Hôm nay,  

“Bao Giờ Thì Người Ta Tìm Ra Được Mục Đích Cuộc Sống Của Mình?”

23/03/202111:45:00(Xem: 2976)

bé bi
Tôi có một cô cháu gái tên T., năm nay 24 tuổi. Hồi bé, T. hồn nhiên lắm, và thích ăn ngon. Ở nhà thường bị mẹ bắt ăn uống “healthy”, mỗi khi sang nhà tôi chơi thì việc đầu tiên T. làm là mở tủ lạnh để tìm các món ăn ngọt và béo. Nhìn T. ăn là thấy ngon rồi!

Rồi gia đình tôi đi Mỹ, chỉ theo dõi tin tức của cháu qua bố mẹ, được biết rằng T. dạo này “người lớn” ra nhiều. T. ra trường cách đây hai năm, được làm cho một công ty lớn,  giữ một vai trò khá quan trọng đối với một cô bé mới ra trường. Làm việc căng thẳng, cháu bị stress cho dù cũng khá thành công trong nhiệm vụ được giao. Cách đây hơn một tuần, T.  viết email cho tôi, cho biết không còn giữ vai trò thử thách trong công ty nữa để có nhiều thì giờ hơn cho bản thân hơn. T. nói rằng qua công việc đầu tiên trong đời, cháu vẫn chưa biết rõ là mình giỏi cái gì và muốn cái gì, nhưng đã thấy được cái mình không giỏi và biết điều mình không muốn. Cuối thư, T. hỏi tôi “Bao giờ thì người ta tìm ra được mục đích  cuộc sống của mình hả chú?”

Câu hỏi này đã lởn vởn trong đầu tôi trong suốt một tuần. Nó làm cho tôi suy nghĩ  nhiều về T., ngẫm lại về bản thân mình, rồi về cả chuyện thời sự của đất nước Việt Nam.

Cách đây hơn 30 năm, cũng ở khoảng độ tuổi của T. hiện nay, tôi cũng đã từng đặt cho mình câu hỏi tượng tự. Mới ra trường còn hăng máu, tôi đặt cho mình nhiều mục tiêu to tát lắm. Nhưng rồi các mục tiêu đó rụng dần, vì tôi không giỏi và may mắn như mình tưởng. Tôi phải tự nhìn lại mình, đặt lại kế hoạch khác cho cuộc sống. Cho đến ngày hôm nay, so sánh lại thì mục đích cuộc sống của tôi bây giờ đã khác thời đó nhiều.


T. còn trẻ mà đã đặt ra câu hỏi này. Điều này hiếm, và lại còn hiếm hơn khi T. ở VIệt Nam. Trong mấy năm qua, người Việt hải ngoại lo âu nhìn về Việt Nam với đủ mọi vấn đề, từ chủ quyền quốc gia, đến thảm họa môi trường, hay các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận trước đây đã bị giới hạn nay càng bị bóp chẹt thêm. Trong hoàn cảnh như vậy, báo chí trong nước vẫn đưa tin tuổi trẻ Việt Nam khóc vì sung sướng khi đi đón “sao Hàn”, hay đổ ra đường “đi bão” sau mỗi lần đội tuyển đá banh quốc gia  thắng giải quốc tế. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu bạn trẻ Việt Nam ngày nay có băn khoăn về mục đích của cuộc sống như T.? Có bao nhiêu bạn sống vì mục tiêu của cha mẹ đặt ra cho mình? Có bao nhiêu bạn lấy mục tiêu của đám đông trên mạng xã hội là mục đích cuộc sống của bản thân?


Câu hỏi của T. thực ra là câu hỏi chung của loài người, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Một câu hỏi không có câu trả lời chung cho mọi người, mọi thời gian nơi chốn. Câu trả lời khác nhau cho từng thế hệ. Và không phải ai đặt ra câu hỏi này cho mình cũng tìm được câu trả lời. Tôi có một nhóm bạn thân, là những học sinh xuất sắc của một ngôi trường trung học, đại học hàng đầu của Việt Nam. Hồi trẻ, mỗi đứa có một hoài bão riêng, một hướng đi riêng trong cuộc sống. Có một thằng bạn rất giỏi kinh doanh. Thấy tôi hay đi làm từ thiện, D. đã nói rằng cách làm từ thiện hay nhất là kinh doanh thành công, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người trong xã hội. Tôi hoàn toàn đồng ý, và rất khâm phục bạn mình, chỉ có điều tôi không đủ tài để làm được như D. đó thôi. Đến ngày nay, nhóm bạn này vẫn giữ liên lạc qua mạng xã hội. Không thấy ai nói đến những ước mơ ngày xưa nữa. Câu chuyện trao đổi hàng ngày thường nhất là chuyện đùa về sex. Thăm hỏi sức khỏe bạn bè, thầy cô. Đề tài về xã hội ít được hưởng ứng. Đề tài về chính trị quốc gia là điều cấm kỵ. Tôi không rõ bạn mình đã tìm ra được câu trả lời cho mục đích cuộc sống hay chưa. Có thể các mục tiêu ngày xưa đã vượt quá tầm với của một số người, trong đó có tôi. Cũng có thể an nhàn lúc tuổi già là mục đích của chúng tôi ở độ tuổi sấp xỉ “sáu bó”…


