Hôm nay,  

Cái ổ gà ấp

08/05/202217:41:00(Xem: 2025)

Truyện ngắn -- Ngày Của Mẹ

baby chick



Cái ổ gà ấy tôi quý lắm, bây giờ nhớ lại vẫn quý mà mơ hồ như những chú gà con mới nở, đẹp như những nắm bông gòn, tròn trịa, trắng tinh ấy vẫn còn loanh quanh luẩn quẩn xung quanh tôi, kêu chiếp chiếp. Nó gọi tôi, chúng nó gọi chúng tôi đi giã gạo thành tấm, mang tới cho chúng ăn. Ôi những cái mỏ xinh xinh mổ mổ những hạt gạo tấm tinh khôi, tất cả đều tinh khôi như là những thiên thần.

 

Nay lại là cái tháng 4 năm ấy. Tôi nhớ lắm, trong cái buồn cũng có lẫn lộn tí chút cái vui mơ hồ còn trẻ! Sau 30/04/1975 thì bố tôi bỏ hàng ngũ chiến binh, về nhà, rồi trình diện đi học tập. Học tập bảo 10 ngày, rồi ròng rã lâu quá không về… lâu quá là lâu, nhà còn gì ăn đâu, nên mẹ tôi phải lăn ra đi bán chợ trời kiếm ăn cho 5 anh chị em tôi. Mới đầu là bán buôn chợ trời, sau dần bị áo vàng đuổi lên đuổi xuống, mẹ tôi chán nản theo bạn hàng đi Cam Bốt buôn hàng chuyến, chủ yếu là gạo, bột ngọt, thuốc men về bán chui ở Sài Gòn. Mẹ tôi đi có khi 3 ngày, có lần cả 1 tuần lễ nếu có hẹn lấy được nhiều hàng mang về. Mẹ tôi cũng lần lần lanh lẹ và khôn ra so với ngày trước có khi lơ mơ, không cần so đo tính toán. Thế mới biết « đi một ngày đàng học được một sàng khôn » là đúng.

 

Năm 1978, là năm cạn kiệt, khan hiếm gạo nhất, nhiều người đói lắm, gạo bị cấm ở xa cảng miền tây khó vào lọt nội thành, đói, đói lắm, có nhà cứ phải ăn cháo, nhà nước cộng sản bán gạo tổ, gọi là gạo chứ toàn là bo bo hầm hoài vừa tốn củi lửa và vừa đau bao tử. Nhưng may ơi là may, có một lần mẹ tôi trở về nhà vào lúc gần 5 giờ sáng, bà mang về cho chúng tôi một bao gạo, quý ơi là quý, gần 40 kí gạo trắng. Vì là gạo quý nên mẹ và anh Hai tôi khuân lên lầu trên cất giấu dưới gầm giường và lấy một tấm mền phủ lên. Mẹ dặn để mấy đứa ăn dần, mỗi ngày 3 lon thôi, đừng nói cho ai hay. Ngay cả bác Trùm là chị của ba tôi, hay dì Trường là em mẹ tôi, cũng không được, nghĩa là tuyệt đối cấm kị không một ai biết nhà mình có gạo!

 

Mẹ tôi còn dọa: « Ai mà biết nhà mình có gạo, là mẹ sẽ bị công an bắt bỏ tù và 5 đứa con sẽ chết đói ». Rồi mẹ hứa: « Nếu các con ngoan, vâng lời, ở nhà trông nom lẫn nhau, không đánh lộn cãi lộn… nhất là giữ cái bị mật gạo ấy thì tuần tới mẹ sẽ mang về cho một bao gạo nữa… »

 

Từ hôm đó, thì 5 chúng tôi không phải ăn bo bo nữa, đồ quỷ này hồi xưa là để cho ngựa ăn, giờ cộng sản nó cho ngưòi ăn, nhưng anh trai và chị Ba tôi vẫn hằng tháng mang sổ ra tổ dân phố và ra cửa hàng mua bo bo  theo quy định, rồi đổ gom vào cái lu sành ngay lối cửa xuống bếp, cũng đậy nắp lại cẩn thận. Hằng ngày anh chị em tôi lặng lẽ lên lầu lấy gạo nấu cơm, ăn như thường lệ và ăn kín đáo với trứng gà hấp chín trong nồi cơm, trứng gà, mẹ cũng chu đáo mua sẵn để giấu dưới mấy cái chăn mền trong placard. Mỗi bữa ăn xong, chị Ba mang nồi cơm cọ rửa sạch sẽ, treo lên giá treo đồ trong bếp, chẳng ai biết tụi tôi có cơm nguyên ăn, không ăn độn.

