Hôm nay,  

Cuối Năm

26/04/201800:05:00(Xem: 7406)
Khánh Trường-001
Khánh Trường



Hoan đặt chiếc ly không xuống mặt bàn ngổn ngang vỏ chai.

“Mình về.”
“Dạ, anh về.”
“Không, chúng ta cùng về.”
Cô gái nhìn Hoan vẻ hơi ngạc nhiên.
“Em với anh?”
“Ừ, chúng ta. Đêm nay em thuộc về anh.”
“Đâu có ngang xương vậy được. Phải xin phép chị Tư.”
“Thì xin phép...”
Cô gái đứng dậy, lách mình giữa hai dãy bàn đầy khách, hướng về phía người đàn bà có vẻ mặt lúc nào cũng như đang ngái ngủ ngồi trên chiếc ghế cao chỗ quầy rượu. Hoan theo sau, cố thu gọn người, nhưng đến giữa phòng chàng vẫn sơ ý vung tay làm rơi chiếc bóp đặt chênh vênh trên góc một mặt bàn. Hoan cúi lượm, khi ngẩng lên chợt bắt gặp ánh mắt lạnh lùng của chủ nhân món đồ. Hoan nhẹ nhàng để chiếc bóp đúng vị trí cũ.
“Xin lỗi...”
Cô gái không trả lời, mặt khó đăm đăm. Hoan hơi ngượng. Máu giang hồ chợt trổi dậy. Chàng khom người ngang tầm cô gái.
“Em đẹp, đừng nhăn nhó thế, xấu đi.”
Và quay về phía người khách ngồi chung bàn với cô ta, cà khịa.
“Phải không ông bạn?”
“Ông bạn” tuổi tác đã cao, muốn yên thân nên vội nhoẻn miệng cười. Hoan chẳng còn lý do gây hấn, xoay người bước đi.
“Bộ anh khoái sinh sự lắm hả?” Cô gái hỏi.
Hoan nhún vai.
“Bày đặt đấy mà, cho đỡ buồn.”
“Nhỡ gặp thứ thiệt, đánh nhau thì sao?”

“Càng vui. Con bé nào thế?”
“Đồng nghiệp của em.”
“Sao lối vậy? Có ngày ăn đòn.”
“Thôi đi ông, hung hăng vừa vừa chứ.”
Hoan leo ngồi trên chiếc ghế cao rút thuốc châm hút.
Cô gái đứng cạnh, quàng tay ôm ngang lưng chàng, chồm người về phía người đàn bà.
“Chị Tư, hôm nay em về sớm...”
“Mới mười hai giờ mà.”
Cô gái chưa kịp trả lời Hoan đã nhanh nhẹn vất lên mặt quầy tờ giấy trăm.
“Bồi thường thiệt hại.”
Người đàn bà nhìn Hoan vui vẻ.
“Nói thế chứ cũng sắp đến giờ đóng cửa. Hai người cứ tự nhiên.”
Bà ta vơ vội tờ bạc thẩy vào hộc, quay qua cô gái.
“Mai đến không?”
“Chưa biết, chị Hai. Mai, ba mươi rồi.”
Hoan khoác tay cô gái bước ra. Đèn tối mờ, chỉ vừa đủ nhìn thấy lối đi. Gã đàn ông ngồi ủ rũ trên chiếc ghế đẩu ngẩng đầu nhìn hai người, hắn chậm chạp đứng đậy, đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa gỗ. Hoan cảm thấy hơi nóng bên ngoài phà vào mặt, dù đã khuya. Cuối năm nhưng khí hậu vẫn oi bức như giữa mùa hè, cái nóng thường kéo dài dai dẳng đến gần sáng. Cái nóng khiến những đêm cúp điện, Hoan phải mang chiếc giường xếp ra đặt ngoài hành lang để tránh cảm giác ngột ngạt trong căn phòng nhỏ. Hơi nóng đặc quánh trong không khí, bám trên da thịt, mồ hôi tươm nhớp nháp khắp thân thể. Hoan nằm vật vã xoay trở đủ mọi tư thế, hai mắt nhắm mà thần trí dật dờ nửa tỉnh nửa mê. Nhiều đêm trằn trọc đến hai ba giờ sáng vẫn chưa yên giấc. Không ngủ được, đầu óc dễ suy nghĩ bậy bạ, đòi hỏi xác thịt có cơ hội bộc phát. Rút kinh nghiệm, bữa nào cúp điện Hoan thường la cà ở các quán rượu tới tận khuya, khi trở về không bao giờ chàng quên mang theo một “cái gối ôm”.
