Hôm nay,  

Thần Cây Đa

18/04/201800:05:00(Xem: 5405)
Than Cay Da
Hình từ trái: Tác Giả Mục Sư Trần Nguyên Đán, quản nhiệm Hội Thánh Maryland, Hoa Kỳ, giải Việt Bút 2009. Và Tác giả Linh mục Nguyễn Trung Tây, nhiệm sở truyền giáo tại sa mạc Úc Châu, giải chung kết Tác Giả Tác Phẩm VVNM 2010 và Vị Linh mục kể, “Ngày hôm đó, nhà thơ Trần Nguyên Đán gọi, nói, mời chủ quán viết chung một truyện ngắn, một thử nghiệm mới, một phong cách mới, và cũng là một hứng thú mới. Chủ quán viết trước, viết xong, gửi tới nhà thơ qua email. Nhà thơ suy nghĩ, và viết tiếp, hoàn tất một thử nghiệm”.



Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất. Nhưng lần nào cũng vậy, diều quạ đen tanh hôi xác chết vừa bay tới thôn Đoài, trời cao xanh ngăn ngắt ngọc bích bỗng vần vũ nổi mây vẩy rồng vàng sẫm, sấm chớp mưa dông đan kết cuồn cuộn chạy dọc xẻ ngang xé rách toang cánh diều. Cao Biền rơi xuống, đầu cắm thẳng mặt đất, nhưng phúc mười đời, bởi có tà phép nên chưa chết, lại ngồi dậy.

Đất thôn Đoài, từ bao lâu nay vẫn nổi tiếng linh địa.
Đầu thôn không biết từ thời nào vươn cao cây đa thân da bóng lộn. Cây đứng sừng sững nổi bật như kiện tướng áo giáp cân đai cầm kiếm hiên ngang trấn ải địa đầu biên giới. Từ xa, cách làng hơn chục dậm đường đã nhìn thấy bóng rậm cây đa tỏa che kín xanh xanh ngọc bích một vùng. Cây đa cao ngất trời, rễ từ nhánh cây săn chắc, chằng chịt, xoay vòng, đan xoắn dây xích to khỏe bằng thân người rớt xuống đâm thủng cắm sâu mặt đất. Rễ nhánh đa cổ thụ lâu ngày tháng xây nên tường thành rễ đa vững vàng tựa Thăng Long thời Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng lên chùa Yên Tử. Thằng bé trong thôn rắn mặt tựa cáo chồn nửa đêm lần mò đi vào bức tường rễ đa. Ba ngày ba đêm không thấy đi ra. Bố mẹ chạy lại, lạy lục đỏ bầm trán trước mặt chiếu nơi thần hoàng chễm chệ ngồi ăn xôi ăn oản. Thần, trong giấc mộng phán truyền hương chức trong làng đốt nhang cúng. Nhang cháy đỏ chập chờn. Tàn nhang mầu trắng cong lại không gãy, hóa hình trôn ốc, xoáy tít từng vòng. Khói nhang vừa tàn, thằng nhỏ gầy, xanh lét, bò ra, mắt trắng dã, hai tay hằn sâu bầm tín như bị dây thừng trói nghiến lâu ngày…
Nhưng có người trong thôn vẫn không tin.
— Nhảm! Thằng nhỏ bị ông Lý đánh cho mấy roi, tội ham chơi, bỏ mặc cho trâu ăn lúa ruộng trên. Nó giận, trốn mất biệt vào trong thân cây đa. Chuyện có thế thôi, mà cũng làm ầm ĩ cả lên với nhau.
Nhà anh Bần ở thôn Đông, nghèo tuốt xác, tài sản vỏn vẹn chỉ có gốc chuối mọc lẻ loi sân vườn. Gia cảnh thanh bần, nhưng đường tử tức vượng. Vợ chồng mặn mòi, đẻ sòn sòn năm một. Một lần túng quá, chồng nhắm mắt làm liều, bán đứa con gái út cho ông Bá. Tưởng làm chi, hai vợ chồng mang tiền bán con đặt hết vào chiếu bạc. Nào, chẳn hay lẻ? Bát lật lên, chị Bần lật ngửa ra trên sàn nhà, miệng xùi bọt mép như người trúng phải gió độc. Đã mất con, giờ mất bạc. Nhưng hai vợ chồng cậy cục nhang đèn, biện thêm con gà trống thiến, nửa đêm về sáng, mang nhau ra gốc cây đa xì xụp khấn vái. Chiều hôm sau, người thôn Đông trố mắt nhìn vợ chồng nhà Bần bước ra khỏi cổng mái ngói nhà cụ Bá, mặt tươi roi rói, tay dắt về nhà đứa con gái út mặc tà áo mới vui tươi tựa ngày mồng một tết.
Người trong mấy tổng đồn miệng nhau thần cây đa. Nhưng cũng có người cãi lại, nói vợ chồng anh Bần túng quá hóa quẩn, đào củ chuối, tính nấu cơm trộn thuốc độc, cả nhà cùng chết, ngờ đâu, đào trúng ngay chum vàng.
Lời đồn này nối kết câu chuyện kia, gốc đa cứ thế nghi ngút khói nhang do mười mấy thôn trong tổng góp lại. Từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới nửa đêm về sáng…
Mấy ngàn năm rồi, tôi vẫn đứng đó, nhìn. Thân thể giờ đẫm mùi nhang, huyền ảo lung linh mầu khói. Tóc nguyên sợi đen cứng thẳng, nhưng bởi khói, giờ bạc thếch, cong vòng xoáy lọn. Chân rễ mọc sâu bám cứng đất mầu mỡ, tôi mọc rậm, vươn cao; lại thêm chăm chỉ vun tỉa, tôi bừng nở vun cao hóa mâm xôi. Từ đó trong thôn nảy sinh ra mấy vị quan trạng. Đường làng cứ thế lại thêm rộn ràng tiếng vó ngựa tân trạng nguyên vinh quy bái tổ.
Tôi siêng việc thôn, chăm việc nước. Đức Thái Tổ nhà Lý dời đô, đi ngang qua, nghe tiếng, dừng bến thuyền rồng ghé vào đốt nhang cầu bình an cho con cháu. Khi Thủ Độ mang chiến thuyền đuổi theo thái tử Lý Long Tường, tôi vươn mình đứng dậy quẫy đuôi cá kình mang thuyền Thủ Độ dạt về lại An Nam, nhưng đoàn thuyền tỵ nạn tôi nổi sóng dập dềnh đưa dạt lên phương bắc cập bến Cao Ly. Tôi thâm trầm sống theo chiều dài đất nước. Năm bốn mươi, trống Mê Linh dồn dập nở tươi khi tôi nhập vào thân trống làm bằng da chim Lạc Việt trắng phơi ba nắng, hóa khô cứng, chặt không đứt bứt không rời. Khi tôi quyện vào, hồn trống bừng bừng trổi dậy ngàn năm vươn cao. Trống vang xa dồn dập khiếp vía giặc phương bắc. Khi thành Cổ Loa ban ngày xây cao về đêm đổ xuống, tôi hóa móng rùa, làm nẫy làm nỏ cắt cổ chồn tinh chín đuôi. Tôi chận lại dòng nước thủy triều cuồn cuộn khi Ngô Quyền đóng cọc nhọn bịt sắt Bạch Đằng.
Tôi vươn mình chiến thắng, tôi vẫy vùng một cõi giang sơn.
