Hôm nay,  

Sợ Lửa

17/03/201800:05:00(Xem: 4687)
doanquocsy OK
Tết Mậu Tuất, Mừng Sinh Nhật Nhà Văn Cổ tích Doãn Quớc Sỹ 95 tuổi. 
Nhà văn sinh tại miền Bắc ngày 17 tháng Hai, 1923, nhằm đúng Mùng Hai Tết Quí Hợi. Từ tác phẩm đầu tay là tập truyện cổ tích Sợ Lửa, Saigon 1958, tới trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau trước 1975, Doãn Quốc Sỹ là tác giả hàng đầu của văn chương Việt Nam. Với nhà văn bước ra từ cổ tích của chúng ta, 14 năm tù cộng sản chỉ là chuyện ruồi bu. Trân trọng mừng sinh nhật nhà văn, mời đọc lại cổ tích viết 60 năm trước.(Bản vẽ Đinh Cường 1974.)


Xưa ở một nước trên bờ biển thuộc miền Tiểu Á-Tế Á có dòng vua Na-Han. Dòng vua này gồm những vị anh quân biết thương yêu dân như con và những vị đại thần giúp vua đều hiểu nguyên lý muôn thuở của cổ nhân “tài tụ thì dân tán, tài tán thì dân tụ” nên họ sống rất thanh bạch, xử với dân rất công minh. Khắp các hang cùng ngõ hẻm đều vang những câu ca thốt tự lòng dân.

Tới vua Na-Han đệ Tam lên ngôi cửu ngũ thì có lời sấm tiên tri nhà Vua sẽ chết vì thủy nạn. Khi đó ngài trị vì đã được 14 năm.

Một hôm, Ngài cùng quần thần vào rừng đi săn. Ngài mải đuổi một con hươu nên tay chân hôm đó bị nhiều vết xước rớm máu.

Trên đường về, khi con ngựa của đức Vua tới giữa giòng suối không hiểu sao nó bỗng chồm lên hắt Vua ngã xuống. Quãng suối này nông, lại không phải mùa nước nên nhà Vua chỉ bị ướt và trở về vô sự. Nhà Vua không ngờ hai bên bờ suối vào mùa đó có một thứ dã thảo nở hoa rất nhiều và rụng xuống dòng suối chảy lặng lờ, tiết ra nước một chất độc giết người. Ngay tối hôm đó, những chỗ xước máu vì thấm nước đều sưng vù lên. Tới ngày thứ ba, nhà Vua bị cấm khẩu và băng hà. Cả triều thần đều cho là lời sấm đã thực hiện đúng.

Vua Na-Han đệ Tứ - khi đó mới lên năm - lên nối ngôi và lời sấm dạy: “Nếu không cẩn thận, Ngài có thể chết về hỏa hoạn.”

Hoàng Thái hậu chỉ định một vị lão thần ra giữ quyền phụ chính và tức khắc triệu tập các quan trong triều tới họp đông đủ tại điện chính để lậpmột kế hoạch hết sức thận trọng ngõ hầu tránh cho đức Vua mọi rủi ro suốt đời Ngài trị vì. Toàn thể triều đình đồng ý giữ kín việc này không để cho dân gian bên ngoài biết.

Nhà Vua ở một cung điện riêng, tại đó tuyệt đối không ai được dùng lửa. Căn phòng Vua ở trên từng cao nhất. Mái điện có từng khoảng lớn lợp bằng pha lê để ban đêm lấy ánh sáng của trăng sao. Các tường xung quanh điện, nhất là những phòng người ở, có những phiến pha lê lớn. Ánh lửa từ những căn nhà hầm tứ phía chiếu hắt lên do một hệ thống gương đặt cái nọ phản chiếu cái kia rồi đem ánh sáng len qua những bức tường đó. Ánh sáng phản chiếu lên như vậy tuy dịu mà vẫn đủ sáng để nhà Vua đọc sách. Khi ánh lửa được lệnh tắt đi, Vua lặng ngắm ánh sáng lờ mờ của trăng sao trên mái cao. Đức Vua có thể sai thị vệ kéo bức nỉ đen trên ngang mái để không còn chút ánh sáng nào trong phòng, nếu Ngài muốn.

