Hôm nay,  

Video Phạm Duy 100 Năm: Góc Nhìn Từ Gia Đình

15/09/202300:00:00(Xem: 4263)

hình-chính-100-năm-pham-duy
Đĩa video âm nhạc Phạm Duy 100 Năm 
Khi nói về nền âm nhạc Việt Nam thời hiện đại, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy. Đã có quá nhiều mỹ từ mà giới yêu nhạc Việt Nam sử dụng khi nói về ông: người nhạc sĩ của thế kỷ, phù thủy âm nhạc, cây đại thụ của ca khúc Việt Nam… Cũng vì thế, viết và nói về nhạc sĩ Phạm Duy là một điều khó, vì đã có quá nhiều người phân tích từ đủ mọi góc cạnh. Từ những nhà phê bình âm nhạc, cho đến bạn bè của ông là những văn nghệ sĩ, hay những người mến mộ. Họ viết về cuộc đời nổi trôi theo vận nước Việt Nam của Phạm Duy, về giai điệu và ca từ Phạm Duy, về khả năng sáng tác bền bỉ của người nhạc sĩ thiên tài…

Nhưng có lẽ còn một góc nhìn về nhạc sĩ Phạm Duy chưa bao giờ được phổ biến: nhạc sĩ Phạm Duy trong mắt của những người con. Gia đình Phạm Duy là một gia đình âm nhạc đúng nghĩa nhất trong giới nhạc sĩ Việt Nam. Bố mẹ (Phạm Duy & Thái Hằng) và hầu hết tám người con trong gia đình và một số dâu, rể đều từng là nhạc sĩ, ca sĩ, từng biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Nhạc sĩ Phạm Duy là một ông bố hướng dẫn nhiều người con trên bước đường đi vào sự nghiệp âm nhạc.

Vào Tháng 10 năm nay, những khán giả yêu mến người nhạc sĩ của thế kỷ sẽ có dịp được thưởng thức một số ca khúc Phạm Duy chọn lọc qua tiếng hát của những người con, và được nghe những câu chuyện kể về Phạm Duy với góc nhìn hiếm hoi từ gia đình, qua đĩa video âm nhạc (Blu Ray) có chủ đề Phạm Duy 100 năm.

Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 5 Tháng 10 năm 1921. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh vào năm 2021, gia đình của ông dự định tổ chức một chương trình nhạc Phạm Duy tại miền Nam California. Đêm nhạc đã không thể thực hiện được do đại dịch Covid-19. Bạn bè, thân hữu và những người yêu nhạc Phạm Duy đều lấy làm tiếc vì đã không thể làm được một điều gì đó để kỷ niệm cột mốc quan trọng này.

Nhưng những người con của nhạc sĩ Phạm Duy không chịu bỏ cuộc. Đó là những tên tuổi đã quen thuộc đối với khán giả yêu nhạc cả trước và sau 1975 như Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo, Tuấn Ngọc, Thái Hạnh, Thiên Phượng,  Duy Minh, Duy Hùng… Trong thời điểm cách ly của đại dịch Covid, những cuộc gặp gỡ trong gia đình đã đưa ra ý tưởng thực hiện một video âm nhạc kỷ niệm sinh nhật 100 của Bố Phạm Duy, để thay cho đêm trình diễn ca nhạc dự kiến. Video Phạm Duy 100 năm đã bắt đầu hình thành từ đó.