Tôi kết bạn gần xa. Lạc Long Quân, Thần Tản Viên gọi tôi đệ. Chiều ghé vào, uống cạn chén rượu, bày cờ dưới gốc cây. Cả hai thích nghe tôi gõ trống trận, dồn dập gọi hồn tổ tiên. Long Quân khen tôi đôi tay cuồn cuộn nổi gân, gõ trống rõ nét, đường gõ thẳng, không trật tâm trống, tiếng trống tinh xảo dồn dập bay xa. Thần Tản Viên hay mắng tôi, bởi tôi ương ngạnh. Nhưng sâu trong hồn, Tản Viên thương tôi như em, thần núi khoái nghe tiếng trống thần cây đa; bởi thần nói, tiếng trống trận của tôi nhắc lại buổi sáng tinh mơ ngày hôm đó, điện rồng mở rộng, âm ba dội vang tiếng trống Văn Lang đón thần vào, đưa Mỵ Nương lên kiệu về núi.
Tôi sống đời thần cây đa rộn ràng tươi vui. Tôi, tiếng cười ngày hội trăng rằm vụ lúa, khi đó gạo nằm phơi thân tròn trắng tinh trong bồ. Mùi lúa thơm ngát ngạt ngào tỏa hương bay rộn lòng thần núi. Ngày Tết, tôi tô hồng hoa đào hé nụ nở phơi phới dưới bầu trời ngọc bích xanh biêng biếc. Pháo đỏ nổ tung đường làng, tôi nghe lòng hớn hở mặc tà áo mới lên chùa hái lộc đầu xuân. Tôi ngồi trên cao nhận hương lễ làng cúng Tết. Tôi nằm trên võng, nghe tiếng sáo diều thổi quyện vút buổi chiều quê, hồn đậm tươi vàng thơm hương dân tộc.
Đời tôi thênh thang, hạnh phúc dư thừa.
Tôi, phúc lộc thiên đàng, ân huệ trời cao.
Có lần Bụt ghé vào. Từ xa, đã nghe tiếng bước chân. Tôi nghiêm trang mặc vào áo giáp cân đai nghinh đón. Bụt hỏi,
— Thần cây đa sẵn sàng đi chưa?
Tôi ngơ ngác,
— Thưa Bụt, Bụt dạy con đi đâu cơ ạ?
Bụt cười, nụ cười tươi, khoan thai tựa tiên đang ngồi đánh cờ nói,
— Thì còn đi đâu nữa, đi đầu thai chứ đi đâu…
Tôi hờ hững nhìn mặt trời chạng vạng, yên lặng không trả lời. Tôi không nói chi. Tôi yên lặng như tượng la hán trên chùa, ngàn năm ngồi đó, nhưng mắt vẫn chăm chú nhìn về một hướng. Bụt nhìn theo hướng mặt trời phương tây chập chờn chết đuối sau dặng núi. Nơi đó con gái thôn Đoài mặt đẹp trái trứng gà con so đang hát chèo quan họ Bắc Ninh,
— Người ơi, người ở đừng về…
DSC03404
Câu hát quan họ dội vào tai thần tựa thác nước dữ từ trên cao ngất ngưởng ầm ầm đổ xuống đập nát tường thành. Tôi, tự dưng không còn cầm giữ được lòng, bật khóc, khóc nức nở, nước mắt đỏ hon hỏn mầu máu trái tim. Tôi bụm mặt, máu đỏ len qua những kẽ tay. Tôi không đi, tôi chưa bao giờ đi, tôi vẫn đứng đây, cả ngàn năm rồi, quanh quẩn gốc đa đợi chờ con mắt phượng cười có đuôi; nhưng sao lại hát ở lại đừng đi…
Bụt thở dài, đứng dậy bỏ lại tôi mòn mỏi đôi mắt thần giờ hóa đỏ. Bụt biết giọng hát trong trẻo thời trời đất mới tinh khôi đã nhập vào hồn thần cây đa hóa ra mối độc đục ruỗng trống hồn.
Đêm đêm tôi đập nát từng cọng nhang cuộn xoáy vòng.
Hôm sau Bụt lại đến gặp tôi, vẫn bàn chuyện tương lai. Bụt khen tôi nguyên gốc sỏi trắng, vô hồn vô tâm, nhưng bởi ngộ tánh, hứng được lời tâm kinh sư bình bát đi ngang tụng niệm, sỏi trắng hóa mầm nứt ra cây đa. Thân mộc mặc lòng, nhưng bởi ngày đêm kiên nhẫn tu luyện giờ thành thần. Bụt khen tôi biết chăm việc nước, lo việc làng. Bụt đề nghị tôi thôi làm thần cây đa, nhưng chuẩn bị lên chùa học kinh với Bụt, Bụt dạy làm người…
Chữ người vừa thoát ra từ miệng Bụt, con gái thôn Đoài bước tới, tóc thướt tha, mắt phượng con gái duyên mặn mà; ơi sao ác độc lời phù thủy! Cây bỗng dại khờ hết tinh ma.
Khi tôi thôi dõi mắt nhìn theo bóng xa hun hút, quay lại, Bụt đã bỏ đi cả ngàn năm. Bóng của Bụt vẫn còn rơi lại ngay dưới chân rễ đa tường thành.
Thần của mấy tổng ghé vào nhà khuyên tôi. Long Quân nhắc tôi kết cục câu chuyện ngày xưa, trăm con chia đôi nẻo đường, kẻ lên núi, người xuống biển. Thần núi Tản mắng tôi,
— Đệ đến là cạn nghĩ… Cả ngàn năm nay, chưa bao giờ Bụt ưu đãi ai tới cỡ như vậy. Nguyên gốc đá sỏi, giờ được hóa sinh làm người, không phải chỉ người thường mà là đông cung thái tử.
Tôi ngồi đó yên lặng, thiết tha nhìn con gái thôn Đoài. Sáng, trưa, chiều, con gái tóc vấn đuôi gà, gánh hàng sén, bán kim chỉ đi ngang qua. Trưa, con gái thong thả đi về, gánh hàng nhẹ tênh tênh bước chân đỏ hồng hồng thênh thang đường làng. Chiều, con gái đi qua, sang làng bên mang kim chỉ về chuẩn bị phiên chợ hàng sén ngày mai. Tôi, ngày nào cũng vậy, sáng đi theo, ngồi ngay bên cạnh bán hàng sén. Bà Trùm thôn Bắc tới chợ làng, nhìn gánh hàng sén, dợm chân tính bỏ đi; nhưng tôi đôi tay đập trống đích thân nắm tay dẫn bà vào; tôi còn cẩn thận đưa những ngón tay ra nhặt kim chỉ cho bà; rồi cũng lại tôi móc tiền từ trong ruột tượng của bà, trả tiền cô hàng sén. Mỗi lần chuyển động, tôi tạo ra gió nhè nhẹ thổi qua sợi tóc đuôi gà trên khuôn mặt phấn hồng cô hàng sén. Cô hàng nhìn trời, nhìn người, cô cười, vẫn đuôi mắt phượng dài đen lay láy.