 

Dì Trường ở cuối xóm, mỗi lần đi ngang nhà tôi, có ghé vô thăm các cháu, lần nào dở cái nắp lu sành đựng bo bo  cạnh ngạch cửa, dì cũng kêu lên:

 

« Ô hay, thế chúng mày nhịn ăn à, tao thấy khạp lương thực lúc nào cũng như vậy là sao ».

 

Tụi tôi 5 cái miệng lao nhao, trả lời dì, nói láo như ranh:

 

« Dì khỏi lo, tụi cháu đều ăn cơm nhà bác Trùm! »

 

 

« Ờ, vậy cũng được, bác Trùm lo cho tụi bay, tao yên trí, chứ tụi bây nấu nướng củi lửa sợ có ngày cháy nhà ».

 

Rồi dì tong tả đi luôn.

 

Một hôm, hình như gần tết, dì lại dòm cái lu đựng bo bo nhà tôi, rồi bảo anh Hai và chị Ba tôi đứng nghe cạnh đó:

 

« Hay là các cháu không ăn bo bo, cho dì vay tạm một nửa thùng đi, dì đang kẹt có khách ở ngoài bắc vô ăn, tốn lắm ».

 

Anh Hai còn đang ngần ngừ, thì chị Ba tôi mau miệng nói:

 

« Vay mượn cái gì… Hay là nhà dì có cái gì hay hay mang lại đây… đổi lấy bo bo nhà cháu! »

 

« Mẹ mày về thì sao? »

 

« Ối, dì đừng ngại, mẹ cháu đi cả tuần mới về. Với lại ở nhà, cái gì thì tùy tụi cháu lo lắng cả, dì cứ về ôm cái gì lại đây, cháu đổi cho, chừng đây bo bo dì ăn mệt nghỉ ».

 

« Tao có cái ổ gà đang ấp, con gà mái hoa mơ đang ấp một ổ trứng 16 trứng, ấp 10 ngày rồi, khoảng hai tuần lễ nữa sẽ nở ra gà con. »

 

Tụi tôi mừng khôn xiết, bảo dì:

 

« Ồ, vậy thì tụi cháu bằng lòng đổi, đổi gà ấp lấy bo bo, dì lấy bo bo, tụi cháu lấy ổ gà đang ấp. Hoan hô dì Trường, hoan hô! »

 

« Khẽ khẽ cái mồm chứ, suỵt, nói nhỏ thôi! »

 

Nói xong dì thoát ra cửa và nửa giờ sau dì khệ nệ hạ cái rổ có úp cái nón lá từ trên đầu xuống, dì cũng cẩn thận đóng cửa ra vào, rồi dậy tụi tôi, nào là mang nước đến, một cái bát nước nhỏ đặt bên ổ ấp, nào là một bát gạo hay bắp giã nhỏ cũng để bên ổ gà, ổ gà để nơi kín đáo, không ai thấy và không có gió lùa. Rồi dì sung sướng mang bọc bo bo đi.

 

Tụi tôi, 5 anh chị em cũng sung sướng ngồi quanh, ngắm cái ổ gà ấp. Ôi đây là một bà mẹ gà hoa mơ xinh đẹp và bà đang ấp ủ cái ổ trứng trìu mến quá.