Trong video có phần “câu chuyện sau hậu trường”, với Thái Hiền, Thái Thảo, Thiên Phượng, Tuấn Ngọc kể lại những câu chuyện vui, thú vị về việc thực hiện chương trình này. Vì gia đình Phạm Duy toàn là ca sĩ và nhạc sĩ, cho nên việc chọn người hát, hòa âm cho những ca khúc không khó. Trở ngại lớn nhất nằm ở chỗ việc quay phim, thu âm, dàn dựng sân khấu đều khó khăn trong mùa cách ly dịch bệnh. Nhưng rồi cái khó ló cái khôn. Những người trước đây chỉ là nhạc sĩ, ca sĩ nay tự học để kiêm luôn vài trò sản xuất, dàn dựng. Thái Thảo trở thành người phụ trách âm thanh, đồng thời viết bè cho nhiều ca khúc. Thiên Phượng kiêm vai trò đạo diễn, phụ trách phần hình ảnh, ánh sáng. Duy Đức trở thành giám đốc sản xuất… Việc dàn dựng sân khấu được thực hiện ngay tại nhà, với ý tưởng từ chính các chị em trong gia đình. Cũng vì vậy, đây có thể được xem là “một video âm nhạc của gia đình Phạm Duy” theo đúng ý nghĩa nhất, và cũng có thể là duy nhất.

THiên-Phương-&-Thái-Thảo
Thiên Phượng (trái) và Thái Thảo
Một khó khăn nữa là phần chọn ca khúc cho chương trình. Phạm Duy có cả ngàn lời ca, trong một chương trình chỉ có 18 bài hát phải chọn ra bài nào là tiêu biểu nhất? Một lần nữa, ca khúc được chọn theo cảm nhận của những người con. Có đủ các giai đoạn sáng tác; có đủ các thể loại nhạc tình, nhạc quê hương; có nhạc cho mọi lứa tuổi.

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy tham gia kháng chiến chống Pháp, đi hát rong trên khắp các vùng quê Bắc Việt, cho nên ông cảm nhận được nét đẹp của xóm làng miền Bắc thông qua những câu ca dao, làn điệu dân ca. Liên Khúc Ca Dao gồm ba bài hát Bài Ca Sao, Đố Ai, Nụ Tầm Xuân, là những thí dụ cho thấy sự tài tình của Phạm Duy khi đưa ca dao, dân ca vào ca khúc của mình. Một người nhạc sĩ sẽ có được chỗ đứng riêng trong nền âm nhạc thế giới nếu tận dụng được hết tinh hoa những làn điệu dân gian của dân tộc mình. Và Phạm Duy là một trong số ít nhạc sĩ Việt Nam làm được điều này. Hình như ca dao, dân ca đã nằm trong máu thịt của người nhạc sĩ. Trong Bài Ca Sao, Đố Ai, khán giả khó mà nhận biết những lời ca nào là lấy từ ca dao hay do chính Phạm Duy sáng tác. Và những làn điệu dân ca hay nhất của Việt Nam cũng ẩn hiện trong nhiều ca khúc dân ca cải biên của Phạm Duy, khiến ông xứng đáng được xem như một trong những nhạc sĩ có hồn dân tộc Việt Nam sâu đậm nhất.

Trong liên khúc Tưởng Niệm Duy Quang, khán giả sẽ có dịp tưởng nhớ về ca sĩ Duy Quang, người anh cả đã quá cố trong gia đình, qua phần trình bày của Duy Hùng và Xuân Lộc. Một số ca khúc mang đậm dấu ấn Duy Quang như Ta Yêu Em Lầm Lỡ, Chỉ Chừng Đó Thôi, Em Hiền Như Ma Sơ, Hai Năm Tình Lận Đận… sẽ đem người nghe trở về Sài Gòn thời thập niên 1970s, thời mà ban nhạc The Dreamers với tiếng hát Duy Quang chinh phục giới trẻ với những tình khúc sáng tác theo phong cách nhạc trẻ của Phạm Duy.

