Hôm nay,  

Viet Film Festival: Câu Chuyện 20 Năm Điện Ảnh Việt Nam Tại Hải Ngoại

22/09/202300:00:00(Xem: 3698)

Hình chính
Kiều Chinh, Ban Tổ Chức và Múa Lân Khai Mạc Tiệc Giới Thiệu VFF 2023, mừng VFF 22 tuổi. Từ trái: Quyenzi Đặng Phạm, Kenneth Nguyễn, Jenni Trang Lê, Jes Vũ, Jade Từ, Ysa Lê, Kiều Chinh, và Eric Nông


Đối với nhiều người Việt tị nạn sinh sống tại hải ngoại, giữ gìn và quảng bá nền văn hóa nghệ thuật của cộng đồng người Việt tị nạn là một sứ mạng tinh thần quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này không hề dễ, bởi vì các hoạt động văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại thường không sinh lợi, chưa kể công sức tiền của bỏ vào xiết kể. Những người làm văn hóa cần phải có tâm, có sự kiên trì, cả sự gan lì để thực hiện sứ mệnh của mình. Duy trì được những sự kiện văn hóa tại hải ngoại kéo dài đến 20 năm có thể được xem là một thành tích đáng kể. Và năm nay, Đại Hội Liên Hoan Phim Ảnh Việt Nam Quốc Tế “Viet Film Fest” bước vào mốc 20 năm, đánh dấu một đoạn đường dài phục vụ cộng đồng.

Ngoài việc hỗ trợ và quảng bá những tác phẩm của các đạo diễn gốc Việt trên thế giới, Viet Film Fest quảng bá phim mang đề tài về con người hoặc văn hóa Việt Nam do những đạo diễn không phải gốc Việt thực hiện.  VFF đã từng chiếu phim đến từ nhiều nước trên thế giới như Úc, Canada, Pháp, Đức, Anh, Do Thái, Ba Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ. Các suất chiếu phim của VFF diễn ra tại tại Nam California ở các địa điểm gồm đại học University of California, Irvine (UCI); các trung tâm rạp hát ở Anaheim, Santa Ana, tại đại học UCLA, Bảo Tàng Viện Bowers, Santa Ana. Mỗi kỳ đại hội thu hút hơn 4,000 người tham dự, trong đó có nhiều đạo diễn và nhà sản xuất đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Ngoài những suất chiếu phim, VFF còn có lễ trao giải, những buổi tiếp tân, tiệc khai mạc và bế mạc, hội luận, workshops do các đạo diễn và diễn viên hướng dẫn. 

Quan tâm đến thế hệ trẻ, VFF đặc biệt dành một ngày miễn phí cho các em học sinh trung học.  Liên tiếp trong nhiều năm, trường trung học Westminster High đã chở các em đến ViFF xem phim trong ngày “High School Day.”  Cùng lúc, VFF cũng có một ngày chiếu phim miễn phí dành cho các cụ trên 65 tuổi (Senior Citizens Day). 

Với những sinh hoạt phim ảnh rộng rãi phong phú suốt 8 ngày, sự kiện Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Festival - VFF) năm nay kỷ niệm 20 năm hoạt động là một minh chứng cho những nỗ lực bền bỉ trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (VAALA). 

Viff-hình-2-cột

Y-Sa Lê (thứ ba từ phải) cùng các thành viên ban tổ chức VFF tại rạp chiếu phim The Frida.


Nhân dịp này, chị Y-Sa Lê - Giám Đốc Điều Hành của VAALA và đồng sáng lập viên của Viet Film Fest- đã dành cho Việt Báo một cuộc trò chuyện thân tình.

