Hôm nay,  

Thái Thanh – Tiếng Hát Từ Nguồn Thiêng Rộng Tỏa

15/09/202300:00:00(Xem: 2358)
Thai thanh
Thai thanh 2
 
Viết về nhạc Phạm Duy mà không nói tới tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh là một thiếu sót không nhỏ. Như ta bước hụt một nấc thang. Tiếng hát của ca sĩ là chỉnh lại thăng bằng giữa nhạc và lời, khi niềm tĩnh lặng cần thiết một biến đổi. Những lặng yên nốt nhạc của nhạc sĩ trên mặt giấy, bỗng rảo bước đi, qua lời ca sĩ. 
   
Nhạc của Phạm Duy là nhiên liệu. Thái Thanh đốt lên thành ngọn. Ngọn rực rỡ bình minh. Ngọn hắt hiu của cây đèn lạp đêm khuya. Lửa ấy, lời ca ấy, không chỉ để ta nghe, thổ lộ những tâm tình, mà, còn để ta Nhìn, những bức minh họa. Cánh diều, con đê, bên ánh đèn mẹ ngồi khâu áo, đèo núi cao đoàn quân đi qua, bờ nước rộng con thuyền lên đường viễn xứ, chiều làng quê anh thương binh trở lại, và nắng tươi màu, áo ai phận mỏng, và thế gian giao mùa chinh chiến, và âm dương trở mình trong tiếng chày kinh. Cõi nhân ảnh mờ mờ, ảo ảo, hay tục lụy rõ soi ấy, một kiếp đời, ai cũng từng trải.
   
Thái Thanh, Tiên nữ xuống trần.
   
Thanh âm qua lời, được diễn giải từ Thái Thanh rất gần gũi mà xa khuất. Thẩm thấu qua lòng người, tạo ra cái cảm, cái tình, là mở nguồn tâm thức. Những âm vang ấy rất thực, nhưng mờ lẫn mù khơi, và đầy ẩn mật. Sao vậy? Vì cái tính lý, cái pháp thuật diễn tả của Thái Thanh là từ trời cao, chừng cũng có phụ họa của thần linh, ban cho. Nàng thủ xướng cái tinh tế nhất. Nàng ban cho người nghe làn khí thiêng trong lành. Nàng có cái tài linh, phủ dụ tiếng suối, lời sông, khói âm u núi rừng, đi theo pháp thuật của Nàng. Đẩy ra mênh mông. Thu về trong hơi thở ngắt nhẹ nhàng. Và, cái vô biên bỗng thu nhỏ lại, một giọt màu, một hạt thủy tinh.
   
Nhưng từ từ mà nói về Tiên nga. Ăn một cái bánh ít lá gai, cái bánh ú cũng phải lột từng lớp lá.
 
**
 
Lột từ từ.
   
Thái Thanh bắt đầu đời ca hát từ thưở đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Từ 1948 người thiếu nữ có tên Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934  tại làng Bạch MaiHà Nội, đã bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 14 tuổi với nghệ danh Băng Thanh.
   
Từ 1951, Băng Thanh có tên chính thức là Thái Thanh. Chừng là có chỗ giống nhau với người em ruột, ca sĩ Thái Hằng. Hai người anh ruột cả bà cũng trùng phùng một Hoài. Ca sĩ Hoài Trung [Phạm Đình Viêm], và, nhạc sĩ Phạm Đình Chương [ca sĩ Hoài Bắc].
   
Người ca sĩ ngay từ 18 tuổi tuổi đã nổi danh khắp các vùng Liên khu Việt Bắc, cùng ban hợp ca Thăng Long, không bao năm sau đã trở thành một đệ nhất danh ca trong làng nhạc Việt Nam, vậy mà, thật là như vậy mà, suốt một thời, chúng tôi ở Liên khu V, miền Trung Việt, đi đàn hát khắp nơi, không hề biết Thái Thanh là ai. Chỉ nghe thoáng qua, một lần thôi, qua tiếng radio rè rè, máy cũ, sắp hết pin.
   
Anh Tiêu, trung đội trưởng, thuộc trung đoàn 108, đánh trận miệt Hòa Vang trở về, lượm đâu được cái radio trong đồn lính Pháp. Tôi ở một làng quê. Đêm trăng sáng rỡ, trong vườn rộng, những cây gòn cây gáo đổ bóng đen trùm. Có tiếng chim gù. Chó vẩn vơ sủa trăng. Một nồi sắn luộc, ăn khuya. Bà con tụ lại đông vầy, nghe tiếng hát.  
   
