Gối đầu lên Hàm Rồng, Lắng Nghe Khúc Mưa Sầu...
Võ ý
...."Trần Duy Đức tìm đến với âm nhạc khi còn rất trẻ. Họ Trần đã thành công rất sớm, khi chưa được hai mươi, với những ca khúc mang tính quân hành hoặc, hùng ca, tự những ngày mới mặc áo lính "trấn thủ" địa đầu...Pleiku".... (Lộ Trình Thơ, Nhạc Trần Duy Đức, Trang nhà dutule.com).
Ca khúc mang tính quân hành mà nhà thơ Du Tử Lê đề cập trong bài tiểu luận "Lộ Trinh Thơ, Nhạc Trần Duy Đức", là bài Sư Đoàn 6 Không Quân Hành Khúc, chào đời tại phi trường Cù Hanh vào thập niên 70 dưới thời cố Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, nguyên tư lệnh Sư Đoàn KQ tân lập nầy.
Như một liều đa sinh tố, SĐ6KQ Hành Khúc đã giúp thắm da thắm thịt cho Sư Đoàn và mang lại sinh lực cho các KQ đang trấn thủ vùng tam biên lửa đạn mịt mù.
SĐ6KQ Hành Khúc còn vang vọng ngày hôm nay trong các dịp họp mặt của các cánh chim Pleiku bỏ xứ năm nào...
Bên cạnh khúc quân hành, nghệ sĩ Trần Duy Đức còn có những thao thức về tình yêu, về thân phận một chinh nhân trấn thủ lưu đồn, trong khung cảnh nhạt nhòa mưa rơi mà cõi lòng thì u tịch như rừng như núi.
Theo chị Nguyệt Hạnh, nội tướng của nhạc sĩ tiết lộ thì Khúc Mưa Sầu là một trong những tác phẩm đầu tay của Trần Duy Đức được sáng tác tại Pleiku vào khoảng 1971-1972. Khúc Mưa Sầu có tiết tấu nồng nàn róc rách và trầm lắng của chim muông và của thác ngàn cao nguyên hùng vĩ.
Khúc Mưa Sầu thể hiện tính mẩn cảm của một tinh hoa vừa phát tiết ra ngoài của nghệ sĩ chinh nhân tài hoa Trần Duy Đức.
Khúc Mưa Sầu
Nằm nghe ngày tháng rơi đều,
ngoài hiên mưa đọng bọt bèo,
tình nghèo trong nấm mộ rêu,
trở mình nghe những quạnh hiu.
Ôi! nằm nghe,
ngoài hiên giọt rớt bên thềm.
Lặng yên, ta gọi tình quên.
*
Biệt ly gởi gắm đôi lời,
trời mưa ru ngập hồn người,
hồn rời xa mãi ngàn khơi,
sầu người viễn xứ tả tơi.
Ôi! ngày qua,
bàn chân nào đếm ưu phiền.
Đường xa, chân mỏi tình quên.
*
Mây về đâu!
Ngày qua ngày mãi lang thang,
giọt rơi sầu khúc hoang mang,
sầu rơi một kiếp chưa tan,
từng đêm mưa nặng hồn mềm.
*
Ta về đâu!
Ngày qua ngày mãi lao đao,
phù du một thoáng hư hao,
nằm nghe ngày rớt đêm thâu,
tình ơi! Thân phận hồn thâu.
*
Cầm tay một cánh hoa tàn,
hồn xưa chưa trở về ngàn,
bàng hoàng nghe những giọt tan,
gọi hồn ta tiếng thở than.
*
Ôi! về đâu,
hồn xưa một cánh hoa tàn,
(Trần Duy Đức)
(youtube nhạc Khúc Mưa Sầu)
Người xa quê cứ nhớ quê nhà.
Mấy hôm nay trời nóng, lòng cứ ước mong mưa.
Mưa Cali gợi nhớ mưa Pleiku.
Tôi gối đầu lên mép núi Hàm Rồng, cắn cỏ xanh nhìn mây bay và nghe Khúc Mưa Sầu của Trần Duy Đức.
Lòng tôi chập chùng muôn vàn suy tưởng về quê hương, về thân phận lưu đày.
Giọng ca nồng nàn và réo rắt của ca sĩ Ngọc Lan qua hai điệp khúc đã thực sự như màn mưa phố núi năm nào, ướt sủng tuổi thanh xuân phù du một thoáng hư hao của tôi...
Mây về đâu! Ngày qua ngày mãi lang thang, giọt rơi sầu khúc hoang mang, sầu rơi một kiếp chưa tan, từng đêm mưa nặng hồn mềm.
Ta về đâu! Ngày qua ngày mãi lao đao, phù du một thoáng hư hao, nằm nghe ngày rớt đêm thâu, tình ơi! Thân phận hồn thâu.
Qua Khúc Mưa Sầu với ngày qua ngày mãi lao đao đó đã thôi thúc tôi viết mấy dòng để gởi đến những cánh chim bỏ xứ mà lòng hằng mơ một ngày về thăm lại núi cũ rừng xưa trong cơn mưa hân hoan đoàn viên thịnh trị...
võ ý
05/2011