Hôm nay,  

Nhạc phẩm TAI BIẾN và chàng nghệ sĩ trên chiếc xe lăn

08/07/202307:38:00(Xem: 2558)
Văn hóa -- Nghệ thuật

tvan 2
Nhạc sĩ Trần Lê Việt.

 

1.

 

Nhạc sĩ Trần Lê Việt, tác giả của bản nhạc tù quen thuộc, được mọi người nhắc đến, nghe lại vào các dịp kỷ niệm 30 tháng 4 hằng năm: Tháng Tư Đen (hay còn được nhớ nhất với cái tên Tháng Tư 29 ngày 31 đêm) trong dịp sinh nhật thứ 72 đã “được” ngồi xe lăn đi chầm chậm về phía cuối đường (đời). Chàng lãng tử với cây đàn nay không còn có thể “lãng tử” được nữa, dù cây đàn vẫn còn đó, vẫn còn là niềm vui của mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây chàng không phải đánh vật với bệnh tật.
    Dạo trước, nhân tin nhà văn Huy Phương đang chuẩn bị ra mắt tác phẩm (cuối cùng) “Ga Cuối Đường Tàu” giữa lúc đang chống chõi với bệnh tật, Trần Lê Việt đã cảm khái viết “dạo này, nhiều Anh Em Bạn Hữu lần lượt ra đi, nhân thấy cuốn sách GA CUỐI ĐƯỜNG TÀU của Nhà Văn Huy Phương, chợt muốn viết vài dòng.

 

GA CUỐI

 

Rồi cũng đi mà luyến tiếc chi

Hồi còi giục giã phút biệt ly

Tàu đời chuyển bánh về ga cuối

Hành lý mang theo có mấy khi ?

 

Hành lý mang theo được những gì

Một bàn tay vuốt nhẹ bờ mi

Một làn khói trắng tan trong gió

Một tiếng kinh cầu một tiếng chuông

 

Để lại cho nhau những tháng ngày

Những hờn những giận những mê say

Khăn áo bây giờ như mộng ảo

Gối chăn thuở ấy tựa mây bay

 

Để lại cho nhau ni ngậm ngùi

Lời thề vàng đá cuộc buồn vui

Nay kẻ lên xe người đứng đợi

Ga đời lẻ bóng lệ đầy vơi

 

Với Trần Lê Việt, vốn không có “máu” làm thơ, nên những dòng chữ gọi là “bài thơ” này chỉ là nội dung chính cho một bài nhạc mới chuẩn bị ra đời. Chẳng may, bài nhạc chưa kịp định hình, hay đã định hình rồi nhưng tác giả của nó chưa kịp ghi lại thì một mạch máu trong não chàng nhạc sĩ đã “vội vỡ ra”, khiến chàng phải đi cấp cứu bằng trực thăng và sau đó là nhiều tuần lễ trong viện phục hồi với chân trái và tay trái từ chối không chịu cử động theo mệnh lệnh của chủ nhân.
    Từ nay, chiếc xe lăn đã trở thành người bạn gần gũi của Trần Lê Việt, cùng với chiếc keyboard (thay thế cho cây đàn guitar thân thiết bao năm vì tay trái đã không còn khiển dụng được nữa) và tập giấy kẻ nhạc.
    (Và bài thơ GA CUỐI đã thành một nhạc phẩm mang tên GA ĐỜI LẺ BÓNG).

 

https://www.youtube.com/watch?v=mK9Oy94ReyA

 

2.

 

