Hôm nay,  

Thơ Đinh Từ Bích Thúy

19/04/201800:05:00(Xem: 4218)

Lời tác giả: Bài thơ xuôi này được sáng tác trong lớp học làm thơ tài trợ bởi học bổng cộng đồng Jenny McKean Moore của đại học George Washington, Hoa Thịnh Đốn. Tôi nộp đơn và may mắn được tuyển chọn vào lớp này cùng với 14 thí sinh khác. 

Từ lâu tôi vẫn muốn mạo hiểm làm thơ, vì tôi nghĩ tôi là một người viết thiên nhiều về văn xuôi và tiểu luận, nên cần phải thử nghiệm để thoát ra khuôn khổ. Tuy tôi đã dịch thơ, nhưng dịch – thay vì sáng tác - vẫn không khác đứa trẻ đi xe đạp mà vẫn cần lắp đôi bánh con đằng sau cho khỏi ngã. Người dạy lớp, cô Sally Wen Mao, một nhà thơ trẻ, tốt nghiệp MFA (thạc sĩ nghệ thuật) từ đại học Cornell, khuyến khích chúng tôi sáng tác trong bất cứ thể loại nào mà chúng tôi thấy thoải mái nhất. Trong gần bốn tháng học làm thơ, tôi vẫn chưa hoàn toàn hấp thụ những thể loại truyền thống và ngôn ngữ tình cảm của thi ca, nên những bài thơ tôi sáng tác cho lớp học vẫn thiên nhiều về tư tưởng, và có lẽ nên được tạm gọi là “thơ xuôi” hay “thơ chớp” (flash poetry). Khi sáng tác tôi liên tưởng đến những đoản văn của Julio Cortazar thời ông sống ở Paris. (Nhưng có lẽ Cortazar vẫn trữ tình, vẫn “thơ” hơn!) Bài này tôi viết bằng tiếng Anh, rồi dịch sang tiếng Việt.
Tôi nghĩ bất cứ ai có khả năng sáng tác ở ít nhất hai ngôn ngữ, sẽ luôn luôn chọn là người viết trong ngôn ngữ mà họ có thể lôi cuốn được nhiều độc giả nhất (vì không người viết nào muốn tự giới hạn mình). Người viết da màu, khi sáng tác trong Anh ngữ, cũng giống như một sứ thần làm bản tường trình cho đế quốc. Sứ thần nêu lên những quan sát từ vị trí của người du hành thiểu số, phải băng qua những biên giới và lằn ranh, vừa hiển thị vừa vô hình. Như một quái vật, người viết da màu có lẽ thường phong phú và đặc thù hơn người viết bản xứ, nhưng gánh nặng của họ là lúc nào cũng phải đóng vai trò “tường trình” và “giải nghĩa” cho số đông. (Hình như Nguyễn Ngọc Ngạn đã phát biểu rằng ông thích sáng tác trong tiếng Việt hơn tiếng Anh vì ông có thể sáng tạo cả một vũ trụ, mà không cần phải giải bày vũ trụ này cho người không cùng ngôn ngữ hay văn hóa.)
Hoa Thịnh Đốn, thủ đô nước Mỹ, cũng đầy dẫy những mâu thuẫn để làm đề tài cho văn chương và thi ca. Khi tan sở vào mùa đông, tôi luôn luôn lo sợ cho tính mạng của những người homeless nằm trùm mền tránh lạnh ở những góc hè dưới các tòa nhà nguy nga. Tôi không biết họ có thể chịu đựng qua một đêm mà nhiệt độ có thể xuống dưới 30 độ F hay không. Nhưng khó khăn nhất cho tôi là hình ảnh những bà mẹ da màu với những đứa con còn nhỏ, ngồi ăn xin trên những tấm các tông quăn queo. Họ thường mỉm cười nhẫn nại nhìn mọi người qua lại. Khi nhìn thấy họ tôi bỗng thấy lằn ranh giữa tôi – một người di dân “may mắn” và họ rất là mong manh. Khi làm bài thơ về những bà mẹ này, và con của họ, tôi cũng lo không hiểu chuyện tôi so sánh họ như tượng Pietà của Michelangelo, có phải cũng là cách giới hạn và đóng khung họ hay không?


ann phong 5


tôi không muốn gặp ánh mắt những bà mẹ nghèo


Bàn tay chìa. Tờ đô la rơi vào cốc nhựa. Nụ cười lóe sáng như đồng xu mới. “Chúc bà một ngày vui. Ơn Chúa đến với bà.” Nhưng ngày của tôi đã mất đi ánh sáng.

