Hôm nay,  

Nhạc Xuân

25/04/201800:05:00(Xem: 6600)

ly ruou mung

Nhiều người đã từng sống ở Miền Nam trước 1975 đồng ý với nhau rằng, chỉ cần nghe bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là đã thấy tết đến, xuân về.

Vào trước 1975, có nhiều phiên bản của ca khúc bất tử này, trên các chương trình băng, đĩa nhạc. Nhưng hầu hết đều có một chung một cách mở đầu: tiếng múa lân, tiếng pháo tết, tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ. Rồi đến câu nhạc intro không thể thiếu: “fá đồ đồ đồ, rê là là là, đô sòl sòl sòl…”. Rồi những lời ca cất lên: “ Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi, Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi…”. Những âm thanh đó, theo trình tự đó, đã khắc sâu trong lòng người.

Sau 1975, tôi mới có dịp tự mình thưởng thức lại đầy đủ những âm thanh đó, cũng theo đúng trình tự như vậy, nhưng ngay ở ngoài đời, chứ không phải từ băng đĩa. Số là vào khoảng cuối thập niên 1970s, tôi có một nhóm bạn yêu văn nghệ, quyết không chịu hát những bài nhạc cách mạng, thường xuyên tụ họp tại nhà tôi để hát “nhạc vàng”. Chúng tôi giữ được một truyền thống trong nhiều năm trời: hát Ly Rượu Mừng vào buổi họp mặt đầu năm ngay đêm giao thừa. Trong con hẻm nhà có ngôi chùa Cao Đài. Vào đúng thời khắc giao thừa, chùa bắt đầu đổ chuông trống. Cũng vào lúc đó, pháo giao thừa bắt đầu nổ vang lừng khắp nơi. Hòa theo tiếng pháo gần xa, Chúng tôi tự đốt một phong pháo dài cả vài thước trước cửa nhà, cạnh mâm cúng giao thừa vẫn còn hương khói trang nghiêm. Tiếng pháo vừa dứt, chúng tôi cùng tiếng đàn guitar-piano hát bài Ly Rượu Mừng, và rồi cùng nâng ly để chào mừng một năm mới. Một năm mới bắt đầu bằng những thanh âm trang nghiêm, tưng bừng, tràn đầy âm nhạc. Những mùa xuân bắt đầu bằng ca khúc Ly Rượu Mừng như vậy không bao giờ có thể phai nhòa trong ký ức.

Chúng tôi đã hát Ly Rượu Mừng đúng theo cách như vậy phải đến hơn 20 năm. Truyền thống này chỉ dừng lại khi hầu hết thành viên trong nhóm đều đã lần lượt rời Việt Nam, sang sống ở trời Âu, Mỹ, Úc… 

Tôi còn nhớ trong một buổi hát nhạc xuân đầu năm vào thuở ấy, có một người em họ từ ngoài Bắc vào chơi. Anh chàng này là dân tốt nghiệp piano ở nhạc Viện Hà Nội, nên nhạc lý, kiến thức về nhạc cổ điển rất vững. Tôi giải thích với cậu em lý do mình không hát nhạc “xuân cách mạng” là vì chúng không có giá trị về mặt nghệ thuật. Những bài nhạc xuân của Miền Nam hay hơn, có ý nghĩa hơn nhiều lần. Nhưng người em nói lại rằng tôi thích hát nhạc Miền Nam chỉ là vì những kỷ niệm gắn bó với những bài nhạc này. Chứ bản thân anh ta nghe những bài nhạc Miền Nam, thì không thấy có gì là đặc sắc hơn, nếu xét về khía cạnh âm nhạc thuần túy.

Hồi đó, tôi không tranh cãi về vấn đề này. Một phần vì nể “thằng em dân nhạc viện”, tôi cũng tạm thời chấp nhận là mình thích nhạc xuân Miền Nam là vì kỷ niệm. Có thể người Miền Bắc cũng chỉ thích những bài nhạc “xuân cách mạng”, với cùng một lý do trên.