Chiếc taxi trờ tới khi hai người vừa ra đến lề đường. Hoan đưa cô gái lên xe. Đêm sâu. Phố xá vắng người, mặt lộ trở nên rộng thênh thang. Rác, giấy vụn bị gió cuốn giạt vào lề trắng xóa. Chiếc taxi chạy chậm giữa hai hàng kiền kiền giao lá trên cao như trôi giữa dòng kinh. Thỉnh thoảng sau những gốc cây, bọn gái ăn sương váy ngắn đến bẹn đứng lấp ló đón khách. Trước kia Hoan vẫn thường bắt mấy em thợ chọi này về giải quyết qua đêm, nhưng từ bữa được một em cấp giấy giới thiệu cho vào Trung tâm Bài Trừ Hoa Liễu nghỉ phép, Hoan cạch, xoay qua các nàng chiêu đãi. Dĩ nhiên có tăng thêm phần tốn kém, nhưng tiền nào của đó, mức độ an toàn tốt hơn nhiều.
Cô gái ngồi bên ngáp ngắn ngáp dài. Hoan choàng tay qua vai cô ta,
“Em buồn ngủ?”
“Dạ, em không quen uống rượu.”
“Bia mà, giã ngay thôi.”
Hoan lòn tay vào áo cô gái, vày vò trái vú mềm. Cô ta thun người.
“Nhột em... Bác tài chiếu tướng kìa.”
“Bác ấy chẳng thèm nhìn đâu...”
Hoan vừa nói vừa tiếp tục thả lỏng bàn tay. Cô gái không còn phản đối, rúc rích cười. Chiếc xe vòng qua bùng binh C.R., chạy ngang công viên, trực chỉ hướng bờ sông rồi dừng lại trước một cao ốc.
“Đến rồi cô cậu.” Bác tài cất tiếng.
Hoan trả tiền, dìu cô gái lên thang lầu.
“Anh ở một mình?” Cô gái hỏi lúc vừa bước chân vào phòng.
“Không một mình thì với ai?”
“Ừ nhỉ.”
Chợt thấy sự ngớ ngẩn trong câu hỏi của mình, cô gái vớt vát.
“Các ông độc thân vẫn thường chung phòng cho có bạn, đỡ buồn.”
“Anh ghét chung đụng... Em tắm đi.”
KhanhTruong 1Trong lúc đợi cô gái tắm, Hoan ngồi đọc vẩn vơ những mục lỉnh kỉnh ở trang trong một tờ báo cũ, cách giải đáp huề vốn của mục gỡ rối tơ lòng khiến chàng bật cười. Sống nhiều năm trong nghề viết lách, Hoan chẳng lạ gì trò nhảm nhí này. Nào mấy ai vô công rỗi nghề ngồi còng lưng viết ra giấy những tâm sự lòng thòng thảm thiết thế kia? Chín mươi chín phẩy chín phần trăm các lời vấn đáp đều là sáng tác của bọn đực rựa (nhưng bao giờ cũng giả dạng nữ lưu bằng những bút hiệu nghe rất thơ mộng trữ tình). Điều khá mai mỉa, mấy anh nhà báo hạng bét này thường đa số ngửi không được, nhân dáng cũng như cuộc sống tình cảm hoàn toàn dưới trung bình, thậm chí có anh chưa từng một lần trong đời được cái hân hạnh nắm tay vuốt tóc đàn bà con gái! Nắm tay vuốt tóc thôi, chứ đừng nói chi đến chuyện yêu đương thắm thiết, chuyện nửa đường đứt gánh, chuyện trái ngang phụ rẫy... hầu có được chút kinh nghiệm bản thân để khuyên răn dạy dỗ người! Vậy mà ba chuyện tào lao đó lại rất đắt khách, nhất là bên cạnh trò gỡ rối còn có thên mục tử vi Đông Tây nữa thì ăn trùm. Tử vi Đông Tây! Lại cũng chẳng có chiêm tinh gia, tướng số gia nào phụ trách cả, lại cũng chỉ một anh ký giả hạng cá kèo nào đó giả dạng. Mỗi tuần, anh ta tương đại mười hai lời đoán... mò. Tinh ý chút xíu, sẽ thấy tất cả đều rập theo một công thức bất di: Vô đề, có kẻ tiểu nhân ám hại, công việc làm ăn gặp đôi điều trở ngại, người yêu giận dỗi, đi đứng cẩn thẩn coi chừng tai nạn... Kết luận, nhờ quới nhơn phù trợ, nhờ phúc đức ông bà, mọi chuyện rồi cũng xuôi chèo mát mái, hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai... Đọc xong mấy lời tiền hung hậu kiết này, bảo đảm anh (hay chị) nhất định thơ thới hân hoan, về sau, bọn phụ trách mục Tử Vi thấy viết nhăng viết cuội mãi vẫn chỉ chừng đó chuyện, thêm tốn công mệt óc, bèn nghĩ ra cách tiết kiệm sức lao động rất hiệu quả: chịu khó bỏ chút ít thời giờ, thu nhặt tất cả mọi lời giải đoán trên mọi tờ báo, rồi cứ thế mà “xào”.