 

Từ hôm có cái ổ gà ấp trong nhà, tụi tôi 5 anh chị em ít đi ra ngoài, có hôm có đứa trốn học không tới trường lớp, cô giáo chiều có ghé qua hỏi thăm biết tôi không đau ốm, cô yên tâm ra về. Cả ngày, mấy đứa tôi ngồi vây quanh cái ổ gà, con gà mẹ sung sướng biết là được cưng quý, thỉnh thoảng kêu cục cục rồi nghiêng đầu qua phải ngó anh Phương, chị Huyền, chán rồi lại nghiêng má qua trái nhìn Chương và Uyên âu yếm lắm. Tôi nghịch ngợm thò nhẹ tay vào ổ xoa xoa cái trứng bé nhỏ lộ ra. Bốp! Gà mẹ mổ vào cổ tay tôi một cái thật nhanh, đau điếng người, tôi rụt tay lại. Anh Chương, chị Uyên đồng thanh bảo:

 

« Út ơi, đừng đụng tay vô trứng của nó, nó bảo vệ con nó đó, một lần đau cho mầy tởn ».

 

Cả ngày và những ngày sau, chúng tôi cũng ít khi đi ra ngoài, chỉ ở nhà, ngồi xổm, vây quanh cái ổ gà ấp, bàn tán chỉ chỏ. Có những lần bác Trùm vào thăm chừng chúng tôi, nhưng chúng tôi đóng cửa cài then trong kín mít, gọi hoài không đứa nào trả lời, bác cậy được cửa sổ, hỏi vọng vào:

 

« Ô, chúng mày làm sao trong ấy vậy, bác gọi cửa không mở là sao? »

 

Chúng tôi đồng thanh trả lời bác, cũng cái kiểu nói láo như thần:

 

« Chúng cháu đang tập đóng cải lương, tuồng cải lương Lá Sầu Riêng. Bác vô đây, kỳ lắm, bác về đi! »

 

« Cải lương à, chúng mày mà biết đóng cải lương? Mở cửa mau tao coi! »

 

Thấy gay go quá, chị Uyên, chị thứ ba vội tiến ra cửa sổ thưa với bác Trùm:

 

« Tụi cháu không có ốm đau gì đâu mà bác lo, tụi cháu mạnh cùi cụi à, sáng nay tổ lương thực bán bánh mì thay gạo, tụi cháu ngốn bánh mì với chuối, no căng bụng rồi. Bác về đi, tụi cháu bận đóng tuồng Lá Sầu Riêng giống cô đào Kim Cương. Thiệt mà, bác mà vô tụi cháu mắc cỡ lắm ».

 

« Thôi được, chiều tao vô lại, tuồng với chẳng kịch, « sầu chung » còn đang chết dở đây, tụi mày làm tuồng « sầu riêng » mần chi. Chiều tao vô lại coi chừng nhe ».

 

Bác hăm he rồi cũng phải bỏ đi vì tụi tôi nhất định tử thủ không mở cửa, tụi tôi tự nấu cơm ăn rồi suốt ngày loay hoay xung quanh ổ gà ấp, sung sướng và thú vị nhìn những con gà đụng đụng cái vỏ trứng rồi thò cái đầu xinh xinh ra chào tụi tôi. Gà mẹ thì được tụi tôi mở cửa sau cho ra sân bếp hứng ánh sáng một đôi khi, cho khỏi cuồng cẳng. Nó đi loanh quanh qua chỗ rửa chén bát, leo lên bể nước kêu « cúc cúc » vài tiếng rồi lại trở về ổ.

 

Mấy ngày sau đàn con đẹp như những nắm xôi vò nhỏ nhỏ, xinh xinh đã cúc cúc theo gà mẹ đi loanh quanh trong nhà, anh chị em tôi dẹp gọn bàn, ghế, tủ, vô một bên cho gà mẹ gà con dắt díu nhau cúc cúc. Chúng tôi cứ thế ngắm nghía mẹ con nó hàng giờ, hàng giờ không chán mắt. Chúng tôi thay nhau bốc từng nắm gạo, mang giã nhỏ, vãi đầy ra nhà, mẹ con gà tiện đâu ăn ở đó, và chúng cũng phóng uế tùm lum. Thú vị nhất là khi có một tiếng động nhỏ, lũ gà con vội chạy lại núp gọn dưới bụng và đôi cánh của mẹ.

