Du lịch sẽ cứu được đờn ca tài tử hay chăng? Hay phải chăng, khi đưa
đờn ca tài tử ra để hấp dẫn du khách, lĩnh vực văn nghệ này sẽ bị
biến thái?
Đây là nỗi lo của một số nhà hoạt động văn nghệ, như nhạc sư Trần
Văn Khê, chẳng hạn.
Nhưng thực tế, không có đờn ca tài tử, du lịch Nam Bộ sẽ rất như là
trống vắng.
Một Bản tin từ thông tấn TTXVN kể về ngành du lịch tỉnh Anh Giang,
nói tỉnh này đang tập trung vào “các loại hình du lịch nông nghiệp,
cộng đồng, sinh thái, các loại hình văn hóa truyền thống như đờn ca
tài tử, văn hóa dân gian...”
Nhưng còn cái đẹp, cái phóng khoáng của đờn ca tài tử?
Báo CAND có bản tin tựa đề “Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê nói về di
sản văn hoá phi vật thể đờn ca tài tử: "Đờn ca" đã tốt,
chỉ lo "tài tử" không còn!”
Bản tin này viết:
“...Giáo sư Trần Văn Khê lo ngại sự giảm sút của chất "ngẫu
hứng, tài tử" khi hiểu, thú chơi xưa khi ra đời trước hết để
giãi bày lòng mình thì nay đã trở thành một loại hình nghệ thuật
biểu diễn có tính cách mưu sinh. Ngày xưa người ta đờn ca tự do,
thoải mái, không sợ đờn sai hay ca sai vì chỉ cốt "khoái
mình", "khoái bạn", còn nay người ta chỉ lo đờn và ca
sao cho vừa tai ban giám khảo một cuộc thi hay những thượng đế trả
tiền cho họ. Vậy nên mới có chuyện, trong một cuộc chơi xưa, người
chơi tài tử liếc mắt trêu nhau, ghẹo nhau hay thử tài nhau ở một nét
đàn lệch nhịp, còn nay, người đàn mải miết trau chuốt ngón đàn cho
đẹp, người ca chăm chắm giữ giọng ca cho cao, cho thanh; tính giao lưu,
tương tác về tình cảm giữa những người "chơi tài tử" khi xưa
gần như không còn.
Với Giáo sư Trần Văn Khê, trong truyền dạy nghệ thuật nói chung và âm
nhạc dân tộc nói riêng, người ta thường mải mê sùng bái kỹ thuật mà
quên mất việc gợi mở và truyền cảm hứng về tình yêu và sự cảm thụ
nghệ thuật của trái tim. Kỹ thuật có thể khiến người khác nể phục,
nhưng nghệ thuật mới là điều có sức ám ảnh, cảm hóa người nghe.
Hơn 50 năm giảng dạy âm nhạc ở Đại học Sorbone (Pháp), Giáo sư Trần
Văn Khê vẫn đau đáu một tâm niệm, nhất thiết phải đưa âm nhạc vào học
đường, đó là cách đi lâu dài và bền vững để phát triển nền văn hóa
của một dân tộc...”(ngưng trích)
Đúng vậy, giải pháp lâu dài là như cụ Trần Văn Khê nói, âm nhạc phải
vào học đường.
Báo Dân Trí cuối năm ngoai1í có nói về chương trình Thành phố Sài
Gòn đưa âm nhạc dân tộc vào trường tiểu học.
Thử nghiệm lúc đó, theo báo Dân Trí, là ở Trường tiểu học Trần Hưng
Đạo, Q.1, đã thực hiện tiết dạy hát dân ca trong chương trình âm nhạc
lớp 5. Đồng thời, toàn bộ học sinh của trường háo hức tập thể dục
giữa giờ theo nhạc điệu bài Trống cơm...
Điều cần suy nghĩ, không phải để phân bì, vì Trống cơm là nhạc dân ca
miền Bắc. Bao giờ đờn ca tài tử đưa vào học đường, lúc đó mới hỗ
trợ cho du lịch Nam Bộ vậy... và ít nhất, cũng không làm cho lĩnh
vực văn hóa này vắng lạnh.