Hôm nay,  

Onusa

21/03/202110:06:00(Xem: 3206)

 


Nó lử lử lừ đừ quạt nhẹ cái vây, sức yếu quá không còn đủ mạnh để bơi ngược dòng hải lưu, có lúc nó nổi phập phều mặc cho con nước đưa đẩy, cái tấm lưng của nó dập dềnh trên mặt nước, bụng quặn đau kinh khủng, cơn đau triền miên kéo dài hai tháng nay. Nó không thiết gì ăn nữa, xung quanh nó những đàn cá hồi, cá he, tôm krill đông đặc như đám mây đen vần vũ. Bình thường thì nó đã há cái mồn to tướng ra cho nước ào ào chảy vào, mang theo bao nhiêu tôm cá, sau đó nó ngậm mồn lại, nước được phun ra qua kẽ răng, còn lũ tôm cá thì lọt xuống bao tử. Giờ thì nó mặc kệ, nó không còn sức để  ăn và linh cảm sắp rời bỏ đại dương rồi. Nó sinh ra và lớn lên ở đây, nó đã làm bá chủ đại dương mười lăm năm nay. Cư dân biển cả lẫn bọn ngư phủ đều kêu nó là nữ hoàng của đại dương. Nhiều kẻ quên cả tên của nó là Mauora, họ chỉ quen gọi nó là “ The queen of the ocean”. Quả thât nó là nữ hoàng của biển cả này, chỉ một cú quạt đuôi hay quăng mình của nó đủ làm kinh động ầm ầm một vùng biển cả. Nước mắt nó chảy ra hòa lẫn nước đại dương. Nó biết nó đang từ giã cõi đời vào cái thời kỳ sung mãn của vòng đời. Những cơn đau của cái bụng đã hành hạ lâu nay làm cho nó kiêt sức. Nó tiếc nuối và lo lắng cho hai đứa con còn nhỏ. Thằng Onusa và con Ohara vẫn bơi kè kè bên hông, hai đứa còn non nớt, vẫn còn uống những giòng sữa cuối cùng mà nó tiết ra. Mauora thều thào

- Mẹ yêu hai con nhưng mẹ không còn ở bên hai con bao lâu nữa đâu. Mẹ đi rồi, hai con hãy nhớ lời này: Đừng bao giờ rời xa vùng nước lạnh và hãy tránh xa những con tàu, những con tàu to lớn hơn cả mẹ nhưng rất nguy hiểm.

Onusa và Ohara thút thít

- Con yêu mẹ, mẹ đừng bỏ con đi!

Nước mắt Mauora chảy những giọt cuối cùng, mắt nó mờ dần, nó cố gắng lần cuối phọt những giòng sữa cạn kiệt vào miệng của Onusa và Ohara. Giọng nó ngút ngút ngắt quãng

- Mẹ yêu hai con...con…

Lời chưa dứt thì hơi thở cuối cùng đã tắt, lỗ thở trên đỉnh đầu phụt lên một làn hơi yếu ớt tạo ra một tí hơi nước rồi tắt lịm. Onusa và Ohara bơi vòng quanh xác mẹ nó mấy ngày liền, sau khi hai đứa biết chắc rằng mẹ chúng nó đã chết, từ đó chúng mới chịu bơi đi. Hai đứa bơi lòng vòng những ngày sau đó với cái bụng trống rỗng, không còn giọt sữa nào. Chúng nó đói, bản năng sinh tồn khiến nó biết cách đi tìm những đàn tôm krill, đấy là món khoái khẩu của dòng tộc nhà chúng. Khi thấy đàn tôm, hai đứa bắt chước mẹ nó, hả cái mồn thật to để cho nướcc biển lẫn tôm krill chảy ào ào vào họng. Bữa săn đầu đời không tệ chút nào, cái bụng của chúng tạm no, chẳng mấy chốc chúng biết cách sinh tồn giữa đại dương mênh mông này. Những ngày sau nữa chúng bơi dần xa hơn chốn cũ để tìm những đàn tôm kirll khác, gặp những con sứa biển đẹp tha thướt chúng cũng nuốt ngon lành.