Bất chợt tôi nhận ra hình nét quen thuộc trên khuôn mặt phấn hồng. Tôi hỏi Bụt, Bụt bỏ đi, không nói năng chi. Nhưng bởi tôi năn nỉ, Bụt giơ ngón tay chỉ vào gốc đa nơi rễ bám chằng chịt xoáy dây trôn ốc, nơi đó thằng bé chăn trâu đã đi vào bị tôi trói nghiến ba ngày ba đêm. Bụt khai mở thần nhãn cho tôi nhận ra ngàn năm về trước, đất nơi đó ấp ủ đủ khí âm dương một hạt mầm; hạt khô nở tung khi gió xuân tưới mát thổi về; hạt nứt vỏ, đâm chồi, thân cây xanh biêng biếc mầu lúa non. Ngày Tết, đêm Giao Thừa lung linh huyền ảo, cây nở ra một đóa hồng, thân nhung lụa là, mầu đỏ tươi đẫm. Tôi nhìn thấy tôi, đêm Giao Thừa, khi pháo đỏ nổ tung chào mừng giây phút khai hoa nở nhụa đóa hồng, tôi vô tâm buông rễ cây đa mọc dài chà nát hồng nhung vừa mãn khai nở nhụy.
Giây phút đó, hồng nhung máu đỏ loang lỗ thấm đỏ đất đen, nhuộm đỏ góc tường trắng mốc rễ cây đa. Hồn hồng nhung bay lên khóc sưng đỏ trước điện Bụt đòi thần cây đa phải trả nghiệp.
Bụt nói, nếu tôi không nhẫn tâm buông rễ đa rơi xuống giết chết hồng nhung, nhưng nhường phần đất nhỏ nhoi đó, tôi đã được ngọc. Tôi ngơ ngác hỏi ngọc chi? Bụt nói hồng nhung chính là con gái độc nhất của Trời, mới lớn ham chơi, cho nên lần đó đánh đàn tỳ bà sai một nốt nhạc. Trời thương con gái, tính làm ngơ, nhưng quan ngựï sử chiếu theo luật một hai đòi chém đầu. May cho Hồng Nhung, bữa hôm đó Bụt không đi vắng. Lời Bụt nói vào, Hồng Nhung giữ được mạng. Nhưng vẫn phải đày xuống trần gian làm cây ngọc hồng nhung. Nhưng hồng nhung vừa kịp nở mãn khai nụ hoa đầu đời...
Dòng đời tiếp tục trôi qua. Lại thêm cả ngàn năm của những sáng sáng, đi theo nàng buôn hàng sén, tôi dọn dẹp đất, trồng cỏ xanh ngọc bích gian hàng sén xanh tươi, mát mắt mời mọc khách hàng; trưa trưa, tôi phụ nàng dọn gánh hàng sén, lẽo đẽo đi theo; chiều chiều, tôi lại đi theo sang làng bên cất hàng cho buổi chợ ngày mai.
Cứ thế, tôi chỉ là bóng câm đi theo bên cạnh nàng đợi chờ nụ cười dài đuôi mắt phượng. Tôi vẫn không dám mở miệng nói một câu, không dám đụng vào tới nàng, dù chỉ là yếm lụa; bởi Bụt đã nói trước, giọng nghiêm, sắc, không trật âm, nhưng rõ từng nét,
— Thần cây đa cõi dương, nhưng vẫn là âm, dương thịnh âm. Nhà ngươi đụng đến con gái thôn Đoài, âm thịnh dương, dù chỉ là tà áo, âm đó hộc máu ra mà chết…
Tôi nghe tưởng như sét từ trời rằm tháng bẩy đánh dính bật thân gốc; tôi chết điếng hồn khi nghe lời Bụt dặn.
Bởi thế không bao giờ dám bước qua ngưỡng cửa nhà nàng. Tối tối tôi chỉ dám đứng ngay trước liếp cửa, khóc, nước mắt lăn rơi từng hạt trước hiên. Tôi không dám vào, bởi sợ không cầm được lòng, tôi giơ tay đụng phải yếm gấm… Cứ thế, thần cây đa khóc! Nước mắt đào lũng sâu thăm thẳm hóa ra giếng nước lạnh. Nàng không phải vất vả đi sang làng bên gánh nước nữa. Tóc con gái thôn Đoài gội bồ kết đốt cháy thơm rửa với nước giếng thần cây đa bên hiên óng ánh mầu tơ. Nước mắt hằng đêm của thần lại càng thêm thánh thót rơi xuống chạm mặt nước giếng trong, soi sáng ánh trăng rằm tròn lơ lửng.
Tôi nhìn trăng, rồi lại nhìn vào qua liếp cửa.
Ôi đời!
Bụt ghé vào hỏi tôi ở đâu khi Trịnh Nguyễn vạch đôi sông Gianh biên giới Bắc và Nam Hà. Tôi nhìn Bụt, không biết biện minh ra sao. Chỉ cần một làn hơi, tôi dư sức lấp cạn sông Gianh chia đôi hai bờ. Nhưng nhớ khi đó mình đang bận dọn gánh hàng sén cho con gái thôn Đoài. Tôi vắng mặt khi tàu chiến tây dương bắn lủng thành quách vương triều Nguyễn, bởi đang ở làng bên cất hàng cho buổi chợ sớm mai. Bụt nhìn tôi, thở dài, bỏ đi.
Thời xưa, có lần giữa tiệc rượu Long Quân mở miệng đọc vang vang bài thơ chữ nghĩa nghe đến là lạ,
Bắc quốc hữu giai nhân
Tuyệt thế nhi độc lập
Nhất cố khuynh nhân thành
Tái cố khuynh nhân quốc.
Tản Viên và tôi cùng ngồi lắng nghe. Thần núi Tản đăm chiêu không nói chi. Nhưng tôi thời đó, lếu láo phá ra cười sặc sụa mặc cho thần núi Tản lườm, ra dấu không được hỗn trước mặt Long Quân.
Nhưng khi gặp con gái thôn Đoài, tôi đổi thay tính nết, chăm chỉ học hành viết lách chữ Nho. Gốc cây đa từ đó bay phất phới giấy lụa trắng tôi ngồi viết cả ngàn vạn lời thơ, chữ đều đẹp hơn tranh thủy mặc,
“Thôn Đoài” hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập.
Chiều chiều tôi ngân nga lời thơ giờ đã hóa lời kinh thấm hồn. Bây giờ, dù có phải hủy ngàn năm tu luyện đổi lấy con mắt đuôi phượng cười với tôi, tôi sẽ vẫn quỳ xuống, giang hai tay chân thành thưa với Bụt,
— Lạy Bụt, con xin đổi.
Nhưng Bụt chỉ nhìn tôi, không trả lời.
ann phong 14
Giờ tôi đã hiểu tại sao Long Quân và Sơn Tinh cả hai đăm chiêu khi lời thơ ngân vang dội xé thiên địa. Trời ơi, giờ tôi đã hiểu khi con gái thôn Đoài đi ngang, quay lại liếc nhìn tôi, ánh mắt cười kéo dài đuôi mắt khuynh đảo ngàn năm tu luyện thành thần.
Tôi hận đời, tôi hận người, đâu mất rồi tôi cười vang vang theo chuỗi dài ngày tháng? Tôi giận, tôi khóc, tại sao? Đâu mất rồi tôi tự do không vướng mắc? Tại sao lại là tôi mà không phải là Long Quân hay là Thần Tản Viên? Bụt nhắc nhở,
— Đừng có quên Long Quân đã một thời lạc… Thần Tản Viên cũng một dạo ngả nghiêng vì khóe mắt.
