Hôm nay,  

Ai là tác giả thực sự của ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông?

05/10/202316:26:00(Xem: 2642)
dua-em-sang-song

Nhạc sĩ Y Vũ vừa qua đời tại Sài Gòn ngày 28-9-2023 hưởng thọ 83 tuổi (1940-2023); báo chí lại đặt vấn đề ai là tác giả thật sự của ca khúc nổi tiếng Tôi Đưa Em Sang Sông.
    Vào khoảng năm 1962, tại Sài Gòn, một ca khúc mang tên Tôi Đưa Em Sang Sông xuất hiện trong bầu trời ca nhạc, được nhiều ca sĩ trình diễn trên đài phát thanh, thu âm vào đĩa nhạc và hát trên các sân khấu. Bài hát được in thành bản nhạc rời có chép nốt nhạc và lời ca do nhà xuất bản Diên Hồng phát hành, giá bán 7 đồng thời đó, ghi tên tác giả là hai người gồm Y Vũ và Nhật Ngân.
    Bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông của Y Vũ-Nhật Ngân mau chóng được đón nhận nồng nhiệt từ Sài Gòn cho đến các tỉnh thành của Miền Nam Việt Nam.
    Trong đời một người con trai đã từng yêu và đa số trải qua nỗi buồn thất tình nhìn người mình yêu làm đám cưới với người khác. Chữ “Sang Sông” được hiểu là người con gái đi lấy chồng, bên kia sông là bến đậu mới tức là nhà chồng. Và cái tựa bài hát là Tôi Đưa Em Sang Sông trở nên ăn khách.
    Lời ca như sau: “Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm, để thấm chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em. Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa, chẳng lẽ chung một lối về, mà nỡ quay mặt bước đi.
    Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần, sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim. Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen, đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn.
    Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh, đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ, đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ.
    Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền, giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo lấm gót chân. Gót chân ngày xa xưa, sợ lấm trong bùn khi mưa, nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa.”
    Xét về lời ca thì khá thi vị, có ý tưởng lạ, trong thời điểm đó là năm 1962. Xét về phần nhạc thì nét nhạc của bản Tôi Đưa Em Sang Sông dễ nghe, quyến rũ, phần hợp âm có chút biến đổi. Thời đó những chàng trai ôm cây đàn ghi ta vừa đàn vừa hát nghêu ngao thật thú vị trong những buổi họp mặt văn nghệ. Nhạc sĩ Tây Ban Cầm cổ điển Đỗ Đình Phương có độc tấu bản Tôi Đưa Em Sang Sông với phần hợp soạn cùng nhạc sĩ Hồ Đăng Tín, làm tăng thêm giá trị nghệ thuật âm nhạc của ca khúc này.
    Từ lúc xuất hiện năm 1962 cho đến tháng 4 năm 1975 thì bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông với đồng tác giả là Y Vũ và Nhật Ngân chẳng có vấn đề gì về tác quyền. Nhưng ở hải ngoại, đầu thập niên 1990, một số trung tâm băng nhạc ở Quận Cam, Nam Cali ghi tên Nhật Ngân là tác giả duy nhất bản Tôi Đưa Em Sang Sông, trong các bìa băng nhạc Cassette và CD. Lúc này nhạc sĩ Y Vân đã qua đời, nhạc sĩ Nhật Ngân định cư tại Nam Cali Hoa Kỳ và nhạc sĩ Y Vũ ở Sài Gòn.
 
Về phía Nhật Ngân
 
Vào khoảng đầu thập niên 90, tại quán cà phê Le Baron nằm trên đường Brookhurst của Quận Cam Nam Cali, tôi ngồi nghe nhạc sĩ Nhật Ngân kể như sau. Nhật Ngân có người yêu đi lấy chồng và lúc đó ông là một thanh niên tuổi khoảng đôi mươi, sinh năm 1942, có viết một ca khúc về nỗi buồn này.
    Khi ông từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, Nhật Ngân nhờ nhạc sĩ Y Vân, lúc đó có uy tín trong giới ca nhạc, phổ biến bài hát này. Tôi nhớ Nhật Ngân kể rằng nhạc sĩ Y Vân có sửa chút ít về lời ca rồi ghi tên người em của mình là Y Vũ vào đồng tác giả Y Vũ-Nhật Ngân của bản nhạc.
    Mấy năm sau, Nhật Ngân có phổ biến câu chuyện tương tự như vậy trên một số phương tiện truyền thông ở hải ngoại và đã trả lời phỏng vấn trong một cuốn băng chủ đề nhạc Nhật Ngân của trung tâm Thúy Nga. Lưu ý một điều là vào thời điểm này, nhạc sĩ Y Vân đã qua đời (1932-1992).
    Nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời tại Quận Cam California vào năm 2012, hưởng thọ 70 tuổi.
 
