Hôm nay,  

Lễ Hội Tháng Giêng và nền văn minh nông nghiệp

30/01/202314:00:00(Xem: 2129)
Tìm hiểu văn hóa

tet


Có một đoạn văn ngắn, giản dị, nhắc lại tên vài thứ bánh quen thuộc rất phổ biến trong đời sống người Việt Nam. Dĩ nhiên không phải nó giải nghĩa nguồn gốc những thứ bánh đó. Nhưng đọc qua, ai cũng thấy vui và sự phù hợp của nó với tên gọi các thứ bánh đó.

Cỏ May tôi xin trích vài câu để mời bạn đọc:

 

Lúc yêu nhau thì đòi ăn bánh Hỏi.

Lấy nhau về thì có bánh Phu Thê.

Ăn ở với nhau thì có bánh Khoái.

Khi nghi ngờ nhau thì có bánh Canh.

Nhưng cãi nhau hoài thì ăn bánh Đập.

Rồi bánh Phòng, tới bánh Còng, và sau cùng là cùng ăn bánh Tiêu...

 

Các loại bánh này, nhìn thấy đều không có kem, sữa, bơ… Tất cả đều làm bằng nông phẩm thổ sản Việt Nam. Nông nghiệp Việt Nam không có chăn nuôi. Và chính huyền sử bánh Dày, bánh Chưng cũng nói lên điều đó.

 

Bánh Dày, bánh Chưng

 

Về nghĩa “bánh Dày, bánh Chưng”, có vài cách cắt nghĩa khác nhau. Nay xin dựa theo Từ điển Hán Nôm Cổ Chỉ Nam Ngọc Âm do NXB Khoa Học Xã Hội (KHXH) xuất bản, Hà Nội, 1985, chữ Dày có nghĩa là trắng. Sách ghi thêm thí dụ “bạc bính” là “bánh trắng".

 

Còn theo Từ điển Dictionnaire Annamite-Chinois-Français của Gustave Hue xuất bản, Hà Nội, 1937, thì Dày cũng có nghĩa là bạc, như bạc đầu, bạc phau, bạc phếch, bạc phơ… tức là trắng (blanc).

 

Vậy “bánh Dày” phải có nghĩa là “bánh Trắng”, có lẽ dễ hiểu hơn là dày phản nghĩa với mỏng hay dày vò như vài người đã cắt nghĩa. Từ  đây, phải chăng “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” của Nguyễn Du tả nét đẹp thân thể nàng Kiều cũng có nghĩa là trắng. Nét đẹp này hoàn toàn phù hợp thẩm mỹ quan của Việt Nam xưa nay. Người phụ nữ đẹp phải có nước da trắng. Nó vừa đẹp, vừa sang vì không phải lam lũ dưới mưa nắng.

 

Mỹ quan này vẫn còn giá trị, và thịnh hành cho tới ngày nay. Nhiều cô gái Việt Nam gia đình có tiền vì chẳng may có nước da không được “trong ngọc trắng ngà” bèn dùng thuốc làm cho da trắng để cho có vẻ đẹp phụ nữ. Đi ra đường, các bà, các cô trùm mặt như phụ nữ Ả Rập, tay mang găng cao lên tới nách chống nắng, tuy nắng Sài Gòn như lò lửa. Trong lúc đó, phụ nữ Tây phương lại muốn có nước da ngăm hay rám nắng mới đẹp. Mùa hè, họ túa ra biển, lên núi để tìm nắng ấm, phơi nắng cho mạnh khỏe nhưng quan trọng là làm đẹp. Ai không đi được, ở nhà thì hằng ngày cũng bôi kem, ra lề đường, công viên ngồi phơi nắng để xóa đi nước da trắng bệch, thay vào bằng nước da ngâm sẩm.

 

Vậy “Dày dày” không thể có nghĩa là “nảy nở, phát triển, đồ sộ” như một số người cắt nghĩa theo quan niệm thẩm mỹ tây phương là vòng ngực, vòng mông phải có kích thước đúng tiêu chuẩn của người đẹp.

 

Vả lại, theo truyền thuyết, bánh Dày và bánh Chưng là hai thứ bánh do Hoàng tử thứ 18 Tiết Liêu của Vua Hùng thứ 6, vâng lệnh Vua cha, làm dâng cúng tổ tiên nhân ngày đầu năm. Theo lời dạy của Thần linh báo mộng, Tiết Liêu lấy nếp làm bánh hình vuông, bên trong có nhân bằng đậu xanh, lấy xôi nếp giã ra  làm bánh dày hình tròn. Cả hai đều được gói bên ngoài bằng lá xanh. Thần linh cắt nghĩa bánh chưng hình vuông tượng trưng cho Đất hay Mẹ, bánh Dày hình tròn tượng trưng cho Trời hay Cha. Bên ngoài bao lại bằng lá ý muốn nói Cha Mẹ đùm bọc con cái bằng tình thương.