Đi theo người sống hằng ngày, âm thịnh dương con gái thôn Đoài hút lấy sức sống mãnh liệt dương thịnh âm của thần cây đa. Tôi nhận ra tinh lực ngày càng cạn kiệt. Tôi nằm liệt giường liệt chiếu gần trăm năm rồi. Việc thôn việc nước, tôi bỏ mặc. Tôi nằm đó thở hắt ngẩng mặt nhìn trời, than. Con gái thôn Đoài đi ngang qua, sáng, trưa, chiều. Thần cây đa chỉ nghiêng theo ánh mắt nhìn đắm đuối. Thần Tản Viên bỏ hẳn công việc núi non, nấu cháo ngày ngày, đút cho tôi từng thià. Long Quân cũng ghé vào hằng ngày, ngồi bắt mạch, nấu từng nồi thuốc đắng nghét khuyên tôi uống vào… Nhưng tôi vẫn không hồi phục.
Đêm hôm đó, tôi như muốn thở hắt ra thì Bụt bước vào. Bụt nói,
— Nhà ngươi ngàn năm tu luyện, lẫy lừng một thưở. Đáng tiếc, thật là đáng tiếc!
Bụt chép miệng, thở dài,
— Vào những giây phút đen tối của lịch sử, người không can thiệp…
Tôi nhìn Bụt, không nhớ giây phút kéo mây trời đổ mưa phá nát cánh diều quạ đen Cao Biền; nhưng nhớ rõ trong đầu trong tim hương mật ngạt ngào, phút giây hạnh phúc cận kề con gái thôn Đoài khi ngồi buôn bán hàng sén chợ thôn Đông. Tôi mấp máy không nói rõ từng lời,
— Bụt ơi...
Bụt biết tôi đang thì thầm muốn nói điều gì. Thần Tản Viên không mắng tôi như thường lệ, nhưng bịt miệng tôi lại, không cho nói tiếp, sợ lời nói hỗn. Thần cung kính cúi đầu trước Bụt,
— Con xin Bụt thương, chữa...
Bụt suy tư,
— Hồng Nhung đã nhất định đòi thần cây đa phải trả nghiệp.
Bụt ánh mắt đăm chiêu,
— Hy vọng nghiệp đó trả gần xong.
Long Quân và Thần Tản Viên cùng biến sắc, xanh mặt,
— Bẩm Bụt, Bụt nói chi cơ ạ…
Bụt trầm ngâm,
— Hồng Nhung quyết liệt đòi phải trả cho hết nghiệp chướng. Chỉ có Hồng Nhung biết khi nào nghiệp sẽ trả xong. Điều đó quan ngự sử đã ghi xuống. Cao Biền chính là Hồng Nhung hóa thân. Hồng Nhung muốn yểm chết chín đời cây đa. Đúng ra, ta không can thiệp. Nhưng bởi quạt giấy nan vàng di hại tới cả thôn Đoài và nghiệp nước, ta mới có cớ yên lặng để thần cây đa kéo mây trời tạo dông bão phá nát diều quạ đen.
Bụt nhìn thôn Đoài,
— Nếu thần cây đa trả chưa hết nghiệp, tái sinh. Con gái thôn Đoài cũng sẽ chết theo đêm nay, khi đó Hồng Nhung cũng sẽ ra đời. Thần cây đa vẫn gặp Hồng Nhung, vẫn trong nghịch cảnh. Chỉ yêu, đau khổ, rồi chết đi. Tình yêu đơn phương, không cân xứng, không được đáp đền.
Nghe lọt lời, tôi nhìn Bụt, lần này ngẩng đầu lên, nói vọng ra thành lời,
— Bụt ơi, con không hối tiếc…
Tôi thở hắt ra. Khí lạnh từ đầu mười ngón chân bốc lên.
Sấm sét bốn góc trời như đã hẹn trước, rủ nhau kéo tới hội tụ một góc trời thôn Đoài. Mây dông vần vũ thổi đen như giây phút Cao Biền kéo tới toan tính trấn ểm. Thôn Đoài thôn Đông mái tranh bốc tung thổi bay lông lốc cuộn tròn. Gió thổi trốc gốc những nhánh lúa non ngậm sữa đòng đòng. Sét đánh rền vang một góc trời soi sáng một cõi thiên địa giây phút sỏi trắng ngậm vào lòng lời tâm kinh bình bát, hóa mầm cây đa. Mầm cây tối tối dưới ánh trăng vàng tụng vạn lời kinh. Mầm chuyển mình nứt vỏ đâm chồi cây đa.
Sấm tiếp tục chớp giật soi sáng giây phút Lê Thánh Tôn cùng Nhị Thập Bát Tú ngồi ngâm thơ, thần cây đa hồn trinh nguyên ngồi cạnh ngâm thơ gẩy nhạc.
Sấm tiếp tục chập chờn giây phút triệu triệu người dân, bộ xương khô nạn đói Ất Dậu, thần cây đa ngoảnh mặt làm ngơ, bởi đang bận bịu gánh hàng sén cho phiên chợ. Tiếng người thều thào rõ từng nét ngay bên tai thần,
— Con chưa chết, xin đừng chôn con…
Mặc! Thần cây đa vẫn yên lặng, không nhúc nhích, không chuyển động, bởi vẫn đang ngớ ngẩn đợi chờ cả ngàn năm rồi con mắt phượng người cười có đuôi.
Ơi thần cây đa!
Sét tiếp tục giáng xuống. Long Quân và Thần Tản Viên ngơ ngác nhìn trời, nhìn chung quanh.
Bụt đã biến mất cả ngàn năm rồi.
Từ trên cao, sét đánh thẳng vào ngọn cây đa ngàn năm một thời xanh tươi vun cao mâm xôi giờ chỉ còn trơ trọi lại cành xoắn xít tựa dây xích sắt, khóa chặt hồn.
Từ trong xó bếp nhà anh Bần, tiếng trẻ oe oe khóc to. Tiếng khóc lanh lảnh dội vang màng nhĩ. Bà mụ mừng rỡ hét to,
— Đến là sướng nhé. Nhà lại thêm một thằng cu tí.
Bà mụ giơ thằng bé lên. Dưới ánh chớp, hài nhi mắt thần tinh anh, hai tay vạm vỡ. Bất chợt, bà mụ dừng lại,
— Chết chửa, ở đâu mà lại lòi ra thêm một đứa nữa…
Bà mụ chăm chú nhìn, khuôn mặt hài nhi song sanh đỏ đậm mầu hoa hồng nhung.
Sấm vẫn tiếp tục rền vang một góc trời thôn Đoài, giờ này đã biến mất bóng cây đa vươn cao mâm xôi hằng ngàn năm tuổi.
Hàng trăm, hay hàng ngàn năm nữa đã trôi qua, không ai biết, không ai nhớ. Những quyển sách lâu đời nhất cũng đã lưu lạc thất tán, chẳng biết đâu mà tìm. Những kho vựa nhân gian có thể nào lưu giữ những cuốn sách hay tài liệu đã trôi qua hàng ngàn năm, ngoại trừ một cuốn lâu đời hơn hết những cuốn khác.


