Hôm nay,  

Tiến Vào Mắt Bão

13/04/200200:00:00(Xem: 4320)
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã họp với Thủ tướng Israel Ariel Sharon nhưng không đạt được một thỏa hiệp nào về lịch trình rút quân của Israel. Liền sau đó, một quả bom tự sát đã nổ ở khu chợ Jerusalem, ít nhất 6 người chết và 62 người bị thương. Nhóm Al-Aqsa đã nhận trách nhiệm đánh bom này. Colin đến Jerusalem cùng ngày. Ông đã tiến vào đúng mắt cơn bão máu đang hoành hoành dữ dội.

Làm thế nào cho Israel rút quân trong khi bom tự sát vẫn nổ" Câu hỏi thật khó trả lời. Colin sẽ gặp lãnh tụ Palestine Yasser Arafat vào ngày thứ bẩy. Khi ông ghé qua Jordan vào sáng thứ năm, quân đội Israel đã tiến vào hai thành phố nữa của Palestine, sau khi rút ra khỏi 24 làng nhỏ và không có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ không trở lại những nơi đã rút. Cùng lúc đó Sharon nói với Mỹ cuộc tấn công sẽ tiếp tục cho đến khi tiêu diệt hết dân quân Palestine và bọn khủng bố. Sharon bất chấp áp lực của Mỹ đòi rút quân và còn đang chuẩn bị mở mặt trận mới nghiêm trọng hơn. Sau những vụ pháo kích của du kích Hezbollaz từ Lebanon đánh qua, rất có thể Israel sẽ phải đánh chiếm miền Nam Lebanon như mấy năm trước và còn muốn với tay qua Cao nguyên Golan tới Syria vì nước này là căn cứ xuất phát du kích Hezbollaz. Để chữa đám cháy đang lan rộng, việc ông "lính cứu hỏa" Mỹ cần phải làm ngay là dập tắt ngọn lửa từ gốc, nghĩa là tạo được ngừng bắn giữa Israel và Palestine. Nhưng làm thế nào dứt được cái ác tuần hoàn tấn công và đánh bom tự sát" Tất nhiên phải có một bên chịu ngừng trước. Mỹ sẽ ép buộc Israel phải ngưng tấn công và rút quân thật mau lẹ chăng"

Nhưng nếu Israel không chịu, Mỹ làm gì được" Mỹ sẽ lên án, tố cáo và trừng phạt chăng" Chắc chắn Mỹ sẽ không làm như vậy. Bởi vì Sharon đang làm một việc mà chính Tổng Thống Bush cũng đang làm và thề quyết làm cho bằng được. Đó là đánh khủng bố ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Mỹ đã đem quân đến tận Afghanistan để đánh khủng bố. Bây giờ Israel đem quân đến Tây ngạn để diệt trừ những tổ chức đánh bom tự sát, tại sao Mỹ ngăn cản và Mỹ lấy quyền gì để ngăn cản" Mỹ chỉ có thể cản tay Israel sau khi tuyên bố rõ ràng "đánh bom tự sát" không phải là đánh "bom phi cơ tự sát", chớ không thể có lập trường hàng hai để rồi du di tùy hứng. Có lẽ vì vậy nên khi Powell đặt chân đến Israel, phát ngôn nhân Bạch Cung Ari Fleischer lên tiếng ghi nhận sự "rút quân đã có" (tức là đã rút khỏi 24 làng), nhưng không hề lên tiếng phản đối sự rút quân câu giờ của Israel. Quả bom tự sát Haifa đã giúp Sharon có lý do để vừa kéo dài vừa đánh mạnh thêm. Và Palestine đã có bom tự sát thêm để trả lời cuộc họp Powell-Sharon.