Về phía Y Vũ
 
Năm 2017, nhạc sĩ Y Vũ có lên truyền hình ở trong nước trả lời phỏng vấn và nói rằng Y Vũ là tác giả duy nhất của bài Tôi Đưa Em Sang Sông. Ông nói thêm khi đưa bài hát này cho anh ruột của ông là nhạc sĩ Y Vân nhờ phổ biến thì Y Vân bảo là ghi tên thêm Nhật Ngân vào vì Nhật Ngân là học trò của Y Vân. Nhạc sĩ Y Vũ còn đưa ra bản nhạc chép tay cũ kỹ có nốt nhạc và lời ca ghi tên tác giả là Y Vũ để làm bằng cớ.
    Quí độc giả vào Internet, gõ chữ Tôi Đưa Em Sang Sông thì sẽ thấy nhiều bài báo về hai ý kiến nghịch nhau của Nhật Ngân và Y Vũ.
    Trước năm 2017, nhạc sĩ Trịnh Hưng (Lối Về Xóm Nhỏ) có viết một bài báo đăng trong một đặc san với nội dung rằng nhạc sĩ Y Vũ kể cho ông nghe là Y Vũ chính là tác giả duy nhất của bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông. Tôi đã đọc bài báo đó của Trịnh Hưng. Điều này giải thích rằng Y Vũ đã có lên tiếng phản bác Nhật Ngân qua bài viết của Trịnh Hưng, lúc Nhật Ngân còn sống. Nhạc sĩ Trịnh Hưng qua đời năm 2008 tại Pháp.
    Nhạc sĩ Y Vũ qua đời ngày 28-9 -2023 tại Sài Gòn.
 
Nét nhạc Y Vân
 
Giữa thập niên 1990, trong một lần tôi ở California, điện thoại với nhạc sĩ Lê Dinh ở Montreal, Canada, là bạn của nhạc sĩ Y Vân. Ông kể rằng có một buổi nọ, nhạc sĩ Y Vân tới thăm và đàn hát cho nghe ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông. Nhạc sĩ Y Vân giải thích rằng “Tối hôm qua moa đưa em về qua bến đò Thủ Thiêm, có cảm hứng viết nên ca khúc Tôi Đưa Em  Sang Sông”.

