Hôm nay,  

Rác

25/11/202200:00:00(Xem: 2258)


 

1

 

“Tony, mày biết làm cách nào để không còn rác nữa không?”

“Ông già lẩm cẩm nữa rồi!”

“Không. Tao hỏi thật. Mày thấy không? càng đổ, càng ép, càng đốt... rác lại càng tăng. Có rác hoài...”

“Hết rác là đói đó ông!”

“Tao biết một cách để không bao giờ còn thấy rác nữa...”

“Nghe đây ông già...” Thằng Tây nghiêm trang gằn từng tiếng, như thể sợ ông già sắp liều mạng lái xe vận tải chuyển hàng ủi sập hãng vậy. “Phá hãng là ở tù mọt gông đó nghe cha! Thôi, đừng nghĩ bậy nữa, lo cày thêm vài năm, lãnh tiền về hưu, kiếm con nhỏ nào đó, cưới đại, rước về hưởng già, cha nội!”

“Không, tao nói thiệt đó.” Giọng ông già xa xăm. “Ngày nào kéo rác đi đổ tao cũng băn khoăn tự hỏi có bao giờ hết những thứ rác rưởi trên thế gian
này... Mà nghĩ hoài không ra.”

           
 “Ông già lẩm cẩm...”

           
 “Mày khiêng rác có bị đau lưng không vậy?”

           
 “Quen rồi. “

          
 “Đêm về, tao tưởng chừng cái lưng nó gẫy làm ba làm tư.”

            
“Sao không đi bác sĩ kiếm thuốc uống?”

           
 “Tao nhờ thằng con tao hẹn bác sĩ. Mày biết nó nói sao không?”

           
 “Sao?”

           
 “Nó bảo tui kiếm việc được cho ba như vậy là hay lắm rồi, ba kiếm chuyện nghỉ là hổng được. Bên này mà để người khác nuôi thì cũng giống như rác rưởi vậy. Tao giận nó quá mày biết không.”

            
Hai người hì hục nhét đầy ruột rà, tim, gan, phổi, thận, chân và đầu gà vào cái thùng giấy khổng lồ, ém thật kỹ rồi đậy chặt hai nắp, dán lại bằng thứ băng keo kỹ nghệ dầy cứng.

Dán xong lớp băng keo cuối cùng, thằng Tây lên giọng, “Quên đi ông già ơi. Đời ngắn ngủi, ở đó mà giận cho nó uổng...”

            
“Biết vậy tao đâu có kêu nó bảo lãnh qua làm chi...” Ông già vừa nói vừa rán phụ thằng Tây khiêng cái thùng giấy đặt lên chiếc xe đẩy.

           
 “Thôi, nói chuyện gì vui vui chút đi ông già.”

            
“Mày nói đúng. Nói chuyện buồn hoài, nó làm mình chán đời...”

           
 Ông già phụ thằng Tây một tay đẩy chiếc xe nặng nề đi về phía lò thiêu. Tiếng giầy cao su lép nhép trên nền nhà ướt sũng máu me lẫn vào tiếng cót két của bánh xe sắt han rỉ cọ vào trục giữa, nghe rợn cả người.

            
“Thì nói chuyện khác vậy. Mày có bao giờ nghĩ ra cách để không còn rác trên đời này nữa không?”

           
 “Oh God!

 

2

 

 

Hết giờ nghỉ giải lao, trở lại với cái cào ba chĩa và đống ruột gà máu me bầy nhầy, ông già với thằng Tây hì hục cào, quét xoèn xoẹt những phần phế thải trên đường dây chuyền mổ bụng gà. Hai người phải quét thật nhanh để ruột gà không chồng lên thành núi. Vậy mà vừa mới ngơi tay, ông già đã lại trở về với mối ưu tư cố hữu, “Mày biết làm cách nào để khỏi thấy ba cái rác rưởi này không hở Tony?”


Tiếng máy chạy xịch xịch át đi giọng nói khàn khàn của ông già, làm thằng Tây phải hỏi lại, “Cái gì?”


“Ba cái rác rưởi trên thế gian này...”


