Hôm nay,  

Cái ổ gà ấp

08/05/202217:41:00(Xem: 2109)

Truyện ngắn -- Ngày Của Mẹ

baby chick



Cái ổ gà ấy tôi quý lắm, bây giờ nhớ lại vẫn quý mà mơ hồ như những chú gà con mới nở, đẹp như những nắm bông gòn, tròn trịa, trắng tinh ấy vẫn còn loanh quanh luẩn quẩn xung quanh tôi, kêu chiếp chiếp. Nó gọi tôi, chúng nó gọi chúng tôi đi giã gạo thành tấm, mang tới cho chúng ăn. Ôi những cái mỏ xinh xinh mổ mổ những hạt gạo tấm tinh khôi, tất cả đều tinh khôi như là những thiên thần.

 

Nay lại là cái tháng 4 năm ấy. Tôi nhớ lắm, trong cái buồn cũng có lẫn lộn tí chút cái vui mơ hồ còn trẻ! Sau 30/04/1975 thì bố tôi bỏ hàng ngũ chiến binh, về nhà, rồi trình diện đi học tập. Học tập bảo 10 ngày, rồi ròng rã lâu quá không về… lâu quá là lâu, nhà còn gì ăn đâu, nên mẹ tôi phải lăn ra đi bán chợ trời kiếm ăn cho 5 anh chị em tôi. Mới đầu là bán buôn chợ trời, sau dần bị áo vàng đuổi lên đuổi xuống, mẹ tôi chán nản theo bạn hàng đi Cam Bốt buôn hàng chuyến, chủ yếu là gạo, bột ngọt, thuốc men về bán chui ở Sài Gòn. Mẹ tôi đi có khi 3 ngày, có lần cả 1 tuần lễ nếu có hẹn lấy được nhiều hàng mang về. Mẹ tôi cũng lần lần lanh lẹ và khôn ra so với ngày trước có khi lơ mơ, không cần so đo tính toán. Thế mới biết « đi một ngày đàng học được một sàng khôn » là đúng.

 

Năm 1978, là năm cạn kiệt, khan hiếm gạo nhất, nhiều người đói lắm, gạo bị cấm ở xa cảng miền tây khó vào lọt nội thành, đói, đói lắm, có nhà cứ phải ăn cháo, nhà nước cộng sản bán gạo tổ, gọi là gạo chứ toàn là bo bo hầm hoài vừa tốn củi lửa và vừa đau bao tử. Nhưng may ơi là may, có một lần mẹ tôi trở về nhà vào lúc gần 5 giờ sáng, bà mang về cho chúng tôi một bao gạo, quý ơi là quý, gần 40 kí gạo trắng. Vì là gạo quý nên mẹ và anh Hai tôi khuân lên lầu trên cất giấu dưới gầm giường và lấy một tấm mền phủ lên. Mẹ dặn để mấy đứa ăn dần, mỗi ngày 3 lon thôi, đừng nói cho ai hay. Ngay cả bác Trùm là chị của ba tôi, hay dì Trường là em mẹ tôi, cũng không được, nghĩa là tuyệt đối cấm kị không một ai biết nhà mình có gạo!

 

Mẹ tôi còn dọa: « Ai mà biết nhà mình có gạo, là mẹ sẽ bị công an bắt bỏ tù và 5 đứa con sẽ chết đói ». Rồi mẹ hứa: « Nếu các con ngoan, vâng lời, ở nhà trông nom lẫn nhau, không đánh lộn cãi lộn… nhất là giữ cái bị mật gạo ấy thì tuần tới mẹ sẽ mang về cho một bao gạo nữa… »

 

Từ hôm đó, thì 5 chúng tôi không phải ăn bo bo nữa, đồ quỷ này hồi xưa là để cho ngựa ăn, giờ cộng sản nó cho ngưòi ăn, nhưng anh trai và chị Ba tôi vẫn hằng tháng mang sổ ra tổ dân phố và ra cửa hàng mua bo bo  theo quy định, rồi đổ gom vào cái lu sành ngay lối cửa xuống bếp, cũng đậy nắp lại cẩn thận. Hằng ngày anh chị em tôi lặng lẽ lên lầu lấy gạo nấu cơm, ăn như thường lệ và ăn kín đáo với trứng gà hấp chín trong nồi cơm, trứng gà, mẹ cũng chu đáo mua sẵn để giấu dưới mấy cái chăn mền trong placard. Mỗi bữa ăn xong, chị Ba mang nồi cơm cọ rửa sạch sẽ, treo lên giá treo đồ trong bếp, chẳng ai biết tụi tôi có cơm nguyên ăn, không ăn độn.