    Từ lúc nghe được câu chuyện này của nhạc sĩ Lê Dinh kể, tôi suy nghĩ rằng nhạc sĩ Y Vân sáng tác rất nhiều bài hay, xét về tuổi tác và tài năng cùng uy tín thì ông hơn hẳn hai người kia. Nhạc sĩ Y Vân phải đắc ý với nhạc phẩm Tôi Đưa Em Sang Sông mà ông đã đóng góp rất nhiều; cho nên ông mới đàn hát bài này cho bạn mình là Lê Dinh nghe. 
    Vài năm sau đó, cũng một lần tôi ở San Jose điện thoại với nhạc sĩ Lê Dinh (Montreal) thì ông cũng nhắc lại chuyện Y Vân với bản Tôi Đưa Em Sang Sông và  kể thêm chi tiết rằng có một đêm xưa, các nhạc sĩ Lê Dinh, Anh Bằng, Y Vân đi ăn tối ở nhà hàng Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn. Ăn xong cả nhóm tản bộ trên đường bờ sông và nhạc sĩ Y Vân làm quen với một cô gái trong đám người bộ hành. Sau đó các nhạc sĩ chia tay về nhà. Và từ cuộc gặp gỡ cô gái đêm đó, rồi tiễn em qua bến đò Thủ Thiêm của Sài Gòn, đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Y Vân đóng góp ý nhạc và lời ca cho nhạc phẩm bất hủ Tôi Đưa Em Sang Sông.
    Nhạc sĩ Y Vân rất có tài về hòa âm và viết nhiều ca khúc hay.Nên biết rằng Y Vân lớn hơn Nhật Ngân 10 tuổi, lúc đó Y Vân nổi tiếng còn Nhật Ngân là một thanh niên chưa có tên tuổi trong giới ca nhạc Sài Gòn năm 1962.
    Tôi suy luận rằng nhạc sĩ Y Vân thừa tài năng âm nhạc để viết riêng một ca khúc từ cảm hứng nói trên; nhưng vì ông muốn nâng đỡ Nhật Ngân cho nên Y Vân đã dựa vào ý nhạc ban đầu của Nhật Ngân rồi chỉnh sửa, thêm vào các câu nhạc của Y Vân để hoàn thành nhạc phẩm Tôi Đưa Em Sang Sông.
Và tôi đã tìm ra được cái đặc biệt của nét nhạc cùng hòa âm của Y Vân trong bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông. Tôi xin diễn giải như sau:
    Bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông, tông La Thứ/ Am, có câu “Mà Nỡ Quay Mặt Bước Đi”. Chữ Đi là nốt Re Thăng/ D#, và hợp âm chỗ này là B7. Cũng giống vậy, nhạc sĩ Y Vân trong bài hát Ngăn Cách, tông La Thứ, ở câu: “Em lên xe hoa rồi biết rằng sầu để một NGƯỜI”. Chữ Người, ông dùng nốt Re Thăng và hợp âm là B7. Trong bản Những Bước Chân Âm Thầm, Y Vân phổ thơ của thi sĩ Kim Tuấn, cũng tông La Thứ có câu “Anh yêu tình nở muộn, chiều tím màu mến thương, mắt biếc sầu lắng đọng, đèn thắp MỜ bóng đêm”. Chữ Mờ, ông dùng nốt Re Thăng, hợp âm chỗ này là B7.
    Lối chuyển cung từ hợp âm B7 rồi sang E7 rồi trở về chủ âm Am rất tân kỳ trong thời điểm 1962 và cũng là nét đặc biệt của dòng nhạc Y Vân.
    Về phía nhạc sĩ Nhật Ngân có nhiều bài làm chung với nhạc sĩ Trần Trịnh như Xuân Này Con Không Về, Qua Cơn Mê. Nghe những ca khúc của riêng Nhật Ngân viết như Ngày Đá Đơm Bông thì nét nhạc của ông khác hẳn với nét nhạc của bản Tôi Đưa Em Sang Sông. 
 