Anh Tiêu “mở đài”. Nghe rằng đài phát thanh ấy là đài Pháp Á, tận đâu trong Sàigòn. Tiếng hát Thái Thanh, trong trẻo. Tiếng hát của tự nhiên, nhẹ nhàng. Chừng như tiếng một loài chim. Mọi người thích thú lẫn kinh ngạc. Quê mùa mà. Nghi ngờ tiếng hát không phải từ cái hộp hình khối chữ nhật, có cái nút vặn để tìm đài, phát ra cái âm thanh dìu dặt mê hồn ấy.
   
Một đêm ấy. Rồi thôi. Hôm sau anh Tiêu phải nộp cái radio được xem là “chiến lợi phẩm” về trung đoàn. Cấp bậc của anh chưa được quyền giữ chiếc ra radio!
 
**
 
Tháng 7-1954, non nước chia đôi. Miền nào “tử thủ” biên cương miền ấy. Mỗi bên có được 5 năm tạm là thanh bình, 1955-1960, để tạo dựng cuộc sống. Từ 1960 là bắt đầu cuộc tương tàn Nam-Bắc.
   
Miền Nam có thể chế tự do, toàn quốc toàn dân nhanh chóng được phát triển nhiều mặt. Các lãnh vực văn chương, nghệ thuật, thi ca, hội họa, báo chí, có văn chương và âm nhạc là rực rỡ nhất.
   
Không là đếm trên đầu ngón tay, số lượng nhạc sĩ tài danh, nhạc cao cấp, ca sĩ vượt trội, giọng ca vàng, là đông vô số kể. Tác động của âm nhạc và ca xướng lên tầng suất hạnh phúc chung là rất cao. Niềm hân hoan, lẫn những tâm sự sầu kín, hòa bình, chinh chiến, len lỏi vào mỗi con người, mỗi mái nhà, chan hòa trong cộng đồng, là bất cứ lúc nào, qua rất nhiều phương tiện truyền thông.
   
Riêng giới ca sĩ, kể từ lớp trước, Kim Tước, Mộc Lan, Mai Hương, tới giàn tài hoa kế tiếp, Thanh Thúy, Lệ Thu, Hà Thanh, Thanh Lan, Lê Uyên Phương, Phương Dung, Hoàng Oanh… giọng hát Thái Thanh vẫn là hàng đầu. Một lâu đài của hoa gấm, sắc màu. Của thanh thản và vững chãi. Là, sóng lớn biển cả, lời reo yên bình tự suối nguồn, tâm tình ẩn kín có dịp kể lể.
Thái Thanh đã thực sự lên Ngôi.
   
Nhạc sĩ Phạm Duy, từng hết lòng ca ngợi Thái Thanh người hát  phần lớn các ca khúc của mình, là, “Không ai có thể thay thế Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của tôi. Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào.”
   
Đã rất nhiều bài viết về tiếng hát ngoại hạng này. Hầu hết đều ca ngợi, rất mực tôn vinh Thái Thanh, với đầy lòng cảm phục.
 
**
 
Thái Thanh còn một vị trí độc đáo khác. Mỗi bài nhạc mới vừa “ra lò”, được Thái Thanh hát lần đầu, “giới thiệu ”, là bài hát ấy y như rằng có được một “ba-tăng “, giấy phép xác nhận là một bản nhạc hay, và… sau đó nổi tiếng.
   

Hẳn là có chứng minh, người thưởng ngoạn từng mê đắm tiếng hát Thái Thanh qua, Đôi mắt người Sơn Tây [thơ Quang Dũng - Phạm Đỉnh Chương], Loạt bài do Phạm Duy phổ nhạc, Thuyền Viễn Xứ [thơ Huyền Chi], Tình Cầm [thơ Hoàng Cầm], Phố núi cao [thơ Vũ Hữu Định], Ngày Xưa Hoàng Thị, Lên non tìm động Hoa Vàng, Thiền ca [Phạm Thiên Thư] cả thơ của Nguyễn Tất Nhiên, Minh Đức Hoài Trinh, Lê thị Ý, Lê Minh Ngọc, Phạm văn Bình…
Nhiều bản nhạc của một số tác giả không mấy tên tuổi [xin được miễn nêu tên], nếu không được Thái Thanh hát, có thể không ai nhớ tên, nhưng được Thái Thanh hát, người đời nhớ hoài.