Mấy chục năm qua, tôi đã cùng với Trần Lê Việt đồng hành trong mọi hành trình, từ cuộc sống hằng ngày cho đến các hoạt động văn hóa văn nghệ. Khi về hưu, tôi đã quyết định lìa bỏ thành phố hai gia đình chúng tôi cùng sinh sống từ lúc có đứa con đầu lòng cho đến khi chúng đã trưởng thành bay ra khỏi tổ ấm gia đình. Tôi đã bỏ lại sau lưng nhiều thứ ngẫu nhiên đã cột chặt hai chúng tôi vào với nhau kể từ cái ngày định mệnh 30 tháng 4 năm 1975.
    Cùng vần T của Họ (Trần, Trương), cùng vần V của Tên (Việt, Vấn), cùng tuổi (72), cùng cấp bậc trong quân đội tính đến ngày cuối của cuộc chiến (Trung úy), cùng chức vụ trong công việc hằng ngày ở đơn vị (Trưởng ban văn nghệ), thế nên, trong suốt thời gian của gần 10 năm trong tù, chúng tôi chia chung với nhau chiếc còng số 8 (nghĩa đen hoàn toàn) rong ruổi hết trại tù này đến trại tù khác từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Một lần, trên chuyến xe lửa chuyển tù từ Bắc vào Nam, hai cổ tay hai đứa tôi bị cột chung một chiếc còng sắt, nhưng chúng tôi vẫn xoay sở để Trần Lê Việt đệm đàn bằng chiếc guitar tự chế, còn tôi cất cao giọng ca ốm đói chào mừng miền Nam bằng bài nhạc “Chuyến tàu hoàng hôn” (khi bài hát kết thúc, tôi đổi hai chữ hoàng hôn thành vào nam cho thêm phần kịch tính). Lúc ấy, các cửa sổ toa tầu được lệnh đóng kín để thuốc lá, bánh trái ném vào từ dưới đường không thể đến tay chúng tôi và những bức thư viết sẵn từ đám tù trên tàu không thể ném xuống để nhờ người dân bên ngoài gửi giúp về gia đình. Trong toa lại không một bóng đèn, chỉ thỉnh thoảng có ánh đèn pin của các vệ binh coi tù đi lại kiểm soát. Nhưng tiếng đàn tiếng hát không vì thế mà chững lại. Một tay quản giáo đến chỗ chúng tôi, chĩa đèn pin vào vị trí chiếc còng sắt nối hai cổ tay gầy guộc của hai thằng tù đứa vẫn đang đàn đứa vẫn đang hát, buột miệng: “Bị còng tay thế mà vẫn đàn hát được à?”
    Đến khi ra tù, chúng tôi lại cùng chia nhau những giọt mồ hôi cơm áo hằng ngày giữa một Sài Gòn không còn là Sài Gòn của ngày xưa, không phải là Sài Gòn trong  những bản nhạc chàng nhạc sĩ đã nhiều đêm ấp ủ trong tù. Đã một dạo, tôi và Trần Lê Việt cùng đóng vai “Võ Đại Lang Bán Phở” tại một nhà hàng lừng danh trước 1975 (Choeng Nam) nằm trên đường Hai Bà Trưng quãng ngay ở phía sau trụ sở Quốc Hội cũ (nay là nhà hát thành phố). Đây cũng là một điểm hẹn lý tưởng cho các anh em đồng tù (cải tạo) đến gặp nhau ôn lại chuyện cũ hoặc dừng chân nghỉ ngơi sau những giờ phút vật vã với miếng cơm manh áo trên đường phố Sài Gòn.
    Và chẳng có gì ngạc nhiên, chúng tôi cùng với nhau làm lại cuộc đời trên cùng một mảnh đất nơi xứ lạ quê người (thành phố Wichita, tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ). Nơi đây, chúng tôi đã sinh con đẻ cái (2 đứa họ Trần, 2 đứa họ Trương) chúng đã lớn lên với nhau, trưởng thành với nhau và như hai ông bố của chúng, đã đùm bọc lẫn nhau còn hơn ruột thịt.

 

3.

 

Dường như định mệnh đã trói tôi và Trần Lê Việt vào với nhau bằng một sợi dây tuy vô hình mà kỳ diệu lạ lùng. Cùng mang trong tim một dòng máu đam mê nghệ thuật cháy bỏng, cùng sống hết mình với chất “nghệ sĩ” trót mang từ những ngày trai trẻ năm xưa, một lần nữa (cuối cùng chăng?) chúng tôi lại đồng hành với nhau trên trang web văn học T.Vấn & Bạn Hữu. Năm 2007, Trần Lê Việt cho ra mắt tập nhạc đầu tiên sau nhiều năm tháng thai nghén “MƯỜI LĂM TÌNH KHÚC – CHIẾN MÃ CA”. Chẳng phải ai khác, tôi là người viết TỰA và giới thiệu tập nhạc. Một số những bài hát trong tập nhạc này chúng tôi đã từng hát chung từ những ngày còn ở trong tù. Và còn nhiều, còn nhiều những cái chung khác nữa. Trang mạng văn học TV&BH luôn là nơi đầu tiên lần lượt giới thiệu những CDs nhạc của Trần Lê Việt, những TÌNH CA, KẺ LẠ, ĐỜI NHẠT NHÒA…Những bài tù khúc của TLV có mặt đầy đủ trong chuyên mục TÙ KHÚC mà anh em chúng tôi đã cùng với những tác giả tù khúc khác như Nguyễn Tiến Việt, Trọng Minh, họa sĩ Trần Thanh Châu, youtuber Nguyễn Văn Ngoan dồn hết tâm huyết thực hiện. Có thể nói, không có sự tiếp tay ban đầu của người bạn TLV, chưa chắc tôi đã đủ can đảm khởi xướng việc thực hiện công trình này.
 
