Lời tựa
Báo chí trong nước đang phải chịu một chế độ kiểm duyệt còn hà khắc hơn cả thời phong kiến thuộc địa, đó là hậu quả của chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam.
Người Việt hải ngoại hiện đang sống ở những nước tự do, khi đọc báo chí trong nước hẳn sẽ cảm thấy vô cùng khổ tâm, bởi những sự thật hoặc là bị bóp méo do chế độ kiểm duyệt, hoặc là phải nói bóng nói gió – chỉ người tinh ý mới nhận ra quan điểm thực - để qua được chế độ kiểm duyệt, những đoạn viết gò ép như bị kẹp chặt giữa hai gọng kìm thép của Ban tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tôi hi vọng loạt bài này sẽ góp phần làm sáng tỏ một vấn đề cơ bản, đó là “Cơ chế đẻ ra sâu mọt”, mà nếu không nghiên cứu thì sẽ không thể hiểu được tình hình kinh tế - chính trị ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả
Tháng 5 – 2008
Bài 1
Công nghiệp hóa kiểu xẻo đất màu nông nghiệp
Những con số mà các chuyên gia đưa ra sau đây sẽ khiến nhiều người phải giật mình:
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên – Môi trường, trong vòng 5 năm từ 2001 -2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp tới trên 366 nghìn ha, chiếm 3,9% đất nông nghiệp đang sử dụng. Bình quân mỗi năm thu trên 73 nghìn ha.
Theo cách tính toán khá chi li của Cục HTX-PTNT (Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn), mỗi ha đất thu hồi ảnh hưởng tới 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm đã làm đời sống của 2,5 triệu người bị lung lay.
Trong đó, vùng Đồng bằng Sông hồng có số hộ bị thu hồi lớn nhất với khoảng 300.000 hộ, kế đến là vùng Đông Nam bộ với khoảng trên 100.000 hộ. Hai địa phương có số hộ bị thu hồi đất lớn nhất là Hà Nội với 138.291 hộ và TP HCM là 52.094 hộ.
Bắc Ninh là tỉnh “trải thảm đỏ” tương đối sớm mời các nhà đầu tư. 10 năm sau, tại tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước này các Khu Công nghiệp mọc lên như nấm. 3.000 ha đất nông nghiệp bị “xén” mất và theo thông kê thì cứ 5 hộ dân có 1 hộ mất đất canh tác. Có những thôn, xóm 90 – 95% diện tích đất nông nghiệp đã “khai tử”.
Đất thu hồi phần lớn thuộc diện “bờ xôi ruộng mật”. Xã Tiền Phong ( Mê Linh – Vĩnh Phúc) có 562 ha đất nông nghiệp nhưng đã “hiến” để làm công nghiệp tới 257 ha. Điều đáng nói, số đất bị lấy đi thuộc diện màu mỡ.
Điều rất bất công nữa là, có tới hàng triệu nông dân đang lao đao vì mất tư liệu sản xuất thì các Khu công nghiệp sau khi đã giải phóng mặt bằng lại rơi vào giai đoạn “ngủ đông”. Tại 4 tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, có tới 50% diện tích đất đã giải phóng thuộc diện “quy hoạch treo”.
Điều tra ở 12 Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất với tổng diện tích diện tích trên 2.000 ha thấy tỉ lệ sử dụng đất và lấp đầy KCN chưa đạt 50%, thậm chí có nhiều nơi chỉ đạt dưới 10%; đã khiến ông Bộ trưởng Mai Ái Trực phải thốt lên: “Với cách quản lý thiếu trách nhiệm và lãng phí như thế này thì không hiểu 10 năm, 20 năm sau, con cháu chúng ta sẽ sống ra sao.”
