Đọc Sách Mới: Bản dịch Việt ngữ từ nguyên tác “The Chau Trial” của tác giả Elizabeth Pond
ĐIỆN VĂN MẬT TỪ BỘ NGOẠI GIAO MỸ
Tác giả Elizabeth Pond
Là một tác giả và diễn giả danh tiếng chuyên về các vấn đề quốc tế, tên tuổi Elizabeth Pond (hình bên) được nể trọng ở Âu Châu và Hoa Kỳ, trong cả hai lãnh vực báo chí và hàn lâm. Ngoài công việc giảng dạy tại các đại học Đức và Mỹ, bà còn là thành viên nhiều hội đồng tham vấn và viện nghiên cứu chiến lược quốc tế và là tác giả của 11 cuốn sách có nội dung đã đụng tới các vấn đề nóng bỏng nhất tại nhiều khu vực của thế giới. Sự nghiệp của Elizabeth Pond bắt đầu bằng “The Chau Trial”. Đúng 40 năm trước đây, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, cô dành nửa năm để ở lại Saigon theo dõi tại chỗ. Và “The Chau Trial” trở thành tác phẩm đầu tay của Elizabeth Pond, với kết luận “Đây là bước khởi đầu sự sụp đổ của ông Thiệu.”
Cho tới nay, 40 năm sau “Vụ án Trần Ngọc Châu”, tác giả và nhân vật chính trong vụ án - Pond và Châu- vẫn chưa hề gặp nhau.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ “Vụ Án Trần Ngọc Châu” do THANH NGUYỄN và HOÀNG NGỌC TRÁC chuyển ngữ từ nguyên tác “The Chau Trial”.
***
ĐIỆN VĂN TRAO ĐỔI GIỮA BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ VÀ ĐẠI SỨ BUNKER Ở SAIGON
Trong thời gian (trước, trong và sau) xảy ra Vụ Án đã có rất nhiều điện văn trao đổi giữa hai bên Bộ Ngoại Giao Mỹ và Đại Sứ Mỹ Bunker ở Saigon.
Đúc kết nội dung các điện văn này cho thấy nhiều sự việc khác thường trong chính sách Mỹ tại Việt Nam và quan hệ Mỹ-Việt.
Sau đây là bản dịch một số điện văn trao đổi tiêu biểu nhất liên quan tới vụ án.
Điện văn ngày 23-12-1969
Thứ trưởng Ngoại giao Richardson gửi Đại sứ Bunker.
Kính gửi Bunker
(Châu) (Mathews)
1/ Những cố gắng mới đây của chính phủ Việt Nam để kích động Quốc hội có biện pháp chống lại ba Dân biểu Hạ Viện về tội hoạt động có lợi cho Cộng sản có phần khá thô bạo và giới báo chí ở đây đã có phản đối mạnh mẽ... (Bài diễn văn đọc tại Vũng Tàu, hành động du đãng tại Hạ Viện, các cuộc biểu tình ở Kiến Hòa...), chúng tôi ở đây đều rất quan tâm về việc chính phủ Việt Nam quyết định khởi tố ông Châu. Đã có nhiều báo cáo cho thấy rằng việc chính phủ Việt Nam kết tội ông Châu giúp đỡ Cộng sản là thiếu cơ sở vững chắc. Ngược lại chính đương sự đã tự mình thừa nhận là có liên hệ với Cộng Sản. Lời phản đối của Đại sứ Bùi Diễm sau cuộc trở về Việt Nam vừa mới đây của ông ta cũng nhận định như vậy. Ông Châu rất được nhiều người Mỹ cùng làm việc với ông ta biết đến và ông ta có khá nhiều người ở đây (Mỹ) ủng hộ -- Những người ở trong cũng như ở ngoài chính quyền. Những người này tin rằng sở sĩ chính quyền Việt Nam tấn công ông ta là bởi ông ta chỉ trích một cách có hiệu quả các thiếu sót của chính phủ Việt Nam chứ không phải vì những hoạt động có liên hệ với Cộng Sản.