Là người dai dẳng làm nghệ thuật từ bao năm trong cộng đồng, Y-Sa hiểu rõ làm công việc quảng bá, giữ gìn văn hóa nghệ thuật cần có sự kiên trì và sự đam mê. Bản thân Y-Sa và hầu hết những người trong ban điều hành VFF đều là những thiện nguyện viên. Ngày thường đi làm vì cơm áo gạo tiền. Cuối tuần mới dành thì giờ cho những hoạt động văn hóa. Chị cũng ngạc nhiên và thích thú khi Viet Film Fest đạt được cột mốc 20 năm. Nhớ lại lầu đầu tiên thực hiện sự kiện vào năm 2003, Y-Sa và những người tổ chức cũng không chắc là sẽ có sự kiện lần thứ hai hay không, chứ nói chi đến 20 năm…

Y-Sa kể lại nguyên nhân đã thúc đẩy chị và các thành viên VAALA bắt đầu Viet Film Festival. Thành lập từ 1991, VAALA đã thực hiện nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật Việt Nam như triển lãm tranh, giới thiệu sách, trình diễn nhạc, kịch… Khi Y-Sa tham gia điều hành VAALA vào năm 2000, VFF vẫn chưa có sự kiện nào liên quan đến ngành nghệ thuật thứ bảy, điện ảnh. Thế là vào năm 2001, chị tìm cách liên lạc với tài tử Kiều Chinh, tổ chức buổi hội thảo về chủ đề điện ảnh Việt Nam tại đại học UCLA. Các em sinh viên gốc Việt thuộc Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Việt của UCLA rất thích buổi nói chuyện này, và đề nghị VAALA thực hiện một sự kiện điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại lần đầu tiên. VAALA bắt đầu liên lạc với những đạo diễn gốc Việt để tìm phim giới thiệu; liên lạc với nhóm tổ chức Đại Hội Điện Ảnh Mỹ Gốc Á để học hỏi kinh nghiện…VFF khởi sự từ đó, với lần đầu tiên tổ chức vào năm 2003. Lúc đầu là hai năm một lần, rồi đến năm 2014 trở thành sự kiện thường niên.

Những điều gì có ý nghĩa nhất mà Viet Film Festival đem lại cho cộng đồng gốc Việt tại hải ngoại? Theo Y-Sa, VFF kết nối những người gốc Việt thuộc nhiều thế hệ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh lại với nhau. Chị nhớ lại đạo diễn Hàm Trần tham gia VFF lần đầu tiên vào năm 2003 với bộ phim Ngày Giỗ. Cũng vào dịp đó, chàng đạo diễn trẻ này có dịp gặp gỡ nữ tài tử gạo cội Kiều Chinh, bàn về việc thực hiện một bộ phim về đề tài thuyền nhân. Bộ phim Vượt Sóng sau đó được khởi quay, và được giới thiệu tại VFF năm 2007. Tương tự như vậy với rất nhiều trường hợp khác. VFF là mạng lưới thông tin, liên lạc giữa các nhà sản xuất, nhà viết kịch bản, đạo diễn, diễn viên gốc Việt từ khắp nơi trên thế giới. Những đại hội thường niên của VFF là dịp để họ gặp gỡ. Nhiều người tham dự từ những VFF đầu tiên vẫn trở về thường xuyên đến tận năm nay.

Một trong những mục tiêu của VFF từ những ngày đầu là quảng bá nền văn hóa Việt, những câu chuyện, những kinh nghiệm sống của người Việt ở khắp nơi trên thế giới thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Những điều này không chỉ là nhu cầu của người lớn, mà còn giúp cho các trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại có dịp tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Điều này là cần thiết, bởi vì nền văn hóa Việt Nam trong nước hiện nay có nhiều điều khác biệt với văn hóa của cộng đồng người việt tự do trên thế giới, nơi các em đang sinh sống. Cũng vì lý do này, các em học sinh trung học ở Quận Cam Nam California, thủ đô người Việt tị nạn, trở thành những khán giả thường xuyên của VFF trong nhiều năm. VFF 2023 có đến gần 800 em học sinh thuộc trường trung học La Quinta, Westminster, Rancho Alamitos và Los Amigos sẽ đến xem phim. Một con số kỷ lục!