Một ngày kia hai đứa quá say sưa nên lạc đến một vùng biển lạ, lập tức những con cá khổng lồ như mẹ nó bơi đến ngăn chặn và xua đuổi. Hai đứa đã xâm phạm lãnh hải của những con cá voi khác. Lúc ấy hai đứa thấy một con cá voi con, có lẽ cũng trạc tuổi chúng, con cá voi con ấy bơi đến khoảng giữa mẹ nó và hai đứa

- Mẹ ơi, hai đứa kia dễ thương mà mẹ, để tụi nó chơi với con!

Con cá voi mẹ lắc đầu quầy quậy

- Không được! Chúng ở lại đây thì chúng ta không đủ thức ăn!

Con cá voi con không cần mẹ nó đồng ý, nó bơi sáp lại Onusa và Ohara. Nó quạt đuôi quẫy nước vào hai đứa tỏ vẻ thân thiện

- Các cậu tên gì? Tớ là Muosa, mẹ tớ tên Rouda và ba tớ là Tuoga

Onusa trả lời

- Tớ là Onusa và em gái tớ là Ohara. Mẹ tớ bị đau bụng mới chết tuần rồi, giờ bọn tớ không có mẹ

Muosa mủi lòng

- Thật buồn cho các cậu, hay là các cậu ở lại đây với gia đình tớ?

Không đợi hai đứa trả lời, Muosa bơi lại bên mẹ nó thủ thỉ

- Mẹ ơi, hai đứa nó mới mất mẹ, hãy để hai đứa nó ở lại làm bạn với con!

Rouda và  Tuoga ngần ngừ, thân mình lắc lư trong làn nước mà không nói gì. Muosa reo lên

- Vậy là ba mẹ đồng ý hén!

Muosa lập tức quay lại với Onusa và Ohara, bọn chúng vui đùa ầm ào, tung mình lên hư không và rơi đùng đùng xuống nước. Chúng quẫy đuôi, đập nước ầm ầm, những cơn sóng do chúng tạo nên phá vỡ sự yên lặng của đại dương. Chúng tíu tít như đã quen tự thuở nào. Rouda và Tuoga nhìn chúng trìu mến, không còn ý nghĩ xua đuổi hai đứa nữa. Rouda bảo Tuoga

- Con nít quả thật ngây thơ và trong trắng, chúng đến với nhau tự nhiên, chẳng có khúc mắc và mưu tính như bọn chúng ta.

Rouda và Tuoga bơi rộng vòng ngoài, dường như có ý bảo vệ và cũng tạo khoảng cách thoải mái cho bọn trẻ vui đùa.

Sau mấy mùa băng tan trên biển, cả ba chúng nó phổng phao ra, chúng lớn nhanh như thổi. Onusa giờ tuấn tú dõng mãnh như ba của nó ngày xưa. Mẹ nó từng kể ba nó là một chiến binh vĩ đại của đại dương, là niềm kiêu hãnh của họ nhà cá voi. Một lần kia, khi ba nó phát hiện con tàu khổng lồ có treo mảnh vải trắng với hình tròn đỏ ở giữa. Ba nó rít lên báo động cho mẹ nó và những con cá voi khác hãy lặn thật sâu. Lúc đó nó vừa tượng hình trong bụng mẹ. Ba nó bơi nghễu nghện trước con tàu đó, phụt những vòi nước thật cao để dụ con tàu đi xa khỏi bầy cá voi. Ba nó đã trả giá bằng mạng sống để cứu mẹ con nó và những con cá voi khác. Con tàu có mảnh vải trắng với vòng tròn đỏ đã kéo ba nó lên boong tàu để xẻ thịt. Ohara và Muosa thì ra dáng xuân thì như mẹ của chúng. Dường như Onusa đã đem lòng yêu Muosa, tuy nó chưa đủ trưởng thành nhưng đã tỏ ra dáng vẻ của một chiến binh biển cả và khí độ của một chúa tể đại dương. Muosa thưa với Rouda

- Chúng con đã lớn, mẹ cho phép chúng con chu du một chuyến nhé? Chúng con muốn khám phá những vùng biển mới!