Không chỉ riêng, chuyên hát nhạc Phạm Duy, khá nhiều sáng tác của các nhạc sĩ khác, qua giọng hát Thái Thanh, vẫn quyến rũ, thu phục người nghe hơn bất cứ một ca sĩ nào. Hãy kể ra vài bản tiêu biểu, Nửa hồn thương đau, Đôi mắt người Sơn Tây [thơ Quang Dũng, nhạc Phạm Đình Chương], Buồn tàn thu, Thiên Thai [Văn Cao], Hương ca vô tận [Trầm Tử Thiêng]…
   
Nốt nhạc ví như nụ hoa. Lời ca là hương tỏa của hoa. Sự phát tiết, trình tự chuyển hóa này, trong âm nhạc tùy thuộc vào một chỗ linh thiêng khó giải mã, đó là giọng ca trời cho, và tài năng diễn xuất. Thái Thanh có cả. Một cái “Có” toàn diện, thế thường hiếm thấy.
   
Con chim công, loài khổng tước, đứng yên là giấu kín sắc màu. Khi vui múa, trong sớm mai bị kích động bởi binh minh gọi nắng, hay buồn hoang trong chiều tà núi rừng tạ từ ngày đi, tung đôi cánh, xòe tròn cái đuôi cánh quạt muôn màu, là bày biện những rực rỡ toàn diện của vẽ đẹp. Trên sân khấu trình diễn, dưới ánh đèn màu, Thái Thanh cất tiếng hát, khuôn mặt đẹp, nghiêng đôi mắt, nở nụ cười chỉ “nửa nụ”, mái tóc đậm, dài, đôi tay vờn khoát, cái cách “Từ em tiếng hát lên trời, tay trao dòng ngọc tay vời âm thanh” [1]  cái cách ấy không phải là điệu đàng, lả lơi, làm dáng không cần thiết, mà là mẫu mực thuần mỹ của nghệ thuật, nghiêm chỉnh và sang trọng.

Thái Thanh dìu người nghe qua cung bậc trầm bổng, khi âu yếm thật thà như giọt sữa tươi từ mẹ, như ca dao, khi biến hóa bất ngờ những âm những lời trở nên huyền ảo, mơ màng. Là, tiếng chuông khuya. Là, kinh tụng. Vực đèo, âm hưởng ấy, tôi nghĩ, đem một đoạn âm vang trong bài thơ của Thế Lữ, nhà thơ tiên phong của Phong trào Thơ Mới, do Phạm Duy biến hóa, như một cách cải biên lời thơ sang lời nhạc, và, thay “tiếng sáo” là “tiếng hát” có khi là diễn tả rõ nhất, tiếng hát và bóng hình của Thái Thanh Tiên nga. Lời nhạc Phạm Duy:

[…]
Lên khơi sáo theo vời
Hay theo đến bên người
Tiên Nga tắm sau đồi
Tình tang ôi tiếng hát
Khi cao cao mờ vút
Cùng làn mây lờ lửng
Rồi về bên bờ suối
Cây xanh mờ mờ...

Êm êm, ôi tiếng hát tơ tình
Xinh như bóng xiêm đình
Trên không uốn thân mình
Đường lên lên Thiên Thai
Lọt vài cung nhạc gió
Thoảng về mơ mòng quá
Nàng Ngọc Chân tưỏng nhớ
Tiếng lòng bay xa...
 
**
 
Những ai, vào năm 2023 này ở tầm trên dưới 90 tuổi, như tôi, hẳn một đời người, không rõ là rủi hay may, đã kinh qua một lịch sử Việt Nam ôn dịch trường kỳ. Đó là triền miên những chiến tranh lem luốc, mang nhiều nhãn hiệu. Chiến tranh hòn bom khói lửa từ biển xanh tới núi rừng, từ xóm làng quê hiền hòa tới trung tâm những phố phường đông đúc. Song song với chinh chiến hào lũy kẽm gai mìn bẫy, là cuộc chiến hệ tư tưởng chính trị nghịch dị nhau. Nhân bản, đấu tranh cho tự do nhân quyền, hay ngược lại mang tính dã thú, đều là rất hoàn hảo và tinh vi, đã len lỏi vào sâu thẳm, nhuộm chín từng não thùy giữa anh em, cha con, mỗi nhà nhà, tộc họ.
   