Y-Sa nhớ lại những kỳ VFF đầu tiên, cô giáo Nguyễn Thảo Ly của trường Trung Học Westminster dắt khoảng vài chục em học sinh đến xem phim như là một hoạt động ngoại khóa. Các em rất thích vì biết được thêm về những cộng đồng gốc Việt tại hải ngoại qua những bộ phim ngắn. Cô giáo Thảo Ly vẫn tiếp tục công việc này cho đến tận VFF năm nay. Trong những kỳ VFF tiếp theo, các trường trung học có nhiều học sinh gốc Việt cũng làm điều tương tự. Y Sa cho biết năm nay có nhiều bộ phim ngắn (dài khoảng 15 phút) rất hay, với chủ đề liên quan đến đời sống của người Việt khắp nơi trên thế giới. “Storms and Silver Linings”, là một loạt 6 phim ngắn được tuyển chọn trong năm nay dành cho học sinh trung học. Hầu hết những các nhân vật chính trong những phim này là người trẻ tuổi, phải trải qua những thời điểm thử thách trong cuộc sống. Những câu chuyện này đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Ireland, Anh Quốc, Hoa Kỳ…  

Đặc biệt là bộ phim Ba Mươi Chín (39), dựa trên sự kiện về tội ác buôn người kinh hoàng, với kết thúc bi thảm của 39 người di dân lậu Việt, chết trong thùng một chiếc xe tải ở Essex, Anh Quốc năm 2019. Sự kiện này đã làm bàng hoàng cả thế giới về thực trạng người dân Việt Nam vẫn tìm cách trốn chạy khỏi quê hương bằng mọi cách, cho dù chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ, và chính quyền Việt Nam vẫn tuyên truyền về một đất nước Việt Nam phát triển mạnh về kinh tế.

Bên cạnh các em học sinh trung học làm khán giả, còn phải kể đến những em sinh viên gốc Việt tại các trường đại học đến làm thiện nguyện viên cho VFF. Nhiều em có mặt từ những năm đầu tiên, cho đến năm nay vẫn quay lại hỗ trợ. VFF 2023 có khoảng 40 em thiện nguyện viên là sinh viên đại học và cả học sinh trung học. Thu hút được thế hệ trẻ gốc Việt tham gia vào các hoạt động văn hóa của cộng đồng là một cách hữu hiệu để duy trì nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.

Như đã nói ở trên, hầu hết những người trong ban tổ chức VFF đều làm việc thiện nguyện. Để có thể tổ chức được một sự kiện lớn như thế này, ban tổ chức phải kêu gọi sự hỗ trợ của nhiều tổ chức và cá nhân trong khu vực Quận Cam. Nhiều cá nhân, tổ chức, công ty hoạt động trong cộng đồng gốc Việt Little Saigon trở thành những nhà bảo trợ thường niên cho VFF, góp tay cùng VAALA trong sứ mệnh văn hóa Việt. Ban tổ chức cũng tìm nguồn tài trợ từ ngân sách công của chính phủ.

Nỗ lực, sự kiên trì của những người có tâm huyết với nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại được đền bù xứng đáng. Tồn tại và phát triển trong 20 năm qua, VFF là đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế duy nhất và lớn nhất tại hải ngoại, là nơi gặp gỡ của giới làm phim gốc Việt khắp nơi trên thế giới, là nơi giới thiệu qua ngôn ngữ điện ảnh những câu chuyện về người Việt ở năm châu bốn biển. 

Năm nay, VFF sẽ giới thiệu 44 phim ngắn (shorts) và 11 phim truyện (features) đến từ nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Ái Nhĩ Lan, Úc, Canada, Việt Nam, Hoa Kỳ…  tiếp tục sứ mệnh mang đến cho khán giả những bộ phim có lồng tiếng Việt trong điện ảnh. Sẽ có những gương mặt kỳ cựu, đã từng góp mặt trong những kỳ đại hội đầu tiên, trở lại với VFF 2023. Thí dụ như nam tài tử Dustin Nguyễn trong bộ phim The Accidental Getaway Driver của đạo diễn Sing J. Lee. Bộ phim dàn dựng trên một câu chuyện có thật về một vụ vượt ngục ở Quận Cam, vốn đã từng thu hút sự chú ý của cư dân và giới truyền thông địa phương cách đây mới vài năm.

