Hôm nay,  

Đọc Thơ Tùy Anh: Quê Hương, Mẹ, Tình Bạn, Tình Yêu và Đạo Pháp

06/09/202309:26:00(Xem: 2150)

bia tap tho Tuy Anh

 

“Còn một chút quê hương trong màu nắng

Thêm mặn mà trên từng đợt phù sa!”

 

Đó là hai câu thơ trong bài “Tháng Tư Ngóng Về Phương Đông” trong tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” của nhà thơ Tùy Anh mà tôi may mắn đọc được.

Đó là hai câu thơ mà chỉ cần đọc qua một lần tôi đã không thể quên được, bởi vì nó quá nên thơ và tuyệt vời khi diễn tả tâm trạng nhớ quê hương của nhà thơ lưu vong Tùy Anh dù thời gian có là bao lâu, dù không gian có là nơi nào. Đơn giản chỉ bằng hai câu thơ, nhà thơ Tùy Anh đã có thể vẽ nên bức tranh miêu tả tâm cảnh của một người nhớ quê hương da diếc theo tháng ngày lưu vong và tia nắng hy vọng vẫn rực rỡ!

Nhà thơ Tùy Anh còn có bút hiệu khác là Phù Vân, một bút hiệu rất thơ mộng mà mỗi khi nhắc tới tôi không thể không liên tưởng đến khung trời lãng mạn với vầng mây trôi bồng bềnh, thong dong, chợt có chợt không. Hoặc tôi lại nghĩ tới uy danh của một vị thiền sư sống ẩn dật trên núi Yên Tử là Quốc Sư Phù Vân, người đã từng dạy cho Vua Trần Thái Tông câu Thiền ngữ thâm thúy, “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm” (Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm). Có lẽ nhà thơ Tùy Anh khi lấy bút hiệu khác là Phù Vân đã nghĩ tới vị thiền sư và câu Thiền ngữ độc đáo này. Chẳng thế mà trong tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” bàng bạc Thiền vị và Pháp vị. Tôi bắt gặp ý nghĩ này trong bài thơ “Trở Giấc Đêm Xuân,” mà trong đó nhà thơ Tùy Anh đã tự giới thiệu mình.

“…em nhìn xem trên khung trời xanh biếc

đám phù vân nào vẫn mãi lang thang?

đó là anh với ước vọng vô vàn

thênh thang được đặt chân lên đất tổ!”

Tôi chưa một lần gặp mặt nhà thơ Tùy Anh ngoài đời, nhưng tôi đã biết anh từ lâu vì những hoạt động và đóng góp của anh cho văn hóa và văn học Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam ở xứ người trong nhiều thập niên qua, đặc biệt thông qua tờ báo Viên Giác do Hòa Thượng Thích Như Điển làm Chủ Nhiệm và anh làm Chủ Bút. Vài năm gần đây, qua những sinh hoạt trên Zoom của Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tôi đã nhìn thấy anh qua màn ảnh máy điện toán.

Tập thơ được đặt tên là “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian.” Tên của tập thơ đã cho người đọc hiểu được phần nào tâm cảnh của nhà thơ và ý hướng triết lý ẩn chứa bên trong tập thơ này. Mấy chữ “dâu bể” và “thời gian,” cho người đọc liên tưởng đến bản chất vô thường biến dịch không dừng trụ của cuộc đời, của tất cả các pháp trên thế gian, bao gồm thời gian và không gian. Nhưng, mấy chữ “cũng đành,” gợi mở cho người đọc hiểu được thái độ của nhà thơ: tùy duyên đối với vạn cảnh, hay chấp nhận điều không thể trốn chạy vì đó là quy luật thiên thu của vũ trụ. Ngay nơi tựa đề của tập thơ cũng cho người đọc nhận ra một chút manh mối rằng tác giả của tập thơ phải là người từng trải bao kinh nghiệm cuộc đời. Bài thơ chủ đề “Thôi Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” cho người đọc cảm nhận được điều đó.

“Xin mời bạn, rượu nồng quên ngày tháng

Nhớ làm chi, bèo bọt chuyện mây trôi!

Ly chưa cạn mà nghe đời đã cạn

Ai đong đầy cho thế sự đầy vơi?

Hãy đón Xuân như đón niềm mong đợi

Buổi giao mùa còn đọng… chút men say.

Dù năm mới ngọt từng lời mời gọi

Cũng chỉ là gió thoảng với mây bay!