Cô gái từ buồng tắm bước ra, cô quấn quanh người chiếc khăn lông ngắn, chỉ đủ che phần giữa của thân thể. Vừa giũ giũ mái tóc, cô ta vừa chặc lưỡi.
“Mới tắm xong mà vẫn nóng chịu không thấu.”
“Nóng thật.”
Hoan đứng dậy đến mở rộng thêm hai cánh cửa sổ. Động cơ xích lô máy gầm rú dưới lòng đường, Hoan nhìn xuống, trong lòng xe một cặp trai gái quấn siết lấy nhau, anh đàn ông gần như leo hẳn lên người chị đàn bà, bất kể bác tài xế ngồi lênh khênh trên cao có nhìn thấy cảnh mê tơi hấp dẫn bên dưới hay không, cặp tình nhân thả cửa hôn hít sờ soạng, thực thi đúng đắn câu “mục hạ vô nhân”. Chiếc xe vụt qua, nhanh chóng mất hút vào bóng đêm.
Khi Hoan trở lại giường thì cô gái đã vất chiếc khăn lông xuống sàn nhà từ bao giờ. Cô ta nằm ngửa tênh hênh trong tư thế chờ đợi. Ánh sáng đèn đường hắt qua khung cửa sổ, tráng trên thân thể cô gái một lớp kem mịn, màu da như trắng hơn, những đường nét cũng trở nên thanh tú, gợi tình. Hoan cúi xuống hôn môi cô gái. Cô ta vòng hai cánh tay trên lưng Hoan, ưỡn người hôn trả. Hai người rời nhau, cô gái nói.
“Anh tắm đi.”
Hoan gật đầu đi vào buồng tắm. Nước mát lạnh giúp cơn váng vất trong đầu tan nhanh. Nửa năm trở lại đây tửu lượng Hoan xem ra có chiều hướng đi xuống. Tuổi tác chăng? Ba mươi tuổi, cái tuổi vẫn được xem như “chín tới” nhất ở một người đàn ông, vậy mà Hoan lại trở nên dễ nóng giận, mau chán, thường xuyên bất mãn trước mọi vấn đề. Chắc chắn nguyên nhân không đến từ tuổi tác. Phải có một điều gì không ổn đang ngự trị trong nội tâm chàng. Điều gì? Hoan suy nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra căn nguyên. Phải chăng cuộc sống bấp bênh chẳng có ngày mai? Phải chăng cái vực tối cô đơn mãi tăng trưởng không ngừng? Phải chăng niềm tự tin ở tài năng mỗi ngày mỗi mòn mỏi trước thực tế chẳng thể phủ nhận? Phải chăng những thú vui phóng đãng, buông thả từ bao năm nay, như một chất cường toan, hủy hoại dần thể lực? Hoan đứng yên dưới vòi sen, nhắm mắt đón nhận từng sợi nước mát lạnh rưới đều trên hai vai, chảy phủ khắp thân thể. Chàng tỉnh hẳn. Khi Hoan định tắt nước, thôi tắm, thì cô gái cũng vừa lên tiếng gọi. Hoan với tay lấy chiếc khăn lông, lau khô người, bước ra.
“Xong rồi, cô bé.”
Chàng chậm chạp đến cạnh giường. Cô gái xoay người lăn một vòng vào sát tường, chừa một khoảng nệm rộng. Hoan nằm xuống. Cô gái với tay qua vuốt ve khuôn ngực trần của Hoan, bàn tay táy máy bò chậm từ ngực đến phần hạ thể. Da thịt cô gái hâm hấp nóng. Bàn tay cô ta mềm mại uyển chuyển. Hoan xoay nghiêng. Mùi thuốc gội đầu từ mái tóc rậm tỏa ra đầy ngập khứu giác. Hoan kéo khuôn mặt cô gái lại gần, nhìn thấy hai đóm sáng lấp lánh trong đôi mắt ngước lên tình tứ.
“Yêu em đi.” Cô gái thì thầm.
“Yêu anh đi.” Hoan trả lời.
Cô gái cười khúc khích.
“Lười đến thế cơ à?”
Nhưng cũng trườn người lên, mái tóc thơm phủ kín trên mặt Hoan, mái tóc di chuyển xuống ngực, xuống sâu hơn...