Cuốn sách ấy mở rộng trước mặt một người đàn ông, nhìn hãy còn trẻ. Có những nét hao hao giống cha Ralph de Bricassart nếu mặc áo chùng đen. Buổi sáng nào cũng vậy, người đàn ông mở cuốn sách ấy ra đọc, vài đoạn. Và rồi, mở cửa sổ. Cửa sổ ngó ra một sân hẹp. Một gốc cây, thân cây lớn cho thấy đã lâu đời, rũ bóng mát xuống khoảng sân, mọi ngày vẫn lặng lẽ. Hôm nay, bỗng dưng có một cái gì khác. Cái gì nhỉ. Dường như những chiếc lá vàng hơn mọi khi. Thu đã đến rồi mà.
Dường như vẫn còn một cái gì đó khác nữa. Người đàn ông biết, nhưng không dám nói, không dám xác nhận. Ông ta đứng dậy, kéo cái vạt áo bị lệch xuống, như muốn kéo cả cái suy nghĩ vừa chớm manh nha trong đầu xuống, gạt bỏ nó đi, càng sớm càng tốt, đừng cho nó làm tổ trong đầu. Đâu đó ông có đọc một câu thế này: bạn không thể ngăn cản một con chim bay qua đầu bạn, nhưng bạn có thể ngăn cản con chim đang làm tổ trên đầu mình. Ông đứng dậy, bứt rứt, lộn xộn, vướng tay hất cuốn sách rớt xuống đất, thêm một cuốn sách nữa rớt xuống, cuốn sách mỏng, dấu trong lòng cuốn sách lớn, mà gần đây ông đọc mỗi ngày, sau vài đoạn của quyển sách lớn, ông khám phá ra, một cách hổ thẹn, rằng mình đang tìm kiếm con chim ấy, mình tự ý kiếm nó, chẳng phải nó kiếm mình, mình đang mời con chim đến xây tổ, chứ con chim không có xây tổ “bất hợp pháp” trên đầu mình. Nó không xây tổ trên đầu, nó xây tổ trong đầu. Không những đọc, mà ông còn suy gẫm. Từ lâu lắm, ông đã chẳng suy gẫm điều gì khác hơn với những điều được viết trong quyển sách lớn. Nhưng bây giờ, có cái gì đó thay đổi.
Dường như người ta nói rằng, cái làm cho con người thay đổi nhiều nhất, là tình yêu.
Con chim xây đi xây lại mãi cái tổ trong đầu ông như thế này:
…thần cây đa vẫn gặp Hồng Nhung, vẫn trong nghịch cảnh. Chỉ yêu, đau khổ, rồi chết đi. Tình yêu đơn phương, không cân xứng, không được đáp đền…
Ông nghiền ngẫm những chữ nghịch cảnh, yêu, đau khổ, đơn phương, không được đáp đền…. Từ lâu lắm, trong đầu ông không hề có những chữ đó, thỉnh thoảng một vài người đến, kể cho ông nghe chuyện của họ. Phần ông, ông không bao giờ có những chuyện tương tự như vậy để kể. Ông nghiền ngẫm, và nhìn ra cửa sổ, qua khoảng sân hẹp, sau lưng gốc cây, là một căn nhà. Nhiều năm căn nhà ấy không có gì là lạ, một bà cụ sáng sáng chiều chiều loay hoay quét lá mùa thu, trồng hoa mùa xuân, thỉnh thoảng ông có qua giúp cụ cào đống tuyết nhỏ mùa đông…Thỉnh thoảng được cụ mời vào nhà, uống ly trà nóng, ăn vài cái bánh. Cho đến ngày kia ông nghe tiếng gõ cửa nhà mình, một cô gái, hay một thiếu phụ, còn trẻ (ngay từ khi mở cửa, chạm mặt ông đã suýt bổ nhào vào cô ta, thầm kêu lên một vài tiếng vô nghĩa trong đầu), báo tin rằng mẹ cô, cụ bà đã qua đời, mời ông đến dự tang lễ. Sau tang lễ đó, nhiều ngày, ông vẫn thấy thiếu phụ ra vào căn nhà, dường như không, hoặc chưa có ý định rời khỏi đó. Ông để ý, dường như thiếu phụ cũng chỉ ở một mình. Ông để ý đến sự để ý của mình, mỗi ngày mỗi dày thêm, đến nỗi bứt rứt.
Có một lần, từ nơi làm việc về, ông không biết mình đi lạc đến trước cửa căn nhà đó. Tự nhiên ông đưa chìa khóa vào cửa, tiếng sắt kêu lắc cắc, không quay được, ông ngẩn người ra, thấy mình lộn nhà, và hổ thẹn đỏ mặt. Ông bực bội trấn tĩnh trái tim đang đập lộn nhịp, quày quả bước ra, bước nhanh mong chẳng ai nhìn thấy mình trong hoàn cảnh đó, thật ra chẳng có ai nhìn, mà có ai nhìn cũng chẳng có ai để ý, một chuyện rất bình thường trong ánh sáng ban ngày, thật ra một người đang suy nghĩ có thể gõ cửa nhầm nhà, mở cửa nhầm nhà, như mở cửa nhầm xe, hai chiếc xe đậu gần nhau trong parking lot. Thật ra chỉ có ông nhìn ông, soi mói ông kỹ quá. Nếu xe cùng hiệu, cùng màu, có thể nhầm được. Nhưng hai căn nhà này có gì giống nhau đâu mà nhầm, ông cáu kỉnh nói. Mình loạn lên mất rồi.
Ông chẳng biết rằng khi ông quay lưng đi thì cửa mở ra, thiếu phụ đứng ở cửa, hơi ngạc nhiên thấy người hàng xóm quày quả quay lưng bước đi như sợ bị bắt quả tang làm một điều tội lỗi. Cô, thật ra là cô, chẳng phải là bà, vì hãy còn trẻ, không những trẻ, mà còn đẹp, đứng nhìn theo, muốn gọi, không dám gọi, e bất nhã, nhưng cũng muốn biết ông ta đến gõ cửa nhà mình có chuyện gì. Ông ta cần gì mình. Cô khép cửa lại, để lúc khác sẽ hỏi. Cô vào nhà, ngồi lại trên chiếc ghế gỗ của mẹ để lại, đọc cuốn sách mỏng đọc dở, của mẹ cô để lại, dường như là của một người nào đó tặng cho bà, nét chữ đề tặng mềm mại, mảnh khảnh, như nét chữ của một người lớn có tâm hồn của trẻ thơ. Cô đọc một đoạn, nhưng không đọc được, cô đứng dậy, đi lại cánh cửa lớn, mở ra, đứng nhìn về chỗ người đàn ông vừa quày quả bước đi khi nãy. Cô biết ông ta ở gần cạnh, là hàng xóm của mẹ, ở một mình. Cô hơi mỉm cười khi nghĩ đến chữ một mình. Một người đàn ông hãy còn trẻ, ở một mình, trong căn nhà nhỏ. Một mình. Như mình bây giờ. Cô lập lại hơi chua chát. Sau những năm tháng miệt mài chạy đuổi theo những cái bóng ảo trên đường, cô lại một mình. Khi nhận được tin mẹ mất, cô mua vé máy bay trở về, dự tính sẽ đi ngay sau tang lễ, nhưng một cái gì đó mơ hồ níu cô lại. Khoảng sân hẹp, nhà có cửa sổ vuông. Một người đàn ông. Và còn gì nữa. Chắc không có gì, có lẽ mình quá nhạy cảm, sau một cuộc hôn nhân tan vỡ tan hoang, trốc gốc, cô cảm thấy mình yếu đuối không còn sức đứng một mình.