Tôi không muốn gặp ánh mắt những bà mẹ nghèo đi ăn xin, với con nhỏ nằm nghiêng trong lòng, trên những tấm các tông tơi tả bên hè phố, cạnh đèn néon nhấp nháy của tiệm 7-11, như tượng Pietà của Michelangelo cũng làm tôi nghĩ đến bức hình đen trắng của những năm 60, người đàn bà đội nón lá che khuất khuôn mặt và gần hết phần thân thể một đứa bé (trai hay gái), chỉ thấy đôi chân lem luốc trầy trợt (sống hay chết?) thõng dài từ vòng tay người mẹ.

Tôi không thể quên hình ảnh đó - hơn 40 năm sau cuộc di cư – dù chính bản thân không trải qua. Tôi không muốn gặp ánh mắt những bà mẹ nghèo đi ăn xin, nhất là những bà mẹ với con thơ.

Có một lần tôi trao 5 đồng đô la cho một bà mẹ Mễ với đứa con, họ ngồi bên kia đường sở làm. Thằng bé nhấp nhỏm nhưng chịu đựng. Ngày thì nóng. Góc phố như ốc đảo làn sóng bước chân người vội vã và biển lưu thông dạt dào. Tôi băng qua đường, đưa người mẹ tiền giấy, băn khoăn không biết có nên mua thức ăn fastfood cho thằng con, nhưng thôi, nghĩ tại sao lại muốn mua cho người nghèo loại thức ăn hại sức khỏe, nhưng dù sao thì vẫn ... băn khoăn.

Vào cuối ngày, sau khi đưa bà mẹ và đứa con 5 đồng đô la, trên đường tới trạm métro bỗng tôi kiếm được tờ 5 đồng khác ai đã vô tình đánh rơi trên hè phố. Tôi bỏ tiền vào ngăn bóp “cầu may” – như thể làm bùa cho thời tôi không bao giờ mong là sẽ đến. Sự ngẫu nhiên coi vẻ quá gọn gàng. Một câu chuyện mà tôi có thể kể lại như diễn từ, với thông điệp làm lành thì gặp lành, nhưng dù sao thì hình bóng người mẹ và đứa con vẫn biến mất, chỉ còn lại câu chuyện về sự may mắn của một người bố thí.

Bà mẹ nghèo và con nhỏ là hình ảnh của thời trước hay sau khi ta đã mất thiên đàng? Và tại sao tôi vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh này, cho dù tôi là kẻ được cứu rỗi? Mà tôi đã được cứu rỗi chưa, nhiều thập kỷ sau tháng ngày vượt biên và được phục sinh tại quê hương mới? Và đã được dung dưỡng rồi cũng trở thành một người mẹ? Tại sao tôi lại sợ lằn ranh giữa hạnh phúc và tiêu tán?

Tôi không thể hình dung đời sống của bà mẹ nghèo và thằng con sau khi họ rời vỉa hè cho nên cảnh tượng Pietà dù sao thì vẫn là một cảnh tượng, như hành trình không bao giờ đạt tới Đất Hứa, như bóng tối không bao giờ cất cánh để làm sáng biển cả để tạo tác nên Sáng Thế.

Kundera bảo rằng đời lưu vong nhẹ khôn kham nhưng tôi nghĩ nó là một trĩu nặng bủa vây bởi nhẹ hẫng, để giúp kẻ lưu vong nổi trôi không bị chết đuối và cũng không bao giờ dám nhìn lại.

Lưu vong là sự diễn lại liên hồi cảnh tượng Pietà trước ánh mắt hai chiều của thần Janus.


Đinh Từ Bích Thúy
Washington D.C., Tháng Chạp 2017

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong quá trình nhiều thập niên giảng dạy võ học và võ thuật, chúng tôi có sưu khảo, nghiên cứu nhiều môn võ Á châu và Thế giới để tìm hiểu, so sánh, chắt lọc tinh hoa nhằm nâng cao, canh tân cải tiến và hiện đại hóa một số kỹ năng võ thuật Việt Nam cho kịp đà tiến triển của võ học thế giới.
Hoan đặt chiếc ly không xuống mặt bàn ngổn ngang vỏ chai.
Nhiều người đã từng sống ở Miền Nam trước 1975 đồng ý với nhau rằng, chỉ cần nghe bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là đã thấy tết đến, xuân về.
Đã có những niềm tin rồi không màng nói đến Lặng thinh môi thở khô cằn
Tôi còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt.
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Truyện đăng trên tờ Sáng Tạo, số báo xuân Mậu Tuất 1958 đúng 60 năm trước.
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời.
tôi cười, nói đùa, nhíu mày làm trò nghịch nhưng chợt vấp khi nhìn thấy biên giới
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.