Hoan vừa ân ái với cô gái vừa nghĩ đến những việc phải làm, ngày mai. Bỗng nhiên chàng nhớ đến hình ảnh đứa con hoang của Gide. Đứa con sau thời gian dài lang bạt, một ngày cảm thấy mỏi mệt, hắn trở về. Những tưởng sẽ bắt gặp đôi mắt xót xa của mẹ, bao lời chì chiết của cha... Nhưng không, “Bay đâu, hãy lấy rượu ngon, hãy mổ dê béo, hãy bày tiệc linh đình chào đón con ta, đứa con tưởng đã mất nay vừa tìm lại được.” Hoan cũng nhớ đến đoạn cuối câu chuyện. Trong đêm tối, hai anh em - đứa con hoang và thằng em trai - nằm bên nhau. Đứa con hoang kể cho em nghe về những dặm trường hắn đã đi qua, những cảnh thổ hắn đã đặt chân đến, những lạ lùng, bất ngờ, tủi nhục, vui sướng hắn đã nếm trải... Lời kể của thằng anh khích động giấc mộng phiêu lưu của đứa em. Để rồi, đêm sắp tàn, tiếng gà eo óc xóm xa... Đứa con hoang trở dậy, đốt đèn soi đường cho thằng em thực hiện cái công việc hắn từng làm, và thất bại. “Thôi em đi nhé, và chớ trở về.” Lời nhắn nhủ đứa em ruột thịt hay cái khát vọng vẫn còn cháy bỏng trong lòng, chưa chịu ngủ yên? Câu chuyện Hoan đã đọc thuở còn trung học vẫn hiện về hầu như không sót lần nào, vào những lúc năm cùng tháng tận. Như đứa con hoang của Gide, ngày mai Hoan cũng sẽ trở về, cũng sẽ gặp anh gặp em, gặp cha gặp mẹ, khác chăng sẽ chẳng có rượu ngon, dê béo, mà chắc chắn chỉ là đôi mắt dò hỏi kín đáo của mẹ, lời chất vấn nghiêm khắc của cha, Anh làm gì một năm nay? Rồi lại cái lắc đầu ngao ngán. Lông bông mãi, thật chẳng ra làm sao...
Sau cơn hoan lạc, Hoan nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Cô gái nằm một lúc, ngồi dậy đi vào phòng tắm. Khi cô ta trở ra, tiếng ngáy của Hoan đã đều đều một nhịp say. Cô gái vẫn nghĩ, đối với bọn đàn ông, không có thứ thuốc ngủ nào hiệu nghiệm cho bằng một quả làm tình. Sau trận mây mưa, chân khí hao tổn, thân xác anh nào cũng đòi hỏi bù đắp. Một giấc ngủ say, đó là nhu cầu tất yếu nhất. Cô gái định nằm xuống, chợt nhìn thấy cái ví da rơi trên nền gạch, bên dưới chiếc quần Tây vắt cẩu thả chỗ cái ghế mây kê sát vách tường. Cô gái bước đến, cầm lên. Không dừng được tò mò, cô ta vừa liếc mắt về phía Hoan vừa vội vàng mở bung chiếc ví. Một xấp tiền dày cộm xổ tung, rơi vung vãi trên sàn nhà. Cô gái luống cuống cúi xuống nhặt nhanh những tờ bạc. Không kịp sắp xếp lại cho ngay ngắn, cô ta vơ xấp bạc nhét vội vào xách tay của mình rồi hấp tấp mặc quần áo, mở nhẹ cửa lỉnh ra ngoài, xuống đường. Trong ngực cô ta, nhịp tim đập thình thịch. Cô gái đi như chạy ra khỏi khu building. Một chiếc xích lô máy giảm tốc độ tấp vào lề. Cô gái nhanh nhẹn bước lên, ngắn gọn ra lệnh.
“Xa cảng.”
“Ba mươi đồng.”
“Nhiêu cũng được, chạy gấp giùm.”
“Giờ này chưa có hãng nào bán vé đâu, cô chẳng cần gì phải gấp.”
91


Cô gái không trả lời. Chiếc xe chuyển bánh vút nhanh về hướng xa cảng. Cảm giác sợ hãi dần tan, cô gái thấy lòng mừng khấp khởi. Ba mươi tết, những tưởng năm nay sẽ không thể về quê thăm gia đình được. Ai ngờ. Phải, ai ngờ. Mình gặp hên. Cô gái tuy có hơi áy náy cho gã đàn ông, nhưng cô tự vỗ về, trông cách tiêu pha hào phóng, chắn chắn anh ta chẳng phải dân khố rách áo ôm. Cô gái nghĩ đến xấp tiền, dễ chừng cũng trên dưới hai mươi nghìn. Lớn thật. Nhưng - cô gái tự trấn an - chỉ lớn với mình thôi, với anh ta, chắc chẳng quan trọng. Cô gái hình dung cảnh người đàn ông sáng mai thức dậy, phát hiện ra sự vắng mặt của cô, phát hiện thêm xấp tiền không cánh mà bay, có lẽ anh ta sẽ vung chân đá chiếc ghế mây, hoặc sẽ ném mạnh cái ví vào góc tường, hoặc sẽ dang tay đấm vào cánh cửa phòng, và nhất định sẽ văng tục một thôi một hồi... Rồi thôi, rồi lại mặc quần áo xuống phố, vào ngân hàng, rút mớ tiền mới, lững thững thả đến Bona, ngồi xuống chiếc bàn quen thuộc, gọi xong ly cà phê, hất hàm hỏi thằng bạn vừa mới đến.