4.
 
 
Năm tháng trôi qua. Chúng tôi đã từng có những lần tổ chức sinh nhật chung 120 (60 tuổi), 140 (70 tuổi) với sự có mặt đầy đủ của gia đình con cái mà gần 50 năm trước, khi cùng với nhau hợp thành một tổ lao động hai người đi chặt nứa trong rừng Yên Bái, bị muỗi cắn sưng mặt, cả người trầy xước vì vầu, vì nứa sắc như dao, chúng tôi ngao ngán nhìn nhau mà không thể ngờ sẽ có những ngày như hôm nay.
    Bệnh tật, tuổi tác đã buộc một trong hai người bạn hầu như trở thành “tàn phế”. Nhưng, một lần nữa, tôi kinh ngạc nhìn ý chí mạnh mẽ cương quyết không đầu hàng số phận của bạn mình. Kể từ tháng 11 năm 2021 sau cơn stroke bị liệt nửa người bên trái, TLV đã kiên trì tập luyện để vài tháng sau đã có thể tự mình đi lại được, tuy cánh tay trái có vẻ như không thể nào sử dụng lại được nữa.
    Và những bản nhạc mới của Trần Lê Việt vẫn cứ lần lượt ra đời, khởi sắc hơn, sâu lắng hơn, dù chàng chỉ có một bàn tay mổ cò trên phím keyboard. Từ hai năm nay, trên trang TV&BH đã bắt đầu xuất hiện những bài nhạc mang tên Trần Lê Việt được trang trọng gởi đến độc giả. Từ THÔI CHIA TAY, ĐƯỜNG VỀ, GA ĐỜI LẺ BÓNG, đến XIN NHƯ CHIẾC BÓNG. Đây là những nỗ lực sáng tạo đáng kinh ngạc của Trần Lê Việt sau cơn bạo bệnh tưởng không chết thì cũng đã thành tàn phế.
    Và đến hôm nay là một nhạc phẩm cụ thể nhất, thực nhất, trần trụi nhất: TAI BIẾN.
    Khởi đi từ một bài thơ mà Ngọc Phi, một người bạn tù thân thiết năm xưa viết tặng riêng TLV khi nhìn thấy bạn đóng khung những ngày còn lại của mình trong chiếc xe lăn quái ác:
 
Bài tình buồn
(tâm khúc cho người yêu dấu)
 
Anh đâu biết, có một ngày đau xót
Là một ngày anh không thể ôm em
Dìu em theo những bước nhảy êm đềm
Nhìn đôi mắt em dịu dàng, đắm đuối
.
Anh đâu biết, có một ngày tăm tối
Như pho tượng ngồi u uẩn, lạnh căm
Không thể nhìn em cúi mặt âm thầm
Đẩy bánh xe lăn cuối đời anh lặng lẽ
.
Anh đâu biết, có một ngày không thể
Đưa bàn tay vuốt lệ mắt em rơi
Ôi! bàn tay sao tê dại rã rời?
Như chiếc lá trong vườn thu thương tiếc
.
Anh đâu biết, rồi một ngày tai biến
Xác thân nằm tàn lụi một đêm trăng
Trong bi thương hồn rất đỗi u trầm
Em yêu dấu! Em còn chăng hạnh phúc?
 
(tặng Trần Lê Việt)
-- Ngọc Phi
Tháng /5/2023
 
Và:
 
Tưởng đời ta đã cạn khô
Ngờ đâu nước mắt trượng phu rã rời
Đêm nằm bóng tối chơi vơi
Thương em sầu muộn cuối đời héo hon!
 