“Lẩm cẩm quá ông già ơi. Lo cày lấy tiền trả tiền xe, tiền nhà kìa.”


“Tao đâu phải trả tiền nhà.”


“Sao sướng vậy, ông già?”


“Tao ở với thằng con trai.”


Lucky old man! Vậy tiền làm ra ông xài sao cho hết!”


“Sao không hết mày, có bao nhiêu đóng cho thiên hạ hết ráo.”


“Ai lấy tiền của ông?”


“Mấy tụi bảo hiểm chứ ai!”


“Sao vậy?”


“Thằng con tao nó bảo nếu không đóng, lỡ chết, nó không có tiền lo đám tang.” Ông già đổi qua nói tiếng Việt, một mình. “Con tao sẽ đem tao về Việt Nam để chôn. Dù sao, nằm ở quê cha đất tổ cũng vẫn hơn...”


“Có khùng không mà nói chuyện một mình hoài vậy cha!”


Mỗi lần ông già nói tiếng Việt một mình, thằng Tây lại quở là ông khùng. Are you nuts? Cái câu ấy ông già nghe hoài. Ban đầu ông để bụng, về nhà hỏi thằng con trai. Cái thằng qua đây gần hai chục năm trời mà tiếng Anh cũng chỉ lắp ráp như bọn thợ may nghèo mạt, lượm từng miếng giẻ rách may thành tấm áo hèn mọn. Ông đem cái chữ nuts hỏi nó, nó cứ ngớ ra rồi đổ thừa ông nặng tai, nghe chữ nọ ra chữ kia chứ nó ở cái đất Bắc Mỹ này gần hai chục năm trời có bao giờ nghe ai xài chữ đó đâu. Đứa con dâu sáng suốt hơn, âm thầm đem nguyên vẹn câu nói của bố chồng vào hãng hỏi mấy bà làm chung. Mấy bà Bồ Đào Nha di dân qua đây lâu lắm rồi, nghe cô bạn Việt Nam dịch nguyên câu là mày có phải đậu phụng không, đã cười ngặt nghẽo.

            
Ông già vẫn nhớ cái hôm đám giỗ mẹ ông, lúc cả đang nhà quây quần quanh bàn ăn, nói đủ thứ chuyện của thiên hạ, thì đứa con dâu đã ngắt lời mọi người, trịnh trọng dịch lại câu nói của thằng Tây - mà chị ta học được từ mấy bà Bồ Đào Nha - cho cả nhà nghe. Ba biết không, nó hỏi are you nuts là nó muốn biết ba có khùng không đó!


Tới bây giờ ông già vẫn nhớ những thớ thịt vòng quanh mí mắt ông giật giật như cái đuôi con thằn lằn bị đứt ngay trước mặt lũ con và mấy đứa bạn của nó quanh bàn ăn. Tiếng cười của lũ lâu la cứa vào thịt da ông đến rợn người.


Ông già xoa xoa mấy cái nút đỏ dùng để điều chỉnh giờ và nhiệt độ lò thiêu, mím môi, gằn một câu tiếng Việt, “Lũ khốn nạn!”


“Ông chửi tôi hả?”


Ông già đổi qua tiếng Anh bồi, “Tao chửi mày làm mẹ gì!”


“Sao tôi nghe như ông chửi thề vậy!”


“À, tao chửi thiên hạ.”


“Thiên hạ nào?”


“Thằng con tao.”


“Sao vậy?”


“Nó đối xử với tao như người ở.”


“Thôi ông già ơi, mắc mớ gì mà giận cho mệt xác. Rán cày một thời gian, lấy tiền về hưu, cưới con mẹ xồn xồn nào đó cho vui cửa vui nhà...”

Ông già thọc ngón tay vào miệng, lay lay cái răng lung lay, sắp rụng. Mùi tanh từ bàn tay xộc vào hai lỗ mũi, nhưng ông vẫn tỉnh queo, “Tao đâu còn nghĩ tới ba cái chuyện đó mà mày phải nhắc...”


“Ông già lẩm cẩm!”


