Hôm nay,  

Núi Thiêng

19/09/202011:34:00(Xem: 3014)

Ngày Lễ Lao Động năm nay, Smocky Mountain lặng lẽ lắm, núi rừng dường như được trở laị sự tĩnh mịch của muôn đời. Cơn dịch Coronavirus đã khiến cho dòng người đổ về đây vơi hẳn đi, cơn dịch có haị cho loài người nhưng mang laị lợi ích lớn cho thiên nhiên, nhờ dịch mà những tác động tai haị lớn của con người đối với thiên nhiên giảm đi rất nhiều

 Rặng Smoky Mountain tọa lạc trên hai tiểu bang: North Carolina và Tennessee. Vốn được công nhận là công viên quốc gia đầu tiên của nước Mỹ (1940), tiếp đến năm 1983 được Unesco công nhận là di sản của nhân loại… núi rừng trùng điệp và hùng vĩ, có nhiều chặng sương khói phủ mờ, mây trắng quyện lấy lững lờ chẳng tan. Có lẽ người xưa nhìn thấy cảnh tượng này mà gọi tên là Smoky chăng? hoặc giả những trận cháy rừng, khói bốc cao mà gọi là Smoky? Cũng có giả thuyết cho rằng: Người Mỹ bản địa ( Idian) xa xưa, thường đốt khói thơm trong những nghi lễ hiến tế ở những địa điểm linh thiêng trên dãy núi này, vì thế mà được gọi là Smoky. Núi rừng trùng điệp, đèo cao vực sâu nhưng xe lên dễ dàng, vì đường chạy dích dắc làm giảm độ dốc rất nhiều. Chỉ trừ những khu vực cao nhất, nơi ở của những nhà giàu và khu vực có cabins cho du khách thuê.   Nghĩ cũng lạ đời, ở xứ mình, người nghèo khổ mới lên rừng, lên núi kiếm đất cắm dùi, hoặc dỡ rẫy làm nương mà kiếm sống. Ở xứ Cờ Hoa này thì ngược laị, người giàu, cực giàu mới lên núi, lên rừng mà sống. Dù rằng ở trên núi hay giữa rừng nhưng họ không thiếu thứ gì, từ những món đơn sơ cho đến những phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất, những nơi họ ở thì xe hai cầu mới có thể lên nổi…

 Trên rặng Great Smoky Mountain có một tiểu trấn nhỏ gọi là Gatlinburg. Trấn cổ kính, nhỏ nhắn xinh xinh nằm dọc hai bên con suối nước mát lạnh trong xanh, ngày đêm róc rách chảy. Tiểu trấn Gatlinburg như bước ra từ trong truyện cổ tích của WaltDisney, nó có dáng dấp những trấn cổ của Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn, Người Đẹp Ngủ Trong Rừng, Giai Nhân và Quái Vật…Trấn đẹp lạ thường, rất lãng mạn với những con đường lát đá chạy loanh quanh, những ngôi nhà nho nhỏ bằng gỗ hoặc bằng đá, những tiệm kẹo tí hon, xưởng đèn sáp thủ công, thuỷ tinh màu, shop bán đồ lưu niệm…và cả những nghệ nhân khắc tượng, vẽ tranh hai bên đường. Không khí mát lạnh, người trẩy hội với bao sắc màu tạo nên khung cảnh đẹp làm ngẩn ngơ lòng những gã du tử. Trấn đẹp một phần cũng nhờ hoa, hoa có mặt khắp nơi, từ bậu cửa, thềm sân, vỉa hè, hai bên đường, dọc con hẻm…Hoa pansy, pectuania, hydrangea, poppy… đủ cả sắc hương hội tụ. Những gã du tử đến đây thì khi đi sẽ để laị một chút hồn mình, hoặc giả khi về sẽ mang theo trong tim mình một chút hồn của trấn nhỏ này. Những gã du tử thường đa mang, đôi khi mộng mơ và lạc lõng giữa đời thường. Những gã du tử vốn rất hậu đậu, chẳng bon chen nổi với đời, vĩnh viễn lạc lõng trên con đường đời, ngơ ngẩn ở con đường tình, lừng khừng trên đường đạo, mịt mờ với đường công danh, dở dang đường tiến thoái, mê đắm đường văn chương chữ nghĩa. Đời những gã du tử chỉ là những con chữ ráp nối như trẻ con chơi ráp hình, ráp chữ ( puzzle), khéo thì ráp thành những bức tranh đẹp, vụng về thì tạo ra một mớ hổ lốn chẳng nên hình hài gì.