Thế là bản nhạc TAI BIẾN ra đời:
 
Anh đâu ngờ có ngày buồn như hôm nay
Một ngày anh không đứng bên em
Không thể dìu em bước theo điệu nhạc
Và nhìn sâu ánh mắt dịu dàng
.
Anh đâu ngờ có ngày buồn như hôm nay
Pho tượng ngồi u uất đơn côi
Sau chiếc xe lăn em âm thầm lặng lẽ
Cố đưa anh qua con dốc sau cùng
.
Làm sao biết có ngày anh không thể
Đưa bàn tay vuốt lệ mắt em rơi
Ôi bàn tay tê dại rã rời
Như gỗ mục trong vườn thu hoang phế
.
Làm sao biết rồi một ngày tai biến
Là tai ương phủ xuống cuộc đời anh
Là bi thương tan nát hạnh phúc em
Là đôi ta chìm cõi u trầm
.
Cứ ngỡ là mình không còn nước mắt
Nước mắt trượng phu khô cạn lâu rồi
Chợt đêm buồn trong bóng tối chơi vơi
Nghe lệ chảy thương đời em úa tàn
 
(TAI BIẾN – Trần Lê Việt)
 

tvan 1

 

Bản nhạc là những lời yêu thương và biết ơn gởi người vợ đã từng đến với mình từ những ngày thân sơ thất sở của gần 40 năm trước. Và bây giờ, nàng lại một lần nữa tận tụy bên chồng như những ngày xưa tấm mẵng và sau gần 40 năm chia ngọt sẻ bùi.
    Để rồi những giọt nước mắt trượng phu đã lặng lẽ đổ ra trong đêm tối chơi vơi, không phải cho thân xác tàn phế của mình, mà là cho người vợ suốt một đời chỉ biết hy sinh cho chồng, cho con, một phụ nữ Việt Nam điển hình dù sống trên xứ người đã 30 năm nay.
    Ngay cái tên bài nhạc: TAI BIẾN đã cho thấy óc sáng tạo, sự nhậy bén của TLV trong sáng tác. Về giai điệu, TAI BIẾN là một bước nhẩy vọt so với các sáng tác tiền-xe-lăn của TLV. Con đường âm nhạc TLV hậu-xe-lăn cho thấy một thế giới khác, sâu hơn, nhiều suy tưởng hơn mà cũng nhiều hình tượng hơn. Thí dụ như:
 
Sau chiếc xe lăn em âm thầm lặng lẽ
Cố đưa anh qua con dốc sau cùng
 
Âm thanh – qua giọng hát ca sĩ và nhạc đệm – như kéo người nghe cùng bước lên trên con dốc, và là con dốc sau cùng của cuộc đời. Hình ảnh thật đẹp, thật lãng mạn, mà cũng thật nhói lòng. Cùng một lúc, TAI BIẾN còn là bản tụng ca người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh người vợ yêu quý của chàng nhạc sĩ.
    Chỉ với một bản nhạc ngắn ngủi mà nói được nhiều điều như thế, liệu chúng ta có thể tiếp tục nhìn anh chàng nhạc sĩ già ngồi trên chiếc xe lăn kia là một người tàn phế (disabled) theo nghĩa thông thường hay không?
    Một điều thú vị khác không thể không nói tới là sự đồng cảm của một người bạn trẻ mà chúng tôi được quen biết qua những trang tùy bút Đà Lạt rất đẹp của cô xuất hiện trên trang văn học TV&BH. Lần đầu tiên nghe bài nhạc, cô bảo hay nhưng sao buồn thế. Tuy nói thì nói thế, nhưng người bạn trẻ hiểu hơn ai hết xưa nay hiếm có bản nhạc nào hay mà không buồn, một thứ nỗi buồn đã được thăng hoa nhờ bàn tay người nhạc sĩ sắp xếp những nốt nhạc cao thấp vào một khuôn nhạc đặc thù và truyền hơi thở sự sống cho chúng bay lượn giữa khoảng trời xanh giờ chỉ còn trong hoài niệm của người ngồi trên chiếc xe lăn. Và thế là nỗi buồn trong nhạc TLV đã được tâm hồn nghệ sĩ của người bạn trẻ biến thành những hình ảnh rất đẹp, rất người và cũng rất buốt lòng trong Video Clip cùng tên. Nổi bật nhất là những khoảng trời xanh bao la giữa thiên nhiên của rừng núi Đà Lạt như muốn cùng với chàng nhạc sĩ khẳng định rằng,  tuy thân xác chúng ta có già nua tàn phế, nhưng đôi cánh của nghệ thuật, của âm nhạc vẫn đủ sức đưa chúng ta bay lượn khắp nơi như những cụm mây trời. Và cùng với tình yêu, với lòng chung thủy sắt son của người bạn đời bước phía sau chiếc xe lăn, chàng nhạc sĩ sẽ đi cùng trời cuối biển, như một minh chứng của TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT.
 