Cô lại gần cái giá vẽ để sau cửa. Có một cái gì đó thôi thúc cô vẽ. Thoạt đầu, cô không biết vẽ cái gì. Vẽ một nỗi cô đơn? Cô đơn, làm sao vẽ. Cô nhắm mắt lại trước khung vải. Cô hình dung ra những con sóng, những đám mây, biển động và chim chóc bay loạn. Có thể thêm sấm và chớp. Nhưng thay vào đó là hình ảnh người đàn ông mà cô mới vừa đứng nhìn theo. Chẳng phải vậy, khi cô gõ cửa nhà ông ta, gặp ông ta lần đầu, cô nghĩ rằng cô sẽ phải gặp ông ta lần nữa. Cô không thể diễn tả cảm xúc của mình, dù cô là một bác sĩ tâm lý, và là một họa sĩ. Khi gặp lại ở nhà quàn, cô lại nghĩ sẽ phải gặp ông ta lần nữa. Ông không biết rằng trái tim của cô đã đập nhanh hơn một chút khi từ trong phòng nhìn ra thấy người đàn ông đang đến gần cửa. Cô chờ tiếng gõ cửa, thay vào đó là tiếng chìa khóa. Rồi im lặng khó hiểu. Đến nỗi cô phải đứng dậy vội vã đi ra, đứng ở gần cửa, chờ thêm một tiếng động nữa, cô sẽ mở vội cửa. Lần này, cô nghĩ rằng cô sẽ nói nhiều hơn. Sẽ nhìn ông ta lâu hơn. Nhưng ông ta quay lưng lại và đi như bị ma đuổi.
Bức tranh bắt đầu bằng một khuôn mặt, mặt chữ điền, trán và cằm toàn hảo. Mũi và mắt như tạc từ trong đá. Môi hoàn chỉnh. Từ bên ngoài ông ta, cô hình dung ra bức tượng David trắng của Michelangelo mà cô mới xem tại một viện bảo tàng ở Florence trong chuyến du lịch đến các thành phố châu Âu, đặc biệt là Ý. Thật ra ông ta không quá đẹp trai như vậy, nhưng chính là cô đã mong đợi một người đàn ông như vậy. Cô nghĩ là mình không nhầm lẫn, ít ra cô cũng cảm nhận được điều gì đó trong đôi mắt của ông, đôi mắt lớn của chim ưng, nhưng mềm như chim sẻ, khi nhìn cô, dù thoáng qua.
Một vài lời của cuốn sách mỏng rơi xuống cô. Chỉ có hồng nhung biết khi nào nghiệp sẽ trả xong….
Cô suy nghĩ: tại sao tên mình là Hồng Nhung, điều đó có nghĩa gì.
Trong khi đó trái tim đập loạn nhịp của người đàn ông trở lại bình thường khi ông trở về chỗ của mình. Cánh cửa lớn quen thuộc, cánh cửa sổ nhỏ quen thuộc, cái ghế gỗ, bàn viết, kệ sách, mùi của một người đàn ông độc thân ngửi một mình, ngửi quá quen, vào trong cả giấc mộng. Có khi trong mơ ông nghe một mùi hương mơ hồ và bỡ ngỡ nhận ra mình khao khát ngửi một mùi nào khác hơn là chính mình. Nhưng ông vội vã dấu kín suy nghĩ ấy vào cuốn sách lớn mở ra trước mặt, nghiêm nghị đọc. Nghiêm nghị suy nghĩ. Nghiêm nghị ra khỏi nhà, nghiêm nghị đi đường. Sự nghiêm cẩn quá mức làm cho dáng đi của ông già, nhưng khuôn mặt trẻ, và ông biết chắc trái tim mình còn trẻ hơn. Ông vẫn nghiêm nghị như vậy, trước bao nhiêu người. Khi không có ai, khi một mình, ông muốn làm một cái gì đó khác với vẻ nghiêm nghị bắt buộc, nhưng ngay cả khi ở một mình, ông vẫn ngần ngại. Tại sao vậy? Cuộc sống một mình quá lâu đã làm mòn mỏi những khao khát thay đổi. Ông cố gắng suy nghĩ, và cố gắng loại bỏ suy nghĩ. Ông đi giữa đời, nghiêm nghị thẳng đứng bên ngoài, nhưng xiêu vẹo bên trong, như Gia cốp bị đánh vẹo xương hông. Điều gì, ông biết rõ, ông dối ai được, chứ dối mình sao được.
Thay vì giở cuốn sách lớn, ông lại mở quyển sách nhỏ:
…cứ thế, tôi chỉ là bóng câm đi theo bên cạnh nàng đợi chờ nụ cười dài đuôi mắt phượng. Tôi vẫn không dám mở miệng nói một câu, không dám đụng vào tới nàng, dù chỉ là…
ann phong 6
Ông đưa mắt nhìn qua cửa sổ, qua sân hẹp, qua thân cây, vào đến nhà, đến căn phòng khách nhỏ có lần ông đã vào uống trà với bà cụ. Ông biết là giờ này thiếu phụ đang ở trong đó, chiếc xe của cô đang nằm khuất dưới bóng cây lá vàng của mùa thu đang về. Cô ta đang làm gì? Đôi mắt cô, đôi mắt làm cho ông phải kêu thầm trong lòng buổi gặp gỡ đầu tiên, ấn sâu hơn vào trái tim ông lần gặp gỡ thứ nhì, tại nhà quàn tang lễ. Ông đã suy nghĩ về việc sẽ mặc quần áo gì trong buổi lễ, và ông chọn quần tây đen, áo sơ mi trắng, cà vạt đen, như một người giống mọi người khác. Đứng trước gương ông hơi chua xót thấy khuôn mặt trẻ trung của mình đóng khung trong một cái khung ảnh cũ kỹ. Ông đến sớm hơn giờ ấn định, người ông gặp đầu tiên là cô. Và hình như cũng chỉ một mình cô, là thân nhân duy nhất của bà cụ, đến sớm nhất, một mình. Cô đang ngồi nhìn chăm chăm vào cái quan tài, đứng dậy khi ông tới, cúi đầu chào.
- Chào ông.
- Chào …cô. Người đàn ông sửa giọng.
- Mẹ tôi nói rằng ông đã rất tốt với bà trong thời gian ở đây. Bà rất quý ông.
- Cám ơn cô, không có gì đâu. Chỉ là một sự giúp đỡ nhỏ nhoi, bình thường, bất cứ người nào cũng có thể làm.
Cô hơi mỉm cười.
- Hình như ông là một nhà văn, ông có viết sách và có tặng cho mẹ tôi một quyển sách.
Người đàn ông định nói: tôi còn là một cái gì khác hơn là cái đó nữa. Nhưng ông im lặng kịp. Nụ cười làm đôi mắt cô như dài ra, dài đuôi mắt phượng. Một mùi hương thoảng bay. Đôi mắt làm ông im lặng. Im lặng suốt buổi tang lễ. Im lặng cho đến khi về nhà. Im lặng lâu đến nỗi ông cảm thấy mình hơi khó thở, phải cởi bớt vài cái nút áo. Nút áo nhiều quá, chật chội quá, kín đáo quá, bức bối quá, ông muốn kêu lên một cách khổ sở. Ông khám phá ra rằng hôm ấy ông đến không phải vì người mẹ đang nằm trong quan tài, mà vì cô con gái có đôi mắt biết nói. Từ những ngày đã lâu lắm rồi, ông biết mình không thể đến với một người đàn bà, ông từ chối mọi suy nghĩ về đàn bà, ông từ chối mọi quan hệ thân mật với một người đàn bà, ngoại trừ mẹ ông. Nhưng bây giờ ông biết rằng ông muốn gặp cô lần nữa. Ông lúng túng và sợ hãi che đậy thiếu trên thừa dưới như người quên mặc áo đi đến dự buổi dạ tiệc chiêu đãi hoàng gia.