Lạ lùng lắm, giữa cái thế gian ứa máu và úa màu ấy, những con người đặc biệt đã âm thầm với từng trang chữ, mỗi bức tranh, những nốt nhạc. Người ca sĩ từ đâu, đã trở về. Như vừng trăng non hiện trên sông nước. Những tiếng hát được cất lên. Trên quê hương hao gầy. Quanh quất những linh hồn từng rã mục. Niềm hy vọng, ước mơ, những cái nhìn vào lòng chân thiện bỗng trở đậy. Xao xuyến tìm nhau. Những ước mong một ngày hòa bình để anh em được gặp nhau, cùng về làng quê thăm ngôi đình xứ, con suối tuổi thơ tắm truồng, cánh đồng man mác chiều gió mùa, lúa và hoa dại trên đồi, và tiếng gà vịt, bò trâu trở về chuồng chiều hôm. Tiếng hát dắt díu người về… Về cùng nhau trong hòa bình, dù chân anh nạng gỗ, mắt em nhìn anh một con mắt nhựa.
   
Tiếng hát kia trở thành một ân sủng, một ban ơn.
   
Miền Nam, bao năm dài chờ mong. Âm nhạc, lời ca tiếng hát, là bồ đề ma túy, phủ dụ người nghe. Là, chất giải độc, làm tan biến phần nào những nỗi buồn thời đại, bao nỗi đau giữa những ngày quê hương chinh chiến, những tàn phá khôn nguôi của bi đát tuyệt vọng. Bao lời thề cần được giải oan. Bao hy vọng chờ mong sẽ tới. Trong đêm mịt mùng chờ bình minh, Miền Nam, tiếng hát ở trên non, lời ca trong vườn trăng. Tiếng hát, lời tạ ơn sông núi. Là ngợi cái đẹp, niềm ước mơ.
   
Thái Thanh luôn có mặt.
   
Tiếng hát  kia, lời kinh nguyện một thời.
 
**
 
Một đêm, đêm của trời California, tôi ngồi rất yên trong đêm thâu. Màn hình ti vi đã tắt. Ở đó vừa mơ màng hiện ra một chiếc áo quan, những ngọn lạp. Những người thân yêu áo màu đen tang chế. Phút hiển linh. Một Tiễn biệt thầm lặng. Lẽ ra đám tang ấy sẽ có nghìn người, kính cẩn, trang nghiêm trên đường tiễn biệt. Sẽ rừng hoa chia buồn. Sẽ nghi ngút hương trầm bái biệt. Covid, cuộc nạn cả thế gian, đã ngăn đường đưa tiễn.
   
Cõi Thiên đường đang rộng mở. Nàng Tiên đã trở về. Đường khuya chiêu niệm. Một làn hương tỏa, “Cái hạc bay lên vút tận trời”. [2]
   
Ấy là một ngày của tháng Ba năm 2020. Người tôi mang ơn tiếng hát, đã từ biệt chúng ta. Lòng xót xa. Tôi mong nghe một hồi chuông khuya. Ai thở dài đây. Ai thì thầm giữa đêm chùng tiếc nhớ, “Người đi, ừ nhỉ, người đi thật”. [3]
   
Bái biệt Nàng. 
 
– Cung Tích Biền  
(Senior Village, Garden Grove 8-2023).
 
Ghi chú:
 
