Hôm nay,  

Đọc “lớn Lên Với Đất Nước”

07/06/200600:00:00(Xem: 4002)

Không ai có thể lớn lên nếu người đó không biết ước mơ.

Tác giả Vy Thanh Lớn Lên Với Đất Nước. Vy Thanh có những ước mơ với đất nước.

Nhận được cuốn sách Vy Thanh gởi tặng, tôi lật nhanh nhiều trang sách, tìm xem Đất Nước trong Ước Mơ của Vy Thanh ra sao.

“Ngày đó trên đất nước tôi...

Giống như ở các quốc gia Đông Âu. Nhân dân đã mở hội ăn mừng một ngày lịch sử khi người nước ngoài đem mô hình xã hội chủ nghĩa áp đặt lên đất nước họ hoàn toàn sụp đổ.

Một ngày giống như vậy được ghi trên lịch sử Việt Nam. Thảm họa giặc cờ đỏ chấm dứt. Các quốc gia lân bang mừng lây, không còn ám ảnh bị ý thức hệ đô hộ.

Một chính phủ được dân cả nước tôi bầu thành hình. Chính phủ không còn là công cụ của một  giai cấp chuyên chính. Ba thứ quyền trong nước làm việc độc lập nhằm một mục đích: dân sống ấm no, sinh hoạt sản xuất mua bán, truyền đạt thông tin, tự do tín ngưỡng được bảo vệ.

Vào những ngày đó. . .

Trên hai miền đất nước tiếng cười của thế hệ tương lai vang trong trường học. Những nét mặt héo mòn, những thân thể gầy guộc xanh xao chẳng thấy như khi xưa. Người dân nước tôi bấy giờ không ốm thấp như tôi hồi còn nhỏ.. . .

Ngày đó dân nước tôi đã lớn lên trong tự do, sống hạnh phúc. Nước tôi không còn chịu ảnh hưởng một ý thức hệ nào hay lệ thuộc vào những tay buôn toàn cầu.

Sau cơn hôn mê kéo dài hơn 30 năm, thành phố Sàigòn tỉnh dậy. Đất nước tôi chuyển mình, vươn lên từ đó. Sàigòn trở thành thủ đô của Việt Nam. Dân Việt tự hào với chủ quyền. Từ ‘độc lập’ bấy giờ mới thật.” (Xem trang 391-392).

Ước mơ của Vy Thanh đơn giản, hiền hòa, đầy tình thương như chính Vy Thanh, như chính những người dân miệt đồng bằng sông Cửu.

Nhưng sao cho tới bây giờ ước mơ đơn giản đó vẫn như còn xa vời quá. Từ một cậu bé 12 tuổi, Vy Thanh đến nay đã quá tuổi “cổ lai hi” mà đất nước vẫn èo uột. Trong đau xót này Vy Thanh viết Lớn Lên Với Đất Nước.

Tác phẩm gồm 10 Chương và phần Chú Thích, cả thảy 753 trang khổ lớn (23.0cm). Để có một cái nhìn chung, chúng ta thử lược phác tóm tắt.

Chương 1. Việt Minh và quân Nhật ở Cần Thơ trước năm 1945.

Chương 2. Việt Minh cướp chính quyền, sát hại Hòa Hảo. Tiêu thổ kháng chiến.

Chương 3. Người Pháp trở lại Cầnthơ. Việt Minh lùa dân tản cư. Tác giả về sống trong đồng ruộng. Tòa án Nhân dân. Cải cách Ruộng đất trong vùng Việt Minh kiểm soát thuộc Hậu giang.

Chương 4. Hồi cư. Việt Minh khủng bố dân cả ở ngoài thành và trong bưng.

Chương 5. Liên hệ giữa hai vùng. Việt Minh hoạt động nội thành, chuẩn bi tổng phản công. Tưởng niệm trò Trần văn Ơn. Trường Collège de Cần Thơ đóng cửa. Tác giả ra bưng theo Việt Minh.

Chương 6. Cuộc đời mới của tác giả đi học làm người giữa những dân quê chất phác và những cán bộ quỷ quyệt, hủ hóa.

Chương 7. Các sinh hoạt, công tác, học hỏi của tác giả trong vùng Việt Minh.

Chương 8. Tác giả tiếp tục công tác và nhận xét về tình đồng bào, lòng yêu nước của một số cán bộ, bộ đội.