…giờ tôi đã hiểu tại sao Lạc Long Quân và Sơn Tinh cả hai đăm chiêu khi lời thơ ngân vang dội xé thiên địa. Trời ơi tôi đã hiểu khi con gái thôn Đoài đi ngang, quay lại liếc nhìn tôi, ánh mắt cười kéo dài đuôi mắt khuynh đảo ngàn năm tu luyện thành thần…
Ông nặng nề leo lên giường, để nguyên áo quần như vậy, nhắm mắt, khi nhắm mắt lại thấy nhiều thứ lộn xộn quá, phải mở mắt nhìn trần nhà để khỏi thấy những thứ lộn xộn đó, nhưng chẳng làm sao tránh né được, chẳng thà ông nhắm mắt lại để nhìn thấy những thứ lộn xộn đó còn hơn.
Hình như cũng khoảng một trăm năm đã trôi qua khi người đàn ông thức dậy sau giấc ngủ nặng nề. Giấc ngủ bị cưỡng ép nên càng nặng nề hơn. Nặng nề như bầu trời bên ngoài. Qua cửa sổ, bầu trời tối sầm lại, như một cái thúng đan kín úp xuống, báo hiệu một cơn mưa lớn. Ông cảm thấy mình bị sốt, trán nóng, mặt mũi nóng, nhưng bàn tay lạnh. Ông nghe một, rồi hai, ba tiếng sấm, chớp rạch ngang bầu trời qua khung cửa sổ…
sấm vẫn tiếp tục rền vang một góc trời thôn Đoài, giờ này đã biến mất bóng cây đa vươn cao mâm xôi hàng ngàn tuổi.
Mưa đổ xuống, người đàn ông nằm một mình trong bóng tối, cảm thấy mình muốn khóc. Như ngày nào đó trẻ thơ, chạy về từ đồng trống, trong cơn mưa sũng ướt, chạy vào mẹ, và tâm hồn tràn ngập bình an khi vòng tay mẹ quàng ngang, ôm choàng tấm thân nhỏ bé, ướt đẫm, hoảng hốt. Đó là vòng tay người đàn bà đầu tiên và duy nhất trong đời. Như ngày nào đó trong cơn sốt mơ hồ một đôi môi đặt trên trán. Đôi môi của người đàn bà đầu tiên và duy nhất trong đời. Ông cảm thấy mình thèm một cái gì đó khác hơn, một sự thôi thúc, xô đẩy từ trong da thịt, từ trong lòng, như một cơn sóng dữ từ ngoài khơi tràn về càng lúc càng gần hơn. Nó sắp tràn ngập đất, ông hốt hoảng kêu lên trong yên lặng. Ông yên lặng đặt tay lên thân thể mình như để xoa dịu cơn sốt dịu dàng.
Tôi, tự dưng không còn cầm giữ được lòng, bật khóc, khóc nức nở, nước mắt đỏ hon hỏn màu máu trái tim. Tôi bụm mặt, máu đỏ len qua những kẽ tay. Tôi không đi, tôi chưa bao giờ đi. tôi vẫn đứng đây, cả ngàn năm rồi, quanh quẩn gốc đa đợi chờ con mắt phượng có đuôi…

Ông bỗng dưng không muốn từ chối mình nữa. Ông để cho cơn sóng tự do tràn tới, cơn sóng bắt đầu tới từ một chỗ đứng trong phòng nhà quàn, khi chỉ có ông và thiếu phụ, và bà cụ trong quan tài yên lặng. Ông không nhớ chính xác khi nào, khi thiếu phụ nghiêng người qua, như sắp ngã, nhưng ông nhớ rõ khi mình đưa tay ra, quàng vào phía sau lưng cô, ông có cảm giác như bị điện giật khi va chạm vào da thịt, dù là sau lớp vải, của người đàn bà. Bấy giờ ông có cảm tưởng ông là người cần được đỡ, chứ không phải người đàn bà. Ông xúc động đến muốn nín thở. Cô đã đứng thẳng được, mặt hơi tái, mỉm cười.
Xin lỗi, tôi hơi chóng mặt, có lẽ hôm qua không ngủ được nhiều.
Không có gì, ông nói.
Nhiều tiếng chân đi bên ngoài phòng, người đàn ông ý tứ lùi lại, nhưng bàn tay vẫn còn đó.
Đột nhiên trong cuồng loạn mưa bão ông nghe tiếng gõ cửa. Ông nghĩ có lẽ tiếng con mèo chạy va vào cửa. Nhưng lại gõ nữa, lần này dồn dập hơn. Ông tiếc nuối gạt cái mền mỏng qua một bên, ngồi dậy, xỏ chân vào dép. Ông hơi ngần ngại một chút, ai gõ cửa bất thường, trong lúc mưa bão này, một người cần giúp đỡ, hay một kẻ bất lương nào đó? Khu vực này có tiếng là an toàn trong thành phố nhỏ bé như bàn tay, nơi mọi người có thể gọi tên nhau khi gặp tình cờ ngoài đường. Vả lại, mình cũng chẳng có cái gì để mà bị đánh cắp. Nếu có một người nào đó thật sự cần giúp, mình sẽ giúp họ. Ông mở cửa, thấy một giấc mộng. Giấc mộng ngay trước mắt. Thiếu phụ, ướt sũng nước từ đầu đến chân, nhìn ông bằng đôi mắt phượng đuôi dài.
Tôi đánh rơi chìa khóa nhà đâu đó, không thể vào nhà, mà cũng không thể ngồi mãi ngoài xe chờ cơn mưa chấm dứt. Nó có vẻ còn lâu mới tạnh. Cô nói một câu dài trong khi người đàn ông vẫn đứng yên như pho tượng David có mặc quần áo. Có điều, người đàn ông hơi thắc mắc, sao cô mỏng manh và mờ nhạt, như một cái bóng. Nhưng ông không muốn suy nghĩ nữa, điều ông ước mơ và ám ảnh ngàn năm nay đã đến rồi..
- Mời cô vào. Tôi sẽ đi lấy cho cô cái khăn để lau và… Ông nói không hết câu, không dám nói thêm phần sau.
Khi thiếu phụ bước vào, quần áo đẫm nước mưa, dán sát vào thân thể cô, dưới ánh đèn, người đàn ông chợt rùng mình, liên tưởng đến câu chuyện một nhà tu Thiên Chúa giáo khổ hạnh bị một người đàn bà cố ý cám dỗ, đêm hôm mưa gió giả vờ chạy vào nhà ông xin ngủ lại qua đêm. Nhưng ông không kịp suy nghĩ lâu, ông chạy vội vào phòng tắm, định lấy cái khăn, rồi lại chạy ra tay không, khi thiếu phụ vẫn còn đứng giữa phòng, ướt đẫm.
- Tôi xin lỗi, cô phải vào trong phòng tắm để lau người. Phòng trong này.