 

Bánh Dày theo truyền thuyết này làm bằng nếp giã nhuyễn thì tự nhiên phải có màu sắc trắng. Điều này phù hợp với nghĩa chữ dày là trắng như ta biết qua. Nhưng còn bánh chưng lại được mô tả là “cho vào chõ chưng cho chín” nên gọi là bánh chưng.

 

Vậy bánh Chưng có nghĩa là gì?

 

Sách của Huỳnh Công Thanh “Quan Hôn Tang Tế. Tôi chép để tôi xem”, Sài Gòn, 1947, có ghi ở trang 36 về nghĩa của bánh Chưng như sau:

 

“… Lấy đủ bốn mùa, thì kêu là Xuân từ, Hạ dược, Thu thường, Đông chưng. Từ là lễ vật dâng cúng đầu năm, Dược là vật dâng cúng đầu mùa. Thường là tiễn vật chính mùa gặt hái. Chưng là tế đủ các vật góp để cuối năm”.

 

Trước đó, vào đầu thập niên 30 (1930-1933), Phùng Hữu Lan, trong Lịch Sử Triết học Trung quốc, Tập II, bản dịch, KHXH, Hà nội, 2007, ở trang 83, viết:

 

“Dâng cúng quỷ thần thì có một hiệu là tế (cúng tế). Tế có nhiều danh: cúng tế vào mùa xuân gọi là Từ, cúng tế vào mùa hạ gọi là Dược, cúng tế vào mùa thu gọi là Thường, cúng tế vào mùa đông gọi là Chưng.

 

Vậy bánh Chưng là bánh tế lễ vào cuối năm, không phải là bánh làm chín bằng hơi nước theo cách chưng như trong bài viết về lịch sử bánh dày bánh chưng với hình vẽ dành cho trẻ con vừa biết đọc. Xưa nay, người Việt Nam hằng năm vào ngày cuối năm, vẫn thường làm bánh chưng để cúng Tết và ăn Tết.

 

Vài chuyện tích về văn hóa phồn thực

 

Có người nhắc lại một ngôi làng cổ ở Miền Bắc Việt Nam nơi đây từ lâu đời còn giữ tục làm bánh tét và bánh chưng vào ngày Tết, và nấu cả hai thứ chung cùng một nồi, một lúc. Cùng ý này, trong Nam, người nông dân cũng làm bánh tét và bánh chưng, luộc chín, đem máng lên sừng trâu vào dịp lễ tháng giêng vừa sau Tết, lễ Tết ruộng.

 

Xã hội Việt Nam vốn là xã hội nông nghiệp nên trong dân gian còn nặng tinh thần phồn thực. Ở nhiều nơi còn giữ tục thờ hai linh vật biểu tượng văn hóa phồn thực. Cho tới ngày nay, vào ngày Tết, tức cuối năm và đầu năm, ở Miền Bắc còn tổ chức lễ cúng, rước hai linh vật phồn thực. Vậy phải chăng khi dân làng nấu bánh Chưng và bánh Tét chung trong một nồi là một hình thức sống lại văn hóa tín ngưỡng cổ xưa? Theo ý nghĩa phồn thực thì có thể suy luận bánh Tét tượng trưng sinh thực khí Nam “linga” và bánh Chưng tượng trưng sinh thực khí nữ “yoni”. Và tín ngưỡng phồn thực lại do ảnh hưởng từ tín ngưỡng cổ xưa của người Chàm ở Việt Nam?  Phồn thực, phồn nghĩa là phong phú, dồi dào, thực nghĩa là sanh sôi, nảy nở. Phồn thực có nghĩa là sinh sản nhiều, phong phú.

 

Ở Hòn Đỏ, Khánh Hòa, khi nào sau nhiều ngày không đánh bắt được cá, dân chài lưới tới đền thờ Lỗ Lường, làm lễ, lạy 3 lạy, xin lấy vật tượng trưng sinh thực khí Nam đâm vào Lỗ Lường 3 lần, cầu xin cho đi biển lần này đánh bắt được nhiều cá. Ở Hà Tĩnh và nhiều địa phương có tục thờ cúng nõ nường (nõ: cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí Nam; nường: nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Hội làng Đồng Kỵ (Hà Bắc) có tục rước sinh thực khí (làm bằng gỗ) vào ngày 6 tháng giêng. Tan hội, hai sinh thực khí được đốt đi và tro đem chia cho mọi người mang ra rắc ngoài ruộng, việc làm này làm cho dân làng tin tưởng là truyền sinh khí cho mùa màng. Theo các cụ thì năm nào bỏ qua tục này, trong làng sẽ có nhiều chuyện không lành xảy ra.