Bên cạnh những giọng ca nữ quen thuộc của gia đình Phạm Duy như Thái Hiền, Thái Thảo, khán giả sẽ thích thú với sự góp giọng của cô gái út Thái Hạnh. Rời Việt Nam năm 1975 khi chỉ mới hơn 5 tuổi, Thái Hạnh không có dịp để trở thành một nữ ca sĩ như các chị của mình dưới dự hướng dẫn của bố Phạm Duy. Nhưng Thái Hạnh vẫn luôn luôn giữ dòng nhạc Phạm Duy trong tâm thức, và vẫn sở hữu giọng hát thiên phú của một gia đình truyền thống âm nhạc. Cho dù nói tiếng Việt không lưu loát, nhưng khi hát cùng các chị trong liên khúc Bé Ca-Nữ Ca, người nghe sẽ thấy giọng hát của Thái Hạnh không có nhiều cách biệt so với Thái Hiền, Thái Thảo; với sự hòa điệu thật hoàn hảo như đã từng hát chung với nhau từ lâu lắm.

bốn-cô
Thái Hạnh, Thái Hiền, Thái Thảo, Thiên Phượng
Xen kẽ với phần trình bày những ca khúc, khán giả sẽ nghe những câu chuyện của những người con nói về bố Phạm Duy. Thái Thảo nhớ lại chuyện thời thơ ấu trong ngôi nhà ở hẻm Chu Mạnh Trinh Phú Nhuận. Hai chị em gái Thái Hiền và Thái Thảo thân thiết với nhau lắm, thường cùng nhau chơi đồ hàng. Đến một ngày hè nọ, Thái Hiền bỗng dưng mếu máo khóc “méc” với Thái Thảo rằng “…Bố bắt tao đi hát! Không được chơi nữa rồi!” Chắc năm đó chắc Thái Hiền chỉ chừng 13 tuổi. Và cũng từ đó, các chàng trai sinh viên học sinh Sài Gòn bắt đầu tương tư giọng hát trong vắt của Thái Hiền qua những bài nữ ca, bé ca…

Thái Thảo kể lại rằng khi thâu thanh phần liên khúc “Tình Quê Hương”, các chị đã phải thâu đi thâu lại nhiều lần, bởi vì đã không cầm được nước mắt mỗi khi hát. Vẫn biết là đã nghe và hát nhiều lần những ca khúc Quê Nghèo, Mẹ Trùng Dương… Nhưng không ai nghĩ rằng lần này lại hát có nhiều cảm xúc  không thể kềm chế được! Một phần vì nhớ bố. Một phần vì thâu tại nhà, có thời gian để nghiền ngẫm lời bài hát, mới thấy sao mà thấm thía! Trong giai điệu dìu dặt như tiếng sóng đại dương, lời bài Mẹ Trùng Dương dạt dào như tiếng ru của bao đời mẹ Việt Nam:

…Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của mẹ trùng dương
Mẹ Việt Nam cho quê hương muối trắng thêm thơm mâm cơm mặn nồng
Mẹ còn cho con luôn luôn tôm to, cá lớn tươi ngon đầy thuyền…

Càng nghe, càng hát, Thái Thảo lại càng thấy nhạc của bố Phạm Duy hay và nhiều ý nghĩa đến nhường nào. Chị tiếc là các con đã không nghĩ ra để thực hiện chương trình này khi bố còn sống, như là một lời tri ân gởi đến người bố của riêng mình, và cũng là người nhạc sĩ quê hương vào bậc nhất của Việt Nam. Đúng như lời của người thực hiện phỏng vấn trong video là chị Quỳnh Trang, Phạm Duy là người họa sĩ tài tình nhất trong việc phác họa những hình ảnh, nét đẹp đặc trưng của quê hương Việt Nam bằng ngôn ngữ âm nhạc. Trước đó, nhà thơ Trần Dạ Từ đã từng nói rằng Phạm Duy là một trong những thi sĩ lớn nhất của Việt Nam, bởi vì lời ca trong nhiều bài hát của ông là những vầng thơ trác tuyệt.

