Hôm nay,  

Không Quên Cái Cũ

16/10/200600:00:00(Xem: 3824)

Thúy Yên, người làng Đồng Khê, huyện Hải Nam, tỉnh Sơn Đông, làm nghề gánh mướn, nên sống đời cực nhọc. Mẹ là Viên thị, thấy vậy, mới nhân hôm trời trong gió mát, mà nói với chồng rằng:
- Người làm việc xấu đã quen, thì lúc đổi qua làm việc thiện, cũng phải mất một thời gian cho quen lề quen lối, thậm chí hết cả đời còn chưa quen được. Tính tình còn vậy. Hà huống công việc tay chân. Chỉ e đến lúc xuôi tay vẫn còn đang rách nát!
Viên ông nghe vợ nói vậy, liền trố mắt lên. Hỏi:
- Chồng vuông tròn bổn phận. Con lo phần hiếu để. Gia đình như vậy. Chưa… đã hay sao"
Viên thị cúi mặt nhìn xuống đất. Buồn bã nói rằng:
- Người nghèo thì bệnh nhiều. Con mình một nắng hai sương, nắng mưa dầu dãi, mà cơm chẳng đủ no. Lỡ một mai gặp mùa gió chướng, thì chẳng những hổng giữ được thân, mà còn khiến tui với ông rơi vào nơi túng thiếu!
Rồi đưa tay lên ôm lấy đầu mà thở. Viên ông thấy vậy, mới nhẹ nhàng phân giải đôi câu:
- Có tiền bạc chưa hẳn là giàu, nhưng có nhiều người bạn tốt mới được coi là giàu có. Con mình. Tuy không dám sánh với hạng quốc sắc thiên hương, nhưng nghĩa lễ đối với nhau cũng dư thừa ra đó.
Viên thị, len lén nhìn chồng, thấy cả một trời nghiêm nghị, bèn ấp úng nói:
- Đành là vậy, nhưng cũng nên có chút tiền để sửa soạn trước sau. Cho… đàng trai dễ ngó.
Ngày nọ, Thúy Yên trên đường trở về nhà, bất chợt gặp Lưu Văn là người cùng thôn xóm, bèn mau mau dừng lại. Sửng sốt nói:
- Trời đang chớm vào xuân. Nắng vàng tươi mát, mà chàng không lên rừng đốn củi, là cớ làm sao"
Lưu Văn cười tươi đáp:
- Ta và nàng. Quen nhau đã được mười hai tháng, nên nhân ngày kỷ niệm một năm, ta có chút quà tặng cho người tri kỷ.
Thúy Yên mặt bỗng đỏ lên. Thẹn thùng nói:
- Quà là chuyện nhỏ. Hiểu được nhau mới là chuyện lớn. Vả lại, chàng đốn củi bữa được bữa không. Sao lại có thể phung phí dễ dàng y như thế"
Lưu Văn lắc đầu một hơi mấy cái, rồi lần tay vào túi móc ra một cọng cỏ, mà hỏi rằng:
- Nàng có biết cỏ này tên gọi là gì chăng"
Thúy Yên mau mắn đáp:
- Cỏ thi. Mọc đầy đường đầy sá. Sao lại không biết"
Lưu Văn lại hỏi:
- Thế nàng có biết ý nghĩa của nó như thế nào không"
Thúy Yên ngẫm nghĩ một chút, rồi lắc đầu đáp:
- Thiếp biết thêu thùa may vá, cọng chút nấu ăn. Chớ ý nghĩa ý ngung chẳng hiểu chút nào hết cả!
Lúc ấy, Lưu Văn mới đưa tay vuốt tóc một cái, mà nói rằng:
- Cỏ thi thân tròn, ruột vuông, tượng trưng cho điều tốt lành. Lá nhỏ mà dài, cạnh lại sắc, mang ý nghĩa sẵn sàng xông vào nơi sương gió, thoát đặng khó khăn. Hoa thơm mà trắng, tượng trưng cho những gì cao đẹp. Cho nên có nhiều người hay dùng cuống cỏ để bói dịch, gọi là bói cỏ thi. Nói chung, cỏ thi mang lại những điều tích cực, hay ho, dễ làm cho lòng người ta nẩy sinh điều khoan khoái.
Đoạn, cẩn thận lôi một vật từ cái bọc đeo ở trước bụng ra, mà nói rằng:
- Trước kia được mỹ nhân để ý đến, lòng luống cảm động. Tự nghĩ tài mọn không xứng đáng, chẳng dám nhào dzô. Nào dè cái tình nhã ý, quyến luyến không quên, nên mạo muội lấy cỏ thi làm chiếc trâm này. Những mong đáp lại chút cơ duyên ông Trời cho gặp - xem như chút của làm tin - để nhớ đến nhau dù tử biệt sinh ly. Hai hồn thăng hai hướng.
Đoạn, tự tay cài chiếc trâm bằng cỏ thi lên búi tóc của Thúy Yên. Yên cảm động nói:
- Với ân tình của chàng, thiếp nguyện hồn chôn bụng cá. Xương gởi lòng sông. Quyết không viết chữ phu thê với… thằng nào hết cả.
Năm sau, loạn lạc chiến tranh, khiến việc đi lại bán buôn không còn thuận lợi, nên Thúy Yên không còn gánh mướn được nữa, bèn chuyển sang nghề gặt thuê, đặng có chút bạc ra vô mà lo phần báo hiếu.
Ngày nọ, Đức Khổng Tử có dịp đi ngang đất Đồng Khê, bỗng thấy một thiếu nữ đứng khóc nỉ non ở bờ đầm, bèn liếc nhìn đám môn sinh. Ngạc nhiên nói:
- Trên thì mây trắng nhẹ bay. Dưới ao hồ phẳng lặng, mà rơi lệ kiểu này. Thiệt khiến cho người ta phải ngậm ngùi tê tái. Chẳng hiểu tại sao"
Rồi mạnh miệng hỏi:
-Các ngươi thường cho mình là người trí thức. Trên thông hiểu thiên văn, dưới am tường địa lý, giữa biết đặng lòng nguời. Ta hỏi các ngươi. Vì cớ gì mà cô ấy khóc"
Lúc ấy, có thầy Tử Lộ bước ra, đáp:
- Khóc ở chỗ thiên nhiên, là tại vì không khóc trong nhà được. Không khóc trong nhà được, là tại vì sợ mẹ chồng… chơi tiếp. Có phải vậy chăng"
Thầy Mạnh Tử vội bước lên trước một bước. Tay xua lịa xua lia, lớn tiếng nói:
- Con gái muốn khóc lúc nào cũng được. Vui cũng khóc. Buồn cũng khóc. Không có chuyện gì cũng khóc cho bớt phần… tẻ nhạt, nên chi cô ấy khóc là chỉ vì muốn khóc đó thôi. Chớ thực ra chẳng có nguyên do gì hết cả.