“Ê, mày biết con Tuyết?”
“Tuyết nào?”
“Con nhỏ mắt lá răm làm ở bar Y.”
Thằng bạn có thể sẽ trả lời biết, có thể sẽ lắc đầu.
“Không. Này, sao mặt mũi táo bón thế? Chuyện gì?”
“Khốn nạn, tối hôm qua con nhỏ nâng nhẹ của tao mất hai mươi mấy thiên.”
“Trong trường hợp nào? Kể nghe.”
Anh ta kể. Thằng bạn nghe xong cười rống.
“Sướng con cu mù con mắt. Đáng đời.”
Cô gái cũng bật cười, cái cảnh dở khóc dở cười cô vừa tưởng tượng khiến lương tâm cô tạm yên ổn. Cô gái hình dung tiếp khuôn mặt rạng rỡ của mẹ khi cô đưa cho bà xấp tiền.
“Ở đâu nhiều vậy?”
“Dạ, con để dành...”
“Nếu con không về, mẹ chẳng mua sắm nổi cái gì. Nhưng sao con không về sơm sớm vài ngày? Ba mươi rồi.”
“Dạ, công việc bề bộn quá mẹ ơi.”
“Có cực lắm không con?”
“Dạ... Ông chủ cũng dễ dãi, chẳng đến nỗi nào.”
“Ừ, mẹ mừng.”
Và thở dài, tiếp.
“Cả nhà chỉ trông mong vào con. Ba mầy thế kia, mấy đứa em thì nhỏ dại...”
Mẹ mừng! Cô gái thở dài. Trong đầu mẹ, nàng vẫn là cô thư ký rất được việc của một hãng xưởng bề thế tại Sàigòn. Mẹ mừng! Cô gái tự hỏi mẹ sẽ còn mừng đến bao giờ? Mỗi ngày cô mỗi thấy mình chìm sâu hơn vào bệ rạc. Rồi sẽ đến một lúc nào đó chút lòng thương nhỏ nhoi của cô dành cho gia đình cũng sẽ rệu rã. Thực tế cay nghiệt đã bào mòn dần chút lương năng còn sót lại, rất mong manh, trong tâm hồn cô. Trách nhiệm với chính bản thân, cô còn chưa giữ được, làm sao giữ tròn trách nhiệm với gia đình? Cô gái nghĩ đến người cha bê tha, đắm chìm triền miên trong men rượu. Ông không làm được bất cứ chuyện gì ngoài chuyện khảo tiền người vợ khốn khổ để đổi lấy chất nước đục nhờ cay xé độc hại, triền miên từ ngày này qua ngày khác. Cô mong cho cha chết. Cha chết, may ra mẹ đỡ khổ hơn, may ra cô thoát được cảnh sống hiện tại. Cô gái nhớ đến thằng con trai của “người bà con xa”. Nhớ cái đêm hắn mò vào buồng dụ hoặc cô. Nhớ cái đau cắt ruột của lần thất tiết. Nhớ những lời đường mật hắn rót vào tai cô. Nhớ sự cả tin của mình trước bùa phép của một thằng con trai thành thị khôn lỏi. Nhớ “người bà con xa” đã khám phá ra chuyện gian díu vụng trộm. Để rồi cô đã phải dứt áo ra đi, đau đớn, tủi nhục, trước đôi mắt dửng dưng của thằng con trai. Lần đầu tiên trong đời, cô gái hiểu được lòng dạ bọn đàn ông. Rồi cuộc sống, như cuồng lưu, cuốn cô trôi băng không thể cưỡng chống vào vũng lầy đọa lạc.
Chiếc xích lô bỏ cô gái xuống sân xa cảng đang còn thiêm thiếp. Trước các quầy bán vé, lổn ngổn những thúng mủng hàng hóa và trên những chiếc chiếu nhỏ, hành khách đang yên giấc. Cô gái ngồi xuống băng ghế trống. Dưới chân cô, một thằng bé lăn ra khỏi vòng tay mẹ, nằm dạng chân ngủ mê mệt. Cái áo thằng bé đang mặc tốc lên, để lộ khoảng bụng no căng với chiếc rốn lồi dị hợm. Cô gái không cảm thấy buồn ngủ, dù gần như trọn đêm chưa chợp mắt được một phút.
Đêm đã chuyển sang ngày mới từ lâu. Những ngọn đèn vàng cạch chung quanh khu xa cảng hắt xuống mặt nhựa một thứ ánh sáng tù mù hiu hắt. Cô gái ôm chiếc xách tay trong lòng, kiên nhẫn ngồi chờ sinh hoạt thức giấc. Trong đầu cô, hình ảnh của mẹ, của cha, của những đứa em và hình ảnh người đàn ông say ngủ sau cuộc làm tình trộn lẫn vào nhau, rời rạc, chắp vá.

