Hôm nay,  

Thái Thanh – Tiếng Hát Từ Nguồn Thiêng Rộng Tỏa

15/09/202300:00:00(Xem: 1839)
Thai thanh
Thai thanh 2
 
Viết về nhạc Phạm Duy mà không nói tới tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh là một thiếu sót không nhỏ. Như ta bước hụt một nấc thang. Tiếng hát của ca sĩ là chỉnh lại thăng bằng giữa nhạc và lời, khi niềm tĩnh lặng cần thiết một biến đổi. Những lặng yên nốt nhạc của nhạc sĩ trên mặt giấy, bỗng rảo bước đi, qua lời ca sĩ. 
   
Nhạc của Phạm Duy là nhiên liệu. Thái Thanh đốt lên thành ngọn. Ngọn rực rỡ bình minh. Ngọn hắt hiu của cây đèn lạp đêm khuya. Lửa ấy, lời ca ấy, không chỉ để ta nghe, thổ lộ những tâm tình, mà, còn để ta Nhìn, những bức minh họa. Cánh diều, con đê, bên ánh đèn mẹ ngồi khâu áo, đèo núi cao đoàn quân đi qua, bờ nước rộng con thuyền lên đường viễn xứ, chiều làng quê anh thương binh trở lại, và nắng tươi màu, áo ai phận mỏng, và thế gian giao mùa chinh chiến, và âm dương trở mình trong tiếng chày kinh. Cõi nhân ảnh mờ mờ, ảo ảo, hay tục lụy rõ soi ấy, một kiếp đời, ai cũng từng trải.
   
Thái Thanh, Tiên nữ xuống trần.
   
Thanh âm qua lời, được diễn giải từ Thái Thanh rất gần gũi mà xa khuất. Thẩm thấu qua lòng người, tạo ra cái cảm, cái tình, là mở nguồn tâm thức. Những âm vang ấy rất thực, nhưng mờ lẫn mù khơi, và đầy ẩn mật. Sao vậy? Vì cái tính lý, cái pháp thuật diễn tả của Thái Thanh là từ trời cao, chừng cũng có phụ họa của thần linh, ban cho. Nàng thủ xướng cái tinh tế nhất. Nàng ban cho người nghe làn khí thiêng trong lành. Nàng có cái tài linh, phủ dụ tiếng suối, lời sông, khói âm u núi rừng, đi theo pháp thuật của Nàng. Đẩy ra mênh mông. Thu về trong hơi thở ngắt nhẹ nhàng. Và, cái vô biên bỗng thu nhỏ lại, một giọt màu, một hạt thủy tinh.
   
Nhưng từ từ mà nói về Tiên nga. Ăn một cái bánh ít lá gai, cái bánh ú cũng phải lột từng lớp lá.
 
**
 
Lột từ từ.
   
Thái Thanh bắt đầu đời ca hát từ thưở đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Từ 1948 người thiếu nữ có tên Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934  tại làng Bạch MaiHà Nội, đã bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 14 tuổi với nghệ danh Băng Thanh.
   
Từ 1951, Băng Thanh có tên chính thức là Thái Thanh. Chừng là có chỗ giống nhau với người em ruột, ca sĩ Thái Hằng. Hai người anh ruột cả bà cũng trùng phùng một Hoài. Ca sĩ Hoài Trung [Phạm Đình Viêm], và, nhạc sĩ Phạm Đình Chương [ca sĩ Hoài Bắc].
   
Người ca sĩ ngay từ 18 tuổi tuổi đã nổi danh khắp các vùng Liên khu Việt Bắc, cùng ban hợp ca Thăng Long, không bao năm sau đã trở thành một đệ nhất danh ca trong làng nhạc Việt Nam, vậy mà, thật là như vậy mà, suốt một thời, chúng tôi ở Liên khu V, miền Trung Việt, đi đàn hát khắp nơi, không hề biết Thái Thanh là ai. Chỉ nghe thoáng qua, một lần thôi, qua tiếng radio rè rè, máy cũ, sắp hết pin.
   
Anh Tiêu, trung đội trưởng, thuộc trung đoàn 108, đánh trận miệt Hòa Vang trở về, lượm đâu được cái radio trong đồn lính Pháp. Tôi ở một làng quê. Đêm trăng sáng rỡ, trong vườn rộng, những cây gòn cây gáo đổ bóng đen trùm. Có tiếng chim gù. Chó vẩn vơ sủa trăng. Một nồi sắn luộc, ăn khuya. Bà con tụ lại đông vầy, nghe tiếng hát.  
   