 

Nào ai hiểu Xuân như người tình phụ

Mỗi lần Xuân, mỗi quay quắt bất an!

Nhưng ta hiểu đã làm thân lữ thứ

Thôi cũng đành dâu bể với thời gian!”

Tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” của nhà thơ Tùy Anh chuyên chở tâm trạng nhớ quê hương của một người tị nạn sống lưu vong và trên quê hương đó còn có bóng dáng không phai mờ của người Mẹ hiền của nhà thơ. Còn nữa, tập thơ còn chuyển tải đến người đọc chân tình bằng hữu, tình yêu ngọt ngào và đạo lý giải thoát của Nhà Phật.

Từ khi rời bỏ đất nước ra đi để thoát cảnh đọa đày trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn ở Việt Nam và đi tìm cuộc sống tự do nơi xứ lạ quê người, quê hương đối với nhà thơ Tùy Anh dù không còn là mảnh đất nâng đỡ từng bước chân lưu lạc trong cuộc sống tha hương vẫn là một thứ hình ảnh và tình cảm đã thấm sâu vào huyết quản mà lúc nào anh cũng canh cánh bên lòng dù đã mấy mươi năm cách xa biền biệt.   

“Thôi đành vậy, ba mươi năm viễn xứ

Như mây trời phiêu bạt tận mười phương!

Vẫn hun hút trên dặm ngàn lữ thứ

Ôm xót xa bao nỗi nhớ niềm thương.” (Ba Mươi Năm Viễn Xứ)

Nỗi nhớ quê hương đã gây cho nhà thơ Tùy Anh niềm cảm thông sâu sắc tâm trạng của nhà thơ Thế Lữ trong bài thơ “Nhớ Rừng” của thời Tiền Chiến xa xưa và tạo cảm hứng cho anh họa lại bài thơ đó để thổ lộ tâm sự của mình:



“Ta đeo đẳng cả trăm thương ngàn nhớ

Thuở lưu đày vương vấn chuyện ngày xưa

Tuổi trẻ mộng mơ, biển cả, rừng già

Khi tha thiết suối nguồn, khi đậm tình sông núi

Khi cuồng nhiệt cất tiếng ca vang dội…”

Tâm trạng nhớ quê hương của nhà thơ Tùy Anh càng thêm se sắt vào mỗi độ Tháng Tư về. Tháng Tư là tháng đánh dấu biến cố đau thương nhất của người dân Miền Nam Việt Nam khi Cộng Sản Miền Bắc xua quân xâm chiếm toàn đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bài thơ “Tháng Tư Ngóng Về Phương Đông” là tiếng kêu thống thiết của loài chim “quốc”:

“Mỗi buổi sáng khi mặt trời thức giấc

Nghe tiếng chim tha thiết gọi bình minh

Ngóng về phương đông, lòng thêm quặn thắt

Cố hương ơi! sao vẫn mãi điêu linh?”

Trên cố hương ấy, còn có người Mẹ già mà nhà thơ Tùy Anh vẫn hằng nhớ thương. Ở trên thế gian này không có gì thiêng liêng và cao quý cho bằng tình Mẹ.

“Trên trần thế,

có nơi nào đẹp đẽ

bằng hình ảnh Mẹ trong tâm!

Ở nhân gian

có kỳ quan nào hùng vĩ

bằng thần tượng Mẹ trong đời!” (Rồi Một Ngày Nào, Mẹ Ơi…)

Người con nhờ tình thương của Mẹ mà khôn lớn và trưởng thành. Cho nên, dù người con có một trăm tuổi vẫn nhớ “lời mẹ ru” từ thuở ấu thơ, như nhà thơ Tùy Anh kể trong bài thơ “Mẹ Trong Nỗi Nhớ Khôn Nguôi.”

“Nghìn năm sông nước đầy vơi

Con, trăm năm vẫn nhớ lời mẹ ru

Vòng tay mẹ ủ hương nhu

Bao nhiêu âu yếm cũng từ đấy thôi.”

Dường như tình yêu của nhà thơ Tùy Anh dù không thiếu hương vị lãng mạn, ngọt ngào, nhưng lại được tô thắm một chút sắc màu mơ màng và lãng đãng như ánh trăng lung linh hàng cau ngoài dậu. Bài thơ “Em và Trăng” đã nói lên điều này. 

“Hôm em về quê cũ

Trăng vằng vặc dõi theo

Em thấm đời lữ thứ

Ngủ quên trong kinh chiều.