Như không nghe thằng Tây nói gì, ông già tiếp tục rì rầm, “Tao chỉ thắc mắc có cách nào làm cho hết đi những rác rưởi khốn nạn trên thế gian này...”


Hai năm trời, ăn ngủ với rác; gần gũi với rác đến độ trong giấc chiêm bao, ông già đã bao nhiêu lần thấy mình thành đứa bé ngụp lặn trong vũng rác biến dạng nhầy nhụa, hôi hám. Ông đùa giỡn với những bạn bè ấu thơ. Ông trèo lên kè đá, bám dây leo làm Tarzan, chúa tể rừng xanh, nhảy ùm xuống vũng rác ngập ngụa. Tất cả muông thú trong rừng già đều nghe lời ông, trừ lũ cá sấu. Lũ bò sát này chỉ chờ ông sơ hở là quẫy đuôi ném rác vào mặt ông.

Trong những chiêm bao, một đôi lần ông đuối sức, đành thả trôi trên dòng sông rác, nhưng không bao giờ để bị chìm xuống.


Những con cá sấu; lũ bò sát hèn mạt lúc nào cũng rình rập tấn công ông từ phía sau. Đồ rác rưởi!


Gần gũi với rác đến như thế mà ông vẫn chưa quen được với sự kiện rác và ông cùng chung một cõi. Những thứ rác rưởi của cuộc đời...


“Tao nghĩ hoài không ra.”


“Làm việc đi ông già, tụi nó mướn ông vào đây để làm chứ đâu phải để nghĩ, cha nội!”

 

 

3

 

 

Giờ ăn, ông già đem lon cơm ra cái bàn ngoài sân ngồi hóng gió. Thằng Tây cũng đi với ông. Cái thằng cao lều nghều như cây tre bên nhà. Nó đi mà cái bóng của nó đổ dài thườn thượt trên sân cỏ xanh mướt như tấm thảm trông đến mệt cả mắt. Gió đầu mùa thu lạnh gai da thịt. Ông già gài chiếc nút áo cổ và gỡ tay áo đang săn cao xuống, lơ đãng nhìn những cánh chim bay thành hình chữ V, xuôi về góc trời phương nam xanh thẫm.


“Lạnh há!” Thằng Tây gợi chuyện.


Ông già khụt khịt. Mùi hoi nồng của rác xoáy vào lỗ mũi ông.


“Mẹ kiếp! Cái mùi ngửi hoài...” Ông bỏ lửng câu nói bằng tiếng Việt.


You are nuts again?


Đã ngoạm một miếng bánh mì cặp thịt thật lớn vào miệng rồi mà thằng Tây vẫn không quên hỏi móc ông già. Ông lại khùng nữa rồi phải không. Mỗi lần ông nói tiếng Việt là nó nghĩ ông khùng. Thiệt tình cái thằng ba trợn.


Ông già không thèm bực bội. Có bao nhiêu bực bội ông đã đem ra xài hết ở nhà tối hôm qua rồi. Tối hôm qua, nhà con trai ông có tiệc. Cái lũ ăn gian ăn lận ấy ăn nên làm ra, cố gồng mình xóa bớt cái nét cu li cu leo bằng cách ăn diện thật sang trọng và tiệc tùng xoay vòng liên tục hết nhà này đến nhà kia. Thằng con trai ông lôi con nó ra trước mặt mọi người trong bàn tiệc, dạy thằng bé cách xài giấy vệ sinh. Nó bắt thằng nhỏ đứng ngay trước mặt ông. Nó thọc ngón tay vào cái lỗ ống giấy, tay kia kéo cuộn giấy ra một đoạn ngắn, thong thả xếp đôi lại, rồi khéo léo giật nhẹ. Miếng giấy vuông vức nằm trong lòng bàn tay nó, gọn gàng như nằm trong lòng bàn tay phù phép của nhà ảo thuật. Cái giọng lanh lảnh của nó xói vào không gian ngập ngụa mùi bia và rượu nặng. Mỗi lần xài, xé một miếng bây dai thôi. Giấy bên này mắc tiền, ở Việt Nam người ta phải xài giấy nhựt trình mà còn hổng có. Nhớ chưa... Thằng bé qua đây từ lúc chưa tập bò. Cả bàn tiệc chỉ có mình ông mới được bảo lãnh qua. Cả lũ nhà chúng nó ai mà không biết đó là bài học về nếp sống mới ở Bắc Mỹ, dành cho những di dân u tối, quê mùa mới đặt chân đến xứ người như ông.