* * *


Hoan giật mình thức giấc. Tiếng xe chạy dưới đường lôi chàng ra khỏi giấc ngủ.
Cô gái bỏ đi từ bao giờ. Nhanh chóng, Hoan phát hiện xấp tiền đã biến mất. Đúng như cô gái mường tượng, Hoan tức giận đá chiếc ghế mây lăn long lóc. Chàng vừa văng tục luôn miệng vừa chạy bổ xuống cầu thang, phóng ra hè đường. Phố xá vẫn chưa thực sự vào nhịp, các cửa tiệm vẫn còn đóng im ỉm. Mặt lộ vắng trở nên rộng thênh thang. Hoan hết nhìn ngược lại nhìn xuôi. Bóng chim tăm cá mịt mù! Em chơi trội thế này, ác quá! Hoan tiếp lục lôi tam tứ đại cô gái ra chà xát kỹ lưỡng mà lòng chẳng nhẹ đi một ly. Chợt nhìn xuống, Hoan nhận ra không có tí quần áo nào dính trên thân thể ngoài cái xì-líp nhỏ xíu nổi cộm phần hạ bộ thô tục. Chàng vội vàng quay lưng trở về phòng, nằm vật ra giường thở hắt từng cơn. Ba mươi tết! Dự tính sáng nay sẽ về thăm gia đình đành gác lại, chẳng biết đến bao giờ. Lời hứa với đứa em gái cũng coi như... theo gió bay đi! Anh về ăn tết kỳ này nhớ cho em ít tiền mua cái xe đạp. Từ nhà đến trường những ba cây số, mỗi ngày hai bận đi bộ muốn lả đôi chân. Anh nhớ nhé, bớt tiêu pha giúp em. Anh hứa đi.... Hoan hứa, rất thành thật, Hoan hứa, và chạy đôn chạy đáo từ tòa soạn này qua toà soạn khác, gặp hết ông chủ bút này đến ông chủ bút khác, uốn ba tấc lưỡi, “Sang năm, tôi sẽ viết cho ông cái phơi-dơ-tông, bảo đảm hết xẩy”. “Thôi đi, lúc nào cũng lằng nhằng tư duy với khắc khoải. Chuyện cậu viết nhức đầu bỏ xừ.” “Không, lần này nhất định mê ly rùng rợn từng trang.” “Viết nổi không? Các cậu ưa có cái tật làm cho chữ nghĩa câu kéo tối mù. Độc giả chẳng nhá nổi đâu. Muốn chở gì thì chở, phải trong sáng rành mạch mới ăn tiền.” “Ông khinh tôi vừa vừa chứ, ba cái chuyện lảm nhảm máu đổ đầu rơi, lâm ly bi đát đó ngoáy một cái có ngay vài mươi trang.” “Chắc chứ?” “Chắc.” “Thôi được, tôi sẽ dành cho cậu mỗi tuần ba chục nghìn chữ.” “Tốt lắm. Này... a-văng chút đỉnh tiêu tết...” Hoan đi rã giò, ghé trên hai chục tờ báo, chỗ nào cũng bổn cũ soạn lại: Mê ly, rùng rợn, hết sẩy... Có anh vừa thấy Hoan mở miệng đã lắc đầu quầy quậy, tìm lời từ chối khéo léo. Có thằng nghe xong màn quảng cáo, gật đầu bằng lòng, nhưng đến mục a-văng, lại lắc đầu cật lực. Có đứa đốp chát thẳng thừng: Tin mấy cha cũng chẳng khác bao nhiêu tin mấy mợ đồng cô, mấy thằng cốt cậu, chắc nhất, tiền trao cháo múc cho nó an tâm. Hoan cảm thấy tủi nhục, nghề buôn văn bán chữ thời nào cũng vậy, chẳng thể nuôi ấm bản thân. Nhưng đã lỡ hứa với cô em, không làm tròn lời hứa còn ra thể thống gì? Đành ngậm bồ hòn làm ngọt, tiếp tục du thuyết. Cuối cùng rồi Hoan cũng xoáy được ngót hai mươi lăm thiên. Cầm mớ tiền trong tay, Hoan vừa mừng vừa lo. Mừng, năm nay Hoan sẽ áo gấm về làng, mẹ chàng hẳn cười rất tươi, cha chàng hẳn hết lắc đầu ngao ngán, và nhất là cô em gái, hẳn sướng lịm người. Lo, hai mươi lăm thiên, tính cho sâu sát cũng trên dưới sáu cái phơi-dơ-tông! Chữ nghĩa của chàng có đâu lắm thế? Vả dẫu có cũng chưa chắc đã viết nổi! Nhưng mà... Mặc mẹ mấy anh chủ bút, mặc mẹ mê ly với rùng rợn... Từ từ rồi giải quyết cũng xong. Không xong, ì ra, làm gì được nhau? Hoan đổ liều, cố quên cái viễn tượng chẳng mấy tươi đẹp của tương lai. Chuyện quan trọng hiện tại là sử dụng thế nào cho hợp lý món tiền vừa xoáy được. Chàng tính toán cẩn thận: Bỏ ra năm thiên chi tiêu lặt vặt, kể cả mục xả xui cuối năm. Số còn lại ngày mai mua cho cô em gái chiếc xe đạp, mua cho mẹ xấp vải the, mua cho cha bộ cờ tướng quân ngà... Vậy mà, bây giờ... Hoan thở dài ngửa mặt nhìn trần phòng. Mẹ, khốn nạn thật. Con điếm chết toi chơi ác không thể tưởng. Hoan nghĩ đến những ngày sắp tới, mùng năm ngày tết, chẳng lẽ vác mặt đi ăn bóng ăn gió bè bạn? Chẳng lẽ nằm dài người trong phòng, ép bụng xuống chiếu nhịn đói?