Chưa nói đến 10 năm, 20 năm, mà ngay bây giờ người nông dân mất đất sẽ sống ra sao" Hầu hết khi các doanh nghiệp vào lấy đất đều đưa ra cam kết ngon ngọt là sẽ tạo công ăn việc làm cho người mất đất, nhưng khi xong rồi thì “sống chết mặc bay”, với hàng tá lý do. Cục HTX – PTNT đưa ra con số đáng lo ngại là có tới 67% số lao động mất đất vẫn phải “bám” nghề nông để sống và thêm 20% nữa thì chịu cảnh nghề ngỗng lông bông hoặc không ổn định. Có nghĩa là, chỉ có 13% là tìm được công việc mới. Một điều đáng lo ngại hơn, tới 53% số hộ có thu nhập giảm so với trước khi bị thu hồi đất và số hộ khá khẩm hơn lên chỉ là 13%.
Quan chức địa phương, cán bộ cơ sở dường như đang bị “hút hồn” bởi những dự án công nghiệp. Trái ngược với sự lo lắng, buồn bã của nông dân, cán bộ cơ sở tỏ ra rất vui, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tiếp cận dân để vận động họ đi họp nghe giới thiệu về dự án, giải phóng mặt bằng, lấy tiền đền bù. Tỉnh nào cũng trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, “doanh nghiệp vào chỉ đất ở đâu là chính quyền tỉnh cắm đất ở đấy.”
PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn thông báo, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn đang xây dựng đề án về “Chiến lược đảm bảo an ninh lương thực”, dự kiến sẽ hoàn thành vào 8/2008. Trong đó, yêu cầu đặt ra trước tiên là đảm bảo diện tích lúa ít nhất là 3,8 - 4 triệu ha. Con số này là cố định, “bất khả xâm phạm”.
Tuy nhiên, việc giữ đất lúa không dễ khi Việt Nam vẫn đang thiếu một bản quy hoạch tổng thể vùng công nghiệp và nông nghiệp. Chính vì không có cái khung pháp lý cho chính quyền địa phương nên nhiều nơi vẫn “tự tung tự tác, xà xẻo đất lúa để làm dự án công nghiệp, đô thị, du lịch…”
Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, TS. Nguyễn Văn Tuất, lo ngại, trái đất ấm lên, mực nước biển dâng cao, việc sử dụng lương thực làm nguyên liệu sinh học, hiện tượng sa mạc hoá... đang là những nguy cơ hiện hữu đe dọa an ninh lương thực. Việt Nam cần làm sao đảm bảo 35 - 36 triệu tấn gạo/năm, xuất khẩu 5 triệu tấn và đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Theo ông, diện tích đất lúa có thể giảm hơn 10.000 ha/năm nhưng phải đảm bảo tổng sản lượng bằng cách tăng năng suất, nâng cao giá trị lúa trên một đơn vị diện tích.
TS Phạm Sĩ Liêm -Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: “Đừng nghĩ rằng, chúng ta đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo là tưởng chúng ta nhiều đất. Các nhà khoa học đã tính toán rằng, dân số nước ta phải tăng đến 120 triệu dân thì mới ổn định. Như vậy, chúng ta phải tính đến chuyện để ruộng mà nuôi 40 triệu người tăng thêm nữa. Phải bảo vệ bảo vệ tương lai của con cháu chúng ta, thì đó mới được gọi là phát triển bền vững.”
Đó là những con số biết nói. Quả thực, Việt Nam đang “Công nghiệp hóa kiểu xẻo đất màu nông nghiệp, Hiện đại hóa kiểu nhập công nghệ lỗi thời về gia công”, Nước ta đã thành một “bãi rác” để các nước phát triển thải rác, thải công nghệ lỗi thời vào. Các Khu công nghiệp phần lớn là công nghệ đã lỗi thời, không có các biện pháp sử lý môi trường phù hợp tiêu chuẩn, lại nằm dọc quốc lộ, gần khu dân cư, khiến cho môi trường ở các khu dân cư và vùng đất nông nghiệp quanh đó bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Đất ruộng đã chuyển sang làm công nghiệp thì không thể dùng lại để trồng lúa được nữa, đồng nghĩa với việc nhiều nông dân mất đất sẽ mất luôn nghề kiếm sống.
