Bản tin ngày 19-9-2008 của Đài VOA viết như sau.
Hàng trăm tín đồ Công Giáo đã tụ họp tại trung tâm thủ đô Hà Nội hôm thứ Sáu để cầu nguyện sau khi chính quyền đưa cảnh sát và xe ủi đất tới dọn dẹp một miếng đất đang bị tranh chấp và biến miếng đất này thành một công viên.
Theo tin của Thông Tấn Xã Đức DPA, các linh mục cho hay công nhân xây cất tới miếng đất này lúc 4 giờ sáng, phá tường và tháo gỡ những vật dụng trên miếng đất thuộc Tòa Khâm Sứ cũ, cạnh Nhà Thờ Lớn Hà Nội.
Giáo dân và các linh mục đã có mặt trên miếng đất này trong nhiều tháng nay, kể từ mùa Đông năm ngoái, để đòi chính quyền trao trả tài sản này lại cho Giáo Hội. Linh mục Nguyễn Văn Khải thuộc giáo xứ Thái Hà đang cư ngụ trong Nhà Thờ Lớn nói với Thông Tấn Xã DPA rằng khoảng 200 cảnh sát và 2 xe ủi đất đã tới đây lúc 4 giờ sáng, và vào lúc 4 giờ 30, họ phá tường và các vật dụng trên miếng đất, rồi phong tỏa toàn bộ khu vực này khiến không ai ra vào được.
Ông Nguyễn Thịnh Thanh thuộc Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội cho hay chính quyền đang dọn dẹp miếng đất để xây cất một thư viện và một công viên cho dân chúng. Theo ông, chính quyền không phải xin phép giáo xứ vì miếng đất này trực thuộc nhà nước.Tin của DPA cho biết vài trăm giáo dân đã tới tụ họp trên đường phố đối diện với miếng đất trước sự canh chừng của vài chục cảnh sát mặc thường phục và đồng phục. Linh mục Khải nói với DPA rằng tín đồ Công Giáo đang tranh đấu cho hòa bình, công lý, và sẵn sàng chết. Cảnh sát đã ngăn chặn xe cộ lưu thông quanh khu vực Tòa Khâm Sứ cũ, nhưng giáo dân và sinh viên vẫn đi chân ra vào khu vực này.
Ông Thanh của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội nói rằng sẽ không có biện pháp trừng phạt nhắm vào các giáo dân từng đến đây cầu nguyện, ngoại trừ trường hợp họ có những hành động quá khích khiến cảnh sát phải can thiệp.
Cũng tin của DPA cho hay theo ông Thanh, chính quyền đã thông báo cho giáo xứ biết trước về các hành động của chính quyền sáng thứ Sáu, nhưng các linh mục tại đây cho hay họ không nhận được một lời thông báo nào.
Trang điện tử của Thanh Niên trích trang web của chính phủ Việt Nam cho biết hôm 18/9, Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm và các cơ quan liên hệ đã tổ chức công bố quy hoạch dự án xây dựng công viên cây xanh tại 42 Nhà Chung, Phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch là 6.845,6m2 sẽ được xây dựng thành công viên vườn hoa, tiểu cảnh hài hòa với tòa nhà 3 tầng hiện có, và dự kiến sẽ chuyển thành phòng đọc, thư viện sau khi chỉnh trang lại.
Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội cũng đã có công văn giao
Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư dự án xây dựng công viên cây xanh tại khu đất này.
Cũng theo trang điện tử của Thanh Niên, trong cuộc họp báo ngày thứ Sáu, khi trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ việc về quyền sở hữu và sử dụng đất tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết việc một số người chiếm giữ trái phép khu đất tại 178 Nguyễn Lương Bằng là hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản nhà nước và gây mất trật tự công cộng.
Theo ông Lê Dũng, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội và Quận Đống Đa đã và đang nỗ lực giải quyết vụ việc, kiên trì thuyết phục những người tổ chức và tham gia khiếu kiện chấm dứt những hành vi sai trái này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói rằng nếu giáo xứ Thái Hà có nhu cầu xin đất để sử dụng vì mục đích tôn giáo thì phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ông Lê Dũng cho biết mọi vấn đề liên quan đến khiếu kiện đất đai của giáo xứ Thái Hà sẽ được giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Bản tin cùng ngày 19-9-2008 của đài RFA ghi nhận tình hình một phóng viên AP bị đánh như sau.
Tin tức cũng cho biết là ông Ben Stocking, trửơng văn phòng tại Hà nội của hãng thông tấn AP khi đang tác vụ đã bị công an bắt và đánh đập.
Qua đường dây viễn liên từ Hà nội, ông Ben Stocking, 49 tuổi kể lại rằng ông vào tòa khâm sứ để lấy tin. Ông chụp hình và công an cảnh báo ông rằng khu vực này hiện cấm chụp hình.
Ông bị công an mặc thừơng phục bắt dẫn đi ngay sau khi đến hiện trừơng chỉ vài phút. Khi ông yêu cầu trả lại ông máy hình, thì ngừơi công an này trả lời bằng mấy cú đấm và đá.
Ông Stocking bị giữ tại đồn công an trong hai tiếng đồng hồ. Ông nói là một công an dùng máy hình của ông để đánh ông vào đầu trong khi một công an khác đấm thẳng vào mặt ông. Khi đựơc thả ra, ông phải vào bệnh viện khâu bốn mũi ở đầu và họ vẫn không trả lại máy hình của ông.
Hãng thông tấn AP đã chính thức lên tiếng phản đối nhà nước Việt Nam, yêu cầu xin lỗi và trả lại tài sản cho ông Stocking.Ông John Daniszewski, biên tập viên trưởng phần tin quốc tế của AP tuyên bố rằng hành sử của công an Việt Nam với một nhà báo là không thể chấp nhận đuợc trong một quốc gia văn minh. Ông nói thêm rằng phóng viên Ben Stocking đang tác vụ một cách ôn hòa, hợp lý và chuyên nghiệp khi bị dẫn ra khỏi hiện trường và bị đánh đập một cách tàn nhẫn.
Một bản tin khác của đài RFA đã phỏng vấn Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt và được ngài kể laị với phóng viên Trà Mi:“Toà Tổng Giám Mục chúng tôi rất là buồn bởi vì thấy mình không được tôn trọng. Công việc Toà Khâm Sứ thì đã diễn ra cách đây 8-9 tháng rồi, đang cũng có đối thoại đối với nhà nước, giữa Toà Tổng Giám Mục với Nhà Nuớc, cũng như giữa Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với Nhà Nước, thì đùng một cái nhà nuớc làm mà chúng tôi không hề được biết trước, nên chúng tôi rất là buồn. Hơn nữa, về phương diện luật pháp về việc quy hoạch dân cư công cộng hay là việc xây dựng thì cũng đều phải loan báo cho người dân, niêm yết trước cái quy hoạch đó để cho người dân người ta góp ý.
Còn bây giờ một công việc lớn lao như thế này mà nhà nước không hề cho chúng tôi biết trước thế thì chúng tôi thấy rất là buồn bởi vì nhà nước đã đơn phương bẻ gãy cuộc đối thoại và đồng thời cũng đơn phương quyết định làm cái công việc đó mà không hề tham khảo ý kiến của chúng tôi. Chúng tôi rất lấy làm buồn về điều đó.
Chúng tôi cũng đã lên tiếng phản đối. Tôi đã gửi những đơn thư phản đối đến các cấp chính quyền, từ cấp cao nhất cho đến cấp thấp nhất, gửi Chủ Tịch Nhà Nước, Thủ Tướng cũng như là Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố, Quận và các cơ quan liên hệ...”