Tuy nước Vua Na-Han trị vì chịu đậm đà ảnh hưởng nền văn minh Hy Lạp ở bên kia bờ biển Ê-Giê, nghĩa là ai nấy rất kính trọng thần Lửa và không một ai là không biết những thần thoại có liên quan đến lửa, song vị đại thần được cử giữ quyền phụ chính đã chu đáo cử một vị lão thần văn quan phụ trách việc giáo dục Ấu Vương, soạn riêng một cuốn sách trong đó Lửa chỉ là một hung thần có sức phá hoại ghê-gớm. Những biến cố lớn về hỏa hoạn mà nhân loại đã phải chịu đều có ghi rõ ngày, tháng, năm. Nào những trận núi lửa phun đã có lần vùi lấp cả một kinh thành lớn dưới làn tro bụi; nào có những bạo chúa đã thiêu trụi cả kinh thành trong biển lửa; nào những trận hỏa công lớn đã thiêu sống hàng vạn quân sĩ cùng các vị tướng soái…

Các kinh sách để Nhà Vua nhàn lãm có đủ các loại ngoại trừ những loại nào trong đó có đoạn - dù chỉ một đoạn nhỏ - ca tụng Lửa.

Thoạt tiên Vua Na-Han đệ Tứ lớn lên trong sự hãi hùng thường xuyên về những tai họa của Lửa.

Nhưng, tuổi càng lớn, trí tò mò càng mạnh thì Lửa lại biến thành một khát vọng, một ám ảnh mà Nhà Vua mong được tới gần.

Một hôm, nhà Vua đọc tới một trang thần thoại kể chuyện thần Phổ Mễ Tệ lấy đất nặn người rồi ăn cắp lửa thiêng của Thượng Đế thổi vào khiến người đất thành người thật và từ đó Phổ Mễ Tệ được ca tụng như một phúc thần đã mang nguồn văn minh lại cho nhân loại. Câu chuyện này làm Nhà Vua bâng khuâng suy nghĩ: “Lửa thiêng đem lại nguồn sống cho đời, đem lại nguồn sồng cho hồn, vậy mà Nhà Vua được quần thần giữ gìn để suốt đời không được gần lửa!

Chao ôi! Cuộc đời tẻ lạnh làm sao! Cả đời chìm đắm trong một “mùa đông vĩnh viễn.”

Nhà Vua càng khao khát gần lửa!

Song những nơi có lửa đều có ngự lâm quân canh gác, khi Nhà Vua tới thì ai là kẻ chỉ huy có nhiệm vụ ra quỳ trước Vua cúi đầu xuống, hai tay dâng lên một chiếc đũa vàng có đính một viên ngọc bích. Đó là dấu hiệu báo để Nhà Vua biết nơi đó có lửa cần xa lánh.

Tuy khao khát sống gần lửa, khao khát biết thế lực của lửa nhưng trước những lễ nghi đó, Nhà Vua không biết làm gì hơn là lặng lẽ quay đi lối khác.

Chẳng bao lâu Vua Na-Han đệ Tứ đã tới tuổi trực tiếp nắm quyền bính không cần phải chức phụ chính. Rồi Hoàng Thái hậu thân chinh tuyển lựa Hoàng hậu, cùng năm người cung phi cho Hoàng đế. người được kén làm Hoàng hậu lại chính là ái nữ vị đại thần vừa giữ quyền phụ chính. Nàng vốn đã từng thầm yêu trộm nhớ Đức Vua từ lâu. Nay giấc mộng chung chăn gối với quân vương đã thành, trong tòa biệt điện nguy nga nhưng âm thầm tẻ lạnh, nàng tìm hết cách làm đẹp lòng Vua.