 

Dì Trường ở cuối xóm, mỗi lần đi ngang nhà tôi, có ghé vô thăm các cháu, lần nào dở cái nắp lu sành đựng bo bo  cạnh ngạch cửa, dì cũng kêu lên:

 

« Ô hay, thế chúng mày nhịn ăn à, tao thấy khạp lương thực lúc nào cũng như vậy là sao ».

 

Tụi tôi 5 cái miệng lao nhao, trả lời dì, nói láo như ranh:

 

« Dì khỏi lo, tụi cháu đều ăn cơm nhà bác Trùm! »

 

 

« Ờ, vậy cũng được, bác Trùm lo cho tụi bay, tao yên trí, chứ tụi bây nấu nướng củi lửa sợ có ngày cháy nhà ».

 

Rồi dì tong tả đi luôn.

 

Một hôm, hình như gần tết, dì lại dòm cái lu đựng bo bo nhà tôi, rồi bảo anh Hai và chị Ba tôi đứng nghe cạnh đó:

 

« Hay là các cháu không ăn bo bo, cho dì vay tạm một nửa thùng đi, dì đang kẹt có khách ở ngoài bắc vô ăn, tốn lắm ».

 

Anh Hai còn đang ngần ngừ, thì chị Ba tôi mau miệng nói:

 

« Vay mượn cái gì… Hay là nhà dì có cái gì hay hay mang lại đây… đổi lấy bo bo nhà cháu! »

 

« Mẹ mày về thì sao? »

 

« Ối, dì đừng ngại, mẹ cháu đi cả tuần mới về. Với lại ở nhà, cái gì thì tùy tụi cháu lo lắng cả, dì cứ về ôm cái gì lại đây, cháu đổi cho, chừng đây bo bo dì ăn mệt nghỉ ».

 

« Tao có cái ổ gà đang ấp, con gà mái hoa mơ đang ấp một ổ trứng 16 trứng, ấp 10 ngày rồi, khoảng hai tuần lễ nữa sẽ nở ra gà con. »

 

Tụi tôi mừng khôn xiết, bảo dì:

 

« Ồ, vậy thì tụi cháu bằng lòng đổi, đổi gà ấp lấy bo bo, dì lấy bo bo, tụi cháu lấy ổ gà đang ấp. Hoan hô dì Trường, hoan hô! »

 

« Khẽ khẽ cái mồm chứ, suỵt, nói nhỏ thôi! »

 

Nói xong dì thoát ra cửa và nửa giờ sau dì khệ nệ hạ cái rổ có úp cái nón lá từ trên đầu xuống, dì cũng cẩn thận đóng cửa ra vào, rồi dậy tụi tôi, nào là mang nước đến, một cái bát nước nhỏ đặt bên ổ ấp, nào là một bát gạo hay bắp giã nhỏ cũng để bên ổ gà, ổ gà để nơi kín đáo, không ai thấy và không có gió lùa. Rồi dì sung sướng mang bọc bo bo đi.

 

Tụi tôi, 5 anh chị em cũng sung sướng ngồi quanh, ngắm cái ổ gà ấp. Ôi đây là một bà mẹ gà hoa mơ xinh đẹp và bà đang ấp ủ cái ổ trứng trìu mến quá.

 

Từ hôm có cái ổ gà ấp trong nhà, tụi tôi 5 anh chị em ít đi ra ngoài, có hôm có đứa trốn học không tới trường lớp, cô giáo chiều có ghé qua hỏi thăm biết tôi không đau ốm, cô yên tâm ra về. Cả ngày, mấy đứa tôi ngồi vây quanh cái ổ gà, con gà mẹ sung sướng biết là được cưng quý, thỉnh thoảng kêu cục cục rồi nghiêng đầu qua phải ngó anh Phương, chị Huyền, chán rồi lại nghiêng má qua trái nhìn Chương và Uyên âu yếm lắm. Tôi nghịch ngợm thò nhẹ tay vào ổ xoa xoa cái trứng bé nhỏ lộ ra. Bốp! Gà mẹ mổ vào cổ tay tôi một cái thật nhanh, đau điếng người, tôi rụt tay lại. Anh Chương, chị Uyên đồng thanh bảo:

 

« Út ơi, đừng đụng tay vô trứng của nó, nó bảo vệ con nó đó, một lần đau cho mầy tởn ».