 

Từ thời xa xưa, chày và cối, bộ công cụ thiết thân trong nhà của người dân, tượng trưng cho sinh thực khí Nam và Nữ, còn việc giã gạo là tượng trưng cho hành động giao phối. Ở Phú Thọ, cứ vào ngày 11 và 12 tháng giêng hằng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội phồn thực, gọi là lễ “Linh Tinh Tình Phộc” hay lễ hội Trò Trám. Cao điểm của lễ hội hấp dẫn mọi người là Lễ Mật diễn ra chỉ vài phút ngắn ngủi vào đúng 12 giờ khuya. Đây là lễ hội tôn vinh tín ngưỡng phồn thực cổ truyền dân tộc, mang đậm tính văn hóa dân tộc, may mắn được khôi phục lại từ năm 1993.

 

Dân làng hằng năm, vừa ăn Tết xong, ai cũng đều nôn nóng chờ tham dự lễ « Linh Tinh Tình Phộc » hay còn gọi là lễ Trò Trám tại miếu Trò. Nơi đây có thờ cặp Nõ Nường. Đúng 0 giờ ngày 11 tháng giêng, người chủ lễ cho lệnh tắt đèn. Mọi người đều nín thở lắng tai chờ. Một cặp nam-nữ được chọn kỹ, tiến tới bàn thờ, nhận ở vị chủ lễ cặp lễ vật đựng trong một cái hộp sơn màu đỏ. Nõ biểu tượng sinh thực khí Nam làm bằng gỗ như cây dùi, sơn đỏ và Nường là một miếng ván hình tam giác, giữa có cái lỗ, biểu tượng sinh thực khí nữ. Vị chủ lễ nói lớn 3 lần « Linh Tinh Tình Phộc » dứt, người trai cầm Nõ nhắm thẳng đâm vào Nường 3 lần. Nếu trúng đủ 3 lần, Nõ lọt vào Nường thì đó là điềm báo cho dân làng sẽ có được một năm được mùa. Vì một năm âm dương hòa hợp, thời tiết hài hòa.

 

comay 1

                                              Lễ Linh Tinh Tình Phộc.

 

Lễ hội phồn thực hấp dẫn vô cùng. Ai không đi được là buồn lắm. Tiết trời Xuân ở miền Bắc bao giờ cũng đi kèm mưa phùn gió bấc, rét căm căm. Thế mà cứ đến ngày lễ, dân làng và người dân bốn phương lại nô nức kéo về làng Trám để tham dự lễ hội phồn thực độc đáo có một không hai ở đây. Nên trong dân gian có câu hát:

 

Bà ẵm cháu, mẹ bồng con

Không đi Trò Trám, là buồn cả năm.

 

Trước khi tới lễ, sẽ có những tập tục dân gian được trình diễn lại như đi cày, đi cấy, câu cá, quay tơ dệt lụa, cầm lờ, cầm đó đi bắt cá, bắt cua, nghề mộc… Đây là các tiết mục trong “Tứ dân chi nghiệp” hay còn gọi là “Bách nghệ khôi hài”, giống như một màn kịch dân gian vui nhộn, khắc họa các nghề chính trong đời sống xã hội xưa của sĩ-nông-công-thương bằng các làn điệu dân ca độc đáo chỉ có ở Phú Thọ, như:  

 

Người ta câu diếc câu rô

Tôi nay câu lấy một cô không chồng.

 

Có chồng thì thả mồi ra

Chưa chồng thì cặp thì tha lấy mồi”.

 

Càng về đêm, tiếng hát câu hò càng say mê, nóng bỏng. Đi cùng tiếng hát là những tiếng “Phinh phình phịch, phịch phình phinh” rất dễ gợi… hình cho những ai nhẹ bóng vía!

 

Văn hóa phồn thực không riêng gì ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác cũng rất phổ biến và còn thịnh hành cho tới ngày nay. Như ở Nhật Bản, Ấn Độ, xứ Phật Bhutan, Hi Lạp… Riêng ở Nhật có lễ rước qua nhiều đường phố của quý bằng thép tổ chức hằng năm rất linh đình để tôn vinh sức mạnh Nam.