Anh Tiêu “mở đài”. Nghe rằng đài phát thanh ấy là đài Pháp Á, tận đâu trong Sàigòn. Tiếng hát Thái Thanh, trong trẻo. Tiếng hát của tự nhiên, nhẹ nhàng. Chừng như tiếng một loài chim. Mọi người thích thú lẫn kinh ngạc. Quê mùa mà. Nghi ngờ tiếng hát không phải từ cái hộp hình khối chữ nhật, có cái nút vặn để tìm đài, phát ra cái âm thanh dìu dặt mê hồn ấy.
   
Một đêm ấy. Rồi thôi. Hôm sau anh Tiêu phải nộp cái radio được xem là “chiến lợi phẩm” về trung đoàn. Cấp bậc của anh chưa được quyền giữ chiếc ra radio!
 
**
 
Tháng 7-1954, non nước chia đôi. Miền nào “tử thủ” biên cương miền ấy. Mỗi bên có được 5 năm tạm là thanh bình, 1955-1960, để tạo dựng cuộc sống. Từ 1960 là bắt đầu cuộc tương tàn Nam-Bắc.
   
Miền Nam có thể chế tự do, toàn quốc toàn dân nhanh chóng được phát triển nhiều mặt. Các lãnh vực văn chương, nghệ thuật, thi ca, hội họa, báo chí, có văn chương và âm nhạc là rực rỡ nhất.
   
Không là đếm trên đầu ngón tay, số lượng nhạc sĩ tài danh, nhạc cao cấp, ca sĩ vượt trội, giọng ca vàng, là đông vô số kể. Tác động của âm nhạc và ca xướng lên tầng suất hạnh phúc chung là rất cao. Niềm hân hoan, lẫn những tâm sự sầu kín, hòa bình, chinh chiến, len lỏi vào mỗi con người, mỗi mái nhà, chan hòa trong cộng đồng, là bất cứ lúc nào, qua rất nhiều phương tiện truyền thông.
   
Riêng giới ca sĩ, kể từ lớp trước, Kim Tước, Mộc Lan, Mai Hương, tới giàn tài hoa kế tiếp, Thanh Thúy, Lệ Thu, Hà Thanh, Thanh Lan, Lê Uyên Phương, Phương Dung, Hoàng Oanh… giọng hát Thái Thanh vẫn là hàng đầu. Một lâu đài của hoa gấm, sắc màu. Của thanh thản và vững chãi. Là, sóng lớn biển cả, lời reo yên bình tự suối nguồn, tâm tình ẩn kín có dịp kể lể.
Thái Thanh đã thực sự lên Ngôi.
   
Nhạc sĩ Phạm Duy, từng hết lòng ca ngợi Thái Thanh người hát  phần lớn các ca khúc của mình, là, “Không ai có thể thay thế Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của tôi. Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào.”
   
Đã rất nhiều bài viết về tiếng hát ngoại hạng này. Hầu hết đều ca ngợi, rất mực tôn vinh Thái Thanh, với đầy lòng cảm phục.
 
**
 
Thái Thanh còn một vị trí độc đáo khác. Mỗi bài nhạc mới vừa “ra lò”, được Thái Thanh hát lần đầu, “giới thiệu ”, là bài hát ấy y như rằng có được một “ba-tăng “, giấy phép xác nhận là một bản nhạc hay, và… sau đó nổi tiếng.
   

Hẳn là có chứng minh, người thưởng ngoạn từng mê đắm tiếng hát Thái Thanh qua, Đôi mắt người Sơn Tây [thơ Quang Dũng - Phạm Đỉnh Chương], Loạt bài do Phạm Duy phổ nhạc, Thuyền Viễn Xứ [thơ Huyền Chi], Tình Cầm [thơ Hoàng Cầm], Phố núi cao [thơ Vũ Hữu Định], Ngày Xưa Hoàng Thị, Lên non tìm động Hoa Vàng, Thiền ca [Phạm Thiên Thư] cả thơ của Nguyễn Tất Nhiên, Minh Đức Hoài Trinh, Lê thị Ý, Lê Minh Ngọc, Phạm văn Bình…
Nhiều bản nhạc của một số tác giả không mấy tên tuổi [xin được miễn nêu tên], nếu không được Thái Thanh hát, có thể không ai nhớ tên, nhưng được Thái Thanh hát, người đời nhớ hoài.