Dưới đường, xe cộ đã tấp nập. Ngày cuối năm, thiên hạ hối hả đi mua sắm lần chót. Hoan ngóc dậy, mặc quần áo thất thểu rời căn phòng độc thân chó chết. Đi đâu bây giờ? Nhưng chẳng lẽ nằm mãi trong bốn vách tường ám bụi để nhẩn nha gặm nhấm nỗi sầu đời?
Thang lầu ngập ngụa rác, khoảng trống lưng chừng thang chỗ góc tường, nước tiểu lưu cữu bốc mùi khai nồng nặc. Một vũng trơn nhớt dưới chân làm Hoan lảo đảo suýt trượt ngã nếu không níu kịp lan can. Chàng định chửi thề nhưng dừng lại kịp. Chính mình, những đêm về khuya, lúc hồn xác chìm đắm trong cơn say bí tỉ, cũng vẫn thường dừng lại chỗ này, gác tay lên mặt tường ngổn ngang những bộ phận sinh dục đàn ông, đàn bà được biểu thị bằng các hình vẽ vụng về hoặc bằng chữ viết, cúi đầu nhìn vòi nước tưới vào vách, chạy ngoằn ngèo trên nền xi-măng, bò xuống từng bực cấp ra đến tận hè đường... Nhiều lần như vậy, chàng nghiệm thấy, chưa có một khoái lạc nào ngang bằng với cái giây phút thần tiên đó. Đời sống, ước mơ, tham vọng, bon chen, tị hiềm... Tất cả theo dòng nước khai nồng bốc men tuôn ra, khiến thể xác, tâm hồn chợt nhẹ tênh bay bổng, kể cả đoạn đời tám năm khó nhọc mải mê tìm kiếm chút hư danh cũng trở nên vô nghĩa đến tội nghiệp.
121
Tám năm! Kể từ lúc bước chân ra khỏi nhà, Hoan đã mang theo trong lòng một núi hoài bão. Những cuốn sách đã đọc; những tinh hoa của tư tưởng, của văn chương; những giai thoại về nếp sống khoáng đạt, bất cần, ngông nghênh của các tiền bối, đã như chất ma túy ăn sâu trong tủy máu. Hoan hăng say sáng tác, Hoan tự tin ở khả năng thiên phú của mình... Rồi sẽ có lúc mình nổi tiếng, tên tuổi sẽ được nhắc đến, tác phẩm sẽ lưu danh kim cổ... Ngày tháng qua đi, Hoan cố phấn đấu để bò dần từ một anh thầy cò lên ký giả hạng B, rồi C, rồi tác phẩm đầu tay... Hoan nghĩ, nó sẽ như một trái “bom”, nổ tung tóe trên chiến trường chữ nghĩa. Nhưng chờ mãi, trái “bom” tịt ngòi, rơi hẫng vào lãng quên. Như thế, đã tám năm! Chẳng có gì hết, chẳng là cái gì hết. Cuộc đời vẫn chảy xuôi lạnh lùng, Hoan đang bước vào tuổi trung niên. Có trễ quá chăng khi cho đến lúc này Hoan mới vỡ ra cái sự thật buồn bã này: Văn chương, thi ca, nghệ thuật sẽ chỉ là những thứ áo giấy trang sức rẻ tiền, nếu kẻ tạo ra nó chưa thể hủy diệt được cái tôi kệch cỡm của chính mình.
Xuống đến đường, mũi Hoan tràn ngập mùi thơm của nước lèo tỏa ra từ chiếc xe phở chỗ góc tường ngân hàng Việt-nam Thương tín, cạnh tòa cao ốc. Lão chủ vừa nhìn thấy Hoan đã vội cười rất tươi.
“Thầy nhà văn làm tô phở cho ấm bụng.”