Thế là bàn tiệc vắng mặt ông. Mới hôm qua đây chứ đâu.


Ông già hít một hơi dài cái mùi rác rưởi quen thân. Lũ người ngồi trong bàn tiệc ở nhà con trai ông đêm hôm qua có khác gì những bọc rác hôi rình ông phải đổ vào máy ép mỗi ngày. Trời thì mới chớm vào thu mà đứa nào đứa nấy quấn lên người rặt một thứ áo da đắt tiền giống hệt nhau. Ngồi ở bàn ăn mà mấy đứa rút điện thoại cầm tay ra í éo ầm cả lên. Ăn uống no say xong, chúng nó kéo nhau xuống basement, quấn vào nhau mà hát karaoke mãi tới hai ba giờ sáng.


Ông nằm cong như con tôm kho trên giường thằng cháu nhỏ; cái thằng mới học được chung với ông nội bài học cách xài giấy vệ sinh ở bắc Mỹ. Mãi đến gần sáng, ông mới ngủ thiếp đi.


Ông ngã vật vào một giấc mơ tàn nhẫn. Trong giấc mơ, ông thấy mình ngoi trong dòng sông rác. Ông thấy hết những khuôn mặt quen thuộc giả dối của những đứa lại nhà con ông ăn uống và hát karaoke trong dòng rác nặng màu xám tối. Chúng nó là những con cá sấu; những con vật bò sát đê tiện. Cả những đứa trơ tráo nhận ông là bố nuôi, dùng cái thứ tiếng Anh quê mùa gọi ông là pha-đơ. Hế lô pha-đơ, hao a rờ du, pha-đơ. Chúng nó biết ông không vui vì chuyện tiệc tùng, nhảy nhót, hát ca ầm ĩ của chúng nó. Thành ra ông có thêm bao nhiêu là con nuôi; những đứa con nuôi rác rưởi. Những con cá sấu xáp lại quanh ông, vỗ về, xoa nắn ông, rồi cắn xé ông tan nát.


Nếu thằng cháu nội không đánh thức ông dậy, chắc lũ cá sấu tóc đen, mặt người, đã ăn thịt ông mất tiêu rồi!


Old man, nuts again?


Bây giờ đến lượt thằng Tây đánh thức ông.


Ông mở nắp hộp cơm. Mùi nước mắm tỏa ra, lẫn ngay vào mùi rác khăm khắm nặng chình chịch trong không khí. Những con cá kho mầu nâu thẫm nằm cong queo trên mặt cơm trắng.


“Ông già mơ mộng!” Thằng Tây cắn thêm miếng bánh mì cặp thịt, nhồm nhoàm gọi.


Ông bốc một con cá nhỏ quắt queo như ngón tay út cắt rời của một nạn nhân thời chiến tranh thuở trước bỏ vào miệng, “Mấy bữa nay tao mất ngủ.”


“Sao vậy? Bộ nhớ con mẹ nào phải không?”


“Nhớ gì mà nhớ! Tao chỉ khó ngủ vậy thôi...”


“Tính nghỉ bệnh phải không cha!”


“Nghỉ ở nhà còn cực hơn đi làm, mày biết không?”


Who cares!


“Mày có biết chỗ nào,” Ông già ngừng lại, ngướng con mắt lên nhìn quanh quất phía sau, bên phải, bên trái, rồi tiếp tục nói, như thì thầm, “Chỗ nào bán thuốc làm cho dễ ngủ không, Tony?”


“Lại bác sĩ gia đình của ông đó.”       


“Mất công quá!”


“Tôi biết có cái tiệm thuốc tây kia, ông lại nói nhỏ với nó, muốn mua thuốc gì cũng có, chỉ mắc tiền hơn chút xíu...”