2/ Nếu như chính phủ Việt Nam thành công trong việc tìm ra một phương sách nào đó để bắt bớ và giam giữ ông Châu, cho dù là nhờ bàn tay của Quốc hội -- mà theo báo cáo của phái bộ Mỹ tại Việt Nam thì ít có khả năng - hoặc bằng một biện pháp ngoài pháp lý nào đấy, thì tôi lo rằng các tiếng vang của vụ đó ở Mỹ này lại còn bất lợi hơn vụ bắt giữ Trương Đình Du.
4/ Tôi để ông tùy nghi đặt vấn đề này với ông Thiệu, tôi cho rằng ông ta cần phải biết là việc bắt giữ Dân biểu Châu sẽ không có lợi gì cho các cố gắng của Tổng Thống Nixon để có được sự ủng hộ của quần chúng Mỹ đối với chính sách của chúng ta tại Việt Nam.
Điện văn ngày 7-2-1970
forB.fromRich(acting. (của Richardson gửi Bunker)
1. Tôi biết rằng ông cũng hiểu qua nhiều công văn mới đây về mối lo ngại của chúng tôi theo đó thì vụ ông Châu sẽ gây bất lợi nghiêm trọng (và không cần thiết) cho chúng ta cũng như các quyền lợi hỗ tương của chính phủ Việt Nam, đặc biệt không những ở đây mà còn ở trên trường quốc tế. Tôi cho rằng ông Thiệu đã có vẻ một ăn hai thua với vụ ông Châu. Nhưng có điều chưa rõ là không biết ông ta còn đi xa đến đâu, và cụ thể hơn nữa là liệu ông ta có phải đâm lao mà theo lao cho đến khi ông Châu vào khám hoặc bị đưa đi đày hay không.
2. Vụ này đã được đưa ra tòa án quân sự và tôi độ chừng là tòa sẽ tuyên bố ông Châu có tội. Tôi hy vọng rằng sẽ có người thuyết phục cho ông Thiệu thấy rằng bản cáo trạng đó cũng đủ để ông Thiệu triệt hạ uy tín của ông Châu cũng như kết thúc tương lai của ông ta về mặt chính trị, và rằng ông ta không nên ép Hạ Viện chính thức truất quyền bất khả xâm phạm và cho phép chính quyền bắt giữ và bỏ tù ông ta. Nếu như ông Thiệu đừng có đi vào bước cuối cùng đó thì tôi tin rằng các bất lợi nói trên cũng giảm đi phần nào.
3. Đã có những lời tố giác (trong đó có ý kiến của thượng nghị sĩ Fullbright) cho rằng chúng ta đã không bày tỏ quan điểm đầy đủ và đúng mức.
4. Trong công điện gửi đi ngày 31/12, ông đã cho biết rằng ông sẽ đích thân nói với ông Thiệu nếu như nhân viên ngoại giao cấp dưới không thành công trong việc truyền đạt quan điểm của ta với ông Thiệu. Tôi thấy rõ là đã đến lúc ông phải nói thẳng và nói một cách mạnh mẽ để ông Thiệu hiểu. Tất nhiên là tôi để cho ông tùy nghi định liệu thời gian và cách thực hiện, nhưng cần thực hiện cho sớm và cần làm sao cho ông Thiệu hiểu cho thật rõ là lãnh đạo Hoa Kỳ ở cấp cao nhất đang quan ngại là ông ta đang làm hại một cách không cần thiết những mục đích chung của hai nước.
Điện văn ngày 11-2-1970
Saigon 2055 /SED--Tham chiếu 19,292
(Đại sứ Bunker gửi cho Thứ trưởng Richardson)
1/ Tối hôm qua khi gặp ông Thiệu tôi đã nêu vụ Trần Ngọc Châu theo như những chủ trương chỉ đạo mà tôi nhận được vừa qua. Tôi nói rằng như ông ấy vẫn biết tôi ít khi can dự vào những vấn để nội bộ của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên vụ ông Châu đã gây những phản ứng bất lợi tại Mỹ và do đó mà có can dự đến quyền lợi của cả hai nước. Ông Châu trước giờ vẫn được nhiều giới chức cao cấp tại Mỹ biết đến và người ta đã và sẽ quan tâm đến vụ này nhiều hơn là vụ ông Du. Tôi nói rằng sau khi được đưa ra tòa án quân sự và nếu ông Châu bị xử là có tội, như các triệu chứng hiện giờ cho thấy, thì ông ta sẽ mất uy tín đến độ không còn gây nhiễu được nữa. Tôi nói rằng tôi cho là nếu bỏ tù để biến ông ta thành một thứ "Thánh tử đạo" thì thật là không nên chút nào. Tôi cũng đã tỏ ý nghi ngờ là không biết hành pháp có lợi gì hay không nếu cứ gây áp lực để lập pháp truất quyền bất khả xâm phạm của ông Châu để sau đó ông ta có thể bị bỏ tù.