Sau mùa đại dịch Covid-19, VFF năm nay sẽ trở lại với phần chiếu phim tại rạp Frida Cinema (305 E 4th St #100, Santa Ana, CA 92701) vào hai ngày 6 và 7 Tháng 10. Khán giả cũng có thể xem phim online tại nhà từ ngày 30/09 đến ngày 15/10.

Đêm khai mạc vào lúc 6:30 tối ngày 6 Tháng 10 với phim Trạng Tí của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Suất chiếu này đặc biệt miễn phí cho quý vị cao niên trên 65 tuổi.

Đặc biệt: miễn phí cho cư dân thành phố Santa Ana hai suất chiếu phim ngắn lúc 4pm thứ Sáu, 6 tháng 10.

Đêm bế mạc vào lúc 7:00 tối ngày 7 tháng 10 với phim The Accidental Getaway Driver của đạo diễn Sing J. Lee.

Lễ trao giải Trống Đồng tại Saigon Grand Center vào ngày 7 tháng 10, từ 9:30 tối.

Để biết thêm chi tiết, xin vào trang web: www.vietfilmfest.com hoặc bấm vào link để mua vé xem phim: https://vff2023.eventive.org/passes/buy
  • Giá vé
  • Mua vé sớm (hạn chót ngày 18 tháng 9): $14
  • Giá vé thường: $16
  • Giá giảm cho Cao Niên và Học Sinh Trung Học có ID: $14
  • Phim Chiếu Đêm Khai Mạc: Trạng Tí
  • Mua vé sớm: $16
  • Mua vé thường: $18 
  • Cao Niên 65+: MIỄN PHÍ
  • Học sinh trung học: $14
  • Đêm Bế Mạc: Accidental Getaway Driver
  • Mua vé sớm: $16
  • Vé thường: $18 
  • Học sinh trung học / Cao niên 65+: $14
  • Lễ Phát Giải: $50, Saigon Grand Center


VFF-Banner
 
Festival Pass đi xem tất cả phim:
  • Mua sớm $225
  • Mua thường $250 
  • ***Phải đặt trước vé xem phim***
  • Phim chiếu lúc 3pm thứ Sáu miễn phí cho cư dân Santa Ana (vé tại rạp, phải có ID)
  
Tiệc Ra Mắt VietFilmFest2023LaunchParty Diễn Ra Tưng Bừng

Hình cho báo giấy trang 1 nếu được Kieu Chinh và quyên

Đạo diễn trẻ Quyên Nguyễn Lê và Tài Tử Kiều Chinh.

 
Buổi tiệc do VietFilmFest và The Vietnamese Podcast tổ chức vào thứ Bảy tuần qua 16 tháng 9 khua tiếng trống báo hiệu mùa chiếu phim Viet Film Fest đã đến đồng thời kỷ niệm 20 năm VFF vào ngày 16 tháng 9 đã quy tụ gần 1000 khách tham dự, gồm các đạo diễn, tài tử, truyền thông báo chí, văn nghệ sĩ, khách mời… đến từ bốn phương mừng VietFilmFest 22 tuổi, đồng thời điểm qua các film sẽ được trình chiếu ở VFF năm nay. Điểm chú ý năm nay là sự tham dự đông đúc của những khuôn mặt thuộc thế hệ trẻ, các em đến tham gia trong không khí vui nhộn, càng lúc càng đông vui, kéo dài đến nửa đêm. Buổi tiệc được chia ra làm nhiều phần, dành cho nhiều đợt khách mời khác nhau, bắt đầu từ 6 giờ chiều với chương trình Thử Rượu từ Remy Martin. Chai LOUIS XIII được khui khai mạc chương trình như một biểu hiện của thời gian, để mọi người cùng nâng ly mừng VietFilmFest 20 tuổi.

