Hôm nay,  

Bạch Thủy...bạch Cung

17/01/200200:00:00(Xem: 3538)
Trong khi chiến tranh Afghanistan giảm bớt tính sôi động, giới truyền thông Mỹ chú ý đến một cuộc chiến khác ngay trong nước. Đó là cuộc chiến chống kinh tế suy thoái và trong tình hình này, vụ phá sản của Enron nổi bật. Đại công ty tổ hợp Enron trước vẫn thường tự khoe như một giai thoại về chuyện làm giầu mau lẹ nhất thế giới, nay nó là hình ảnh phá sản thê thảm của một cuộc kinh doanh lớn hàng đầu. Enron xuất hiện năm 1985, khi công ty Khí đốt Houston (Texas) nhập với công ty InterNorth (Omaha), vào lúc đó mỗi cổ phần của Enron trị giá chỉ có 3.12 đô la. Từ giữa thập niên 80, Enron phát triển mạnh, mở rộng thành một đại tổ hợp các công ty có thị trường rộng lớn trên khắp thế giới gồm mọi dạng năng lượng, đặc biệt là xăng dầu, công ty khai thác điện nước khí đốt, giao thông viễn liên, và các dịch vụ tài chính.

Thời cực thịnh của nó cũng là thời kinh tế Mỹ nở rộ 1996-2001. Vào đầu năm 2001, khi Bạch Cung đổi chủ, cổ phiếu của Enron đã vọt lên đến 86.85 Mỹ kim. Năm 2000, thu nhập của nó là 101 tỷ đô-la và báo Fortune chuyên đề kinh tài ghi Enron đứng hàng thứ 7 trong số các đại công ty đại tổ hợp mạnh nhất nước Mỹ. Vậy mà chỉ trong vài tháng trời, khi Enron xin phá sản vào tháng 12-01, cổ phần Enron tụt xuống còn 67 xu Mỹ. Sau khi Tổng Thống George W. Bush lên cầm quyền, kinh tế Mỹ tiếp tục đi xuống, dường như cái chu kỳ suy thịnh đã bắt đầu quay ngược trở lại, và sau vụ khủng bố tấn công ngày 11-9-01, người ta đã nói đến chữ "suy thoái". Đây là tình trạng chung của các công ty kinh doanh lớn nhỏ ở Mỹ, nhưng báo Mỹ lại chú ý đến Enron là vì hai lý do. Enron tụt quá mau và Enron đã dính khá sâu đến chính trường.

Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ đã đặt thẳng câu hỏi: kinh doanh thất bại hay "xì-căng-đan" đây" Trong nhũng ngày vừa qua, người ta đã biết nhiều chuyện kỳ lạ. Theo tin AP, vào khoảng tháng 8 năm 2001, tức là chỉ 4 tháng trước khi Enron khai phá sản, một phó chủ tịch của đại tổ hợp này là bà Sherron Watkins, phụ trách phát triển tổ hợp, đã viết tờ trình cho Chủ tịch Enron, Kenneth Lay, cảnh giác lối làm ăn liều lĩnh của Enron có thể làm đại công ty này sụp đổ, vì người dân thường bên ngoài có thể cho rằng Enron cố ý che giấu sự thua lỗ. Tờ trình không được trả lời, trước đó Lay đã công bố cho toàn thể công nhân viên tổ hợp 20,000 người, cho họ thấy công ty đang đi lên và phát triển mạnh. Cố nhiên phải làm cho công nhân viên tin là công ty còn mạnh để họ khỏi sợ hãi bán tốc bán tháo cổ phần của họ làm sụt giá mạnh thêm. Chuyện lạ nữa là theo CNN, 29 cấp lãnh đạo của Enron đã bán đi số cổ phần riêng của họ trị giá lên đến 1.1 tỷ đô-la, trong một thời điểm mà - theo sự nhìn nhận của họ lúc này - họ đã tự "bơm" trội lên 600 triệu đô-la về tiền lời và trội hơn 1.1 tỷ đô-la về trị giá tài sản và cổ phiếu của Enron. Chính vì thế các người có cổ phiếu Enron, kể cả một số nhân viên đã muớn luật sự kiện công ty vì phần lớn số tiền quỹ 401 (k) - tiền để dành trừ trước vào lương - đầu tư vào Enron nay đã không cánh mà bay. Khi công ty phá sản, việc làm của họ mất mà cả tiền để dành cả đời của họ cũng biến luôn.