Cả Rouda và Tuoga trìu mến nhìn ba đứa gật đầu. Rouda căn vặn

- Các con hãy lên đường học hỏi để mở rộng tầm nhìn. Các con không thể ở mãi nơi này, nhưng các con cần nhớ rằng: Đừng bao giờ rời xa những vùng nước lạnh, tránh thật xa những con tàu đồ sộ trên mặt biển. Những con tàu ấy có cái lưỡi dài và rộng kinh khủng, chúng sẽ kéo các con lên trên ấy để sát hại. Chúng có những mũi lao to lớn phóng ra cắm ngập vào thân chúng ta, hễ thấy bóng dáng chúng là lập tức bơi thật xa, lặn thật sâu!

Onusa giật mình, những lời này sao giống hệt những gì mẹ nó trăn trối trước lúc chết. Onusa và Muosa lập tức vẫy đuôi bơi đi. Riêng Ohara thì ở lại, nó giờ đã thành mẹ kế của Muosa rồi. Onusa và Muosa bơi từ bình minh cho đến hoàng hôn, rồi hoàng hôn lại đến bình minh, ngày nối tiếp ngày, dặm dài đại dương bao la mở ra những khung cảnh mới lạ. Hai đứa gặp những cư dân biển cả xa lạ mà trước giờ ở vùng biển lạnh chưa hề thấy, thỉnh thoảng hai đứa ngoi lên thấy núi thẳm rừng xanh khác xa với những tuyết sơn băng đảo của quê hương chúng. Hai đứa thấy đói nhưng ở đây tuyệt nhiên không thấy một con tôm krill hay con cá hồi nào cả, bù lại cơ man nào là cá mòi, cá trích, cá đối… và vô số các loại khác nữa. Những đàn cá đông đặc lên đến cả vạn con, những loại cá này quây quần như những cụm mây rồi tản ra như làn khói. Onusa và Muosa không cần tốn sức, chúng chỉ cần hả miệng ra thì bao nhiêu là thức ăn theo dòng nước chảy vào . Hai đứa mải mê với cảnh vật mới lạ mà quên mất lời dặn dò của các bà mẹ. Chúng đã đi quá xa, đã đến vùng biển ấm. Ban đầu chúng thoảng chút lo lắng, nhưng cảnh vật đẹp đẽ làm cho chúng quên mau chóng. Cả hai sung sướng với vùng đại dương nước ấm này. Dáng vóc của Onusa và Muosa kỳ vĩ to lớn, đủ để lũ cá mập vốn hung hăn dữ tợn và phàm ăn cũng phải sợ  mà lảng ra xa.



Một con rùa già dường như đuối sức, mặc cho thân hình dập dềnh bên chúng. Onusa thấy hành vi của con rùa già sao giống mẹ nó những ngày bị đau bụng sắp chết. Rùa già thấy con cá voi quan sát mình nên cất giọng thều thào

- Tôi là Lohuka, tôi đã bảy mươi lăm tuổi rồi. Họ nhà tôi sống ở vùng biển này đã bao đời, chúng tôi thích ăn những con cá mại , rong biển và lũ sứa biển. Ấy thế mà gần đây họ  hàng nhà tôi nhiều người bị đau bụng đến chết vì nuốt sứa biển, đã có rất nhiều kẻ chết, thật không hiểu tại sao! Tôi cũng vậy, bụng tôi đau kinh khủng sau khi nuốt sứa biển. Tôi không còn cảm giác đói, không thể ăn nuốt gì nữa, sức kiệt dần, có lẽ tôi sẽ chết nay mai thôi! Các bạn đừng nuốt lũ sứa biển ấy nữa, kẻo không lại đau bụng đến chết đấy!