Một trong các đạo diễn tham dự buổi tiệc ra mắt Viet Film Fest Năm thứ 20 có sự tham dự là đạo diễn trẻ Quyên Nguyễn-Lê, đạo diễn của bộ phim tài liệu ngắn “In Living Memory”.  Bộ phim nói về tiệm nail cuả chính mẹ của Quyên, đã bị đóng cửa trong mùa covid. Bộ phim được thực hiện như là một kỷ niệm của riêng gia đình, nhưng cũng là một tài liệu để giới trẻ gốc Việt hiểu thêm về một ngành nghề quan trọng trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Quyên cho rằng những người làm phim ở thế hệ của mình có vai trò cầu nối giữa các thế hệ, giúp cho người lớn tuổi hiểu thêm được về cách suy nghĩ, cách nhìn cuộc sống của thế hệ trẻ. 

Nói về VFF, Quyên cho biết đây là một sự kiện hết sức hữu ích cho những nhà làm phim trẻ gốc Việt. Khi mới ra trường và bắt đầu làm phim, Quyên bắt đầu biết đến VFF, đã đem những bộ phim của mình trình chiếu tại các kỳ đại hội. VFF cũng là nơi Quyên có thể gặp gỡ với rất nhiều đồng nghiệp khác. VFF là nhịp cầu kết nối thật tuyệt vời!

Cũng có mặt trong tiệc ra mắt VFF 20, tài tử Kiều Chinh đã kể lại những gắn bó của mình với VFF từ những ngày đầu tiên. Cô nhớ lại thời gian làm việc chung với nhà báo Lê Đình Điểu trong những ngày đầu thành lập VAALA. Rồi sau đó, cô lại làm việc với Y Sa, con gái của người bạn báo chí của mình, để hình thành kỳ đại hội VFF đầu tiên.

20 năm nhìn lại, tài tử Kiều Chinh cho rằng VFF đã làm được rất nhiều điều cho nền điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại. Cô muốn gởi lời cảm ơn đến những người thuộc các thế hệ trẻ, cho dù rất bận rộn với công việc thường ngày, vẫn dành thì giờ và tâm huyết để duy trì và phát triển VFF cho đến tận ngày hôm nay.