Rồi đám môn sinh nhao nhao như bầy ong vỡ tổ. Đám thì đồng ý với thầy Tử Lộ. Nhóm lại cho là Mạnh Tử hiểu tâm lý phụ nữ hơn, khiến chốn mông quạnh đồng không bỗng ồn lên như cái chợ. Lúc ấy, có Tử Tiện là môn sinh đang đứng gần Đức Khổng Tử, vòng tay nói:
- Theo ý của thầy, thì phải hiểu làm sao"
Khổng Tử chợt xoay người lại, cho gió thổi… râu lên. Từ tốn đáp:
- Trời cho mình một cái miệng, hai cái tai, là để nghe nhiều hơn nói. Lại nữa, để hiểu rõ một người, không phải chỉ dựa vào đôi câu nói mà kết luận được - lại càng không thể áp đặt cái chủ quan của mình lên thân phận người ta - rồi tùy tiện xét đoán. Thế cho nên, Thánh nhân mới dạy rằng: Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm. Các ngươi chỉ dựa vào vài giọt lệ của người ta - mà lên án mẹ chồng - thì thiệt là đáng trách!
Tử Tiện vểnh tai lên chờ đợi, những mong thầy vén màn che phủ, đặng thấm được điều hay. Nào dè thầy lạng tới lách lui chẳng ăn thua cái… mụ nội gì hết cả, bèn bực bội ngang hông. Tức tốc nói:
- Vậy chúng con phải hiểu làm sao"
Khổng Tử chậm rãi đáp:
- Trời cho ta cái miệng. Không biết thì hỏi. Chớ ở đây đoán mò. Trúng đặng hay sao"
Đoạn, dẫn đám học trò tới bờ đầm, rồi sai Tử Tiện đến hỏi. Tử Tiện nghe thầy bảo vậy, vừa đi vừa tự nhủ lấy thân:
- Lãnh đạo là phải sợ… trách nhiệm. Thiệt là đúng lắm!
Rồi đến gần bên thiếu nữ, mà nói rằng:
- Khung cảnh trữ tình. Khí trời mát mẻ, mà lại không người thổ lộ. Chẳng tội lắm ư"
Thiếu nữ nức nỡ đáp:
- Có những cái trông thật tầm thường, nhưng khi lỡ mất đi, mới biết được sức nặng như ngàn cân rơi xuống!
Tử Tiện nghe vậy bỗng động mối từ tâm. Tha thiết nói:
- Thầy ta quen nhiều, giao thiệp rộng, lại xiển dương Đạo Thánh Hiền. Ta nghĩ: Có khúc mắc gì nàng cứ tỏ bày ra, đặng biết đâu sẽ được thầy dang tay cứu vớt.
Thiếu nữ càng khóc to hơn, rồi vật vã. Nước mắt tràn tuôn như suối. Tử Tiện thấy vậy, mới mủi dạ nói rằng:
- Phải chỉ cho người ta biết mình ngứa chỗ nào, mới biết mà gãi. Có phải vậy chăng"
Thiếu nữ kéo vạt áo lau đôi dòng lệ, rồi nặng nhọc nói:
- Thiếp đi cắt cỏ. Chẳng may đánh mất chiếc trâm cài đầu bằng cỏ thi, nên tiếc thương mà khóc.
Tử Tiện giật bắn cả người như bị điện giựt. Mau chóng nói:
- Cỏ thi đầy đồng. Mất cái này thì chơi cái khác. Nào đã tốn chi. Sao lại bi thương nhiều như thế"
Thiếu nữ ấp úng đáp:
