Hôm nay,  

Ơn ai theo suốt cuộc đời – Thanksgiving

23/11/202218:22:45(Xem: 2728)
Tùy bút

trion

Thời chúng tôi còn là học sinh, không có Thầy Cô mất nết như các "nhà giáo nhân dân" bây giờ: không có học trò, nhất là nữ sinh, đánh bạn mình man rợ như hai ba con cọp vờn một con nai, rồi quay phim đưa lên Internet, "phô trương" cho cả thế giới thấy tình hình giáo dục rất buồn ở quê nhà hiện nay.

 

Thời của chúng tôi, quý Thầy Cô từ lớp mẫu giáo đến lớp 12 đều là những nhà mô phạm, là chuẩn mực cho "học trò trông lên". Thầy ra thầy, và trò ra trò, không bát nháo như nhà trường những năm đầu thế kỷ 21.

 

Bao nhiêu năm trôi qua, không những quý Thầy Cô mà nhiều cựu học sinh Ngô Quyền đã về với hạc nội mây ngàn. Quý Thầy Cô đã bước vào giai đoạn cuối hành trình của đời người, trí óc của nhiều Thầy Cô đã lãng đãng khói sương. Hơn một nửa cựu học sinh Ngô Quyền cũng đã làm xong bổn phận với xã hội, với gia đình, đã đem lại được nụ cười trên môi cha mẹ, thầy cô... Nền giáo dục nhân bản đã để lại trong lòng chúng tôi lòng biết ơn sâu sắc với Thầy Cô dù các phương trình sin, cos, tang... của môn lượng giác, các kiến thức nhặt nhạnh được từ 12 năm đầu đời  đã bỏ đi biền biệt từ lúc nào.

 

Có hai câu thơ (không còn nhớ tên tác giả) diễn tả chính xác vị trí của quý Thầy Cô ngày xưa, và được các bậc cha mẹ dùng để khuyến khích con mình chuyên cần đèn sách:

...Mai sau con lớn làm cô giáo 

Thiên hạ trông lên ngước mắt chào...

 

Nền giáo dục nhân bản non trẻ, yểu mệnh của miền Nam đã kịp đào tạo rất nhiều anh chị cựu học sinh Ngô Quyền đã may mắn được "thiên hạ trông lên ngước mắt chào" trước tháng 4 năm 1975. Đầu thập niên 70, một số cựu học sinh Ngô Quyền những khóa đầu tiên đã về dạy lại đàn em ở ngay chính  nơi ngày xưa mình ngồi ở ghế học trò như quý Thầy Cô: Nguyễn Thành Dũng (K1), Lý Khánh Hồng (K2), Bùi Đức Lương (K3), Đào Đức Thiện (K4), Hà Thị Nhung (K5), Liêng Tuấn Tài (K5), Huỳnh Quan Phận (K5), Phạm Thị Hạnh (K6), Diệp Cẩm Thu (K7), v.v...

 

Mãi đến tận bây giờ, sau bao nhiêu năm tháng,  kiến thức học được từ quý Thầy Cô đã rơi rớt theo "dọc đường gió bụi", một trong những điều còn lại với các cựu học sinh Ngô Quyền, và sẽ theo chúng tôi đến suốt cuộc đời là lòng biết ơn Thầy Cô. Không phải tất cả cựu học sinh Ngô Quyền đều đã và đang có "đường công danh thênh thang rộng mở", không phải tất cả cựu học sinh Ngô Quyền đều đạt được ước mơ thời còn ngồi ghế Trung học. Nhưng một điều chắc chắn, nền giáo dục nhân bản của miền Nam, và quý Thầy Cô đã giúp chúng tôi thành những người tử tế, đàng hoàng, và luôn biết "nhờ ai ta có ngày này" .

 

Nhân dịp Lễ Tạ Ơn 2022 ở Mỹ, xin một lần nữa viết ra bằng chữ nghĩa lòng biết ơn quý Thầy Cô , quý cựu giáo sư Ngô Quyền đã ít nhiều góp phần giúp chúng ta thực hành được câu ngạn ngữ được treo trong các phòng học ở trường Tiểu học ngày xưa "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời".

 

Nhờ câu nói của Thầy Lê Quý Thể một thủa nào trong phòng học các lớp 12 "Nghề nào cũng quý, nhưng tôi không muốn sau này gặp lại học trò cũ của mình đạp xích lô", một vài cựu học sinh Ngô Quyền khóa 8 đã đóng góp xương máu, và một phần thân thể của mình cho hai mươi năm tự do non trẻ của miền Nam (xin đặc biệt tri ân, và thắp nén hương lòng tưởng nhớ các anh đã khuất bóng), một số các học sinh K8 đã thành công ở quê người cũng như quê nhà, và tất cả cựu học sinh Ngô Quyền K8 chưa bao giờ quên ơn các Thầy Cô nói chung, và Thầy Lê Quý Thể nói riêng.