Sau này, tôi mới nhận ra thực tế không phải như vậy. Ở Việt Nam khoảng từ cuối thập niên 80s, khi bắt đầu có tự do hơn một chút, khi bắt đầu có nhiều nguồn băng đĩa nhạc gởi về từ hải ngoại, thì nhiều người từ Bắc vô Nam đều chuyển sang nghe lại nhạc vàng, cả phiên bản trước và sau 1975. Nhạc xuân cũng vậy. Những ca khúc xuân cách mạng nổi đình đám một thời như “Mùa Xuân Trên TPHCM” với câu hát để đời “…vui, sao nước mắt lại trào…?!” chẳng ai còn buồn nhớ đến. Thay vào đó, Xuân Này Con Không Về, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Đón Xuân, Đồn Vắng Chiều Xuân… được nghe chui, hát chui khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê ở Việt Nam. Bản thân tôi cũng đã nghe đủ nhiều, sống đủ lâu để có thể mạnh dạn kết luận rằng, nhạc xuân Miền Nam là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thực sự, chứ không phải thuần túy chỉ là “giá trị cảm tính” như người em miền Bắc đã nhận xét.

Không phải tự nhiên mà Ly Rượu Mừng trở thành ca khúc xuân nổi tiếng nhất của Miền Nam, trong hàng trăm bài nhạc xuân đã được phổ biến. Một ca khúc được cấu thành bởi giai điệu, tiết tấu và lời ca. Ly Rượu Mừng được viết theo tiết tấu Valse, nhộn nhịp như một ngày hội. Giai điệu vui, hân hoan, với câu điệp khúc lên cao vút, lập lại nhiều lần, như là lời kêu gọi mọi người cùng nâng ly đón mừng mùa xuân:

“…Á a a à… Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á a a à… Muôn lòng xao xuyến duyên đời”

Nhưng độc đáo nhất vẫn là lời ca. Viết từ năm 1952, Ly Rượu Mừng đã trở thành một lời chúc xuân đầy đủ, mẫu mực cho nhiều bài hát xuân sau này hướng tới. Trong ngày đầu năm, Phạm Đình Chương chúc “anh nông phu vui lúa thơm hơi”, chúc “người thương gia lợi tức”, chúc “người công nhân ấm no…”. Trong một quê hương vẫn con chinh chiến khói lửa, người nhạc sĩ nhớ đến người lính. Ông “…chúc người binh sĩ lên đàng chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành…”. Ông không quên bà mẹ chiến sĩ, và gởi lời “… chúc bà một sớm quê hương, bước con về hòa nỗi yêu thương”. Rồi đến những đôi uyên ương yêu nhau mùa xuân, đến những người nghệ sĩ, chúc có thêm “tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời mới”. Ông gởi Việt Nam “…lời chúc thiêng liêng, chúc non sông hòa bình…”. Và sau những lời chúc tràn đầy hy vọng cho một tương lai tương sáng, trong đoạn cuối, bài hát chậm lại, trang nghiêm như lời cung chúc tân xuân, trước khi vỡ òa trong niềm vui vô tận: “…Ước mơ hạnh phúc nơi nơi, Hương thanh bình dâng… phơi… phới…”. Nhịp điệu đoạn kết giống như nhịp chuông chùa, nhà thờ, ban đầu đổ chậm, rồi ngân vang rộn rã trong đêm giao thừa. Thật là tuyệt diệu! Có lẽ sẽ còn rất lâu mới có một bài nhạc xuân toàn diện hơn như vậy!

Cùng tác giả Phạm Đình Chương, ca khúc Đón Xuân cũng là một ca khúc xuân rất phổ biến, có lẽ chỉ chịu thua kém Ly Rượu Mừng. Nếu Ly Rượu Mừng là một lời chúc xuân hoàn chỉnh, thì Đón Xuân là một bức tranh vẽ phong cảnh đặc trưng cho những mùa xuân Miền Nam. Những ai đã từng đón những cái Tết ở Miền Nam đều nhớ nét đặc thù của đất trời mỗi độ xuân về. Đó là nắng xuân, gió xuân. Xuân đến với bầu trời xanh biếc. Với tiếng chim ca. Với con bướm lượn. Trong nhịp điệu Swing rộn ràng, Phạm Đình Chương tả lại mùa xuân với những câu hát:

“Xuân đã đến rồi,
reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh,
muôn loài chim hát vang mọi nơi…
…Kìa trong vạt nắng
Mạch Xuân tràn dâng
Khóm hoa nhẹ rung,
môi cười thẹn thùng cùng bao nguồn sống


Bướm say duyên lành
Thắm tô trời xanh
Bầy chim tung cánh, hát vui đón mừng mùa nắng tươi lan
Ta nghe gió về đang thiết tha như muôn tiếng đàn…”

Chỉ trong có vài câu ca, mà cả một mùa xuân đến với đất trời đã được miêu tả một cách tượng hình, tượng thanh, sống động. Nghệ thuật bất tử là như vậy đó!