Ông già vừa nhai cơm vừa xục xạo túi áo, túi quần, lôi ra tấm vé số chưa kịp dò, “Mày có bút không, ghi cái địa chỉ vào đây dùm tao.”


“Khỏi ghi, ngay trong khu chợ Việt Nam chứ đâu nữa.”


“Sao mày biết?”


“Tôi đổi thuốc... ở đó hoài! Mà ông tính mua làm gì vậy?”


Ông già nheo mũi khịt khịt mùi rác thân quen. Rồi tay này nhét tấm vé số vào túi áo, tay kia bốc một con cá khô quắt queo bỏ vào miệng, ông già nói lảng, “Cái việc của tụi mình nghĩ cũng hay. Tối ngày chỉ lo có một chuyện là ép rác, đốt rác.”


Một người đàn bà Trung Mỹ õng ẹo đi qua, đá lông nheo với hai người đàn ông. Thằng Tây đưa tay hôn gió người đàn bà rồi nghiêng đầu ngó theo những bước chân nhún nhẩy của chị. Hai mắt nó nheo lại, như chói nắng.


Ông già cũng nhìn theo những đường cong hỗn xược mọc trên thân thể người đàn bà. Cái bóng của chị ta lướt thướt trên cỏ xanh. Ông biết con nhỏ này. Từ Mexico qua thì phải. Con nhỏ đỏng đảnh nhất nhì trong cái hãng đầy những di dân Đông Âu và chỉ có một mình ông già là người Việt mà thiên hạ cứ nhất định cho là Chinese. Con nhỏ có lần đã bá cổ ông, gọi ghẹo ông là honey.


Lúc bóng người đàn bà đã lẫn vào phía sau những chiếc xe vận tải chở gà của hãng, ông quay lại nhìn thằng Tây đang ngả đầu dựa vào tường xi măng lởm chởm. “Tao nghĩ quanh nghĩ quẩn hoài cái chuyện làm cách nào cho hết hẳn mọi thứ rác rưởi. Mày biết không những đứa bạn của con tao, chúng nó họp thành một nhóm, một cái club dị hợm. Rác lớn sinh rác nhỏ, rác cha sinh rác con. Rác đời này truyền lại rác đời sau...”


Tiếng chim gọi nhau quang quác trên bầu trời xanh thẫm ngắt ngang câu độc thoại của ông già. Ông ngước nhìn những vệt đen vạch đặm trên nền trời.

“Rác. Đi đâu cũng thấy rác...”


Rồi ông trầm ngâm như ngồi thiền. Quên mất tiêu luôn cái chuyện ăn uống. Rác nhồi nhét cho đầy, cho chặt những thùng giấy hình chiếc quan tài. Rồi bỏ xuống lò thiêu. Điều chỉnh lửa cho nóng tới hai ngàn độ. Mọi thứ tan thành tro, thành bụi. Công việc chỉ có bấy nhiêu mà phải có thần có thế lắm mới được nhận vào làm. Đầu óc ông già lông bông toàn những ý nghĩ vẩn vơ. Thằng Tây ngồi bên cạnh mở chai Coke cái xoẹt, đưa lên miệng tu một hơi dài rồi đứng dậy, xoay qua nhìn ông già và lắc đầu, lặng thinh.


Mãi, ông già mới lại lẩm bẩm, “Rác, rác. Đi đâu cũng thấy rác...” Chợt giọng ông khàn xuống vì mảnh đờm keo đặc trong cuống họng. Ông đằng hắng, rồi đổi qua tiếng Việt, nói một mình, “Cho đến một hôm tao ngộ ra một điều rằng chính tao cũng là một thứ rác rưởi vô nghĩa. Và tao tìm ra câu trả lời...”


Không hiểu ông già nói gì, thằng Tây ngắt ngang, “Hết giờ break lâu rồi ông già ơi, ngồi đó hoài thằng cai nó trông thấy là mệt đó!”

 

 

4

 

 

Ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong, hãng cho công nhân nghỉ mười phút lúc mười một giờ trưa để tưởng niệm. Thấy ông già có vẻ trang nghiêm và buồn rầu, thằng Tây gợi chuyện, “Hồi đó ông làm gì hở ông già?”