 

Ngày chủ nhật đầu Xuân là ngày khai diễn lễ hội phồn thực Shinto, còn gọi là Kanamara Matsuri hay Lễ hội dương vật thép. Trải qua thời gian, lễ hội này đã không mờ nhạt đi mà ngày càng thu hút đông người tham gia, trong đó có không ít du khách nước ngoài.

 

Tại sao « cái đó » lại làm bằng thép? Theo truyền thuyết, vào thời kỳ Edo (1603-1867), có một con quỷ răng nhọn phải lòng một cô gái xinh đẹp. Nhưng cô này không đáp lại tình cảm của nó mà quyết định kết hôn với một người đàn ông khác. Con quỷ giận dữ đã dùng răng nhọn cắn đứt “của quý” của chú rể trong đêm tân hôn. Khi cô gái tái hôn, con quỷ vẫn ghen tức tiếp tục cắn đứt của người chồng thứ hai. Thương cảm cho cô gái, dân làng bày mưu lừa con quỷ. Một người thợ rèn chế cái “của quý” bằng thép để cô gái đưa vào người. Con quỷ bị gãy hết răng khi cắn phải vật này nên đã phải rời khỏi cô gái.

 

Sau đó, truyền thuyết này được tưởng nhớ bằng cách đưa một “của quý” bằng thép vào đền Kanayama, nơi thờ Kanayama Higonokami và Kanayama Himeokami, hai vị thần của sự sinh nở và sức khỏe của bụng. Đền Kanayama, ngày nay, được nhiều cặp vợ chồng đến đây để cầu khấn đường con cái.


comay 2 

 







Linh vật bằng thép trong truyền thuyết Nhật.

 

Sau câu truyện của một làng cổ ở Miền Bắc, dân làng gói bánh Chưng, bánh Tét vào ngày Tết và nấu chung trong một nồi để cúng Tết thì bánh Tét không còn thấy phổ biến ở Miền Bắc nữa, mà lại xuất hiện trong Nam. Bánh Tét gói đơn giản, chỉ cần phải cột lại cho thật chặt để đòn bánh được cứng chắc bền bỉ. Theo dòng văn hóa phồn thực, thì bánh Tét là biểu tượng linga, bánh Chưng biểu tượng yoni. Cả hai đều là lễ vật cùng dâng cúng Ông Bà ngày Tết.

Hai lễ vật này còn, thì văn hóa thờ cúng Ông Bà còn. Dân tộc Việt Nam còn!