(Video Clip TAI BIẾN do NTN thực hiện)
 
5.
 
Sau TAI BIẾN, sự nghiệp âm nhạc của Trần Lê Việt có thêm được tác phẩm nào mới không, điều ấy còn ở phía trước. Nhưng bây giờ đây, với sự ra đời của TAI BIẾN, vì cái nghiệt ngã của số phận mà nó hiện hữu, chúng tôi muốn được cùng nhau đánh dấu một quãng đời gần 50 năm sát cánh bên nhau, từ những năm tháng chiến tranh cận kề lửa đạn đến những ngày đói rét co ro trong các trại tù khổ sai, từ những lận đận lao đao cơm áo đời thường đến những khoảnh khắc thăng hoa bay bổng trong nghệ thuật, cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn còn may mắn được ngồi bên nhau uống chén rượu cay ngọt của cuộc đời. Tay có run, mắt có mờ, chân có mỏi (hay không thể tự cử động) thì cũng chẳng có hề chi. Chúng tôi đã sống một cuộc đời đáng sống. Và vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này. Dù không phải lúc nào chúng tôi cũng được đời đối xử tử tế.
    Thí dụ như hôm nay anh bạn tôi đã phải bó mình trên chiếc xe lăn, chờ vợ đẩy cho mình vượt lên con dốc cuối cùng của cuộc đời.
    Và chúng tôi biết ơn bức thông điệp tuyệt vời của người bạn trẻ NTN qua hình ảnh mặt trời vẫn rực rỡ phía sau màn mưa trắng trời trắng đất. Dù chỉ còn một ngày để sống, chúng tôi cũng vẫn sẽ nhìn về một ngày của tương lai ấy trong vầng sáng rực rỡ của mặt trời.
 