2/ Ông Thiệu đã nói rằng Hạ Viện chỉ đồng ý cho hành pháp truy tố ông Châu, chứ không có cái khoản bắt giữ ông ta. (Liệu bản kiến nghị của Hạ viện có cho phép bắt giữ "nếu như đương sự bị kết án" hay không). Nếu ông ta không xuất đầu lộ diện để ra hầu tòa thì ông ta có thể bị xử khiếm diện. Phát ngôn viên của Hạ viện đã gửi cho Thiệu một lá thư nói rằng hành pháp có thể đưa vụ này ra tòa án quân sự và rằng làm như vậy là không đi ngược lại với hiến pháp, mà là phù hợp với hiến pháp. Tuy nhiên Chủ tịch Thượng viện đã nói với Tổng Thống Thiệu rằng họ không thể khởi tố nếu như không có phiên họp khoáng đại của lưỡng viện. Sau khi nghe vụ đó phát ngôn viên của Hạ viện đã có quan điểm khác. Chủ tịch Thượng viện là ông Huyền cũng như một số thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện cho rằng việc truy tố là bất hợp hiến. Thiệu nói rằng người ta sẽ không bắt giữ ông Châu nếu như tòa án chưa kết thúc phần luận tội và chừng nào xong phần đó thì ông ta chủ trương để cho luật pháp được thực thi.
3/ Tôi lại nêu luận điểm là một khi tòa án kết thúc cuộc điều tra rồi thì liệu như vậy là chưa đủ hay sao" Sự nghiệp của ông Châu kể như tiêu rồi và đến chừng đó thì Hạ viện phải quyết định xem cần làm thế nào cho đúng hiến pháp. Thiệu nói rằng khi tòa án quân sự đã xử xong thì ông ta sẽ chờ dăm ba ngày chờ phản ứng của Thượng và Hạ viện. Tôi nói rằng tôi hy vọng là ông ta cũng nên quan tâm đến cả phản ứng của người Mỹ nữa. Tôi nói rằng bài báo của Kraft và lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ Fullbright mà ông ta đã đọc là tiêu biểu cho phản ứng bất lợi đang diễn ra tại Mỹ, và rồi ra sẽ còn nhiều nữa, vì vụ này sẽ được theo dõi xít xao. Đây không phải là vấn đề người Mỹ bất hình với Việt Nam cũng như bất bình chính sách của người Mỹ ở Việt Nam nhưng vụ án ông Châu đã làm cho họ nghĩ như vậy. Đây là vấn đề của những người có thiện cảm với Việt Nam và đã từng tích cực ủng hộ chính sách của chúng ta ở Việt Nam, họ đã tỏ ý hoài nghi một cách sâu xa về việc đưa vụ án ông Châu đi quá xa như vậy. Việc đó sẽ gay rất nhiều khó khăn với báo chí và Quốc hội Mỹ.
4/ Bình luận: Mặc dù vụ này chưa được vừa ý theo quan điểm của ta nhưng tôi cho rằng ở vào giai đoạn này tôi bàn bạc với ông ta đến như thế cũng đã là hết mức.
Kỳ tới: Nguyễn Cao Thăng tố Mỹ vụ Tết Mậu Thân.
Bìa sách “Vụ Án Trần Ngọc Châu”, 504 trang, ấn phí 25 mỹ kim. Sách gửi tận nhà trong nước Mỹ thêm $5 cước phí. Bạn đọc và các đại lý xin liên lạc Việt Báo:
14841 Moran St.
Westminster, CA 92683
(714) 894-2500