Trong video ca nhạc này, Tuấn Ngọc chọn hát bài nhạc tình Tạ Ơn Đời, ca khúc mà anh yêu thích nhất. Tuấn Ngọc là người hát nhạc ngoại quốc, nhạc Anh-Mỹ rất nhiều. Theo anh, Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ viết ca khúc đặc sắc nhất nếu so sánh với các nhạc sĩ trên thế giới trong cùng thế hệ. Bởi vì nếu đặt vào cùng một hoàn cảnh, điều kiện, chắc không mấy nhạc sĩ có được một sự nghiệp sáng tác ca khúc đồ sộ và phong phú như Phạm Duy. Nhạc của Phạm Duy không có tuổi, không bị lạc hậu. Nhiều ca khúc của Phạm Duy là bất tử; cho dù đã sáng tác từ hàng chục năm trước, nhưng đến tận ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn làm rung động trái tim của hàng chục triệu khán giả thuộc nhiều thế hệ, nhiều độ tuổi.

Ca sĩ Duy Trác trong một lần nói chuyện với cán bộ quản giáo trong trại tù cải tạo cộng sản rằng Phạm Duy là nhạc sĩ lớn nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông xứng đáng được gọi là người nhạc sĩ của thế kỷ, bởi vì một thế kỷ sau không chắc Việt Nam sẽ có một nhạc sĩ có tầm vóc tương tự. Nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Phạm Duy, điều này dường như đã được kiểm chứng.

Nói về nhạc Phạm Duy sẽ là câu chuyện còn tiếp nối của nhiều thế hệ những người yêu âm nhạc Việt Nam. Nhưng nhạc Phạm Duy được hát bởi các con, kèm theo những câu chuyện về Phạm Duy được kể bởi các con trong một video ca nhạc thì vẫn là một điều có ý nghĩa đặc biệt. Video Phạm Duy 100 Năm sẽ là một món quà có ý nghĩa dành cho những người yêu mến Phạm Duy, một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam thời hiện đại vừa chạm cột mốc bách tuế.
 