Về chuyện đầu tư chính trị, Enron là một trong những công ty "bơm tiền" cho các nhân vật chính trị ra tranh cử vào Bạch Cung và Quốc hội. Theo những con số mới nhất, riêng từ năm 1989 đến 2001, Enron đã góp tổng cộng 5.8 triệu đô-la cho hai đảng, nhưng phần dành cho đảng Cộng Hòa vẫn nhiều hơn. Enron là nguồn tài trợ cho George W. Bush trong hai lần tranh cử Thống đốc Tiểu bang Texas và tranh cử Tổng Thống. Kenneth Lay, chủ tịch Enron là bạn thân của Bush và là một trong những nguời quyên tặng nhiều nhất cho Bush. Một số những nhân vật trong chính quyền Bush hiện nay, trước đây đã từng giữ những chức vụ quan trọng của Enron hoặc có nhiều cổ phiếu trong đại công ty tổ hợp này. Thomas White đã là Phó Chủ tịch Enron cho đến ngày ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Lục quân. Robert Zoellick, Đại diện Thương mại Mỹ đã từng làm việc trong Hội đồng Cố vấn Enron. Lawrence Lindsey, kinh tế gia hàng đầu của Bush đã từng là tham vấn của Enron. Karl Rove, cố vấn chính trị của Tổng Thống đã tham dự những cuộc họp hoạch định chính sách về năng lượng, cùng lúc đó ông bán những cổ phần Enron ông có.

Báo chí Mỹ loan tin trước khi khai phá sản, các nhân vật lãnh đạo Enron đã nhiều lần gặp gỡ hay điện đàm với các giới chức cấp cao của chính phủ Bush như bộ Tài Chính, bộ Thương Mại và bộ Năng Lượng. Khi lâm nguy, người ta cầu cứu đến "bồ nhà" là chuyện tất nhiên. Chớ không lẽ người ta "đầu tư" để mà chơi hay để mất cả vốn lẫn lời. Phát ngôn nhân Bạch Cung nói họ xin giúp đỡ, nhưng không có ai chịu giúp. Lại có chuyện động trời là Công ty Kiểm toán của Enron đã phá hủy một số tài liệu liên quan đến tài chính của công ty. Vụ án Enron làm người ta nhớ đến cái họa Bill Clinton đã mắc phải khi còn làm Thống Đốc Tiểu bang Arkansas với công ty địạ ốc White Water (Bạch Thủy). Nhưng White Water chỉ là một công ty cò con tỉnh lẻ, sự phá sản chẳng làm thiệt hại đến ai. Còn vụ Enron khiến hàng chục ngàn công nhân mất việc và mất luôn cả tương lai của họ.

Báo chí và TV Mỹ ưa khôi hài đã bắt đầu nhái chữ White Water thành White House Water (Bạch Cung Thủy). Tôi thấy còn quá sớm, vì tất cả còn tùy thuộc cuộc điều tra xem có gì sai trái không. Hiện nay có 6 Ủy ban Thượng viện, 2 Ủy ban Hạ Viện và Ủy Hội Chứng khoán đang điều tra vụ Enron. Một số nhân vật chính quyền và Quốc hội đã tự ý rút ra khỏi nhiệm vụ điều tra vì đã nhận tiền tranh cử của Enron. John Ashcroft, bộ trưởng Tư pháp, một phụ tá cao cấp và Văn phòng Công tố Houston, Texas, cũng đã rút khỏi ban điều tra bộ Tư pháp, vì nguyên tắc pháp lý "xung đột quyền lợi". Theo dõi vụ Enron cũng là chuyện thú vị bên lề cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.