Vấn đề đặt ra cho Powell là làm thế nào có ngừng bắn trong hoàn cảnh này. Giải pháp duy nhất cũng là điều thông thường nhất. Đó là hai bên cùng làm chớ không phải chỉ có một bên làm. Mỗi bên đều phải "làm bổn phận" của phần mình mới có ngừng bắn. Tổng Thống Bush đã yêu cầu Israel rút quân, vậy ông yêu cầu phía Palestine điều gì" Ông không đòi Palestine phải tuyên bố rõ ràng là ngưng đánh bom tự sát, nhưng yêu cầu Arafat phải công khai và chính thức "bằng tiếng Ả rập lên án khủng bố". Đây mới thực là mục tiêu tối hậu của Mỹ. Nhưng con đường tiến đến mục tiêu này không phải dễ. Đó là một con đường vòng vo, vừa mở vừa ép.

Không đòi Arafat phải tuyên bố ngưng đánh bom tự sát mà chỉ đòi một lời tuyên bố lên án khủng bố. Đó là mở đường, không dồn đến thế kẹt. Arafat không thể ra lệnh ngưng đánh bom tự sát, vì làm như vậy là gián tiếp nhận có trách nhiệm về hơn 55 vụ đánh bom tự sát đã xẩy ra từ 18 tháng qua, chưa kể những vụ đánh bom trước đó. Hơn nữa nếu Arafat lên án những việc làm của 3 nhóm quá khích chuyên đánh bom tự sát, các tổ chức này sẽ quay ngược lại chống đối ông ta, chính quyền Arafat sẽ mất hẳn một lợi khí trong tay để làm cần bẩy và rút cuộc nội bộ Palestine sẽ tan rã. Nhưng nếu Arafat không chịu lên án khủng bố, nghĩa là không chịu "làm bổn phận" về phía mình thì sao" Israsel lại tiếp tục tấn công dữ dội hơn để không những tiễu trừ khủng bố mà còn "tiêu diệt dân quân Palestine", nghĩa là phá vỡ cơ cấu chính quyền tự trị của Arafat. Người ta hiểu tại sao Mỹ không gắt gao đối với sự rút quân câu giờ của Israel. Đó là sức ép chờ sẵn, và còn thêm sức ép nữa là Mỹ đòi các nước Ả rập cũng phải làm áp lực để Arafat tố cáo khủng bố. Vậy Arafat sẽ trả lời như thế nào"

Người ta đã thấy câu trả lời từ trước. Khi Mỹ bị khủng bố đánh bằng "bom phi cơ tự sát", chính Arafat đã vội vã lên án khủng bố bằng...tiếng Anh. Lần này có khác chăng" Từ mấy ngày qua những người đại diện cho Arafat ở Mỹ cũng như ở Jerusalem bỗng thấy đua nhau tố cáo Israel cũng là khủng bố. Họ lên tiếng trên các đài truyền hình lớn của Mỹ, nói khi một nước dùng sức mạnh quân sự reo rắc kinh hoàng cho một dân tộc khác, thì đó là "khủng bố quốc gia". Hiển nhiên phía Palestine đã chuẩn bị trước cho Arafat lên tiếng công khai "chống khủng bố" với cái đuôi thòng theo, tố cáo ngược lại là Israel cũng là "quân khủng bố".

Liệu Powell có chấp nhận cái đuôi thòng đó không" Chúng tôi nghĩ khó lòng một ông Ngoại trưởng Mỹ chấp nhận như vậy, bởi vì không những nó quật ngược lại Israel đang bị nạn bom tự sát mà còn quật ngược lại cả Mỹ, nếu nhìn đến những việc Mỹ đang làm ở Afghanistan. Chấp nhận kiểu vơ đũa cả nắm "khủng bố quốc gia" có nghĩa là mặt trận chống khủng bố của Mỹ trên toàn thế giới không còn lý do để tồn tại.

Sau cuộc họp với Sharon được tán thưởng bằng một quả bom tự sát, người ta đã thấy trước kết quả cuộc họp giữa Powell và Arafat. Nếu ông chịu khó đi họp, vai trò của một Ngoại trưởng Mỹ chỉ là con én đưa thoi. Và giữa mắt bão, chỉ sợ con én sẽ gãy cánh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.