DỰ ÁN 'NHÌN LẠI VẤN ĐỀ THUYỀN NHÂN' THƯ VIỆN Qh
Tâm Việt
Chủ-nhật vừa qua, mồng 4 tháng 1, do lời mời của tổ-chức Voice of Vietnamese Americans, khoảng 60 người hoạt-động ở trong vùng, trong đó có nhiều anh chị em trẻ, đã đến mừng Xuân ở một tư-gia vùng Fairfax gần Annandale, trước hết là để gặp gỡ chia vui trong ngày đầu năm tây và sau là để bàn một vài dự-án có thể làm chung trong năm.
Nhân dịp này, bà Reme Grefalda, người lo về Sưu tập Tài-liệu Người Mỹ gốc Á-châu Thái-bình-dương thuộc Thư-viện Quốc-hội (Asian Pacific American Collection, Library of Congress), được mời nói chuyện về dự-án "Nhìn Lại Vấn-đề Thuyền-nhân" ("Boat People Retrospective" Project) mà văn-phòng của bà đang cộng-tác với một số tổ-chức trong cộng-đồng VN nhằm đưa tiếng nói của người Mỹ gốc Việt vào trong Thư-viện Quốc-hội.
Đã được bàn từ tháng 5-2008
Theo sự trình bầy của bà Grefalda, dự-án này đã bắt đầu được bàn thảo từ tháng 5 năm ngoái (2008) giữa bà và một số người trong cộng-đồng VN, với sự tiếp tay tích-cực của cô Genie Nguyễn đại diện cho tổ-chức Voice of Vietnamese Americans. Phần đối-tác với văn-phòng của bà trong giai-đoạn đầu tiên gồm Uỷ-ban Cứu Người Vượt Biển, tức Boat People S.O.S., đại diện bởi Tiến-sĩ Nguyễn Đình Thắng, một chuyện đương-nhiên do bởi tính-cách của dự-án; G.S. Nguyễn Ngọc Bích, Chủ-tịch Nghị-hội (Nghị-hội đã từng tiếp tay trong việc thực-hiện một số dự-án của hệ-thống bảo tàng Smithsonian); ông Nguyễn Hữu Vinh, Chủ-tịch hãng địa-ốc Westgate Realty; bà Lê Tống Mộng Hoa, nguyên-chủ-tịch Hội Quảng Đà vùng HTĐ.
Vì người Mỹ làm cái gì cũng thích lập kế-hoạch cặn kẽ nên đến Chủ-nhật vừa qua, bà Grefalda mới chịu công-bố dự-án này. Bà giải thích: "Người Việt đã có mặt ở Mỹ một cách đông đảo từ mùa Xuân năm 1975, cách đây cũng đã gần 34 năm. Văn-phòng của tôi có trách nhiệm thu thập những 'tài-liệu gốc' (original materials) từ chính những người làm nên lịch-sử nước này. Vì thế nên chúng tôi rất mong có những tài-liệu viết hay nói hay thu hình từ chính những người tỵ nạn Việt-nam, đặc-biệt các thuyền-nhân, do đó nên dự-án mới gọi là 'Boat People Retrospective.'"
Tiếp lời bà Grefalda, ông Nguyễn Ngọc Bích góp ý: "Đây là một cơ-hội rất quý để cho chúng ta viết nên 'lịch-sử do hàng nghìn người' bởi để bảo quản những tài-liệu này, chúng ta không thể đòi hỏi những điều-kiện tốt hơn được. Những tài-liệu chúng ta đưa vào mà Thư-viện Quốc-hội Mỹ nhận sẽ nói lên những kinh-nghiệm sống của chính chúng ta mà không ai khác, như báo chí hay đối-phương, có thể xuyên-tạc được vì đó chính là lời chứng của bản-thân chúng ta. Thư-viện Quốc-hội sẽ lưu trữ những tài-liệu này cho con cháu chúng ta, cho những thế-hệ người Mỹ tương-lai, và cho lịch-sử Hoa-kỳ. Vì thế nên chúng tôi xin rất khuyến khích mọi người tham-gia đáp ứng lời kêu gọi của bà Grefalda, viết về mình, viết về gia-đình mình, đặc-biệt là kinh-nghiệm đi qua bao nhiêu hiểm nghèo để có thể ra khỏi VN, đi qua các trại tỵ nạn ở khắp Đông-Nam-Á, từ Nam-dương, Mã-lai, Thái-lan, Phi-luật-tân, Hồng Kông v.v., rồi mới sang được định cư ở Mỹ. Rồi những ngày đầu dựng lại sự-nghiệp ở xứ này
"
Dịp này, bà Grefalda cũng cho phân-phát một tờ "Call for Papers" (Mời Viết) để Quý-vị nào có kinh-nghiệm đặc-biệt muốn ghi lại, có thể gởi tới trước cho văn-phòng của bà một đề nghị viết về đề-tài đó (từ 500 từ/words trở xuống) trong vòng vài tuần tới. Văn-phòng sẽ mời một ban duyệt lại các đề-tài để lựa chọn một số người có triển-vọng kể lại những câu chuyện thật hấp dẫn. Những "papers" (bài viết) nào hay sẽ được tuyển lựa để đưa vào một cuốn sách mang tên "Boat People Retrospective" do chính Thư-viện Quốc-hội in và trình làng vào đầu tháng 5 năm nay (2009) nhân Tháng Di-sản Người Mỹ gốc Á-châu Thái-bình-dương.