Với Ly Rượu Mừng, nhạc xuân là lời chúc xuân. Với Đón Xuân, nhạc xuân bức tranh vẽ cảnh trời đất vào xuân. Cũng có những bản nhạc xuân là nỗi niềm tâm sự của người nghệ sĩ khi xuân về. Viết vào năm 1953, ca khúc Xuân Thì của nhạc sĩ Phạm Duy là một áng thơ, là những giai điệu tuyệt đẹp để diễn tả niềm khát vọng về một mùa xuân hòa bình cho quê hương khói lửa. Xuân Thì không rộn ràng như những ca khúc xuân khác, mà chậm rãi, man mác buồn trong nhịp điệu Boston và cung Mi Thứ. Có lẽ tác giả muốn diễn tả tâm trạng của con người trong một mùa xuân vừa tạm ngừng chinh chiến, lúc mà hòa bình chỉ là niềm hy vọng vừa mới chớm nở:

“Tình Xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời
Ngày Xuân con én đưa thoi
Có người nhớ tới những lời yêu mến nhau…“

Giai điệu như bừng sáng trong những đoạn chuyển sang Mi Trưởng. Tuy thanh bình, nhưng vẫn còn vương vấn những nỗi sầu của một quá khứ chiến tranh dài:

“Xa xa có tiếng kinh cầu
Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông
Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương…”

Câu hát đã trở thành bất tử trong Xuân Thì chính là niềm mơ ước của Phạm Duy, mong hòa bình trở lại ngay trên đầu súng, trên những con đường vẫn còn in dấu chiến xa:

“Và thương cây súng cây đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa… “

Nói đến xuân Miền Nam là nói đến những mùa xuân chinh chiến. Mùa xuân của những người lính xa nhà. Những bài nhạc xuân Bolero viết cho chiến sĩ là những ca khúc xuân được phổ biến nhiều nhất. Lý do có lẽ là vì nhạc Bolero được viết mộc mạc, chân tình như chính người dân Miền Nam. Không màu mè, sáo ngữ, lời ca như những lời tâm tình, nên đi thẳng vào lòng người. Không ai có thể phủ nhận Xuân Này Con Không Về của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân là ca khúc xuân được nhiều người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội biết, nghe, và hát nhiều nhất, không hề thua kém Ly Rượu Mừng. Ngay cả người Miền Bắc, những người lính bộ đội sau 1975 cũng say sưa nghe và hát ca khúc này. Với giai điệu bình dị, trong tiết điệu Habanera quen thuộc của dòng nhạc Bolero, Xuân Này Con Không Về là những lời tâm sự rất chân thật của những người lính Cộng Hòa mỗi độ xuân về:

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên non
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa…”

Và những hình ảnh đã trở thành kinh điển của những mùa xuân Miền Nam thanh bình, đã được ghi lại chỉ trong vài câu ca:

“…Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng chờ trời sáng
đỏ hây hây những đôi má đào…”

Lời hát giống như một bức tranh tết được tả lại một cách sống động, tượng thanh, tượng hình. Đâu cần đến chữ nghĩa cao sang bóng bẩy, lời ca mộc mạc vẫn đi thẳng vào lòng người. Nghệ thuật đích thực không có biên giới về trình độ, giai cấp.

abstract 13
Và khi nói đến những mùa xuân, người Miền Nam không thể không nhắc đến ca khúc Xuân Miền Nam của nhạc sĩ Văn Phụng, người được mệnh danh là chàng nhạc sĩ của hạnh phúc. Nhạc của ông cũng giống như tác giả, hầu hết đều lạc quan, yêu đời. Xuân Miền Nam là một ca khúc lột tả xuất sắc không khí thanh bình, sức sống trẻ tràn đầy, và niềm lạc quan vào tương lai của Miền Nam mỗi khi xuân về. Trong điệu Rumba lả lơi, tình tứ, mùa xuân của Văn Phụng có tiếng đàn, có lời ca trong nắng, trong gió:

“Đàn ai lả lơi theo gió buông tơ vàng
Lời ai còn vương vấn mãi nghe mơ màng
Trời thắm bừng lên muôn sắc tươi huy hoàng
Tim nao nao rung nhịp mến,
lan trong hơi xuân đầm ấm, gió khơi tình thương…”