 

Anh trầm trong cõi tịnh

Trăng lung linh hàng cau

Mơ màng giấc thiền định

Đành bỏ quên đời nhau!”

Phải chăng vì nhà thơ “ngủ quên trong kinh chiều” mà bỏ quên tình yêu của mình? Chắc là không phải, bởi vì bài thơ “Lần Nữa Cảm Ơn Em” đã cho người đọc thấy.

“Viết cho em giữa mùa trăng lời yêu không nói hết

Lời thiết tha bàng bạc, dịu ngọt cõi thanh yên

Đó là nhân ta gieo trồng từ vô lượng kiếp

Nay là quả ta gặt hái theo từng độ nhân duyên.”

Tình bạn trong nhà thơ Tùy Anh cũng rất mực đậm đà, chân thật. Khi tiễn biệt người “bạn hiền” Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, anh đã không giấu được cảm xúc trống vắng khi mất bạn.

“Từ giã nhé, cuộc đời đầy huyễn mộng

Đời thư sinh, màu áo trắng hoang sơ

Nghe trong nắng có tiếng cười lồng lộng

Mà âm vang nghe lạnh cả hư vô…”

Điểm đặc biệt và nổi bật trong tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” của nhà thơ Tùy Anh là giáo nghĩa của Đạo Phật bàng bạc khắp nơi cho dù là nỗi nhớ quê hương, tình Mẹ, tình bạn hay tình yêu. Tư tưởng Phật học chừng như đã thấm sâu trong từng nhịp thở con tim và trong từng niệm tưởng của nhà thơ Tùy Anh làm cho nó tuôn chảy ra theo lời thơ một cách tự nhiên không gắng gượng. Bài thơ “Qua Ngõ Phù Vân 2” là một thí dụ điển hình.

“Này em, thế sự đổi thay

Trăm sông ngàn suối nào quay về nguồn?

Bâng khuâng nhìn giọt mưa tuôn

Ngẩn ngơ cảm những giọt buồn thế nhân!

 

Em về qua ngõ phù vân

Buồn vui thôi cũng chỉ ngần ấy thôi!

Vinh hoa để lại cho đời

Thị phi cũng để cho người thị phi!

 

Thương làm chi, ghét làm chi

Hơn thua thêm nặng chu kỳ hóa thân!

Em đi vào cuộc hồng trần

Anh về lãng đãng mấy tầng mây xa”

Nhờ thấm nhuận giáo lý Nhà Phật, nhà thơ Tùy Anh dù đang bị bệnh nằm trong Bệnh viện AK Aklepios Harburg, ngày 4 tháng 6 năm 2023 vừa qua cũng thản nhiên chấp nhận “nghiệp quả” và an nhiên niệm Phật.

Dang tay ôm nghiệp quả

Thiện ác tự tiền duyên

Âu cũng đều nhân quả

Không ta thán oán phiền.

 

Hôm nay vào bệnh viện

Phát hiện lắm hoài nghi

Sợ rằng gặp tai biến

Cần chữa trị cấp kỳ.

 

Đong đưa bình nước biển

Nhỏ từng giọt Cam Lồ

Theo kinh cầu đại nguyện

Nhịp nhàng tiếng Nam Mô.”

Đó chính là lợi ích lớn lao và cụ thể mà một người Phật tử như nhà thơ Tùy Anh có tín tâm và tinh tấn hành trì lời Phật dạy đạt được ngay trong đời này.

Khép lại tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” của nhà thơ Tùy Anh, lòng tôi tự nghĩ rằng phải chăng chính tâm hồn an nhiên tự tại và giải thoát nhờ thấm nhuận giáo lý Nhà Phật đã giúp anh có được nguồn cảm hứng và sáng tạo vô bờ để cống hiến cho nền văn học Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam những áng thơ làm rung động lòng người!

Xin cảm ơn nhà thơ Tùy Anh. Cầu mong anh “chân cứng đá mềm” để tiếp tục con đường phục vụ Đạo Pháp và Dân Tộc.