“Hồi nào?”


“Hồi chiến tranh đó.”


“À, hồi đó...” Ông già ngưng nói, thọc ngón tay củi mục vào miệng, lắc lắc cái răng lung lay. “Hồi đó tao cũng... ngon lắm nghe mày. Còn mày, hồi đó
mày làm gì, có tình nguyện qua Việt Nam không?”


“Tôi đã sanh ra đâu mà biết, ông già...”


Ông già chùi ngón tay lên vạt áo, đổi qua tiếng Việt, “À, mày; con nít con nôi...” Rồi ông chuyển vội qua tiếng Anh, “Hồi đó tao cũng được lắm nghe mày.”


“Được cái gì?”


“Thì ba cái chuyện chiến tranh...”


Ông già xoay đầu nhìn khắp bốn phía phòng ăn công nhân. Những ghế bàn xương xẩu xô lệch. Bốn bức tường loang lổ những vệt máu khô xậm mầu. Bảng thông cáo lơ thơ vài tấm giấy của ban chấp hành công đoàn. Cái máy bán nước ngọt tự động vắt vẻo hình một cô gái tóc vàng khoe đôi vú căng đầy tưởng chừng phải úp cả hai bàn tay lên mỗi bên mới tạm được coi là kín đáo. Cánh cửa xám của phòng y tế đóng kín. Hình chữ thập mầu máu bầm hằn trên phiến gỗ dầy. Những hình ảnh quen mắt ông mấy tháng trời rồi.


Thấy ông tư lự, thằng Tây nghĩ ông có chuyện buồn. Hồi nãy, ông bỏ vào nhà vệ sinh thật lâu. Lúc ra, cái mặt đầy nếp nhăn không giấu được những tia nhìn bối rối của đứa trẻ ăn vụng bị người lớn bắt gặp. Và bỗng dưng ông làm biếng nói chuyện. Chắc lại buồn mấy đứa con trời đánh chứ gì. Ông già này khó chiều quá. Thằng Tây thầm nghĩ. Nếu con cái nó đã xử với mình như vậy thì có gì phải tha thiết nữa. Cứ coi chúng nó như những đứa con hoang có sao đâu. Việc gì phải ủ ê cho nó buồn thảm cả cuộc đời ngắn ngủi.


Ông già nhìn thằng Tây bằng cặp mắt ngái ngủ. Cặp mắt có đôi mí nặng nề như đeo chì.


“Hôm nay tao nhờ mày một chuyện, nghe Tony.”


“Chuyện gì?”


“Tao có hẹn nha sĩ, phải về sớm,” Ông thọc ngón tay sần sượng vào miệng, lắc lắc chiếc răng lung lay. “Mày ép rác một mình. Tao kéo sẵn những thùng giấy đựng rác ra bên lò thiêu, mày bỏ vào đó dùm tao nghe.”


“Được.”


“Cảm ơn.”


Ông già chùi bàn tay vào vạt áo, ngập ngừng nắm lấy bàn tay thằng Tây. Bàn tay lông lá của thằng thanh niên da trắng to bằng hai bàn tay ông. Hèn chi nó mạnh như voi, mấy thùng giấy hình quan tài đựng rác nhiều khi nó ôm lên gọn gàng quăng xuống lò thiêu, như người ta bồng một người đàn bà nhỏ con đặt lên giường.

            
Ông già thấy thằng Tây nhìn mình lạ lẫm. Hai mắt biếc xanh của nó xăm xoi tóc, tai, mặt, mũi, và cái cần cổ xương xẩu của ông. Ông nhìn lại nó một chặp, và bỗng dưng, ông thấy mắt mình cay cay.

           
 “Something wrong?” Thằng Tây gỡ tay ông ra.

           
 Ông già lặng lẽ lắc đầu.

            
Thằng Tây ân cần dặn dò, “Nha sĩ có cho thuốc thì nhớ uống cho đàng hoàng.”

           
 “Nhớ chứ. Tao sẽ uống hết thuốc.  Đừng lo.”

            
Good boy!