Không nửa xu dính túi. Hoan định lắc đầu. Nhưng bụng chàng bỗng sôi ùng ục. Một đêm thức khuya, thêm trận làm tình chí chát. Hoan đói cồn cào. Chàng đánh liều ngồi xuống chiếc ghế đẩu.
“Năm nay thầy nhà văn không về thăm nhà?”
“À... À... Chưa biết.”
“Con gái tui đọc truyện của thầy, mê lắm. Nó bảo hôm nào thầy ra sách mới cho nó một quyển có chữ ký mần kỷ niệm.”
“Có phải cái cô để tóc thề, người thâm thấp, vẫn thường giúp ông bưng phở?”
“Dạ, con gái đầu của tôi đấy.”
Hoan ngao ngán. Thói thường, mấy cô mê văn chương chữ nghĩa đều... chán mớ đời. Điển hình như cô con gái ông hàng phở. Người ngợm như chị nạ dòng, thấp lủn đủn, mặt đầy mụn, chân tay u nần cục mịch, mắt liếc ngang liếc dọc trông vừa dâm vừa gian chịu không thấu. Tuy nhiên, để lấy lòng khổ chủ, Hoan cố vén môi cười thật tươi.
“Nhất định có sách mới tôi sẽ tặng cô ấy một bản quý. À, sao hôm nay không thấy cô ấy?”
“Dạ, ba mươi tết rồi, con nhỏ ở nhà phụ mẹ thu vén nhà cửa.”
Ông hàng phở đẩy đến trước mặt Hoan tô phở bốc khói nghi ngút. Chàng cúi xuống, vừa ăn vừa lo. Ăn xong, phải nói với lão chủ thế nào đây? Dù gì, mình cũng là “thầy nhà văn”, chẳng lẽ năm cùng tháng tận lại đi ký sổ? Nhưng liệu còn cách nào khác nữa không?
Hoan vớt hết những sợi phở cuối cùng, húp thêm lưng tô nước lèo, rồi đẩy cái bát ra xa. Chàng đứng lên, cố bình thản đưa tay rút cây tăm ngậm miệng, vòng tay ra sau móc bóp. Dù những ngón tay đã chạm vào lớp da mềm của chiếc bóp nhưng Hoan vẫn bật kêu.
“Ô, cái bóp. Đâu rồi nhỉ?”
“Thầy có bỏ quên trên phòng không?”
“Chẳng biết, tối qua đi nhảy về tôi hơi say. Để tôi lên xem lại. Lát nữa xuống thanh toán nhé?”
“Dạ, không sao thầy nhà văn.”
“Nhỡ mất thật, năm hết tết đến, thiếu nợ coi soi đặng. Ngân hàng cũng đã đóng cửa phải chờ qua mùng ba mới rút tiền được. Thế này thì phiền quá.”
“Có là bao, thầy nhà văn. Tui cũng chẳng kiêng cữ đâu, bao giờ thầy cho cũng được.”
“Để tôi lên tìm cái bóp.”
“Dạ, thầy lên. Mong thầy đừng gặp xui. Tiền bạc chẳng kể, mất hết giấy tờ phiền phức mất công lắm.”
Hoan thở phào nhẹ nhõm. Chàng trở về phòng, để nguyên quần áo nằm dài ra giường. Buổi sáng coi như tạm ổn. Còn trưa nay, chiều nay, và những ngày kế tiếp? Quả là xui tận mạng. Tiên sư cha con đượi. Khốn kiếp. Hoan lại văng tục, giận dữ.

Khánh Trường

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong quá trình nhiều thập niên giảng dạy võ học và võ thuật, chúng tôi có sưu khảo, nghiên cứu nhiều môn võ Á châu và Thế giới để tìm hiểu, so sánh, chắt lọc tinh hoa nhằm nâng cao, canh tân cải tiến và hiện đại hóa một số kỹ năng võ thuật Việt Nam cho kịp đà tiến triển của võ học thế giới.
Nhiều người đã từng sống ở Miền Nam trước 1975 đồng ý với nhau rằng, chỉ cần nghe bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là đã thấy tết đến, xuân về.
Đã có những niềm tin rồi không màng nói đến Lặng thinh môi thở khô cằn
Tôi còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt.
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Truyện đăng trên tờ Sáng Tạo, số báo xuân Mậu Tuất 1958 đúng 60 năm trước.
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Bài thơ xuôi này được sáng tác trong lớp học làm thơ tài trợ bởi học bổng cộng đồng Jenny McKean Moore của đại học George Washington, Hoa Thịnh Đốn. Tôi nộp đơn và may mắn được tuyển chọn vào lớp này cùng với 14 thí sinh khác.
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời.
tôi cười, nói đùa, nhíu mày làm trò nghịch nhưng chợt vấp khi nhìn thấy biên giới
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.