Chương 9. Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Tác giả thay đổi cái nhìn về kháng chiến. Công tác trí vận nội thành. Về Sàigòn đi học. Được học bổng đi Mỹ.

Chương 10. Về nước hoạt động giáo dục, đặc biệt tại Viện Đại học Cần Thơ. Gặp lại một vài đồng chí cũ. Vượt biên.

Câu chuyện 10 chương sách trên đã được giới hạn trong vùng hữu ngạn sông Hậu với những người dân quê chân thật, bền bỉ và can đảm. Những người dân này hòa hợp với Đất Nước như “những củ súng đâm rễ dưới bùn sinh ra bông tím nở đầy trên lung, như cây lúa chuyển đất mầu cho gié sinh ra nhiều hột vàng hực.” (Xem Lời Nói Đầu, trang xii).

Trong câu chuyện, gần như không có nhân danh hay địa danh lịch sử. Cũng không có những bài học lịch sử. Ở đây chỉ có những Bác Mười, anh Chín, thằng Nhẫn, anh Bân, anh Đức, chị Mười, chị Tươi, v.v. Họ sống với nhau, lo cho nhau thật tự nhiên và tình nghĩa. Ấy thế mà cả một giai đoạn lịch sử qua 3, 4 thế hệ, qua nhiều giai đoạn chính trị, từ Pháp thuộc, Nhật thuộc, chiến tranh thuộc địa Việt Pháp, chiến tranh ủy nhiệm và ý thức hệ đã được viết ra. Chúng ta đừng đòi hỏi tác giả khi viết về Đất Nước phải bao chùm cho đủ toàn cõi 3 miền từ Nam tới Bắc Việt Nam. Tác giả chỉ viết về một phần đất, một số người như là một thành phần của tất cả tập thể. Chỉ một vùng đất và nhóm dân miệt Hậu giang, nhưng tác giả đã nói hết câu chuyện của cả Đất Nước. . . Câu chuyện của “những củ súng, những cây lúa” đã và đang bị người ngoại lai, chủ thuyết xa lạ tới dày xéo không cho “đâm rễ nở hoa,” không cho “chuyển đất mầu cho gié sinh nhiều hột vàng hực.” Trong hoàn cảnh đó tác giả đã sống, trôi nổi cho đến khi hoàn toàn thất vọng.

Có thể chúng ta sẽ hỏi tại sao tác giả không nói đến Đất Nước trong khoảng thời gian từ 1958 tới 1964.

Câu chuyện được kể ra dưới dạng một tự truyện mà các chi tiết phải xuất phát từ những gì tai nghe mắt thấy. Những năm ấy tác giả không có mặt tại Việt Nam. Tự truyện lúc này gồm các sinh hoạt học hành của tác giả ở Hoa kỳ. Nhưng đây, ngay năm 1964 khi về nước, tác giả đã trở lại  miệt Hậu giang, sống với Cầnthơ, Rạchgiá,... Viện Đại học Cầnthơ, các nhân sĩ, các sinh viên trong tỉnh, Tết Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ... Tác giả còn gặp lại một vài bạn cùng chí hướng cũ trong quê. Nhưng “củ súng, cây lúa đã bị bứng rễ” rồi! Trong số những tai họa của Đất Nước, theo tác giả, có lẽ đây là tai họa đáng buồn nhất. Những thất vọng chồng chất, những biến cố đột xuất dồn dập đã biến đổi người dân Hậu giang. Năm 1975 tác giả ở trong dòng người vượt biển, liều chết ra khơi tìm đất tạm dung và mơ một ngày mai tốt lành cho Đất Nước...

Tác giả Vy Thanh là một nhà giáo rất quan tâm về giáo dục cho giới trẻ. Ông ao ước được làm “cây lúa chuyển đất mầu cho gié sinh ra nhiều hột vàng hực.” Tuổi trẻ của ông đã biết đủ mùi bất hạnh. Ông muốn những “củ súng được đâm rễ dưới bùn sinh ra bông tím nở đầy trên lung.” Ông viết tự truyện không phải vì, như nhiều người viết tự truyện khác, muốn giải tỏa một căn bệnh tâm lý.