Thiếu phụ đi vào. Người đàn ông đứng lại. Có thật không, hay chỉ là giấc mơ? Nó có vẻ là giấc mơ hơn là sự thật, vì ông đã mơ đến điều ấy, và cũng bởi vì nó đẹp và thơ mộng quá, như trong một cuốn sách. Có gì xảy ra không? Hay cũng chẳng có gì xảy ra cả, như nhiều chục năm đã trôi qua. Nếu có điều gì xảy ra, mình sẽ xử sự như thế nào?
Chiều chiều tôi ngân nga lời thơ giờ đã hóa lời kinh thấm hồn. Bây giờ, dù có phải hủy ngàn năm tu luyện đổi lấy con mắt đuôi phượng cười với tôi, tôi sẽ vẫn quỳ xuống, giang hai tay chân thành thưa với Bụt,
— Lạy Bụt, con xin đổi.
Nhưng Bụt chỉ nhìn tôi, không trả lời.
Cũng như trong giấc mơ, thiếu phụ đang đứng trước mặt ông, khỏe mạnh, xinh đẹp, khô ráo, như không hề bị mắc mưa, như thể cơn mưa chỉ là một cái nền của một bức tranh. Đôi mắt phượng của cô nhìn ông, đôi mắt chim sẻ bị thương của ông cũng nhìn lại cô.
- Tôi biết ông là ai. Cô nói.
- Cô biết tôi là ai, vậy thì sao cô lại đến đây. Người đàn ông hỏi.
- Không những thế, tôi còn biết ông đang nghĩ gì, muốn gì. Tôi đến, để trả lời cho những suy nghĩ của ông, những ước muốn của ông. Tôi đến, để lấp đầy khoảng trống của ông. Cô đáp, giản dị.
- Nhưng tôi thật sự không cần. Tôi có thể chế ngự chúng. Người đàn ông lùi lại nửa bước.
- Đừng chạy trốn, hãy đối diện với sự thật, cô mỉm cười, không tỏ vẻ gì khiêu khích cả, nhưng đôi mắt phượng thoáng buồn.
- Tôi là người mà ông đã chờ đợi. Cô bước tới. Ông đứng im, nhắm mắt lại, trong một nỗ lực cuối cùng.
- Bây giờ ông sẽ không viết sách nữa, tôi sẽ là người đọc sách cho ông nghe. Đây là một đoạn trong The thorn birds: do quá đà chạy Meggie chạm mạnh và ngã vào người Ralph làm cho Ralph lảo đảo. Tất cả sức mạnh ở Ralph bị ức chế lâu nay như chờ đợi lúc này để bùng nổ. Ralph chao đảo trong một thứ cảm giác mà dục vọng đã làm mờ đi lý trí, thể xác hình như đã khuất phục được ý chí của ông.
Người đàn ông mở mắt khi có một cái gì đó chạm vào ông, quàng phía sau lưng ông, xiết lại gần. Khuôn mặt thiếu phụ gần kề bên ông, chỉ cách một hơi thở. Hơi thở có mùi dạ lan trong vườn xưa. Ông cũng đưa tay ra, quàng phía sau lưng cô. Ông cảm thấy mỏi cổ, muốn ghé đôi môi nóng bỏng của mình xuống bông hoa đang nở.
…thần cây đa cõi dương, nhưng vẫn là âm, dương thịnh âm. Nhà ngươi đụng đến con gái thôn Đoài, âm thịnh dương, dù chỉ là tà áo, âm đó hộc máu ra mà chết..
Những chữ đó như những trái bom nổ trong tai ông. Ông cảm thấy mình đang ở trong một khoảng trống mênh mông không có điểm tựa, rồi gió thổi ông bay lên trong một cõi không gian sâu hun hút không bờ bến, bay mãi cho đến khi rơi xuống một vùng đất mềm mại, mềm mại đến nỗi ông chỉ muốn nhắm mắt lại vĩnh viễn.
Nhưng ông lại nghe những tiếng gõ nhẹ vào gỗ. Ông mở mắt ra, thấy mình nằm trên giường nệm mềm mại, vẫn một mình, nằm nghiêng mình quay về một khoảng trống. Giấc mơ đã tan rồi, cơn sốt cũng dịu bớt. Ngoài trời hình như cũng đã hết mưa, và đã sáng rồi. Ánh nắng xuyên qua những kẽ hở của màn cửa, soi vào giường nằm. Ông tiếc nuối giấc mơ, muốn nằm yên lặng, nhưng tiếng gõ nhiều hơn, gấp hơn.
Ông uể oải ngồi dậy, lê dép lại gần, mở cửa, nghĩ là người quen trong chỗ làm việc đến chở mình đi. Nhưng giấc mộng lần nữa hiện ra. Thiếu phụ đứng trước cửa, tay cầm một bức tranh gói lại trong giấy. Lần này chắc chắn không phải là giấc mộng, vì ông nhìn thấy những chiếc lá vàng đang rơi trong khoảng sân nhỏ cạnh nhà, và người ta đang qua lại.
- Tôi đến để tặng ông một món quà, trước khi đi.
- Cô …đi?
Người đàn ông hỏi, như một cái máy.
- Tôi đang đi.
Thiếu phụ nói, nhưng vẫn đứng yên, như thể đang chờ đợi điều gì. Bàn tay người đàn ông cầm bức tranh run rẩy. Ông muốn thả rơi bức tranh xuống đất, bước tới, đưa tay ra, chạm đến. Ông có một linh cảm mãnh liệt rằng khi bàn tay ông đưa ra, thì sẽ có bàn tay khác nắm lấy, và cả hai thân thể sẽ ngã vào nhau, sẽ chẳng có ai đi đâu cả. Và ông sẽ chẳng còn ở một mình.
Nhưng không có điều gì giống như điều ấy xảy ra. Hai bàn tay người đàn ông lạnh cóng như bị chôn vùi trong đá.
Thiếu phụ cuối cùng, quay lưng đi. Người đàn ông thấy mình sụp xuống một lớp đất cứng, như cây đa thật sự chết.

Nguyễn Trung Tây - Trần Nguyên Đán
Minh họa: Ann Phong - Nguyễn Việt Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong quá trình nhiều thập niên giảng dạy võ học và võ thuật, chúng tôi có sưu khảo, nghiên cứu nhiều môn võ Á châu và Thế giới để tìm hiểu, so sánh, chắt lọc tinh hoa nhằm nâng cao, canh tân cải tiến và hiện đại hóa một số kỹ năng võ thuật Việt Nam cho kịp đà tiến triển của võ học thế giới.
Hoan đặt chiếc ly không xuống mặt bàn ngổn ngang vỏ chai.
Nhiều người đã từng sống ở Miền Nam trước 1975 đồng ý với nhau rằng, chỉ cần nghe bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là đã thấy tết đến, xuân về.
Đã có những niềm tin rồi không màng nói đến Lặng thinh môi thở khô cằn
Tôi còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt.
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Truyện đăng trên tờ Sáng Tạo, số báo xuân Mậu Tuất 1958 đúng 60 năm trước.
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Bài thơ xuôi này được sáng tác trong lớp học làm thơ tài trợ bởi học bổng cộng đồng Jenny McKean Moore của đại học George Washington, Hoa Thịnh Đốn. Tôi nộp đơn và may mắn được tuyển chọn vào lớp này cùng với 14 thí sinh khác.
tôi cười, nói đùa, nhíu mày làm trò nghịch nhưng chợt vấp khi nhìn thấy biên giới
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.