 Great Smoky Mountain trùng điệp và hùng vĩ quá, xe chạy trên triền núi mà lòng vẩn vơ nghĩ về cố quận. Smocky Mountain chắc cũng giống Trường Sơn của xứ mình.  Xưa giờ vẫn nghe nói Trường Sơn núi rừng thâm sâu, ấy chỉ là lý thuyết chữ nghĩa chứ gã chưa hề thấy biết, dĩ nhiên là cũng chưa hề đặt chân đến bao giờ. Khi mà chưa đến, chưa hít thở hơi thở của núi rừng Trường Sơn thì làm sao dám viết về Trường Sơn! Vẫn nghe ca tụng Trường Sơn hùng vĩ lắm, có người bạo mồm bạo miệng đòi đốt cả dãy Trường Sơn để đạt mục đích của mình, thật sự Trường Sơn chưa bị đốt cả nhưng cũng bị loang lổ hư hoại rất nhiều, chưa đốt Trường Sơn nhưng cũng đã haị người, haị vật không ít! Smoky Mountain thật may mắn, nó ở xứ Cờ Hoa nên yên thân, xứ naỳ không ai dám đòi đốt vả laị cũng chẳng ai có tâm đủ độc để đòi đốt nó. 

 Trên rặng Smoky Mountain, thỉnh thoảng gặp những gã da trắng bặm trợn, xồm xoàm râu ria lái những chiếc mô tô Harley Davidson  rong ruổi đó đây. Lòng gã laị mường tượng những chiến binh Indian xa xưa. Xứ sở Cờ Hoa vốn là đất của người Mỹ bản địa , người mình quen gọi là thổ dân da đỏ, người Anh Điêng ( Indian) sở dĩ như vậy là vì khi nhà thám hiểm Cristoforo Colombo khám phá ra châu Mỹ, ông đã nhầm lẫn tưởng là Ấn Độ nên mới gọi là Indian, sự nhầm lẫn gọi riết thành quen đến tận hôm nay. Xe chạy ngoằn nghèo trên Smoky Mountain, tự dưng nhớ ngài Tuệ Sĩ viết:

“Quê người trên đỉnh Trường Sơn

 Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu”

 Ngài vì đau lòng bởi vận nước suy vi, vì đạo pháp ngã nghiêng, vì cơ nghiệp của Như Lai đang hồi hư hoại mới gởi nỗi hờn thiên thu trên đỉnh Trường Sơn. Ngài laị viết:” Mơ Trường Sơn vời vợi bóng anh hùng”, “ Nên bàn chân mòn sỏi đá Trường Sơn”, “ Trường Sơn ơi bóng tùng quân ngạo nghễ”…

 Rặng Smoky Mountain của Cờ Hoa, Trường Sơn của cố quận không ngờ laị có duyên với nhau như thế này, núi rừng giống nhau, thiên nhiên như nhau nhưng quốc độ khác nhau, nhân tâm bất đồng: bất đồng vì cái nhìn hạn hẹp với cái nhìn bao quát; bất đồng vì tự tư tự lợi với nhân ái vị tha; bất đồng vì cái tôi của cá nhân quá lớn với cái tâm đặt lợi ích quốc gia lên trên; bất đồng vì chủ thuyết hoang tưởng đầy bạo lực sắt máu với dân quyền- dân sinh- dân chủ; bất đồng vì lạc hậu, cố chấp với cái tân tiến, vị tha, cởi mở…Vì những sự bất đồng nhân tâm như thế nên mới có những hình thái nhà nước khác nhau, những thể chế khác nhau và cũng từ đó mà gây ra phước họa khác nhau cho con người và xã hội. Những người có cùng nghiệp lực phước phần  hội tụ với nhau, chịu chung phước họa, ở cùng những quốc độ tương ứng.

 Từ trên rặng Smoky Mountain, gã laị tưởng tượng đến những ngôi chùa Yên Tử, lòng laị thầm ước giá mà ở đây cũng có một ngôi chùa thì hay biết bao, tuy biết rằng điều ấy là không thể. Đất này của người da trắng và các thổ dân còn sót laị, đất này của những tôn giáo có đức tin khác, và điều quan trọng nhất vẫn là nhân duyên chưa có, thời gian chưa phải lúc để xuất hiện một bậc đaị sĩ xuất thế hiện thân ở chốn này. 