Cũng trong email, T. kể rằng hiện nay đang đi chơi cùng một nhóm từ thiện nhỏ. Những người bạn mới này không bân rộn với công ăn việc làm lắm, và quan tâm đến những khía cạnh xã hội. T. cảm thấy bình yên khi nghe họ kể về những lần đi dạy trẻ, hay đi vẽ tường, cho nên quyết định tham gia cùng nhóm. Điều này cũng tương tự với những gì đã diễn ra với tôi trong hơn 30 năm trước. Trong tâm trạng hoang mang vì những mục tiêu đầu đời gặp trở ngại, tôi đọc lại cuốn sách Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức của Thầy Nhất Hạnh, trong đó có câu chuyện cổ tích của đại văn hào Lev Tolstoi. Đại ý là một ông vua đi tìm người trả lời ba câu hỏi để trị nước: "thời gian nào là quan trọng nhất, người nào là quan trọng nhất, và công việc nào là quan trọng nhất?". Sau khi hỏi nhiều người, nhà vua đã tìm được câu trả lời ưng ý nhất khi gặp gỡ  một vị đạo sĩ: thời gian quan trọng nhất là thời gian hiện tại, người quan trọng nhất là người đang ở gần mình, công việc quan trọng nhất là giúp đỡ người đó. Không ngờ câu chuyện đã cứu tôi ra khỏi nỗi thất vọng. Thay vì buồn vì không làm được những điều mình mong ước, tôi tìm cách giúp đỡ những người chung quanh có hoàn cảnh bất hạnh hơn. Việc làm này giúp tôi thấy rằng mình còn sung sướng, may mắn hơn rất nhiều người mà không hay biết, cho nên cứ tiếp tục bất mãn, buồn khổ. Thêm nữa, khi chia sẻ được niềm vui với người khó khăn mà mình giúp, tôi thấy nguồn hạnh phúc cho cuộc sống trở nên phong phú hơn. Rồi cách nhìn đó theo tôi đến tận ngày hôm nay, khi tôi nghĩ rằng mục đích của cuộc đời là sống sao cho có được một cái tâm bình an, hạnh phúc; và đem được sự bình an, hạnh phúc đến cho những người chung quanh. Suy cho cùng, mục tiêu như vậy cũng không có gì là quá to tát. Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ có khẳng định mọi người sinh ra đều có quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc. Và tôi cũng nghiệm ra rằng hạnh phúc không đến từ bên ngoài, mà là do cái tâm quyết định.

Có lẽ khi gởi email, T. không nghĩ rằng cháu đã tác động đến tôi rất nhiều. Trong giai đoạn mà những hy vọng của tôi dành cho đất nước Việt Nam từ vài năm qua đã bắt đầu nguội lạnh, suy nghĩ của cô cháu trẻ tuổi đã làm cho tôi thắp lại một chút niềm tin. Trong hàng triệu người trẻ tuổi ở Việt Nam, có nhiều bạn đặt câu hỏi về mục đích của cuộc sống như T. không? Nếu con số đó là không nhiều, thì làm sao để có nhiều người trẻ tuổi hơn suy nghĩ về câu hỏi này? Vẫn biết rằng câu hỏi đó không có câu trả lời chung, và cũng chưa chắc ai cũng tìm được câu trả lời. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng tương lai một dân tộc, một đất nước sẽ khá hơn khi những công dân trẻ tuổi đặt câu hỏi này cho bản thân. Bởi vì những bạn trẻ đã tự vấn như vậy sẽ không để cho cuộc sống quí giá của mình trở nên lãng phí.

Cảm ơn T. vì đã cho chú niềm hy vọng. Chúc cháu sớm tìm ra được mục đích của cuộc sống, một việc mà chỉ có cháu tự tìm ra câu trả lời chính xác cho bản thân mình.

Doãn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Như Ý đã trên bốn mươi, nhan sắc trung bình hay hơn trung bình một tí. Khuôn mặt trái soan, mái tóc dài, cao trên thước sáu đã níu lại được cái dáng đi hấp tấp, nhanh lẹ của cô.
Ở đất Sài Gòn, vào những đêm giao thừa xa xưa hầu như gia đình nào cũng bỏ lệ nhắc bọn trẻ đi ngủ sớm. Ở nhà tôi, trong khi mấy đứa em được tha hồ xem chương trình ti-vi đặc biệt chủ đề mừng năm mới, tôi được phụ mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng đón giao thừa đúng 12 giờ khuya. Rồi khi mẹ tôi cùng mấy bà hàng xóm đi Lăng Ông Bà Chiểu, tôi cũng được tháp tùng.
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà...
LTG: Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…” Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước… Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta.
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Từ ngày May về sống với anh. May và Ngạc là cặp đôi trùng phùng do dây tơ hồng nào đâu định liệu, kết lại thành keo dán với nhau. Ơ, có ai biết thời này là thời đại nào rồi, mà hai người tự thề non hẹn biển, kết nối, giao ước sống đời, mà chưa tỏ tường biết rõ mặt nhau. May giới thiệu mình qua điện thoại (thiệt hay giả cũng chẳng biết đâu mà mò). Em không đẹp, chỉ nhìn tàm tạm, bắt mắt với người này nhưng không bắt mắt với người kia. Em chỉ được nước da trắng thôi...
Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình...
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.