Onusa chột dạ, ông ấy sao giống hệt mẹ mình, nuốt những con sứa biển và đau bụng đến chết, những con sứa biển giờ sao mà đầy đặc ở đại dương. Onusa còn nghĩ ngợi thì rùa Lohuka tiếp tục thều thào

- Bọn người trên bờ bỏ vào đại dương vô số rác và những tấm lưới giống như rong biển. Họ hàng tôi và những cư dân biển cả bị vướng vào cổ mà chết ngạt

Rùa già Lohuka chưa dứt lời thì bỗng nhiên xuất hiện một bầy cá heo, chúng nó nô đùa ầm ĩ, thi nhau tung mình nhào lộn trong không trung. Một con cá heo lân la lại gần Onusa, nó nghe rùa Lohuka nói thế bèn góp lời

- Tôi là Potunga, bọn tôi sống ở vùng biển ấm, bọn tôi cũng thích bơi vào gần bờ. Ngày trước gần bờ thức ăn nhiều lắm, nhưng giờ cũng cạn kiệt rồi, vả lại biển gần bờ rất nguy hiểm, nhiều cạm bẫy nào là lưới, cần câu, đăng, đó… Có những vùng biển gần bờ giờ bị bọn người trên bờ xả những thứ nước độc hại, có loại đen ngòm, có loại vàng nhờ nhợ, có loại đỏ lòm...mùi những thứ nước ấy rất kinh khủng. Cư dân biển gần bờ tiếp xúc các loai nước ấy chết sạch ráo. Họ hàng và bạn bè tôi cũng chết khá nhiều vì thứ nước ấy. Nếu chúng ta uống hay bơi trong nước ấy thì sẽ bị lở loét, có kẻ thì chết ngay lập tức nhưng cũng có kẻ lây lất sống dở chết dở.

Onusa và Muosa rùng mình kinh sợ, chúng không ngờ loài người trên bờ độc ác như thế, những thứ nước và rác độc dễ sợ thật. Thân thể chúng chỉ có những mảng hàu và hà bám đủ khó chịu huống chi là chẳng may bị lở loét vì những thứ nước ấy. Con rùa già một lần nữa lấy hết sức tàn lực kiệt để cảnh báo 

- Các bạn cá heo, cá voi và các loài khác hãy cẩn thận! Đừng nuốt những con sứa, tránh mấy tấm rong biển và những vùng nước đổi màu ấy, kẻo không thì chết cả đám!

Nói xong lời này. Rùa già Lohuka tắt thở, xác nó nửa chìm nửa nổi trong làn nước biển, sóng gió đẩy đưa cho đến khi tấp vào bờ. 

Năm ấy, sau khi  the Queen of the ocean chết, xác nó trương phình cứ như một hòn đảo nhỏ giữa biển khơi, sóng nước và gió đẩy đưa cho đến khi mắc cạn ở một vùng biển nhiệt đới. Ngư dân làng chài Nhơn Hải đang đánh cá ngoài khơi trông thấy, họ kêu gọi các tàu hiệp sức kéo xác Mauora vào bờ. Làng chài Nhơn Hải xôn xao hẳn lên, người người đổ ra xem ông lụy, tiếng ông lụy đồn nhanh như gió thổi. Dân chài các làng khác cũng đổ về. Anh Hai Hưng, một bạn đi biển tỏ vẻ ngạc nhiên, lớn tiếng nói to với mọi người đang bâu quanh

- Ông lụy, ông lụy! Tôi chưa từng thấy ông nào to như ông này!

Cụ Bảy Bình, một tay đi biển lão luyện có thâm niên gần cả đời người cũng không ngớt lời

- Tui đi biển từ khi mới mười lăm tuổi, giờ đã bảy mươi lăm rồi. Tui từng nhiều lần thấy ông lụy, nhưng chưa lần nào thấy ông to chà bá như thế!

Cả làng lập tức cúng tế ông, họ bàn bạc và quyết định sau khi ông rũ xương, đem cốt ông thờ tạm ở Hải lăng, sau sẽ xây một cái lăng mới to lớn cho tương xứng với bộ xương của ông này! 