- Không phải vì mất cái trâm bằng cỏ thi mà thiếp khóc. Thiếp sở dĩ khóc, là vì thương tiếc một vật cũ dùng đã lâu, mà ngày nay không sao tìm lại được, nên không nén được nỗi bi ai. Sầu thương bay tới!
Tử Tiện nghe thiếu nữ nói vậy, ngạc nhiên đến cùng cực, buột miệng nói:
- Ta nhìn phong cách của nàng, không phải là dân chơi… đồ cổ. Sao lại tiếc thương" Lại nữa, theo lẽ tự nhiên, cái gì cũ cũng đi vào hư mất. Huống chi là cọng cỏ thi. Sao có thể khiến nàng khóc lóc nhiều như thế"
Thiếu nữ bỗng dõi mắt nhìn trời hiu quạnh, rồi lẩm bẩm nói:
- Có bịnh thì phải kiếm thuốc trước. Dù chỉ một chút hy vọng cũng nắm chặt không buông. Bịnh xác thân còn vậy, huống hồ là tâm bệnh. Tâm bệnh thì cần tâm dược để chữa trị. Tâm dược của ta là cây trâm bằng cỏ thi. Thằng cha này - tưởng đâu mắt mình sáng lắm - bày đặt lên giọng thầy đời. Xét cho cùng thì cũng y hệt thế nhân. Chẳng có gì sáng suốt!
Rồi ngoe nguẩy bỏ đi. Tử Tiện thấy vậy, liền chạy lại bên thầy. Lẹ miệng nói:
- Cô ấy mất cái trâm cũ, làm bằng cỏ thi, mà khóc lóc thảm thương như phụ mẫu song thân về nơi gió cát. Thiệt là không phải!
Đoạn, đem mọi lời đối đáp ra mà nói lại. Khổng Tử khi nghe xong, liền kiếm một gốc cây cổ thụ ngồi xuống cho mát, rồi hướng về đám môn sinh. Chậm rãi nói rằng:
- Cái gì đã là của mình. Mình có bụng yêu, mà lỡ rơi mất, thì về sau dù có được cái giống như thế, cũng không thể thích bằng. Lại nữa, lỡ hôm nào đẹp trời, gặp kẻ có cái giống như thứ mình mất, sinh ra chạnh lòng, nên buông lời ta thán, thương tiếc nỉ non. Tại sao vậy" Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá mua mà thôi, lại hình như còn một phần tâm hồn của mình hay của người tặng cho mình nằm trong đó nữa…
Rồi ngừng lại để thở. Chợt thầy Tử Lộ bước ra. Trịnh trọng nói:
- Thưa thầy! Bây giờ mất cái cũ. Lỡ ít hôm dzớt được cái ngon lành hơn, thì có nên… ôm cái cũ mà rời xa cái mới"
Khổng Tử chưa kịp trả lời, bỗng thầy Mạnh Tử bước ra. Khẳng khái đáp:
- Ai cũng chuộng cái cũ. Xã hội mần răng tiến" Xã hội không tiến, thì coi như là lùi. Một khi xã hội lùi, thì còn sướng được hay sao"
Tử Tiện nghe vậy liền xụ mặt xuống, mà bảo dạ rằng:
- Vợ thường hay than thở: Giường chõng thì rung rinh. Niêu nồi thì gãy gọng, nên ta van vái cậu bà cho… đầu đuôi mau trúng, đặng hiền thê bớt nhọc. Chớ có đâu vì chút kỹ niệm đã qua - mà chọn lựa kiểu này - thì trước là lỗi đạo phu thê, sau với bản thân cũng mang nhiều sai sót!

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.