-- Nguyễn thị Cỏ May

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Là người gốc Việt có khả năng làm truyền thanh dòng chính nên khi Việt Nam mở cửa chào đón du khách phương Tây, anh đã về làm phóng sự về sinh hoạt đời sống, về những thay đổi đang diễn ra trên quê hương nguồn cội sau ngày có chính sách “Đổi mới”. Loạt phóng sự đem đến cho anh giải thưởng xuất sắc của Overseas Press Club. Anh cũng còn là một nhà bình luận trong chương trình “All Things Considered” trên hệ thống truyền thanh National Public Radio.
Sách giáo khoa Hoa Kỳ thuật lại câu chuyện về những nhà phiêu lưu thám hiểm châu Âu thành lập các thuộc địa ở “Tân Thế giới” và những câu chuyện về “Lễ tạ ơn đầu tiên” thường miêu tả những người thực dân và những người Mỹ bản địa đang cùng nhau ăn uống chan hòa hạnh phúc. Sách vở ghi chép cuộc chiến giành độc lập của các thuộc địa là một chiến thắng chính đáng. Việc loại bỏ người Mỹ bản địa có thể được nhắc đến như một chú thích đáng buồn, nhưng chiến thắng của tinh thần tiên phong chiếm vị trí trung tâm khiến những chi tiết khác lu mờ.
Hiện nay trên thế giới được cho là có khoảng 10,000 tôn giáo. Hầu hết mọi người đều quen thuộc với những tôn giáo lớn như Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, v.v… nhưng cũng có hàng trăm triệu người khác tin vào các tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng truyền thống hoặc tín ngưỡng bộ lạc.
Kinh điển Phật giáo buổi sơ thời đề cập đến một số vấn đề quốc tế, kinh tế và chính trị. Khi mục đích chính trong giáo lý của Đức Phật là giải thoát cá nhân ra khỏi các đau khổ đang lan tràn, giáo lý của Ngài cũng thừa nhận sự tương thuộc của cá nhân với xã hội, thể chế chính trị và kinh tế. Giáo lý của Đức Phật đã tìm cách dung hoà những mối quan hệ này một cách xây dựng...
Cho nên vào năm 1955, khi “Một Quốc Gia Vừa Ra Đời” như báo chí Mỹ tuyên dương thì quốc gia ấy đã phải đối diện với bao nhiêu khó khăn khôn lường. Ngân sách của Pháp để lại thì thật eo hẹp, kỹ sư, chuyên viên trong mọi lãnh vực đều hết sức hiếm hoi vì Pháp đã rút đi hầu hết, để lại một lỗ hổng lớn cho cả nển kinh tế lẫn hành chánh, giáo dục, y tế...
Viễn cảnh một ĐBSCL khô hạn và sa mạc hoá, không lẽ đây là “gia tài của mẹ”, một di sản thế hệ này để lại cho các thế hệ con cháu trong tương lai. Đây là cái giá rất đắt mà Việt Nam phải trả cho chuỗi những con đập thuỷ điện thượng nguồn và các dự án chuyển dòng lấy nước từ con sông Mekong, trong đó có con Kênh Phù Nam Techo... Một vấn đề nhức nhối và hết sức trọng đại hiện nay được nhà văn Ngô Thế Vinh, với cái tâm tha thiết luôn hướng về sinh mệnh đất nước và dân tộc Việt Nam, phân tích và nhận định trong bài viết công phu sau. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
✱ NARA: Thượng viện mở cuộc điều tra về Hoạt động Tình báo của Chính phủ nhằm điều tra âm mưu ám sát các nhà lãnh đạo nước ngoài của CIA, và sau 40 năm vào ngày 7.7.2015 bản văn được công khai ✱ NARA: HĐQMCM hội họp tìm cách giải quyết số phận của 2 anh em ông Diệm-Nhu. Quyết định chung cuộc là giết 2 ông Diệm-Nhu. Hội đồng chọn Đại Úy Nhung làm người thi hành lệnh xử tử. ✱ BNG/Đại sứ Lodge: Tướng Khánh nói với tôi chiếc cặp (của ông Diệm) đựng một triệu đô la Mỹ “mệnh giá lớn nhất”. Tướng Minh đã giữ chiếc cặp và chưa bao giờ giao nộp nó. Tướng Minh vào thời gian này đã lấy được 40 ký vàng miếng...
Israel đang tập trung quân đội tại khu vực biên giới giáp với Dải Gaza dự kiến cho một cuộc tấn công trên bộ. Đồng thời, họ cũng đang gấp rút sơ tán các ngôi làng ở gần biên giới với Lebanon vì lo ngại mặt trận thứ hai mở ra ở phía bắc. Hizbullah, một nhóm chiến binh Shia được Iran hậu thuẫn có trụ sở tại Lebanon, từng đụng độ với Israel. Cả hai bên, một nhà báo và ít nhất hai thường dân Lebanon đã thiệt mạng. Iran cảnh báo lực lượng ủy nhiệm sắp tung ra “đòn phủ đầu” chống lại Israel. Trước đây, Hizbullah đã từng tham chiến để ủng hộ Hamas, nhóm chiến binh kiểm soát Gaza. Sự tham gia của họ vào cuộc xung đột hiện tại sẽ đẩy căng thẳng leo thang đáng kể. Vậy Hizbullah là gì và đáng gờm đến mức nào?
"Dự án Kênh Phù Nam tại Cam Bốt do Trung Quốc đỡ đầu, tuy nói là tuyến thủy vận thôi nhưng vẫn có thể là kênh dẫn thủy nhập điền. Trung Quốc có chiến lược khai thác mối hận thù giữa dân tộc Cam Bốt và Việt Nam để chia rẽ họ, đồng thời tài trợ hàng chục tỉ Mỹ kim mua chuộc Lào và Cam Bốt, ràng buộc họ thành con nợ, để cô lập Việt Nam. Bài tham luận này trình bày một chiến lược hoàn toàn mới cho Việt Nam và liên minh chiến lược cho Việt Nam và Cam Bốt để đối phó với Trung Quốc và Lào." Đó là lời Dẫn nhập bài biên khảo về dự án đào kênh Phù Nam của Cam Bốt, bài của kỹ sư Phạm Phan Long, một chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long. Sau bài viết của nhà văn Ngô Thế Vinh, đây là tiếng chuông cảnh báo thứ hai về vấn đề này. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Trong công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp để giành lại chủ quyền cho dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt Nam, tiền nhân của chúng ta đã gian khổ cùng một lòng đánh đuổi bọn xâm lăng ra khỏi mảnh đất thân yêu mà Tổ tiên ta đã bao đời dầy công gầy dựng. Cho nên nhìn lại dòng lịch sử dân tộc từ Bắc vào Nam ở đâu và lúc nào cũng có những vị anh hùng dân tộc đứng lên liều mình cứu nước chống giặc ngoại xâm...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.