Thấy đôi mắt Vua luôn đượm một vẻ buồn xa xôi, đôi mắt thường nhìn đắm đuối vào không gian như thèm khát một cái gì, nàng đã tưởng rằng cũng giữ cho vẻ đời mình thầm lặng như vậy để hòa đồng là thượng sách.

Ngoài những hoa quả cùng bánh trái đủ loại là những thứ lúc nào cũng có sẵn trong nơi Vua ở, còn ba bữa ăn chính của Vua và Hoàng hậu đều do một viên thái giám phụ trách cho chuyển từ xa lại: nhà bếp không được gần nơi Vua ở, điều đó là lẽ dĩ nhiên.

Tuy nhiên, năm người cung phi tới bữa ăn vẫn được phép rời tòa biệt điện để sang cung Nhân Minh dùng cơm cùng với tất cả các cung nữ hầu cận Hoàng Thái hậu.

Đã một năm qua những cung phi mơn-mởn đó chưa hề được Nhà Vua vời tới. Có lẽ cuộc sống xa lửa đã làm tắt nguồn lửa thiêng đáng lẽ phải đương thời nồng đượm ở vị anh quân trẻ tuổi đó rồi chăng?

Rồi Ngài để suốt một năm trường đi kinh lý hết vùng này vùng nọ khắp nước. Tới đâu dân chúng đều được triều đình cấp báo trước, phải dập tắt lửa và làm đồ ăn nguội đủ trữ ba ngày.

Ngày Vua trở về biệt điện, Ngài hạ chỉ xá thuếmột năm. Vị lão thần phụ trách việc giáo huấn khi xưa đã tạ thế, một vị khác được cử thay.

Một buổi tối, vị lão thần đó được phép ngồi uống rượu cùng Đức Vua ngoài sân điện.

Ngẩng nhìn muôn ngàn vì sao lấp lánh như những hạt kim cương vô giá trên vòm cao, Nhà Vua hỏi:

- Theo ý khanh những vì sao kia là gì?

- Muôn tâu bệ hạ-vị lão thần cung kính đáp-đó cũng là những khối lửa quay trong không trung.

- Những khối lửa? Những khối lửa nguy hiểm?

Làm sao những khối lửa ấy có thể đẹp đến nhường kia?

- Muôn tâu bệ hạ, cái gì trông xa mà chẳng đẹp!

Đức Vua bỗng mỉm cười chua chát:

- Có lẽ cuộc đời của ta, trăm họ ở xa trông cũng tưởng là đẹp lắm.

- Muôn tâu bệ hạ, Ngài là bậc minh quân, từ ngày Ngài trị vì, trăm họ tiếp tục được sống trong cảnh thanh bình, yên vui, mùa màng tốt, thuế má nhẹ, từ đứa con nít ở chốn hang cùng ngõ hẻm cũng biết ca ngợi công ơn Ngài.

Đức Vua lắc đầu:

- Sao đời ta vẫn lạnh lẽo. Ta ao ước biến thành khối lửa vần vụ trong trời để các người đứng cách xa ta dưới này thấy ta cười lấp lánh trên cao.

Vị lão thần tỏ vẻ hốt hoảng:

- Cúi mong anh hồn các vị tiên đế che chở bệ hạ. Có lẽ đâu Ngài lại ước thành lửa là điều tối kỵ đến sinh mệnh Ngài.


Lời nói đó đến tai Hoàng Thái hậu. Khi đó người đương nằm trên giường bệnh: vì tuổi tác quá cao, nay tay chân người hầu như bị tê liệt. người thấy con thốt lời nói gở càng thêm phần lo sợ, bệnh tình tăng lên gấp bội và hai ngày sau người đã ra người thiên cổ. Lúc lâm chung người còn cố dặn các lão thần phải hết sức gìn giữ để tránh mọi tai hại cho Đức Vua.

Hinh voi Nha-Tu
Từ trái, Doãn Quốc Sỹ, Trần Dạ Từ và Nhã Ca.