 

Cả ngày và những ngày sau, chúng tôi cũng ít khi đi ra ngoài, chỉ ở nhà, ngồi xổm, vây quanh cái ổ gà ấp, bàn tán chỉ chỏ. Có những lần bác Trùm vào thăm chừng chúng tôi, nhưng chúng tôi đóng cửa cài then trong kín mít, gọi hoài không đứa nào trả lời, bác cậy được cửa sổ, hỏi vọng vào:

 

« Ô, chúng mày làm sao trong ấy vậy, bác gọi cửa không mở là sao? »

 

Chúng tôi đồng thanh trả lời bác, cũng cái kiểu nói láo như thần:

 

« Chúng cháu đang tập đóng cải lương, tuồng cải lương Lá Sầu Riêng. Bác vô đây, kỳ lắm, bác về đi! »

 

« Cải lương à, chúng mày mà biết đóng cải lương? Mở cửa mau tao coi! »

 

Thấy gay go quá, chị Uyên, chị thứ ba vội tiến ra cửa sổ thưa với bác Trùm:

 

« Tụi cháu không có ốm đau gì đâu mà bác lo, tụi cháu mạnh cùi cụi à, sáng nay tổ lương thực bán bánh mì thay gạo, tụi cháu ngốn bánh mì với chuối, no căng bụng rồi. Bác về đi, tụi cháu bận đóng tuồng Lá Sầu Riêng giống cô đào Kim Cương. Thiệt mà, bác mà vô tụi cháu mắc cỡ lắm ».

 

« Thôi được, chiều tao vô lại, tuồng với chẳng kịch, « sầu chung » còn đang chết dở đây, tụi mày làm tuồng « sầu riêng » mần chi. Chiều tao vô lại coi chừng nhe ».

 

Bác hăm he rồi cũng phải bỏ đi vì tụi tôi nhất định tử thủ không mở cửa, tụi tôi tự nấu cơm ăn rồi suốt ngày loay hoay xung quanh ổ gà ấp, sung sướng và thú vị nhìn những con gà đụng đụng cái vỏ trứng rồi thò cái đầu xinh xinh ra chào tụi tôi. Gà mẹ thì được tụi tôi mở cửa sau cho ra sân bếp hứng ánh sáng một đôi khi, cho khỏi cuồng cẳng. Nó đi loanh quanh qua chỗ rửa chén bát, leo lên bể nước kêu « cúc cúc » vài tiếng rồi lại trở về ổ.

 

Mấy ngày sau đàn con đẹp như những nắm xôi vò nhỏ nhỏ, xinh xinh đã cúc cúc theo gà mẹ đi loanh quanh trong nhà, anh chị em tôi dẹp gọn bàn, ghế, tủ, vô một bên cho gà mẹ gà con dắt díu nhau cúc cúc. Chúng tôi cứ thế ngắm nghía mẹ con nó hàng giờ, hàng giờ không chán mắt. Chúng tôi thay nhau bốc từng nắm gạo, mang giã nhỏ, vãi đầy ra nhà, mẹ con gà tiện đâu ăn ở đó, và chúng cũng phóng uế tùm lum. Thú vị nhất là khi có một tiếng động nhỏ, lũ gà con vội chạy lại núp gọn dưới bụng và đôi cánh của mẹ.

 

Không hiểu vì sao chuyến này mẹ tôi đi lâu thế, dễ đến hơn 10 ngày, mà anh chị em tôi có để ý gì đâu, cứ mải vui với gà mẹ gà con. Rồi thì mẹ cũng về. Hôm mẹ về, nghe đập cửa, chúng tôi cũng tưởng bác Trùm hay dì Trường, nên không mở cửa. Mãi sau nghe ra tiếng mẹ gọi, chị Huyền ra tháo then cài cửa:

 

« Ô mẹ, mẹ về, mẹ về! »

 

Mẹ tôi vào nhà, vừa ngồi xuống ghế, mẹ tôi nhìn dáo dác và kinh ngạc thấy một bầy gà mẹ gà con chạy lăng xăng khắp nhà:

 

« Ơ hay, gà ở đâu ra vậy? Tại sao các con lại nuôi gà ở đây? Ôi, nhà cửa gì mà dơ bẩn, kinh tởm quá? »

 

Mẹ tôi thất thần khi nghe chúng tôi kể lại chuyện mang bo bo đổi cho dì Trường ổ gà ấp. Chuyện lỡ rồi, bà chỉ biết lắc đầu:

 

« Con với cái, con với cái ».

 

Sau đó bà bắt chúng tôi mang gà mẹ gà con đi trả lại cho dì Trường, bà cũng ra lệnh là không được đòi lại bo bo. Chị em tôi buồn mất mấy ngày sau đó vì rất tiếc đàn gà. Rồi suốt hai ngày sau, bà bắt chị em tôi mang chăn, màn, chiếu, gối ra giặt, rồi lau nhà, nghĩa là tổng vệ sinh nơi ở. Bà luôn miệng lặp lại câu « Ghê quá! Ghê quá! Tao mà tìm ra cái chổi lông gà thì tụi bay sẽ ốm đòn, no đòn với tao » Tụi tôi tức và sụt sịt khóc… tiếc gà!