Kết Luận
 
Dựa vào ý nhạc ban đầu của Nhật Ngân mà Y Vân hoàn tất ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông rồi bằng uy tín của mình ông phổ biến bản này với 2 cái tên đồng tác giả là Y Vũ-Nhật Ngân. Xin để ý tới thứ tự tên tác giả trước và sau, cũng nói lên một điều gì đó. Suy luận rằng, vào thời đó, Y Vân là người nhạc sĩ nổi tiếng không lẽ đứng chung tên với một người trẻ chưa được giới ca nhạc biết tới là Nhật Ngân. Cho nên Y Vân đã đưa tên em của mình là Y Vũ, thế chỗ của ông, cũng là một dịp để lăng-xê hai đàn em văn nghệ là Y Vũ và Nhật Ngân.
    Bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông chính thức ra đời với giấy phép xuất bản ngày 30-11-1962, in trên bản nhạc rời.
    Còn một điểm cần suy luận thêm là sự đóng góp của Y Vũ ra sao? Xin nhắc nhớ rằng, thời đó có dư luận xôn xao trong giới nhạc sĩ về đồng tác giả Y Vũ-Nhật Ngân của bản Tôi Đưa Em Sang Sông thì Y Vũ có viết bản Ngày Cưới Em với lời ca:“Ngượng ngùng dạo đường tơ cũ tôi ca rằng, ngày xưa đưa em sang sông, ngày nay đưa em bước sang ngang ngụ ý rằng ông có dự phần trong sáng tác bảnTôi Đưa Em Sang Sông.
    Bản quyền bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông đã xác định rõ ràng, có in trong bản nhạc rời từ năm 1962 đến năm 1975 thời Việt Nam Cộng Hòa mà không có chuyện rắc rối pháp lý gì xảy ra.
    Chỉ khi nhạc sĩ Y Vân qua đời năm 1992 thì tại Hoa Kỳ nhạc sĩ Nhật Ngân mới đưa ra câu chuyện ông là tác giả chính của bản Tôi Đưa Em Sang Sông. Để đối phó và bảo vệ uy tín của mình thì nhạc sĩ Y Vũ tại Sài Gòn cũng lên tiếng nói ông là tác giả duy nhất của bài hát này. Cả hai ông không thân thiết nhau mà lại đứng tên chung trong bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông; cho nên vai trò của nhạc sĩ Y Vân là cây cầu kết nối giữa hai người và tiếng nói của Y Vân rất quan trọng trong việc xác nhận ai là tác giả thật sự của bài hát. Nhưng ông đã qua đời năm 1992, hưởng thọ 60 tuổi ứng nghiệm với sáng tác của mình là bản 60 Năm Cuộc Đời.
    Như là bồi thẩm đoàn trong một vụ xử kiện ở tòa án, chứng cứ mới là việc nhạc sĩ Lê Dinh kể nhạc sĩ Y Vân ôm đàn hát bản Tôi Đưa Em Sang Sông với câu nói “Tối hôm qua moa đưa em về qua bến đò Thủ Thiêm, có cảm hứng viết nên ca khúc Tôi Đưa Em  Sang Sông”, giúp tôi hiểu rõ hơn vụ việc tranh cãi tác quyền của nhạc phẩm này.
    Bây giờ cả 3 ông nhạc sĩ đều qua đời, bài hát đã được 61 tuổi, một bài hát rất hay trong vườn hoa ca nhạc Việt Nam.
Tôi nhớ lần ngồi nghe nhạc sĩ Tây Ban Cầm Đỗ Đình Phương độc tấu bản Tôi Đưa Em Sang Sông một buổi chiều tại nhà anh năm 1974 ở Sài Gòn. Kỷ niệm dễ thương đó cũng như mỗi lần ôm đàn hát khi thất tình thời tuổi trẻ.
    Thôi thì, Y Vân - Y Vũ - Nhật Ngân cả ba nhạc sĩ đều có phần trong ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông.
 
Trần Củng Sơn
(Quận Cam, 5/10/2023)