Không chỉ riêng, chuyên hát nhạc Phạm Duy, khá nhiều sáng tác của các nhạc sĩ khác, qua giọng hát Thái Thanh, vẫn quyến rũ, thu phục người nghe hơn bất cứ một ca sĩ nào. Hãy kể ra vài bản tiêu biểu, Nửa hồn thương đau, Đôi mắt người Sơn Tây [thơ Quang Dũng, nhạc Phạm Đình Chương], Buồn tàn thu, Thiên Thai [Văn Cao], Hương ca vô tận [Trầm Tử Thiêng]…
   
Nốt nhạc ví như nụ hoa. Lời ca là hương tỏa của hoa. Sự phát tiết, trình tự chuyển hóa này, trong âm nhạc tùy thuộc vào một chỗ linh thiêng khó giải mã, đó là giọng ca trời cho, và tài năng diễn xuất. Thái Thanh có cả. Một cái “Có” toàn diện, thế thường hiếm thấy.
   
Con chim công, loài khổng tước, đứng yên là giấu kín sắc màu. Khi vui múa, trong sớm mai bị kích động bởi binh minh gọi nắng, hay buồn hoang trong chiều tà núi rừng tạ từ ngày đi, tung đôi cánh, xòe tròn cái đuôi cánh quạt muôn màu, là bày biện những rực rỡ toàn diện của vẽ đẹp. Trên sân khấu trình diễn, dưới ánh đèn màu, Thái Thanh cất tiếng hát, khuôn mặt đẹp, nghiêng đôi mắt, nở nụ cười chỉ “nửa nụ”, mái tóc đậm, dài, đôi tay vờn khoát, cái cách “Từ em tiếng hát lên trời, tay trao dòng ngọc tay vời âm thanh” [1]  cái cách ấy không phải là điệu đàng, lả lơi, làm dáng không cần thiết, mà là mẫu mực thuần mỹ của nghệ thuật, nghiêm chỉnh và sang trọng.

Thái Thanh dìu người nghe qua cung bậc trầm bổng, khi âu yếm thật thà như giọt sữa tươi từ mẹ, như ca dao, khi biến hóa bất ngờ những âm những lời trở nên huyền ảo, mơ màng. Là, tiếng chuông khuya. Là, kinh tụng. Vực đèo, âm hưởng ấy, tôi nghĩ, đem một đoạn âm vang trong bài thơ của Thế Lữ, nhà thơ tiên phong của Phong trào Thơ Mới, do Phạm Duy biến hóa, như một cách cải biên lời thơ sang lời nhạc, và, thay “tiếng sáo” là “tiếng hát” có khi là diễn tả rõ nhất, tiếng hát và bóng hình của Thái Thanh Tiên nga. Lời nhạc Phạm Duy:

[…]
Lên khơi sáo theo vời
Hay theo đến bên người
Tiên Nga tắm sau đồi
Tình tang ôi tiếng hát
Khi cao cao mờ vút
Cùng làn mây lờ lửng
Rồi về bên bờ suối
Cây xanh mờ mờ...

Êm êm, ôi tiếng hát tơ tình
Xinh như bóng xiêm đình
Trên không uốn thân mình
Đường lên lên Thiên Thai
Lọt vài cung nhạc gió
Thoảng về mơ mòng quá
Nàng Ngọc Chân tưỏng nhớ
Tiếng lòng bay xa...
 
**
 
Những ai, vào năm 2023 này ở tầm trên dưới 90 tuổi, như tôi, hẳn một đời người, không rõ là rủi hay may, đã kinh qua một lịch sử Việt Nam ôn dịch trường kỳ. Đó là triền miên những chiến tranh lem luốc, mang nhiều nhãn hiệu. Chiến tranh hòn bom khói lửa từ biển xanh tới núi rừng, từ xóm làng quê hiền hòa tới trung tâm những phố phường đông đúc. Song song với chinh chiến hào lũy kẽm gai mìn bẫy, là cuộc chiến hệ tư tưởng chính trị nghịch dị nhau. Nhân bản, đấu tranh cho tự do nhân quyền, hay ngược lại mang tính dã thú, đều là rất hoàn hảo và tinh vi, đã len lỏi vào sâu thẳm, nhuộm chín từng não thùy giữa anh em, cha con, mỗi nhà nhà, tộc họ.
   
