Hôm nay,  

“Bao Giờ Thì Người Ta Tìm Ra Được Mục Đích Cuộc Sống Của Mình?”

23/03/202111:45:00(Xem: 2975)

bé bi
Tôi có một cô cháu gái tên T., năm nay 24 tuổi. Hồi bé, T. hồn nhiên lắm, và thích ăn ngon. Ở nhà thường bị mẹ bắt ăn uống “healthy”, mỗi khi sang nhà tôi chơi thì việc đầu tiên T. làm là mở tủ lạnh để tìm các món ăn ngọt và béo. Nhìn T. ăn là thấy ngon rồi!

Rồi gia đình tôi đi Mỹ, chỉ theo dõi tin tức của cháu qua bố mẹ, được biết rằng T. dạo này “người lớn” ra nhiều. T. ra trường cách đây hai năm, được làm cho một công ty lớn,  giữ một vai trò khá quan trọng đối với một cô bé mới ra trường. Làm việc căng thẳng, cháu bị stress cho dù cũng khá thành công trong nhiệm vụ được giao. Cách đây hơn một tuần, T.  viết email cho tôi, cho biết không còn giữ vai trò thử thách trong công ty nữa để có nhiều thì giờ hơn cho bản thân hơn. T. nói rằng qua công việc đầu tiên trong đời, cháu vẫn chưa biết rõ là mình giỏi cái gì và muốn cái gì, nhưng đã thấy được cái mình không giỏi và biết điều mình không muốn. Cuối thư, T. hỏi tôi “Bao giờ thì người ta tìm ra được mục đích  cuộc sống của mình hả chú?”

Câu hỏi này đã lởn vởn trong đầu tôi trong suốt một tuần. Nó làm cho tôi suy nghĩ  nhiều về T., ngẫm lại về bản thân mình, rồi về cả chuyện thời sự của đất nước Việt Nam.

Cách đây hơn 30 năm, cũng ở khoảng độ tuổi của T. hiện nay, tôi cũng đã từng đặt cho mình câu hỏi tượng tự. Mới ra trường còn hăng máu, tôi đặt cho mình nhiều mục tiêu to tát lắm. Nhưng rồi các mục tiêu đó rụng dần, vì tôi không giỏi và may mắn như mình tưởng. Tôi phải tự nhìn lại mình, đặt lại kế hoạch khác cho cuộc sống. Cho đến ngày hôm nay, so sánh lại thì mục đích cuộc sống của tôi bây giờ đã khác thời đó nhiều.


T. còn trẻ mà đã đặt ra câu hỏi này. Điều này hiếm, và lại còn hiếm hơn khi T. ở VIệt Nam. Trong mấy năm qua, người Việt hải ngoại lo âu nhìn về Việt Nam với đủ mọi vấn đề, từ chủ quyền quốc gia, đến thảm họa môi trường, hay các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận trước đây đã bị giới hạn nay càng bị bóp chẹt thêm. Trong hoàn cảnh như vậy, báo chí trong nước vẫn đưa tin tuổi trẻ Việt Nam khóc vì sung sướng khi đi đón “sao Hàn”, hay đổ ra đường “đi bão” sau mỗi lần đội tuyển đá banh quốc gia  thắng giải quốc tế. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu bạn trẻ Việt Nam ngày nay có băn khoăn về mục đích của cuộc sống như T.? Có bao nhiêu bạn sống vì mục tiêu của cha mẹ đặt ra cho mình? Có bao nhiêu bạn lấy mục tiêu của đám đông trên mạng xã hội là mục đích cuộc sống của bản thân?