Từ khi Mẫu hậu qua đời, Nhà Vua càng thấy cuộc đời ảm đạm. Sự ảm đạm ấy chỉ có Hoàng hậu hiền dịu bên Vua kia có thể sưởi ấm được. SongHoàng hậu vẫn giữ định kiến sai lầm cũ: Để tỏ lòng quý mến của mình với Vua, Hoàng hậu tự thấy có bổn phận phải kính trọng sự trầm lặng đó như một cái gì thiêng liêng bất biến.

Về phần Nhà Vua, ngày nay giở lại trang sách cũ nói về những thảm họa do thần Lửa gây nên, Ngài thấy lời văn ngô nghê kệch cỡm làm sao! Bất giác Ngài gập cuốn sách, quẳng vào chỗ cũ và nguyện sẽ không bao giờ đọc tới những dòng mà Ngài cho là điêu ngoa ấy nữa.

Một buổi tối, khi ánh phản quang đã chiếu sáng tòa biệt điện, Ngài xuống vườn đi thơ thẩn quanh hồ bán nguyệt lặng ngắm những vì sao in bóng dưới đáy hồ và tự hỏi: “Phải chăng nguyên lý của vũ-trụ là lửa ? Nguyên lý của sự sống là lửa?”

Và trong thâm tâm Nhà Vua, lửa thực với lửa tượng trưng hầu như hòa làm một.

Khi Ngài trở vào thì vừa gặp lúc năm cung phi ríu rít ở cung Nhân Minh về.

Không khí tưng bừng đầy sinh khí vụt tắt hẳn khi bọn họ nhận thấy Đức Vua. Họ quỳ rạp xuống chào Ngài. Bầu không khí yên tĩnh một cách thê lương. Ngài ra hiệu cho phép họ đứng dậy trở về phòng. Họ cúi rạp chào Ngài một lần nữa rồi vội vã nhưng lặng lẽ đi vào lâu đài. Người cung nữ đi sau cùng bỗng vấp phải chiếc cột đá trước cửa vào có khắc nổi hình vị thần linh canh giữ lâu đài. Chiếc hài xinh văng ra xa rồi lăn xuống mấy bậc.

Đức Vua đi lên, người cung nữ e dè lặng lẽ đi xuống. Nhìn thân hình uyển chuyển dưới làn sóng xanh của lụa áo, nhìn khuôn mặt hoa như được đóng khung trên mớ tóc óng chuốt như mây một sớm bình minh. Ngài thấy người cung phi có vẻ đẹp thần tượng.

Cảm thấy xao động đến tận sâu xa của cõi lòng, Nhà Vua tiến về phía cung phi trong khi nàng đứng nguyên chưa dám cúi xuống nhặt chiếc hài.

Đức Vua âu yếm nói:

- Khanh hãy đưa ta tới phòng khanh.

Một tia sáng vui mừng thoáng hiện trong khóemắt người đẹp, tia sáng mà Đức Vua không bao giờ được nhìn thấy ở khóe mắt Hoàng hậu, tia sáng ấy chỉ vụt qua, thế mà đã đồng thời nhóm lên trong lòng Vua một nguồn sinh khí mới lạ ấm áp làm sao.

Khi đã vào tới phòng, Đức Vua hỏi nàng:

- Ban nãy các khanh ở cung Nhân Minh về vui vẻ lắm nhỉ ?

- Muôn tâu Thánh thượng, sau những buổi ăn tối về, thần đẳng vẫn vui như vậy.

- Vì sao thế khanh?

- Dạ, muôn tâu vì trong bữa ăn tối thần đẳng thường nhóm lửa giữa phòng để sau đó sẽ biến thành cuộc họp vui, cùng nắm tay nhau vừa nhảy vừa hát quanh lửa.

- Đó là tục ở trong cung như vậy ?

- Muôn tâu, không riêng gì trong cung mà ngoài các thần dân cũng vậy, và trong các cuộc vui ấy chỉ những người con gái đồng trinh giữ đền là không được dự.

- Khanh nói rõ cho ta biết về những cô gái đồng trinh giữ đền.