Lạ lùng lắm, giữa cái thế gian ứa máu và úa màu ấy, những con người đặc biệt đã âm thầm với từng trang chữ, mỗi bức tranh, những nốt nhạc. Người ca sĩ từ đâu, đã trở về. Như vừng trăng non hiện trên sông nước. Những tiếng hát được cất lên. Trên quê hương hao gầy. Quanh quất những linh hồn từng rã mục. Niềm hy vọng, ước mơ, những cái nhìn vào lòng chân thiện bỗng trở đậy. Xao xuyến tìm nhau. Những ước mong một ngày hòa bình để anh em được gặp nhau, cùng về làng quê thăm ngôi đình xứ, con suối tuổi thơ tắm truồng, cánh đồng man mác chiều gió mùa, lúa và hoa dại trên đồi, và tiếng gà vịt, bò trâu trở về chuồng chiều hôm. Tiếng hát dắt díu người về… Về cùng nhau trong hòa bình, dù chân anh nạng gỗ, mắt em nhìn anh một con mắt nhựa.
   
Tiếng hát kia trở thành một ân sủng, một ban ơn.
   
Miền Nam, bao năm dài chờ mong. Âm nhạc, lời ca tiếng hát, là bồ đề ma túy, phủ dụ người nghe. Là, chất giải độc, làm tan biến phần nào những nỗi buồn thời đại, bao nỗi đau giữa những ngày quê hương chinh chiến, những tàn phá khôn nguôi của bi đát tuyệt vọng. Bao lời thề cần được giải oan. Bao hy vọng chờ mong sẽ tới. Trong đêm mịt mùng chờ bình minh, Miền Nam, tiếng hát ở trên non, lời ca trong vườn trăng. Tiếng hát, lời tạ ơn sông núi. Là ngợi cái đẹp, niềm ước mơ.
   
Thái Thanh luôn có mặt.
   
Tiếng hát  kia, lời kinh nguyện một thời.
 
**
 
Một đêm, đêm của trời California, tôi ngồi rất yên trong đêm thâu. Màn hình ti vi đã tắt. Ở đó vừa mơ màng hiện ra một chiếc áo quan, những ngọn lạp. Những người thân yêu áo màu đen tang chế. Phút hiển linh. Một Tiễn biệt thầm lặng. Lẽ ra đám tang ấy sẽ có nghìn người, kính cẩn, trang nghiêm trên đường tiễn biệt. Sẽ rừng hoa chia buồn. Sẽ nghi ngút hương trầm bái biệt. Covid, cuộc nạn cả thế gian, đã ngăn đường đưa tiễn.
   
Cõi Thiên đường đang rộng mở. Nàng Tiên đã trở về. Đường khuya chiêu niệm. Một làn hương tỏa, “Cái hạc bay lên vút tận trời”. [2]
   
Ấy là một ngày của tháng Ba năm 2020. Người tôi mang ơn tiếng hát, đã từ biệt chúng ta. Lòng xót xa. Tôi mong nghe một hồi chuông khuya. Ai thở dài đây. Ai thì thầm giữa đêm chùng tiếc nhớ, “Người đi, ừ nhỉ, người đi thật”. [3]
   
Bái biệt Nàng. 
 
– Cung Tích Biền  
(Senior Village, Garden Grove 8-2023).
 
Ghi chú:
 