            
“Nhớ bỏ hết tất cả mọi thùng rác vô lò, mở lửa thật cao, lúc này trời lạnh rồi...”

           
 Thằng Tây ngỡ ngàng nhìn ông già thật lâu, rồi nghiêm trang, “Tôi rành ba thứ đó mà ông già. Tôi làm trước ông mấy năm trời...”

           
 “Tao biết, chỉ sợ mày quên, thằng cai nó cằn nhằn.”

           
 “Còn dặn gì nữa không?”

            
Ông già nuốt nước miếng, lơ đãng nhìn vũng nắng vuông lọt qua khung kính trên trần nhà, vắt ngang mặt bàn. Một con ruồi nhập nhằng đậu xuống vệt nước nhỏ mà ly nước ngọt một người công nhân để lại trong giờ nghỉ giải lao trước. Cần cổ ông chạy lên chạy xuống khó khăn. Những nếp nhăn trên mặt ông hằn sâu tới tận xương trán, xương gò má, xương cằm, xương thái dương. Những sợi tóc hoa râm tủa ra như bàn chải.

            
“Tao rất thích làm việc với mày, Tony à.”

           
 Thằng Tây ngơ ngác nhìn ông, “Cảm ơn.”

           
“Chỉ có mình mày tao mới kể cho nghe...” Ông già ngập ngừng, rồi bỗng dưng nói tuột một hơi, “Tới con ruột tao, tao cũng không thèm kể. Mày biết không, tao đã tìm ra cách để không còn rác rưởi trên thế gian này nữa.”


Nghe nói tới rác, thằng Tây thở phào. Nụ cười khoan dung nở ra trên môi nó.


“Không bao giờ còn rác nữa.” Chém bàn tay vào không khí, hai mắt nhìn chăm chăm vào khoảng trống trước mặt, ông già quả quyết, “Không bao giờ nữa.” Rồi ông vịn những ngón tay run run vào cạnh bàn, “Thôi tao đi nghe.”


Ông già đẩy ghế đứng dậy. Ngần ngừ như suy nghĩ gì đó, rồi ông bắt tay thằng Tây lần nữa. Ông làm thằng bạn trẻ ngạc nhiên, ngơ ngác. Hai người làm cùng một ca, chung một công việc. Lúc những người khác nghỉ giải lao thì một già, một trẻ, họ phải vùi sâu bàn tay vào đống máu mủ, ruột rà mà hốt cho sạch những phần không dùng tới của bầy gà nuôi chuồng phục phịch mới bị giết, chia những phần tốt qua một bên làm thực phẩm thú vật, phần còn lại đóng thùng, cho xuống lò thiêu. Cái lò nghe nói nóng tới hai ngàn độ.


Làm chung mãi một công việc, ngửi hoài hủy một mùi máu, mùi phân, hai người coi nhau như ruột thịt. Vậy mà Tony vẫn không hiểu nổi ông già. Lúc nào ông cũng như mang nặng trong đầu một niềm u uất.

            
Thấy ông già lạng quạng đi ngược trở vào hãng, Tony ngạc nhiên, toan gọi thì ông đã quay lại, gào lớn, cố át đi tiếng máy chạy xình xịch bên trong, “Tao coi lại xem còn quên cái thùng nào không.”

            
Rồi ông lầm lũi bước đi. Tới cửa, bàn chân vấp phải bậc thềm làm ông chúi người tới, lao đao. Vậy mà ông còn rán quay lại cười với thằng Tây. Khuôn mặt ông già, trong khoảng vuông khung cửa, tối ám như nỗi cô quạnh không nguồn cội.