Trailer chính thức: https://www.youtube.com/@RealPhamDuy
Để đặt mua đĩa, xin liên lạc:
714 858 5813
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở nước Mỹ hiện nay, các chính trị gia đang chia rẽ, đấu đá, tranh phiếu cử tri về những vấn đề tưởng như là “chuyện nhỏ” ở các quốc gia văn minh khác. Thí dụ như vấn đề về quyền của người đồng tính. Ở nước Mỹ tự do dân chủ nhất thế giới ngày nay vẫn xảy ra tình trạng đối xử tàn nhẫn, kém văn minh đối với những người đồng tính. Nhiều người khi nghe điều này sẽ không tin đó là sự thật. “Làm sao chuyện đó có thể xảy ra ở xứ sở văn minh này!?” Nhưng sự thật dù khó tin nhưng vẫn là sự thật. Nhất là khi nó được kể lại từ những nhân chứng sống, rồi sau đó được in thành sách, chuyển thể thành phim ảnh.
Trưa Chủ Nhật, 8 tháng 10 năm 2023, tại đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove, Quận Cam đã diễn ra chương trình Ngọc Trong Tim kỳ 15, với phần trình diễn của các nghệ sĩ khuyết tật đến từ nhiều nơi...
Với một người lãnh đạo có cả tâm, tài và niềm đam mê, với một ban điều hành tâm huyết với nền văn học-nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại, với những thiện nguyện luôn sát cánh trong gần hai thập kỷ, có vẻ như VFF đã sẵn sàng đi tiếp thêm 20 năm nữa...
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh năm 1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, trong gia đình theo đạo Tin Lành. Nhập học lớp Đệ Thất vào năm 1944 lúc 14 tuổi tại trường Bưởi...
Nhạc sĩ Y Vũ vừa qua đời tại Sài Gòn ngày 28-9-2023 hưởng thọ 83 tuổi (1940-2023); báo chí lại đặt vấn đề ai là tác giả thật sự của ca khúc nổi tiếng Tôi Đưa Em Sang Sông...
Sáng nay trên trang Facebook, ca sĩ Bảo Yến báo tin nhạc sĩ Quốc Dũng vừa ra đi ngày 24-9-2023. Khoảng mười mấy năm trước Quốc Dũng có sang Hoa Kỳ và ghé ở nhà người quen ở San Jose. Tôi chở Quốc Dũng ra quán cà phê Dạ Thảo, ngồi nghe anh kể chuyện văn nghệ. Anh nói rằng lần này sang Mỹ và sẽ xuống Quận Cam để gặp một nhạc sĩ nổi tiếng mà Quốc Dũng ngưỡng mộ. Bạn có biết người nhạc sĩ đó là ai không- tôi thoáng suy nghĩ- thì ra đó là nhạc sĩ Lam Phương!
Đối với nhiều người Việt tị nạn sinh sống tại hải ngoại, giữ gìn và quảng bá nền văn hóa nghệ thuật của cộng đồng người Việt tị nạn là một sứ mạng tinh thần quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này không hề dễ, bởi vì các hoạt động văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại thường không sinh lợi, chưa kể công sức tiền của bỏ vào xiết kể. Những người làm văn hóa cần phải có tâm, có sự kiên trì, cả sự gan lì để thực hiện sứ mệnh của mình. Duy trì được những sự kiện văn hóa tại hải ngoại kéo dài đến 20 năm có thể được xem là một thành tích đáng kể. Và năm nay, Đại Hội Liên Hoan Phim Ảnh Việt Nam Quốc Tế “Viet Film Fest” bước vào mốc 20 năm, đánh dấu một đoạn đường dài phục vụ cộng đồng. Ngoài việc hỗ trợ và quảng bá những tác phẩm của các đạo diễn gốc Việt trên thế giới, Viet Film Fest quảng bá phim mang đề tài về con người hoặc văn hóa Việt Nam do những đạo diễn không phải gốc Việt thực hiện.
Hơn ba năm sau khi bị đánh cắp ở Laren, bức tranh ‘The Parsonage garden at Nuenen in Spring’ (tạm dịch: Vườn Nhà Mục Sư ở Nuenen vào Xuân) của Van Gogh đã được tìm lại. Việc trả lại được thực hiện bởi thám tử tư nhân người Hà Lan Arthur Brand.
Viết về nhạc Phạm Duy mà không nói tới tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh là một thiếu sót không nhỏ. Như ta bước hụt một nấc thang. Tiếng hát của ca sĩ là chỉnh lại thăng bằng giữa nhạc và lời, khi niềm tĩnh lặng cần thiết một biến đổi. Những lặng yên nốt nhạc của nhạc sĩ trên mặt giấy, bỗng rảo bước đi, qua lời ca sĩ. Nhạc của Phạm Duy là nhiên liệu. Thái Thanh đốt lên thành ngọn. Ngọn rực rỡ bình minh. Ngọn hắt hiu của cây đèn lạp đêm khuya. Lửa ấy, lời ca ấy, không chỉ để ta nghe, thổ lộ những tâm tình, mà, còn để ta Nhìn, những bức minh họa. Cánh diều, con đê, bên ánh đèn mẹ ngồi khâu áo, đèo núi cao đoàn quân đi qua, bờ nước rộng con thuyền lên đường viễn xứ, chiều làng quê anh thương binh trở lại, và nắng tươi màu, áo ai phận mỏng, và thế gian giao mùa chinh chiến, và âm dương trở mình trong tiếng chày kinh. Cõi nhân ảnh mờ mờ, ảo ảo, hay tục lụy rõ soi ấy, một kiếp đời, ai cũng từng trải.
Tin nhạc sĩ Đan Thọ tác giả nhạc phẩm Chiều Tím qua đời ngày 4-9-2023, tại Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 99 tuổi, gợi nhớ kỷ niệm ca nhạc thời niên thiếu của tôi ở quê nhà...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.