 Smoky Mountain mùa đông cũng có tuyết, nhưng so với tuyết sơn ở Tây Tạng thì chẳng thấm thiá vào đâu. Những đỉnh núi tuyết, những rặng tuyết sơn có rất nhiều hang đá, ở đấy các vị Lạt Ma, Guru, tu sĩ vẫn ngày đêm hành trì miên mật. Họ tu mật hạnh, khổ hạnh ngồi trong những cái hang đá đó. Họ quả thật phi phàm, những cái hang giữa trời tuyết trắng bời bời, các vị tăng Tây Tạng vẫn vững như bàn thạch, không có những phương tiện vật chất tối thiểu, thực phẩm thì mươi hôm nửa tháng mới có Phật tử mang lên cúng dường…không hề gì, các ngài như thể nhập với tự nhiên, bản nguyện, hạnh nguyện và ý chí như kim cang. Người Tạng sống trên vùng đất cao nhất thế gian này, nắng chói chang, lạnh nứt da thịt, không khí loãng, Oxy thiếu, áp suất thấp cái khắc nghiệt của thiên nhiên tưởng chừng như không sống nổi, ấy vậy mà cũng chưa yên thân. Khắc nghiệt của thiên nhiên còn chịu được, đã chịu bao đời nay. Cái khắc nghiệt của lòng người mới ghê gớm và kinh khủng hơn. Kể từ khi Trung Cộng xua quân xâm lăng Tây Tạng đến nay, bọn họ đã phá huỷ hơn bốn ngàn ngôi tự viện, giết chết hơn một trịêu người Tây Tạng, hàng vạn người phải ly hương ( có cả ngài Dalai Lama), nền văn minh Phật giáo Tạng đang bị hủy hoại. Hán hoá quá cay nghiệt, tàn độc. Những kẻ xâm lăng không chừa một thủ đoạn nào, dù là độc ác và dã man nhất, cái khắc nghiệt của thiên nhiên xem ra không nhằm nhò gì so với sự nghiệt ngã của lòng tham, sự hân hận và mê muội của Trung Cộng. 

 Những ngọn núi thiêng như Kailash, vốn được truyền tụng là đạo tràng của ngài Liên Hoa Sanh, là hang tu của tổ sư Milarepa, được cho là trung tâm vũ vụ … vô cùng thiêng liêng trong tín ngưỡng, tâm linh cũng như văn hoá của người Tạng, hiện đang bị xâm haị vì những kế khoạch đã và đang khai phá của Trung Cộng. Núi thiêng taị tâm, đất linh tại người, vậy mà giờ đây lòng dạ của những kẻ xâm lăng tàn độc, tham lam, mê muội bất chấp tất cả. Kiếp nạn cộng nghiệp của người Tạng, của những dân tộc và quốc gia nhược tiểu ngày đêm khắc khoải khổ đau.

 Rời Smoky Mountain, về với Tennessee, một vùng đất trù phú với những điền trang bát ngát mênh mông. Tennessee cũng là quê hương của ông hoàng nhạc  Rock&Roll. Elvis Presley là thần tượng âm nhạc của xứ này và cả một phần nhân loại. Elvis Presley đã để laị cho đời một gia tài âm nhạc khổng lồ và bản thân ông đã trở thành một biểu tượng của văn hoá Mỹ. Nhắc đến văn hoá Mỹ, lối sống Mỹ, phong cách Mỹ thì người ta lập tức nghĩ ngay đến: nhạc Rock&Roll, bóng bầu dục, Coca Cola, hamburger. Cách trung tâm thành phố chừng một giờ lái xe, Rock City nằm trên đỉnh một ngọn núi nhỏ nhưng khá lý thú, người ta lập nên một tiểu trấn, một khu du lịch trên đỉnh núi đá. Bàn tay và trí tưởng tượng của con người đã thổi hồn vào núi đá này. Những hẻm núi nhỏ đến độ người ta phải nghiêng mình mới qua lọt, những hang động được trang trí biến thành xứ sở của bảy chú lùn trong truyện cổ, nhiều hang đá khác cũng được trang trí theo những chủ đề của các câu chuyện cổ tích,  dùng chính đá của núi để bắt cầu qua hai vách đá, từ đó mà có Sky Bridge, cũng từ mỏn đá của Rock City nhìn ra không gian bao la, chúng ta có thể thấy đến tận bảy tiểu bang chung quanh. Rock City nhờ có bàn tay con người mà trở nên có hồn hơn, đẹp hơn từ đó thu hút du khách khắp nơi đổ về ngắm nghía trầm trồ. Dòng sông Chattanooga cũng thế, vốn chỉ là con sông nhỏ, nước tù đọng, không có gì hấp dẫn nhưng nhờ bàn tay chỉnh trang của con người tạo ra quảng trường bờ sông, công viên, phố xá hai bên sông, nhờ thế mà nó trở nên duyên dáng và đẹp hẳn lên. Những hoạt động thể thao du thuyền, jack ski, kayak… làm cho khúc sông chảy qua down town rất sôi động.