Vy Thanh chưa bao giờ làm lịch sử, ông chỉ lao đao trong lịch sử, và không có ẩn ức nào để giải tỏa hoặc có những sai lầm đã làm để cải chánh... Vy Thanh viết tự truyện chỉ để nhắc lại một giai đoạn lịch sử. Lịch sử có nhiều điều để nói với hiện tại, giúp cho hiện tại biết tìm cách tự sửa đổi sao cho tương lai tránh được những sai lầm cũ. Sau Đệ Nhất Thế Chiến người ta đã nhìn ra sự cần thiết phải tái lập một nên giáo dục sao cho cá nhân có khả năng chấm dứt chiến tranh và biết tổ chức một thế giới tốt hơn bằng sự hiểu biết lẫn nhau.(1) Một trong những điều hiếm hoi khiến ta phân biệt được người với cầm thú là con người biết rằng nó có một lịch sử. Con người bị thúc dục bởi bản năng phải thấu triệt lịch sử đó, lịch sử của giống loài, của gia đình và của xứ sở.(2) Vy Thanh viết tự truyện với nhiều nét của văn hóa, của phong tục hòa hợp với nhau. Trong suốt cuốn sách, gần như chỗ nào cũng thấy có những nếp sống đồng ruộng, những mối liên hệ gia đình làng xóm, những câu nói dân gian, những vui buồn, lo toan, những bữa ăn thanh đạm thân tình, những giấc ngũ. . . của những người dân miệt vườn Hậu giang. Chẳng cần phải là người miệt Hậu giang, đọc Vy Thanh tả cảnh hai chiếc xuồng cặp kè trên kinh Thác Lác, dưới ánh trăng, để hai bên trai gái trao đổi những câu “Hò. .ơ. ơ. ơ...“ dân dã nên thơ, ít ai mà không mềm lòng rung cảm.

Có phải Vy Thanh đang pha trộn Nhân Loại Lịch sử Học (Anthropologie historique) với Lịch sử Văn hóa (Histoire culturelle) và với Lịch sử của các Trình diễn (Histoire des Représentations) khi viết tự truyện"

Trong Lớn Lên Với Đất Nước tác giả nhận ra những sử tính trên các dấu vết và chứng tích (les traces et les indices) từ những người dân dả với cuộc sống hàng ngày của họ. Tác giả khám phá ra những tiết lộ đủ để dựng lại những mẫu người của một vùng, của một thời mà chính sử cũng ít nói tới. Tác giả đi vào những cảm tính, những xúc động (les sensibilités et les émotions) trong nếp sống hàng ngày để phối hợp những con người với văn hoá và với những biểu tượng trình diễn. Chính trên bản thân của tác giả trong tự truyện người ta cũng thấy lịch sử diễn biến qua một “khán giả mới” xuất hiện.

Từ một thiếu niên hăng hái nhập cuộc kháng chiến, tác giả biến thành khán giả và nhìn ra mình “đi kháng chiến giống như thấy người ta đi coi hát bóng thả giàn, mình cũng chạy theo, vô rạp.” (Xem trang 234). Khán giả còn “thấy thương dân quá. Họ chiến đấu với Pháp giành lại độc lập tự do đặng có cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc đâu chẳng thấy, chỉ thấy bất hạnh ngay từ tháng Tám năm nào.” (Xem trang 232). Có lúc khán giả còn nghe như có tiếng nói của người sống lẫn người chết thở dài: “Chúng nó toàn là tuị nói láo, lợi dụng lòng yêu nước của dân, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc.” (Xem trang 304). Thất vọng cứ thế chồng chất cho đến ngày toàn thể Miền Nam rơi vào tay Cộng sản!

Dù Vy Thanh nhìn và viết câu chuyện bằng phương pháp sử học nào, với tác phẩm Lớn Lên Với Đất Nước, ông đang kéo người đọc hiện tại tới với lịch sử miệt Hậu giang, “lịch sử của một thành phần nhưng đồng nhất với toàn thể Đất Nước” để thấu hiểu, để yêu mến nó và để cùng nhau đem Đất Nước trong Ước Mơ thành hiện thực.

Brossard, 25 tháng 4 năm 2006

Đ.B. Ai

NOTES:

(1) Xem Le Dictionnaire des Sciences Humaines, Éditions Sciences Humaines, 2004. Paris: Presse universitaire de France, “Éducation nouvelle,” trang 180.

(2) Xem trả lời của Giáo su Alain Corbin đăng trong Sciences Humaines, no 93, avril 1999.

Alain Corbin là Professeur tại Sorbonne (Paris) và tại Institut Universitaire de France.

(LTS: Tác giả Vy Thanh đã mở một trang web riêng -- kính mời độc giả, thân hữu vào để mua sách Lớn Lên Với Đất Nước của Vy Thanh: http://vythanh.blogspot.com)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.