– T.Vấn

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở nước Mỹ hiện nay, các chính trị gia đang chia rẽ, đấu đá, tranh phiếu cử tri về những vấn đề tưởng như là “chuyện nhỏ” ở các quốc gia văn minh khác. Thí dụ như vấn đề về quyền của người đồng tính. Ở nước Mỹ tự do dân chủ nhất thế giới ngày nay vẫn xảy ra tình trạng đối xử tàn nhẫn, kém văn minh đối với những người đồng tính. Nhiều người khi nghe điều này sẽ không tin đó là sự thật. “Làm sao chuyện đó có thể xảy ra ở xứ sở văn minh này!?” Nhưng sự thật dù khó tin nhưng vẫn là sự thật. Nhất là khi nó được kể lại từ những nhân chứng sống, rồi sau đó được in thành sách, chuyển thể thành phim ảnh.
Trưa Chủ Nhật, 8 tháng 10 năm 2023, tại đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove, Quận Cam đã diễn ra chương trình Ngọc Trong Tim kỳ 15, với phần trình diễn của các nghệ sĩ khuyết tật đến từ nhiều nơi...
Với một người lãnh đạo có cả tâm, tài và niềm đam mê, với một ban điều hành tâm huyết với nền văn học-nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại, với những thiện nguyện luôn sát cánh trong gần hai thập kỷ, có vẻ như VFF đã sẵn sàng đi tiếp thêm 20 năm nữa...
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh năm 1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, trong gia đình theo đạo Tin Lành. Nhập học lớp Đệ Thất vào năm 1944 lúc 14 tuổi tại trường Bưởi...
Nhạc sĩ Y Vũ vừa qua đời tại Sài Gòn ngày 28-9-2023 hưởng thọ 83 tuổi (1940-2023); báo chí lại đặt vấn đề ai là tác giả thật sự của ca khúc nổi tiếng Tôi Đưa Em Sang Sông...
Sáng nay trên trang Facebook, ca sĩ Bảo Yến báo tin nhạc sĩ Quốc Dũng vừa ra đi ngày 24-9-2023. Khoảng mười mấy năm trước Quốc Dũng có sang Hoa Kỳ và ghé ở nhà người quen ở San Jose. Tôi chở Quốc Dũng ra quán cà phê Dạ Thảo, ngồi nghe anh kể chuyện văn nghệ. Anh nói rằng lần này sang Mỹ và sẽ xuống Quận Cam để gặp một nhạc sĩ nổi tiếng mà Quốc Dũng ngưỡng mộ. Bạn có biết người nhạc sĩ đó là ai không- tôi thoáng suy nghĩ- thì ra đó là nhạc sĩ Lam Phương!
Đối với nhiều người Việt tị nạn sinh sống tại hải ngoại, giữ gìn và quảng bá nền văn hóa nghệ thuật của cộng đồng người Việt tị nạn là một sứ mạng tinh thần quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này không hề dễ, bởi vì các hoạt động văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại thường không sinh lợi, chưa kể công sức tiền của bỏ vào xiết kể. Những người làm văn hóa cần phải có tâm, có sự kiên trì, cả sự gan lì để thực hiện sứ mệnh của mình. Duy trì được những sự kiện văn hóa tại hải ngoại kéo dài đến 20 năm có thể được xem là một thành tích đáng kể. Và năm nay, Đại Hội Liên Hoan Phim Ảnh Việt Nam Quốc Tế “Viet Film Fest” bước vào mốc 20 năm, đánh dấu một đoạn đường dài phục vụ cộng đồng. Ngoài việc hỗ trợ và quảng bá những tác phẩm của các đạo diễn gốc Việt trên thế giới, Viet Film Fest quảng bá phim mang đề tài về con người hoặc văn hóa Việt Nam do những đạo diễn không phải gốc Việt thực hiện.
Hơn ba năm sau khi bị đánh cắp ở Laren, bức tranh ‘The Parsonage garden at Nuenen in Spring’ (tạm dịch: Vườn Nhà Mục Sư ở Nuenen vào Xuân) của Van Gogh đã được tìm lại. Việc trả lại được thực hiện bởi thám tử tư nhân người Hà Lan Arthur Brand.
Khi nói về nền âm nhạc Việt Nam thời hiện đại, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy. Đã có quá nhiều mỹ từ mà giới yêu nhạc Việt Nam sử dụng khi nói về ông: người nhạc sĩ của thế kỷ, phù thủy âm nhạc, cây đại thụ của ca khúc Việt Nam… Cũng vì thế, viết và nói về nhạc sĩ Phạm Duy là một điều khó, vì đã có quá nhiều người phân tích từ đủ mọi góc cạnh. Từ những nhà phê bình âm nhạc, cho đến bạn bè của ông là những văn nghệ sĩ, hay những người mến mộ. Họ viết về cuộc đời nổi trôi theo vận nước Việt Nam của Phạm Duy, về giai điệu và ca từ Phạm Duy, về khả năng sáng tác bền bỉ của người nhạc sĩ thiên tài…
Viết về nhạc Phạm Duy mà không nói tới tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh là một thiếu sót không nhỏ. Như ta bước hụt một nấc thang. Tiếng hát của ca sĩ là chỉnh lại thăng bằng giữa nhạc và lời, khi niềm tĩnh lặng cần thiết một biến đổi. Những lặng yên nốt nhạc của nhạc sĩ trên mặt giấy, bỗng rảo bước đi, qua lời ca sĩ. Nhạc của Phạm Duy là nhiên liệu. Thái Thanh đốt lên thành ngọn. Ngọn rực rỡ bình minh. Ngọn hắt hiu của cây đèn lạp đêm khuya. Lửa ấy, lời ca ấy, không chỉ để ta nghe, thổ lộ những tâm tình, mà, còn để ta Nhìn, những bức minh họa. Cánh diều, con đê, bên ánh đèn mẹ ngồi khâu áo, đèo núi cao đoàn quân đi qua, bờ nước rộng con thuyền lên đường viễn xứ, chiều làng quê anh thương binh trở lại, và nắng tươi màu, áo ai phận mỏng, và thế gian giao mùa chinh chiến, và âm dương trở mình trong tiếng chày kinh. Cõi nhân ảnh mờ mờ, ảo ảo, hay tục lụy rõ soi ấy, một kiếp đời, ai cũng từng trải.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.