Khi ông được kéo vào bờ, Người của chính quyền sở tại và viện hải dương cũng có mặt. Họ bảo phải để cho họ giảo nghiệm tìm xem lý do cá voi chết. Ban đầu dân làng chài phản đối, nhưng sau khi nghe lời thuyết phục của vị viện trưởng và sức ép của nhà cầm quyền họ mới chịu để cho các nhà khoa học thực hiện giảo nghiệm. Nhiều ngư dân phụ họ xẻ thịt cá voi, các nhà khoa học mổ bao tử cá voi và mọi người kinh ngạc khi thấy có cả trăm ký lô túi nylon, rác thải nhựa, lưới đánh cá… trong bao tử của nó. Các nhà khoa học của viện hải dương viết báo cáo khoa học:

“ Con cá voi Mauora chết vì đói, vì đau bụng. Nó đã nuốt cả trăm ký lô rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt lẫn rác thải công nghiệp. Con cá voi này và cũng như những cư dân biển cả khác, chúng tưởng những cái túi nylon là sứa biển, những tấm lưới đánh cá là rong biển. Chúng nuốt vào và chúng bị đau bụng, khi nuốt quá nhiều rác nhựa chúng sẽ không còn ăn gì được nữa vì thế mà kiệt sức và chết đói. Đời sống tự nhiên của đại dương đang bị nguy hiểm, nhiều loài có khả năng tuyệt chủng, rác thải và hóa chất độc hại đang ngày đêm tuồn thẳng vào đại dương. Chúng ta phải hành động, cứu lấy đại dương!...” 

Onusa và Muosa tiếp tục cuộc hành trình của chúng, càng bơi xa hơn càng khám phá thêm những điều mới lạ, những vùng biển mà trước giờ chúng chưa từng nghe mẹ chúng nói đến. Cho đến một hôm cả hai gặp phải một con quái vật to thù lù ở giữa lòng đại dương, vùng nước tối lờ mờ. Con quái vật còn to hơn chúng rất nhiều, nó phát ra tiếng kêu rì rầm, có lúc thì lại rít lên xoen xoét như xoáy vào đầu, những âm thanh thay đổi liên tục. Onusa và Muosa mới đầu định bơi thât gần tính tiếp cận với con quái vật ấy, nhưng âm thanh của nó làm cho cả hai phải lảng ra. Con quái vật vẫn lù lù tiến tới, tiếng kêu con quái vậy làm cho Onusa và Muosa buốt cả óc, cả hai trở nên giận dữ cực độ. Chúng nó quay cuồng hoảng loạn, âm thanh con quái vật làm cho cả hai choáng váng, chúng nó nhắm mắt bơi loạn hướng, không còn khả nặng định hướng nữa, cái khả năng định hướng như cha mẹ và tổ tiên của chúng tự nhiên biến mất. Onusa và Muosa cứ thế bơi cho đến rã rời kiệt sức, chúng muốn quay trở về vùng biển lạnh nhưng giờ không còn biết hướng nào mà bơi, chúng cứ bơi cho đến khi không còn bơi được vì sa vào một vùng biển ấm và cạn cợt. Cả hai nằm thoi thóp, Onusa vỗ về Muosa nhưng lòng của nó cũng hoang mang tột độ. Nó không ngờ lại kết thúc cuộc đời ở vùng biển ấm này. Nó hối hận vì đã không nghe lời nó trăn trối của mẹ nó, không nhớ lời mẹ Ruoda căn vặn trước lúc viễn du. Nước mắt nó chảy ra và lịm đi.

Khi nó mở mắt tỉnh dậy thì có cảm giác cả thân mình nó bị lôi ngược. Nó cố vùng vẫy nhưng cái đuôi có sợi dây buộc. Nó nhướng mắt nhìn về sau thì thấy hai con tàu màu xanh với những sọc đỏ chạy dọc hai bên lườn đang kéo nó ra khơi. Muosa cũng được hai con tàu khác lôi ngược ra xa. Khi cả thân mình to lớn của nó vẫy vùng dễ dàng trong làn nước biển thì sợi dây buộc ở đuôi được tháo ra. Nó ngoái đầu lại kêu “hoop hoop hoop” liên hồi. Nó không biết nói tiếng của loài người, nó cảm ơn những con tàu đã kéo nó về biển sâu bằng âm thanh của nó. Cả hai sung sướng lấy đuôi quạt nước tung tóe như giã biệt những con tàu. Onusa và Muosa ra đến vùng nước sâu hụp xuống rồi cùng trồi lên, phụt hai cột nước thật cao sau đó mới bơi đi. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 02/2021 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.