Mỹ quốc, những ngày giữa mùa Hạ 2023

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Gọi là “Hạnh ngộ” vì đây là sự kiện thi ca hiếm có xảy ra tại Việt Nam, do một cá nhân, chính là dịch giả chuyển ngữ đề xướng và được hơn 240 tác giả thơ ở khắp nơi trong nước và 60 tác giả thơ hải ngoại, sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia trên thế giới cùng “gặp nhau” trong một tuyển tập “đồ sộ” song ngữ Việt-Anh, mang tên “Nhịp Điệu Việt / The Rhythm of Vietnam”...
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ và nay chúng ta đang sống trong giai đoạn 4.0 nên thế giới phẳng. Nhờ đó có sự kết nối giao lưu tương tác giữa những người có cùng sở thích. Trong số những tín đồ thi ca, tác giả Ngọc Trân là một trong những cây bút sáng tác nhiều thơ trữ tình. Gần đây anh có gửi cho tôi bản thảo tập thơ Tìm Lại Dấu Xưa sắp xuất bản có trên 100 bài...
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm vừa ấn hành một tác phẩm có nhan đề sách rất dài: “Tuồng Bảy Mối Tội Đầu của LM Hồ Ngọc Cẩn và Tuồng Joseph – 1887 của Trương Minh Ký.” Cuốn sách này là tuyển tập 2 vở tuồng được viết trong tinh thần Công Giáo của vùng đất Nam Bộ của thời kỳ cuối thế ký thứ 19 và đầu thế kỷ 20. Đây là ấn bản 2023 do GS Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và chú giải.
Bút danh Ninh Giang Thu Cúc, có lẽ bạn đọc miền Nam từ năm đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ XX cũng đã từng biết tới. Miền đất sông Hương núi Ngự đã góp phần hun đúc, nuôi dưỡng hồn thơ, mạch văn của tác giả và mảnh đất Quy Nhơn, Bình Định là nơi chị cống hiến hết mình với lao động nghệ thuật, nghiên cứu, biên khảo và sáng tác. Những trang viết của chị đầy lòng nhân ái, khiêm cung của người phụ nữ Huế cùng với tinh thần từ bi của người thấm nhuần triết lý Phật giáo. Chúng tôi gọi chị là “Con nhà Phật”...
(LGT: Tòa soạn Việt Báo nhận được ấn bản Số 10 của Tạp Chí Thơ Tân Hình Thức, xin trân trọng giới thiệu qua Lời Tòa Soạn của nhà thơ Khế Iêm.)
Dân tộc chúng ta, có lẽ, không phải là một dân tộc mê sắc đẹp. Truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian của chúng ta không có nữ thần sắc đẹp. Một nhân vật văn học gắn liền với tín ngưỡng dân gian lẽ ra phải đẹp như Quan Âm - Thị Kính thì, theo logic, cũng khó có thể gọi là đẹp bởi, đã giả được trai để đi tu thì, dù rất đẹp trai, làm sao có thể gọi là một cô gái đẹp? Lịch sử cũng vắng bóng người đẹp. Những người đẹp trong lịch sử như An Tư, Huyền Trân, Đặng Thị Huệ, Ngọc Hân v.v.. thì lại đẹp một cách sơ sài, chúng ta hoàn toàn không thể hình dung vì lẽ các sử gia xưa quá ư kiệm lời.
Để Cho Ngày Ngắn, NXB Thuận Hóa, tháng 9/2022, là tập thơ sau 3 tác phẩm sáng tác bằng tiếng Việt và 4 tác phẩm dịch thơ, văn bằng hữu. Sách dày 224 trang với 144 bài thơ, lời giới thiệu của nhà văn Sóng Triều...
Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972. Trùng hợp làm sao đó là năm đầu tiên trường mở lớp B (ban toán) và cũng là năm đầu tiên thời Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Giáo dục chuyển đổi cách gọi các lớp trung tiểu học sang số thứ tự của năm học từ lớp 1 đến lớp 12...
Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương của nhà văn Uyên Thao vừa ấn hành truyện ký Người Mẹ Tìm Con” (NMTC) của nhà văn Lê Đức Luận vào mùa Thu 2023. Tác phẩm dày 352 trang gồm 32 bài viết.
Nguyên tác Drawn Swords on Distant. Dịch giả Phan Lê Dũng. Với 800 trang sách tác giả đã bỏ ra nhiều năm để hoàn tất một tác phẩm đầy đủ về lịch sử Quốc Cộng tại Việt Nam. Chúng tôi đọc qua bản dịch Việt Ngữ rất công phu. Tác phẩm Việt Ngữ này sẽ được ra mắt tại San Jose vào 12 giờ trưa ngày thứ bẩy 12 tháng 12 tại hội trường Santa Clara County.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.