 

Không hiểu vì sao chuyến này mẹ tôi đi lâu thế, dễ đến hơn 10 ngày, mà anh chị em tôi có để ý gì đâu, cứ mải vui với gà mẹ gà con. Rồi thì mẹ cũng về. Hôm mẹ về, nghe đập cửa, chúng tôi cũng tưởng bác Trùm hay dì Trường, nên không mở cửa. Mãi sau nghe ra tiếng mẹ gọi, chị Huyền ra tháo then cài cửa:

 

« Ô mẹ, mẹ về, mẹ về! »

 

Mẹ tôi vào nhà, vừa ngồi xuống ghế, mẹ tôi nhìn dáo dác và kinh ngạc thấy một bầy gà mẹ gà con chạy lăng xăng khắp nhà:

 

« Ơ hay, gà ở đâu ra vậy? Tại sao các con lại nuôi gà ở đây? Ôi, nhà cửa gì mà dơ bẩn, kinh tởm quá? »

 

Mẹ tôi thất thần khi nghe chúng tôi kể lại chuyện mang bo bo đổi cho dì Trường ổ gà ấp. Chuyện lỡ rồi, bà chỉ biết lắc đầu:

 

« Con với cái, con với cái ».

 

Sau đó bà bắt chúng tôi mang gà mẹ gà con đi trả lại cho dì Trường, bà cũng ra lệnh là không được đòi lại bo bo. Chị em tôi buồn mất mấy ngày sau đó vì rất tiếc đàn gà. Rồi suốt hai ngày sau, bà bắt chị em tôi mang chăn, màn, chiếu, gối ra giặt, rồi lau nhà, nghĩa là tổng vệ sinh nơi ở. Bà luôn miệng lặp lại câu « Ghê quá! Ghê quá! Tao mà tìm ra cái chổi lông gà thì tụi bay sẽ ốm đòn, no đòn với tao » Tụi tôi tức và sụt sịt khóc… tiếc gà!

 

Tôi quên bẵng đi cái đàn gà con ấy cho tới ngày sang Mỹ này, nghĩa là ra ngoại quốc rồi. Một hôm tôi đi thăm trại ấp gà của chú tôi ở Atlanta, tôi thấy cả trăm, cả ngàn con gà trong trại gà ấp, tôi se sắt trong lòng nhớ những con gà con của tôi khi xưa. Tôi bần thần, hai má nóng ran. Ồ, sao gà con nó giống nhau thế, chắc hẳn có những con gà con của tôi lẫn lộn vô đây! Tôi điên rồi, gà của tôi đã mấy chục năm rồi mà, nhưng chúng đó, chúng như những nắm xôi di động, cũng đẹp như những nắm bông gòn! Rồi đèn ấp, sưởi ấm bật, tắt, bật, tắt… Hàng trăm con gà con chạy giạt qua, giạt lại tìm hơi ấm vì chúng không có gà mẹ. Ôi chao ôi, thân phận con gà cũng như con người, sinh ra đời không có mẹ thì khổ làm sao, bơ vơ và chơ vơ làm sao?

 

Nếu như khoa học có một ngày nào đó -- giả thử khoa học họ nổi điên -- họ làm clône ra những con người, những con người không cha không mẹ, những con người mồ côi và bơ vơ này, nhiều nhiều lắm, những con người do clône này sinh ra, thì người ta sẽ gọi họ là gì? Là người hay là gà?

 

Có khi nào clône ra người để cầm súng đi bắn giết nhau không? Khi người ta chiến đấu không vì tự do, không vì dân tộc, không vì quê hương… chỉ vì xâm lược, họ có phải là đều được clône ra không?

 

-- Chúc Thanh

(8/5/2022)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có lẽ đã đến lúc cần đặt câu hỏi về sự dễ dãi của khán giả Việt? Như vấn đề đã nhiều lần được đặt ra trong lãnh vực âm nhạc, với các cô ca sĩ trong nước gầm rú phô diễn kỹ thuật mà không chuyển tải được nội dung, cảm xúc của bài hát, phim Việt còn nặng tính phô trương kỹ thuật, nhét tất cả mọi chiêu, mọi nước bước, đường đi, ý tưởng vào cùng một vở kịch, rồi nhấn hết cỡ âm lượng, dung lượng trấn áp khán giả - hệt như việc đãi ăn một bữa buffet quá no nê, để khách hài lòng với số lượng mà quên để ý đến phẩm lượng.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.