Đó thực sự là thảm họa về Môi trường, Dân sinh và An ninh lương thực Quốc gia. Cho dù Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương không được lấy đất “bờ xôi ruộng mật” làm công nghiệp. Nhưng, các địa phương vẫn “xẻo” đất màu một cách vô tội vạ. Cho thấy việc làm này đã được hậu thuẫn từ các quan chức cao cấp ở trung ương, cho nên trên cứ cấm, dưới cứ xẻo.
Có vài trường hợp đã bị kỷ luật, nhưng đó chỉ là sự thay đổi người sẽ tiếp tục được “xẻo” đất mà thôi, không có dấu hiệu của việc ngừng lấy đất màu để làm công nghiệp.
Số lao động làm nghề nông và diện tích đất nông nghiệp có thể giảm nhưng phải đảm bảo năng suất và sản lượng nông nghiệp nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa nông thôn. Đó là nguyên lý cơ bản mà ai cũng hiểu, tuy nhiên người ta đã cố tình lẩn tránh và không làm theo chỉ vì mối lợi trước mắt.
Cuối cùng, do các địa phương chạy đua lấy đất ruộng làm công nghiệp nên diện tích đất nông nghiệp giảm, sản lượng lương thực cũng giảm theo, số lượng lớn nông dân mất đất bị thất nghiệp trở thành gánh nặng đè lên xã hội, bao nhiêu lợi ích từ “đất” đã chui vào túi các quan chức địa phương và các nhà đầu tư. Bức tranh Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam đã mang một màu ảm đạm nhất trong lịch sử.
Không phải do chủ trương, đường lối sai, vậy thì do đâu" Trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn mới đây (Ngày 8-3-2008), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhắc nhở: “Đất nước ta “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” nên đất dùng cho nông nghiệp phải có quy hoạch khoa học. Tại sao đến bây giờ trung ương mới nhận ra thực tế đó" Một việc rõ ràng sờ sờ ra đấy, vậy mà đến bây giờ người đứng đầu và có trách nhiệm cao nhất của đảng mới nhắc nhở" Phải chăng chính ông này đã “ăn đủ” rồi, nên bây giờ nhắc nhở mọi người phải “ăn vừa” thôi.
Các quan chức cấp cao ở trung ương đã hậu thuẫn cho địa phương làm bừa, giờ đã đến lúc cảm thấy tình hình cấp bách và tiềm ẩn nhiều yếu tố động loạn, nên mới nhắc nhở và bật đèn xanh cho các cơ quan báo chí lên tiếng, nhằm xoa dịu quần chúng, dọn đường cho những việc làm tiếp theo. Và chiêu bài mị dân quen thuộc của chính quyền vẫn là “ổn định xã hội”.
Thể chế đảng toàn trị tất yếu sẽ dẫn đến bọn tập đoàn lợi ích cơ hội thao túng, lũng đoạn nền kinh tế - chính trị. Bọn chúng đã giải thích chủ nghĩa Mác theo hướng hợp pháp hóa việc làm sai trái của mình, tựa như việc giải thích xã hội Việt Nam ổn định đó là thành tựu lớn của CNXH. Thật là ngu dốt và ấu trĩ về chủ nghĩa Mác, phản bội trắng trợn. Xây dựng CNXH theo Mác là một cuộc cách mạng thực sự, là cuộc đấu tranh không ngừng để xóa bỏ những thứ cũ kĩ lạc hậu, chứ không phải áp đặt sự ổn định lên xã hội trong trì trệ và nghèo đói. Bọn tham quan liệu có hiểu điều đó không"
Bọn chúng không bao giờ hiểu được điều đó, chúng không có liêm sỉ, lương tâm của chúng bị bán rẻ, chúng thoải mái hưởng thụ xa hoa trên sự bần cùng khốn khổ của quần chúng, bọn chúng còn xấu xa hơn cả phát xít, chúng không phải là người Cộng sản mà là bọn lừa đảo chính trị. Nông dân Việt Nam lại một lần nữa bị mất đất vào tay bọn tham quan ô lại, như đã từng mất vào tay địa chủ, phong kiến thực dân trong quá khứ.
Đó là nỗi nhục của cả một dân tộc.
(Trần Quốc Hiên - ĐảngDCND, www.ddcnd.org)