Kiều Chinh bùi ngùi thấy qua Y Sa, hình như người bạn Lê Đình Điểu của mình vẫn đang tiếp tục thực hiện hoài bão văn hóa của mình. Thế hệ đi trước cần nhiều cánh tay nối dài như vậy trong sứ mệnh gìn giữ nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại. Việt Film Fest 20 Năm là một thành tựu đáng ghi lại trong lịch sử văn hóa nghệ thuật người Việt hải ngoại!
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở nước Mỹ hiện nay, các chính trị gia đang chia rẽ, đấu đá, tranh phiếu cử tri về những vấn đề tưởng như là “chuyện nhỏ” ở các quốc gia văn minh khác. Thí dụ như vấn đề về quyền của người đồng tính. Ở nước Mỹ tự do dân chủ nhất thế giới ngày nay vẫn xảy ra tình trạng đối xử tàn nhẫn, kém văn minh đối với những người đồng tính. Nhiều người khi nghe điều này sẽ không tin đó là sự thật. “Làm sao chuyện đó có thể xảy ra ở xứ sở văn minh này!?” Nhưng sự thật dù khó tin nhưng vẫn là sự thật. Nhất là khi nó được kể lại từ những nhân chứng sống, rồi sau đó được in thành sách, chuyển thể thành phim ảnh.
Trưa Chủ Nhật, 8 tháng 10 năm 2023, tại đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove, Quận Cam đã diễn ra chương trình Ngọc Trong Tim kỳ 15, với phần trình diễn của các nghệ sĩ khuyết tật đến từ nhiều nơi...
Với một người lãnh đạo có cả tâm, tài và niềm đam mê, với một ban điều hành tâm huyết với nền văn học-nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại, với những thiện nguyện luôn sát cánh trong gần hai thập kỷ, có vẻ như VFF đã sẵn sàng đi tiếp thêm 20 năm nữa...
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh năm 1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, trong gia đình theo đạo Tin Lành. Nhập học lớp Đệ Thất vào năm 1944 lúc 14 tuổi tại trường Bưởi...
Nhạc sĩ Y Vũ vừa qua đời tại Sài Gòn ngày 28-9-2023 hưởng thọ 83 tuổi (1940-2023); báo chí lại đặt vấn đề ai là tác giả thật sự của ca khúc nổi tiếng Tôi Đưa Em Sang Sông...
Sáng nay trên trang Facebook, ca sĩ Bảo Yến báo tin nhạc sĩ Quốc Dũng vừa ra đi ngày 24-9-2023. Khoảng mười mấy năm trước Quốc Dũng có sang Hoa Kỳ và ghé ở nhà người quen ở San Jose. Tôi chở Quốc Dũng ra quán cà phê Dạ Thảo, ngồi nghe anh kể chuyện văn nghệ. Anh nói rằng lần này sang Mỹ và sẽ xuống Quận Cam để gặp một nhạc sĩ nổi tiếng mà Quốc Dũng ngưỡng mộ. Bạn có biết người nhạc sĩ đó là ai không- tôi thoáng suy nghĩ- thì ra đó là nhạc sĩ Lam Phương!
Hơn ba năm sau khi bị đánh cắp ở Laren, bức tranh ‘The Parsonage garden at Nuenen in Spring’ (tạm dịch: Vườn Nhà Mục Sư ở Nuenen vào Xuân) của Van Gogh đã được tìm lại. Việc trả lại được thực hiện bởi thám tử tư nhân người Hà Lan Arthur Brand.
Khi nói về nền âm nhạc Việt Nam thời hiện đại, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy. Đã có quá nhiều mỹ từ mà giới yêu nhạc Việt Nam sử dụng khi nói về ông: người nhạc sĩ của thế kỷ, phù thủy âm nhạc, cây đại thụ của ca khúc Việt Nam… Cũng vì thế, viết và nói về nhạc sĩ Phạm Duy là một điều khó, vì đã có quá nhiều người phân tích từ đủ mọi góc cạnh. Từ những nhà phê bình âm nhạc, cho đến bạn bè của ông là những văn nghệ sĩ, hay những người mến mộ. Họ viết về cuộc đời nổi trôi theo vận nước Việt Nam của Phạm Duy, về giai điệu và ca từ Phạm Duy, về khả năng sáng tác bền bỉ của người nhạc sĩ thiên tài…
Viết về nhạc Phạm Duy mà không nói tới tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh là một thiếu sót không nhỏ. Như ta bước hụt một nấc thang. Tiếng hát của ca sĩ là chỉnh lại thăng bằng giữa nhạc và lời, khi niềm tĩnh lặng cần thiết một biến đổi. Những lặng yên nốt nhạc của nhạc sĩ trên mặt giấy, bỗng rảo bước đi, qua lời ca sĩ. Nhạc của Phạm Duy là nhiên liệu. Thái Thanh đốt lên thành ngọn. Ngọn rực rỡ bình minh. Ngọn hắt hiu của cây đèn lạp đêm khuya. Lửa ấy, lời ca ấy, không chỉ để ta nghe, thổ lộ những tâm tình, mà, còn để ta Nhìn, những bức minh họa. Cánh diều, con đê, bên ánh đèn mẹ ngồi khâu áo, đèo núi cao đoàn quân đi qua, bờ nước rộng con thuyền lên đường viễn xứ, chiều làng quê anh thương binh trở lại, và nắng tươi màu, áo ai phận mỏng, và thế gian giao mùa chinh chiến, và âm dương trở mình trong tiếng chày kinh. Cõi nhân ảnh mờ mờ, ảo ảo, hay tục lụy rõ soi ấy, một kiếp đời, ai cũng từng trải.
Tin nhạc sĩ Đan Thọ tác giả nhạc phẩm Chiều Tím qua đời ngày 4-9-2023, tại Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 99 tuổi, gợi nhớ kỷ niệm ca nhạc thời niên thiếu của tôi ở quê nhà...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.