Ghi chú: Nhà báo Trần Củng Sơn là bút hiệu của nhạc sĩ Trần Chí Phúc.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở nước Mỹ hiện nay, các chính trị gia đang chia rẽ, đấu đá, tranh phiếu cử tri về những vấn đề tưởng như là “chuyện nhỏ” ở các quốc gia văn minh khác. Thí dụ như vấn đề về quyền của người đồng tính. Ở nước Mỹ tự do dân chủ nhất thế giới ngày nay vẫn xảy ra tình trạng đối xử tàn nhẫn, kém văn minh đối với những người đồng tính. Nhiều người khi nghe điều này sẽ không tin đó là sự thật. “Làm sao chuyện đó có thể xảy ra ở xứ sở văn minh này!?” Nhưng sự thật dù khó tin nhưng vẫn là sự thật. Nhất là khi nó được kể lại từ những nhân chứng sống, rồi sau đó được in thành sách, chuyển thể thành phim ảnh.
Trưa Chủ Nhật, 8 tháng 10 năm 2023, tại đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove, Quận Cam đã diễn ra chương trình Ngọc Trong Tim kỳ 15, với phần trình diễn của các nghệ sĩ khuyết tật đến từ nhiều nơi...
Với một người lãnh đạo có cả tâm, tài và niềm đam mê, với một ban điều hành tâm huyết với nền văn học-nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại, với những thiện nguyện luôn sát cánh trong gần hai thập kỷ, có vẻ như VFF đã sẵn sàng đi tiếp thêm 20 năm nữa...
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh năm 1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, trong gia đình theo đạo Tin Lành. Nhập học lớp Đệ Thất vào năm 1944 lúc 14 tuổi tại trường Bưởi...
Sáng nay trên trang Facebook, ca sĩ Bảo Yến báo tin nhạc sĩ Quốc Dũng vừa ra đi ngày 24-9-2023. Khoảng mười mấy năm trước Quốc Dũng có sang Hoa Kỳ và ghé ở nhà người quen ở San Jose. Tôi chở Quốc Dũng ra quán cà phê Dạ Thảo, ngồi nghe anh kể chuyện văn nghệ. Anh nói rằng lần này sang Mỹ và sẽ xuống Quận Cam để gặp một nhạc sĩ nổi tiếng mà Quốc Dũng ngưỡng mộ. Bạn có biết người nhạc sĩ đó là ai không- tôi thoáng suy nghĩ- thì ra đó là nhạc sĩ Lam Phương!
Đối với nhiều người Việt tị nạn sinh sống tại hải ngoại, giữ gìn và quảng bá nền văn hóa nghệ thuật của cộng đồng người Việt tị nạn là một sứ mạng tinh thần quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này không hề dễ, bởi vì các hoạt động văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại thường không sinh lợi, chưa kể công sức tiền của bỏ vào xiết kể. Những người làm văn hóa cần phải có tâm, có sự kiên trì, cả sự gan lì để thực hiện sứ mệnh của mình. Duy trì được những sự kiện văn hóa tại hải ngoại kéo dài đến 20 năm có thể được xem là một thành tích đáng kể. Và năm nay, Đại Hội Liên Hoan Phim Ảnh Việt Nam Quốc Tế “Viet Film Fest” bước vào mốc 20 năm, đánh dấu một đoạn đường dài phục vụ cộng đồng. Ngoài việc hỗ trợ và quảng bá những tác phẩm của các đạo diễn gốc Việt trên thế giới, Viet Film Fest quảng bá phim mang đề tài về con người hoặc văn hóa Việt Nam do những đạo diễn không phải gốc Việt thực hiện.
Hơn ba năm sau khi bị đánh cắp ở Laren, bức tranh ‘The Parsonage garden at Nuenen in Spring’ (tạm dịch: Vườn Nhà Mục Sư ở Nuenen vào Xuân) của Van Gogh đã được tìm lại. Việc trả lại được thực hiện bởi thám tử tư nhân người Hà Lan Arthur Brand.
Khi nói về nền âm nhạc Việt Nam thời hiện đại, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy. Đã có quá nhiều mỹ từ mà giới yêu nhạc Việt Nam sử dụng khi nói về ông: người nhạc sĩ của thế kỷ, phù thủy âm nhạc, cây đại thụ của ca khúc Việt Nam… Cũng vì thế, viết và nói về nhạc sĩ Phạm Duy là một điều khó, vì đã có quá nhiều người phân tích từ đủ mọi góc cạnh. Từ những nhà phê bình âm nhạc, cho đến bạn bè của ông là những văn nghệ sĩ, hay những người mến mộ. Họ viết về cuộc đời nổi trôi theo vận nước Việt Nam của Phạm Duy, về giai điệu và ca từ Phạm Duy, về khả năng sáng tác bền bỉ của người nhạc sĩ thiên tài…
Viết về nhạc Phạm Duy mà không nói tới tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh là một thiếu sót không nhỏ. Như ta bước hụt một nấc thang. Tiếng hát của ca sĩ là chỉnh lại thăng bằng giữa nhạc và lời, khi niềm tĩnh lặng cần thiết một biến đổi. Những lặng yên nốt nhạc của nhạc sĩ trên mặt giấy, bỗng rảo bước đi, qua lời ca sĩ. Nhạc của Phạm Duy là nhiên liệu. Thái Thanh đốt lên thành ngọn. Ngọn rực rỡ bình minh. Ngọn hắt hiu của cây đèn lạp đêm khuya. Lửa ấy, lời ca ấy, không chỉ để ta nghe, thổ lộ những tâm tình, mà, còn để ta Nhìn, những bức minh họa. Cánh diều, con đê, bên ánh đèn mẹ ngồi khâu áo, đèo núi cao đoàn quân đi qua, bờ nước rộng con thuyền lên đường viễn xứ, chiều làng quê anh thương binh trở lại, và nắng tươi màu, áo ai phận mỏng, và thế gian giao mùa chinh chiến, và âm dương trở mình trong tiếng chày kinh. Cõi nhân ảnh mờ mờ, ảo ảo, hay tục lụy rõ soi ấy, một kiếp đời, ai cũng từng trải.
Tin nhạc sĩ Đan Thọ tác giả nhạc phẩm Chiều Tím qua đời ngày 4-9-2023, tại Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 99 tuổi, gợi nhớ kỷ niệm ca nhạc thời niên thiếu của tôi ở quê nhà...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.