Trời đất, con người Miền Nam tràn ngập niềm vui, niềm tin vào một cuộc sống hạnh phúc. Mỗi độ xuân về, Miền Nam lại tạm quên đi những lo toan, ưu buồn của quê hương khói lửa, để cùng Chúa Xuân hy vọng vào một ngày mai tươi sáng:

“…Miền Nam! Niềm vui chan chứa đêm mơ hồ
Miền Nam! Tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ
Giờ đây, mùa xuân đang xóa tan mây mờ
Quên đi đau thương sầu nhớ
vui ca tung gieo nguồn sống
đắp xây tự do…”

Còn nhiều bài nhạc xuân trước 1975 đặc sắc lắm. Nhạc xuân đúng là một phần không thể thiếu của mùa xuân. Không có gì quá đáng khi nói nhạc xuân là những thanh âm bất tử của những mùa xuân Miền Nam. Chúng đã phát triển mãnh liệt trong 20 năm trước 1975. Đến hôm nay, đã gần nửa thế kỷ, chúng vẫn được nghe, được hát từ trong nước ra đến hải ngoại. Những người Việt ly hương, đã từng sống ở Miền Nam trước 1975, nay chỉ cần nghe lại những bài nhạc xuân, là đã thấy mùa xuân quê hương lại về, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Cách đây vài năm, ở tại Little Saigon Cali nắng ấm, chúng tôi nối lại được một truyền thống đã bỏ lại quê hương kể từ ngày sang Mỹ định cư. Vào buổi trưa Mồng Một Tết hằng năm ở tòa soạn Việt Báo, chúng tôi hòa giọng với rất đông thân hữu lại hát vang bài Ly Rượu Mừng. Cũng có mâm cúng đầu năm tỏa hương khói. Cũng có tiếng pháo đầu xuân vang lừng. Sau đó là tiếng guitar với câu dạo đầu: “fá đồ đồ đồ, rê là là là, đô sòl sòl sòl…”. Rồi lời ca cất lên: “ Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi, Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi…”. Khi câu kết “…Ước mơ hạnh phúc nơi nơi, Hương thanh bình dâng… phơi… phới…” vừa dứt, mọi người cùng nâng ly chúc mừng lẫn nhau một mùa xuân mới…

Trong khi ở trong nước, bắt đầu từ năm ngoái, nhà nước đã chính thức cho hát lại bài Ly Rượu Mừng. Lập tức, nó được nghe và hát vang khắp nơi, từ trong đĩa hát cho đến phòng trà, chương trình tivi… sau hơn 40 năm bị cấm đoán. Người trong nước nói rằng “Ly Rượu Mừng” này đã được trả tự do, trở về đoàn tụ với người dân Việt Nam. Tôi chợt nhớ đến cậu em họ Miền Bắc tốt nghiệp nhạc viện năm nào. Không biết em tôi có tham gia đàn, hát bài Ly Rượu Mừng như mọi người hay không?

Ký ức về những mùa Xuân Miền Nam nay đã vượt không gian, vượt thời gian, đã trở thành bất tử cho dù ở tại quê hương hay nơi xứ người, chỉ với một ca khúc: Ly Rượu Mừng…

Doãn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong quá trình nhiều thập niên giảng dạy võ học và võ thuật, chúng tôi có sưu khảo, nghiên cứu nhiều môn võ Á châu và Thế giới để tìm hiểu, so sánh, chắt lọc tinh hoa nhằm nâng cao, canh tân cải tiến và hiện đại hóa một số kỹ năng võ thuật Việt Nam cho kịp đà tiến triển của võ học thế giới.
Hoan đặt chiếc ly không xuống mặt bàn ngổn ngang vỏ chai.
Đã có những niềm tin rồi không màng nói đến Lặng thinh môi thở khô cằn
Tôi còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt.
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Truyện đăng trên tờ Sáng Tạo, số báo xuân Mậu Tuất 1958 đúng 60 năm trước.
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Bài thơ xuôi này được sáng tác trong lớp học làm thơ tài trợ bởi học bổng cộng đồng Jenny McKean Moore của đại học George Washington, Hoa Thịnh Đốn. Tôi nộp đơn và may mắn được tuyển chọn vào lớp này cùng với 14 thí sinh khác.
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời.
tôi cười, nói đùa, nhíu mày làm trò nghịch nhưng chợt vấp khi nhìn thấy biên giới
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.