Câu hỏi của T. thực ra là câu hỏi chung của loài người, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Một câu hỏi không có câu trả lời chung cho mọi người, mọi thời gian nơi chốn. Câu trả lời khác nhau cho từng thế hệ. Và không phải ai đặt ra câu hỏi này cho mình cũng tìm được câu trả lời. Tôi có một nhóm bạn thân, là những học sinh xuất sắc của một ngôi trường trung học, đại học hàng đầu của Việt Nam. Hồi trẻ, mỗi đứa có một hoài bão riêng, một hướng đi riêng trong cuộc sống. Có một thằng bạn rất giỏi kinh doanh. Thấy tôi hay đi làm từ thiện, D. đã nói rằng cách làm từ thiện hay nhất là kinh doanh thành công, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người trong xã hội. Tôi hoàn toàn đồng ý, và rất khâm phục bạn mình, chỉ có điều tôi không đủ tài để làm được như D. đó thôi. Đến ngày nay, nhóm bạn này vẫn giữ liên lạc qua mạng xã hội. Không thấy ai nói đến những ước mơ ngày xưa nữa. Câu chuyện trao đổi hàng ngày thường nhất là chuyện đùa về sex. Thăm hỏi sức khỏe bạn bè, thầy cô. Đề tài về xã hội ít được hưởng ứng. Đề tài về chính trị quốc gia là điều cấm kỵ. Tôi không rõ bạn mình đã tìm ra được câu trả lời cho mục đích cuộc sống hay chưa. Có thể các mục tiêu ngày xưa đã vượt quá tầm với của một số người, trong đó có tôi. Cũng có thể an nhàn lúc tuổi già là mục đích của chúng tôi ở độ tuổi sấp xỉ “sáu bó”…


Cũng trong email, T. kể rằng hiện nay đang đi chơi cùng một nhóm từ thiện nhỏ. Những người bạn mới này không bân rộn với công ăn việc làm lắm, và quan tâm đến những khía cạnh xã hội. T. cảm thấy bình yên khi nghe họ kể về những lần đi dạy trẻ, hay đi vẽ tường, cho nên quyết định tham gia cùng nhóm. Điều này cũng tương tự với những gì đã diễn ra với tôi trong hơn 30 năm trước. Trong tâm trạng hoang mang vì những mục tiêu đầu đời gặp trở ngại, tôi đọc lại cuốn sách Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức của Thầy Nhất Hạnh, trong đó có câu chuyện cổ tích của đại văn hào Lev Tolstoi. Đại ý là một ông vua đi tìm người trả lời ba câu hỏi để trị nước: "thời gian nào là quan trọng nhất, người nào là quan trọng nhất, và công việc nào là quan trọng nhất?". Sau khi hỏi nhiều người, nhà vua đã tìm được câu trả lời ưng ý nhất khi gặp gỡ  một vị đạo sĩ: thời gian quan trọng nhất là thời gian hiện tại, người quan trọng nhất là người đang ở gần mình, công việc quan trọng nhất là giúp đỡ người đó. Không ngờ câu chuyện đã cứu tôi ra khỏi nỗi thất vọng. Thay vì buồn vì không làm được những điều mình mong ước, tôi tìm cách giúp đỡ những người chung quanh có hoàn cảnh bất hạnh hơn. Việc làm này giúp tôi thấy rằng mình còn sung sướng, may mắn hơn rất nhiều người mà không hay biết, cho nên cứ tiếp tục bất mãn, buồn khổ. Thêm nữa, khi chia sẻ được niềm vui với người khó khăn mà mình giúp, tôi thấy nguồn hạnh phúc cho cuộc sống trở nên phong phú hơn. Rồi cách nhìn đó theo tôi đến tận ngày hôm nay, khi tôi nghĩ rằng mục đích của cuộc đời là sống sao cho có được một cái tâm bình an, hạnh phúc; và đem được sự bình an, hạnh phúc đến cho những người chung quanh. Suy cho cùng, mục tiêu như vậy cũng không có gì là quá to tát. Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ có khẳng định mọi người sinh ra đều có quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc. Và tôi cũng nghiệm ra rằng hạnh phúc không đến từ bên ngoài, mà là do cái tâm quyết định.