         

 

5

 

 

Cuối ngày, thiên hạ về hết. Còn lại một mình Tony. Thằng cai là người đóng cửa hãng thì đang loay hoay trong văn phòng gom mấy tấm thẻ ghi giờ của công nhân. Tony ì ạch đẩy thùng giấy đựng rác cuối cùng lên chiếc xe cút kít. Trời đã trở lạnh bất ngờ. Bỗng dưng Tony nhớ tới ông già. Ông già thiệt là chu đáo. Đã nhức răng phải đi nha sĩ mà còn rán xếp đống thùng giấy dài như dãy quan tài ngay ngắn bên cạnh lò thiêu rác. Những thùng rác sậm mầu vì bỏ lâu ở ngoài, máu từ bên trong thấm ra, bò lan trên mặt đất. Lũ ruồi không biết lạnh, xôn xao khiêu vũ trong cái nắng nhạt nhòa của một buổi chiều sang mùa. Tony khiêng từng thùng một, thả xuống cái miệng sâu hoắm của lò thiêu. Cái thùng cuối cùng lẽ ra phải lấy băng keo dán miệng lại vì có lẽ ban nãy vội về, ông già quên dán, nhưng Tony làm biếng quăng đại luôn xuống lò. Đó là cái thùng sạch sẽ nhất. Chắc vì rác mới gom nên máu và nước chưa kịp thấm ra ngoài. Cái thùng nhẹ tênh.

            
Tony đi vòng qua phía bên điều khiển lò thiêu. Những nút bấm xanh đỏ trên dàn máy. Chân Tony đá phải vật gì đó, anh ta cúi xuống nhặt lên. Hộp đựng thuốc. Cái nhãn dán trên lọ thuốc có tên tiệm thuốc tây quen thuộc trong khu chợ Việt Nam. Cả cái tên thuốc cũng quen nữa. Thứ thuốc này, hồi mới làm việc trong hãng, mỗi lần mất ngủ vì nhức đầu sau một ngày hít thở cái không khí sặc mùi tanh của máu, mùi hoi của ruột rà, mùi khăng khẳng của phân, mùi khét đắng của lò thiêu, Tony thường uống vào cho dễ ngủ.

            
Thằng Tây lẩm nhẩm đọc cái tên thuốc quen. Ông bác sĩ nào rộng rãi cho tới năm chục viên thuốc ngủ. Tony lắc lắc lọ thuốc rỗng không. Chắc của ông già quá. Tony nghĩ thầm và bỏ cái lọ vào túi quần.


Lúc trở vào nhà vệ sinh rửa tay, rửa mặt, Tony nghĩ đến ông già và cười một mình. Không biết lúc già, mình có lẩm cẩm vậy không. Gì mà tối ngày cứ thắc mắc làm cách nào cho không còn rác rưởi trên thế gian này nữa. Dân Á Châu khó hiểu thật. Tony tự nhủ mai mốt ông già trở lại làm, anh sẽ nói cho ông biết là sẽ không bao giờ hết rác rưởi trên thế gian này, cho dù đó là rác ruột gà, mề gà, tim gà, gan gà, chân gà, đầu gà, hay là thứ người rác lều bều trong cái xã hội quanh ông, thì cũng chẳng ai có thể triệt hết đi cho được. Ông già ơi, ông lại khùng nữa rồi! Old man, you are nuts again!

Trước khi ra về, Tony trở ra chỗ lò thiêu thêm một lần, kiểm lại những nút bấm cho chắc ăn là máy sẽ tự động tắt sau ba tiếng đồng hồ. Hơi nóng hừng hực phả lên người anh. Anh mỉm cười nghĩ tới ông già. Hồi nãy ông già nhắc mở lửa cho thật cao. Thiệt tình, ông già dễ thương mà lẩm cẩm. Rác cỡ nào bỏ xuống lò thiêu này mà không thành tro, thành bụi.


Toan bước đi, anh bỗng nảy ra ý nghĩ chỉnh máy cho đốt thêm hai giờ nữa, ngày mai ông già trở lại, sẽ thấy cái lò sạch sẽ, khô rang. Mùi khét quyện lấy mũi anh. Ừ, sao rác hôm nay có cái mùi khét lạ kỳ...


Chắc chỉ ông già mới biết được đó là mùi của thứ gì bị đốt. Tony lẩm bẩm. Ông già có chơi trò chiến tranh ở nước ông hồi đó. Ông già vẫn bảo mùi thịt người cháy nó kỳ lạ lắm. Mai mình sẽ kể cho ông già nghe về cái mùi kỳ lạ này. Tội nghiệp ông già. Poor old man!

 20 tháng 12, 98

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.