 Từ trung tâm Tennessee, gã và gia đình ghé vào một trung tâm mua sắm cách đấy không xa, chính tại nơi này gã đã học thêm một bài học về cách đối nhân xử thế, về tình người, tình đời. Số là hai vợ chồng gã đang xếp hàng chờ  đồ ăn, khi  trả tiền thì người ở quầy bảo có người đứng sau lưng trả rồi. Gã ngạc nhiên quay laị thì thấy hai vợ chồng Mỹ trắng già. Hai ông bà thanh mảnh, cao ráo, tướng tá sang trọng… Gã ngạc nhiên lắm, cảm ơn hai người rối rít, hai người cười vui vẻ bảo không có chi. Ở cái xứ này chúng ta vẫn thường thấy có những người xa lạ thường hay trả tiền món ăn hay món đồ chi đó, nếu người đứng kề cận là một anh lính, người cảnh sát hay một quân nhân…Người Mỹ muốn tỏ lòng biết ơn những nhân viên công lực hay quân nhân đã bảo vệ quốc gia, bảo vệ trật tự trị an của xã hội. Gã là một người châu Á di dân, vô danh tiểu tốt, chẳng có công trạng gì với quốc gia này ấy vậy mà cũng được hưởng “ân huệ” này. Trong lòng thấy vui và cảm kích vô cùng. Lâu nay gã vẫn thường tâm niệm chỉ giúp người dưới cơ mình, chỉ giúp người nghèo khổ, hoặc là làm việc tốt cũng phải tỉnh táo, phân biệt rõ ràng… Hai vợ chồng Mỹ trắng già trả tiền bữa ăn cho gã, một hành vi đẹp vị tha, một hành động tốt vô điều kiện, hành động tốt mang laị niềm vui nho nhỏ cho tha nhân mà không cần biết đó là ai, không có tâm phân biệt hay chấp trước. Gã xin cảm ơn ngàn lần cũng không đủ, cảm ơn không phải vì được trả tiền cho suất ăn ấy mà cảm ơn vì trân qúy cái hành động đẹp này. Một bài học giữa đời thường, việc trả tiền bữa ăn cho một người xa lạ mà người ấy là du khách chứ không phải nghèo khổ, đói khát tuy chưa thể gọi là Bồ Tát nhưng hành vi ấy có dáng dấp của Bồ Tát. Hai vợ chồng Mỹ trắng già ấy không có tâm phân biệt đó là một gã châu Á, không thấy hành vi trả tiền cho kẻ xa lạ là làm phước…điểm naỳ gần giống như “ Tam luân thể không” trong việc bố thí. Bố thí mà không thấy có mình bố thí, không thấy có người thọ nhận bố thí và cũng không thấy có vật bố thí. 

 Xứ Tennessee giàu có phong lưu, thiên nhiên xanh mướt xinh đẹp. Tennessee cũng như bao miền đất khác của xứ sở này, ngày nay vẫn còn có rất nhiều những địa danh mang âm hưởng, vết tích của người Mỹ bản địa xa xưa: Chattahoochee, Chattanooga, Cherokee, Appalachian, Alamos… Những cái tên gợi lên một thời dĩ vãng, những đỉnh núi thiêng, những vùng đất linh một thời của người Mỹ bản địa. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 09/2020

 

Ý kiến bạn đọc
26/09/202018:48:24
Khách
Người viết đang sống ở Mỹ, đọc bài của Thần Phong cũng muốn thưởng thức phong vị thần tiên của Tennessy, nhưng đáng tiếc, mình quá già rồi, chống gây đi còn không vững nữa là...
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...