- Muôn tâu, riêng ở kinh đô này có tới mười đền thờ lửa, còn ở các vùng khác trong nước, phàm nơi nào dân chúng tụ họp thành làng là dựng một ngôi đền và cử mười cô gái đồng trinh túc trực ngày đêm giữ cho lửa không bao giờ tắt gọi là những cô đồng. Kẻ nào đến phiên mình mà để lửa tắt sẽ bị chôn sống. Chính thần thiếp trước khi được tuyển vào đây đã từng cùng chín chị em khác giữ trọng trách đó. Nhờ thần thiếp mà một tên tử tù đã được tha bổng.

- Khanh kể rõ chuyện đó cho ta nghe.

- Hôm đó, tên tử tù bị giải tới pháp trường.

Hồng phúc nhà y hẳn còn vượng lắm nên Trời Phật run rủi khi đi tới nửa đường thì gặp thần thiếp.

Chiếu theo luật cũ như bệ hạ đã rõ - sự thực, riêng về việc này Đức Vua có rõ gì đâu - khi tử tù được gặp cô đồng giữa đường như vậy thì được ân xá. Người cung phi ngây thơ đã không được huấn luyện kỹ càng cho lắm trước khi vào đây để biết những điều nào nên nói, điều nào cần tránh, nên vô tình đã hé cho Nhà Vua thấy những tục lệ trong chính nước Vua trị vì.

Thì ra, ngoài những tai họa do lửa gây nên cònbiết bao cái cao quý mà lửa đã đem lại. Đêm hôm đó nguồn sinh lực mới mà nhà vua thấy nhóm lên trong lòng càng như nồng đượm thêm lên, và nàng cung phi đầu mày cuối mặt tình tứ trong tay Vua như một khối lửa ấm nồng hậu khiến nhà Vua cảm thấy như chính mình mới là người chịu ân sủng.

Ngày hôm sau mặt rồng hớn hở, Ngài họp quần thần và tuyên bố sẽ vi hành quanh kinh đô ngay chiều đó.

Quyết định của nhà Vua tuy bất ngờ cũng đủ để vị đại thần coi bộ Hộ truyền lệnh tức khắc cho khắp kinh thành không một nhà nào được giữ lửatrong bếp; lập tức mọi nhà phải trữ thức ăn lạnh trong ba ngày, và đêm đến mỗi nhà chỉ được thắpmột ngọn đèn lồng nhỏ. Những đền thờ lửa trong kinh thành đã được các đoàn ngự lâm quân tới canh giữ, mỗi vị chỉ huy mang theo chiếc đũa vàng có đính viên ngọc bích.

Các thần dân Vua gặp đều vui tươi hớn hở, nhưng Vua biết rằng những đôi mắt sáng, những khuôn mặt tươi kia là dư ảnh của một cuộc đời tưng bừng luôn luôn được sống bên lửa. Nhà Vua cảm thấy rõ rằng nếu tình trạng giam giữ phải ăn lạnh và sống xa lửa này kéo dài trong một thời gian nữa hẳn bộ mặt của kinh thành sẽ khác hẳn. Đến ngày thứ ba, cuộc vi hành lạnh lẽo đó không còn chút gì là hào hứng nữa. Đêm hôm đó khi ra đi, Nhà Vua cho phép người cung nữ theo mình đến bờ con sông chảy qua kinh thành, Vua cùng cung phi dừng lại.

Nhà Vua chán nản nhìn kinh thành bị làn sươngdày bao phủ, đây đó hiu hắt những điểm sáng nhỏ.

Chợt đằng xa, tít đằng xa bên kia sông, một điểm lửa bừng sáng, điểm lửa loang dần theo chiều cao thoạt ngoằn ngoèo như con rắn lửa, phút chốc lan dài thành một đường lửa tưởng chừng có tới hàng vạn con người đương đi lên núi, mỗi người cầm một bó đuốc lớn.

Nhà Vua hỏi cung-phi:

- Thực là đẹp. Khanh có biết vì sao thế không?

