần của một chiến lược được hoạch định kỹ lưỡng để có thể dẫn đến việc "tất cả chuyển vận quốc tế trong không gian hàng hải và hàng không của Biển Đông sẽ chẳng bao lâu được đặt dưới quyền tài phán của Bắc Kinh", ông tiếp tục.
"Biển Đông là đường biển vây bọc quan trọng nhất trên trái đất bởi vì gần như một phần ba của tất cả vận chuyển toàn cầu đi qua đó mỗi năm", Tkacik, hiện nay là một thành viên kỳ cựu tại Trung tâm Chiến lược và Thẩm định Quốc tế, nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Tony Blinken không đề cập đến sự chối bỏ của Trung Cộng trong một bài phát biểu tại Tokyo sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông. Thay vào đó, ông cho biết sự hợp tác Mỹ-Trung "đang phát triển sâu hơn và rộng hơn".
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng "chúng tôi giữ vững lập trường của chúng tôi về an ninh hàng hải".
"Thương mại tự do đòi hỏi phải có hải lộ tự do cho tàu qua lại", ông nói. "Điều này đòi hỏi rằng nhu cầu buôn bán phải được ưu tiên hơn các tranh cãi về các tảng đá và bãi cát ngầm".
"Vấn đề đích thực tại trung tâm các cuộc xung đột này là người nào kiểm soát quyền tiếp cận nguồn năng lượng dồi dào của Á Châu", Blinken nói. "Khu vực này phụ thuộc, như mọi người biết, vào sự tiếp cận bền vững, giá rẻ và đáng tin cậy đối với nguồn cung ứng năng lượng đa dạng, mà từ đó phải dựa vào việc vận chuyển dầu và khí đốt an toàn và đáng tin cậy qua các hải lộ. Gần một phần ba lượng dầu thô và hơn một nửa khí đốt hóa lỏng toàn cầu đi qua Biển Đông, làm cho nó trở thành một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới".
Nguồn: The Washington Free Beacon (26/2/2015)
.
,