Có lẽ khi gởi email, T. không nghĩ rằng cháu đã tác động đến tôi rất nhiều. Trong giai đoạn mà những hy vọng của tôi dành cho đất nước Việt Nam từ vài năm qua đã bắt đầu nguội lạnh, suy nghĩ của cô cháu trẻ tuổi đã làm cho tôi thắp lại một chút niềm tin. Trong hàng triệu người trẻ tuổi ở Việt Nam, có nhiều bạn đặt câu hỏi về mục đích của cuộc sống như T. không? Nếu con số đó là không nhiều, thì làm sao để có nhiều người trẻ tuổi hơn suy nghĩ về câu hỏi này? Vẫn biết rằng câu hỏi đó không có câu trả lời chung, và cũng chưa chắc ai cũng tìm được câu trả lời. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng tương lai một dân tộc, một đất nước sẽ khá hơn khi những công dân trẻ tuổi đặt câu hỏi này cho bản thân. Bởi vì những bạn trẻ đã tự vấn như vậy sẽ không để cho cuộc sống quí giá của mình trở nên lãng phí.

Cảm ơn T. vì đã cho chú niềm hy vọng. Chúc cháu sớm tìm ra được mục đích của cuộc sống, một việc mà chỉ có cháu tự tìm ra câu trả lời chính xác cho bản thân mình.

Doãn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
Mấy nay phân xưởng Debug của hãng máy tính nhận người vô liên tục, hàng hóa đang cần gấp. Hoài Hương lướt web và thấy hãng IMF đang cần nhiều người làm việc, có thể làm bán thời gian hoặc toàn phần...
Hoạt đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang trên khắp những con đường Sài Gòn để mua đồ phế liệu...
Tôi thuộc lứa sinh viên “tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm Tý”, nhưng chỉ được vế đầu, còn đỗ cử nhân thì phải đợi đến… Giáp Dần...
Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến...
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện về hai ngôi làng, một của người Bahnar và làng kia của người J’rai trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, bây giờ được nhập chung là tỉnh Gia Lai-Kontum. Nói rõ hơn một chút, Làng Hồ, ngôn ngữ Bahnar là Kontum; Làng Đuôi, tiếng J’rai là Pleiku...
Làm người Huế là đã mang một cái “nghiệp” tha hương. Vì đất thì chật mà lòng người thì rộng lớn nên không giữ được những bước chân ôm mộng viễn xứ sông hồ. Huế kỳ cục, ở thì không thấy thương mà đi xa rồi mới quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ quê có khi di lụy cả một đời…
Nhà Trần đã khởi nghiệp với năm vị vua liên tiếp đều là những bậc anh hùng. Mặt ngoài các ngài đã lập được những chiến công hiển hách, đẩy lùi được mấy cuộc xâm lăng của lũ cường khấu phương Bắc. Mặt trong các ngài lại giỏi việc văn trị, cố gắng lo cho muôn dân được sống trong cảnh no ấm, yên vui. Thời kỳ vinh quang, thịnh vượng đó đã kéo dài gần một trăm năm...
Cầu Hội có dáng “hình thang” thật đơn giản, cao và thông thoáng. Chỉ là chiếc cầu gỗ mảnh khảnh nên nó lại phù hợp, hài hòa với sự êm đềm lắng đọng của cảnh vật chung quanh. Vì cầu Hội cao và thông thoáng nên thuyền qua lại ngược xuôi dưới gầm cầu được dễ dàng. Dưới gầm cầu, bóng núi và mây vẫn lung linh, trôi chảy theo dòng suối mà không bị vướng mắt, hay bị cắt ngang hoặc che lấp...
Tim, mối tình đầu của Lily vừa chia tay, anh ta đã có người yêu khác. Lily đang thất tình đang đau khổ. Tim làm việc ngành tài chính ngân hàng, chàng trai có công việc tốt, đẹp trai, lịch sự đỏm dáng, luôn khéo ăn nói làm vừa lòng mọi người...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.