[1] Sầu ca sĩ – thơ Hoàng Trúc Ly, tặng ca sĩ Thanh Thúy. 
[2] Tống biệt – thơ Tản Đà.
[3] Tống biệt hành – thơ Thâm Tâm.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở nước Mỹ hiện nay, các chính trị gia đang chia rẽ, đấu đá, tranh phiếu cử tri về những vấn đề tưởng như là “chuyện nhỏ” ở các quốc gia văn minh khác. Thí dụ như vấn đề về quyền của người đồng tính. Ở nước Mỹ tự do dân chủ nhất thế giới ngày nay vẫn xảy ra tình trạng đối xử tàn nhẫn, kém văn minh đối với những người đồng tính. Nhiều người khi nghe điều này sẽ không tin đó là sự thật. “Làm sao chuyện đó có thể xảy ra ở xứ sở văn minh này!?” Nhưng sự thật dù khó tin nhưng vẫn là sự thật. Nhất là khi nó được kể lại từ những nhân chứng sống, rồi sau đó được in thành sách, chuyển thể thành phim ảnh.
Trưa Chủ Nhật, 8 tháng 10 năm 2023, tại đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove, Quận Cam đã diễn ra chương trình Ngọc Trong Tim kỳ 15, với phần trình diễn của các nghệ sĩ khuyết tật đến từ nhiều nơi...
Với một người lãnh đạo có cả tâm, tài và niềm đam mê, với một ban điều hành tâm huyết với nền văn học-nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại, với những thiện nguyện luôn sát cánh trong gần hai thập kỷ, có vẻ như VFF đã sẵn sàng đi tiếp thêm 20 năm nữa...
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh năm 1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, trong gia đình theo đạo Tin Lành. Nhập học lớp Đệ Thất vào năm 1944 lúc 14 tuổi tại trường Bưởi...
Nhạc sĩ Y Vũ vừa qua đời tại Sài Gòn ngày 28-9-2023 hưởng thọ 83 tuổi (1940-2023); báo chí lại đặt vấn đề ai là tác giả thật sự của ca khúc nổi tiếng Tôi Đưa Em Sang Sông...
Sáng nay trên trang Facebook, ca sĩ Bảo Yến báo tin nhạc sĩ Quốc Dũng vừa ra đi ngày 24-9-2023. Khoảng mười mấy năm trước Quốc Dũng có sang Hoa Kỳ và ghé ở nhà người quen ở San Jose. Tôi chở Quốc Dũng ra quán cà phê Dạ Thảo, ngồi nghe anh kể chuyện văn nghệ. Anh nói rằng lần này sang Mỹ và sẽ xuống Quận Cam để gặp một nhạc sĩ nổi tiếng mà Quốc Dũng ngưỡng mộ. Bạn có biết người nhạc sĩ đó là ai không- tôi thoáng suy nghĩ- thì ra đó là nhạc sĩ Lam Phương!
Đối với nhiều người Việt tị nạn sinh sống tại hải ngoại, giữ gìn và quảng bá nền văn hóa nghệ thuật của cộng đồng người Việt tị nạn là một sứ mạng tinh thần quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này không hề dễ, bởi vì các hoạt động văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại thường không sinh lợi, chưa kể công sức tiền của bỏ vào xiết kể. Những người làm văn hóa cần phải có tâm, có sự kiên trì, cả sự gan lì để thực hiện sứ mệnh của mình. Duy trì được những sự kiện văn hóa tại hải ngoại kéo dài đến 20 năm có thể được xem là một thành tích đáng kể. Và năm nay, Đại Hội Liên Hoan Phim Ảnh Việt Nam Quốc Tế “Viet Film Fest” bước vào mốc 20 năm, đánh dấu một đoạn đường dài phục vụ cộng đồng. Ngoài việc hỗ trợ và quảng bá những tác phẩm của các đạo diễn gốc Việt trên thế giới, Viet Film Fest quảng bá phim mang đề tài về con người hoặc văn hóa Việt Nam do những đạo diễn không phải gốc Việt thực hiện.
Hơn ba năm sau khi bị đánh cắp ở Laren, bức tranh ‘The Parsonage garden at Nuenen in Spring’ (tạm dịch: Vườn Nhà Mục Sư ở Nuenen vào Xuân) của Van Gogh đã được tìm lại. Việc trả lại được thực hiện bởi thám tử tư nhân người Hà Lan Arthur Brand.
Khi nói về nền âm nhạc Việt Nam thời hiện đại, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy. Đã có quá nhiều mỹ từ mà giới yêu nhạc Việt Nam sử dụng khi nói về ông: người nhạc sĩ của thế kỷ, phù thủy âm nhạc, cây đại thụ của ca khúc Việt Nam… Cũng vì thế, viết và nói về nhạc sĩ Phạm Duy là một điều khó, vì đã có quá nhiều người phân tích từ đủ mọi góc cạnh. Từ những nhà phê bình âm nhạc, cho đến bạn bè của ông là những văn nghệ sĩ, hay những người mến mộ. Họ viết về cuộc đời nổi trôi theo vận nước Việt Nam của Phạm Duy, về giai điệu và ca từ Phạm Duy, về khả năng sáng tác bền bỉ của người nhạc sĩ thiên tài…
Tin nhạc sĩ Đan Thọ tác giả nhạc phẩm Chiều Tím qua đời ngày 4-9-2023, tại Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 99 tuổi, gợi nhớ kỷ niệm ca nhạc thời niên thiếu của tôi ở quê nhà...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.