 

Tôi quên bẵng đi cái đàn gà con ấy cho tới ngày sang Mỹ này, nghĩa là ra ngoại quốc rồi. Một hôm tôi đi thăm trại ấp gà của chú tôi ở Atlanta, tôi thấy cả trăm, cả ngàn con gà trong trại gà ấp, tôi se sắt trong lòng nhớ những con gà con của tôi khi xưa. Tôi bần thần, hai má nóng ran. Ồ, sao gà con nó giống nhau thế, chắc hẳn có những con gà con của tôi lẫn lộn vô đây! Tôi điên rồi, gà của tôi đã mấy chục năm rồi mà, nhưng chúng đó, chúng như những nắm xôi di động, cũng đẹp như những nắm bông gòn! Rồi đèn ấp, sưởi ấm bật, tắt, bật, tắt… Hàng trăm con gà con chạy giạt qua, giạt lại tìm hơi ấm vì chúng không có gà mẹ. Ôi chao ôi, thân phận con gà cũng như con người, sinh ra đời không có mẹ thì khổ làm sao, bơ vơ và chơ vơ làm sao?

 

Nếu như khoa học có một ngày nào đó -- giả thử khoa học họ nổi điên -- họ làm clône ra những con người, những con người không cha không mẹ, những con người mồ côi và bơ vơ này, nhiều nhiều lắm, những con người do clône này sinh ra, thì người ta sẽ gọi họ là gì? Là người hay là gà?

 

Có khi nào clône ra người để cầm súng đi bắn giết nhau không? Khi người ta chiến đấu không vì tự do, không vì dân tộc, không vì quê hương… chỉ vì xâm lược, họ có phải là đều được clône ra không?

 

-- Chúc Thanh

(8/5/2022)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kanchanaburi là một tỉnh miền trung Thái Lan có biên giới chung với Miến Điện. Thủ phủ là thành phố cùng tên cách Bangkok 140km. Ở đây có cây cầu nổi tiếng xây dựng từ WWII, cầu sông Kwai...
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Nguyễn Hàn Chung...
thăng trầm lên xuống / như những bậc đá trên đồi xanh / tóc bay theo gió / mùa hạ êm đềm thắp lửa mặt trời / trong từng đôi mắt mong đợi / dõi cánh chim bay xa...
Ông bà Năm quê quán ở Thuận Hòa, Sóc Trăng, ông bà sinh cơ lập nghiệp cùng với và tiếp nối tổ phụ tổ mẫu nhiều đời ở quê. Họ yêu đồng ruộng, yêu vùng đất màu mỡ phù sa ruộng vườn gieo trồng thoải mái. Vậy mà sau ngày quốc nạn 30– 04– 1975, họ chật vật vì ruộng vườn, làm nhiều phải đóng thuế nhiều, làm ít thì bị tổ sản xuất phê bình kiểm thảo. Lúa mạ thiếu nước, thiếu thuốc trừ sâu, trồng tỉa khó khăn...
Trời nắng chang chang, thỉnh thoảng từng cơn gió bụi bốc lên bay rát cả mặt, dòng xe máy xình xịch chạy như mắc cửi trên đường. Hai bên lề đường có cả mấy mươi tiệm vịt quay, heo quay, những con vịt quay vàng ươm, có con thì da sậm màu hơi ngả nâu tất cả đều béo nhẫy mỡ, treo tòng teng trong tủ kiếng trông rất bắt mắt. Những con heo sữa quay vàng ruộm hoặc ngã màu cánh kiến, chủ tiệm còn gắn vào miệng nó một cái bông đỏ thắm...
Longwood Gardens là một “vườn hoa” không những nổi tiếng của Tiểu bang Pennsylvania mà còn là một trong vài vườn hoa nổi tiếng nhất của cả nước Mỹ...
Ở Mỹ người ta không ăn mỡ của động vật như heo, bò, gà vịt, vì sợ tăng cholesterol. Nếu ăn mỡ họ ăn bacon, thịt ba chỉ ướp muối. Họ chiên bacon cho giòn, ăn kèm với trứng chiên và bánh mì. Một món điểm tâm rất được nhiều người yêu thích. Tôi thích dùng mỡ nhưng chỉ dùng ở một vài món. Mỡ heo, tôi mua miếng dày, thái hạt lựu, thắng riu riu cho đến khi tóp mỡ héo lại, màu vàng nhạt ngả sang nâu. Tôi vớt tóp mỡ, để riêng ra cho khô và giòn, dùng để kho cá bống. Vì cất nhiều công, nên tôi rất quý tóp mỡ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.