 

Nhờ những "bài kinh nhật tụng", "Gia Huấn Ca" mỗi ngày của cố giáo sư Bạch Thị Bê (1938-2018) ở các lớp 7 khóa 15 một thủa nào xa lắc xa lơ, đến bây giờ hầu như tất cả cựu học sinh Ngô Quyền K15 đều nhớ:

 

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời đức hạnh làm câu trau mình.

 

Nam sinh khóa 15 ở bất cứ góc nào của địa cầu đều mang theo lòng "trung hiếu" với mình. Nữ sinh khóa 15 đều giữ được nét đoan chính của phụ nữ Việt Nam dù nhiều bạn đã rời quê nhà từ tháng 4 năm 1975, lúc còn chưa ra khỏi thời thơ dại.

 

Còn nhiều, nhiều nữa, chỉ xin được đơn cử những trường hợp rất cụ thể.

 

Xin trân trọng tri ân quý Thầy Cô, và xin thành kính thắp nén tâm hương hướng về quý Thầy Cô đã khuất bóng. Cựu học sinh Ngô Quyền chưa bao giờ quên công ơn của quý Thầy Cô, và luôn nhớ câu ngạn ngữ "Không thầy đố mầy làm nên".

 

Xin được phổ biến lại một "tác phẩm của lòng tri ân" từ cựu học sinh K7 Nguyễn Ngọc Xuân (1951-2017) để cùng nhìn lại Thầy, Cô, bạn bè. Buồn thay, người trong video đã thành "người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?". Ngô Quyền K7 Nguyễn Ngọc Xuân cũng là một thành quả tốt đẹp của nền giáo dục nhân bản ở miền Nam, một nhắc nhớ chúng ta nhớ đến công lao của quý cựu giáo sư Ngô Quyền giai đoạn 1956-1975. Xin gởi vào hư không một nén tâm hương chân thành tưởng tiếc Ngô Quyền K7 Nguyễn Ngọc Xuân.

 

https://ngo-quyen.org/a1747/happy-thanksgiving-va-album-mot-goc-thay-tro-2011

 

Mùa lễ Tạ ơn đang về ở Mỹ, xin mượn ánh sáng từ lò sưởi thắp sáng thời đèn sách ở Ngô Quyền, và một lần nữa xin gởi lòng biết ơn chân thành đến quý Thầy Cô, đến các bậc sinh thành. 

 

Xin gởi lời tri ân vào hư không đến quý Thầy Cô đã khuất bóng, các cựu học sinh Ngô Quyền đã bỏ mình vì hai mươi năm tự do của miền Nam.

 

Lòng biết ơn mỗi năm được viết ra một lần cũng xin gởi đến tất cả quý anh chị đã góp ngà voi, giúp cựu học sinh Ngô Quyền lưu vong mỗi năm một lần tụ họp gặp nhau, gởi những đóa hoa tươi thắm nhất đến quý Thầy Cô. 

 

Tuổi đời càng tăng cao theo năm tháng, lòng biết ơn càng sâu nặng với Cha Mẹ, Thầy Cô, và cả bạn bè, cùng những ân nhân đã giúp ta trên mỗi chặng đường đời.

 

– Nguyễn Trần Diệu Hương

Thanksgiving 2022

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
Mấy nay phân xưởng Debug của hãng máy tính nhận người vô liên tục, hàng hóa đang cần gấp. Hoài Hương lướt web và thấy hãng IMF đang cần nhiều người làm việc, có thể làm bán thời gian hoặc toàn phần...
Hoạt đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang trên khắp những con đường Sài Gòn để mua đồ phế liệu...
Tôi thuộc lứa sinh viên “tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm Tý”, nhưng chỉ được vế đầu, còn đỗ cử nhân thì phải đợi đến… Giáp Dần...
Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến...
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện về hai ngôi làng, một của người Bahnar và làng kia của người J’rai trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, bây giờ được nhập chung là tỉnh Gia Lai-Kontum. Nói rõ hơn một chút, Làng Hồ, ngôn ngữ Bahnar là Kontum; Làng Đuôi, tiếng J’rai là Pleiku...
Làm người Huế là đã mang một cái “nghiệp” tha hương. Vì đất thì chật mà lòng người thì rộng lớn nên không giữ được những bước chân ôm mộng viễn xứ sông hồ. Huế kỳ cục, ở thì không thấy thương mà đi xa rồi mới quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ quê có khi di lụy cả một đời…
Nhà Trần đã khởi nghiệp với năm vị vua liên tiếp đều là những bậc anh hùng. Mặt ngoài các ngài đã lập được những chiến công hiển hách, đẩy lùi được mấy cuộc xâm lăng của lũ cường khấu phương Bắc. Mặt trong các ngài lại giỏi việc văn trị, cố gắng lo cho muôn dân được sống trong cảnh no ấm, yên vui. Thời kỳ vinh quang, thịnh vượng đó đã kéo dài gần một trăm năm...