- Muôn tâu Thánh thượng, đó là khu rừng núi Tây Ninh. Có lẽ cháy rừng!

- Lửa cháy như vậy thiệt hại lắm thì phải.

- Muôn tâu Thánh thượng, trái lại có lợi nhiều.

Những tàn tro rơi xuống làm khoảng cháy thêm mầu. Việc đốt rừng như vậy thường do chính dân chủ trương để làm mầu gieo giống.

Chợt gió đổi chiều, mây từ phía biển ùa tới, mưa rơi nặng hạt, phút chốc cả vũ trụ như bị chìm đắm trong màn nước trắng đục mênh mông. Ánh lửa huy hoàng của đám cháy rừng chỉ còn để lại nơi võng mạc Nhà Vua một ấn tượng mơ hồ. Bóng một con thuyền xuôi nhanh như vội vã, mang theo ánh lửa nhỏ phản chiếu xuống dòng sông thành một vệt sáng dài chập chờn lay động vì mưa rơi, rồi phút chốc khuất hẳn. Lửa trong không gian như vụt tắt cả. Nép gọn trong tay Vua giờ phút này chỉ còn người cung phi, một khối lửa nhỏ thân yêu làm sao, nồng ấm làm sao!

Sau lần vi hành, trở về cung, Nhà Vua bị cảmlạnh. Trong cơn mê sảng, Nhà Vua luôn miệng nhắc đến lửa. Một lần Nhà Vua cất tiếng cười sảng khoái, chỉ về phía trước mặt nói lớn:

- Kìa các người trông ánh lửa đẹp biết là nhường nào. Thực là một biển lửa, một biển hào quang. Aha vũ trụ xém cong vì lửa.

Sang ngày thứ ba thì sức kiệt, Nhà Vua trở lại trạng thái bình thường, Ngài nhìn Hoàng hậu âm thầm như một cái bóng bên cạnh giường với vẻ vừa ân cần vừa luyến tiếc. Như thông cảm với cái nhìn đó, Hoàng hậu cúi xuống thấp hơn, hai giọt lệ lăn trên gò má.

Năm vị đại thần râu tóc bạc phơ được cử tới cùng một viên hạ quan mang theo giấy bút. Những vị đó luôn luôn túc trực bên long sàng với nhiệm vụ sẽ nhất nhất ghi những lời truyền phán cuối cùng của Đức Vua.

Nhưng trước khi Vua Na-Han đệ Tứ băng hà,họ chỉ ghi được có câu sau này mà Nhà Vua đã thốt ra bằng một giọng bi hùng đặc biệt của người bất đắc chí khi sắp lìa cõi thế:

“Ta chỉ tiếc không được sống cùng lửa để dù có chết với lửa cũng cam.”

Doãn Quớc Sỹ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong quá trình nhiều thập niên giảng dạy võ học và võ thuật, chúng tôi có sưu khảo, nghiên cứu nhiều môn võ Á châu và Thế giới để tìm hiểu, so sánh, chắt lọc tinh hoa nhằm nâng cao, canh tân cải tiến và hiện đại hóa một số kỹ năng võ thuật Việt Nam cho kịp đà tiến triển của võ học thế giới.
Hoan đặt chiếc ly không xuống mặt bàn ngổn ngang vỏ chai.
Nhiều người đã từng sống ở Miền Nam trước 1975 đồng ý với nhau rằng, chỉ cần nghe bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là đã thấy tết đến, xuân về.
Đã có những niềm tin rồi không màng nói đến Lặng thinh môi thở khô cằn
Tôi còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt.
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Truyện đăng trên tờ Sáng Tạo, số báo xuân Mậu Tuất 1958 đúng 60 năm trước.
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Bài thơ xuôi này được sáng tác trong lớp học làm thơ tài trợ bởi học bổng cộng đồng Jenny McKean Moore của đại học George Washington, Hoa Thịnh Đốn. Tôi nộp đơn và may mắn được tuyển chọn vào lớp này cùng với 14 thí sinh khác.
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.