[1] Sầu ca sĩ – thơ Hoàng Trúc Ly, tặng ca sĩ Thanh Thúy. 
[2] Tống biệt – thơ Tản Đà.
[3] Tống biệt hành – thơ Thâm Tâm.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuy than thở như vậy nhưng Nguyễn Vỹ theo cái nghiệp trong suốt bốn thập niên. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở quê, lên trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn (1924-1927), tham gia bãi khóa để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội học tiếp. Sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Vỹ dạy học tại trường trung học Thăng Long, Hà Nội. Vừa dạy học, vừa làm thơ, viết văn, viết báo... Nguyễn Vỹ là tên thật, các bút hiệu khác: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió và nghiệt ngã nhất với nghề báo.
Vào chiều ngày 3 tháng 9, 2024, tại rạp Frida Cinema, thành phố Santa Ana, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) chính thức khởi động Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2024 (Viet Film Fest-VFF), sự kiện phim ảnh quốc tế thường niên lớn và lâu dài nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Đội Los Angeles Lakers vừa công bố kết quả cuộc thi tuyển nghệ thuật “Lakers In The Paint - 2023-2024”, nhằm vinh danh mười nghệ sĩ da màu từ khắp khu vực Los Angeles như một phần của chương trình nghệ thuật thường niên của đội nhằm ghi nhận, hỗ trợ và nâng cao tinh thần cho các nghệ sĩ đến từ các cộng đồng thiểu số. Trong mười họa sĩ trúng tuyển, có hai họa sĩ gốc Việt, gồm họa sĩ Ann Phong và Michael Trần Thế Khôi, và 8 họa sĩ từ các cộng đồng đa dạng Abby Aceves, Estefania Ajcip, Jessica Taylor Bellamy, Daryll Cumbie, Derick Edwards, Megan Gabrielle Harris, Marlon Ivory, Larry Li
Khán thính giả yêu nhạc Từ Công Phụng sẽ có dịp nghe nhạc, mua sách, gặp mặt, được ký tặng sách tại hai buổi chiều cuối tuần Thứ Bảy 21/09 và Chủ Nhật 22/09/2024, từ 2:00 PM đến 6:00 PM, tại Phòng Sinh Hoạt Báo Người Việt (14771 Moran St. Westminster) qua chương trình nhạc để giới thiệu Tuyển Tập Tình Khúc Từ Công Phụng. Đây là một tuyển tập bao gồm toàn bộ những tình khúc của Từ Công Phụng trước và sau 1975, cùng những bài viết về người nhạc sĩ tài hoa này từ người thân và bằng hữu.
Vào tối ngày Thứ Bảy 31 tháng 8 tới đây, tại sân khấu ngoài trời Garden Grove Amphitheater (12762 Main Street, Garden Grove CA 92843), Đài Truyền Hình SBTN, hội thiện nguyện Bên Em Đang Có Ta sẽ có một sự kiện đặc biệt dành cho những người yêu nhạc: Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024 (SBTN Music Festival). Nhiều ca sĩ hải ngoại nổi tiếng sẽ có mặt để cống hiến một chương trình ca nhạc đặc sắc cho khán giả. Hai ca nhạc sĩ Sỹ Đan, Việt Khang đã có cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với Việt Báo, chia sẻ tâm tình của mình về Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
Vương Trùng Dương, tên khai sinh là Trần Ngọc Dưỡng, sinh đầu tháng 2 năm 1945 (âm lịch tuổi Giáp Thân) tại Quảng Nam. Gia đình của Dương, từ lâu, định cư tại Chợ Được, một ngôi chợ khang trang nằm bên bờ sông Trường. Chợ cũng là bến ghe thuyền. Đò dọc theo sông dài, đò ngang qua bên kia sông là vùng ven biển Đông. Gần biển, những đêm mùa đông, trong chiếu chăn hãy còn nghe tiếng sóng biển ầm vang.
Nhà xuất bản nổi tiếng của Hoa Kỳ Barnes and Noble vừa phát hành cuốn hồi ký 500 trang của Kiều Chinh. Giới văn chương Mỹ gọi cô là nghệ sĩ lưu vong. Tra cứu trên Internet chúng ta thấy bản văn Anh ngữ nhà Barnes khen ngợi tác giả. Bản văn Việt Ngữ khen ngợi cô Kiều Chinh do nữ đại úy Phan của quân lực Mỹ viết. Cuốn hồi ký đặc biệt này đã ghi bán 30 đồng giấy thường và sách bìa cứng giá 40 đồng. Đại úy Phan là nữ quân nhân trẻ hiếm có đọc được cuốn hồi ký tiếng Việt đã ước mong rằng sẽ có phiên bản Anh Ngữ sớm phát hành.
Khi nói đến âm nhạc, người ta thường liên tưởng đến khái niệm về “tâm hồn” hay “cảm xúc”. Khi nói đến giáo dục lại thường liên kết với “trí tuệ”. Một bên là nghệ thuật, một bên là tri thức. Một bên là những chàng nghệ sĩ, một bên là những nhà mô phạm. Thực ra hai lĩnh vực này có nhiều khi đan lẫn, kết hợp với nhau. Âm nhạc là một ngành học với học vị lên tới tiến sĩ, không thua kém gì học bác sĩ, kỹ sư. Và khoa học đã chứng minh từ lâu rằng học âm nhạc góp phần phát triển khả năng trí tuệ toàn diện cho trẻ em.
Cuốn phim Từ Sài Gòn đến Điện biên Phủ cũng được ra mắt lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Phim do hãng Mỹ Vân hoàn tất tại Việt Nam trước 1975. Chưa từng chiếu được giữ lại trên 50 năm qua sẽ ra mắt đồng bào rất may mắn tại San Jose. Xin mời đến để gặp Kiều Chinh và Sài Gòn sau hơn nửa thế kỷ. Vào 1 giờ chiều thứ bẩy 27 tháng 7-2024 tại hội trường Santa Clara County
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.